Bất cập trong giám sát, giáo dục quân nhân phạm tội được hưởng án treo trong thời gian nghỉ chuẩn bị hưu

11/09/2017

Nghỉ chờ hưu hay nghỉ chuẩn bị hưu là một chế độ chính sách của quân đội dành cho quân nhân sau nhiều năm phục vụ trong quân đội có thời gian để chuẩn bị hậu phương gia đình[1]. Khoản 1 Điều 9 Thông tư 153/2017/TT-BQP ngày 26/6/2017 và Khoản 1 Điều 9 Thông tư 113/2016/TT-BQP ngày 23/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về chế độ nghỉ chuẩn bị hưu của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng từ 9 đến 12 tháng tùy thuộc vào thời gian người đó đã tham giacông tác trong quân đội. Trong thời gian nghỉ chuẩn bị hưu, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng vẫn là quân số do Bộ Quốc phòng quản lý mà trực tiếp là đơn vị người đó đã công tác trước khi nghỉ chuẩn bị hưu.
Theo quy định của Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng và các văn bản hướng dẫn thi hành thì trong khoảng thời gian nghỉ chuẩn bị hưu, quân nhân không phải làm việc tại đơn vị quân đội song người đó vẫn thuộc biên chế của quân đội và chịu sự trách nhiệm quản lý của quân đội. Vì thế, quân nhân trong thời gian nghỉ chuẩn bị hưu phạm tội mà được hưởng án treo thì vẫn phải giao cho đơn vị quân đội giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách án treo. Chỉ khi "người được hưởng án treo không tiếp tục làm việc trong quân đội thì cơ quan cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu làm thủ tục chuyển hồ sơ thi hành án treo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được hưởng án treo cư trú để tổ chức việc thi hành án" theo quy định tại Điều 69 Luật Thi hành án hình sự.Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy đang có bất cập trong việc giao cho đơn vị quân đội giám sát, giáo dục trong trường hợp quân nhân đang trong thời gian nghỉ chuẩn bị hưu phạm tội được hưởng án treo.
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định "Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự".Có thể nói án treo là một chế định thể hiện bản chất nhân đạo của pháp luật hình sự nước ta, thể hiện sự khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội. Xét về bản chất, án treo không phải là hình phạt mà là "biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện". Vì vậy, quy định của pháp luật về điều kiện được hưởng án treo khá chặt chẽ. Đó là các điều kiện sau:
Thứ nhất, bị xử phạt tù không quá 3 năm về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng và tội rất nghiêm trọng.
Thứ hai,có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác; không vi phạm các điều mà pháp luật cấm; chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật.
Thứ ba, có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng.
Thứ tư, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự và có từ hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên trong đó có ít nhất một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự; nếu có một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì phải có từ ba tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự.
Thứ năm, có khả năng tự cải tạo và nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm về tham nhũng.
Trong các điều kiện trên, thì điều kiện có nơi cứ trú cụ thể, rõ ràng là hết sức quan trọng, là điều kiện đảm bảo hiệu quả của hình phạt này. Bởi vì, chỉ khi có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng thì Tòa án mới có thể giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách án treo. Đối với quân nhân phạm tội mà được hưởng án treo thì Tòa án giao cho đơn vị quân đội nơi người đó công tác giám sát, giáo dục.
Luật Cứ trú năm 2006 xác định "nơi cư trú của sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng là nơi đơn vị của người đó đóng quân", trừ trường hợp người đó có nơi cư trú theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật Cư trú. Có một thực tế là thời gian nghỉ chuẩn bị hưu nhằm mục đích để quân nhân chuẩn bị hậu phương gia đình, vì thế họ không phải sinh hoạt, làm việc tại đơn vị mà được trở về tham gia sinh hoạt cùng gia đình.Khoản 3 Điều 9 Thông tư 153/2017/TT-BQP ngày 26/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định "Sĩ quan nghỉ chuẩn bị hưu tại gia đình phải đăng ký thời gian nghỉ với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của gia đình". Theo quy định trên thì trong thời gian nghỉ chuẩn bị hưu, quân nhân chỉ phải đăng ký thời gian nghỉ với chính quyền địa phương nơi cư trú của gia đình chứ không phải đăng ký tạm trú. Đối với quân nhân nghỉ chuẩn bị hưu không có nơi cư trú theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật Cư trú thì nơi cư trú của họ vẫn là tại đơn vị nơi đóng quân chứ không phải là nơi cư trú của gia đình (nếu quân nhân nghỉ chuẩn bị hưu tại gia đình). Nếu trong thời gian nghỉ chờ hưu, quân nhân đó bị kết án và đủ điều kiện được hưởng án treo thì Tòa án vẫn phải giao cho đơn vị quân đội nơi người đó công tác trước khi nghỉ chuẩn bị hưu giám sát, giáo dục.
Đây là bất cập trong việc tổ chức thi hành án treo bởi vì cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục là đơn vị quân đội song trên thực tế nơi sinh hoạt của quân nhân trong thời gian nghỉ chờ hưu lại không phải là ở đơn vị được giao giám sát, giáo dục. Chính bất cập đó đã gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án treo trong việc thực hiện trách nhiệm của mình, bởi người chấp hành án treo không có mặt tại đơn vị thường xuyên. Từ thực tế đó dẫn đến việc bản nhận xét quá trình chấp hành án treo đối với người được hưởng án treo của cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ giám sát, giáo dục khi người chấp hành án treo chuyển đi nơi khác cũng chỉ mang tính hình thức và việc chấp hành án treo đạt hiệu quả không cao.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng cơ quan chức năng cần có quy định cụ thể hơn về việc thực hiện Luật Cư trú đối với quân nhân trong thời gian nghỉ chuẩn bị hưu theo hướng quân nhân nghỉ chuẩn bị hưu tại gia đình thì phải đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương nơi cư trú của gia đình để thuận tiện cho việc quản lý hộ tịch và các vấn đề pháp lý phát sinh khác như việc giám sát, giáo dục người được hưởng án treo là quân nhân trong thời gian nghỉ chuẩn bị hưu.
Nguyễn Duy Nam – Tòa án quân sự Quân khu 4
 
Tham khảo:
Điều 9 Thông tư 153/2017/TT-BQP quy định chế độ nghỉ của Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam như sau:
Điều 9 Thông tư 113/2016/TT-BQP quy định chế độ nghỉ của QNCN, công nhân và viên chức quốc phòng như sau:
 
[1] Xem Điều 9 Thông tư 153/2017/TT-BQP ngày 26/6/2017 và Điều 9 Thông tư 113/2016/TT-BQP ngày 23/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chế độ nghỉ chuẩn bị hưu của sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.