Đại diện cho nhau giữa vợ và chồng - Một số tồn tại và giải pháp hoàn thiện

11/11/2015
 

Chế định đại diện là một trong những đảm bảo cần thiết cho việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự của người được đại diện phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự mà quyền lợi có tính chất cộng đồng, thì chế định đại diện là yếu tố không thể thiếu để các chủ thể này tham gia vào giao dịch dân sự, kinh doanh, bởi thực tiễn cuộc sống thấy rằng, việc tham gia giao dịch dân sự phải thông qua hành vi của con người với sự nhận thức, làm chủ được hành vi của họ. Vì vậy, tìm hiểu, phân tích vấn đề đại diện cho nhau giữa vợ và chồng theo quy định của pháp luật và có sự nhận định, đánh giá khái quát các quy định này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tìm ra những nội dung chủ yếu, những tồn tại mà Luật chưa giải quyết triệt để, từ đó tác giả tập trung kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện các văn bản dưới luật.

1. Khái quát về đại diện

Đại diện theo cách hiểu thông thường từ trước tới nay là một hành động, một việc làm của một người mà không nhân danh mình, không nhân danh chính người thực hiện công việc, hành động đó. Các hành vi của một cá nhân hay tổ chức không nhân danh mình đang diễn ra hàng ngày trong xã hội hiện đại như một nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Bởi vì, trên thực tế cũng như hoàn cảnh xã hội thì không phải lúc nào bản thân mỗi cá nhân cũng có khả năng và điều kiện để thực hiện một hay một số hành vi nhất định để thực hiện một công việc nào đó. 

Theo cuốn Đại từ điển tiếng Việt thì đại diện là sự “thay mặt (cho cá nhân, tập thể)”[1].

Theo cuốn Từ điển Luật học của Viện Khoa học pháp lý, thì đại diện là “việc một người, một cơ quan, tổ chức nhân danh người, cơ quan, tổ chức khác xác lập, thực hiện hành vi pháp lý trong phạm vi thẩm quyền đại diện”[2].

Quyền đại diện có thể được căn cứ theo luật hoặc các thể thức hành chính nhà nước (chẳng hạn những quy định về người giám hộ). Quyền đại diện cũng có thể căn cứ vào quyền năng được ủy quyền (chẳng hạn đại sứ thay mặt quốc gia trong quan hệ đối ngoại). Hoạt động của đại diện trực tiếp làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt các quan hệ về quyền và nghĩa vụ của chủ thể được đại diện. Trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ đại diện, người đại diện không được thực hiện các quan hệ thuộc phạm vi chức năng đại diện vì mục đích cá nhân hoặc vì các mục đích khác với quyền lợi của chủ thể được đại diện.

Khoản 1 Điều 139 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Đại diện là việc một người (sau đây gọi là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người khác (sau đây gọi là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện”. 

Quy định này đã cơ bản nêu rõ được về mặt chủ thể của quan hệ pháp luật đại diện sẽ có người đại diện và người được đại diện cùng với bên thứ ba khi người đại diện thực hiện các hành vi trong giao dịch. Người đại diện sẽ nhân danh người được đại diện và phải thực hiện các công việc vì lợi ích của người được đại diện.

2. Khái quát về đại diện giữa vợ và chồng

Đại diện có ý nghĩa rất lớn trong mọi mặt của đời sống xã hội và trong nhiều mối quan hệ, trong đó có vấn đề đại diện cho nhau giữa vợ và chồng trong các giao dịch dân sự và kinh doanh theo Luật Hôn nhân và gia đình. Quan hệ vợ chồng là một quan hệ đặc biệt nhưng lại phổ biến trong đời sống xã hội mỗi quốc gia. Gia đình chính kết quả của việc vợ và chồng xây dựng nên với những mục đích riêng, đó là xây dựng mối quan hệ bền vững trong gia đình, giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái. Vợ và chồng cùng nhau tạo dựng và thực hiện các chức năng: kinh tế, sinh đẻ và giáo dục con cái và phát sinh những quan hệ đặc biệt cả về mặt tình cảm, luật pháp và xã hội. Ý chí của vợ chồng trong nhiều trường hợp là điều kiện có hiệu lực của một số quan hệ pháp luật nhất định, quyết định của người này đòi hỏi phải có sự thống nhất của người kia và ngược lại. Do đó, đại diện giữa vợ và chồng là một vấn đề cần thiết được đặt ra trong các giao dịch dân sự và kinh doanh, bảo đảm lợi ích của cả hai bên, quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể thứ ba trong các giao dịch đó.

Có thể hiểu đại diện giữa vợ và chồng là việc một bên vợ hoặc chồng nhân danh cả hai người để tham gia các quan hệ theo quy định của pháp luật hoặc pháp luật quy định cần phải có sự thỏa thuận của vợ chồng nhưng người còn lại không trực tiếp tham gia các giao dịch đó nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của vợ, chồng và bên thứ ba liên quan. 

Theo các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều 24, Điều 25, Điều 26 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, có thể thấy các trường hợp vợ chồng đại diện cho nhau như sau:

- Đại diện theo ủy quyền: Việc đại diện cho nhau giữa hai vợ chồng thực hiện bằng hình thức đại diện theo ủy quyền, được xác lập trên cơ sở sự ủy quyền giữa người đại diện là vợ (chồng) và người được đại diện là chồng (vợ). Việc ủy quyền này phải được lập thành văn bản, trong đó, nêu rõ phạm vi đại diện, những giao dịch được xác lập, thực hiện. Người đại diện chỉ được thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện ghi trong văn bản.

- Đại diện theo pháp luật: Trong trường hợp một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.

Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn.

Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Những điểm còn tồn tại

Pháp luật Việt Nam thừa nhận vợ chồng có quyền đại diện cho nhau trước pháp luật. Với những sửa đổi, bổ sung trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, vấn đề đại diện giữa vợ và chồng trong giao dịch dân sự và kinh doanh ngày càng được cụ thể hóa và chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, một số tồn tại của vấn đề đại diện này vẫn chưa thực sự được giải quyết thấu đáo, có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của một trong hai bên vợ chồng hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba trong giao dịch dân sự và kinh doanh. Cụ thể:

3.1. Về căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng

Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng. Có thể nói, quyền đại diện giữa vợ chồng là một trong những quyền phản ánh cao nhất bình đẳng giữa vợ và chồng. Đại diện sẽ là phương thức pháp lý cần thiết trong việc thực hiện các quyền này của chủ sở hữu tài sản trong gia đình, đảm bảo cho mọi giao dịch dân sự hợp pháp được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi.

Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất NLHVDS mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ. Một vấn đề đặt ra là nếu người vợ, chồng là người giám hộ đương nhiên của người chồng, vợ bị mất NLHVDS mà lợi dụng quyền giám hộ của mình để làm thiệt hại về tài sản của người kia hoặc có những hành vi ngược đãi thì giải quyết thế nào? Thực tế có trường hợp bố, mẹ đẻ của người vợ mất NLHVDS muốn thực hiện việc giám hộ cho con trong việc giải quyết quan hệ tài sản chung, tài sản riêng của con hoặc để bảo vệ lợi ích của người con bị mất NLHVDS thì pháp luật lại không cho phép, bởi vì người chồng đang là người giám hộ đương nhiên của người vợ bị mất NLHVDS (theo quy định của Bộ luật Dân sự). Vậy có đặt ra vấn đề giám sát việc giám hộ hay không như quy định tại Điều 59 Bộ luật Dân sự năm 2005. Và, kể cả vấn đề giám sát việc giám hộ được đặt ra, thì quyền của người giám sát chưa được pháp luật quy định rõ ràng, chỉ là sự giám sát trong các giao dịch liên quan đến tài sản có giá trị lớn (Điều 69 Bộ luật Dân sự năm 2005), còn đối với các tài sản có giá trị nhỏ, hoặc người đó có hành vi chia nhỏ khối tài sản lớn để tẩu tán dần thì chưa có chế tài cụ thể.

Ví dụ: A và B kết hôn năm 2014. Đầu năm 2015, B bị Tòa án tuyên bố mất NLHVDS, A trở thành giám hộ đương nhiên của B. Sau đó, A liên tục có hành vi đánh đập, ngược đãi, hành hạ đối với B và có hành vi phá tán tài sản chung. Bố, mẹ B thấy được hành vi của A nhưng không có bất cứ quyền gì trong việc ngăn chặn hành vi phá tán tài sản của A, yêu cầu chia tài sản chung cho B trong thời kỳ hôn nhân. Giả sử, C là bố đẻ của B, được cử là người giám sát việc giám hộ thì cũng chỉ giám sát đối với tài sản có giá trị lớn của B trong một số giao dịch.

3.2. Về phạm vi đại diện giữa vợ và chồng

Khoản 2 Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thi bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản”.

Thông thường, trường hợp vợ hoặc chồng bị tuyên bố mất NLHVDS, bên còn lại trở thành người giám hộ đương nhiên của người đó khi có đủ điều kiện. Người giám hộ sẽ đại diện cho bên còn lại xác lập các giao dịch liên quan. Các giao dịch liên quan ở đây theo cách hiểu của các nhà làm luật là liên quan đến tài sản chung của vợ chồng. Vậy, đặt ra vấn đề, một bên giám hộ cho bên kia, đại diện cho bên đó xác lập các giao dịch liên quan đến tài sản riêng của bên được đại diện, vì lợi ích của người được đại diện, phát sinh các quyền và nghĩa vụ thì người đại diện đó có trách nhiệm gì hay không, giới hạn “vì lợi ích của người có tài sản” đến đâu? Vấn đề giám sát việc giám hộ có quyền gì?

Ví dụ: Với ví dụ trên, giả sử B có tài sản riêng là mảnh đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và Nhà nước có quyết định thu hồi đất có đền bù, A là người giám hộ đương nhiên của B, đại diện cho B nhận tiền bồi thường. Sau đó, A dùng số tiền này để mua sắm tài sản cá nhân, chữa bệnh cho B, ăn chơi… thì lợi ích của người có tài sản có được bảo đảm hay không? quyền và lợi ích hợp pháp của B sẽ được kiểm soát và bảo vệ như thế nào?

3.3. Về thời điểm phát sinh vấn đề đại diện

Khi một bên mất NLHVDS, thời điểm phát sinh quan hệ đại diện đương nhiên giữa vợ và chồng (khi có đủ điều kiện) là căn cứ vào quyết định tuyên bố mất NLHVDS của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế, trong quá trình giải quyết ly hôn, một bên có yêu cầu Tòa án tuyên bố người kia là mất NLHVDS. Thông thường, Tòa án có thẩm quyền đình chỉ vụ án giải quyết ly hôn, sau đó thụ lý yêu cầu tuyên bố mất NLHVDS. Kể từ thời điểm quyết định của Tòa án có hiệu lực, do quan hệ hôn nhân vẫn còn tồn tại, người còn lại là người giám hộ đương nhiên của người kia. Và người đó có hành vi phá tán tài sản chung của gia đình. Quyền lợi của người bị mất NLHVDS chỉ có thể được bảo đảm khi cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu ly hôn, và theo quy định của pháp luật, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất NLHVDS để giải quyết việc ly hôn.

3.4. Đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh

Điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“1. Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác.

2. Trong trường hợp vợ, chồng đưa tài sản chung vào kinh doanh thì áp dụng quy định tại Điều 36 của Luật này”.

Với việc loại trừ tại khoản 2, khoản 1 điều luật trên xác định trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung ở đây là bằng tài sản riêng? Là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó. Tuy nhiên, pháp luật lại không đòi hỏi việc kinh doanh chung đó phải lập dưới hình thức gì, thỏa thuận miệng hay lập thành văn bản, có cần công chứng, chứng thực hay không? Và việc đại diện cho nhau một cách khá tùy tiện, không cần có sự đồng ý của bên còn lại trong các giao dịch với bên thứ ba như quy định trên có phụ thuộc vào tài sản của mỗi bên đóng góp khi kinh doanh chung, vấn đề giải quyết hậu quả khi không còn kinh doanh chung nữa là những vấn đề mà luật chưa giải quyết triệt để.

3.5. Giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng

Theo quy định tại Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, nếu vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, chiếm hữu động sản không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó. Cũng theo quy định tại Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình, việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng có trường hợp là: “Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình”. Vậy, giả sử, gia đình đó có một khoản tiền lớn gửi trong ngân hàng, đứng tên một bên vợ hoặc chồng, lãi từ tiền gửi hiện đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình. Người đứng tên trên tài khoản tự mình xác lập giao dịch được coi là trường hợp giao dịch với người thứ ba ngay tình (hợp đồng mua bán vẫn có hiệu lực) hay trường hợp phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng (khi đó, hợp đồng mua bán sẽ bị vô hiệu).

Hoặc, trong trường hợp động sản có đăng ký quyền sở hữu khi định đoạt phải có sự đồng ý bằng văn bản của vợ, chồng. Nhưng, một gia đình có nhiều vàng, đá quý có giá trị lớn, phát sinh trong thời kỳ hôn nhân. Một bên đưa ra giao dịch với bên thứ ba, thì căn cứ theo quy định của Điều 32 nêu trên, giao dịch đó có hiệu lực. Vậy, vấn đề bảo đảm quyền và lợi ích của bên kia sẽ như thế nào? Điều này pháp luật cũng chưa thể dự liệu được.

4. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật

Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã có rất nhiều tiến bộ, theo sát với thực tiễn cuộc sống, thể hiện sự bình đẳng giới trong mối quan hệ giữa vợ và chồng, tuy nhiên, như phân tích ở trên, vẫn còn một số vấn đề về đại diện cho nhau giữa vợ và chồng trong các giao dịch dân sự và kinh doanh chưa được Luật này quy định chi tiết và triệt để, chưa tạo thành hành lang pháp lý vững chắc đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của xã hội. Tác giả xin đề xuất một số giải pháp để tiến tới hoàn thiện pháp luật về hôn nhân và gia đình trong thời gian tới, đặc biệt là các văn bản dưới luật:

- Thứ nhất, về vấn đề đại diện giữa vợ và chồng, Luật xác định lấy đại diện ủy quyền làm cơ sở, điều này phù hợp với nguyên tắc bình đẳng giới, bảo vệ lợi ích chung và lợi ích của người thứ ba. Tuy nhiên, ở Điều 24 như phân tích ở trên thì với trường hợp một trong hai người mất năng lực hành vi dân sự, người kia có đủ điều kiện làm người giám hộ thì mặc nhiên được đại diện theo pháp luật là không hợp lý. Vấn đề này có thể dẫn đến nhiều mâu thuẫn về lợi ích của hai bên vợ, chồng. Tác giả cho rằng, luật cần có quy định về việc ủy quyền hoặc cử đại diện để tránh xung đột lợi ích giữa vợ và chồng, cần tăng thêm vai trò và sự tham gia của những người thân thích của vợ, chồng (người mất năng lực hành vi dân sự) nhằm đảm bảo hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của người đó.

Thứ hai, pháp luật cần có quy định cụ thể hơn nữa về quyền, nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của người giám sát việc giám hộ trong việc bảo vệ quyền lợi của người được giám hộ khi lợi ích chính đáng, hợp pháp của họ bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại. Đặc biệt là trong vấn đề về quản lý tài sản chung, tài sản riêng của người được giám hộ khi người giám hộ có những hành vi tẩu tán tài sản. Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có nêu ra hai vấn đề: “Trường hợp cử người giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản của người được giám hộ thì người được cử làm người giám sát phải đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã” (khoản 4 Điều 50 - Dự thảo lần 4); và “Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ và người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ”. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, quy định như dự thảo cũng chưa giải quyết triệt để vấn đề giám hộ đương nhiên giữa vợ và chồng, nghĩa vụ của người giám sát việc giám hộ đến đâu cũng chưa được pháp luật ghi nhận. Và đây cũng là vấn đề mà pháp luật cần hoàn thiện trong thời gian tới.

- Thứ ba, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng chưa có quy định cụ thể về trường hợp vợ, chồng đại diện cho nhau trong việc thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản riêng của vợ, chồng. Nếu như bên có tài sản riêng đột nhiên bị mất năng lực hành vi dân sự thì pháp luật quy định bên còn lại có quyền quản lý tài sản đó, nhưng việc quản lý đó có đương nhiên được tiếp tục thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản riêng nữa không thì pháp luật chưa quy định rõ nên chưa có cơ chế để bảo vệ lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan.

- Thứ tư, theo khoản 1 Điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác. Tuy nhiên Luật không quy định rõ thỏa thuận của vợ chồng trong trường hợp này được lập dưới hình thức nào, thỏa thuận miệng hay thỏa thuận bằng văn bản, nên có công chứng hay không. Vấn đề này có ý nghĩa quan trọng trong việc đại diện của vợ, chồng trong kinh doanh. Luật mới chỉ quy định về việc vợ, chồng đưa tài sản chung vào kinh doanh thì cần có sự thỏa thuận lập thành văn bản (Điều 36). Tác giả đề xuất trong thời gian tới, pháp luật nên quy định các vấn đề về thỏa thuận đại diện giữa vợ, chồng trong kinh doanh nên được lập thành văn bản nhằm tránh các mâu thuẫn phát sinh, tạo thuận lợi trong giải quyết các hậu quả pháp lý.

- Thứ năm, giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng cần có sự hướng dẫn cụ thể về các trường hợp như đã phân tích ở trên. Theo quan điểm của nhóm, quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình, tuy nhiên lại chưa bảo vệ được lợi ích của một bên vợ hoặc chồng. Do đó, pháp luật cần có những hướng dẫn cụ thể về tài sản tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình để từ đó có những giới hạn nhất định cho các bên tham gia giao dịch.

Như vậy, kế thừa Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Bộ luật Dân sự năm 2005, và với những sửa đổi, bổ sung quan trọng, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã có bước hoàn thiện mạnh mẽ, tạo khung khổ pháp lý quan trọng cho thực thi vấn đề về hôn nhân và gia đình nói chung, về đại diện giữa vợ và chồng trong các giao dịch dân sự và kinh doanh nói riêng. Tuy còn một số tồn tại nhất định, tuy nhiên với việc xác định cụ thể các trường hợp đại diện, điều kiện đại diện, hình thức đại diện, phạm vi đại diện, chấm dứt đại diện, quyền và nghĩa vụ của các bên khi đại diện, pháp luật đã tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia giao dịch dân sự và kinh doanh tự do xác lập và thể hiện ý chí của mình. Mặt khác, pháp luật đã tạo ra cơ chế rõ ràng, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên ngay tình trong khi tham gia các giao dịch dân sự liên quan. 

Nguyễn Văn Huy



[1] Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb. Văn hóa - Thông tin, 1999, tr.576.

[2] Viện Khoa học pháp lý, Từ điển Luật học, Nxb. Từ điển Bách khoa - Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2006, tr. 225.