1.Thế nào là “người thứ ba ngay tình”?
Ông Võ Văn X. và ông Ngô Văn H. thỏa thuận ký hợp đồng mua bán xe chuyên dụng cẩu hàng, nhưng không tiến hành thủ tục công chứng mà chỉ nhờ hai người bạn cùng làm ăn chung làm chứng việc ký kết. Sau đó, ông H. bán xe lại cho bà Trần Thị Hồng L., hai bên đã thực hiện đầy đủ các thủ tục mua bán và bà L. là người sử dụng hợp pháp chiếc xe cẩu hàng nói trên. Thực chất, giao dịch dân sự giữa ông X. và ông H. xác lập là giao dịch vô hiệu do vi phạm điều kiện về hình thức. Bà L. có được chiếc xe cẩu hàng hiệu WICKER là đối tượng của một giao dịch dân sự trước đó bị vô hiệu. Thực tế bà L. đã xác lập và thực hiện một giao dịch dân sự nhưng lại không đạt được lợi ích mà bà mong muốn, mặc dù đã tuân thủ đúng các điều kiện khi tham gia vào giao dịch đó. Pháp luật dân sự gọi bà L. và những trường hợp tương tự là
“người thứ ba ngay tình”.
Tuy Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 không đưa ra định nghĩa chung về sự “
ngay tình” (
good faith) trong giao dịch dân sự, nhưng có thể hiểu sự ngay tình chính là việc người thứ ba căn cứ vào việc tài sản đã được đăng ký nên mới tin rằng người chuyển giao tài sản cho mình là người sử dụng hay chủ sở hữu hợp pháp của tài sản, và do đó mới xác lập, thực hiện giao dịch.
Điều 133 BLDS năm 2015, quy định về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự bị vô hiệu, như sau:
“1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.
2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.
3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”.
Điều 167 BLDS năm 2015, quy định về quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình:
“Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.
Như vậy, quyền lợi của người thứ ba không được bảo vệ trong trường hợp chủ hở hữu đòi lại tài sản mà tài sản đó là động sản không phải đăng ký do người chiếm hữu ngay tình có được thông qua hợp đồng không có đền bù hoặc tài sản đó do bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu. Tuy nhiên, quy định này cũng chưa được rõ ràng, bởi BLDS năm 2015 không quy định trách nhiệm có chủ sở hữu phải chứng minh cho tư cách chủ sở hữu của mình thì quyền đòi lại tài sản của chủ sở hữu nên bác bỏ và quyền đòi lại tài sản của người thứ ba ngay tình nên được bảo vệ. Điều đó, sẽ hợp lý, nếu đó là người nhận tư cách mình chủ sở hữu của tài sản một cách vô lý, có dụng ý nhằm chiếu hữu tài sản bất hợp pháp. Tuy nhiên, trên thực tế để chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với động sản không phải đăng ký là không đơn giản, vì không có giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, do vậy, có thể xảy ra tình trạng là chủ sơ hữu đích thực của tài sản ấy nhưng thiếu cơ sở pháp lý. Cũng có tình trạng, chủ thể tự nhận mình là chủ sở hữu của tài sản và thực hiện quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình. Như vậy, quy định này dẫn tới việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chủ sở hữu tài sản đích thực, cũng như quyền lợi của người thứ ba ngay tình chưa thật sự đảm bảo tuyệt đối.
Nghiên cứu quy định tại Điều 133 BLDS năm 2015, có thể xác định 4 yếu tố để được coi là
“người thứ ba ngay tình”, gồm:
Một là, khi người thứ ba tham gia vào giao dịch dân sự thì trước đó đã có một giao dịch dân sự được xác lập và thực hiện về cùng một đối tượng giao dịch nhưng giao dịch dân sự này bị vô hiệu.
Hai là, người thứ ba khi xác lập giao dịch phải
“ngay tình”, tức là họ không biết hoặc không thể biết rằng mình tham gia vào giao dịch dân sự với người không có quyền định đoạt tài sản, hoặc đối tượng của giao dịch liên quan đến giao dịch trước đó.
Ba là, tài sản giao dịch phải được phép lưu thông. Nếu là hàng cấm, vật cấm lưu thông (vũ khí, ma túy, động vật hoang dã quý hiếm…). thì người thứ ba buộc phải biết mình xác lập giao dịch dân sự với đối tượng này là không hợp pháp. Trường hợp này, rõ ràng người thứ ba tham gia giao dịch không được coi là
“ngay tình” và không được pháp luật bảo vệ.
Bốn là, giao dịch dân sự được xác lập với người thứ ba phải thông qua một giao dịch dân sự có đền bù như chuyển nhượng, mua bán, …Trường hợp giao dịch dân sự với người thứ ba đối với tài sản là động sản mà thông qua một giao dịch không có đền bù, như: tặng, cho,… thì người thứ ba mặc dù ngay tình nhưng cũng không được pháp luật bảo vệ quyền lợi và phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu hay người chiếm hữu hợp pháp.
Cũng xin nói thêm, chế định người thứ ba ngay tình trong BLDS năm 2015 có một số điểm khác so với BLDS năm 2005, cụ thể:
+BLDS năm 2015 quy định rộng hơn và rõ nghĩa hơn về đối tượng giao dịch. Tài sản theo quy định tại Điều 105 BLDS năm 2015, bao gồm hai loại là động sản và bất động sản, nếu người thứ ba ngay tình căn cứ vào việc tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà xác lập giao dịch thì người thứ ba ngay tình được bảo vệ.
+Quy định giao dịch của người thứ ba ngay tình không bị vô hiệu trong trường hợp tham gia vào giao dịch tài sản phải đăng ký mà giao dịch trước đó đã thực hiện việc đăng ký. Quy định này đã bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người thứ ba ngay tình, vốn luôn bị yếu thế khi tham gia vào các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, nếu giao dịch về tài sản phải đăng ký trước đó chưa thực hiện việc đăng ký thì giao dịch tài sản đó của người thứ ba ngay tình bị coi là vô hiệu. Việc quy định bảo vệ
“người thứ ba ngay tình” trong trường hợp tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền là phù hợp với nguyên tắc đăng ký bất động sản theo khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013;…
+Quy định chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình. Bởi về nguyên tắc, quy định này đồng thời bảo vệ quyền lợi chủ sở hữu thực sự của tài sản và của cả người thứ ba ngay tình khi tham gia các giao dịch dân sự liên quan đến đối tượng giao dịch cùng là một tài sản. Tuy nhiên, trên thực tiễn, quy định này rõ ràng có lợi hơn cho người thứ ba ngay tình và làm hạn chế đi quyền lợi của chủ sở hữu thực sự của tài sản. Bởi nếu chủ sở hữu thực sự của tài sản khởi kiện và thắng kiện thì việc thi hành án để đòi bồi thường là không dễ dàng, nhất là các hợp đồng liên quan đến bất động sản và động sản có giá trị lớn.
2. Thế nào là “chuyển giao tài sản”?
Theo quy định tại đoạn 1 khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015, nếu đối tượng giao dịch là tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba và người này đã đưa vào việc đăng ký đó để xác lập, thực hiện giao dịch đó thì giao dịch đó không vô hiệu, điều này đồng nghĩa với quyền lợi của người thứ ba được bảo vệ. Tuy nhiên, không phải mọi trong trường hợp khi chủ thể đăng ký quyền sở hữu tài sản tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì đều là chủ sở hữu đích thực của tài sản đó. Bởi có trường hợp chủ thể có được tài sản bằng thủ đoạn gian dối hoặc bằng hành vi bất hợp pháp mà không bị phát hiện, rồi họ thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản đó bởi cơ quan nhà nước. Như vậy, mặc nhiên người này trở thành chủ sở hữu tài sản đó. Điều này sẽ thực sự khó khăn, vì không bảo vệ được quyền lợi đích thực của chủ sở hữu tài sản, còn quyền lợi của người thứ ba ngay tình thì được bảo đảm.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015, có thể hiểu: Nếu hợp đồng mua bán nhà bị tuyên vô hiệu nhưng quyền sở hữu nhà liên quan của người mua đã được đăng ký hợp lệ và người mua sau đó bán lại nhà đó cho một người khác và người này tin rằng người mua ban đầu là chủ sở hữu nhà được bán lại do có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà khi mua lại thì giao dịch bán lại nhà không bị vô hiệu. Tuy nhiên, vướng mắc tại quy định này là ở chỗ thuật ngữ “
chuyển giao” được hiểu như thế nào cho đúng? Trường hợp đem tài sản thế chấp tại Ngân hàng để bảo đảm hợp đồng vay, thì có được coi là chuyển giao tài sản hay không?
Theo quy định của BLDS năm 2015, chuyển giao tài sản có thể là chuyển giao về mặt vật lý - giao tài sản. Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm chuyển giao, nếu pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận khác (Điều 161); Quyền hưởng dụng được xác lập từ thời điểm nhận chuyển giao tài sản,…(Điều 259); Nghĩa vụ phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá… (Điều 274). Cũng có thể là chuyển giao về mặt pháp lý. Khi chuyển giao tài sản về mặt pháp lý, nghĩa là việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản thông qua hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, cho vay,...
Điểm d khoản 2 Điều 106, Luật Đất đai năm 2013, quy định:
“Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.”
Khoản 10 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, có giải thích thuật ngữ “c
huyển quyền sử dụng đất”, theo đó, chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Từ đó có thể thấy, việc chuyển giao tài sản về mặt pháp lý theo BLDS năm 2015 và Luật Đất đai năm 2013 đều được hiểu là
chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng hợp pháp. Như vậy, không thể coi việc cầm cố hay thế chấp tài sản là việc chuyển giao tài sản để ngân hàng nhận cầm cố hay thế chấp có thể hưởng lợi từ quy định bảo vệ bên thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch liên quan đến tài sản được cầm cố hay thế chấp được xác lập trước đó bị vô hiệu.
Cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015, trường hợp một người được công nhận là chủ sở hữu tài sản theo bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền, sau đó người này
không đăng ký quyền sở hữu tài sản mà chỉ căn cứ trên bản án, quyết định đó xác lập giao dịch với người thứ ba thì giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực mặc dù sau đó bản án, quyết định đó bị hủy, sửa. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong trường hợp giao dịch được xác lập với người thứ ba theo quy định của pháp luật phải có Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản
(Điều 118 Luật Nhà ở năm 2014; khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai năm 2013) và giao dịch dân sự đó phải được công chứng chứng thực (Khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014, điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013) thì những giao dịch với người thứ ba nêu trên đã vi phạm về hình thức vì chưa có giấy chứng nhận nên chưa đủ điều kiện công chứng, chứng thực hợp đồng. Trong trường hợp này phải căn cứ vào khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015 để công nhận giao dịch với người thứ ba ngay tình hay căn cứ vào Điều 129 BLDS năm 2015 để xử lý giao dịch vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.
Theo tác giả, trường hợp này nếu giao dịch với người thứ ba ngay tình không tuân thủ hình thức theo luật định thì vẫn phải căn cứ vào Điều 129 BLDS năm 2015 để công nhận hay không công nhận giao dịch với người thứ ba ngay tình. Như vậy, sẽ đảm bảo công bằng, tránh trường hợp người đã xác lập giao dịch với người thứ ba phát hiện nguy cơ giao dịch với chủ sở hữu ban đầu có thể bị tuyên vô hiệu nên chuyển giao tài sản cho bên thứ ba để trốn tránh nghĩa vụ hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu. Cũng có ý kiến cho rằng, khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015 không quy định rõ bản án, quyết định công nhận quyền sở hữu tài sản là bản án, quyết định nào (sơ thẩm, phúc thẩm). Thực tế có trường hợp bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định hành chính công nhận quyền sở hữu tài sản cho một chủ thể, sau đó bị kháng cáo, bị khiếu nại. Bản án phúc thẩm, quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ nhất và lần thứ hai đều không công nhận quyền sở hữu của chủ thể đó. Theo tác giả, dù khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015 không quy định rõ, nhưng về nguyên tắc chỉ những bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn luật định, thì mới có hiệu lực thi hành; quyết định của cơ quan có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu đã có hiệu lực pháp luật. Chẳng hạn, Theo nội dung vụ kiện, năm 2011, vợ chồng ông Nguyễn T. ký hợp đồng vay vốn ngân hàng để kinh doanh bất động sản. Tài sản bảo đảm gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Nguyễn T. và bà Nguyễn Thị H., với các thửa đất diện tích lần lượt là 143,2 m2, 307,9 m2, 451,6 m2. Tính đến năm 2016, vợ chồng ông T., bà H. còn nợ ngân hàng tổng số tiền 28,9 tỷ đồng gồm nợ gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn. Khi ngân hàng khởi kiện đòi nợ mới phát hiện nguồn gốc nhà đất trên thuộc quyền sở hữu của bên thứ ba, việc chuyển nhượng có dấu hiệu giả tạo. Các chủ tài sản trình bày¸ năm 2010, vì có quan hệ họ hàng nên cho vợ chồng ông T., bà H. mượn GCNQSDĐ của gia đình. Các bên đã đồng thuận ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất và công chứng chứng thực. Thực chất, hợp đồng chuyển nhượng nhằm che đậy giao dịch khác, như bất động sản diện tích 451,6 m2 thuộc quyền sử dụng hợp pháp củagia đình bà Nguyễn Thị M., giá trị thực là 12 - 13 tỷ đồng nhưng hai bên chỉ thỏa thuận trong hợp đồng chuyển nhượng giá trị là 600 triệu đồng. Từ sau thời điểm chuyển nhượng, gia đình bà M. tiếp tục sinh sống ổn định tại nhà đất trên.
Bản án cấp sơ thẩm TAND quận Đ tuyên hủy cả ba hợp đồng chuyển nhượng giữa các chủ tài sản với ông Nguyễn T., bà Nguyễn Thị H., đồng thời tuyên bố các hợp đồng thế chấp tài sản bị vô hiệu. Ngân hàng kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị xem xét lại các hợp đồng thế chấp. Tại bản án phúc thẩm của TAND TP H, nhận định, các bên tham gia giao dịch ủy quyền, chuyển nhượng không có người chứng kiến, không thông báo cho ngân hàng. Ngân hàng là bên thứ ba ngay tình (bên có liên quan đến giao dịch dân sự vô hiệu, không biết và không thể biết đối tượng của giao dịch là tài sản bất minh do chủ sở hữu trước đó xác lập giao dịch dân sự vô hiệu). Văn bản mượn sổ đỏ không có giá trị pháp lý vì nếu thừa nhận sẽ tạo tiền lệ xấu để các bên cho mượn sổ đỏ thế chấp ngân hàng rồi thoái thác trách nhiệm. Vì vậy, Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định hủy bỏ các hợp đồng chuyển nhượng. Sửa một phần bản án sơ thẩm, căn cứ khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015, công nhận các hợp đồng thế chấp tài sản tại ngân hàng có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy không phải hoạt động đấu giá nào cũng bảo đảm tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật, chính vì vậy, sẽ có những giao dịch thông qua đấu giá bị coi là vô hiệu. Cụ thể một số trường hợp sau:
+Trường hợp thứ nhất: A trộm cắp được chiếc xe máy, A làm giấy tờ đăng ký giả bởi tên mình. A mang xe đến bán đấu giá. Phiên đấu giá diễn ra đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định. B mua được chiếc xe máy của A. Tổ chức bán đấu giá và B hoàn toàn không biết và cũng không thể biết về nguồn gốc chiếc xe máy mà A đem ra đấu giá.
+Trường hợp thứ hai: A trộm cắp được chiếc xe máy, A làm giấy tờ đăng ký giả bởi tên mình. A mang xe đến bán đấu giá. Phiên đấu giá diễn ra vi phạm trình tự, thủ tục pháp luật quy định về đấu giá. B mua được chiếc xe máy của A. B hoàn toàn không biết và cũng không thể biết về nguồn gốc chiếc xe máy mà A đem ra đấu giá, cũng như những vi phạm pháp luật về phiên đấu giá đã diễn ra.
+Trường hợp thứ ba: A trộm cắp được chiếc xe máy, A làm giấy tờ đăng ký giả bởi tên mình. A mang xe đến bán đấu giá. Phiên đấu giá diễn ra vi phạm trình tự, thủ tục pháp luật quy định về đấu giá. B mua được chiếc xe máy của A. B hoàn toàn không biết và cũng không thể biết về nguồn gốc chiếc xe máy mà A đem ra đấu giá, nhưng biết được những vi phạm pháp luật về phiên đấu giá đã diễn ra.
+Trường hợp thứ tư: A trộm cắp được chiếc xe máy, A làm giấy tờ đăng ký giả bởi tên mình. A mang xe đến bán đấu giá. Tổ chức đấu giá biết rõ hành vi vi phạm pháp luật của A, nhưng vẫn tổ chức bán đấu giá theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định về đấu giá. B mua được chiếc xe máy của A. B hoàn toàn không biết và cũng không thể biết về nguồn gốc chiếc xe máy mà A đem ra đấu giá.
Xoay quanh những trường hợp này, có những ý kiến khác nhau như sau:
+Ý kiến thứ nhất: A không có quyền đòi lại tài sản trong trường hợp thứ nhất. Các trường hợp còn lại, A được quyền đòi lại tài sản. Bởi ngoài trường hợp thứ nhất, các trường hợp còn lại đều có chung đặc điểm là vi phạm trình tự, thủ tục tiến hành phiên đấu giá mà pháp luật quy định. Lỗi thuộc về tổ chức bán đấu giá, do đó, coi như bán đấu giá không thành.
+Ý kiến thứ hai: Trong các trường hợp trên, B đều được coi là người thứ ba ngay tình, nên chủ sở hữu không được kiện đòi lại tài sản. Với trường hợp thứ ba, tuy B biết có việc vi phạm pháp luật quy định về đấu giá, nhưng lại không biết nguồn gốc về tài sản.
Theo quan điểm của tác giả, căn cứ vào Điều 48 Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ, quy định về bán đấu giá, thì cả 4 trường hợp trên, kết quả bán đấu giá đều phải bị hủy bỏ, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu , hoàn trả tài sản đã nhận. B phải hoàn trả lại tài sản cho Tổ chức bán đấu giá và được quyền yêu cầu Tổ chức bán đấu giá hoàn lại tiền đã mua xe. Do đó, việc quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015, đồng nhất bảo vệ quyền cho chủ thể là người thứ ba ngay tình thông qua hoạt động bán đấu giá là chưa phù hợp
3. Chủ thể có nghĩa vụ hoàn trả và bồi thường cho chủ sở hữu khi giao dịch dân sự trước đó bị coi là vô hiệu
BLDS năm 2015 công nhận hiệu lực giao dịch với người thứ ba ngay tình xác lập sau khi tài sản đã được đăng ký quyền sở hữu thì nghĩa vụ hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu đã chuyển qua cho người đã xác lập giao dịch với người thứ ba và những chủ thể có liên quan. Khoản 3 Điều 133 BLDS năm 2015 dành quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho chủ sở hữu như sau:
“Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 điều này nhưng có quyền khởi kiện yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”. Vấn đề cần xác định ở đây là chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba là những chủ thể nào. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công chứng, chứng thực giao dịch trái pháp luật, Ủy ban nhân dân thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy tờ sở hữu tài sản sai thẩm quyền, thủ tục, cấp trái pháp luật… thì có được xem là có lỗi dẫn đến việc xác lập giao dịch với người thứ ba? Mặt khác, theo quy định mới của BLDS năm 2015, việc tài sản đã được đăng ký quyền sở hữu là một trong những căn cứ quan trọng để công nhận hiệu lực giao dịch với người thứ ba ngay tình, do đó, cũng cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc đăng ký quyền sở hữu tài sản khi lập thủ tục đăng ký không đúng trình tự thủ tục do luật định.
Theo tác giả, chủ thể có lỗi đề cập tại khoản 3 Điều 133 BLDS năm 2015 tương đối bao quát hơn, không chỉ chủ thể tham gia giao dịch mà còn là các chủ thể có liên quan đến giao dịch. Trong trường hợp có cơ sở xác định tổ chức, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không tiến hành đúng trình tự, thủ tục trong việc đăng ký quyền sở hữu tài sản thì cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với những thiệt hại của chủ sở hữu ban đầu, bởi vì tài sản được đăng ký là cơ sở để công nhận giao dịch với người thứ ba. Trong trường hợp chủ sở hữu yêu cầu bồi thường thì áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra để xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức công chứng, chứng thực và cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu tài sản. Việc xác định trách nhiệm bồi thường của các chủ thể trong trường hợp này sẽ tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hạn chế trường hợp đăng ký không đúng trình tự, thủ tục dẫn đến thiệt hại cho chủ sở hữu tài sản, đồng thời cũng sẽ bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của chủ sở hữu khi công nhận giao dịch với người thứ ba, giảm thiệt hại trong trường hợp người có nghĩa vụ (bên đã xác lập giao dịch với người thứ ba) không có khả năng để bồi thường.
Vấn đề khác đặt ra là khi có nhiều chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch với người thứ ba gây thiệt hại cho chủ sở hữu thì trách nhiệm bồi thường là trách nhiệm riêng lẻ theo mức độ lỗi hay trách nhiệm liên đới. BLDS năm 2015 không quy định lỗi và mức độ lỗi, căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường theo mức độ lỗi. Do vậy, việc xác định lỗi và trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các chủ thể trong trường hợp này phải có sự đánh giá khách quan, căn cứ vào tính chất của từng vụ án tranh chấp. Đặc biệt, không thể chỉ xác định trách nhiệm của người đã xác lập giao dịch với người thứ ba mà loại trừ trách nhiệm của các chủ thể khác.
Khoản 3 Điều 133 BLDS năm 2015 quy định chủ sở hữu có quyền khởi kiện yêu cầu người đã có lỗi dẫn đến xác lập giao dịch với người thứ ba phải “
hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”. BLDS năm 2015 lại không quy định “
chi phí hợp lý” là những chi phí nào và những khoản nào được coi là “
thiệt hại”. Mặt khác, khi giao dịch dân sự ban đầu bị tuyên vô hiệu thì phải hoàn trả lại cho chủ sở hữu khoản lợi thu được từ việc xác lập giao dịch với bên thứ ba hay hoàn trả lại những gì đã nhận theo nguyên tắc xử lý hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu? Theo quy định tại Điều 131 BLDS năm 2015:
“Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả”. Vậy, giá thành tiền theo quy định này được hiểu trị giá tại thời điểm tiến hành giao dịch giữa hai bên hay tại thời điểm Tòa án tuyên bố giao dịch đó bị coi là vô hiệu?
Thông thường phần lớn tài sản được hoàn trả không phải lúc nào cũng còn nguyên giá trị như thời điểm giao kết, mà giá trị tài sản có thể bị giảm đi do hao mòn tự nhiên, do sự tác động của con người hoặc do quy luật kinh tế thị trường. Do đó, trường hợp xem xét nghĩa vụ hoàn trả khi giao dịch dân sự ban đầu vô hiệu, xác định giá trị tài sản, nghĩa vụ phải hoàn trả, phải cân nhắc kỹ đến các yếu tố này, đặt biệt là vấn đề trượt giá để đảm bảo lẽ công bằng. Theo quan điểm của tác giả, khi Tòa án tuyên bố giao dịch ban đầu vô hiệu và công nhận giao dịch với bên thứ ba ngay tình, các bên trong giao dịch ban đầu phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên xác lập giao dịch với người thứ ba ngay tình phải hoàn trả lại cho chủ sở hữu giá trị tài sản tính tại thời điểm xác lập giao dịch. Phần chênh lệch giữa giá trị tài sản tại thời điểm xác lập giao dịch ban đầu và thời điểm hoàn trả được xem xét là thiệt hại chứ không nằm trong phạm vi hoàn trả. Trường hợp có sự chênh lệch giá gây thiệt hại cho chủ sở hữu ban đầu thì các chủ thể có lỗi dẫn đến xác lập giao dịch với bên thứ ba phải bồi thường cho chủ sở hữu ban đầu. Xác định nghĩa vụ hoàn trả và bồi thường thiệt hại khi giao dịch vô hiệu trong trường hợp có sự chênh lệch giá là vấn đề phức tạp. Để tạo sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng trong thực tiễn, thiết nghĩa, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể các quy định tại Điều 131, Điều 133 BLDS năm 2015.
4. Về việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của vợ chồng
Khoản 1 Điều 28 Luật Hôn nhân và gia đình (Luật HN&GĐ) năm 2014, công nhận chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận. Theo đó Luật cho phép vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận. Điều 47 của Luật này quy định, trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. và vợ chồng có thể thỏa thuận về xác định tài sản theo một trong các nội dung sau:
Một là, tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng;
Hai là, giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung;
Ba là, giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó;
Bốn là, xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng (khoản 1 Điều 15 Nghị định 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Hôn nhân và gia đình), viết tắt Nghị định 126/2014/NĐ-CP. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản đó hoặc áp dụng chế độ tài sản theo luật định. Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật theo quy định tại Điều 17
[1] Nghị định 126/2014/NĐ-CP. Việc quy định cho phép áp dụng chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận giúp cho các giao dịch liên quan đến tài sản vợ chồng được rõ ràng và thông thoáng hơn, các bên có thể nhanh chóng xác định được tài sản trong giao dịch là tài sản chung hay tài sản riêng vợ chồng cũng như xác định được bên có quyền xác lập, thực hiện giao dịch đối với khối tài sản đó.
Bên cạnh đó, để đảm bảo lợi ích bên thứ ba có đầy đủ thông tin khi thực hiện giao kết với vợ chồng, Luật HN&GĐ năm 2014 quy định thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực và trong giao dịch với người thứ ba (ví dụ giao dịch bảo đảm với tổ chức tín dụng), vợ chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan, như: ai là chủ sở hữu tài sản? Phần tài sản nào thuộc quyền sở hữu của ai?.... Nếu vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ này thì người thứ ba được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của BLDS năm 2015; Điều 47 Luật HN&GĐ năm 2014; Điều 16 Nghị định 126/2014/NĐ-CP. Quy định này cũng được áp dụng tương tự trong trường hợp sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng. Theo đó, để đảm bảo quyền lợi, tổ chức tín dụng khi thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản vợ, chồng nên yêu cầu vợ, chồng xác nhận việc có/không có thỏa thuận áp dụng chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, nội dung của thỏa thuận nếu có xác lập thỏa thuận.
Luật HN&GĐ năm 2014 quy định trong trường hợp vợ chồng lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận thì các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng. Trường hợp áp dụng chế độ tài sản vợ chồng theo luật định hoặc trong thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng không quy định về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản chung thì việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Vợ chồng có thể cùng xác lập giao dịch với bên thứ ba liên quan đến tài sản chung vợ chồng; hoặc đại diện cho nhau để xác lập thực hiện giao dịch với bên thứ ba theo quy định về đại diện tại Luật hôn nhân và gia đình và Bộ luật dân sự; hoặc cùng thỏa thuận cho một người được toàn quyền định đoạt đối với khối tài sản chung.
Đồng thời, Luật này có quy định rõ, một bên vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung vợ chồng mà không cần có thỏa thuận chung vợ chồng vẫn được pháp luật công nhậntrong các trường hợp sau đây:
(i). Khi áp dụng chế độ tài sản vợ chồng theo luật định, trong trường hợp vợ chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung (không bao gồm tài sản là bất động sản, động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình) để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia (Khoản 1 Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP). Nhu cầu thiết yếu, là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình.
(ii). Trường hợp vợ chồng kinh doanh chung thì vợ hoặc chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh được xác định là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó (trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác). Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó (thỏa thuận vợ chồng phải lập thành văn bản, theo Điều 25, 36 Luật HN&GĐ năm 2014).
(iii). Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, cụ thể:
+Vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó (Khoản 1 Điều 32 Luật HN&GĐ năm 2014).
+Vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình (Khoản 2 Điều 32 Luật HN&GĐ năm 2014)
Theo quy định trên, người thứ ba sẽ không được coi là ngay tình trong trường hợp:
+ Đã được vợ, chồng cung cấp thông tin liên quan theo quy định về cung cấp thông tin về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trong giao dịch với người thứ ba;
+ Vợ chồng đã công khai thỏa thuận theo quy định của pháp luật có liên quan về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản và người thứ ba biết hoặc phải biết nhưng vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với thỏa thuận của vợ chồng.
Ths.LS Lê Văn Sua
Văn phòng luật sư Lê Sua
[1] Điều 17. Sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng
1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản đó hoặc áp dụng chế độ tài sản theo luật định.
2. Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.