Ngày 24/11/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII đã thông qua Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Bộ luật dân sự năm 2015 quy định nhiều điểm mới mang tính đột phá, ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ hội nhập quốc tế.[1] Bài viết này phân tích quy định mới của Bộ luật dân sự năm 2015 liên quan đến thời hiệu thừa kế và pháp luật tố tụng dân sự có liên quan.
Thời hiệu yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản
Quyền để lại thừa kế và quyền thừa kế là những quyền cơ bản của công dân được pháp luật bảo hộ.
[2] Tuy nhiên, trên thực tế, do việc coi trọng những phong tục tập quán, tình cảm gia đình đã khiến cho không ít người bỏ qua việc đảm bảo thi hành quyền để lại thừa kế và quyền thừa kế. Bên cạnh đó cũng có những trường hợp người để lại thừa kế đã lập di chúc nhưng do thiếu hiểu biết, bản di chúc đó không phù hợp quy định của pháp luật, khiến những người thừa kế lại phải giải quyết tranh chấp bằng pháp luật, làm mất đi tình cảm vốn có.
[3]
Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định:
"Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế". Quy định này đã gây ra bất cập là có nhiều tài sản thừa kế bị tranh chấp nhưng do hết thời hiệu khởi kiện nên người thừa kế tài sản không thể đăng ký quyền sở hữu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như người thừa kế không nắm rõ các quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện chia thừa kế, xuất phát từ tình cảm gia đình, họ tộc, do điều kiện khách quan, hay xuất phát từ sự ràng buộc về đạo lý, truyền thống của dân tộc Việt Nam, con cái không dám yêu cầu chia thừa kế khi cha hoặc mẹ còn sống hoặc cha, mẹ qua đời trong thời gian ngắn.
[4]
Để khắc phục những bất cập về thời hiệu khởi kiện thừa kế trong Bộ luật dân sự năm 2005 và để bảo đảm phù hợp với quyền của người thừa kế, người khác có liên quan đến di sản và những đặc thù về văn hóa, tính chất của di sản, Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thời hiệu thừa kế theo hướng:
- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản thuộc về người chiếm hữu hoặc được lợi một cách ngay tình, liên tục, công khai theo quy định của Bộ luật này về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật theo quy định tại Điều 236 Bộ luật dân sự năm 2015; nếu không có người chiếm hữu hoặc được lợi về tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự thì di sản thuộc về Nhà nước.
- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
- Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Người thừa kế có quyền nộp đơn khởi kiện lại trong trường hợp đã bị Tòa án trả lại đơn khởi kiện do thời hiệu khởi kiện đã hết theo Bộ luật dân sự năm 2005
Như đã phân tích ở trên, thời hiệu yêu cầu chia di sản là bất động sản tăng từ 10 năm theo Bộ luật dân sự năm 2005 lên 30 năm theo Bộ luật dân sự năm 2015. Vì vậy, sẽ phát sinh tình huống pháp lý là những vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế mà trước ngày Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực (01/01/2017) Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì lý do "thời hiệu khởi kiện đã hết" theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 thì nay các đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại? Để giải quyết tình huống pháp lý nói trên, cần căn cứ vào các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại trong các trường hợp sau đây:
a) Người khởi kiện đã có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;
b) Yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;
c) Đã có đủ điều kiện khởi kiện;
d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”
Để hướng dẫn cụ thể quy định trên, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017, hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2017.
Theo đó, Điều 7 của Nghị quyết đã quy định các trường hợp cụ thể mà đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế như sau:
a) Đối với những vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản mà trước ngày 01/01/2017, Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì lý do "thời hiệu khởi kiện đã hết" nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015, thời hiệu khởi kiện vụ án đó vẫn còn, thì người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 và điểm d khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Đối với những vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản mà trước ngày 01/01/2017 đã được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định (trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì thời hiệu khởi kiện đã hết) đã có hiệu lực pháp luật thì theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, người khởi kiện không có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án đó.
Ví dụ: Vợ chồng Cụ A (có 05 người con) đều chết năm 2004, để lại di sản là căn nhà X nhưng không có di chúc và không có thỏa thuận khác. Năm 2012, ông B là một trong những người con của vợ chồng Cụ A khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là căn nhà X nêu trên. Vụ án đã được xét xử qua hai cấp và Bản án số 123/2012/DS-PT ngày 15/5/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh C đã đã có hiệu lực pháp luật. Trường hợp này, ông B không có quyền nộp đơn khởi kiện lại yêu cầu chia di sản thừa kế là căn nhà X nêu trên.
b) Đối với những vụ án dân sự chia tài sản chung là di sản thừa kế đã hết thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà trước ngày 01/01/2017 Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì chưa đủ điều kiện khởi kiện chia tài sản chung (theo điểm 2.4 mục I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình), nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015, thời hiệu khởi kiện vụ án chia thừa kế đối với di sản thừa kế đó vẫn còn, thì người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 và điểm d khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.
Ví dụ: Cụ H và cụ K sinh được 02 người con là ông L và bà M. Cụ H chết năm 1990, cụ K chết năm 1992, cả hai đều không để lại di chúc. Hai cụ có tài sản chung là 970 m2 đất ở. Sau khi hai cụ chết, ông L tiếp tục sinh sống trên thửa đất này. Năm 2014, bà M khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung là 970m2 đất do hai cụ để lại theo quy định tại Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP. Tuy nhiên, ông L cho rằng cụ H còn có 1 người con riêng nữa nhưng bà M không thừa nhận nên Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì chưa đủ điều kiện khởi kiện chia tài sản chung (các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế theo quy định tại điểm 2.4 mục I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP).
Trong trường hợp này, bà M có quyền nộp đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của Cụ H và cụ K và Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.
Đối với những vụ án dân sự chia tài sản chung là di sản thừa kế đã hết thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà trước ngày 01/01/2017 đã được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định (trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì thời hiệu khởi kiện đã hết) đã có hiệu lực pháp luật thì theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, người khởi kiện không có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án đó.
Có thể nói, hướng dẫn nêu trên của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là rất cần thiết, đã được ban hành kịp thời nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân./.
ThS. Tạ Đình Tuyên
[2] Khoản 2 Điều 32 Hiến pháp năm 2013 quy định:
“Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”.
[4] Xem: Nguyễn Thị Hồng Oanh, đã dẫn bên trên.