1. Đặt vấn đề
“Doing Business”, báo cáo đánh giá thường niên của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về môi trường đầu tư kinh doanh của 190 nền kinh tế thế giới đánh giá lĩnh vực Giải quyết tranh chấp hợp đồng (Enforcing contracts) của Thái Lan xếp hạng 51/190 và Giải quyết phá sản (Resolving insolvency) của Thái Lan xếp hạng 23/190, trong khi đó, các thứ hạng tương ứng của Việt Nam là 69/190 và 125/190. Một chỉ báo cũng đáng chú ý là thời gian trung bình thực thi một phán quyết tại Thái Lan được đánh giá là 120 ngày/tổng thời gian giải quyết là 440 ngày, so với Việt Nam là 150 ngày/tổng thời gian giải quyết là 400 ngày [1].
Một trong những thiết chế nổi bật góp phần nâng cao hiệu quả thi hành các phán quyết của toà án tại Thái Lan là việc vận dụng rất hiệu quả cơ chế hoà giải trong quá trình thi hành án. Thông cáo báo chí tháng 10/2016 của Cục Thực thi pháp luật Bộ Tư pháp Thái Lan cho biết: “Năm 2016, Cục đã tiếp tục thực hiện cơ chế hoà giải một cách chủ động, tập trung cơ chế này vào các hộ gia đình, bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài chính sinh viên và các khoản nợ của nông dân. Trong năm tài chính 2016, đã thụ lý 16.700 vụ việc tương ứng với giá trị 6.732.101.732.17 Baht, đã hoà giải thành công 14.188 việc tương ứng với giá trị là 4.932.590.335.46 Baht. Như vậy, tỷ lệ thành công đạt 83,75%. Tỷ lệ hoà giải thành công năm 2016 tăng 296.53% so với trung bình 6 năm từ 2011-2016. Để thúc đẩy hoạt động hoà giải, Cục Thực thi pháp luật Thái Lan thường xuyên tổ chức các Hội chợ hoà giải. Năm 2016, số thụ lý tại các hội chợ này là 10.371 vụ việc tương ứng với số tiền là 3.041.611.893 Baht, giải quyết thành công 9.161 vụ việc tương ứng với 2.295.964.146 Baht” [2].
Ngày 06/2/2017 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, khẳng định mục tiêu đến hết năm 2017, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4, trong đó có mục tiêu rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng từ 400 ngày xuống 300 ngày trong năm 2017 và dưới 200 ngày đến năm 2020; rút ngắn thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp từ 60 tháng xuống dưới 30 tháng trong năm 2017 và dưới 24 tháng đến năm 2020.
Yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nêu trên đã và đang đòi hỏi đất nước ta “phải có sự nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực” như kêu gọi của Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP. Những bài học từ kinh nghiệm của Thái Lan trong hoà giải thi hành án sẽ góp phần giúp Thi hành án dân sự Việt Nam tiếp tục hoàn hiện hơn chính sách pháp luật, tiếp tục đưa ra những giải pháp đúng đắn và phù hợp hơn, kịp thời giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thi hành án.
2. Cơ chế hoà giải trong thi hành án dân sự tại Thái Lan
Từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997, một số lượng rất lớn các vụ việc được chuyển sang quá trình thi hành án, đã gây ra nhiều khó khăn và trở ngại cho các tổ chức và cá nhân có liên quan, trong đó có cả các chấp hành viên. Những khó khăn và trở ngại này có thể bao gồm:
Thứ nhất, việc xác định tài sản của người phải thi hành án và chuẩn bị các tài liệu liên quan. Người được thi hành án khi muốn kê biên tài sản của người phải thi hành án để đấu giá nhằm thu hồi lại khoản nợ có nghĩa vụ xác định tài sản của người phải thi hành án và xuất trình những tài liệu liên quan cho chấp hành viên. Nghĩa vụ này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho người được thi hành án.
Thứ hai, thủ tục thi hành án chặt chẽ, thậm chí là rất khắt khe với nhiều quy trình thực sự tốn kém về thời gian. Có những khung thời gian cụ thể phải tuân thủ theo quy định của pháp luật trước khi những thủ tục tiếp theo có thể được tiến hành. Việc rút yêu cầu đấu giá tài sản có thể được thực hiện bởi bên có liên quan và việc đấu giá không thể được tiến hành cho đến khi phán quyết sau cùng được ban hành. Những thủ tục này, cùng với những yêu cầu về tuân thủ về khung thời gian bắt buộc, được xem là đã trì hoãn quá trình thi hành án và gây nhiều thiệt hai hơn là thuận lợi cho vụ việc.
Thứ ba, chi phí thi hành án cao. Người được thi hành án sẽ được yêu cầu chi trả chi phí thi hành án trước và sẽ chỉ được hoàn lại khi tài sản kê biên bán được. Nếu chi phí ban đầu không đủ, người được thi hành án sẽ được yêu cầu phải chi trả thêm cho đến khi tài sản kê biên bán được. Trong một số trường hợp, giá trị tài cuối cùng mà người được thi hành án nhận được thấp hơn cả chi phí đã phải trả trước. Cuối cùng, người được thi hành án không chỉ mất thời gian cho toàn bộ quá trình tố tụng mà cũng còn phải nhận ít hơn giá trị cần thu hồi theo phán quyết của toà án.
Thứ tư, thực thi phán quyết. Quá trình thực thi bản án không thể thực hiện được trừ khi nó được cho phép trong một phán quyết, điều mà trong thực tế có thể biến hành không thể thi hành và gây ra rất nhiều khó khăn cho quá trình thi hành.
Thứ năm, khi tài sản bị kê biên, người được thi hành án không được phép thực hiện bất cứ giao dịch pháp lý nào đối với những tài sản đó, dẫn đến việc “mất tạm thời” những giá trị kinh tế của tài sản này. Ngoài ra, điều này có thể đưa người phải thi hành án đến một sự bấp bênh về tài chính và thiếu nguồn tín dụng để có thể thực hiện bất cứ hoạt động thương mại nào khác. Tình huống này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.
Thứ sáu, những rủi ro đối với chấp hành viên khi thực thi nhiệm vụ trước sự cản trở, chống đối của người phải thi hành án hoặc trường hợp không đủ tài sản để trả lại khoản nợ hoặc trường hợp phải bán rời từng phần của tài sản kê biên. Ngoài ra, có một số lượng lớn các khiếu nại, tố cáo và vụ việc dân sự, hình sự phải đưa ra toà án chống lại các Chấp hành viên như là kết quả của sự thực thi pháp luật của họ hay trong một số vụ việc bị trì hoãn. Những vấn đề này khiến cho người dân cảm thấy họ không được nhận được sự phục vụ tốt nhất từ phía cơ quan thi hành án. Bất chấp mọi cố gắng trong toàn bộ quá trình giải phóng tài sản như cải tiến hệ thống hành chính, lề lối làm việc, rút ngắn thời gian thi hành án thông qua nhiều cơ chế như đấu giá tài sản, ứng dụng công nghệ thông tin, sửa đổi các luật liên quan, số lượng các vụ việc bị gián đoạn và sự trì hoãn trong quá trình thi hành án đối với Thái Lan vẫn là một vấn đề khó khăn chính.
Những khó khăn, trở ngại trong quá trình thi hành án nêu trên đã làm khởi phát ý tưởng về phát triển một giải pháp thay thế trong quá trình thi hành án, đó là tăng cường hiệu quả thi hành án thông qua thủ tục hoà giải. Trung tâm hoà giải thuộc Cục thực thi pháp luật Thái Lan được thành lập vào năm 2005 trực thuộc Văn phòng cầm cố tài sản trung ương. Theo Lệnh ngày 21/5/2007 của Cục, Trung tâm được chuyển sang Phòng Kê biên với trách nhiệm hoà giải các tranh chấp sau khi toà án thông qua các phán quyết, gồm cả trước và sau các thủ tục thi hành án được thực hiện. Sau khi cơ chế hòa giải phát huy hiệu quả, Lệnh tiếp theo của Cục Thực thi pháp luật thiết lập Trung tâm hòa giải là một văn phòng mới trực thuộc Cục, hoàn toàn tách biệt và không còn thuộc Phòng Kê biên. Trung tâm có thẩm quyền giải quyết các việc hoà giải sau khi có phán quyết của toà án, gồm cả trước và sau các thủ tục thi hành án được thực hiện, tiếp nhận và đánh giá các vụ việc, đào tạo hoà giải viên và quảng bá nhiệm vụ của mình đến người dân cũng như phối hợp với nhân viên chính phủ trong thực thi các nhiệm vụ liên quan. Đến nay, Cục thực thi pháp luật Thái Lan đã thành lập các trung tâm hoà giải tại tất cả các tỉnh nhằm cung cấp dịch vụ hoà giải đến người dân trên toàn quốc.
Pháp luật Thái Lan quy định hai thủ tục hòa giải, bao gồm Hòa giải trước khi thi hành án và Hòa giải sau khi đã thực hiện thủ tục thi hành án:
- Hòa giải trước khi thi hành án bao gồm các bước: (1) Các bên bày tỏ mong muốn hòa giải của mình đến Trung tâm hoà giải, (2) Trung tâm hoà giải chuẩn bị hồ sơ hoà giải, (3) Trung tâm hoà giải liên hệ với các bên, luật sư của họ và một hoà giải viên để sắp đặt ngày, giờ, địa điểm gặp gỡ, (4) Khởi động quá trình hoà giải: (4.1.) Nếu hoà giải thành công, các bên ký vào biên bản hoà giải trước mặt hoà giải viên và dừng thủ tục thi hành án, (4.2.) Nếu không thành công, người được thi hành khởi động thủ tục thi hành án.
- Hòa giải sau khi đã thực hiện thủ tục thi hành án bao gồm các bước: (1) Các bên bày tỏ mong muốn hòa giải của họ đến Trung tâm hoà giải, (2) Trung tâm hoà giải chuẩn bị hồ sơ hoà giải, (3) Trung tâm hoà giải liên hệ các bên, luật sư của họ và một hoà giải viên để sắp đặt ngày, giờ, địa điểm, (4) Khởi động quá trình hoà giải: (4.1.) Nếu hoà giải thành công, các bên ký vào biên bản hoà giải trước mặt hoà giải viên, thoả thuận dẫn đến việc hoãn thi hành bản án, huỷ bỏ tài sản kê biên và thủ tục thi hành án, (4.2) Nếu không thành công, tiếp tục thủ tục thi hành án.
Theo đánh giá của Cục thực thi pháp luật Thái Lan, công tác hòa giải thời gian qua có nhiều lợi ích như thủ tục nhanh chóng và không phức tạp; Tiết kiệm thời gian và chi phí; Thoả thuận giữa các bên có thể kết thúc nhanh chóng quá trình thi hành án; Các bên tự đạt được thoả thuận và tự nguyện thi hành thoả thuận để mà không cần đến các thủ tục thi hành án; văn bản thỏa thuận đạt được thể hiện điều kiện cụ thể của mỗi bên và là lựa chọn phù hợp của họ; Bí mật riêng tư được duy trì, điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi các bên đang tiến hành các hoạt động kinh doanh; Thoả thuận ràng buộc các bên và họ không thể thay đổi hoặc khởi động thủ tục khác mà không có sự đồng ý của bên kia; Các bên có thể tiếp tục giữ mối quan hệ lâu dài trong tương lai; Đây là một quy trình linh hoạt, các bên có thể chấp nhận hoà giải toàn bộ hay một phần bản án và để lại những vấn để chưa thể dứt điểm thực hiện theo quy trình thi hành án; Đây là quá trình hiệu quả bởi hoà giải viên là những người có kinh nghiệm, các bên vẫn có quyền duy trì thủ tục thi hành án nếu muốn [3].
3. Một vài suy ngẫm
Ngày 06/02/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc tăng cường công tác thi hành án dân sự, trong đó xác định “Định hướng phát triển hoạt động thi hành án dân sự phải gắn liền với yêu cầu xây dựng nền tư pháp nhân dân trong sạch vững mạnh…”. Tên gọi “Tư pháp nhân dân” ra đời trong cải cách tư pháp lần thứ nhất vào năm 1950, mà theo TS.Uông Chu Lưu, có bản chất là “nền tư pháp gắn bó với dân, gần dân và vì dân”, “lăn lộn với dân và hiểu dân”, “không có sự cách biệt với dân” [4].
Xuất phát từ yêu cầu xây dựng một nền tư pháp nhân dân, ngay từ năm 1950, Bộ Tư pháp đã xây dựng Đề án hoà giải với những nội dung có ý nghĩa hết sức sâu sắc cho đến ngày hôm nay. Về nhận thức, Đề án phê phán quan niệm sai lầm cho rằng công việc hòa giải chỉ là một công việc không bắt buộc, cán bộ tư pháp còn coi việc hòa giải là một việc phụ. Từ nhận thức và đánh giá nêu trên, Đề án hòa giải khẳng định vai trò cách mạng của hòa giải trong việc “điều giải hợp lý những mâu thuẫn trong nội bộ dân tộc”, “tăng thêm tình thân ái, đoàn kết”, tạo ra “sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân”. “Trong chính quyền dân chủ nhân dân quyền lợi của mọi người hòa hợp với quyền lợi của tập thể. Việc xích mích giữa hai tư nhân có liên quan mật thiết đến trật tự dân chủ nhân dân và sự tiến triển của chế độ”. Từ đó đến nay, chế định hoà giải luôn là một giá trị căn bản của nền tư pháp nhân dân.
Từ Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1990 cho tới Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014, từ việc ghi nhận nguyên tắc khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án cho đến việc công nhận quyền thỏa thuận của đương sự về việc thi hành án là một bước tiến dài của quá trình hoàn thiện chính sách pháp luật thi hành án dân sự. Tuy nhiên, từ chế định thỏa thuận thi hành án hiện hành cho đến việc xây dựng một thiết chế hòa giải chính thức, gọn nhẹ, chủ động, năng động, hiệu quả như mô hình hòa giải của thi hành án dân sự Thái Lan còn là một khoảng cách mà chính sách pháp luật về thi hành án dân sự tại Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, suy ngẫm./.
Nguyễn Xuân Tùng, Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự
Tài liệu tham khảo:
World Bank Group:
Doing Business 2017 tại
http://www.doingbusiness.org/.
LED:
Press Release 10th October 2016.
LED:
Mediation - Post Judicial Mediation for the Public.
Bộ Tư pháp:
Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Tư pháp, Nxb Tư pháp, năm 2005.
Nguyễn Xuân Tùng:
Cội nguồn tư tưởng của chế định “Hòa giải ở cơ sở” tại http://www.moj.gov.vn/qt/cacchuyenmuc/70TuPhapVietNam/Pages/tu-lieu-nganh.aspx?ItemID=43.