Trong quan hệ giữa các thương nhân, pháp luật thương mại ra đời là cần thiết để duy trì và bảo đảm sự bình đẳng cho các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng. Khi một hợp đồng thương mại đã được giao kết hợp pháp và phát sinh hiệu lực pháp luật thì các bên phải thực hiện các nghĩa vụ mà mình đã thỏa thuận trong hợp đồng. Việc vi phạm các nghĩa vụ trong hợp đồng dẫn đến hậu quả bên vi phạm phải chịu các hình thức trách nhiệm (chế tài). Đây là khái niệm chế tài được hiểu theo Luật Thương mại năm 2005, chế tài chỉ bao gồm các chế tài do vi phạm hợp đồng trong thương mại mà bên bị vi phạm có quyền được lựa chọn áp dụng hoặc yêu cầu áp dụng chế tài. Đó là các biện pháp tác động bất lợi về tài sản của bên có quyền lợi bị vi phạm đối với chủ thể có hành vi vi phạm cam kết hợp đồng trong thương mại. Nếu một bên vi phạm hợp đồng thì phải gánh chịu những hậu quả pháp lí (bất lợi) nhất định do hành vi vi phạm đó gây ra.
Một số bất cập và phương hướng hoàn thiện chế tài trong thương mại
Từ thực tiễn thực hiện hợp đồng thương mại, việc áp dụng các quy định về chế tài thương mại đã nảy sinh những bất cập, thể thiện tính hạn chế của một số điều luật hiện hành đó là:
Thứ nhất, về: khái niệm chế tài “Buộc thực hiện đúng hợp đồng”
Theo quy định tại Điều 297 Luật Thương mại năm 2005, “Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh”. Như vậy, một phần trong định nghĩa về hình thức buộc thực hiện đúng hợp đồng thể hiện tính không khả thi, cụ thể là cụm từ “thực hiện đúng hợp đồng” là khó có thể thực hiện đặc biệt là trường hợp vi phạm hợp đồng về mặt thời hạn. (Ví dụ: Trong hợp đồng có thỏa thuận thời gian giao hàng vào 8h sáng ngày 01/01/2013) thì khi đã có hành vi vi phạm hợp đồng về mặt thời hạn thì hợp đồng đó không thể “thực hiện đúng hợp đồng” được nữa vì các bên không thể quay ngược thời gian vào thời điểm thỏa thuận trong hợp đồng để thực hiện đúng hợp đồng. Do đó, để nâng cao tính khả thi đối với quy định về buộc thực hiện đúng hợp đồng, theo tác giả, nên xây dựng lại khái niệm về chế tài này theo hướng: “Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm tiếp tục thực hiện hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh”. Khi xây dựng lại khái niệm theo hướng như trên, sẽ giải quyết được tình trạng quy định của Luật đặt ra những điều “không sát thực tế” và gây ra những lúng túng, khó khăn cho các thương nhân khi áp dụng.
Thứ hai, về chế tài phạt vi phạm hợp đồng
Theo quy định tại Điều 301 Luật Thương mại năm 2005: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”. Theo quy định này có thể hiểu, các thương nhân được quyền tự do thỏa thuận trong hợp đồng về chế tài phạt vi phạm cũng như mức phạt đối với các hành vi vi phạm, tuy nhiên, mọi thỏa thuận về mức phạt vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm sẽ không được phép.
Về mặt nguyên tắc pháp lý, bất kỳ một thỏa thuận vượt quá mức phạt mà luật quy định như trên sẽ bị coi là vô hiệu và không có giá trị áp dụng. Tuy nhiên, xét về khía cạnh bản chất của thỏa thuận và tôn trọng ý chí, sự tự do thỏa thuận của các bên khi ký kết hợp đồng, trong quá trình giải quyết các vụ việc thực tế, các cơ quan giải quyết tranh chấp thường không tuyên thỏa thuận trên là vô hiệu, mà chỉ không thừa nhận hiệu lực của thỏa thuận đối với phần vượt quá 8%, theo đó, bên vi phạm vẫn phải chịu mức phạt cao nhất là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, tức là, nếu trong hợp đồng các bên thỏa thuận tổng mức phạt lên đến 100% giá trị hợp đồng thì khi áp dụng phạt trên thực tế, cơ quan giải quyết tranh chấp chỉ yêu cầu bên vi phạm chịu mức phạt là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Cách giải quyết của Tòa án trên thực tế này tuy trái với nguyên tắc áp dụng Luật, nhưng lại được đông đảo các luật gia cũng như nhà nghiên cứu chấp nhận do tính hợp lý không thể chối cãi của nó.
Về mặt bản chất, mục đích của chế tài phạt vi phạm hợp đồng là để răn đe và phòng ngừa các bên thực hiện hành vi vi phạm hợp đồng. Do vậy, việc các bên thỏa thuận một mức phạt như thế nào nhằm đạt được mục đích như trên ở một chừng mực nhất định là hợp lý. Tuy nhiên, khi ban hành Luật Thương mại, nhà làm luật còn quy định về mức trần phạt vi phạm (8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm) nhằm bảo vệ lợi ích của các bên trong hợp đồng (bên bị vi phạm) và bảo vệ lợi ích của Nhà nước và sự ổn định của nền kinh tế trước những hành vi vi phạm hợp đồng. Bởi lẽ, thông qua quy định về mức trần trong phạt vi phạm, Nhà nước sẽ kiểm soát được các thỏa thuận phạt “trá hình” nhằm thu lợi bất chính từ phía các chủ thể trực tiếp ký kết hợp đồng. (Ví dụ: Giám đốc Công ty A ký hợp đồng có giá trị 1 tỷ với B, theo đó, thỏa thuận mức phạt là 100% giá trị hợp đồng. Khi thực hiện hợp đồng, Giám đốc Công ty A sẽ có những chỉ đạo nhằm không thực hiện đúng hợp đồng, thông qua đó làm phát sinh nghĩa vụ phải trả tiền phạt hợp đồng cho B (100% giá trị hợp đồng), sau đó, Giám đốc Công ty A và B sẽ chia nhau khoản lợi được hưởng từ khoản tiền phạt mà Công ty A phải trả cho B).
Trên cơ sở các khía cạnh như đã phân tích ở trên, theo tác giả, quy định về mức phạt vi phạm hợp đồng nên được nghiên cứu tiếp cận theo một trong hai phương án sau:
Phương án thứ nhất: Nếu nhà làm luật vẫn muốn giữ mức trần phạt vi phạm hợp đồng, thì phải quy định theo hướng: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Trường hợp các bên thỏa thuận mức phạt vượt quá 8% phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm thì phần vượt quá sẽ không có giá trị pháp lý”. Với cách quy định như trên, chúng ta sẽ giải quyết được tình trạng tùy tiện trong việc áp dụng chế tài phạt vi phạm, đảm bảo sự kiểm soát của Nhà nước đối với các thỏa thuận phạt, vừa đảm bảo và tôn trọng sự tự do thỏa thuận, tự định đoạt của các bên khi giao kết hợp đồng trong giới hạn mức trần phạt cho phép của nhà nước.
Phương án thứ hai: Bỏ quy định về mức trần phạt vi phạm hợp đồng như hiện nay. Bởi lẽ, nó sẽ làm hạn chế quyền tự do định đoạt, tự do thỏa thuận của các thương nhân trong hoạt động thương mại. Bên cạnh đó, mục đích của việc quy định chế tài phạt vi phạm là để phòng ngừa và răn đe các bên vi phạm hợp đồng, thiết nghĩ, không ai có thể hiểu hơn bản thân người trong cuộc (các bên trong hợp đồng) về mức phạt ở mức độ như thế nào mới đủ sức phòng ngừa và răn đe các hành vi vi phạm, do tính phức tạp và đặc thù của mỗi lĩnh vực khác nhau trong quan hệ hợp đồng. Do đó, việc quy định mức trần phạt vi phạm đã phần nào vô hiệu hóa những thỏa thuận đó của thương nhân, dẫn đến một hậu quả là mục đích của quy định về chế tài phạt không đạt được, hay nói cách khác, có những vụ việc trên thực tế nếu chỉ dừng lại giới hạn ở mức phạt không quá 8% thì các thương nhân sẵn sàng vi phạm hợp đồng nếu lợi ích kinh tế của việc vi phạm đó mang lại nhiều hơn so với khoản tiền không quá 8% giá trị hợp đồng bị vi phạm mà thương nhân phải chi trả cho bên bị vi phạm. Việc không quy định mức trần phạt vi phạm hợp đồng cũng phù hợp với cách quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, thông qua đó, nâng cao ý thức thực hiện hợp đồng của các thương nhân cũng như đảm bảo sự tự do thỏa thuận của họ trong hoạt động thương mại
Thứ ba, về chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng
Theo quy định tại Điều 308 Luật Thương mại năm 2005: “Tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng”.
Có hai căn cứ để áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng: “(1) Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng; (2) Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng”.
Khi chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng được áp dụng, hậu quả pháp lý đối với hợp đồng này là “hợp đồng vẫn còn hiệu lực” và “bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại” nếu hành vi vi phạm đó gây thiệt hại cho bên bị vi phạm.
Như vậy, về mặt bản chất, việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng không ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng và hợp đồng đó sẽ tiếp tục được thực hiện trong tương lai khi điều kiện áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng chấm dứt. Vấn đề đặt ra ở đây là, sau khi áp dụng biện pháp này, thời điểm nào sẽ được coi là chấm dứt việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng? Căn cứ nào để một bên yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng đã bị tạm ngừng thực hiện? Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện do bên tạm ngừng tự động thực hiện hay theo yêu cầu của bên có hành vi vi phạm hợp đồng?
Tất cả những yếu tố này hiện nay đều chưa được tính đến trong Luật Thương mại, gây khó khăn cho các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Để giải quyết sự bất cập này, theo chúng tôi, cần bổ sung quy định cụ thể về căn cứ, thời điểm chấm dứt áp dụng hình thức tạm ngừng thực hiện hợp đồng và nghĩa vụ của các bên khi căn cứ tạm ngừng thực hiện hợp đồng chấm dứt. Có như vậy mới đảm bảo quyền lợi của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng, tránh trường hợp lợi dụng việc áp dụng chế tài này để “chấm dứt” việc thực hiện các hợp đồng trên thực tế.
Thứ tư, về hậu quả pháp lý của hình thức huỷ bỏ hợp đồng
Theo quy định tại Điều 312 Luật Thương mại, hủy bỏ hợp đồng là việc “bãi bỏ hoàn toàn việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ hợp đồng đối với toàn bộ hợp đồng” (hủy bỏ toàn bộ) hoặc “bãi bỏ một phần nghĩa vụ hợp đồng”, các phần còn lại trong hợp đồng vẫn còn hiệu lực (hủy bỏ một phần)”.
Hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng là “hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng, trừ thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ sau khi huỷ bỏ hợp đồng và về giải quyết tranh chấp” (khoản 1 Điều 314 Luật Thương mại).
Như vậy, về mặt nguyên tắc, hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng giống như trong trường hợp hợp đồng bị vô hiệu, các bên phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận từ việc thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, cách quy định này có một số bất cập tại khoản 2 và khoản 3 Điều 314 Luật Thương mại. Theo đó Luật Thương mại quy định, “các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng; nếu các bên đều có nghĩa vụ hoàn trả thì nghĩa vụ của họ phải được thực hiện đồng thời; trường hợp không thể hoàn trả bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền” và “Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này”.
Quy định này, theo tác giả đã mâu thuẫn với khoản 1 Điều 314 khi quy định hợp đồng bị hủy thì không có hiệu lực từ thời điểm giao kết trên các khía cạnh sau đây:
Việc cho phép các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng đã đi ngược lại với bản chất của hủy hợp đồng, bởi lẽ khi hợp đồng bị hủy “không có hiệu lực từ thời điểm giao kết” thì tất cả những phần hợp đồng đã thực hiện sẽ phải hoàn trả lại cho bên kia. Với quy định này, dường như pháp luật đã thừa nhận hiệu lực của hợp đồng bị hủy hơn là hủy những nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Theo tác giả, quy định này cần phải được sửa đổi theo hướng ghi nhận phần hợp đồng không bị hủy (đối với hợp đồng bị hủy một phần), đối với phần hợp đồng bị hủy, các bên phải hoàn trả lại những gì đã nhận cho nhau, đối với phần không bị hủy sẽ phải tiếp tục thực hiện theo những thỏa thuận trong hợp đồng.
Quy định “nếu các bên không thể hoàn trả bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền” là không hợp lý, và đôi khi lại là cách ghi nhận hiệu lực của hợp đồng bị hủy. Quy định này chỉ hợp lý khi lợi ích các bên nhận được là lợi ích vật chất dưới dạng hiện vật, nếu lợi ích mà các bên nhận được là lợi ích về mặt tinh thần hoặc đối tượng của hợp đồng là dịch vụ, thì việc bên được cung ứng dịch vụ hoặc nhận được lợi ích tinh thần phải trả lại tiền cho bên cung ứng dịch vụ chẳng khác gì việc trả tiền cho lợi ích mình nhận được từ một hợp đồng bị hủy (không còn giá trị đối với các bên). Bên cạnh đó, số tiền phải trả là bao nhiêu, nguyên tắc định giá thế nào? Theo giá thị trường vào thời điểm “hoàn trả” hay theo giá đã thỏa thuận trong hợp đồng cho những lợi ích đã nhận được cũng không được tính đến, điều này sẽ gây khó khăn cho các chủ thể cũng như các cơ quan giải quyết tranh chấp trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Chính vì vậy, cần phải làm rõ khái niệm “lợi ích” ở đây là gì, theo tác giả “lợi ích” cần phải được hiểu là các lợi ích vật chất nhận được dưới dạng hiện vật, nhằm tránh trường hợp “tiếp tục thực hiện hợp đồng đã bị hủy” do bên thụ hưởng lợi ích tinh thần hoặc dịch vụ buộc phải trả lại bằng tiền. Chính vì vậy, cần sửa quy định này theo hướng “nếu các bên không thể hoàn trả bằng chính hiện vật đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền theo giá trị hiện vật tại thời điểm hoàn trả”.
Thứ năm, về mối quan hệ giữa các loại chế tài trong thương mại
Mối quan hệ giữa các loại chế tài trong thương mại vẫn còn một số bất cập thể hiện trên các khía cạnh sau đây:
a. Về mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài buộc bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 307 như sau:
1. Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
Trong quy định này, các nhà làm luật muốn nhấn mạnh việc chế tài phạt vi phạm có thể áp dụng đồng thời với chế tài buộc bồi thường thiệt hại, hay nói cách khác, việc áp dụng chế tài phạt vi phạm không làm mất quyền áp dụng chế tài buộc bồi thường thiệt hại của bên bị vi phạm. Tuy nhiên, nội dung này đã được ghi nhận trong Điều 316: “Một bên không bị mất quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tổn thất do vi phạm hợp đồng của bên kia khi đã áp dụng các chế tài khác”. Như vậy, theo quy định tại Điều 316, thì chế tài buộc bồi thường thiệt hại có thể áp dụng cùng một lúc với các chế tài khác bao gồm chế tài phạt vi phạm. Do đó, việc đặt ra một điều luật riêng để điều chỉnh mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại như trong Điều 307 là không cần thiết. Không những thế, nội dung của Điều 307 lại chưa hoàn chỉnh khi quá nhấn mạnh đến căn cứ áp dụng của điều khoản phạt vi phạm mà không đề cập đến căn cứ áp dụng của chế tài buộc bồi thường thiệt hại, nên dẫn đến những lúng túng và hiểu nhầm cho các thương nhân khi áp dụng. Để giải quyết tình trạng như đã nêu ở trên, theo chúng tôi nên loại bỏ quy định của Điều 307.
b. Về mối quan hệ giữa chế tài hủy hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, tạm ngừng thực hiện hợp đồng với các loại chế tài khác cũng vẫn còn rất nhiều vấn đề phải bàn. Cụ thể trong những quy định về mối quan hệ giữa chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, tạm ngừng thực hiện hợp đồng nằm rải rác tại các Điều 309, Điều 311 và Điều 314 chỉ đề cập đến việc áp dụng ba loại chế tài trên không làm mất quyền áp dụng chế tài buộc bồi thường thiệt hại. Quy định như vậy là không hợp lý bởi hai lý do: Một là, những nội dung này đã được ghi nhận trong Điều 316; Hai là, nếu chỉ dừng lại ở quy định như vậy thì không bao hàm việc áp dụng ba loại chế tài này với chế tài phạt vi phạm, trong khi nếu có đủ căn cứ áp dụng thì việc áp dụng ba loại chế tài này với chế tài phạt là hoàn toàn hợp pháp và chính xác.
Do đó, theo tác giả, để tránh tình trạng quy định một cách chồng chéo và không bao hàm hết các mối quan hệ giữa các chế tài, thì cần thiết phải thực hiện hai bước: Trước hết là loại bỏ hết các quy định về mối quan hệ của các loại chế tài nằm rải rác trong các điều luật khác nhau và sau đó thiết kế một quy định chung về mối quan hệ của các loại chế tài trong thương mại theo hướng sau: “Các chế tài trong thương mại có thể được áp dụng đồng thời nếu có đủ căn cứ áp dụng theo quy định của luật này trừ việc áp dụng đồng thời các chế tài hủy hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng và tạm ngừng thực hiện hợp đồng”.
Đoàn Thị Ngọc Hải