So với Luật Đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Đất đai năm 2013 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014) có nhiều điểm mới, quy định cụ thể, đầy đủ các nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất, công tác quản lý Nhà nước về đất đai,… phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong tình hình mới và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai thực hiện Luật Đất đai 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (gọi tắt là Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) trong thực tiễn đã buộc lộ một số hạn chế, khó khăn, bất cập trong công tác thu hồi đất; một số địa phương do hiểu và áp dụng không thống nhất các quy định của pháp luật về thu hồi đất nên lúng túng trong việc giải quyết các yêu cầu của công dân hoặc ban hành các quyết định hành chính thiếu cơ sở pháp lý dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về đất đai do thu hồi đất thời gian qua có chiều hướng tăng và diễn biến phức tạp. Trong nội dung bài viết này, tôi xin nêu lên một số bất cập của quy định pháp luật về thu hồi đất hiện nay như sau:
Thứ nhất, theo Điểm c Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 thì Nhà nước thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai đối với “Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng…”. Tuy nhiên, tại Điểm d Khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai 2013 lại quy định “…trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai” (tức là không thu hồi Giấy chứng nhận đối với trường hợp này); còn tại Khoản 5 Điều 87 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn “Nhà nước không thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật trong các trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai nếu người được cấp Giấy chứng nhận đã thực hiện thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất và đã được giải quyết theo quy định của pháp luật”. Việc quy định này chưa rõ ràng, thiếu tính thống nhất, dễ gây ra nhiều cách hiểu (trên quy định thu hồi đất đối với truờng hợp đất giao, cho thuê không đúng đối tượng, dưới lại quy định không được thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật đối với người được cấp Giấy chứng nhận đã thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất) và áp dụng khác nhau; đây cũng là nguyên của nhiều cuộc tranh chấp, khiếu nại kéo dài (thực trạng tỉnh Quảng Ngãi hiện nay là một ví dụ).
Bên cạnh đó, việc quy định không thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật trong trường hợp “người được cấp Giấy chứng nhận đã thực hiện thủ tục… hoặc chuyển mục đích sử dụng đất và đã được giải quyết theo quy định của pháp luật” tại Khoản 5 Điều 87 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP là chưa phù hợp với Điểm c Khoản 1 Điều 64 , Điểm d Khoản 2 Điều 106 (chỉ quy định trong trường hợp chuyển quyền chứ không quy định trường hợp chuyển mục đích) Luật Đất đai 2013. Điều này ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý và sử dụng đất tại địa phương, tạo cơ hội cho các đối tượng không thuộc trường hợp nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp thành đối tượng nhận chuyển nhượng bằng cách “chuyển mục đích sử dụng đất”; đồng thời, tạo ra thực trạng người không có hoặc thiếu đất canh tác phải vào các thành phố lớn mưu sinh hay xuất khẩu lao động,…, còn người quá nhiều đất lại bỏ hoang không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích.
Thứ hai, hiện nay, các quy định liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được điều chỉnh bởi Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ; tuy nhiên, vấn đề xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp “Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước” không được quy định cụ thể (không quy định). Bên cạnh đó, trong các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai khác (Nghị định, Thông tư) cũng không hề quy định hay hướng dẫn chi tiết về việc này. Do vậy, câu hỏi đặt ra là cơ sở nào để “xử phạt vi phạm hành chính” đối với “Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước”? Cở sở nào chứng minh “Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành”để ra quyết định thu hồi đất khi vi phạm pháp luật về đất đai được quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013. Đây là một trong những khó khăn đối với cơ quan thực hiện quản lý Nhà nước về đất đai và người thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai.
Thứ ba, Luật Đất đai 2013 quy định việc thu hồi đất theo Điều 61, 62, 64 và 65 là cần thiết nhằm bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Song, khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban bành quyết định thu hồi và tiến hành thu hồi lại gặp nhiều khó khăn do người bị thu hồi đất không chấp hành quyết định thu hồi hoặc tự nguyện thực hiện quyết định nhưng chậm giao đất theo quy định, nhiều trường hợp khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức cưỡng chế thì người bị thu hồi đất gây cản trở người thi hành công vụ, có trường hợp dùng các biện pháp nguy hiểm (dùng chất nổ, vũ khí nguy hiểm khác tấn công người thi hành công vụ) làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người thi hành công vụ,… vì họ cho rằng giá đất bồi thường, chính sách trước và sau thu hồi đất không tương xứng với thị trường và lợi ích thực tế đất bị thu hồi mang lại. Có thể nói, đây là bất cập lớn đối với việc thực hiện các quy định của pháp luật về thu hồi đất thời gian qua.
Trên cơ cở các hạn chế, bất cập nêu trên, tôi xin đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau:
Một là, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm rà soát và kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể và thống nhất quy định của pháp luật về đối tượng, trường hợp không thu hồi đất (không thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đã cấp trái pháp luật.
Hai là, đề nghị Chính phủ bổ sung quy định xử lý vi phạm hành chính đối với “Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước”vào Nghị định số 102/2014/NĐ-CP nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thu hồi đất trong trường hợp “Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành”.
Ba là, Chính phủ cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể trách nhiệm pháp lý đối với các trường hợp người bị thu hồi đất không thi hành quyết định thu hồi đất nhằm phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất khi Nhà nước thu hồi đất nhằm giúp họ nhận thức vai trò, trách nhiêm của mình trong việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Bốn là, thường xuyên rà soát, hệ thống hóa các quy định của pháp luật về thu hồi đất nhằm kịp thời phát hiện sai sót, bất cập và chồng chéo giữa các quy định về thu hồi đất theo Luật Đất đai 2013 với các văn bản luật chuyên ngành khác như Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính,…
Năm là, trên cơ sở Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về giá đất và Nghị định số 104/2014/NĐ-CP ngày 14/11/2014 quy định về khung giá đất của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và quy định (điều chỉnh) cụ thể về giá đất, khung giá đất (Thông tư hướng dẫn) phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của mỗi vùng, miền và mức độ đô thị hóa của từng địa phương; đảm bảo giá đất, khung giá đất khi Nhà nước thu hồi đất phù hợp với giá đất, khung giá đất trên thị trường.
Do sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng nên các quy định về thu hồi đất theo Luật Đất đai 2013 vừa mới áp dụng thực tiễn trong thời gian ngắn đã có nhiều điểm hạn chế, bất cập là chuyện đương nhiên. Song, việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về thu hồi đất đảm bảo tính kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước là điều hết sức quan trọng, nó quyết định hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý Nhà nước về đất đai cũng như điều tiết các mối quan hệ sở hữu và hơn nữa làm hạn chế các tranh chấp, khiếu nại kéo dài, gây mất an ninh, chính trị ở địa phương./.
PTQ
Chuyển mục đích sử dụng đất là thay đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được duyệt bằng quyết định hành chính khi người sử dụng đất có yêu cầu (không thay đổi quyền sử dụng, mà thay đổi mục đích sử dụng).