Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người và kiến nghị hoàn thiện

13/10/2016
Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (viết tắt là Bộ luật Hình sự năm 2015) được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015. Bộ luật Hình sự năm 2015 ra đời đánh dấu một bước tiến mới trong kỹ thuật lập pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập cũng như phù hợp với tình hình thực tiễn về phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. BLHS năm 2015 bổ sung thêm 34 tội danh mới, tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người Điều 154 là tội danh mới, vì vậy việc nghiên cứu tội danh này để áp dụng trong thực tiến là rất cần thiết.
Điều 154. Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.
1. Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì mục đích thương mại;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Đối với 06 người trở lên;
d) Gây chết người;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Thứ nhất: Điều luật quy định hai hành vi bao gồm: Hành vi mua bán và hành vi chiếm đoạt. Đối tượng hành vi mua bán và chiếm đoạt trong điều luật bao gồm mô và bộ phận cơ thể người. Mô dưới góc độ y học là một tập hợp gồm các tế bào chuyên hóa có cấu tạo giống nhau, đảm nhận chức năng nhất định.  Bộ phận cơ thể người là sự tổng hợp của nhiều yếu tố trên cơ thể người bao gồm các phần cơ thể, hay còn gọi là các khoang cơ thể, các cơ quan khác trong hệ cơ quan của con người. Đấy là những bộ phận không thể tách rời với cơ thể người nếu không xảy ra các yếu tố tác động từ bệnh lý hoặc ngoại lực. Người phạm tội chỉ cần có hành vi này là đã cấu thành tội phạm mà không cần biết đã mua bán được chưa hay đã chiếm đoạt được chưa.
Thứ hai: tại khoản 2 hình phạt được áp dụng là tù từ 07 năm đến 15 năm với các tình tiết định khung bao gồm:
a, Có tổ chức: là hình thức phạm tội có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
b. Vì mục đích thương mại là nhằm mục đích lợi nhuận không phân biệt là người phạm tội có thu được lợi nhuận hay không, chỉ cần có mục đích lợi nhuận.
c. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp: Tình tiết này đòi chủ thể phạm tội phải thuộc trường hợp đặc biệt ví dụ như bác sỹ, người trông coi nhà xác….
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Thứ ba: Tại khoản 3 mức hình phạt tù áp dụng là từ 12 đến 20 năm hoặc chung thân, với các tình tiết định khung:
a) Có tính chất chuyên nghiệp: Điều kiện để Tòa án áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp bao gồm:
- Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xoá án tích;
- Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Đối với 06 người trở lên;
d) Gây chết người;
đ) Tái phạm nguy hiểm. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
- Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
- Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
Ngoài ra tại khoản 4 quy định hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Khó khăn, vướng mắc:
Mặc dù BLHS năm 2015 chưa có hiệu lực nhưng quy định về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau cần được hướng dẫn:
Thứ nhất: Trong trường hợp nạn nhân còn sống và đồng ý bán mô hay bộ phận cơ thể thì hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người vẫn phạm tội. Tuy nhiên, đối với trường hợp nạn nhân còn sống nhưng nạn nhân không đồng ý bán mô hoặc bộ phận cơ thể người thì người mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác có phạm tội này hay không? Ví dụ: Nguyễn Văn A được Trần Văn B trả 300 triệu đồng để mua 01 quả thận, ngày 16/5/2016 Trần Văn B gặp Hoàng Văn K, sau đó B cho K uống thuốc mê và chở đến ngôi nhà hoang, tại đây B đã dùng dao mổ và lấy đi 01 quả thận của K và mang đến cho A nhận 300 triệu đồng sau đó K được người dân đưa đi cấp cứu với tỷ lệ thương tật là 70%. Trong trường hợp trên hành vi của Trần Văn B có phạm tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người không hay phạm tội khác? Vì suy cho cùng tính chất trong hành vi trên của Trần Văn B là nguy hiểm hơn so với tính chất hành vi của tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người, nên B phạm tội giết người mới hợp lí.
Thứ hai: Cơ thể người là toàn bộ cấu trúc của một con người, bao gồm một đầu, cổ, thân(chia thành 2 phần là ngực và bụng), hai tay và hai chân. Mỗi phần của cơ thể được cấu thành bởi hàng hoạt các loại tế bào. Bộ phận cơ thể người là sự tổng hợp của nhiều yếu tố trên cơ thể người bao gồm các phần cơ thể, hay còn gọi là các khoang cơ thể, các cơ quan khác trong hệ cơ quan của con người. Đấy là những bộ phận không thể tách rời với cơ thể người nếu không xảy ra các yếu tố tác động từ bệnh lý hoặc ngoại lực. Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, như vậy, khái niệm cơ thể người có phạm vi rộng và bao quát hơn khái niệm bộ phận cơ thể người và bộ phận cơ thể người chính là tạo nên cơ thể người, tuy nhiên đối với trường hợp hành vi chiếm đoạt, mua bán toàn bộ cơ thể người thì có phạm tội này hay không? Vì trong điều luật chỉ quy định hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người mà không quy định hành vi mua bán, chiếm đoạt cơ thể người.(Đây là trường hợp mua bán, chiếm đoạt cơ thể người đã chết)
Thứ ba: Trong trường hợp hành vi của người chiếm đoạt, mua bán mô hoặc bộ phận cơ thể người khác nhưng không biết đó là hàng giả thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Kiến nghị:
Thứ nhất: Đối với trường hợp nạn nhân còn sống nếu nạn nhân đồng ý bán mô hoặc bộ phận cơ thể người thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn trường hợp nạn nhân không đồng ý bán mô hoặc bộ phận cơ thể người mà người phạm tội vẫn cố ý lấy mô, bộ phận cơ thể người thì tùy tính chất của tội phạm để áp dụng tội danh cho đúng.
Thứ hai: Đề nghị sửa đổi điều luật như sau: “Điều 154. Tội mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người hoặc cơ thể người”, quy định như vậy sẽ hợp lí tránh việc bỏ lọt tội phạm, vì trong thực tiễn có trường hợp mua bán, hoặc chiếm đoạt toàn bộ cơ thể người để phục vụ cho mục đích khác nhau mà không phải mua bán từng bộ phận, vì cơ thể người cấm mua bán, chiếm đoạt.
Thứ ba: Đối với trường hợp là mô hoặc bộ phận cơ thể người là giả thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự vì ý thức của người phạm tội là nhằm mục đích mua bán hoặc chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Việc họ mua phải hàng giả là nằm ngoài ý thức chủ quan của họ.
BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm các tội danh mới, việc bổ sung này nhằm đáp ứng yêu cầu và hiệu quả ngày càng cao trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ở nước ta./.
TRẦN VĂN HÙNG - TÒA ÁN QUÂN SỰ KHU VỰC 2 QUÂN KHU 4