Trên cơ sở quy định về tạm ứng án phí, án phí được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 (từ Điều 127 đến Điều 134); Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (Điều 98, Điều 99); Luật Tố tụng hành chính năm 2010 (Điều 27), Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án năm 2009 (sau đây được viết tắt là Pháp lệnh) và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án (sau đây được viết tắt là Nghị quyết số 01/2012).
Quy định của
Pháp lệnh,
Nghị quyết số 01/2012 đã góp phần quan trọng tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tố tụng phải nộp tạm ứng án phí, án phí. Bên cạnh các mặt tích cực, quy định về tạm ứng án phí, án phí của Pháp lệnh, Nghị quyết số 01/2012 đã bộc lộ những hạn chế nhất định, cần có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự (theo nghĩa rộng), hình sự, hành chính.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả lần lượt trình bày quy định của pháp luật về tạm ứng án phí, án phí trong tố tụng; vướng mắc qua thực tiễn áp dụng và kiến nghị hoàn thiện quy định liên quan đến tạm ứng án phí, án phí trong thời gian tới.
I. QUY ĐỊNH VỀ TẠM ỨNG ÁN PHÍ, ÁN PHÍ TRONG TỐ TỤNG
1. Quy định về những trường hợp không phải nộp, miễn nộp tạm ứng án phí, án phí
1.1. Những trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí
Theo Điều 10 Pháp lệnh và Điều 3 Nghị quyết số 01/2012, những trường hợp sau đây không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí:
- Người khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước. Đó là các cơ quan, tổ chức theo quy định tại khoản 3 Điều 162 BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 3 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự (sau đây được viết tắt là Nghị quyết số 05/2012), bao gồm:
Một là, cơ quan về dân số, gia đình và trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình do Luật Hôn nhân và gia đình quy định.
Hai là, công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở khởi kiện vụ án lao động khi cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động do pháp luật quy định.
Ba là, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình khởi kiện để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách:
+ Cơ quan Tài nguyên và Môi trường khởi kiện để yêu cầu Toà án buộc cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi gây ô nhiễm môi trường phải bồi thường thiệt hại, khắc phục sự cố gây ô nhiễm môi trường công cộng.
+ Cơ quan Văn hoá - Thông tin khởi kiện để yêu cầu Toà án buộc cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi xâm phạm di sản văn hoá thuộc sở hữu toàn dân phải bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra.
- Viện kiểm sát khởi tố vụ án hành chính.
- Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Toà án theo thủ tục phúc thẩm.
- Cơ quan, tổ chức quy định tại trường hợp thứ 02 bên trên kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm.
1.2. Những trường hợp được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí
Theo Điều 11 Pháp lệnh, Điều 4 Nghị quyết số 01/2012, khi rơi vào một trong các trường hợp sau đây, đương sự được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí:
- Đối với vụ án hành chính, người khởi kiện là thương binh; bố, mẹ liệt sỹ; người có công với cách mạng; người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh;
- Đối với vụ án lao động, người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
- Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;
- Cá nhân, hộ gia đình thuộc diện nghèo theo quy định của Chính phủ (vào thời điểm Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hình sự, vụ án hành chính).
- Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.
1.3. Quy định về miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, án phí
Theo các Điều 14, 15 và 16 Pháp lệnh, Điều 5 Nghị quyết số 01/2012, điều kiện, mức được miễn và trình tự, thủ tục xem xét yêu cầu miễn nộp một phần tạm ứng án phí, án phí được quy định như sau:
- Về điều kiện: Người có khó khăn về kinh tế được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận.
Người có khó khăn về kinh tế là người có quốc tịch Việt Nam hoặc người không có quốc tịch nhưng sinh sống và làm việc ở Việt Nam vào thời điểm Tòa án giải quyết vụ việc và phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận là họ có khó khăn về kinh tế.
Tuy nhiên, khi áp dụng quy định này cần lưu ý trường hợp Tòa án đã cho người có khó khăn về kinh tế được miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí theo quy định nhưng họ vẫn phải chịu toàn bộ án phí khi thuộc một trong 02 trường hợp sau đây:
Một là, sau khi cho miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí thì chứng minh được người được miễn nộp đó không phải là người có khó khăn về kinh tế;
Hai là, theo bản án, quyết định của Tòa án thì họ có tài sản để nộp toàn bộ án phí mà họ phải chịu (họ được chia tài sản chung, được hưởng di sản thừa kế,…).
- Về mức được miễn: Mức tiền được miễn không được vượt quá 50% mức tiền tạm ứng án phí, án phí mà đương sự phải nộp. Đồng thời, mức được miễn cụ thể được xem xét, quyết định dựa vào khả năng tài chính của người đề nghị và giá trị tài sản có tranh chấp.
Trong trường hợp vụ án có nhiều người phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí thì cần phân biệt:
+ Người thuộc trường hợp được miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, án phí thì được miễn; người không thuộc trường hợp được miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, án phí thì không được miễn;
+ Trường hợp các đương sự thỏa thuận về việc nộp án phí để nhằm mục đích trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, nếu có người thỏa thuận nộp thay án phí và có đơn đề nghị miễn nộp một phần án phí thì Tòa án chỉ cho miễn nộp một phần án phí mà theo quy định người này phải chịu nếu họ có đủ điều kiện quy định; còn phần án phí mà họ nhận nộp thay cho người khác thì Tòa án không cho miễn nộp.
Quy định này đã khắc phục vướng mắc trong trường hợp các đương sự thỏa thuận với nhau về cách thức giải quyết tranh chấp khi Tòa án thực hiện thủ tục hòa giải. Theo đó, người thuộc trường hợp miễn nộp toàn bộ hoặc một phần án phí đã tự nguyện chịu toàn bộ án phí nhắm né tránh nghĩa vụ nộp án phí.
- Về trình tự, thủ tục xem xét yêu cầu miễn nộp tạm ứng án phí, án phí:
+ Người đề nghị phải Nộp đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí, án phí (kể cả tạm ứng án phí phúc thẩm). Người đề nghị thuộc trường hợp được quy định phải có đơn đề nghị nộp cho Tòa án kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh mình thuộc trường hợp được miễn. Đơn phải có lý do và căn cứ đề nghị miễn và xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc.
+ Thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí, án phí: Trước khi thụ lý vụ án và sau khi thụ lý vụ án đều do Thẩm phán được phân công xét đơn.
2. Quy định về án phí trong tố tụng hình sự
2.1. Các loại án phí trong tố tụng hình sự
Theo Điều 20 Pháp lệnh, án phí trong tố tụng hình sự bao gồm: Án phí hình sự sơ thẩm; án phí hình sự phúc thẩm; án phí dân sự sơ thẩm (trường hợp Tòa án giải quyết cả phần dân sự trong vụ án hình sự), bao gồm: (1) án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch và (2) án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch; án phí dân sự phúc thẩm đối với trường hợp có kháng cáo về phần dân sự trong vụ án hình sự.
2.2. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí trong vụ án hình sự
Theo Điều 21 Pháp lệnh, Điều 8 Nghị quyết số 01/2012, nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí trong vụ án hình sự được quy định như sau:
- Bị cáo và các đương sự trong vụ án hình sự không phải nộp tiền tạm ứng án phí hình sự sơ thẩm, phúc thẩm và tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm.
- Các đương sự trong vụ án hình sự kháng cáo về phần dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm. Chẳng hạn, người bị hại kháng cáo về hình phạt đối với bị cáo thì không nộp tạm ứng án phí.
Đương sự bao gồm: người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
- Trong mọi trường hợp, bị cáo kháng cáo về phần dân sự trong vụ án hình sự không phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm.
2.3. Nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm trong vụ án hình sự
Theo các Điều 22, 27 Pháp lệnh và Điều 9 Nghị quyết số 01/2012, nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm trong vụ án hình sự được quy định như sau:
- Đối với án phí hình sự sơ thẩm, người bị kết án phải chịu án phí hình sự sơ thẩm.
Người bị hại đã yêu cầu khởi tố phải chịu án phí hình sự sơ thẩm nếu Toà án tuyên bố bị cáo không có tội hoặc vụ án bị đình chỉ do người bị hại rút yêu cầu khởi tố trước khi phiên tòa được mở.
- Đối với án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hình sự, nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hình sự được thực hiện như nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm. Nếu đương sự, bị cáo thoả thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại thì cần phân biệt:
+ Trước phiên tòa, đương sự, bị cáo thoả thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại (kể cả trường hợp họ tự thỏa thuận và đề nghị Tòa án ghi nhận việc bồi thường thiệt hại) thì họ không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
+ Tại phiên tòa, đương sự, bị cáo thoả thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại thì họ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp xét xử vụ án đó.
Trong trường hợp người bị hại yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản, việc xác định nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hình sự cần phân biệt 04 như sau:
Một là, họ chứng minh tài sản bị xâm phạm có giá trị thấp hơn giá trị tài sản khai báo thì án phí dân sự sơ thẩm được tính đối với phần tài sản chứng minh được.
Hai là, cơ quan chức năng chứng minh tài sản bị xâm hại có giá trị cao hơn giá trị tài sản khai báo thì án phí dân sự sơ thẩm được tính đối với phần tài sản chứng minh được. Trong trường hợp này, bị cáo phải chịu án phí theo giá trị tài sản chứng minh được.
Ba là, họ yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật, không yêu cầu một số tiền hoặc tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể thì không phải chịu án phí nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
Bốn là, họ yêu cầu về những khoản không phù hợp với pháp luật
[1] thì Tòa án phải giải thích cho họ việc họ phải chịu án phí nếu yêu cầu bồi thường thiệt hại đó không được Tòa án chấp nhận. Nếu họ vẫn yêu cầu Tòa án giải quyết thì họ phải chịu án phí nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
2.4. Nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm trong vụ án hình sự
Theo Điều 23 Pháp lệnh và Điều 10 Nghị quyết số 01/2012, nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm trong vụ án hình sự được quy định như sau:
- Bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo kháng cáo bản án sơ thẩm (về hình sự) phải chịu án phí hình sự phúc thẩm, nếu Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm (về hình sự).
+ Trường hợp cả bị cáo và người đại diện hợp pháp của bị cáo đều có kháng cáo bản án sơ thẩm (về hình sự) mà Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên thì chỉ bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
+ Trường hợp chỉ bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của bị cáo kháng cáo bản án sơ thẩm (về hình sự) mà Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên thì người kháng cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
- Bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo kháng cáo bản án sơ thẩm (về hình sự và dân sự) phải chịu án phí hình sự phúc thẩm và án phí dân sự phúc thẩm, nếu Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên toàn bộ bản án sơ thẩm.
+ Trường hợp bị cáo kháng cáo về hình sự và người đại diện hợp pháp của bị cáo kháng cáo về dân sự hoặc ngược lại mà Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm thì người nào kháng cáo về phần nào phải chịu án phí đối với yêu cầu của họ.
+ Trường hợp bị cáo kháng cáo về hình sự và người đại diện hợp pháp của bị cáo kháng cáo quyết định về dân sự hoặc ngược lại mà Tòa án quyết định sửa quyết định về hình sự hoặc sửa quyết định về dân sự hoặc sửa cả quyết định về hình sự và quyết định về dân sự thì không có người kháng cáo nào phải chịu án phí phúc thẩm.
- Người bị hại kháng cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại và Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định của bản án, quyết định sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không phạm tội.
- Người kháng cáo bản án sơ thẩm (về dân sự) phải chịu án phí dân sự phúc thẩm như kháng cáo bản án dân sự.
- Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm để điều tra, xét xử lại hoặc đình chỉ vụ án thì người kháng cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
- Người kháng cáo rút đơn kháng cáo trước khi mở phiên toà phúc thẩm hoặc tại phiên toà phúc thẩm không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
- Người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm trong trường hợp yêu cầu kháng cáo của họ được Tòa án chấp nhận (trường hợp chỉ một người kháng cáo cũng áp dụng tương rự).
3. Quy định về an phí trong tố tụng dân sự
3.1. Các loại án phí dân sự
Theo Điều 24 Pháp lệnh, án phí trong vụ án dân sự bao gồm 03 loại: (1) Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự không có giá ngạch; (2) Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự có giá ngạch và (3) Án phí dân sự phúc thẩm.
Trong đó,
vụ án dân sự không có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể;
vụ án dân sự có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự là một số tiền hoặc là tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể.
3.2. Quy định về tạm ứng án phí, án phí dân sự sơ thẩm
3.2.1. Quy định về tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm
- Về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm:
Theo Điều 25 Pháp lệnh, Điều 11, khoản 1 Điều 15 Nghị quyết số 01/2012, nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm được quy định như sau:
+ Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm.
+ Vụ án có nhiều nguyên đơn mà mỗi nguyên đơn có yêu cầu độc lập thì mỗi nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí theo yêu cầu riêng của mỗi người; nếu các nguyên đơn cùng chung một yêu cầu thì các nguyên đơn phải nộp chung tiền tạm ứng án phí.
+ Vụ án có nhiều bị đơn mà mỗi bị đơn có yêu cầu phản tố độc lập thì mỗi bị đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí theo yêu cầu riêng của mỗi người; nếu các bị đơn cùng chung một yêu cầu phản tố thì các bị đơn phải nộp chung tiền tạm ứng án phí.
+ Số tiền tạm ứng án phí phải nộp: vụ án không có giá ngạch phải nộp bằng mức án phí; vụ án có giá ngạch phải nộp bằng 50% mức án phí mà Tòa án dự tính.
Ngoài các quy định trên, khi xác định số tiền tạm ứng phải nộp cần lưu ý các trường hợp cụ thể sau:
Một là, đối với vụ án dân sự có giá ngạch nhưng giá trị dự tính từ 4.000.000 đồng trở xuống thì nộp tạm ứng án phí là 100.000 đồng.
Hai là, đối với vụ án hôn nhân và gia đình, nếu vợ hoặc chồng có yêu cầu thì người yêu cầu phải nộp tiền tạm ứng là 200.000 đồng; còn nếu cả vợ và chồng cùng có yêu cầu thì mỗi người phải nộp tiền tạm ứng là 100.000 đồng.
Ba là, nếu ngoài yêu cầu ly hôn, đương sự còn yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu chia 1/2 giá trị tài sản chung của vợ chồng thì người có yêu cầu phải nộp tiền tạm ứng án phí đối với 1/2 giá trị tài sản chung của vợ chồng.
Bốn là, trong vụ án hôn nhân, gia đình, nếu có yêu cầu cấp dưỡng thì trong mọi trường hợp người yêu cầu cấp dưỡng không phải nộp tiền tạm ứng án phí.
- Về thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm:
Theo Điều 26 Pháp lệnh, tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm được nộp trong hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Toà án về việc nộp tiền tạm ứng án phí.
3.2.2. Quy định về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm
Theo các Điều 11, 27 Pháp lệnh và các Điều 12, 13, 14, 15 Nghị quyết số 01/2012, nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được quy định như sau:
- Quy định chung về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm
+ Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Toà án chấp nhận.
+ Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Toà án chấp nhận.
+ Nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không được Toà án chấp nhận.
+ Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Toà án chấp nhận.
+ Bị đơn có yêu cầu phản tố phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu phản tố không được Toà án chấp nhận. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu phản tố của bị đơn được Toà án chấp nhận.
+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận.
Người có nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập được Tòa án chấp nhận.
+ Trường hợp các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì cần phân biệt:
Trong trường hợp Toà án tiến hành hoà giải
trước khi mở phiên toà thì phải chịu 50% mức án phí quy định.
+ Trường hợp các bên đương sự thoả thuận được
tại phiên toà sơ thẩm thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp xét xử vụ án đó.
- Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong các trường hợp cụ thể
Thứ nhất, đối với các tranh chấp về chia tài sản chung, chia di sản thừa kế
+ Mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản, phần di sản mà họ được hưởng, được chia khi các bên đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản mà mình được hưởng trong khối di sản thừa kế và có một trong các bên yêu cầu Toà án giải quyết chia tài sản chung, di sản thừa kế đó.
+ Khi các bên đương sự không xác định được phần tài sản của mình hoặc mỗi người xác định phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản của mình trong khối di sản thừa kế là khác nhau và có tranh chấp thì mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, được hưởng trong khối tài sản chung hoặc trong khối di sản thừa kế.
+ Đối với phần Tòa án bác đơn yêu cầu thì người yêu cầu chia tài sản chung, di sản thừa kế không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
Thứ hai, đối với tranh chấp về hôn nhân gia đình
* Về án phí về hôn nhân:
+ Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc Toà án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
+ Vợ chồng thuận tình ly hôn khi Tòa án hoà giải (trước khi mở phiên tòa), mỗi bên phải chịu 25% mức án phí quy định.
* Về án phí về chia tài sản chung:
+ Các đương sự có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm, còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp (như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia).
+ Trường hợp vợ chồng yêu cầu người khác thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà Tòa án chấp nhận yêu cầu của vợ, chồng, thì người có nghĩa vụ về tài sản phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với giá trị phần tài sản mà họ phải chịu.
Nếu vợ chồng không thỏa thuận chia được với nhau về tài sản thu được mà gộp vào tài sản chung và có yêu cầu Tòa án giải quyết thì mỗi người phải chịu án phí dân sự tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia.
+ Trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ về tài sản đối với người khác và người này có yêu cầu độc lập mà Tòa án chấp nhận yêu cầu độc lập đó thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được tính như sau:
Người có yêu cầu độc lập không phải chịu án phí đối với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng; Vợ chồng phải chịu án phí đối với giá trị phần tài sản mà họ có nghĩa vụ đối với người có yêu cầu độc lập; Vợ chồng phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần tài sản họ được chia sau khi trừ đi giá trị phần tài sản mà họ có nghĩa vụ đối với người có yêu cầu độc lập.
+ Trước khi Tòa án tiến hành hòa giải, vợ chồng tự thỏa thuận phân chia tài sản chung và yêu cầu Tòa án ghi nhận thì đương sự không phải chịu án phí.
+ Sau phiên hòa giải đến trước khi mở phiên tòa, vợ chồng mới tự thỏa thuận phân chia và yêu cầu Tòa án ghi nhận thì phải chịu 50% mức án phí tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia.
+ Tại phiên tòa, các đương sự mới thỏa thuận được về việc giải quyết vụ án thì họ vẫn phải chịu 100% mức án phí tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia.
- Trường hợp các đương sự có tranh chấp về việc chia tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng, Tòa án tiến hành hòa giải, các đương sự thống nhất thỏa thuận được một phần, còn một phần không thỏa thuận được thì các đương sự vẫn phải chịu án phí toàn bộ.
Thứ ba, đối với tranh chấp về cấp dưỡng
Đối với vụ án ly hôn, đòi bồi thường thiệt hại, vụ án hình sự có giải quyết vấn đề cấp dưỡng hoặc vụ án riêng về cấp dưỡng, nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm như sau:
+ Người có nghĩa vụ cấp dưỡng định kỳ theo quyết định của Toà án phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch.
+ Trong trường hợp các đương sự thỏa thuận được về mức và phương thức cấp dưỡng thì cần phân biệt: Nếu trước khi mở phiên tòa, nhưng có yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu 50% mức án phí như vụ án dân sự không có giá ngạch; nếu tại phiên tòa thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu mức án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch.
+ Các đương sự thỏa thuận được về phương thức cấp dưỡng (kể cả một lần), không thỏa thuận được về mức cấp dưỡng (hoặc ngược lại) thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu án phí như vụ án dân sự không có giá ngạch.
+ Các đương sự có tranh chấp về cấp dưỡng (về mức và phương thức cấp dưỡng) và Tòa án quyết định mức và phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu án phí như vụ án dân sự không có giá ngạch.
+ Trong vụ án hôn nhân và gia đình, nếu có yêu cầu cấp dưỡng thì trong mọi trường hợp người yêu cầu cấp dưỡng không phải chịu án phí đối với yêu cầu cấp dưỡng.
Thứ tư, đối với tranh chấp đòi tài sản cho mượn, cho ở nhờ
+ Trường hợp không tranh chấp về bồi thường thiệt hại, đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với vụ án dân sự không có giá ngạch.
+ Trường hợp có tranh chấp về bồi thường thiệt hại, đương sự phải chịu án phí không có giá ngạch đối với tranh chấp về đòi tài sản cho mượn, cho ở nhờ và án phí có giá ngạch đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Thứ năm, đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản
+ Trường hợp Tòa án không xem xét giá trị, chỉ xem xét quyền sở hữu tài sản của ai thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch;
+ Trường hợp Tòa án phải xác định giá trị của tài sản hoặc xác định quyền sở hữu theo phần thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp vụ án có giá ngạch đối với phần giá trị mà mình được hưởng.
Thứ sáu, đối với tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu:
+ Trường hợp một bên yêu cầu công nhận hợp đồng và một bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu và đều không có yêu cầu gì khác thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được quy định như sau:
Nếu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì bên yêu cầu công nhận hợp đồng phải chịu án phí như vụ án dân sự không có giá ngạch;
Nếu Tòa án tuyên bố công nhận hợp đồng thì bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu phải chịu án phí như vụ án dân sự không có giá ngạch;
+ Trường hợp một bên yêu cầu công nhận hợp đồng và một bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu và yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu thì ngoài việc chịu án phí không có giá ngạch, người phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản hoặc bồi thường thiệt hại phải chịu án phí như trường hợp vụ án dân sự có giá ngạch đối với giá trị tài sản phải thực hiện.
+ Trường hợp có đặt cọc, một bên yêu cầu trả lại tiền đặt cọc và phạt cọc, một bên chấp nhận trả số tiền cọc đã nhận và không chấp nhận phạt cọc thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được quy định như sau:
Nếu Tòa án chấp nhận phạt cọc thì bên không chấp nhận phạt cọc phải chịu án phí như vụ án dân sự có giá ngạch đối với phần phạt cọc.
Nếu Tòa án không chấp nhận phạt cọc thì bên yêu cầu phạt cọc phải chịu án phí như vụ án dân sự có giá ngạch đối với phần phạt cọc.
3.3. Quy định về tạm ứng án phí, áp phí phúc thẩm
Theo các Điều 28, 29 và 30 Pháp lệnh, nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí, áp phí phúc thẩm được quy định như sau:
- Về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm: Người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm. Mức tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm bằng mức án phí dân sự phúc thẩm.
- Về thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Toà án cấp sơ thẩm về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm và nộp cho Toà án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
- Về nghĩa vụ chịu án phí dân sự phúc thẩm:
+ Đương sự kháng cáo phải chịu án phí nếu Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm.
+ Trường hợp Toà án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Toà án cấp phúc thẩm phải xác định lại nghĩa vụ nộp án phí dân sự sơ thẩm theo quy định.
+ Trường hợp Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo để xét xử sơ thẩm lại thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
+ Đương sự rút kháng cáo trước khi mở phiên toà phúc thẩm phải chịu 50% mức án phí dân sự phúc thẩm. Đương sự rút kháng cáo tại phiên toà phúc thẩm phải chịu toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm.
+ Trường hợp các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên toà phúc thẩm thì đương sự kháng cáo phải chịu toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm.
Về án phí dân sự sơ thẩm, nếu các đương sự tự thoả thuận được với nhau thì các đương sự chịu án phí dân sự sơ thẩm theo thỏa thuận; nếu không thoả thuận được thì Tòa án xác định lại án phí dân sự sơ thẩm theo nội dung thoả thuận về việc giải quyết vụ án tại phiên toà phúc thẩm.
+ Trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên toà phúc thẩm hoặc tại phiên toà phúc thẩm và được bị đơn đồng ý thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quyết định của Toà án cấp sơ thẩm và phải chịu 50% mức án phí dân sự phúc thẩm.
+ Trong vụ án có người không phải nộp hoặc được miễn nộp án phí dân sự phúc thẩm thì những người khác vẫn phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định.
4. Quy định về an phí trong tố tụng hành chính
4.1. Các loại án phí trong vụ án hành chính:
Theo Điều 31 Pháp lệnh, án phí trong vụ án hành chính bao gồm 04 loại: Án phí hành chính sơ thẩm; án phí hành chính phúc thẩm; án phí dân sự sơ thẩm đối với trường hợp có giải quyết về bồi thường thiệt hại, bao gồm: (1) án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch và (2) án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch; án phí dân sự phúc thẩm đối với trường hợp có kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại.
4.2. Quy định về tạm ứng án phí, án phí sơ thẩm trong vụ án hành chính
- Về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm trong vụ án hành chính:
Theo Điều 32 Pháp lệnh, nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm trong vụ án hành chính được quy định như sau:
+ Người khởi kiện vụ án hành chính phải nộp tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm (bằng mức án phí hành chính sơ thẩm);
+ Người yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính không phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm.
- Về thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm:
Theo Điều 33 Pháp lệnh, Điều 18 Nghị quyết số 01/2012, từ ngày 01/7/2009 đến trước ngày 01/7/2011, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án.
Từ ngày 01/7/2011, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án (khoản 1 Điều 111 Luật Tố tụng hành chính).
- Về nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm trong vụ án hành chính:
Theo Điều 34 Pháp lệnh và Điều 19 Nghị quyết số 01/2012, nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm trong vụ án hành chính được quy định như sau:
+ Người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện phải chịu án phí hành chính sơ thẩm trong trường hợp bản án, quyết định của Toà án tuyên quyết định hành chính, hành vi hành chính đó là trái pháp luật.
+ Người khởi kiện phải chịu án phí hành chính sơ thẩm trong trường hợp bản án, quyết định của Toà án tuyên quyết định hành chính, hành vi hành chính đó là đúng pháp luật.
+ Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hành chính được thực hiện theo quy định.
+ Trường hợp bản án, quyết định chấp nhận một phần yêu cầu của người khởi kiện (01 hoặc 01 số quyết định hành chính, hành vi hành chính đúng pháp luật; 01 hoặc 01 số quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật) thì người bị kiện phải chịu án phí hành chính sơ thẩm.
+ Trong vụ án hành chính, người không thuộc trường hợp được miễn nộp toàn bộ hoặc một phần tiền tạm ứng án phí, án phí Tòa án thì phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định.
Ngoài ra, khi áp dụng quy định về án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hành chính cần phân biệt:
+ Người khởi kiện có yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí;
+ Người khởi kiện có yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản theo quy định của pháp luật thì không phải chịu án phí nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận;
+ Người khởi kiện có yêu cầu bồi thường thiệt hại về những khoản không phù hợp thì Tòa án phải giải thích cho họ việc họ phải chịu án phí nếu yêu cầu bồi thường thiệt hại đó không được Tòa án chấp nhận. Nếu họ vẫn yêu cầu Tòa án giải quyết thì họ phải chịu án phí nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận;
+ Trường hợp các bên đương sự đối thoại mà thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trước khi mở phiên tòa thì các bên đương sự phải chịu 50% mức án phí quy định.
4.3. Quy định về tạm ứng án phí phúc thẩm, án phí phúc thẩm trong vụ án hành chính (các Điều 35, 36, 37 Pháp lệnh)
- Về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm trong vụ án hành chính:
+ Người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí hành chính phúc thẩm (bằng mức án phí hành chính phúc thẩm).
+ Người kháng cáo về bồi thường thiệt hại phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm. Mức tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm được thực hiện theo quy định.
- Về thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm trong vụ án hành chính: Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Toà án cấp sơ thẩm, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm và nộp cho Toà án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
- Về nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm trong vụ án hành chính:
+ Người kháng cáo phải chịu án phí hành chính phúc thẩm, nếu Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm.
+ Trường hợp Toà án cấp phúc thẩm (1) sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, (2) huỷ bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo và chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm xét xử lại thì người kháng cáo không phải chịu án phí hành chính phúc thẩm.
+ Đương sự rút kháng cáo trước khi mở phiên toà phúc thẩm phải chịu 50% mức án phí hành chính phúc thẩm. Đương sự rút kháng cáo tại phiên toà phúc thẩm phải chịu toàn bộ án phí hành chính phúc thẩm.
+ Người kháng cáo phần quyết định về bồi thường thiệt hại của bản án sơ thẩm phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định.
+ Người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm trong trường hợp yêu cầu kháng cáo của họ được Tòa án chấp nhận.
II. NHỮNG VƯỚNG MẮC, BẤT CẬP TRONG THỰC TIỄN
Qua thực tiễn áp dụng quy định vể tạm ứng án phí, án phí trong thời gian qua đã phát sinh một số vướng mắc, bất cấp như sau:
Thứ nhất, đối với quy định về miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí
Một là, về thủ tục xin miễn một phần tiền tạm ứng án phí, án phí
Theo Điều 15 Pháp lệnh, khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 01/2012, người có khó khăn về kinh tế muốn được miễn một phần tiền tạm ứng án phí, án phí phải làm gửi cho Tòa án đơn xin miễn tiền tạm ứng án phí, án phí kèm theo xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc.
Trên thực tế, sau khi được Tòa án cho miễn nộp một phần tạm ứng án phí khi khởi kiện, trong quá trình giải quyết vụ án, người khởi kiện bổ sung yêu cầu kiện và theo quy định, người khởi kiện phải nộp bổ sung tạm ứng án phí. Như vậy, trong trường hợp này, người khởi kiện có phải làm lại đơn xin miễn nộp tạm ứng án phí hay Tòa án dựa vào đơn xin miễn ban đầu để tiếp tục cho miễn.
Tương tự đối với trường hợp khác, người có khó khăn về kinh tế đã được xét miễn một phần án phí sơ thẩm. Sau khi xét xử sơ thẩm, người có khó khăn về kinh tế kháng cáo bản án sơ thẩm. Trong trường hợp này, Tòa án sẽ căn cứ vào đơn trước đó người đó đã nộp để xét miễn một phần tạm ứng án phí, án phí phúc thẩm hay buộc người kháng cáo phải làm lại đơn xin miễn tiền tạm ứng án phí, án phí phúc thẩm.
Chính vì chưa có hướng dẫn cụ thể nên chưa có sự áp dụng thống nhất. Có nơi, Tòa án buộc người khởi kiện bổ sung yêu cầu kiện; người kháng cáo phải làm lại thủ tục xin miễn tạm ứng án phí, án phí. Ngược lại, có Tòa án lại sử dụng đơn trước đó để cho người khởi kiện, người kháng cáo bản án sơ thẩm được miễn một phần tạm ứng án phí, án phí sơ thẩm, phúc thẩm.
Chúng tôi cho rằng, trong 02 trường hợp trên, Tòa án cần dựa vào đơn xin miễm tạm ứng án phí, án phí trước đó để miễn tạm ứng án phí, án phí cả ở giai đoạn sơ thẩm và giai đoạn phúc thẩm. Bởi vì, để được miễn tạm ứng án phí, án phí, người khởi kiện, người kháng cáo phải gặp khó khăn về kinh tế. Khi khởi kiện ban đầu, họ đã cung cấp được đơn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc. Cho nên, trong quá trình giải quyết vụ án, nếu người khởi kiện bổ sung yêu cầu kiện hoặc sau khi có bản án, quyết định sơ thẩm, người có đơn xin miễn tạm ứng án phí, án phí sơ thẩm kháng cáo không cần thiết phải làm lại thủ tục xin miễn.
Hai là, về thẩm quyền xác nhận để được xét miễn tạm ứng án phí, án phí
Theo các Điều 14, 15 Pháp lệnh, khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 01/2012, thẩm quyền xác nhận để người có khó khăn về kinh tế được xét miễn tạm ứng án phí, án phí thuộc về Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc.
Tuy nhiên, trong các vụ án hình sự, vụ án dân sự, vụ án hành chính mà người có nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí sơ thẩm, phúc thẩm, án phí sơ thẩm, phúc thẩm bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, chấp hành hình phạt tù thì rất khó để họ có thể có được xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã để được xem xét miễn nộp tạm ứng án phí, án phí.
Bên cạnh đó, trong trường hợp người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, chấp hành hình phạt tù muốn làm đơn xin miễn nộp tạm ứng án phí, án phí thì họ không thể tự mình xin xác nhận là người có khó khăn về kinh tế. Thông thường, trong trường hợp này, họ thường nhờ người thân thích thực hiện. Tuy nhiên, việc người thân thích của người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, chấp hành hình phạt tù làm thủ tục thường khó được chấp nhận vì không đúng đối tượng xin xác nhận, dễ bị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú từ chối.
Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của các đối tượng này, kiến nghị bổ sung thẩm quyền xác nhận để được xét miễn tạm ứng án phí, án phí cho Trưởng Nhà tạm giữ, tạm giam, Ban giám thị Trại giam có quyền xác nhận trong trường hợp người xin miễn tạm ứng án phí, án là người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, chấp hành hình phạt tù.
Ba là, về diện đối tượng xin xét miễn tạm ứng án phí, án phí
Theo Điều 14 Pháp lệnh và Điều 5 Nghị quyết số 01/2012, đối tượng được xin xét miễn tạm ứng án phí, án phí là cá nhân có khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên, đương sự trong vụ án dân sự không chỉ có thể nhân mà còn có cơ quan, tổ chức. Đồng thời, trong nhiều trường hợp, do gặp khó khăn trong kinh doanh hoặc vì lý do nào đó, cơ quan, tổ chức cũng gặp khó trong việc nộp tạm ứng án phí, án phí theo quy định. Với quy định chỉ có cá nhân mới được xin miễn nộp tạm ứng án phí, án phí sẽ gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức thực hiện quyền khởi kiện của mình.
Để khắc phục hạn chế này, kiến nghị mở rộng diện đối tượng được miễn nộp tạm ứng án phí, án phí. Theo đó, bên cạnh cá nhân, cơ quan, tổ chức cũng có quyền xin miễn nộp tạm ứng án phí, án khi khi gặp khó khăn trong hoạt động dẫn đến không có khả năng đóng tạm ứng án phí, án phí theo quy định.
Thứ hai, về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm của người bào chữa
Theo quy định tại điểm k khoản 2 Điều 58 và đoạn 2 Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Tuy nhiên, Pháp lệnh và Nghị quyết số 01/2012 không quy định, trong trường hợp này, người bào chữa có phải nộp tiền tạm ứng án phí hay không nên chưa được hiểu, áp dụng thống nhất.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, theo Điều 21 Pháp lệnh và Điều 8 Nghị quyết số 01/2012, bị cáo kháng cáo thì không phải nộp tạm ứng án phí hình sự phúc thẩm, tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm. Trong khi đó, việc người bào chữa kháng cáo để bảo vệ lợi ích cho bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo. Cho nên, trong trường hợp này, người bào chữa không phải nộp tạm ứng án phí hình sự phúc thẩm, tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm.
Quan điểm thứ hai cho rằng, bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất vẫn có thể tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp kháng cáo để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Trong trường hợp người bào chữa kháng cáo thì phát sinh thêm yêu cầu kháng cáo. Trong khi đó, Pháp lệnh, Nghị quyết số 01/2012 không quy định người bào chữa kháng cáo trong trường hợp này thì không phải nộp tạm ứng án phí. Cho nên, khi người bào chữa kháng cáo để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì họ vẫn phải nộp tạm ứng án phí theo quy định.
Chúng tôi thống nhất với quan điểm thứ nhất. Tuy nhiên, để có sự áp dụng thống nhất cần bổ sung trường hợp này vào những trường hợp được miễn nộp tạm ứng án phí phúc thẩm được quy định trong Pháp lệnh.
Thứ ba, nghĩa vụ chịu án phí trong trường hợp người phạm tội hoặc người thân thích của họ nộp tiền để bồi thường đến cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự để bồi thường cho người bị hại
Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự nảy sinh trường hợp, sau khi tội phạm xảy ra, người phạm tội hoặc người thân thích của họ chủ động gặp người bị hại, người đại diện hợp pháp của người bị hại bồi thường, khắc phục hậu quả nhằm cho người phạm tội được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, do người bị hại không chấp nhận bồi thường nên người phạm tội hoặc người thân thích của họ mang tiền nộp cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự trước khi vụ án được đưa ra xét xử. Khi xét xử, thông thường cùng với việc buộc người phạm tội bồi thường cho người bị hại, Hội đồng xét xử tuyên tiếp tục tạm giữ số tiền mà người phạm tội hoặc người thân thích của họ đã giao nộp để thi hành nghĩa vụ bồi thường cho người bị hại. Như vậy, trong trường hợp này, người phạm tội có phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hình sự hay không; nếu có họ phải chịu toàn bộ hay 50% án phí vẫn chưa sự áp dụng thống nhất.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, mặc dù không thỏa thuận được mức bồi thường với người bị hại nhưng người phạm tội đã tự nguyện nộp số tiền này trước khi vụ án được đưa ra xét xử cho nên không buộc người phạm tội phải chịu án phí dân sự đối với số tiền mà họ hoặc người thân thích của họ đã tự nguyện nộp trước khi phiên tòa được mở.
Quan điểm thứ hai cho rằng, người phạm tội hoặc người thân thích của họ đã tự nguyện nộp số tiền này trước khi mở phiên tòa nhưng giữa người phạm tội và người bị hại không có thỏa thuận bồi thường và thực tế Tòa án vẫn phải giải quyết vấn đề này. Cho nên, trong trường hợp này, người phạm tội vẫn phải chịu án phí đối với số tiền phải bồi thường cho người bị hại.
Chúng tôi thống nhất với quan điểm thứ hai. Bởi vì, khi giải quyết vấn đề bồi thường, Hội đồng xét xử vẫn phải áp dụng các quy định pháp luật có liên quan để giải quyết và tiếp tục tạm giữ số tiền này để đảm bảo việc bồi thường cho người bị hại, chứ không công nhận sự thỏa thuận giữa 02 bên hoặc trừ số tiền này vào nghĩa vụ mà người phạm tội phải bồi thường để không tính án phí đối với số tiền này. Cho nên, người phạm tội phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền phải bồi thường. Tuy nhiên, để có sự thống nhất, cần quy định bổ sung vào khoản 3 Điều 9 Nghị quyết số 01/2012 trường hợp này.
Thứ tư, về án phí dân sự trong vụ án hình sự khi trách nhiệm bồi thường phát sinh do người chưa thành niên phạm tội gây ra
Theo các Điều 22, 27 Pháp lệnh, Điều 9 Nghị quyết số 01/2012, người có trách nhiệm bồi thường phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, trong những trường hợp trách nhiệm bồi thường không được xác định cụ thể trong bản án của Tòa án thì việc xác định nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hình sự chưa có sự áp dụng thống nhất. Vấn đề này được thể hiện qua vụ án sau:
Khoảng 23 giờ ngày 01/9/2015, P.T.Ph (19 tuổi) cùng Ng.V.B (17 tuổi), D.B.K (14 tuổi 05 tháng) ngồi chơi tại chân cầu C.T (thuộc khóm 2, phường A, thành phố C, tỉnh A) thì nhìn thấy anh Ng.V.H đi bộ trên cầu (hướng từ thành phố C về huyện A, tỉnh A) ngang qua chỗ nhóm của Ph đang ngồi. Khi này, B hỏi H đi đâu nhưng H không trả lời. B nói với Ph “nó muốn chơi mình kìa”, Ph rủ B, K đánh H thì B, K đồng ý. Ph, B, K đuổi theo H đến khu vực giữa cầu. Tại đây, K ôm H để B, Ph cầm dây nịt đánh H. Lúc này, Ph cầm dao (dấu sẵn trong túi quần) đứng phía sau đâm nhát thứ nhất trúng vào lưng, sườn phải của H gây thương tích với tỷ lệ thương tật 17%. H yêu cầu thường thiệt hại về sức khỏe với tổng số tiền 23.000.000 đồng. Ph bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự.
Về trách nhiệm dân sự, do khi cùng Ph gây thương tích cho H thì K chưa đủ 15 tuổi, B chưa đủ 18 tuổi nên Ph liên đới cùng B, cha mẹ của K bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho H theo Điều 606 Bộ luật Dân sự năm 2005. Trong trường hợp Ph, B, cha mẹ của K không có tài sản hoặc có tài sản nhưng không đủ để bồi thường thì K có trách nhiệm bồi thường phần còn thiếu cho H nếu có tài sản. Trong trường hợp này, có 02 quan điểm khác nhau về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hình sự.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, Ph, B, cha mẹ của K phải chịu án phí dân sự sơ thẩm bất kể họ có đủ tài sản để bồi thường hay không. Bởi vì, trách nhiệm bồi thường chính là của Ph, B, cha mẹ của K; còn trách nhiệm bồi thường của K chỉ là dự phòng nhằm bảo đảm quyền lợi của người bị hại.
Quan điểm thứ hai cho rằng, ai bồi thường thì người đó có nghĩa vụ nộp án phí. Trong trường hợp này, Tòa án chỉ tuyên trách nhiệm bồi thường dự kiến cho nên cả Ph, B, cha mẹ của K và K phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
Chúng tôi thống nhất với quan điểm thứ nhất. Tuy nhiên, để áp dụng thống nhất, kiến nghị bổ sung vấn đề này vào Nghị quyết số 01/2012.
Thứ năm, về trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện tại phiên tòa sơ thẩm
Do Pháp lệnh, Nghị quyết số 01/2012 không quy định rõ trong trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện tại phiên tòa sơ thẩm có phải chịu án phí hay không nên chưa có sự áp dụng thống nhất.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần áp dụng tương tự như nguyên đơn rút đơn khởi kiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Theo đó, Hội đồng xét xử cần áp dụng điểm c khoản 1 Điều 192, khoản 3 Điều 193 Bộ luật Tố tụng dân sự để trả lại tiền tạm ứng án phí cho các nguyên đơn.
Quan điểm thứ hai cho rằng, việc nguyên đơn rút đơn khởi kiện tại phiên tòa sơ thẩm khác với việc nguyên đơn rút đơn khởi kiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử nên không thể áp dụng quy định về án phí như nguyên đơn rút đơn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Trong trường hợp này cần áp dụng nghĩa vụ chịu án phí của nguyên đơn rút đơn khởi kiện như tại phiên tòa phúc thẩm. Theo điểm b khoản 1 Điều 269 Bộ luật Tố tụng dân sự, n
guyên đơn rút đơn khởi kiện tại phiên tòa phúc thẩm phải chịu một nửa án phí theo quy định. Cho nên, trong trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện tại phiên tòa sơ thẩm thì cần buộc nguyên đơn chịu 50% án phí dân sự sơ thẩm.
Chúng tôi thống nhất với quan điểm thứ hai. Tuy nhiên, để có sự áp dụng thống nhất cần bổ sung trường hợp này vào Điều 27 Pháp lệnh.
Thứ sáu, về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập
Theo khoản 1 Điều 25 Pháp lệnh, “
Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của Pháp lệnh này”.
Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 176 Bộ luật Tố tụng dân sự, ngoài yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, bị đơn còn có thể đưa ra yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 25 Pháp lệnh không đề cập đến vấn đề này.
Để thống nhất áp dụng, kiến nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 25 Pháp lệnh nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm của bị đơn khi có yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
Thứ bảy, về nghĩa vụ chịu án phí khi các đương sự thỏa thuận được với nhau trong giai đoạn chuẩn bị xét xử mà một trong các bên đương sự thuộc trường hợp được miễn toàn bộ án phí
Khi đương sự thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 Pháp lệnh sẽ được miễn toàn bộ án phí. Trong khi đó, theo các khoản 11, 13 Điều 27 Pháp lệnh, các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Toà án tiến hành hoà giải trước khi mở phiên toà thì phải chịu 50% mức án phí quy định. Trong vụ án có người được miễn nộp án phí dân sự sơ thẩm thì những người khác vẫn phải nộp án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều này. Đồng thời, theo Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 21 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án chỉ ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự khi các bên đương sự thỏa thuận với nhau về các vấn đề phải giải quyết và kể cả án phí. Như vậy, trong trường này, nghĩa vụ chịu án phí là 50% hay 25%? các đương có được thỏa thuận về án phí hay không? Nếu được thì người được miễn án phí có được tự nguyện chịu ½ án phí hoặc toàn bộ án phí? Chúng tôi xin nêu vướng mắc này qua vụ án sau:
Theo đơn khởi kiện ngày 31/12/2013, ông L.V.T cho rằng, ông T vào công tác tại Ngân hàng M – Chi nhánh C từ ngày 25/10/2004 (ngày ký hợp đồng lao động) đến ngày 29/01/2013. Trong thời gian công tác, ông T được bổ nhiệm giữ nhiều chức vụ khác nhau. Trước thời điểm nghỉ việc, ông T giữ chức vụ Trưởng Phòng kinh doanh Chi nhánh C. Ông T luôn hoàn thành tốt và vượt mức công việc được giao. Tuy nhiên, vào ngày 25/01/2013, Ngân hàng M lập biên bản kỷ luật lao động đối với ông T với lý do ông T vi phạm các quy chế, quy trình nghiệp vụ gây hậu quả nghiêm trọng. Ngày 28/01/2013, Ngân hàng M ban hành Quyết định số 149/2013/QĐ-TGĐ về việc thi hành kỷ luật lao động (sau đây được viết tắt là Quyết định số 149) đối với ông T kể từ ngày 29/01/2013.
Cho rằng Ngân hàng M sa thải mình là trái pháp luật, ông T khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 149; nhận ông T vào làm việc trở lại với chức vụ như trước khi bị sa thải và buộc Ngân hàng M bồi thường thiệt hại về vật chất (tiền lương, tiền thưởng) với số tiền 210.000.000 đồng.
Khi Tòa án tiến hành hòa giải trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, ông T và Ngân hàng M thỏa thuận các nội dung: (1) Ngân hàng M ban hành văn bản thu hồi Quyết định số 149; (2) Ngân hàng M không phải nhận ông T trở lại làm việc; (3) Ngân hàng M bồi thường vật chất cho ông T với số tiền 200.000.000 đồng. Về án phí, ông T và Ngân hàng M mỗi bên chịu ½. Tuy nhiên, chưa có sự thống nhất với việc tính án phí trong trường hợp này.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, người lao động khởi kiện quyết định sa thải thuộc trường hợp không phải chịu án phí. Cho nên, trong trường hợp này, Ngân hàng M phải chịu toàn bộ án phí (50% án phí). Thỏa thuận giữa ông T và Ngân hàng M về việc mỗi bên chịu ½ án phí là trái pháp luật.
Quan điểm thứ hai cho rằng, để được Tòa án công nhận thỏa thuận, các đương sự phải thỏa thuận về nghĩa vụ chịu án phí. Việc ông T và Ngân hàng M thỏa thuận mỗi bên phải chịu ½ án phí là đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, do ông T thuộc trường hợp không phải chịu án phí nên chỉ Ngân hàng M chịu ½ án phí theo quy định.
Quan điểm thứ ba cho rằng, thống nhất với quan điểm thứ hai nhưng trong trường hợp này ông T vẫn phải chịu án phí. Bởi vì, ông T đã tự nguyện cùng với Ngân hàng M gánh chịu án phí nên mỗi bên phải chịu ½ mức án phí theo quy định.
Qua các quan điểm trên, chúng tôi có ý kiến như sau: Pháp lệnh và Nghị quyết số 01/2012 không quy định rõ vấn đề này. Dựa vào quy định hiện hành thì trong trường hợp này, các đương sự phải chịu 50% án phí. Do ông T thuộc trường hợp được miễn án phí nên nghĩa vụ chịu 50% án phí phải thuộc về Ngân hàng M.
Tuy nhiên, khoản 4 Điều 5 Nghị quyết số 01/2012 quy định về trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được cách thức giải quyết tranh chấp mà 01 trong các bên là người được miễn nộp một phần án phí như sau:
“
Trường hợp vụ án có nhiều người phải nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án thì cần phân biệt:
a) Người thuộc trường hợp được miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án thì được miễn; người không thuộc trường hợp được miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án thì không được miễn;
b) Trường hợp các đương sự thỏa thuận với nhau về việc nộp án phí, lệ phí để nhằm mục đích trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, nếu có người thỏa thuận nộp thay án phí, lệ phí và có đơn đề nghị miễn nộp một phần án phí, lệ phí thì Tòa án chỉ cho miễn nộp một phần án phí, lệ phí mà theo quy định người này phải chịu nếu họ có đủ điều kiện quy định tại Điều 14 của Pháp lệnh; còn phần án phí, lệ phí mà họ nhận nộp thay cho người khác thì Tòa án không cho miễn nộp”.
Quy định trên được hiểu, trong trường hợp hòa giải thành, nếu các bên đương sự không thỏa thuận ai phải chịu án phí, mỗi bên phải chịu ½ án phí thì người không được miễn án phí chỉ phải 25% án phí. Trong trường hợp các bên thỏa thuận để người được miễn một phần án phí phải chịu toàn bộ án phí thì người được miễn một phần án phí phải chịu án đối với phần mà họ không được miễn (25% án phí). Vì vậy, người được miễn một phần án phí nhưng có khả năng thì họ vẫn được tự nguyện chịu án phí cho bên kia.
Đối chiếu trường hợp một bên đương sự được miễn một phần án phí với trường hợp một bên đương sự được miễn toàn bộ án phí thấy rằng, sự khác biệt ở chỗ mức được miễn án phí của 01 trong 02 bên đương sự đã thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Sự bất hợp lý thể hiện ở chỗ, nếu vụ án có tính chất tương tự nhau nhưng vụ án có một bên đương sự được miễn toàn bộ án phí thì án phí phải nộp lại nhiều hơn trong vụ án có một bên đương sự được miễn một phần án phí. Vì vậy, để khắc phục bất cập này, kiến nghị bổ sung vào Nghị quyết số 01/2012 nghĩa vụ chịu án phí trong trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau trong giai đoạn chuẩn bị xét xử mà một trong các bên đương sự thuộc trường hợp được miễn toàn bộ án phí thì án phí phải nộp bằng 25% án phí theo quy định.
Thứ tám, nghĩa vụ chịu án phí trường hợp tòa án không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế
Khoản 1 Điều 27 Pháp lệnh quy định, “
Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Toà án chấp nhận”. Trong khi đó, Điều 12 Nghị quyết số 01/2012 quy định, “
Khi các bên đương sự không xác định được phần tài sản của mình hoặc mỗi người xác định phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản của mình trong khối di sản thừa kế là khác nhau và có tranh chấp thì mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, được hưởng trong khối tài sản chung hoặc trong khối di sản thừa kế. Đối với phần Tòa án bác đơn yêu cầu thì người yêu cầu chia tài sản chung, di sản thừa kế không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.”
Như vậy, trong trường hợp nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế nhưng Tòa án không chấp yêu cầu của họ thì họ có phải chịu án phí dân sự sơ thẩm hay không vẫn chưa có cách hiểu, áp dụng thống nhất.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định chung. Bởi vì, quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 01/2012 chỉ áp dụng trong trường hợp yêu cầu chia thừa kế của đương sự được Tòa án chấp nhận một phần, không chấp nhận các phần khác.
Quan điểm thứ hai cho rằng, quan hệ chia thừa kế là quan hệ đặc thù cho nên Điều 12 Nghị quyết số 01/2012 đã quy định riêng về trường hợp này. Theo đó, một người yêu cầu chia thừa kế mà không được Tòa án chấp nhận một phần hay toàn bộ yêu cầu thì họ không phải chịu án phí. Nếu hiểu theo cách thứ nhất thì một phần được hiểu là bao nhiêu. Chẳng hạn, một người yêu cầu chia di sản thừa kế có giá 1 tỷ đồng nhưng Tòa án chỉ chấp nhận chia thừa kế đối với tài sản có giá 1 triệu đồng thì họ không chịu án phí đối với yêu cầu chia thừa kế 999 triệu đồng. Trong khi đó, Tòa án không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của họ thì họ phải chịu án phí của 1 tỷ đồng là không phù hợp.
Chúng tôi thống nhất với quan điểm thứ nhất. Bởi vì, quan hệ chia thừa kế là quan hệ đặc thù cho nên Điều 12 Nghị quyết số 01/2012 đã quy định riêng về trường hợp này. Tuy nhiên, trong trường hợp nghĩa vụ chịu án phí không thuộc sự điều chỉnh của Điều 12 Nghị quyết số 01/2012 thì phải xác định theo quy định chúng. Đó là quy định tại khoản 1 Điều 27 Pháp lệnh.
Để áp dụng thống nhất, kiến nghị bổ sung trường hợp này vào Điều 12 Nghị quyết số 01/2012.
Thứ chín, trường hợp đương sự đối thoại thành trong vụ án hành chính
Điểm d khoản 3 Điều 19 Nghị quyết số 01/2012 quy định “
Trường hợp các bên đương sự đối thoại mà thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trước khi mở phiên tòa thì các bên đương sự phải chịu 50% mức án phí quy định”.
Quy định trên không loại trừ áp dụng trong trường hợp nào nên được hiểu chúng được áp dụng đối với án phí hành chính trong vụ án hành chính, án phí dân sự trong vụ án hành chính hoặc cả án phí hành chính, án phí dân sự trong vụ án hành chính. Tuy nhiên, hậu quả pháp lý trong trường hợp các đương sự đối thoại thành trong vụ án hành chính khác với hậu quả pháp lý hòa giải thành trong vụ án dân sự. Theo đó, trong trường hợp các bên trong vụ án hành chính đối thoại thành thì Tòa án sẽ ban hành quyết định đình chỉ vụ án thay vì ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự như trong vụ án dân sự. Đồng thời, theo khoản 2 Điểu 6 Nghị quyết số 01/2012, khi đình chỉ vụ án thì hoặc là số tiền tạm ứng án phí đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước (nếu vụ án hành chính bị đình chỉ theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 120 của Luật Tố tụng hành chính) hoặc là tiền tạm ứng án phí được trả lại cho người đã nộp tiền tạm ứng án phí (nếu vụ án hành chính bị đình chỉ theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 120 của Luật Tố tụng hành chính), không có trường hợp án phí hành chính do đối thoại thành.
Như vậy, quy định tại điểm d khoản 3 Điều 19 Nghị quyết số 01/2012 là không phù hợp với quy định của Luật Tố tụng hành chính về nghĩa vụ chịu án phí trong trường hợp Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án và bản chất của đối thoại trong vụ án hành chính. Cho nên, kiến nghị bãi bỏ quy định này.
Thứ mười, án phí trong vụ án hành chính có yêu cầu bồi thường thiệt hại
Theo khoản 2 Điều 32 Pháp lệnh, “
Người yêu cầu bồi thường hiệt hại trong vụ án hành chính không phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm”. Khoản 1 Điều 27 Pháp lệnh quy định, “
Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận”. Theo các điểm b, c khoản 3 Điều 19 Nghị quyết 01, “
Khi áp dụng quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh trong vụ án hành chính cần phân biệt:
“
b. Người khởi kiện có yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản theo quy định của pháp luật thì không phải chịu án phí nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
c. Người khởi kiện có yêu cầu bồi thường thiệt hại về những khoản không phù hợp thì Tòa án phải giải thích cho họ việc họ phải chịu án phí nếu yêu cầu bồi thường thiệt hại đó không được Tòa án chấp nhận. Nếu họ vẫn yêu cầu Tòa án giải quyết thì họ phải chịu án phí nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.”
Với quy định trên, trong vụ án hành chính nếu đương sự có yêu cầu bồi thường thiệt hại về những khoản không phù hợp nếu sau khi được Tòa án giải thích mà họ vẫn yêu cầu thì họ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo giá ngạch. Nếu Tòa chưa giải thích cho đương sự thì không được tính án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại đó. Tuy nhiên, Tòa án giải thích ở giai đoạn tố tụng nào trong suốt quá trình giải quyết vụ án chưa được quy định cụ thể nên việc áp dụng quy định này chưa thống nhất nhất.
Để khắc phục bất cập này, kiến nghị cần quy định rõ Tòa án giải thích tại phiên tòa sơ thẩm. Bởi vì, khi đó, Tòa án phải ban hành quyết định giải quyết yêu cầu bồi thường của đương sự.
III. MỘT VÀI KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN
Để khắc phục những vướng mắc, bất cập bên trên, tác giả đề xuất một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, về thủ tục xin miễn một phần tiền tạm ứng án phí, án phí, kiến nghị bổ sung vào Điều 15 Pháp lệnh khoản 3 với nội dung:
“
3. Người được miễn một phần tạm ứng án phí mà có yêu cầu kiện bổ sung hoặc kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm thì không phải làm lại đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí, án phí.”
Thứ hai, về thẩm quyền xác nhận để được xét miễn tạm ứng án phí, án phí, kiến nghị bổ sung vào các khoản 1, 2 Điều 14, khoản 2 Điều 15 Pháp lệnh và khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 01/2012 cụm từ “
hoặc xác nhận của Trưởng Nhà tạm giữ, tạm giam, Ban giám thị Trại giam trong trường hợp người xin miễn tạm ứng án phí, án phí là người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, chấp hành hình phạt tù” bên cạnh cụm từ “…
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc”.
Thứ ba, để bao quát các chủ thể có thể xin miễn tạm ứng án phí, án phí, kiến nghị thay cụm từ “
người có khó khăn về kinh tế” tại Điều 14 Pháp lệnh, Điều 5 Nghị quyết số 01/2012 thành “
tổ chức, cá nhân có khó khăn về kinh tế”.
Thứ tư, về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm của người bào chữa, kiến nghị bổ sung vào khoản 3 Điều 21 Pháp lệnh khoản 3 với nội dung:
“
3. Trong trường hợp người bào chữa kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì không phải nộp tạm ứng án phí hình sự phúc thẩm và tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm.”
Thứ năm, để áp dụng thống nhất về nghĩa vụ chịu án phí trong trường hợp người phạm tội hoặc người thân thích của họ nộp tiền đến cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự để bồi thường cho người bị hại, kiến nghị bổ sung vào khoản 3 Điều 9 Nghị quyết số 01/2012 nội dung:
“
3. …
Trong trường hợp người phạm tội hoặc người thân thích của họ nộp tiền để bồi thường đến cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự để bồi thường, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự trong vụ án hình sự vẫn áp dụng như trường hợp xét xử vụ án đó.”
Thứ sáu, về án phí dân sự trong vụ án hình sự khi trách nhiệm bồi thường phát sinh do người chưa thành niên phạm tội gây ra, kiến nghị bổ sung vào Điều 27 Pháp lệnh khoản 14 với nội dung:
“
14. Trong trường hợp người gây thiệt hại là người chưa thành niên thì người có trách nhiệm bồi thường phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định; người có trách nhiệm bồi thường dự phòng không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm”.
Thứ bảy, để áp dụng thống nhất nghĩa vụ chịu án phí dân sự trong trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện tại phiên tòa sơ thẩm, kiến nghị bổ sung vào Điều 27 Pháp lệnh khoản 15 với nội dung:
“
15. Trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện tại phiên tòa sơ thẩm thì phải chịu 50% án phí dân sự sơ thẩm”.
Thứ tám, về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 25 Pháp lệnh thành nội dung như sau:
“
Nguyên đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập,
bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của Pháp lệnh này.”
Thứ chín, để thống nhất áp dụng nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau trong giai đoạn chuẩn bị xét xử mà một trong các bên đương sự thuộc trường hợp được miễn toàn bộ án phí, kiến nghị bổ sung vào khoản 11 Điều 27 Pháp lệnh nội dung sau:
“11. …
Trường hợp một trong các bên đương sự thuộc trường hợp được miễn toàn bộ án phí thì đương sự được miễn nộp toàn bộ án phí được miễn; người không thuộc trường hợp được miễn vẫn phải chịu áp phí bằng 25% án phí theo quy định.
Trường hợp các đương sự thỏa thuận với nhau về việc người được miễn nộp toàn bộ án phí chịu toàn bộ án phí nhằm mục đích trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước thì người được miễn nộp toàn bộ án phí phải 25% án phí theo quy định.”
Thứ mười, để áp dụng thống nhất nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp tòa án không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế, kiến nghị bổ sung vào Điều 12 Nghị quyết số 01/2012 nội dung sau:
“Điều 12. …
Trong trường hợp Tòa án không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế, chia tài chung thì người yêu cầu phải chịu án phí theo quy định”.
Thứ mười một, để đảm bảo sự phù hợp giữ quy định Nghị quyết số 01/2012 với quy định của Luật Tố tụng hành chính về nghĩa vụ chịu án phí trong trường hợp Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án và bản chất của đối thoại trong vụ án hành chính, kiến nghị bãi bỏ quy định tại điểm d khoản 3 Điều 19 Nghị quyết số 01/2012 với nội dung.
Thứ mười hai, để khắc phục bất cập trong việc xác định nghĩa vụ chịu án phí trong vụ án hành chính có yêu cầu bồi thường thiệt hại mà người khởi kiện có yêu cầu bồi thường thiệt hại về những khoản không phù hợp, kiến nghị bổ sung vào điểm c khoản 3 Điều 19 Nghị quyết 01 với nội dung:
“
c. …
Trong trường hợp này, việc giải thích được tiến hành tại phiên tòa dân sự sơ thẩm”.
Tạm ứng án phí, án phí có vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn thu cho Ngân sách, hỗ trợ một phần chi phí phục vụ cho công tác giải quyết các loại án của cơ quan tiến hành tố tụng và buộc các chủ thể phải cân nhắc khi đưa ra yêu cầu, thực hiện việc khởi kiện không chính đáng. Bên cạnh đó, tạm ứng án phí, án phí còn tác động đến quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân. Cho nên, quy định về tạm ứng án phí, án phí phải đảm bảo cả 02 yêu cầu này. Quy định về tạm ứng án phí, án phí hiện hành đã trở thành công cụ quan trọng giúp Nhà nước vừa đảm bảo nguồn thu, vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng dụng các quy định về tạm ứng án phí, án phí đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. Vì vậy, qua bài viết này, tác giả hy vọng cung cấp cái nhìn khái quát quy định hiện hành về tạm ứng án phí, án phí và góp phần hoàn thiện những quy định chưa phù hợp để nâng cao giá trị điều chỉnh của các quy định về tạm ứng án phí, án phí trong thời gian tới.
ThS. Thái Chí Bình - Tòa án nhân dân thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang
[1] Ví dụ: Chi phí thuê luật sư; chi phí photo, gửi giấy tờ đến cơ quan chức năng khiếu nại; mức yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản… vượt quá quy định.