Nguyên tắc suy đoán vô tội và vấn đề đảm bảo thực thi trong hoạt động tụng hình sự

11/05/2016
Theo ngôn ngữ đời thường, suy đoán là dựa vào cái này mà đoán ra cái khác. Trong pháp luật, suy đoán là một trong những kỹ thuật lập pháp, là suy đoán pháp lý nên phải chịu sự ràng buộc của pháp luật. Đó là giả thiết do luật quy định và được công nhận là đúng cho đến khi chứng minh được điều ngược lại. Suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc cơ bản, được ứng dụng rộng rãi trong nền khoa học pháp lý hiện đại. Ngày nay, nguyên tắc suy đoán vô tội được nhiều Nhà nước coi là nguyên tắc của tố tụng hình sự, được đánh giá là thành tựu vĩ đại của văn minh pháp lý trong việc bảo vệ quyền con người.
Suy đoán vô tội xuất hiện lần đầu tiên ở thời La Mã cổ đại vào thế kỷ thứ VI khi hoàng đế La Mã ban hành bản tóm lược Luật La Mã. Với nội dung: “Chứng minh là công việc thuộc về anh ta - người khẳng định chứ không phải là người phủ định”. Luật La Mã cổ đã biết đến nguyên tắc suy đoán pháp lý “Praesumptio boni viri”. Theo đó, người tham gia tố tụng trong các tranh chấp về tài sản luôn được coi là trung thực cho đến khi bị chứng minh ngược lại. Từ đó, nguyên tắc suy đoán này cũng được áp dụng trong cả tố tụng hình sự và nhiều lĩnh vực pháp luật khác.
Ở châu Âu, tư tưởng về suy đoán vô tội đầu tiên được thể hiện trong tác phẩm “Tội phạm và hình phạt” năm 1764 của Bekaria (người Ý). Cách mạng tư sản Pháp trong Tuyên ngôn quyền con người và công dân 1789 đã ghi nhận tư tưởng này với tư cách là một nguyên tắc pháp lý. Tuy nhiên, chỉ đến khi cách mạng tư sản Pháp 1789 bùng nổ, tư tưởng này mới được ghi nhận như là một nguyên tắc của pháp luật. Điều 9 Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp (26/8/1789) long trọng tuyên bố: “Mọi người được coi là vô tội cho đến khi bị tuyên bố phạm tội. Nếu xét thấy cần thiết phải bắt giữ thì mọi sự cưỡng bức vượt quá mức cần thiết cho phép đều bị pháp luật xử lý nghiêm khắc”. Sau này, tư tưởng về suy đoán vô tội ngày càng có tính quốc tế khi được thừa nhận trong nhiều điều ước quốc tế mà nhiều quốc gia ký kết hoặc gia nhập. Điều 11[1] Tuyên ngôn nhân quyền 1948 của Liên Hiệp Quốc; Điều 12[2] Công ước quốc tế về quyền chính trị và dân sự của Liên Hiệp Quốc (được thông qua và để ngỏ cho các quốc gia ký, phê chuẩn và gia nhập theo Nghị quyết số 2200 (XXI) ngày 16/12/1966 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Có hiệu lực ngày 23/3/1976), Quy chế Roma của Tòa án hình sự quốc tế cùng BLTTHS đa số nước trên thế giới đều ghi nhận trực tiếp hoặc gián tiếp nguyên tắc suy đoán vô tội. Ở Liên bang Nga, nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 49 Hiến pháp và Điều 14 của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) Liên bang Nga năm 2001 như sau:
“1. Bị can được coi là không có tội, chừng nào lỗi của họ không được chứng minh theo đúng trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và không bị Tòa án tuyên phạt bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật.
2. Người bị tình nghi hoặc bị can không có nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của mình. Vấn đề chứng minh tội phạm và bác bỏ những chứng cứ nhằm bảo vệ cho người bị tình nghi hoặc bị can thuộc trách nhiệm của bên buộc tội.
3. Mọi nghi ngờ về tội phạm của bị can nếu không được loại trừ theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì phải được giải thích có lợi cho bị can.
4. Bản án kết tội không thể được dựa trên giả định.”
Như vậy, trong BLTTHS Liên bang Nga, nguyên tắc suy đoán vô tội với tính chất là nguyên tắc hiến định đã được chính thức ghi nhận theo tên gọi của điều luật với 4 nội dung, thể hiện bước phát triển của khoa học pháp lý tố tụng hình sự  quốc gia này theo hướng bảo đảm dân chủ, quyền con người trong tố tụng hình sự.
Tại Canada, Điều 11.d của Hiến chương về quyền và tự do (đây là một bộ phận của Hiến pháp Canada) quy định: Bất kỳ người nào bị buộc tội phạm một tội đều có quyền suy đoán vô tội cho đến khi được một Tòa án độc lập và công bằng xét xử một cách công khai theo quy định của pháp luật. Canada là một nước có hệ thống thông luật, do vậy các quy định cụ thể về suy đoán vô tội thường được thể hiện ở nhiều án lệ khác nhau.
Điều 12 BLTTHS của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, được ban hành năm 1979 ( sửa đổi, bổ sung năm 1996), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/1997 quy định: “Không ai bị coi là có tội, nếu không bị xét xử bởi một Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật”; Điều 43 Bộ luật này cũng quy định: “Thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên theo trình tự, thủ tục quy định trong luật, phải thu thập các loại chứng cứ khác nhau chứng minh sự có tội hay vô tội của nghi can, bị cáo và mức độ nghiêm trọng của tội phạm. Nghiêm cấm việc bức cung, dùng nhục hình và thu thập chứng cứ bằng các biện pháp như đe dọa, dụ dỗ, lừa gạt và các biện pháp bất hợp pháp khác.”, dù tên gọi của nguyên tắc suy đoán vô tội chưa được ghi nhận trong pháp luật tố tụng hình sự của quốc gia này, nhưng hai nội dung quan trọng nhất của nguyên tắc này đã được thừa nhận.
Như vậy, pháp luật tố tụng hình sự của những nước trên, ở mức độ khác nhau đã có sự ghi nhận những nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội. Tuy nhiên, chỉ có pháp luật tố tụng hình sự của Liên bang Nga là chính thức ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội theo tên gọi của điều luật và ghi nhận đầy đủ bốn nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội tại một điều luật; còn hầu hết pháp luật tố tụng hình sự của các nước khác đều chỉ ghi nhận hai nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội là: i). Người bị buộc tội chỉ bị coi là có tội khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; ii). Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về bên buộc tội. [3]
Cũng giống như nhiều nguyên tắc khác của pháp luật, suy đoán vô tội chỉ trở thành nguyên tắc của luật tố tụng hình sự trong giai đoạn lịch sử nhất định. Ở nước ta, trước Hiến pháp năm 2013 được ban hành, thuật ngữ “suy đoán vô tội” chưa được các bản Hiến pháp trước đó và pháp luật tố tụng hình sự sử dụng và ghi nhận chính thức. Tuy nhiên, trên cơ sở những tư tưởng tiến bộ về các quyền dân sự và chính trị của con người nội dung của nguyên tắc này đã được đề cập tại Điều 72[4] Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001); Điều 10, Điều 11 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 (viết tắt BLTTHS); Điều 9, Điều 10 BLTTHS năm 2003. Ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thay thế cho Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), mà theo đó, tại khoản 1 Điều 13 Hiến pháp năm 2013, quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”. Cụ thể hóa quan điểm tiến bộ này, Điều 13 BLTTHS 2015, quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”. Theo điểm đ khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015, Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đều được suy đoán vô tội.
Nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội
Thứ nhất, không ai có thể bị coi là có tội khi tội phạm do họ thực hiện chưa được chứng minh theo đúng các quy định của BLTTHS năm 2015 và chưa được xác định bằng bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Tức là, người bị buộc tội chỉ có thể bị coi là có tội khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Trong pháp luật hình sự, thuật ngữ “người bị buộc tội” dùng để chỉ người đã thực hiện hành vi được Bộ luật hình sự quy định là tội phạm, hành vi của người đó đã cấu thành tội phạm. Thuật ngữ “người bị buộc tội” chỉ một thực tế khách quan là một người đã thực hiện tội phạm chứ không phải tùy thuộc vào nhận định chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng. Do vậy, thuật ngữ người “bị coi là có tội” khác với thuật ngữ “người bị buộc tội”. Theo quy định nói trên thì một người dù có bị tạm giữ, bị khởi tố bị can, bị tạm giam, đã bị xét xử sơ thẩm và bản án đó chưa có hiệu lực pháp luật thì vẫn chưa phải là người có tội. Họ mới chỉ là người bị tình nghi, người đã có hành vi phạm tội. Khái niệm có hành vi phạm tội và có tội là hai khái niệm khác nhau. Thực tiễn cho thấy, nhận thức xã hội về điều này còn chưa đúng. Thật đáng buồn hơn, ngay cả người tiến hành tố tụng vẫn cho rằng, đã bị khởi tố bị can, đã bị tạm giam... là có tội, vì có tội nên mới bị cơ quan điều tra tạm giam và đối xử với họ như những người có tội!
Thứ hai, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Như vậy, đồng nghĩa với việc tại phiên toà bị cáo có quyền im lặng tức là không có nghĩa vụ phải trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử. BLTTHS năm 2015 tuy không quy định quyền im lặng của người bị bắt, bị tạm giam, của bị can, bị cáo thành một nguyên tắc riêng nhưng việc quy định Người bị buộc tội được quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” tại điểm d khoản 1 Điều 58; điểm c khoản 2 Điều 59; điểm d khoản 2 Điều 60 và điểm h khoản 2 Điều  61 BLTTHS năm 2015 đã mặc nhiên thừa nhận quyền im lặng của những người này. Ở các nước có hệ thống tố tụng theo kiểu tranh tụng thì nguyên tắc này được xác định rõ ràng và được đảm bảo thực thi trong thực tế một cách nghiêm chỉnh. Khi cảnh sát bắt giữ một người, thì câu đầu tiên cảnh sát nói là: “Anh có quyền im lặng, bất cứ điều gì anh nói có thể là bằng chứng chống lại anh trước tòa ...”. Pháp luật tố tụng hình sự của Nhật Bản còn quy định rõ: Người bị bắt giữ có quyền không khai báo gì khi họ chưa được tiếp xúc với luật sư. Việc được quyền im lặng ngay từ khi bị bắt giữ ban đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo đảm cho nguyên tắc suy đoán vô tội được thi hành trong thực tế. Thời gian ban đầu khi bị bắt giữ, người bị tình nghi thường rất hoang mang, lo sợ cho thân phận của mình ... Họ rất dễ bị chi phối và có khi bị lệ thuộc bởi hoàn cảnh khách quan. Nhất là khi họ bị dụ cung, ép cung ... và thực tế cho thấy nhiều người đã buộc phải theo sự gợi ý của Điều tra viên để khai nhận những việc không xảy ra trong thực tế (Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang; ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận; ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình là điển hình). Việc tiếp xúc với luật sư ngay từ ban đầu sẽ làm cho người bị bắt giữ yên tâm, luật sư sẽ tư vấn cho họ về việc khai báo cũng như việc có mặt của luật sư sẽ hạn chế việc làm sai trái của điều tra viên (nếu có). Đảm bảo cho việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người không phạm tội.
Để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội, trên cơ sở đó truy cứu, áp dụng trách nhiệm hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được người bị buộc tội là người thực hiện hành vi phạm tội nào đó được quy định trong BLHS. Nếu không chứng minh được một người đã thực hiện tội phạm thì không thể kết tội người đó. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu hoạt động tố tụng không chứng minh được người đó đã thực hiện tội phạm thì không thể truy cứu, kết tội họ. Chứng minh tội phạm là một quá trình diễn ra ở cả ba giai đoạn điều tra - truy tố - xét xử. Ba giai đoạn này độc lập nhưng lại có cơ chế giám sát, chế ước, bổ sung cho nhau nhằm bảo đảm việc kết tội được chính xác, không làm oan người không phạm tội. Từng chủ thể của giai đoạn tố tụng phải có nghĩa vụ chứng minh tội phạm ở giai đoạn của mình phụ trách và chịu trách nhiệm về việc chứng minh đó.
Thứ ba, bản kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra; cáo trạng của Viện kiểm sát và bản án kết tội của Tòa án phải dựa trên các chứng cứ khẳng định chắc chắn về hành vi khách quan, mối quan hệ nhân – quả, lỗi của người bị buộc tội trong việc thực hiện tội phạm cụ thể. Nếu ở giai đoạn tố tụng nào (khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử) mà không thể thu thập được chứng cứ chứng minh tội phạm, không thể kết luận được những nội dung chủ yếu được quy định tại Điều 85 BLTTHS năm 2015, thì nếu như ở giai đoạn điều tra còn thì không ra kết luận điều tra, nếu ở giai đoạn truy tố thì Viện kiểm sát không quyết định truy tố bằng bản cáo trạng, nếu ở giai đoạn xét xử thì Tòa án không kết tội bị cáo. Mọi nghi ngờ về lỗi của bị can, bị cáo nếu không thể loại trừ được theo trình tự, thủ tục do luật định và khi chưa có sự thống nhất trong việc giải thích, áp dụng các quy phạm pháp luật đều phải được giải quyết theo hướng có lợi cho họ. Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi sự buộc tội phải dựa trên những chứng cứ xác thực không còn nghi ngờ. Mọi sự nghi ngờ đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đều phải được kiểm tra, chứng minh làm rõ. Nếu không chứng minh làm rõ được sự nghi ngờ thì sự nghi ngờ đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo phải được giải thích theo hướng có lợi cho họ. Tòa án phải hoàn toàn dựa trên cơ sở những chứng cứ được trình bày trước Tòa để đưa ra phán quyết. Trong các giai đoạn tố tụng thì giai đoạn xét xử vụ án có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Ở giai đoạn này tòa án sẽ tuyên bố một người nào đó bị truy tố có phạm tội hay không và phạm tội gì, hình phạt áp dụng ra sao? Theo quy định của BLTTHS thì trước khi kết án, phải qua việc điều tra công khai trước tòa. Đây thực sự là một cuộc đấu trí giữa bên kết tội và bên bào chữa. Cả hai bên, do nghĩa vụ mà luật tố tụng quy định đều phải thực hiện đầy đủ chức năng của mình. Kiểm sát viên khi trình bày lời buộc tội phải dẫn chứng đầy đủ các chứng cứ buộc tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và căn cứ vào từng khung, khoản của Điều luật trong BLTTHS để đề xuất mức hình phạt cần áp dụng.
Phía bào chữa - Luật sư cũng căn cứ vào kết quả điều tra công khai tại phiên tòa để tranh luận, đối đáp với Kiểm sát viên, có thể là chưa đủ bằng chứng buộc tội, hoặc chỉ phạm tội khác nhẹ hơn tội bị truy tố, các tình tiết tăng nặng được công tố viên đề nghị là không đúng, còn bỏ sót các tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo được hưởng ...Thông qua việc tranh luận, phản biện của các bên, hội đồng xét xử sẽ xem xét và cân nhắc khi đưa ra bản án.
Trong khoa học pháp lý cũng như trong thực tiễn đấu tranh chống tội phạm, nguyên tắc suy đoán vô tội với vai trò là nền tảng và kim chỉ nam cho toàn bộ hoạt động tố tụng hình sự. Nguyên tắc này loại trừ định kiến, kết tội một chiều trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và người tiền hành tố tụng cần hiểu thấu đáo câu thành ngữ “Đo ni đóng giầy” trong mọi hoạt động tác nghiệp của mình!. Dù chứng cứ của vụ án thu thập được có thể vừa là chứng cứ buộc tội vừa là chứng cứ có ý nghĩa gỡ tội, niềm tin nội tâm của những người tiến hành tố tụng vụ án đó thế nào đi nữa, thì đều phải có nghĩa vụ làm sáng tỏ các tình tiết, sự kiện của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Thực tiễn cho thấy, Điều tra viên chỉ chú trọng thu thập chứng cứ buộc tội, mà bỏ qua chứng cứ gỡ tội, thậm chí có không ít trường hợp chỉ thu thập chứng cứ theo mục đích đã định sẵn! Từ đó, dẫn đến oan sai là điều không thể tránh khỏi. Nguyên tắc này thể hiện thái độ trân trọng tới số phận con người, hạn chế sai lầm tư pháp làm oan, sai người không có tội.
Nguyên tắc suy đoán vô tội là nền tảng, thể hiện cô đọng nhất những bảo đảm pháp lý cho quyền bào chữa của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Bởi lẽ, người bị buộc tội không có nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của mình, mà trách nhiệm này, Điều 15 BLTTHS năm 2015 quy định: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.”. Người bị buộc tội được quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (điểm d khoản 1 Điều 58; điểm c khoản 2 Điều 59; điểm d khoản 2 Điều 60 và điểm h khoản 2 Điều  61). Các vụ án làm oan sai người không phạm tội được phát hiện trong thời gian qua cho thấy có điểm chung nhất, đó là, người tiến hành tố tụng trong vụ án đó đã hiểu chưa thật đúng về nguyên tắc suy đoán vô tội, điều này được thể hiện qua lập luận theo kiểu “nếu không chứng minh được sự vô tội của mình có nghĩa là có tội”; “Nếu không chỉ ra được người nào khác đã phạm tội thì chính bị can, bị cáo là người thực hiện hành vi phạm tội đó”, đã chuyển nghĩa vụ chứng minh từ bên buộc tội sang bên người bị buộc tội. Ngay cả khi người bị buộc tội nhận tội, thì nguyên tắc này vẫn có hiệu lực đến khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi cơ quan buộc tội là cơ quan có nghĩa vụ chứng minh hành vi thực hiện tội phạm của người bị buộc tội theo triết lý đã tồn tại từ thời cổ xưa “ai đưa ra lời buộc tội thì người đó phải chứng minh”, nếu cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được tội phạm của bị can, bị cáo thì đồng nghĩa với sự vô tội của họ và Tòa án phải tuyên bị cáo không có tội. Suy đoán vô tội được thừa nhận cho đến khi bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Nói một cách khác, chỉ có Tòa án  là cơ quan duy nhất có quyền tuyên bị cáo là người có tội trong bản án kết tội của mình.
Suy đoán vô tội liên quan chặt chẽ đến nguyên tắc tranh tụng. Theo đó, bên buộc tội và bên bào chữa bình đẳng trong hoạt động chứng minh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, theo quy định tại Điều 10 BLTTHS năm 2003; Điều 15 BLTTHS năm 2015, được hiểu như thế nào cho đúng, khi mà có ý kiến cho rằng, trách nhiệm chứng minh cũng thuộc về Tòa án có thẩm quyền? Theo quan điểm của tác giả, nếu hiểu như thế thì đồng nghĩa Tòa án là vừa là cơ quan thực hiện nhiệm vụ xét xử vừa là cơ quan “làm thay” nhiệm vụ của Viện kiểm sát cùng cấp. Mà quy định về trách nhiệm chứng minh tội phạm được đề cập ở đây, cần tách bạch rõ ràng bởi chức năng, nhiệm vụ tiến hành hoạt động tố tụng theo luật định của từng cơ quan tiến hành tố tụng, mà theo đó, theo quy định tại khoản 3[5] Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, phải được hiểu rằng,  khi xét xử vụ án hình sự Tòa án không có nghĩa vụ chứng minh tội phạm mà chỉ chứng minh cho quyết định của mình là có căn cứ. Mặt khác, tại Điều 26 BLTTHS năm 2015, quy định: Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.. Rõ ràng, Tòa án không thực hiện chức năng buộc tội và đương nhiên trên cơ sở công khai kiểm tra, đánh giá chứng cứ vụ án tại phiên tòa một cách khách quan, tòan diện, cụ thể , nguyên tắc suy đoán vô tội cần được Hội đồng xét xử vận dụng thật chính xác nhằm bảo đảm chất lượng xét xử luôn đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan, sai người không phạm tội.
Nguyên tắc suy đoán vô tội còn có tác dụng giảm bớt tình trạng kéo dài thời gian giải quyết vụ án do phải điều tra bổ sung theo yêu cầu của Viện kiểm sát hoặc Tòa án, nên hồ sơ vụ án phải trả đi trả lại nhiều lần, theo quy định tại khoản 2 Điều 174; điểm b khoản 1 Điều 240 và Điều 280 BLTTHS năm 2015. Thực tiễn xét xử cho thấy, không ít vụ án sau khi không thể tiếp tục trả hồ sơ điều tra bổ sung ở giai đoạn chuẩn bị xét xử được nữa, tại phiên tòa khi nghị án Hội đồng xét xử lại trả hồ sơ điều tra bổ sung với lý do: Thiếu chứng cứ dùng để chứng minh hành vi phạm tội; bị cáo có chứng cứ ngoại phạm khi xảy ra vụ án; có dấu hiệu sót người đồng phạm; yếu tố lỗi;… mà không thể bổ sung tại phiên tòa được. Theo quan điểm của người viết, trong suốt quá trình thu thập thông tin, xác minh, thu thập chứng cứ, điều tra nhằm chứng minh sự thật khách quan vụ án, bằng các biện pháp nghiệp vụ mà pháp luật cho phép và các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ, người tiến hành tố tụng trong vụ án đó nếu có thể thu thập được chứng cứ chứng minh thì chắc chắn rằng họ đã tiến hành các hoạt động đó xong trước khi hồ sơ vụ án được chuyển sang Tòa án. Hơn nữa, các điều tra viên, kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án cũng đã tận dụng tối đa thời gian và số lần được trả hồ sơ điều tra bổ sung, kể cả gia hạn điều tra nhưng vẫn không thu thập được tài liệu, không bổ sung thêm được chứng cứ, thì liệu rằng với “cơ hội” được Hội đồng xét xử tiếp tục quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung một lần nữa, cơ quan buộc tội sẽ thu thập thêm được những gì, hay chỉ là việc nhằm kéo dài thời gian giải quyết vụ án! Từ đó, theo quan điểm của tác giả, khi không có đủ chứng cứ chứng minh được lỗi; hành vi thực hiện tội phạm của bị cáo hoặc đồng phạm (nếu có) như cáo trạng của Viện kiểm sát quy kết, thì phải xem là đồng nghĩa với sự vô tội của bị cáo đã được chứng minh và bản án, quyết định mà Hội đồng xét xử sơ thẩm phải được tuyên bị cáo không có tội và trả tự do ngay (nếu trước đó đã bị tạm giam) chứ không được chọn phương án “an toàn”; “Dĩ hòa di quý” trả hồ sơ điều tra bổ sung  hoặc hủy án để điều tra, xét xử lại đối với Hội đồng xét xử phúc thẩm.
Ý nghĩa của nguyên tắc suy đoán vô tội  
Một là, nguyên tắc suy đoán vô tội không chỉ đáp ứng yêu cầu chứng minh: Chứng minh trong tố tụng hình sự là hoạt động cực kỳ phức tạp, không chỉ là những hành vi khách quan, những hậu quả thực tế mà còn cả những yếu tố tâm lý của người bị buộc tội. Mọi sai lầm trong chứng minh nhiều khi có thể phải trả giá bằng sinh mệnh của con người. Do đó, nếu chỉ chứng minh theo hướng suy đoán có tội thì rất dễ dẫn đến việc coi tố tụng hình sự chỉ đơn thuần là việc bắt người và ra bản án kết tội kèm theo những hình phạt cụ thể. Việc định kiến người bị tình nghi, bị can, bị cáo là người có tội là hết sức nguy hiểm. Nó đồng nhất người bị tình nghi, bị can, bị cáo là người có tội kéo theo đó là việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng tràn lan, thiếu căn cứ, chà đạp lên quyền con người mà nhiều trường hợp khi vụ án được xem xét lại thì họ hoàn toàn vô tội. Lúc đó, có bồi thường oan sai đi chăng nữa thì hậu quả đối với họ không thể nói là đã bù đắp được toàn bộ.
Hai là, nguyên tắc suy đoán vô tội còn bảo vệ được quyền của người bị tình nghi, bị can, bị cáo. Hoạt động tố tụng hình sự bao gồm hai nhiệm vụ: Bảo vệ xã hội chống lại hành vi xâm hại từ phía tội phạm và bảo vệ cá nhân người bị buộc tội chống lại sự xâm hại quyền con người từ phía công quyền. Suy đoán vô tội còn đem đến sự cân bằng trong hoạt động tố tụng hình sự giữa một bên là nhà nước với bộ máy điều tra, truy tố xét xử hùng mạnh được hậu thuẫn bằng quyền lực nhà nước với một bên yếu thế hơn là người bị tình nghi, bị can, bị cáo. Như vậy, không chỉ là quyền của người bị buộc tội, nghĩa vụ của bên buộc tội, thể hiện giá trị của văn minh nhân loại trong việc bảo vệ quyền con người, suy đoán vô tội còn phù hợp với quy luật của nhận thức trong tố tụng hình sự:  Một người luôn vô tội khi nhà nước không chỉ ra được những bằng chứng chống lại điều này và chứng minh được họ có tội.
Có thể nhận định rằng, suy đoán vô tội là một nguyên tắc tiến bộ. Nguyên tắc này bảo vệ chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự và lợi ích của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự là khi cơ quan tố tụng không chứng minh được hành vi phạm tội thì phải suy đoán theo hướng ngược lại. Ngoài ra, nguyên tắc suy đoán vô tội cũng đặt ra yêu cầu cao hơn cho những người tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm: Họ không thể làm sai mà vẫn áp đặt ý chí chủ quan của mình để kết tội nghi can. Hơn nữa, nguyên tắc này đảm bảo tính pháp chế trong BLTTHS, là nhân tố phát triển tính đúng đắn của lĩnh vực tố tụng hình sự.
Ba là, nguyên tắc suy đoán vô tội có quan hệ chặt chẽ với nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa. Bởi vì nếu đã bị coi là có tội ngay từ khi chưa xét xử thì việc thực hiện quyền bào chữa của người bị buộc tội chỉ còn là hình thức. Người bào chữa là người được đào tạo chuyên nghiệp về nghiệp vụ bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của bị cáo. Họ được nghiên cứu hồ sơ vụ án trên cơ sở am hiểu các quy định của pháp luật và được bị cáo hoặc gia đình bị cáo ủy quyền để bảo vệ cho các quyền và lợi ích chính đáng của bị cáo. Sự có mặt của người bào chữa nhằm đưa ra các luận cứ chứng minh sự vô tội của bị cáo hoặc đưa ra các lập luận đồng ý hay không đồng ý với quan điểm truy tố của Viện kiểm sát về tội danh cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà Viện kiểm sát buộc tội. Đảm bảo quyền bào chữa là cơ sở quan trọng để bảo vệ quyền con người. Vì vậy, Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định rõ quyền tự bào chữa hoặc nhờ Luật sư, người khác bào chữa của những người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Th.S Lê Văn Sua - Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang
 
[1] Điều 11.
1. Mọi người, nếu bị cáo buôc về hình sự, đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là phạm tội theo pháp luật, tại một phiên toà xét xử công khai, nơi người đó được bảo đảm những điều kiện cần thiết để bào chữa cho mình.
2. Không ai bị cáo buộc là phạm tội vì bất cứ hành vi hoặc sự tắc trách nào mà không cấu thành một phạm tội hình sự theo pháp luật quốc gia hay pháp luật quốc tế vào thời điểm thực hiện hành vi hay có sự tắc trách đó. Cũng không ai bị tuyên phạt nặng hơn mức hình phạt được quy định vào thời điểm hành vi phạm tội được thực hiện.
[2] . Người bị cáo buộc là phạm tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi hành vi phạm tội của người đó được chứng minh theo pháp luật.
[3] http://noichinh.vn/ho-so-tu-lieu/201404/nguyen-tac-suy-doan-vo-toi-va-nhung-kien-nghi-sua-doi-bo-sung-bo-luat-to-tung-hinh-su-nam-2003-294277/
[4] Điều 72
Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh.
[5] 3. Khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, Tòa án có quyền:
a) Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Luật sư trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án;
b) Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các chứng cứ, tài liệu do Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thu thập; do Luật sư, bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác cung cấp;
c) Khi xét thấy cần thiết, trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc Tòa án kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự;
d) Yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên và những người khác trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án tại phiên tòa; khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm;
e) Ra quyết định để thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.