Quy định về chế tài trong Luật Thương mại 2005 – một số vướng mắc và kiến nghị

01/12/2015
Luật Thương mại, được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực từ ngày 1/1/2006 (viết tắt LTM). Ngày 23/01/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2006/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài. Tiếp đến ngày 20/11/2013 Chính phủ ban hành Nghị định 187/2013/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 20/02/2014, thay thế cho Nghị định 12/2006/NĐ-CP. LTM ra đời trong bối cảnh Việt Nam đang đàm phán gia nhập WTO, nó có vai trò là sứ mệnh lịch sử đưa Việt Nam vào WTO. Sau 10 năm thực hiện mặc dù đã đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ những bất cập cần được giải quyết, sửa đổi.

Theo quy định của pháp luật, khi hợp đồng được giao kết một cách hợp pháp thì phải được các bên tham gia ký kết thực hiện cam kết, tuy nhiên, việc vi phạm các cam kết trong hợp đồng trên thực tế xảy ra không phải ít. Vì vậy, phạt vi phạm hợp đồng được xem như là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của các bên, vừa mang tính trừng phạt vừa mang tính đền bù. Song không phải trường hợp nào phạt vi phạm hợp đồng cũng phát huy tác dụng, nguyên nhân do một số quy định của pháp luật về chế tài phạt vi phạm còn những vướng mắc khi áp dụng.

Thứ nhất, Điều 300 LTM quy định:Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294[1] của Luật này.” Nghiên cứu nội dung quy định này, có thể rút ra một số nhận xét sau: Phạt vi phạm chỉ có thể xảy ra trong trường hợp các bên đã có thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng. Điều này có nghĩa phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên tham gia ký kết hợp đồng, nên một bên không thể yêu cầu bên kia chịu phạt vi phạm nếu như trong nội dung hợp đồng được ký kết không ghi nhận điều khoản này. Về bản chất, thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng được coi là một biện pháp ngăn ngừa hành vi vi phạm, nhằm răn đe và hướng các bên cùng tự giác tuân thủ đúng, đủ các nghĩa vụ đã cam kết. Do vậy, sẽ rất khác biệt với việc phạt nhằm bù đắp lại những tổn thất đã phát sinh trong thực tế của chế tài bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 302 LTM. Như vậy, chỉ cần có hành vi vi phạm nghĩa vụ đã cam kết xảy ra và nội dung của hợp đồng có thỏa thuận việc phạt vi phạm thì có cơ sở áp dụng chế tài phạt vi phạm, mà không cần quan tâm đến có thiệt hại có xảy ra không. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, việc áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng chỉ xảy ra khi có sự thỏa thuận trong hợp đồng là chưa thật hợp lý, bởi lẽ, hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên, nếu như các bên chưa quy định về phạt vi phạm hợp đồng trong hợp đồng thì họ vẫn có quyền quy định một điều khoản ngoài hợp đồng, độc lập với hợp đồng và có thể giao kết sau khi hợp đồng được ký kết thì vẫn có hiệu lực thi hành bình thường như trường hợp đã được quy định vấn đề phạt vi phạm hợp đồng trong bản hợp đồng. Như vậy, rõ ràng quy định như trên tại Điều 300 của LTM đã làm hạn chế quyền tự do thỏa thuận giữa các bên.

Thứ hai, khoản 12 Điều 3 LTM quy định:“Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này.”Ngoài ra, tại khoản 13 của Điều luật này còn quy định:“Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.”Như vậy, có thể thấy để phạt vi phạm hợp đồng theo tinh thần quy định tại Điều 300 của LTM, thì vi phạm đó phải là vi phạm cơ bản, đồng thời vi phạm cơ bản đó làm cho bên kia không đạt được mục đích của giao kết hợp đồng. Đây là khái niệm mới, thuật ngữ mới chỉ có thể tìm thấy trong LTM, cụ thể ở các điều 308, 310, 312, 313. Nhưng hiểu những vi phạm nào là vi phạm cơ bản? Thiệt hại do bên kia gây ra đến mức độ nào thì được coi là vi phạm cơ bản? Khi giao kết hợp đồng các bên có cần phải nêu rõ mục đích giao kết hợp đồng không? Nếu có thì có buộc phải ghi trong hợp đồng không? Mặt khác, xem xét các quy định của LTM và BLDS hiện hành đều không có điều, khoản nào buộc các chủ thể khi giao kết hợp đồng phải ghi rõ mục đích của giao kết hợp đồng trong hợp đồng.

Tại Báo cáo 350/UBTVQH11 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 18/5/2005 về việc giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật thương mại (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy: “…một vi phạm được xác định là vi phạm cơ bản dựa trên hai tiêu chí là: phải có gây thiệt hại cho bên kia và mức độ gây thiệt hại làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”. Từ khi LTM có hiệu lực thi hành cho đến nay các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa có văn bản chính thức hướng dẫn về vấn đề này. Tham khảo BLDS, thuật ngữ “vi phạm cơ bản” không được tìm thấy trong các điều khoản của Bộ luật này, mà chỉ có thuật ngữ “vi phạm nghiêm trọng” hợp đồng được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 70; khoản 2 Điều 521; khoản 2 Điều 550. Như vậy chắc chắn rằng, tổ chức, cá nhân khi tham gia vào các giao dịch thương mại thông qua hợp đồng được ký kết và kể cả Tòa án, Trọng tài thương mại cũng sẽ gặp khó khăn khi giải quyết tranh chấp,  nếu thuật ngữ “vi phạm cơ bản” không được giải thích, hướng dẫn rõ ràng hơn từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Về vấn đề này, theo quan điểm của tác giả:

*Về thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra: Thiệt hại là bị mất mát về người, về của cải vật chất hoặc tinh thần[2]. LTM không giải thích, không có quy định trực tiếp nào liên quan đến giải thích “thiệt hại” cũng như không đưa ra một ví dụ cụ thể nào về mức độ thiệt hại, để từ đó sẽ là căn cứ  xác định vi phạm cơ bản hợp đồng. LTM cũng không có quy định về thiệt hại, mà theo đó phải là tổn thất thực tế, hư hỏng hay mất mát. Thiệt hại được đề cập ở khoản 13 Điều 3 LTM chỉ đề cập đến thiệt hại vật chất hay cả những thiệt hại khác? Tất cả những câu hỏi này cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Theo quan điểm của người viết, thuật ngữ “thiệt hại” trong khái niệm về vi phạm cơ bản phải được hiểu là không cần có thiệt hại như trường hợp giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại. Mà phải coi, thiệt hại là những gì không thuận lợi, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm và những vi phạm có ảnh hưởng lớn tới lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm mới là vi phạm cơ bản.

*Về mục đích của việc giao kết hợp đồng: Mục đích của giao kết hợp đồng là một trong những vấn đề pháp lý quan trọng của pháp luật hợp đồng. Việc các bên thỏa thuận để ràng buộc quyền và nghĩa vụ đối với nhau cũng vì những mục đích xác định, nhằm thỏa mãn các nhu cầu vật chất, tinh thần trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hoặc sinh hoạt, tiêu dùng. Đây là mục đích chung nhất của các loại hợp đồng. Trong pháp luật thực định của Việt Nam, không thể tìm thấy ở bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào giải thích mục đích của việc giao kết hợp đồng là gì mà thay vào đó là mục đích của giao dịch dân sự. Mục đích của giao dịch dân sự đã được quy định tại Điều 123 BLDS, mà theo đó, mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích hợp pháp mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó. Việc xác định lợi ích hợp pháp của các bên giao kết hợp đồng cũng không phải là điều đơn giản vì các bên có thể vì hướng tới nhiều lợi ích hợp pháp khác nhau khi xác lập giao dịch. Vì vậy, pháp luật không quy định và các bên cũng không phải nêu rõ khi giao kết hợp đồng rằng lợi ích hợp pháp các bên mong muốn từ việc xác lập giao dịch là gì. Có thể nói, mục đích của giao kết hợp đồng phải là kết quả của sự mong muốn chung của các bên. Mục đích là lợi ích mà các bên cùng mong muốn đạt được còn động cơ chỉ là mong muốn của một bên hoặc của riêng mỗi bên mà không có sự thống nhất giữa các bên. Mục đích của hợp đồng bao gồm nhiều loại: mục đích chung của loại hợp đồng, mục đích riêng của từng nhóm hợp đồng hoặc mục đích cụ thể của từng hợp đồng riêng lẻ. Mục đích giao kết hợp đồng thường được thể hiện trong các điều khoản của hợp đồng, nhằm thể hiện những mục tiêu, mong muốn cụ thể mà các bên muốn đạt được khi giao kết hợp đồng và mong muốn thực hiện hợp đồng theo mục đích đó. Từ thực tiễn giao dịch thương mại, có thể xảy ra hai trường hợp sau:

Trường hợp thứ nhất, có thể các bên nêu rõ hoặc ngầm định mục đích của giao dịch trong hợp đồng. Chẳng hạn, khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, người bán và người mua thỏa thuận với nhau rằng hàng hóa là nguyên liệu được mua để phục vụ sản xuất sản phẩm nhất định thì mục đích của người mua xem như không đạt được nếu người bán giao cho người mua nguyên liệu không thể sử dụng để sản xuất thành phẩm được. Như vậy, việc quy định về mục đích của giao kết hợp đồng cho thấy rằng cơ sở xác định vi phạm nghĩa vụ hợp đồng là đầu tiên và trước hết nằm ở các điều kiện quy định rõ ràng hoặc ngầm định trong hợp đồng.

Trường hợp thứ hai, các bên không thỏa thuận về mục đích của giao kết hợp đồng thì làm sao để có thể xác định mục đích của giao kết hợp đồng? Trong trường hợp này, việc xác định mục đích của giao kết hợp đồng cần kết hợp chặt chẽ với xác định mục đích của hoạt động thương mại. Chẳng hạn, khi người bán giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa với người mua, hai bên không có thỏa thuận rõ ràng về mục đích của mua bán hàng hóa. Bên bán và bên mua tuy có mục đích riêng khác nhau (bên bán nhằm mục đích nhận thanh toán, bên mua nhằm mục đích nhận đúng hàng mà mình đang cần) nhưng nếu nhìn nhận ở góc độ thương mại, cả hai đều hướng tới mục đích sinh lợi từ việc mua bán hàng hóa. Vì vậy, bất cứ hành vi vi phạm nào của bên mua làm cho bên bán nhận thanh toán chậm hoặc thanh toán không đầy đủ hoặc không nhận được thanh toán thì đều dẫn đến mục đích sinh lợi của bên bán không đạt được. Và tương tự đối với bên bán cũng như vậy. Bên cạnh đó, một vấn đề khác cũng chưa được xác định rõ là khi nào vi phạm nghĩa vụ hợp đồng của bên vi phạm làm cho bên bị vi phạm không đạt mục đích của giao kết hợp đồng. Chẳng hạn, bên A (bên bán) có bị không đạt mục đích của giao kết hợp đồng hay không khi bên A hoàn toàn mất đi lợi ích trong quá trình thực hiện hợp đồng? hay bên bị vi phạm mất đi mục đích khi giao kết hợp đồng hoặc mất đi lợi ích của giao dịch mua bán do hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng của bên vi phạm?

Thứ ba, sự không thống nhất giữa thuật ngữ “vi phạm cơ bản hợp đồng” và vi phạm nghiêm trọng” hợp đồng trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Vi phạm cơ bản là căn cứ để áp dụng các chế tài như đã đề cập ở trên, còn vi phạm nghiêm trọng là căn cứ để một bên trong giao dịch dân sự có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng[3]. Theo Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 của Bộ Tư pháp thì “thực tế hiện nay cho thấy, rất nhiều hợp đồng dễ dàng bị một trong các bên tuyên bố huỷ bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự chỉ vì bên kia vi phạm một điều khoản nào đó của hợp đồng. Điều này gây nên sự bất ổn định cho các giao dịch và tốn kém khi mà một bên có thể sử dụng sự vi phạm không đáng kể của phía bên kia để chấm dứt hợp đồng. Do đó, Bộ luật cần phải quy định rõ chỉ khi có những vi phạm nghiêm trọng, làm cho mục đích của việc giao kết hợp đồng không đạt được thì hợp đồng mới bị chấm dứt[4] bởi“vi phạm nghiêm trọng” không chỉ là một khái niệm khoa học mà là căn cứ pháp lý góp phần quan trọng vào việc ổn định các quan hệ hợp đồng, ổn định giao lưu dân sự, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Đó là một yêu cầu khách quan của bất cứ nền kinh tế thị trường nào. Theo tác giả, hoàn thiện quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng không chỉ dừng ở quy định thống nhất về thuật ngữ, về tiêu chí xác định vi phạm cơ bản mà còn hoàn thiện các chế tài có liên quan trong BLDS nhằm tạo ra sự thuận lợi, dễ dàng và thống nhất cho cơ quan tài phán trong việc giải quyết tranh chấp có liên quan đến vi phạm cơ bản hợp đồng bởi hệ quả pháp lý của vi phạm cơ bản hay không cơ bản là hoàn toàn khác. Như vậy, vấn đề đặt ra việc hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng nhằm tạo sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về vi phạm cơ bản hợp đồng, các chuẩn mực chung của thương mại quốc tế đang được Việt Nam từng bước áp dụng thông qua quá trình đàm phán, ký kết, gia nhập và thực thi các điều ước quốc tế. Vì vậy, việc hoàn thiện quy định về vi phạm cơ bản cũng cần phải hướng tới tạo sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về vấn đề này, trong đó có Công ước Viên, Bộ nguyên tắc về hợp đồng thương mại quốc tế (UNIDROIT Principles of International Commercial Contract, viết tắt là PICC), Bộ nguyên tắc hợp đồng châu Âu (Principles of European Contract Law, viết tắt là PECL)… Công ước Viên, PICC, PECL đều có những quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng hay không thực hiện cơ bản hợp đồng. Đặc biệt là Công ước Viên - văn bản đã thống nhất hoá được nhiều mâu thuẫn giữa các hệ thống pháp luật khác nhau trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các xung đột pháp luật trong thương mại quốc tế và thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển. Hầu hết các cường quốc thương mại trên thế giới đều đã gia nhập Công ước Viên, trong đó có rất nhiều quốc gia là bạn hàng lớn và lâu dài của Việt Nam như các quốc gia EU, Hoa Kỳ, Canada, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,…

Thứ tư, theo quy định tại Điều 292 LTM các loại chế tài trong thương mại, bao gồm:

“1. Buộc thực hiện đúng hợp đồng.

2. Phạt vi phạm.

3. Buộc bồi thường thiệt hại.

4. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng.

5. Đình chỉ thực hiện hợp đồng.

6. Huỷ bỏ hợp đồng.

7. Các biện pháp khác do các bên thoả thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế.”

Buộc thực hiện đúng hợp đồng là hình thức chế tài theo đó bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh.

Phạt hợp đồng là hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng, theo đó bên vi phạm hợp đồng phải trả cho bên bị vi phạm một khoản tiền nhất định do pháp luật quy định hoặc do các bên thỏa thuận trên cơ sở của pháp luật.

Tạm ngừng thực hiện hợp đồng trong thương mại là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng. Khi hợp đồng trong thương mại bị tạm ngừng thực hiện thì hợp đồng vẫn còn hiệu lực

Đình chỉ thực hiện hợp đồng trong thương mại là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Khi hợp đồng trong thương mại bị đình chỉ thực hiện thì hợp đồng chấm dứt hiệu lực từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên đã thực hiện nghĩa vụ hợp đồng có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng

Hủy bỏ hợp đồng trong thương mại là sự kiện pháp lí mà hậu quả của nó làm cho nội dung hợp đồng bị hủy bỏ và không có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Hủy bỏ hợp đồng có thể là hủy bỏ một phần hợp đồng hoặc hủy bỏ toàn bộ hợp đồng. Khi hợp đồng bị hủy bỏ toàn bộ, hợp đồng đó được coi là không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết. Các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng, trừ thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ sau khi hủy bỏ hợp đồng và những thỏa thuận để giải quyết tranh chấp.

Từ thực tiễn thực hiện hợp đồng thương mại, việc áp dụng các quy định về chế tài thương mại đã nảy sinh những vướng mắc sau:

Một là, theo quy định tại Điều 297 LTM: “Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh”. Như vậy, một phần trong định nghĩa về hình thức buộc thực hiện đúng hợp đồng thể hiện tính không khả thi, cụ thể là cụm từ “thực hiện đúng hợp đồng” là khó có thể thực hiện đặc biệt là trường hợp vi phạm hợp đồng về mặt thời hạn. Để phù hợp với thực tiễn và bảo đảm hơn tính khả thi đối với quy định về buộc thực hiện đúng hợp đồng, theo tác giả , khi sửa đổi, bổ sung LTM khái niệm buộc thực hiện đúng hợp đồng, được xây dựng theo hướng: “Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm tiếp tục thực hiện hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh”.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 299 LTM quy định: “Trường hợp bên vi phạm không thực hiện chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng trong thời hạn mà bên bị vi phạm ấn định, bên bị vi phạm được áp dụng các chế tài khác để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình”. Theo tác giả, quy định như vậy chẳng khác nào làm cho chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng trở thành vô giá trị, vì ngay cả trường hợp bên vi phạm không thực hiện chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng thì cũng không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào mà chỉ có thể phải chịu các chế tài như phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại hoặc tạm ngừng, đình chỉ, hủy bỏ hợp đồng. Đây là “kẻ hở” của pháp luật cần được khắc phục, vì  thể bị bên vi phạm lợi dụng nhằm trì hoãn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Như vậy, thiết nghĩ rất cần quy định bổ sung hình thức chế tài để áp dụng khi bên vi phạm không thực hiện chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng.

Hai là, theo quy định tại Điều 302 LTM: “Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm”. Để được bồi thường thiệt hại thì chủ thể đòi bồi thường phải chứng minh được rằng có thiệt hại thực thực tế xảy ra, có hành vi vi phạm hợp đồng, hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Đồng thời, bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất. Như vậy, bên bị vi phạm phải chứng minh những tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại không cần có sự thỏa thuận trong hợp đồng, tự nó sẽ phát sinh khi hội đủ các điều kiện đã nêu ở trên. Mục đích của biện pháp này là khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây nên, vì thế thiệt hại bao nhiêu thì sẽ bồi thường bấy nhiêu. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Cũng cần phân biệt với phạt vi phạm hợp đồng, chế tài phạt vi phạm theo quy định giữa các bên có thỏa thuận trong hợp đồng, nên khi có vi phạm xảy ra mà các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì chỉ có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại mà thôi. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại. Quy định này của các nhà làm luật là một quy định hợp lý, phù hợp với quan hệ thương mại đang phát triển không ngừng hiện nay. Xuất phát từ bản chất của hai chế định này là khác nhau, chế định phạt vi phạm nhằm ngăn ngừa các vi phạm có thể xảy ra trong hợp đồng, còn chế định bồi thường thiệt hại nhằm vào việc khắc phục thiệt hại do hậu quả của hành vi vi phạm xảy ra. Một chế định xuất phát từ sự dự liệu về quan hệ của các bên khi tiến hành ký kết hợp đồng, còn một chế định xuất phát từ yêu cầu bù đắp những tổn thất do hành vi vi phạm gây ra. Vì thế, chế tài phạt vi phạm có thể áp dụng cho dù chưa có thiệt hại xảy ra hoặc thiệt hại nhỏ hơn mức phạt vi phạm. Trong khi đó, chế tài bồi thường thiệt hại nhằm bù đắp tổn thất nên sẽ chỉ bằng thiệt hại đã xảy ra hoặc thậm chí nhỏ hơn thiệt hại đã xảy ra. Các bên khi tham gia vào quan hệ hợp đồng, tùy thuộc vào vị trí pháp lý của mình để có thể thỏa thuận những điều khoản hợp lý nhất. Nhưng ở đây có sự không thống nhất giữa quy định về chế tài phạt vi phạm theo quy định của LTM và chế tài phạt vi phạm trong BLDS. Theo khoản 3 Điều 422 BLDS thì: “trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm”. Điều này có nghĩa là chế định bồi thường thiệt hại chỉ được đặt ra trong trường hợp các bên có thỏa thuận trước.

Ba là, theo quy định tại Điều 308 LTM, có hai căn cứ để áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng: i) Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng; ii) Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

Khi chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng được áp dụng, hậu quả pháp lý đối với hợp đồng này là hợp đồng vẫn còn hiệu lực và bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu hành vi vi phạm đó gây thiệt hại cho bên bị vi phạm. Như vậy, về bản chất, việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng không ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng và hợp đồng đó sẽ tiếp tục được thực hiện trong tương lai khi điều kiện áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng không còn tồn tại. Vấn đề đặt ra, sau khi áp dụng biện pháp này, thời điểm nào sẽ được coi là chấm dứt việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng? Căn cứ nào để một bên yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng đã bị tạm ngừng thực hiện? Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện do bên tạm ngừng tự động thực hiện hay theo yêu cầu của bên có hành vi vi phạm hợp đồng?

Tất cả những câu hỏi này hiện nay vẫn chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn, từ đó, gây khó khăn cho các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Để giải quyết sự bất cập này, theo chúng tôi, khi sửa đổi LTM cần bổ sung quy định cụ thể về căn cứ, thời điểm chấm dứt áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng và nghĩa vụ của các bên khi căn cứ tạm ngừng thực hiện hợp đồng chấm dứt. Có như vậy mới đảm bảo quyền lợi của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng, tránh trường hợp lợi dụng việc áp dụng chế tài này để trì hoãn việc thực hiện các hợp đồng trên thực tế.

Thứ năm, về mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài buộc bồi thường thiệt hại. Theo quy định tại Điều 307 LTM: Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác;  Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

Nghiên cứu nội dung quy định này, có thể hiểu ý tưởng của các nhà làm luật muốn nhấn mạnh việc chế tài phạt vi phạm có thể áp dụng đồng thời với chế tài buộc bồi thường thiệt hại, hay nói cách khác, việc áp dụng chế tài phạt vi phạm không làm mất quyền áp dụng chế tài buộc bồi thường thiệt hại của bên bị vi phạm. Tuy nhiên, nội dung này đã được ghi nhận trong Điều 316 LTM: “Một bên không bị mất quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tổn thất do vi phạm hợp đồng của bên kia khi đã áp dụng các chế tài khác”. Như vậy, theo quy định tại Điều 316, thì chế tài buộc bồi thường thiệt hại có thể áp dụng cùng một lúc với các chế tài khác bao gồm chế tài phạt vi phạm. Do đó, việc đặt ra một điều luật riêng để điều chỉnh mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại như Điều 307 là không cần thiết. Không những thế, nội dung của Điều 307 lại chưa hoàn chỉnh khi quá nhấn mạnh đến căn cứ áp dụng của điều khoản phạt vi phạm mà không đề cập đến căn cứ áp dụng của chế tài buộc bồi thường thiệt hại nên dẫn đến những lúng túng và hiểu nhầm cho các thương nhân khi áp dụng. Do vậy, theo tác giả, khi sửa đổi LTM sắp tới nên loại bỏ quy định của Điều 307.

Thứ sáu, theo quy định tại Điều 318 LTM về thời hạn khiếu nại. Mà theo đó:

“Trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 237 của Luật này, thời hạn khiếu nại do các bên thỏa thuận, nếu các bên không có thoả thuận thì thời hạn khiếu nại được quy định như sau:

1. Ba tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về số lượng hàng hoá;

2. Sáu tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về chất lượng hàng hoá; trong trường hợp hàng hoá có bảo hành thì thời hạn khiếu nại là ba tháng, kể từ ngày hết thời hạn bảo hành;

3. Chín tháng, kể từ ngày bên vi phạm phải hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc trong trường hợp có bảo hành thì kể từ ngày hết thời hạn bảo hành đối với khiếu nại về các vi phạm khác.”

Nền pháp luật văn minh phải bảo vệ bên lương thiện, xong LTM chưa làm được điều đó, LTM đã bộc lộ tính không minh bạch, vấn đề còn nan giải là Điều 318 qui định về thời hạn khiếu nại số lượng hàng hóa là 6 tháng, về chất lượng hàng hóa là 3 tháng, trong khi đó, BLDS với tư cách là luật chung không quy định giới hạn thời hạn khiếu nại đối với giao dịch như Điều 318 LTM. Điều này gián tiếp làm hạn chế quyền của bên bị vi phạm, thậm chí nếu quá thời hạn trên sẽ mất quyền khởi kiện. Để đồng bộ với quy định BLDS, các quy định của luật chuyên ngành nói chung, LTM nói riêng tuy có tính đến yếu tố đặc thù nhưng phải bảo đảm sự thống nhất trong một chỉnh thể chung của hệ thống pháp luật, có như vậy mới bảo đảm tính khả thi cao trong thực tế.

 

Th.S Lê Văn Sua 

Tòa án quân sự khu vực 1 – QK9



[1] Điều 294. Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm

1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

2. Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm

[2] Đỗ Văn Đại, Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng trong pháp luật Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010

[3] Đào Trí Úc, Những nội dung cơ bản của khái niệm hệ thống pháp luật nước ta và các nguyên tắc lập pháp, Tạp chí nghiên cứu lập pháp số 10, tháng 11/2001

[4] Bộ Tư pháp, Báo cáo số 151/BC-BTP ngày 15/7/2013 của Bộ Tư pháp về Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật dân sự năm 2005