Pháp luật về cạnh tranh cần bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật

25/02/2016

Luật cạnh tranh được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 03/12/2004, có hiệu lực kể từ ngày 01/7, 2005 (viết tắt LCT). Sau hơn 10 năm thực thi, LCT đã phát huy được tốt vai trò trong việc tạo lập, duy trì và đảm bảo một môi trường kinh doanh bình đẳng và lành mạnh cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Tuy nhiên, quá trình thực thi LCT cũng gặp nhiều vướng mắc do giữa các quy phạm của LCT với các quy định của luật chuyên ngành chưa bảo đảm sự thống nhất, cụ thể:

Thứ nhất,  LCT được coi là văn bản pháp luật được áp dụng chung trong mọi ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Với ý nghĩa đó, việc xác định vị trí thống lĩnh của bất kỳ một doanh nghiệp hay nhóm doanh nghiệp nào đó trên thị trường phải căn cứ theo quy định tại Điều 11[1] LCT. Nhưng thực tế đã xuất hiện trường hợp pháp luật chuyên ngành tự quy định tiêu chí riêng nhằm xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp mà không căn cứ theo quy định của pháp luật cạnh tranh. Chẳng hạn, Điều 19[2] Luật Viễn thông được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 23/11/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/ 2010, mà theo đó, có quy định về cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông, cấm doanh nghiệp viễn thông hoặc nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu thực hiện một số hành vi về cạnh tranh. Nếu chỉ dừng lại nội dung quy định đó hoặc trong điều này có quy định dẫn chiếu đến pháp luật cạnh tranh nhằm xác định vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp viễn thông thì không có gì vướng mắc. Căn cứ vào quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Viễn thông, ngày 15/11/ 2012, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 18/2012/TT-BTTTT kèm theo danh mục và xác định doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ viễn thông quan trọng (viết tắt Thông tư số 18/2012/TT-BTTTT). Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/ 01/2013 và thay thế cho Quyết định số 1622/QĐ-BTTTT ngày 29/10/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Ban hành danh mục dịch vụ và doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp viễn thông chiếm thị phần khống chế. Có lẽ điều đáng nói ở đây là Thông tư số 18/2012/TT-BTTTT hoàn toàn không đưa ra bất kỳ tiêu chí nào nhằm xác định thị trường và vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp trên các thị trường đã được xác định, nhưng lại chỉ rõ thị trường và nêu đích danh doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh.Ví dụ: Đối với dịch vụ điện thoại đường dài trong nước,  Doanh nghiệp viễn thông được xác định có vị trí thống lĩnh thị trường là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Đối với Dịch vụ điện thoại quốc tế, Nhóm doanh nghiệp viễn thông được xác định có vị trí thống lĩnh thị trường gồm Tập đoàn Viễn thông Quân đội và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam;… Như vậy, có thể nói những nội dung được quy định khoản 4 Điều 19 của Luật Viễn thông và sự cụ thể hóa quy định này tại Thông tư số18/2012/TT-BTTTT trong chừng mực nhất định nào đó sẽ rất hữu ích và cần thiết cho cơ quan cạnh tranh trong gỉai quyết những vụ việc cụ thể trên thị trường viễn thông. Tuy nhiên, nếu lạm dụng điều này và cho rằng pháp luật cạnh tranh và viễn thông có sự tương thích là hoàn toàn sai lầm.

Thứ haiĐiều 8[3] Điều 39 [4] LCT, quy định các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; hành vi cạnh tranh không lành mạnh một cách rõ ràng theo những tiêu chí cụ thể, có các yếu tố cấu thành hành vi rõ ràng và được điều chỉnh một cách hệ thống. LCT và các văn bản hướng dẫn thi hành đã xác định rõ thế nào là hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh; thế nào là hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền; thế nào là hành vi tập trung kinh tế; những hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng như những hành vi nào bị cấm và cấm theo những điều kiện nào. Như vậy, sẽ là phù hợp hơn khi xây dựng quy định về các hành vi hạn chế cạnh tranh; hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong các luật chuyên ngành, mà theo đó, có sự dẫn chiếu hoặc quy định theo các yếu tố cấu thành hành vi được quy định trong LCT. Nhưng qua nghiên cứu cho thấy, cụ thể Điều 89[5]Luật Đấu thầu năm 2013, có quy định hành vi cạnh tranh nhưng không đúng và đủ theo những yếu tố cấu thành hành vi mà pháp luật cạnh tranh đã quy định. Ngoài ra, cũng có trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh; hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhưng lại khác biệt và sự mâu thuẫn so với các quy định của LCT, ví dụ, khoản 2 Điều 19 Luật Viễn thông.

Thứ ba, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 49 LCT, Cơ quan quản lý cạnh tranh có thẩm quyền điều tra đối với vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Khoản 2 Điều 53 LCT quy định Hội đồng cạnh tranh có nhiệm vụ tổ chức xử lý, giải quyết khiếu nại đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh. Sẽ là phù hợp nếu pháp luật chuyên ngành dẫn chiếu quy định của pháp luật cạnh tranh để xác định thẩm quyền xử lý khi có hành vi vi phạm xảy ra. Tuy nhiên, thực tế pháp luật chuyên ngành lại quy định thẩm quyền xử lý cho cơ quan quản lý chuyên ngành, dẫn tới sự xung đột về thẩm quyền xử lý vi phạm giữa cơ quan cạnh tranh và cơ quan quản lý chuyên ngành. Ví dụ, Thông tư số 18/2012/TT-BCT ngày 29/6/ 2012 của Bộ Công Thương quy định giám sát thị trường phát điện cạnh tranh, mà theo đó, tại Điều 12 của Thông tư này có giao thẩm quyền xác minh điều tra đối với hành vi lạm dụng vị trí độc quyền, thống lĩnh thị trường cho Cục Điều tiết điện lực là trái với quy định tại khoản 2 Điều 49 LCT và Nghị định 06/2006/NĐ-CP ngày 09/01/2006 của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý cạnh tranh. Hoặc tại khoản 5 Điều 19 Luật Viễn thông có quy định các doanh nghiệp viễn thông khi tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường dịch vụ liên quan phải thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông trước khi tiến hành tập trung kinh tế. Trong khi theo quy định tại khoản 1[6] Điều 20 LCT trường hợp này doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế.

Thứ tưsự mâu thuẫn và khác biệt về hình thức và mức độ xử lý theo quy định của pháp luật cạnh tranh và pháp luật chuyên ngành. Đây chính là mâu thuẫn cơ bản giữa pháp luật cạnh tranh và pháp luật chuyên ngành, đặc biệt về hình thức và mức độ xử lý đối với những hành vi hạn chế cạnh tranh. Theo quy định của pháp luật cạnh tranh, hành vi hạn chế cạnh tranh được coi là có tính chất và mức độ nguy hại rất cao đối với môi trường cạnh tranh bởi đó là hành vi của doanh nghiệp làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, tại khoản 1 Điều 118 LCT quy định:“Đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền hoặc tập trung kinh tế, cơ quan có thẩm quyền xử phạt có thể phạt tiền tối đa đến 10% tổng doanh thu của tổ chức, cá nhân vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm.” Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy định về việc xử lý của một số luật chuyên ngành chỉ mang tính chất phạt hành chính, đặc biệt là mức độ xử phạt thấp hơn nhiều so với quy định trong pháp luật cạnh tranh. Ví dụ, tại điểm d khoản 2 Điều 10 Luật Giá quy định cấm đối với các hành vi thông đồng về giá dưới mọi hình thức để trục lợi. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, mà theo đó, số tiền phạt vi phạm thấp nhất 1.000.000 đồng và cao nhất 60.000.000 đồng tương ứng với hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá có tổng giá trị đến 50.000.000 đồng và đến trên 500.000.000 đồng.

Thứ năm, sự mâu thuẫn, khác biệt về quy trình xử lý vi phạm giữa pháp luật cạnh tranh và pháp luật chuyên ngành. LCT bao gồm hai phần, phần quy phạm về luật nội dung và phần quy phạm về luật hình thức, mà theo đó, phần quy phạm về luật hình thức được quy định từ Chương IV trở đi, vì là quy phạm về luật hình thức nên kết cấu quy trình và thủ tục tố tụng rất chặt chẽ, bao gồm các giai đoạn điều tra với thời gian và yêu cầu cụ thể nhằm chứng minh hành vi vi phạm để quyết định xử lý. Trong khi đó, pháp luật chuyên ngành quy định thủ tục xác định hành vi vi phạm đơn giản hơn và với thời gian thường ngắn hơn so với thời gian tố tụng theo pháp luật cạnh tranh.

Thứ sáu, vấn đề rào cản pháp lý đặt ra trong các pháp luật chuyên ngành và mục tiêu đảm bảo và thúc đẩy một môi trường cạnh tranh lành mạnh của pháp luật cạnh tranh. Để đạt được mục tiêu thúc đẩy cạnh tranh thì pháp luật cạnh tranh phải không ngừng hướng tới việc xoá bỏ các rào cản gia nhập hoặc rút lui khỏi thị trường và những rào cản khác. Tuy nhiên, hiện còn nhiều vấn đề phải giải quyết liên quan đến các quy định mang tính rào cản thị trường trong pháp luật chuyên ngành. Những quy định mang tính đặt điều kiện cho việc thành lập hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong pháp luật chuyên ngành trong nhiều trường hợp là không cần thiết và không phù hợp với mục tiêu mở rộng thị trường, đẩy mạnh cạnh tranh của pháp luật cạnh tranh.

3. Kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh

Một là, vấn đề cạnh tranh trong nền kinh tế đã được Nhà nước ta quan tâm từ nhiều năm nay và chính sách cạnh tranh cho nền kinh tế cũng đã được Nhà nước ta xây dựng. Tuy nhiên, từ thực tiễn kết quả rà soát bộc lộ ra những mâu thuẫn, chồng chéo và bất cập của hệ thống pháp luật đã cho thấy vấn đề hoặc là chính sách cạnh tranh của chúng ta được xây dựng không tốt nên không phát huy được hiệu quả trong việc định hướng cho các hoạt động lập pháp, hoặc là tầm quan trọng của chính sách cạnh tranh đã không được đánh giá đúng mức nên không được sử dụng một cách hiệu quả đúng với tầm vóc của nó. Dù có ở trường hợp nào đi nữa thì cũng đòi hỏi chúng ta cần phải xem xét, đánh giá và nhận thức lại tầm quan trọng của chính sách cạnh tranh để sử dụng chính sách này như một công cụ hữu hiệu nhằm phát triển kinh tế đất nước thông qua việc định hướng xây dựng một khung pháp lý thống nhất để tạo lập và thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường.

Hai là, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến cạnh tranh trong pháp luật chuyên ngành theo hướng lấy chính sách cạnh tranh làm trung tâm và các quy định của pháp luật cạnh tranh làm nền tảng. Có thể khẳng định xu hướng thoát ly khỏi pháp luật cạnh tranh để xây dựng những quy định riêng về cạnh tranh trong pháp luật chuyên ngành là bởi trong quá trình xây dựng pháp luật chuyên ngành đã không hướng tới chính sách cạnh tranh chung và không vì mục tiêu chung trong việc kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh. Nếu không giải quyết được hiện tượng này và nếu chính sách, pháp luật cạnh tranh không thể hiện được vai trò là trung tâm để quy tụ các pháp luật chuyên ngành đi về một mối thì trong tương lai có lẽ nền cạnh tranh nước nhà sẽ ngày một trầm trọng bởi các quy định mang tính tản mạn, mâu thuẫn và khác biệt về hành vi, về hình thức và mức độ xử lý, xung đột và giằng xé về mặt thẩm quyền.

Ba là, cần sửa đổi, bổ sung theo hướng nhằm tạo ra hệ thống các văn bản pháp luật cạnh tranh đồng bộ và tiên tiến. Thực tế cho thấy, quá trình thực thi đã gặp phải nhiều khó khăn, một phần do chính sự bất cập và thiếu sót trong các quy định cụ thể của LCT. Mặt khác, chính các quy định của pháp luật cạnh tranh cũng có nhiều bất cập, mâu thuẫn. Cụ thể là sự mâu thuẫn và bất cập giữa những quy định của LCT và các quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, trong điều kiện kinh tế đã có nhiều thay đổi vì vậy việc sửa đổi, bổ sung là cần thiết nhằm đáp ứng những đòi hỏi và xu thể phát triển mới của kinh tế - xã hội. Hơn nữa, trong những năm gần đây nhiều pháp luật chuyên ngành có xu hướng thoát ly khỏi pháp luật cạnh tranh để xây dựng các quy định riêng về vấn đề cạnh tranh, trong khi đó LCT là luật trung tâm để các luật chuyên ngành khác dẫn chiếu và áp dụng theo. 

 

Phạm Thị Hồng Đào

Văn phòng Luật sư Thạnh Hưng



[1] Điều 11. Doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường

1. Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể.

2. Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động nhằm gây hạn chế cạnh tranh và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan;

b) Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan;

c) Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan.

[2] Điều 19. Cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông

1. Doanh nghiệp viễn thông không được thực hiện các hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của Luật cạnh tranh.

2. Ngoài các quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp viễn thông hoặc nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Bù chéo dịch vụ viễn thông để cạnh tranh không lành mạnh;

b) Sử dụng ưu thế về mạng viễn thông, phương tiện thiết yếu để cản trở việc xâm nhập thị trường, hạn chế, gây khó khăn cho hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông khác;

c) Sử dụng thông tin thu được từ doanh nghiệp viễn thông khác vào mục đích cạnh tranh không lành mạnh;

d) Không cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp viễn thông khác thông tin kỹ thuật về phương tiện thiết yếu và thông tin thương mại liên quan cần thiết để cung cấp dịch vụ viễn thông.

3. Doanh nghiệp viễn thông hoặc nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu phải thực hiện thống kê, kế toán riêng đối với dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế để xác định giá thành dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế.

4. Từng thời kỳ, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Danh mục doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ viễn thông quan trọng mà Nhà nước cần quản lý cạnh tranh, Danh mục doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu; quy định và tổ chức thực hiện biện pháp quản lý nhằm thúc đẩy cạnh tranh và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông.

5. Các doanh nghiệp viễn thông khi tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường dịch vụ liên quan phải thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông trước khi tiến hành tập trung kinh tế.

6. Việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật cạnh tranh trong hoạt động viễn thông phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông.

7. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Bộ Công thương quy định chi tiết việc thực hiện các khoản 1, 5 và 6 Điều này.

[3] Điều 8. Các thoả thuận hạn chế cạnh tranh

Các thoả thuận hạn chế cạnh tranh bao gồm:

1. Thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp;

2. Thoả thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ;

3. Thoả thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, dịch vụ;

4. Thoả thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư;

5. Thoả thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng;

6. Thoả thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;

7. Thoả thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thoả thuận;

8. Thông đồng để một hoặc các bên của thoả thuận thắng thầu trong việc cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

[4] Điều 39. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong Luật này bao gồm:

1. Chỉ dẫn gây nhầm lẫn;

2. Xâm phạm bí mật kinh doanh;

3. ép buộc trong kinh doanh;

4. Gièm pha doanh nghiệp khác;

5. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác;

6. Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh;

7. Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh;

8. Phân biệt đối xử của hiệp hội;

9. Bán hàng đa cấp bất chính;

10. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác theo tiêu chí xác định tại khoản 4 Điều 3 của Luật này do Chính phủ quy định.

[5] Điều 89. Các hành vi bị cấm trong đấu thầu

1. Đưa, nhận, môi giới hối lộ.

2. Lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu.

3. Thông thầu, bao gồm các hành vi sau đây:

a) Thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu;

b) Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu;

c) Thỏa thuận về việc từ chối cung cấp hàng hóa, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc các hình thức gây khó khăn khác cho các bên không tham gia thỏa thuận.

4. Gian lận, bao gồm các hành vi sau đây:

a) Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào;

b) Cá nhân trực tiếp đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

c) Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

5. Cản trở, bao gồm các hành vi sau đây:

a) Hủy hoại, lừa dối, thay đổi, che giấu chứng cứ hoặc báo cáo sai sự thật; đe dọa, quấy rối hoặc gợi ý đối với bất kỳ bên nào nhằm ngăn chặn việc làm rõ hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, gian lận hoặc thông đồng đối với cơ quan có chức năng, thẩm quyền về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán;

b) Các hành vi cản trở đối với nhà thầu, nhà đầu tư, cơ quan có thẩm quyền về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

6. Không bảo đảm công bằng, minh bạch, bao gồm các hành vi sau đây:

a) Tham dự thầu với tư cách là nhà thầu, nhà đầu tư đối với gói thầu, dự án do mình làm bên mời thầu, chủ đầu tư hoặc thực hiện các nhiệm vụ của bên mời thầu, chủ đầu tư;

b) Tham gia lập, đồng thời tham gia thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đối với cùng một gói thầu, dự án;

c) Tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đồng thời tham gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với cùng một gói thầu, dự án;

d) Là cá nhân thuộc bên mời thầu, chủ đầu tư nhưng trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc là người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu đối với các gói thầu, dự án do cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em một đứng tên dự thầu hoặc là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu;

đ) Nhà thầu tham dự thầu gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp do mình cung cấp dịch vụ tư vấn trước đó;

e) Đứng tên tham dự thầu gói thầu thuộc dự án do chủ đầu tư, bên mời thầu là cơ quan, tổ chức nơi mình đã công tác trong thời hạn 12 tháng, kể từ khi thôi việc tại cơ quan, tổ chức đó;

g) Nhà thầu tư vấn giám sát đồng thời thực hiện tư vấn kiểm định đối với gói thầu do mình giám sát;

h) Áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi khi không đủ điều kiện theo quy định của Luật này;

i) Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế;

k) Chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của Luật này nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.

7. Tiết lộ, tiếp nhận những tài liệu, thông tin sau đây về quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 7 và điểm e khoản 8 Điều 73, khoản 12 Điều 74, điểm i khoản 1 Điều 75, khoản 7 Điều 76, khoản 7 Điều 78, điểm d khoản 2 và điểm d khoản 4 Điều 92 của Luật này:

a) Nội dung hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trước thời điểm phát hành theo quy định;

b) Nội dung hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, sổ tay ghi chép, biên bản cuộc họp xét thầu, các ý kiến nhận xét, đánh giá đối với từng hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trước khi công khai danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

c) Nội dung yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của bên mời thầu và trả lời của nhà thầu, nhà đầu tư trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trước khi công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

d) Báo cáo của bên mời thầu, báo cáo của tổ chuyên gia, báo cáo thẩm định, báo cáo của nhà thầu tư vấn, báo cáo của cơ quan chuyên môn có liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trước khi công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

đ) Kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trước khi được công khai theo quy định;

e) Các tài liệu khác trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được đóng dấu mật theo quy định của pháp luật.

8. Chuyển nhượng thầu, bao gồm các hành vi sau đây:

a) Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá hợp đồng đã ký kết;

b) Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc thuộc trách nhiệm thực hiện của nhà thầu, trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ đã kê khai trong hợp đồng.

9. Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn tới tình trạng nợ đọng vốn của nhà thầu.

[6] . Các doanh nghiệp tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của các doanh nghiệp đó phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế