Bộ luật TTHS năm 2015 chưa quy định về đối tượng của kháng cáo phúc thẩm hình sự mà đối tượng của kháng cáo được quy định đan xen trong các điều luật khác nhau, cụ thể tại Điều 330 của BLTTHS năm 2015 quy định: 1.
Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị
2. Quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị là quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo và quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định của Bộ luật này.
Với quy định này đã gián tiếp quy định đối tượng của kháng cáo là những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật.
Theo quy định của pháp luật TTHS thì tất cả các bản án sơ thẩm đều là đối tượng của kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm mà không kể nội dung của bản án đó là gì. Đồng thời Tòa án cấp phúc thẩm cũng xét xử những vụ án mà quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo ngắn hơn thời hạn đã tạm giam thì bản án hoặc quyết định của Tòa án được thi hành ngay, mặc dù vẫn có thể bị kháng cáo. Những quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm cũng có thể là đối tượng của kháng cáo, bao gồm: quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị cáo và quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định tại Khoản 2 Điều 330 của BLTTHS năm 2015. Theo quy định tại Điều 230 BLTTHS năm 2003 về tình chất của xét xử phúc thẩm theo thủ tục kháng cáo thì Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực bị kháng cáo, như vậy khoản 2 Điều 330 của BLTTHS năm 2015 quy định các quyết định sơ thẩm cụ thể hơn so với BLTTHS năm 2003. Như vậy, pháp luật tố tụng hình sự nước ta không hạn chế đối tượng của kháng cáo phúc thẩm. Đây là một quy định nhằm đảm bảo và nâng cao quyền con người, đặc biệt là chủ thể có quyền kháng cáo có thể kháng cáo để bảo vệ cho chính mình.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 330 BLTTHS năm 2015 về tính chất của xét xử phúc thẩm thì các quyết định sơ thẩm bị kháng cáo bao gồm: Quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can; Quyết định tạm đình chỉ; quyết định đình chỉ vụ án; quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo và các quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định Bộ luật này. Như vậy, bị can có quyền kháng cáo những quyết định sơ thẩm nêu trên, tuy nhiên trong quy định tại Điều 331 về người có quyền kháng cáo và khoản 2 Điều 60 về quyền của bị can tại BLTTHS năm 2015 không ghi nhận quyền kháng cáo của bị can đối Quyết định tạm đình chỉ vụ án và Quyết định đình chỉ vụ án mà chỉ ghi nhận quyền khiếu nại đối với những quyết định này. Đây là điều bất hợp lí trong quy định của BLTTHS năm 2015.
Việc xét xử phúc thẩm không chỉ là xét lại tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án, quyết định sơ thẩm mà trên cơ sở, tài liệu đã có trong vụ án xét xử lại nội dung bản án, không chỉ trong phạm vi những phần bản án, quyết định bị kháng cáo mà có thể xem xét cả phần bản án, quyết định khác không bị kháng cáo nhưng liên quan đến việc giải quyết tổng thể vụ án nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Theo quy định của luật TTHS thì chỉ những bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực mới bị kháng cáo. Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm cũng có thể xem xét những phần khác của bản án hoặc quyết định của Tòa án sơ thẩm có liên quan đến kháng cáo. Khi xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm có thể sử dụng chứng cứ mới do đương sự cung cấp hoặc do Tòa án thu thập thêm. Tất cả chứng cứ cũ và chứng cứ mới đều phải được Hội đồng xét xử xem xét tại phiên tòa. Tuy nhiên, cần phải chú ý rằng việc kháng cáo phải nhằm vào bản án, quyết định sơ thẩm. Nếu có kháng cáo lại về những vấn đề chưa được xét xử ở cấp sơ thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm cũng không có trách nhiệm phải giải quyết vì không thuộc phạm vi phúc thẩm.
CAO VĂN HUYNH