Hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi, những vấn đề bất cập và một số giải pháp kiến nghị

14/03/2017
Trên thực tế những vấn đề người gửi tiền quan tâm nhất trong chính sách bảo hiểm tiền gửi chính là hạn mức chi trả tiền bảo hiểm. Và hạn mức này cần phải được thay đổi, điều chỉnh linh hoạt tùy vào điều kiện kinh tế xã hội, tài chính, tiền tệ của từng quốc gia.
Chi trả tiền bảo hiểm xảy ra khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG) bị chấm dứt hoạt động và bị mất khả năng thanh toán. Chi trả BHTG là việc thực hiện cam kết thanh toán khoản tiền gửi được bảo hiểm, bao gồm tiền gốc và tiền lãi theo một mức độ nhất định của tổ chức BHTG cho người gửi tiền thuộc đối tượng được bảo hiểm, tuỳ thuộc vào quy định về hạn mức chi trả của mỗi hệ thống BHTG.
Chi trả BHTG là cách thức cuối cùng áp dụng, khi mà mọi biện pháp nhằm khôi phục cho tổ chức tham gia BHTG hoạt động bình thường không còn tác dụng. Chi trả tiền bảo hiểm là sự khẳng định dễ nhận biết nhất về quyền lợi của người gửi tiền được đảm bảo. Việc chi trả kịp thời, thuận tiện cho người gửi tiền sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự an tâm của dân chúng với các ngân hàng khác chưa bị đổ vỡ và có thể giảm thiểu rủi ro khủng hoảng hệ thống bất thường.
Điều 24 Luật bảo hiểm tiền gửi quy định:
 “1. Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
2. Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ.”
Theo đó, quy định tại Nghị định số 109/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005, hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện nay là 50 triệu đồng đối với một người gửi tiền từ một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Nghĩa là dù có gửi 100 triệu đồng hay 100 tỉ đồng tại một ngân hàng thì khi ngân hàng này phá sản, Bảo hiểm tiền gửi cũng chỉ chi trả cho người gửi tiền 50 triệu đồng. Hạn mức này đã được duy trì trong 11 năm qua trong khi các điều kiện kinh tế vĩ mô như GDP bình quân đầu người, lạm phát, tỷ giá, lãi suất, tổng số tiền bảo hiểm hiểm đã có nhiều biến động. Hạn mức chi trả này đã không còn tạo nên sự yên tâm cho người gửi tiền như nhiệm vụ hiển nhiên của nó
Vậy phải chăng Hạn mức chi trả Bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam hiện nay đã không còn phù hợp và cần gấp rút điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Sơ đồ : Diễn biến tăng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi trên thế giới

Hạn mức chi trả được điều chỉnh linh hoạt theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Ở một số nước, trong bối cảnh suy thoái kinh tế hay kinh tế bất ổn, khi có dấu hiệu rút tiền ồ ạt, một trong những nguyên nhân gây đổ vỡ ngân hàng, các hệ thống BHTG tăng hạn mức chi trả tiền bảo hiểm. Ví dụ để đối phó với khủng hoảng tài chính xuất hiện từ năm 2008 đến nay, BHTG Liên bang Mỹ ban đầu tăng mức chi trả từ 100.000 USD lên đến 250.000 USD đến hết 31/12/2013, sau đó cam kết mức chi trả 250.000 USD được duy trì lâu dài, cho đến khi có quy định mới; tổ chức BHTG Trung ương Đài Loan đã tăng hạn mức chi trả từ 1,5 triệu Đài tệ lên gấp đôi là 3 triệu Đài tệ khi có dấu hiệu khủng hoảng, và một thời gian ngắn sau đó công bố chính sách bảo đảm toàn bộ đến hết 31/12/2010 nhằm trấn an dân chúng. Hạn mức chi trả của BHTG Đài Loan hiện nay là 3 triệu Đài tệ[1].
Các quốc gia khu vực châu Âu cũng rất linh hoạt trong việc điều chỉnh mức tăng chi trả bảo hiểm tiền gửi, đặc biệt có một số quốc gia việc chi trả này còn không có giới hạn.
Hạn mức chi trả tiền bảo hiểm tại Việt Nam hiện nay là 50 triệu VNĐ. Hạn mức này được điều chỉnh từ năm 2006 từ mức 30 triệu khi thành lập hệ thống BHTG tại Việt Nam năm 2000. Hạn mức này được đánh giá là phù hợp với thông lệ quốc tế vào thời điểm xây dựng, tức là tương đương gấp 5,5 lần GDP bình quân đầu người năm 2005 và bảo vệ được toàn bộ tài khoản của khoảng 80% số người gửi tiền nếu ngân hàng bị phá sản, giải thể, trong khi hạn mức chi trả trên thế giới vào khoảng 3-12 lần GDP bình quân.
Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng giá tiêu dùng trong 7 năm vừa qua, hạn mức này đã trở nên không phù hợp, không có ý nghĩa do không bảo vệ được đa số người gửi tiền tiết kiệm (đến nay thu nhập và số tiền gửi bình quân của người dân đã tăng, vượt xa mức 50 triệu đồng (GDP bình quân đầu người năm 2015 gâp 3.02 lần so với GDP bình quân đầu người năm 2005). Khi xảy ra hiện tượng mất khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng, người gửi tiền chỉ được chi trả tối đa 50 triệu đồng là con số quá ít so với thu nhập bình quân đầu người ở nước ta hiện nay – khoảng 1.200 USD, tương đương 25 triệu đồng.
Hạn mức ấy cũng đang vi phạm tất cả các nguyên tắc được khuyến nghị bởi Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI). Đối với các tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) trên thế giới, cơ sở để xây dựng chính sách, trong đó có vấn đề hạn mức trả BHTG là Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển mô hình BHTG hiệu quả của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI).
Theo các tài liệu hướng dẫn của IADI, việc tính toán hạn mức trả tiền bảo hiểm phải tuân thủ hai mục tiêu cơ bản là bảo vệ những người gửi tiền nhỏ, thiếu thông tin về hoạt động ngân hàng và góp phần đảm bảo ổn định tài chính. Hạn mức chi trả phù hợp là hạn mức chi trả không quá thấp để khuyến khích người gửi tiền yên tâm gửi tiền vào ngân hàng và không quá cao để kiểm soát rủi ro đạo đức. Các căn cứ để tính toán hạn mức bao gồm:
 (1) GDP bình quân đầu người và các yếu tố liên quan như lạm phát, tỷ giá, lòng tin của người dân vào hệ thống tài chính;
(2) tỷ lệ phần trăm người gửi tiền được bảo vệ toàn bộ tính trên tổng số người gửi tiền;
(3) tỷ lệ phần trăm giá trị tiền gửi được bảo vệ toàn bộ trên tổng giá trị tiền gửi được bảo hiểm;
(4) mức độ rủi ro của hệ thống ngân hàng và tổng thể nền kinh tế.
Trong giai đoạn kinh tế bình thường, IADI khuyến nghị hạn mức BHTG nên bảo vệ toàn bộ được 90% đến 95% số người gửi tiền; đồng thời tỷ lệ “Hạn mức/GDP bình quân đầu người” nên tối thiểu bằng 2 và tương đương với mức trung bình của các quốc gia có cùng trình độ phát triển dịch vụ ngân hàng.
GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng liên tục qua nhiều năm và ước đạt khoảng 50 triệu đồng trong năm 2016, nghĩa là tỷ lệ “Hạn mức/GDP bình quân đầu người” chỉ đạt 1 lần. Đồng thời, theo số liệu từ năm 2011 của BHTG Việt Nam, hạn mức 50 triệu đồng chỉ bảo vệ toàn bộ cho 87% số người gửi tiền (hiện nay chắc chắn còn thấp hơn nhiều). Khi so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, hạn mức chi trả BHTG của Việt Nam đang thấp nhất về số tiền tuyệt đối và hầu hết các tiêu chí khác như Hạn mức/GDP bình quân đầu người, tỷ lệ phần trăm người gửi tiền được bảo vệ toàn bộ, tỷ lệ phần trăm giá trị tiền gửi được bảo vệ toàn bộ.

Trên cơ sở những phân tích nêu trên, có thể thấy, để hạn chế tối đa rủi ro cho người gửi tiền, chúng ta có thể áp dụng một số giải pháp như sau:
- Thứ nhất, Nhà nước cần có cơ chế đánh giá định kỳ 2 năm 1 lần hoặc ít nhất là 5 năm 1 lần kể từ ngày được điều chỉnh theo luật định đối với hạn mức bảo hiểm tiền gửi. và lưu ý là việc xem xét để điều chỉnh hạn mức phù hợp cần được căn cứ vào một số yếu tố về phát triển kinh tế xã hội, GDP bình quân đầu người và trong đó phải kể đến tình hình lạm phát.Tuy nhiên, yếu tố được coi là quan trọng hơn cả khi xác định hạn mức phù hợp chính là tỷ lệ tài khoản tiền gửi được bảo hiểm/tổng số tài khoản tiền gửi và mục tiêu đặt ra là phải đảm bảo phần lớn tài khoản tiền gửi của người gửi tiền nhỏ lẻ được bảo vệ. Qua đó là bảo vệ lợi ích của người gửi tiền và góp phần xây dựng một hệ thống ngân hàng ổn định, lành mạnh thông qua việc đảm bảo phần lớn người gửi tiền được bảo hiểm đầy đủ và không có động lực rút khỏi tổ chức nhận tiền gửi, trong khi vẫn duy trì một tỷ lệ giá trị các khoản tiền gửi chưa được bảo hiểm. Cũng chính vì lý do này, số ít những người gửi tiền quy mô lớn sẽ có động lực quản lý các hoạt động mang tính rủi ro của tổ chức nhận tiền gửi, tức là hạn chế được rủi ro đạo đức.
-  Thứ hai, Việt Nam cần tuân thủ nguyên tắc 8 với các tiêu chí cơ bản về hạn mức trong Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển mô hình BHTG hiệu quả của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI).
- Thứ ba, quy định của pháp luật cần linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh hạn mức BHTG nhằm đáp ứng với những diễn biến nhanh, bất ngờ của khủng hoảng tài chính. Ngoài ra, trong khủng hoảng, song song với biện pháp nâng hạn mức BHTG, Nhà nước còn cần triển khai các giải pháp hỗ trợ như tăng thẩm quyền cũng như hỗ trợ tài chính cho tổ chức BHTG của mình. Nhờ thế mới đạt được những hiệu quả lớn hơn trong việc thực hiện các mục tiêu của chính sách công như bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền, phòng tránh có hiệu quả những đổ vỡ dây chuyền hoặc khủng hoảng tài chính, khuyến khích tiết kiệm, tăng trưởng tín dụng, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Có thể thấy việc đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong thời gian sắp tới, việc nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi sẽ giúp phát huy vai trò của chính sách bảo hiểm tiền gửi, góp phần đảm bảo sự ổn định của các tổ chức tín dụng và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống ngân hàng.
Tài liệu tham khảo:
  1. Th.s Lê Việt Nga, Bàn về loại tiền gửi được bảo hiểm và hạn mức chi trả tiền bảo hiểm.
  2. Nguyễn Thị Kim Oanh, 2004, Bảo hiểm tiền gửi - nguyên lí, thực tiễn và định hướng, NXB Lao động.
  3. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, 2012, Luật Bảo hiểm tiền gửi.
  4. Vũ Minh Trà, 11/11/2011, Bảo hiểm tiền gửi trên thế giới và Việt Nam,  http://pgbankresearch.wordpress.com
  5. Cull, Robert & Senbet, Lemma W & Sorge, Marco, 2005, Deposit Insurance and Financial Development, tr. 24.
  6. http://vietstock.vn/2016/12/nang-han-muc-chi-tra-bao-hiem-tien-gui-la-can-thiet-3113-509821.htm
  7. http://div.gov.vn/Default.aspx?tabid=120&News=2667&CategoryID=3
  8. http://www.thesaigontimes.vn/154908/Nang-han-muc-chi-tra-bao-hiem-tien-gui-la-can-thiet.html
  9. www.div.gov.vn
  10. www.fdic.gov
  11. www.cdic.gov.tw
 
[1] Th.s Lê Việt Nga, Bàn về loại tiền gửi được bảo hiểm và hạn mức chi trả tiền bảo hiểm.