Hoàn thiện pháp luật đấu tranh với tội phạm buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới

21/01/2016

Cùng với quá trình chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đã góp phần tạo thêm nhiều thuận lợi cho đất nước ta trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa nói chung, hội nhập cộng đồng kinh tế quốc tế nói riêng cũng đã làm xuất hiện nhiều loại tội phạm như tội phạm khủng bố, tội phạm về ma túy, tội phạm buôn lậu… với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng đã gây ra những tác động tiêu cực tới đất nước ta trên nhiều phương diện, trong đó có lĩnh vực an ninh trật tự. Đáng chú ý, trong thời gian qua tình hình tội phạm buôn lậu và tội phạm vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới ở nước ta có xu hướng tăng dần về cả số lượng vụ việc lẫn tính chất, mức độ; phương thức, thủ đoạn đa dạng, phức tạp, khó phát hiện; các đối tượng hoạt động liều lĩnh, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ... đã gây ra nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng (Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Quản lý thị trường…) trong công tác đấu tranh.

Theo thống kê chỉ tính riêng kết quả công tác đấu tranh năm 2014, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 9.683 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới với 8.599 đối tượng. Đặc biệt là các lực lượng chức năng đã phá nhiều đường dây, tổ chức buôn lậu lớn, nhất là tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp. Điển hình như vụ Công ty Hoàng Sơn buôn lậu hơn 1.600 tấn dầu DO trên biển, trị giá trên 31 tỷ đồng, đã khởi tố 5 bị can. Vụ công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp buôn lậu 7.610 tấn dầu DO, trị giá 8 triệu USD, đã khởi tố 15 bị can. Vụ Công ty Xăng dầu Lào Cai buôn lậu 2.655 tấn dầu DO, trị giá 2,3 triệu USD, đã khởi tố 03 bị can. Vụ buôn lậu hàng trăm nghìn tấn than tại Quảng Ninh, đã khởi tố 6 bị can. Vụ buôn lậu 70 tấn thuốc bắc từ cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn về xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Gần đây nhất, vào ngày 2/11/2014, Cục Cảnh sát kinh tế (C46) phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh khám xét và bắt quả tang, thu giữ 16 xe ô tô tải, 1 xe Lexus 470, 5 tàu sắt và nhiều tài liệu liên quan đến đường dây vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, số hàng hóa thu giữ trị giá ước tính trên 30 tỷ đồng...

Qua tổng kết của các lực lượng chức năng trong thời gian vừa qua cho thấy hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn biến phức tạp, tập trung trên một số tuyến trọng điểm sau đây:

- Tuyến biên giới phía Bắc: chủ yếu diễn ra ở khu vực biên giới giáp Trung Quốc thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La. Các mặt hàng buôn lậu qua tuyến biên giới phía Bắc rất đa dạng, nhiều chủng loại, chủ yếu là đồ gia dụng, điện tử, các loại thực phẩm, gia súc, gia cầm, thủy hải sản…

- Các tuyến biên giới miền Trung, phía Nam và Tây Nam Bộ: mặt hàng buôn lậu chủ yếu ở tuyến này là thuốc lá điếu và đường kính Thái Lan ở các tỉnh Quảng Trị, Tây Ninh, Long An và Đồng Tháp.

- Trên tuyến hàng không: Các tuyến trọng điểm buôn lậu quốc tế là các đường bay quốc tế Hồng Kông - Hà Nội, Hồng Kông - Thành phố Hồ Chí Minh, Singapore - Thành phố Hồ Chí Minh, Singapore - Hà Nội, Hàn Quốc - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Lan - Thành phố Hồ Chí Minh... Mặt hàng nhập lậu là loại hàng gọn nhẹ, có thuế suất cao như: vàng, điện thoại di động, hàng điện tử, thuốc tân dược, ngoại tệ, cổ vật, kim cương, đồng hồ, ma túy, sừng tê giác…

Để đạt được những kết quả kể trên là do các lực lượng chức năng đã tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều biện pháp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới như: Chủ động thực hiện tốt công tác nắm tình hình, công tác dự báo, chủ động tham mưu với lãnh đạo các cấp chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Chủ động thiết lập, duy trì phối hợp giữa các lực lượng chức năng để thu thập thông tin, triển khai các biện pháp đấu tranh, đặc biệt là coi trọng việc bổ sung, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, đặc biệt là tại các địa phương có biên giới, cửa khẩu, các tỉnh, thành phố là thị trường tiêu thụ chính hàng nhập lậu; Tăng cường công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong đấu tranh phòng chống tội phạm, không tham gia tiếp tay, giúp sức cho tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới…

Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn còn bộc lộ nhiều sơ hở, thiếu sót. Các biện pháp phòng ngừa chưa được sử dụng một cách triệt để, hiệu quả còn hạn chế, tỷ lệ tội phạm ẩn vẫn còn cao; công tác phát hiện, điều tra khám phá còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định mặc dù trong thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng đã ban hành nhiều chính sách chống gian lận thương mại, hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu công nghiệp... Có thể nhận thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong kết quả đấu tranh là do hệ thống các quy định của pháp luật về đấu tranh chống hàng lậu, gian lận thương mại ở nước ta mặc dù tương đối đầy đủ song vẫn còn có một số quy định chưa thực sự hoàn thiện, còn chồng chéo, thiếu cụ thể, từ đó tạo ra nhiều “lỗ hổng” để các đối tượng phạm tội lợi dụng hoạt động.

Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót trong các quy định của pháp luật và kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót đó như sau:

Thứ nhất, tại Khoản 2, Điều 6, Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA ngày 12/5/2011 của liên Bộ quy định về hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường bị các đối tượng buôn lậu lợi dụng bằng cách xuất hóa đơn hợp thức hóa hàng lậu. Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu mua lại của các tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh chỉ cần có hóa đơn bán hàng của bên bán là đủ. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc cấp và quản lý hóa đơn bán hàng của ngành chức năng cho các hộ kinh doanh cũng còn thiếu các quy định chặt chẽ và chế tài xử lý chưa đủ mạnh nên vẫn còn hiện tượng các đối tượng tùy tiện phát hành hóa đơn để hợp thức hóa cho hàng lậu; nhận quyển hóa đơn từ cơ quan chức năng về đưa luôn cho đối tượng buôn lậu tự viết theo từng lô hàng hoặc theo tỷ lệ %; ghi hóa đơn tùy tiện, tên hàng, đơn vị tính, giá thấp hơn giá thực tế trên thị trường.

Để khắc phục tình trạng trên, tác giả kiến nghị sửa đổi khoản 2 Điều 6, Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA của Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Công an về hướng dẫn chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường theo hướng mọi tổ chức, cá nhân khi mua bán, vận chuyển hàng hóa nhập khẩu ra ngoài khu vực biên giới vì mục đích kinh doanh thì người bán phải đem bản gốc hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp của lô hàng và hóa đơn xuất bán đến Chi cục Hải quan hoặc Đội Quản lý thị trường phụ trách địa bàn đó để kiểm tra và xác nhận.

Thứ hai, tại Khoản 2, Điều 4, Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA BCA của Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Công an về hướng dẫn chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường, theo đó đối với hàng hóa nhập khẩu của cơ sở sản xuất, kinh doanh đang bày bán, để tại kho, bến, bãi thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng của cơ sở đó (trong trường hợp cơ sở kinh doanh kho, bến, bãi đã đăng ký hoạt động kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền) thì trong thời hạn 72 giờ, kể từ thời điểm kiểm tra hàng hóa của cơ sở kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, phải xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Tại thời điểm kiểm tra, nếu cơ sở kinh doanh hàng hóa nhập khẩu không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa thì cơ quan kiểm tra hàng hóa đó tiến hành tạm giữ hàng hóa để xác minh tính hợp pháp của hàng hóa. Như vậy, quy định như trên rất dễ tạo kẽ hở giúp đối tượng chủ đầu nậu có đủ thời gian để hợp thức hóa hóa đơn, chứng từ cho hàng lậu nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm pháp lý.

Với “lỗ hổng” trên, theo ý kiến của tác giả đối với hàng hóa nhập khẩu, hồ sơ, chứng từ kèm theo từng lô hàng, chuyến hàng lưu thông cũng như bày bán ở cửa hàng, kho bãi khi bị các lực lượng chức năng tạm giữ, kiểm tra mà chưa có hồ sơ nhập khẩu hợp pháp và hóa đơn chứng từ theo quy định pháp luật thì nghĩa vụ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa đó thuộc cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu và đề xuất sửa đổi theo hướng rút ngắn thời gian xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Thứ ba, quy định về nhập khẩu hàng hóa theo hình thức chuyển cảnh được quy định tại Nghị định số 154/2005/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Hải quan về thủ tục Hải quan, kiểm tra, giám sát Hải quan. Theo đó, các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa có thể mở tờ khai nhập khẩu tại Chi cục Hải quan trong nội địa. Do đó, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại có thể lợi dụng quy định này để hoạt động ngày càng mạnh.

Để khắc phục điểm hạn chế trong quy định này, tác giả kiến nghị sửa đổi Điều 17 của Nghị định số 154/2005/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Hải quan về thủ tục Hải quan, kiểm tra, giám sát Hải quan theo hướng toàn bộ hàng hóa khi nhập khẩu vào Việt Nam đều phải thực hiện các thủ tục Hải quan (kiểm tra, cho thông quan) tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu biên giới, trừ một số mặt hàng được nêu tại điểm a, b, d, đ, e, g khoản 3, Điều 18 Nghị định số 154/NĐ-CP. 

Thứ tư, Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 27/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 139/2009/QĐ-TTg ngày 23/12/2009 tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, theo đó cư dân biên giới được mua hàng hóa qua biên giới miễn thuế nhập khẩu với số lượng lên tới 2.000.000 đồng/1 ngày/1 người. Với những quy định đó, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đã lợi dụng triệt để thu gom hàng hóa và hợp thức hóa bằng việc xuất hóa đơn để thẩm lậu vào Việt Nam. Hầu như toàn bộ số hàng lậu sau khi lọt qua biên giới đều được một số hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố giáp biên giới thu gom, xuất hóa đơn để hợp thức hóa, sau đó vận chuyển về phía sau để tiêu thụ, các lực lượng chức năng không thể bắt giữ, tịch thu.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định liên quan tại Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg theo hướng giảm số lần nhập khẩu hàng hóa trong tháng được miễn thuế, điều chỉnh loại mặt hàng trao đổi, mua bán của cư dân biên giới được miễn thuế cho phù hợp với từng thời kỳ, từng khu vực, tăng cường sự kiểm soát, quản lý thu thuế đối với trường hợp vượt định mức, thu gom và chế độ xử phạt khi vi phạm, có chế độ hóa đơn riêng đối với hàng mua miễn thuế của cư dân biên giới.

Thứ năm, Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài. Theo đó, thời hạn xăng dầu kinh doanh tạm nhập tái xuất được lưu lại tại Việt Nam 120 ngày, trường hợp bất khả kháng và hợp đồng mua bán hàng hóa có thay đổi về điều kiện, thời gian giao hàng, lô hàng cần phải kéo dài thời hạn lưu lại tại Việt Nam thì thương nhân có văn bản gửi Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập đề nghị được gia hạn và phải được Chi cục Hải quan chấp nhận gia hạn trước khi hết thời hạn tạm nhập tái xuất. Việc gia hạn không quá 02 lần, mỗi lần không quá 30 ngày đối với mỗi lô hàng tạm nhập tái xuất, thêm 15 ngày tờ khai còn giá trị hiệu lực.

Đối với quy định trên, tác giả thấy rằng đối với hàng tạm nhập - tái xuất thông thường doanh nghiệp có thể mang hàng về bảo quản trong thời gian lưu giữ tại Việt Nam sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cơ quan chức năng trong việc giám sát, quản lý tính nguyên trạng của hàng hóa, đặc biệt là khâu thanh khoản, theo dõi nợ thuế. Vì vậy, tác giả đề xuất sửa đổi thời gian lưu lại tại Việt Nam theo hướng rút ngắn thời gian.

Thứ sáu, Thông tư số 04/2006/TT-BTM của Bộ Thương mại; điểm 4, Điều 2 Thông tư 126/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc kinh doanh tạm nhập - tái xuất như hiện nay không đúng bản chất tạm nhập - tái xuất (hàng hóa phải giữ nguyên trạng) là do doanh nghiệp được chia nhỏ lô hàng để vận chuyển khi tái xuất hoặc được để lại tiêu thụ nội địa làm cho công tác giám sát, quản lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn do không xác định được lô hàng nào là lô hàng tạm nhập - tái xuất, lô hàng nào là lô hàng xuất bán nội địa. Với quy định này, tác giả kiến nghị sửa đổi văn bản nêu trên theo hướng yêu cầu doanh nghiệp cần giữ nguyên trạng hàng hóa tạm nhập - tái xuất, có hóa đơn chứng từ gốc kèm theo từng lô hàng cụ thể.

Thứ bảy, Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013, nhưng hệ thống các văn bản liên quan hướng dẫn thi hành chưa được ban hành dẫn đến một “khoảng trống pháp lý” gây nhiều khó khăn cho các lực lượng thực thi trong áp dụng như: nguồn kinh phí cho công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại còn hạn chế, chưa có hướng dẫn cụ thể mới về cơ chế hỗ trợ kinh phí 50% cho các lực lượng chức năng. Chính vì vậy, các cơ quan ban ngành liên quan cần phải nhanh chóng nghiên cứu và ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về áp dụng Luật xử lý vi phạm hành chính cũng như có các quy định cụ thể theo hướng tạo điều kiện phương tiện, vật chất cho lực lượng chức năng tham gia đấu tranh tội phạm buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Thời gian tới, tình hình tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới được dự báo vẫn còn hết sức phức tạp, khó lường, nhất là trong dịp tết cổ truyền của dân tộc đang đến rất gần. Chính vì vậy, vấn đề nghiên cứu, chỉ rõ những sơ hở, thiếu sót trong các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác đấu tranh chống các loại tội phạm trên càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất các ban ngành có thẩm quyền những biện pháp khắc phục những “lỗ hổng” này, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng chuyên trách hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần ổn định thị trường, đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Đoàn Thị Ngọc Hải

 

Danh mục tài liệu tham khảo

1. Xem: Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012;

2. Xem: Nghị định số 154/2005/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Hải quan về thủ tục Hải quan, kiểm tra, giám sát Hải quan;

3. Xem: Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 27/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 139/2009/QĐ-TTg ngày 23/12/2009;

4. Xem: Thông tư số 04/2006/TT-BTM của Bộ Thương mại; điểm 4, Điều 2 Thông tư 126/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc kinh doanh tạm nhập - tái xuất như hiện nay không đúng bản chất tạm nhập - tái xuất.

5.Tham khảo số liệu một số bài viết trên mạng intenet.