Tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên”, “Tái phạm, tái phạm nguy hiểm” trong BL Hình sự 2015 và kiến nghị

18/07/2016
Nhân thân là vấn đề được nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực như triết học, xã hội học, tâm lí học, luật học,… Khi nói “con người”, khái niệm này vừa có ý nghĩa sinh học vừa có ý nghĩa xã hội. Nhưng khi nói đến nhân thân chủ yếu là nói đến con người với tính cách là thành viên của xã hội, người tham gia vào quan hệ xã hội, là thực thể xã hội. Khái niệm này chỉ bao gồm những đặc điểm về xã hội, tâm lý và có thể một số đặc điểm về sinh học có ý nghĩa về mặt xã hội như giới tính, tuổi tác,…
Trong luật hình sự, khái niệm chủ thể của tội phạm và khái niệm nhân thân người phạm tội tuy không đồng nhất với nhau nhưng có liên quan chặt chẽ với nhau. Chủ thể của tội phạm là khái niệm dùng để chỉ con người cụ thể đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong luật hình sự và con người đó đòi hỏi phải có năng lực trách nhiệm hình sự cũng như đạt đến độ tuổi luật định. Bên cạnh đó, chủ thể của tội phạm còn có nhiều đặc điểm khác – những đặc điểm về xã hội, về tâm lí và về sinh học. Nhưng không phải tất cả những đặc điểm đó đều thuộc nội dung của khái niệm chủ thể của tội phạm. Nhân thân người phạm tội trong luật hình sự được hiểu là tổng hợp những đặc điểm riêng biệt của người phạm tội có ý nghĩa đối với việc giải quyết đúng đắn vấn đề TNHS của họ. Những đặc điểm đó có thể là tuổi, nghề nghiệp, thái độ làm việc, thái độ trong quan hệ với những người khác, trình độ văn hóa, lối sống, hoàn cảnh gia đình và đời sống kinh tế, thái độ chính trị, ý thức pháp luật, tôn giáo, tiền án, tiền sự,…
Nhân thân người phạm tội tuy không phải là yếu tố cấu thành tội phạm (CTTP) nhưng những đặc điểm về nhân thân của người phạm tội có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định TNHS của người phạm tội. Các cơ quan tiến hành tố tụng muốn giải quyết được đúng đắn bất cứ vụ án hình sự nào đều đòi hỏi phải nghiên cứu đầy đủ vấn đề nhân thân người phạm tội. Việc nghiên cứu này có ý nghĩa sau:
Một là: Ở một số tội phạm, việc nghiên cứu nhân thân người phạm tội có ý nghĩa đối với việc định tội cũng như đối với việc định khung hình phạt. Đó là những tội phạm mà CTTP cơ bản hoặc CTTP tăng nặng hay giảm nhẹ của những tội phạm này có dấu hiệu phản ánh đặc điểm nào đó thuộc về nhân thân người phạm tội, ví dụ: CTTP tăng nặng của tội cưỡng đoạt tài sản (điểm e khoản 2 Điều 170 BLHS năm 2015) đòi hỏi chủ thể có đặc điểm là tái phạm nguy hiểm…
Hai là: Việc nghiên cứu nhân thân người phạm tội còn có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt. Qua nghiên cứu nhân thân người phạm tội, không chỉ  đánh giá được khả năng giáo dục cải tạo của người phạm tội mà còn giúp đánh giá được tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để có hình phạt phù hợp. Cùng hành vi nhưng ở người này là biểu hiện ngẫu nhiên, đột xuất nhưng ở người khác là hành vi có tính toán, có ý thức sâu sắc, biểu hiện bản chất của người phạm tội. Hành vi và con người luôn luôn có quan hệ với nhau cho nên tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng phụ thuộc vào tính chất của con người.
Chính do mối quan hệ giữa nhân thân người phạm tội với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cho nên tại khoản 1[1] Điều 50 BLHS năm 2015 đã coi nhân thân người phạm tội là một trong những căn cứ quyết định hình phạt. Ngoài ra, Điều 51 và Điều 52 BLHS năm 2015 cũng đã coi nhiều tình tiết thuộc về nhân thân của người phạm tội là những tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng TNHS.
Cũng vì có mối liên hệ giữa hành vi phạm tội và con người thực hiện cho nên qua việc nghiên cứu nhân thân của người phạm tội các cơ quan tiến hành tố tụng có thể làm sáng tỏ một số tình tiết về các yếu tố cấu thành tội phạm như lỗi, mục đích, động cơ của người phạm tội,…
Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến các tình tiết phản ánh đặc điểm về nhân thân của người phạm tội ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội: Phạm tội 02 lần trở lên; tái phạm, tái phạm nguy hiểm và kiến nghị đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hơn các quy định này.
Thứ nhất, tình tiết "Phạm tội 02 lần trở lên". Tình tiết này trong BLHS năm 2015 được quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc tình tiết định khung hình phạt trong rất nhiều tội phạm quy định tại các điều của các chương khác nhau mà trong một số điều luật thì tình tiết này có sự thể hiện nội dung và ý nghĩa khác nhau. Chẳng hạn, Điểm d khoản 1 Điều 134 tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác"; Điểm d khoản 2 Điều 141 tội "Hiếp dâm"; Điểm e khoản 2 Điều 142 tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi"; Điểm b khoản 2 Điều 143 về tội "Cưỡng dâm";…
Nếu điều luật không quy định là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt thì tình tiết "Phạm tội 02 lần trở lên" là tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015. Trước đây, trong BLHS năm 1999, tình tiết này (phạm tội nhiều lần) được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48. Trong Luật Hình sự Việt Nam, nhà làm luật chưa đưa ra khái niệm chính thức thế nào là “Phạm tội nhiều lần". Nhưng thông qua một số văn bản hướng dẫn từ phía các cơ quan tư pháp trung ương, giáo trình luật hình sự, tình tiết này được giải thích như sau:
Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 02/01/1998 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS thì: "... tình tiết "Phạm tội nhiều lần" quy định tại khoản 2 Điều 133, khoản 2 Điều 134a... (đối với một số tội phạm có tính chất tham nhũng và tội phạm liên quan đến tình dục) được hiểu là đã có tất cả từ hai lần phạm tội đó trở lên (hai lần phạm tội tham ô trở lên, hai lần phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN trở lên...) mà mỗi lần phạm tội có đầy đủ yếu tố cấu thành quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, đồng thời trong các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và cũng chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng giá trị tài sản của các lần phạm tội cộng lại, nếu điều luật có quy định về giá trị tài sản hoặc thiệt hại về tài sản.”
Giáo trình Luật hình sự Việt Nam của Trường Đại học Luật Hà Nội, do nhà xuất bản Công an nhân dân, 2001, tại trang 214 "Phạm tội nhiều lần là trường hợp thực hiện tội phạm mà trước đó người phạm tội đã phạm tội này ít nhất là một lần và chưa bị xét xử. hành vi phạm tội trong trường hợp này là sự lặp lại tội đã phạm trước đó nên có mức độ nguy hiểm cao hơn trường hợp bình thường.”
Tại Tiểu mục 2.3, Mục 2, Phần I Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT/BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTP, ngày 24/12/2007 của Bộ Công an – Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII các “Tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999, thì: “Tình tiết “phạm tội nhiều lần” quy định tại khoản 2 các điều 193, 194, 195, 196, 197, 198, 200 và 201 của BLHS được hiểu là đã có từ hai lần phạm tội trở lên (hai lần sản xuất trái phép chất ma túy trở lên, hai lần tàng trữ trái phép chất ma túy trở lên, hai lần bán trái phép chất ma túy trở lên…) mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp này người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số lượng chất ma túy của các lần cộng lại, nếu điều luật có quy định về số lượng chất ma túy để định khung hình phạt.
Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy đối với một người từ hai lần trở lên cũng bị coi là phạm tội nhiều lần.”
Theo quy định tại Mục 4 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự,  thì, tình tiết "Phạm tội nhiều lần" quy định tại điểm c khoản 2 Điều 254 của BLHS được hướng dẫn như sau:
“4.1.  Chỉ áp dụng tình tiết "Phạm tội nhiều lần" đối với người chứa mại dâm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a. Chứa mại dâm (không phân biệt tại một địa điểm hay tại các địa điểm khác nhau) một đôi hoặc nhiều đôi mua bán dâm khác nhau từ hai lần trở lên trong các khoảng thời gian khác nhau (không phân biệt thời gian dài hay ngắn);
b. Chứa mại dâm hai đôi mua bán dâm trở lên độc lập với nhau trong cùng một khoảng thời gian;
c. Chứa mại dâm một người mua bán dâm với hai người trở lên trong các khoảng thời gian khác nhau.
4.2. Không coi là phạm tội nhiều lần trong các trường hợp sau đây:
a. Chứa mại dâm một đôi mua bán dâm trong một khoảng thời gian liên tục;
b. Chứa mại dâm nhiều người (một nhóm) cùng đến mua bán dâm, nhưng chỉ một người trong số họ hoặc một số người trong số họ hoặc tất cả họ cùng nhau thoả thuận đứng ra giao dịch với người chứa mại dâm để trả tiền thuê địa điểm, phương tiện một lần và việc mua bán dâm diễn ra trong cùng một khoảng thời gian.”
Tổng hợp các quan điểm trên và từ thực tiễn xét xử, theo quan điểm của tác giả tình tiết " Phạm tội nhiều lần - Phạm tội 02 lần trở lên" có thể được hiểu như sau:
i). Người phạm tội đã thực hiện từ hai hành vi phạm tội trở lên, tác động đến cùng một đối tượng, xâm phạm đến cùng một khách thể trực tiếp, mà mỗi hành vi ấy đã có đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập (cùng là hành vi trộm cắp, hiếp dâm, lừa đảo...).
ii). Khi xét xử, các hành vi đó chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và người phạm tội vẫn chưa bị xét xử hoặc bị xử lý bằng các hình thức khác (đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra...).
iii). Nếu điều luật có quy định về giá trị tài sản hoặc thiệt hại về tài sản thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng giá trị tài sản của các lần phạm tội cộng lại.
Xét về bản chất của tình tiết "Phạm tội nhiều lần" nay là “Phạm tội 02 lần trở lên” có các đặc điểm sau:
Một là, phạm tội 02 lần trở lên là người phạm tội đã thực hiện từ hai hành vi phạm tội trở lên, tác động đến cùng một đối tượng hoặc nhiều đối tượng khác nhau (ví dụ: nhiều lần trộm cắp, nhiều lần hiếp dâm...).
Hai là, nếu tách ra từng hành vi phạm tội riêng lẽ thì mỗi hành vi ấy đã đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập.
Ba là, tất cả các hành vi phạm tội đó đều được quy định tại một điều luật cụ thể trong phần riêng BLHS (cùng là tội trộm cắp, hiếp dâm...), có thể cùng một khoản, cũng có thể phạm tội ở các khoản khác nhau của cùng một điều luật.
Bốn là, các hành vi phạm tội đó chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, như: Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án... và cùng bị đưa ra xét xử một lần trong cùng một vụ án.
Năm là, nếu điều luật có quy định về giá trị tài sản hoặc thiệt hại về tài sản thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng giá trị tài sản của các lần phạm tội cộng lại.
Tuy nhiên, việc áp dụng tình tiết "Phạm tội nhiều lần" hay “phạm tội 02 lần trở lên” vào từng trường hợp cụ thể không phải đều giống nhau và tùy theo các tội phạm cụ thể nên nội dung, ý nghĩa của tình tiết này có thể khác nhau. Cụ thể:
Theo quy định tại điểm 3.3, khoản 2 Mục I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS thì "Đối với nhiều lần làm hoặc tàng trữ hoặc vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả thì cần phải lấy tổng số lượng tiền giả của tất cả các lần phạm tội cộng lại để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ; nếu trong các lần phạm tội đó có trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không xem xét trách nhiệm hình sự đối với trường hợp đó (không cộng số lượng tiền giả của lần phạm tội đó); nếu có hai lần phạm tội làm hoặc tàng trữ hoặc vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả trở lên thì ngoài việc cộng số lượng tiền giả của các lần phạm tội để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ, còn phải áp dụng tình tiết tăng nặng "phạm tội nhiều lần" quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS.”
Vậy, với trường hợp theo quy định tại BLHS năm 2015, người bị buộc tội theo “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” (Điều 207); “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác” (Điều 208); … khi điều tra, truy tố, xét xử liệu các cơ quan tiến hành tố tụng có được áp dụng tinh thần hướng dẫn tại Thông tư trên không? Bởi tại các điều luật vừa trích dẫn, nhà làm luật không quy định “Phạm tội 02 lần trở lên” là tình tiết định khung tăng nặng tại các điều luật tương ứng, nên sẽ khó khăn khi áp dụng vào thực tiễn. Tương tự như vậy, trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy, không phải bất cứ vụ án cướp tài sản; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; cưỡng đoạt tài sản; cướp giật tài sản; công nhiên chiếm đoạt tài sản;…đều được cơ quan điều tra phá án thành công, đều đó đồng nghĩa với việc trong những trường hợp vừa nêu, Tòa án khi xét xử chỉ có thể áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người bị buộc tội trong khung hình phạt đó, mà không thể là tình tiết định khung. Điều này là không hợp lý, không bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trước pháp luật. Chẳng hạn, một người 02 lần phạm tội “Xâm phạm quyền bình đẳng giới” và 02 lần phạm tội đó bị đưa ra xét xử trong cùng một lần thì người phạm tội đó chắc chắn bị Tòa án áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “Phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 165 BLHS năm 2015, trong khi đó, một người đã 02 thực hiện hành vi cướp tài sản, nhưng không là trường hợp phạm tội chuyên nghiệp, lần phạm tội trước đó do may mắn trốn thoát, Tòa án đưa ra xét xử 02 lần phạm tội này trong cùng một vụ án, theo khoản 1 Điều 168 BLHS năm 2015, như vậy về nguyên tắc, Tòa án chỉ được coi tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 và như vậy, mức hình phạt cũng chỉ nằm trong khung quy định của khoản 1 của Điều luật đang áp dụng đối với tội danh đó, mà không được chuyển khung. Rõ ràng là không công bằng, không bảo đảm sự bình đẳng như tinh thần của điểm b khoản 1 Điều 3 BLHS năm 2015 đã quy định.
Từ phân tích trên, tác giả đề nghị cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015, tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên” cần được quy định trong các điều luật quy định tội phạm cụ thể, với ý nghĩa đó là tình tiết phản ánh tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để có xác định khung hình phạt phù hợp hơn.
Thứ hai, tình tiết “Tái phạm, tái phạm nguy hiểm”. Tình tiết này quy định tại Điều 53 BLHS năm 2015, đây là tình tiết phản ánh đặc điểm về nhân thân người phạm tội:
1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
So sánh quy định về “tái phạm” tại khoản 1 Điều 53 BLHS năm 2015 với khoản 1 Điều 49 BLHS năm 1999 là giống nhau. Còn nếu so sánh với quy định tại khoản 1 Điều 40 BLHS năm 1985, thì quy định về “tái phạm” tại khoản 1 Điều 53 BLHS năm 2015 nhà làm luật mở rộng đối tượng là tái phạm, tức là không có lợi cho người phạm tội. Bởi theo khoản 1 Điều 40 BLHS năm 1985 thì điều kiện để coi là tái phạm khi người phạm tội: “Đã bị phạt tù vì tội do cố ý, chưa được xoá án mà lại phạm tội nghiêm trọng do vô ý hoặc tội ít nghiêm trọng do cố ý. Hoặc đã bị phạt tù về tội nghiêm trọng do vô ý, chưa được xoá án mà lại phạm tội nghiêm trọng do vô ý hoặc tội do cố ý.”. Nghĩa là, người phạm tội bị coi là tái phạm khi đã bị phạt tù..., chưa được xoá án mà lại phạm tội..., còn theo quy định tại khoản 1 Điều 53 BLHS năm 2015, điều kiện để coi là “tái phạm” nếu người phạm tội đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý.... Điều đó có nghĩa là người bị Toà án xử phạt với bất cứ hình phạt chính nào (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ,...) chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý đều bị coi là “tái phạm”. Việc xác định tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt được quy định trong điều luật tương ứng của BLHS  năm 2015.
Về tình tiết “tái phạm nguy hiểm”, cũng giống như khoản 2 Điều 49 BLHS năm 1999, khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015 quy định về “tái phạm nguy hiểm” là có lợi hơn cho người phạm tội so với quy định tại khoản 2 Điều 40 BLHS năm 1985. Vì vậy, căn cứ vào khoản 3[2] Điều 7 BLHS năm 2015; điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144/2016/QH13, ngày 29/6/2016 của Quốc hội khóa XIII về việc lùi hiệu lực thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 và bổ sung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Toà án được áp dụng quy định này để xác định tái phạm nguy hiểm đối với người bị kết án trước 0 giờ 00 ngày 01/7/2016, nhưng sau thời điểm này chưa được xoá án tích mà lại phạm tội. Cần chú ý là việc xác định tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng là căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt được quy định trong điều luật tương ứng của BLHS năm 2015.
Đối với trường hợp được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015, việc xác định một người là “tái phạm nguy hiểm” phải thỏa mãn các dấu hiệu sau:
Một là, trước khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội đó đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý. Việc xác định dấu hiệu người phạm tội “đã bị kết án” cũng được xác định như trường hợp tái phạm. Tuy nhiên, tội phạm trước mà người phạm tội bị kết án chỉ giới hạn ở tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.
Hai là, người bị kết án và bản án đã kết án đối với họ chưa được xóa án tích. Dấu hiệu này được xác định như trường hợp tái phạm.
Ba là, người phạm tội lại phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý. Tội phạm này được thực hiện sau và được xét xử sau. Đồng thời, lần phạm tội này đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm độc lập do BLHS quy định.
Đối với trường hợp được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015, cũng phải thỏa mãn các dấu hiệu sau:
Một là, người phạm tội đã tái phạm. Có nghĩa rằng, trước lần bị đưa ra xét xử này, người phạm tội đã 02 lần bị kết án về tội phạm độc lập do BLHS quy định. Đồng thời, trong lần bị kết án thứ hai trước đó, người phạm tội đã bị áp dụng tình tiết “tái phạm”.
Trong thực tiễn, cũng có ý kiến khác nhau về căn cứ áp dụng để xác định dấu hiệu “đã tái phạm” , đó là, dựa vào quy định của BLHS hay căn cứ vào bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án đã xét xử . Cụ thể:
+ Quan điểm thứ nhất cho rằng, dấu hiệu tái phạm phải được xác định bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi bản án đó chưa được xóa án tích, mà người này lại phạm tội mới thì mới bị coi là trường hợp “tái phạm nguy hiểm”.
+ Quan điểm thứ hai cho rằng, căn cứ quy định của BLHS hiện hành về “Tái phạm nguy hiểm”. Nghĩa là, nếu thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu để xác định tái phạm thì người phạm tội phải chịu tình tiết này, bất kể bản án kết tội đối với người phạm tội ở lần thứ 2 trước đó có kết luận người phạm tội tái phạm hay không. Bởi vì, theo khoản 1 Điều 53 BLHS năm 2015, tái phạm là “trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý”. Điều luật không đòi hỏi phải có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Xoay quanh vấn đề này, theo quan điểm của tác giả, mặc dù khoản 1 Điều 53 BLHS năm 2015 quy định về “tái phạm” tuy không nêu dấu hiệu phải được Tòa án xác định bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật và cũng chỉ nêu dấu hiệu để xác định“tái phạm” chứ không quy định chủ thể có thẩm quyền xác định người phạm tội đã tái phạm. Do vậy, khi quy kết trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội ở lần thứ hai mà Tòa án không xác định người phạm tội “tái phạm” thì về nguyên tắc khi xét xử tội mới, Tòa án không được áp dụng “tái phạm nguy hiểm”. Nếu theo lô gíc hiểu vấn đề như vừa trình bày sẽ dẫn đến bản án của Tòa án kết án người phạm tội ở lần thứ hai phải được xem xét theo trình tự giám đốc thẩm. Khi lần phạm tội thứ hai được xét xử lại và bản án của Tòa án xác định người phạm tội đã “tái phạm” khi có hiệu lực pháp luật thì việc xem xét trách nhiệm hình sự của người phạm tội đối với lần phạm tội mới mới chính xác, đảm bảo ý nghĩa của hình phạt và tính công bằng trong việc xử lý trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, người bị kết án và bản án đã kết án đối với họ chưa được xóa án tích. Dấu hiệu này được xác định như trường hợp tái phạm và trường hợp thứ nhất của tái phạm nguy hiểm.
Thứ ba, người phạm tội lại phạm tội do lỗi cố ý. Theo đó, tội phạm mới mà người phạm tội phạm phải là bất kỳ tội phạm cụ thể nào, có thể là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Dấu hiệu này chỉ đòi hỏi tội phạm đó là tội do lỗi cố ý, không bao hàm tội phạm do lỗi vô ý. Đồng thời, tội phạm này do người phạm tội thực hiện sau và được xử sau và lần phạm tội mới này đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm độc lập do BLHS quy định.
Như vậy, với quy định của BLHS và các phân tích trên “tái phạm, tái phạm nguy hiểm” thể hiện tính chất nguy hiểm cho xã hội do hành vi phạm tội gây ra cao hơn so với trường hợp phạm tội không có tình tiết này.
Một vướng mắc khác cũng cần được làm rõ, đó là, đã “tái phạm nguy hiểm” chưa được xóa án tích mà tiếp tục phạm tội do lỗi cố ý thì có thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm không? Xoay quanh vấn đề này, hiện có 2 loại ý kiến sau:
 + Loại ý kiến thứ nhất, “tái phạm nguy hiểm” được quy định tại khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015. Mà theo đó, không có quy định với trường hợp đã tái phạm nguy hiểm chưa được xóa án tích mà tiếp tục phạm tội do lỗi cố ý là “tái phạm nguy hiểm”. Cho nên, theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, trong trường hợp này, không nên áp dụng tình tiết “tái phạm nguy hiểm” đối với người phạm tội.
+ Loại ý kiến thứ hai, điểm b khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015, quy định“Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý” là tái phạm nguy hiểm. Do vậy, một người đã “tái phạm nguy hiểm” chưa được xóa án tích mà tiếp tục phạm tội do lỗi cố ý thì tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội do hành vi mà họ gây ra chắc chắn sẽ lớn hơn. Cho nên, cần phải áp dụng tình tiết “tái phạm nguy hiểm” đối với người phạm tội trong trường hợp này, mới phù hợp với nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội thuộc trường hợp “tái phạm nguy hiểm” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 BLHS năm 2015 .
Theo quan điểm của tác giả, “tái phạm nguy hiểm” là dạng đặc biệt của “tái phạm”, thể hiện tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn trường hợp tái phạm. Trong các trường hợp được xác định là “tái phạm nguy hiểm” như tại khoản 2 Điều 53 của BLHS năm 2015, thì tại điểm b có quy định “Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý”. Tuy quy định này chỉ đề cập đến “tái phạm” mà không quy định trường hợp“tái phạm nguy hiểm”, nhưng về logic sẽ là hợp lý hơn nếu áp dụng tình tiết “Tái phạm nguy hiểm”. Chính vì lẽ đó, phần quy định chung của luật cũng cần quy định đã “tái phạm nguy hiểm” chưa được xóa án tính mà tiếp tục phạm tội do lỗi cố ý cũng thuộc trường hợp “tái phạm nguy hiểm”.
2. Một số vướng mắc và kiến nghị
Một là, đối với việc dùng thuật ngữ “tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý” tại điểm a khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015. Nghiên cứu quy định tai khoản 3 và khoản 4 Điều 9 BLHS năm 2015: “Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù”; “Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”. Mặt khác, các tội phạm rất nghiêm trọng có tội được quy định với lỗi cố ý (khoản 2 Điều 248,…), có tội được quy định với lỗi vô ý (khoản 3 Điều 260,…) nhưng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì chỉ có tội phạm được quy định với lỗi cố ý mà không tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được quy định với lỗi vô ý. Do vậy, việc dùng thuật ngữ “tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý” là chưa sát với Phần các tội phạm cụ thể quy định trong BLHS năm 2015.
Hai là, đối với điểm b khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015, theo nội dung quy định này, sẽ có trường hợp người phạm tội thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý vẫn không được xác định là “tái phạm nguy hiểm”. Theo quy định tại Điều 9 BLHS năm 2015, có thể thấy tội phạm rất nghiêm trọng dù là lỗi phạm cố ý hay vô ý thì tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi bao giờ cũng cao hơn so với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng do cố ý. Đối với loại tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý, nhà làm luật đã có sự cân nhắc khi quy định trách nhiệm hình sự. Cho nên, sẽ là rất khập khuyển khi xác định người phạm tội đã tái phạm mà lại phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng do cố ý là “tái phạm nguy hiểm”, ngược lại người phạm tội đã tái phạm mà lại phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý nhưng không coi là “tái phạm nguy hiểm”!
Để khắc phục bất cập này, tác giả kiến nghị bổ sung vào điểm b khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015 cụm từ “tội phạm rất nghiêm trọng do lỗi vô ý”. Mà theo đó, sau khi sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 53 được viết lại như sau:
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý; tội phạm rất nghiêm trọng do lỗi vô ý”.
Ba là, về phạm vi áp dụng của tình tiết “tái phạm”; “tái phạm nguy hiểm” BLHS năm 2015 không có quy định mang tính loại trừ nên dẫn đến cách hiểu trong các trường hợp tái phạm có trường hợp tội phạm được thực hiện trước đó là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý và tội phạm thực hiện sau là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý. Trong khi đó, điểm a khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015, quy định tái phạm nguy hiểm là trường hợp“Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;”. Như vậy, sẽ có sự trùng lắp giữa quy định tại khoản 1 Điều 53 với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015 về “tái phạm”“tái phạm nguy hiểm” khi tội phạm đã thực hiện trước đó là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý và tội phạm thực hiện sau là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý. Bên cạnh đó, như đã phân tích tội phạm đặc biệt nghiêm trọng không thể tìm thấy do lỗi vô ý.
Từ những lý do phân tích trên, tác giả đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 53 BLHS năm 2015, như sau:
Điều 53. Tái phạm, tái phạm nguy hiểm
1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý.
2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý. Người đã tái phạm nguy hiểm mà lại phạm tội về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm rất nghiêm trọng.”
 
Phạm Thị Hồng Đào  - Văn phòng luật sư Thạnh Hưng
 
[1] Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
[2] Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.