Quyền của người chưa thành niên phạm tội theo quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam

01/10/2015
Ở tất cả các quốc gia trên thế giới, người chưa thành niên đang phải tham gia vào các thủ tục tố tụng của Toà án do việc thực hiện những hành vi trái pháp luật hình sự bị coi là tội phạm. Điều này có nghĩa rằng, người chưa thành niên trực tiếp tham gia các quan hệ pháp luật trong lĩnh vực hình sự và tố tụng hình sự. Quan hệ này diễn ra vào thời điểm mà người chưa thành niên vốn rất dễ bị tổn thương đang cần được giúp đỡ và hướng dẫn nhất. Các thủ tục, các kỹ năng tố tụng đặc biệt hết sức quan trọng để bảo đảm rằng sự tiếp xúc với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thì các em được đối xử một cách công bằng, được tạo cơ hội và hướng dẫn để chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình và hơn thế nữa, được tạo một cơ hội tránh mắc phải những sai phạm như vậy trong tương lai để lớn lên thành những người có trách nhiệm.
 

1. Nhận thức chung về người chưa thành niên phạm tội

Một hoạt động mà các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực thực hiện là tìm mọi cách bảo đảm hệ thống pháp luật liên quan đến người chưa thành niên phạm tội tuân thủ theo đúng luật pháp quốc tế về quyền con người. Kể từ năm 1989, với tốc độ ngày càng cao, các nước trên thế giới đã và đang đưa những nguyên tắc quốc tế vào các luật và chính sách quốc gia. Đã có nhiều văn bản quốc tế về quyền con người của trẻ em, của người chưa thành niên ra đời trong hơn nửa thế kỷ qua. Đồng thời, việc tăng cường bảo vệ các quyền của trẻ em nói chung, người chưa thành niên nói riêng cũng là một khía cạnh quan trọng trong hoạt động của các cơ quan và chương trình của Liên Hợp Quốc. Trong các văn bản quốc tế và các chương trình của Liên Hợp Quốc về vấn đề trẻ em sử dụng đồng thời cả hai khái niệm trẻ em và người chưa thành niên.

Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em (United Nations Convention on the rights of the child) – gọi tắt là Công ước, là văn bản pháp lý quốc tế quy định các quyền cơ bản của trẻ em nói chung và người chưa thành niên phạm tội nói riêng. Điều 1 Công ước xác định rõ: “Trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”.

Bên cạnh Công ước có tính ràng buộc, còn tập hợp các quy tắc, hướng dẫn đã được cộng đồng quốc tế thông qua để quy định chi tiết việc áp dụng pháp luật với người chưa thành niên. Đây là những nguyên tắc và tiêu chuẩn mà nhiều quốc gia thành viên đã đồng ý và nêu rõ trong các tuyên ngôn, nguyên tắc, các quy tắc và các hướng dẫn chuẩn. Mặc dù những văn bản này không có hiệu lực ràng buộc về mặt pháp lý với các quốc gia thành viên, nhưng chúng được xây dựng từ pháp luật quốc tế và được đông đảo các nước trên thế giới đồng tình ủng hộ. Do vậy, các văn bản chủ yếu mang tính khuyến nghị, định hướng đối với các quốc gia thành viên, góp phần thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Trong một số văn bản, khái niệm trẻ em được gọi là người chưa thành niên hoặc thanh, thiếu niên. Tuy nhiên, trong qua hệ với pháp luật và thực thi pháp luật, trẻ em thường được gọi là người chưa thành niên. Quy tắc tối thiểu của Liên Hợp Quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước quyền tự do thông qua ngày 14/12/1990 nêu cụ thể: “Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi. Giới hạn tuổi dưới mức này cần phải được pháp luật xác định và không được tước quyền tự do của người chưa thành niên” (Quy tắc số 2.1 mục a).

Như vậy, người chưa thành niên làm trái pháp luật (hay vi phạm pháp luật) là người dưới 18 tuổi đã thực hiện, hoặc bị tố cáo là đã thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật. Khái niệm này bao gồm cả những người chưa thành niên bị áp dụng các biện pháp hành chính và hình sự. Trong các văn bản pháp luật quốc tế, đôi khi những đối tượng này được gọi là “trẻ em làm trái pháp luật”. Các vụ án do người chưa thành niên phạm tội gây ra là hành vi vi phạm pháp luật hình sự do người chưa thành niên thực hiện có dấu hiệu của tội phạm và được điều tra xử lý.

Có thể thấy rằng, khi đưa ra khái niệm về trẻ em hay người chưa thành niên, trong pháp luật quốc tế không dựa vào đặc điểm tâm – sinh lý hay sự phát triển thể chất,… mà trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua độ tuổi. Kể cả khái niệm trẻ em và khái niệm người chưa thành niên đều giới hạn là dưới 18 tuổi, đồng thời đưa ra khả năng mở để cho các quốc gia tuỳ điều kiện kinh tế - xã hội, văn hoá, truyền thống của mình có thể quy định độ tuổi khác.

2. Quyền của người chưa thành niên phạm tội trong pháp luật quốc tế

Nội dung các quy định nêu trong các Công ước, quy tắc có tính đến sự đa dạng và cơ cấu pháp luật của các quốc gia, phản ánh mục đích và tinh thần của tư pháp người chưa thành niên, đề ra những nguyên tắc mong muốn và thông lệ đối với việc quản lý người chưa thành niên phạm tội; đồng thời đảm bảo rằng, trong quá trình thực thi và áp dụng pháp luật thì quyền của người chưa thành niên, kể cả trong trường hợp họ là đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không bị vi phạm.

Để thực hiện được mong muốn và tinh thần nêu trên, Công ước và một số quy tắc, hướng dẫn khác đã thể hiện khá đầy đủ và tập trung các quyền cụ thể của người chưa thành niên phạm tội cũng như những lưu ý đối với việc xây dựng hệ thống pháp luật và việc áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm quyền con người, quyền trẻ em của người chưa thành niên khi các em phạm tội.

Điều 40 của Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên phải thúc đẩy việc thành lập một hệ thống tư pháp người chưa thành niên riêng và đặc biệt là ban hành các đạo luật quy định trình tự, thủ tục, các cơ quan và thể chế áp dụng riêng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự. Công ước đưa ra các quy định đảm bảo tối thiểu cho người chưa thành niên (“các quy định đảm bảo tranh tụng”) vào thời điểm bị bắt giữ, xét xử và kết án. Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên quy định độ tuổi tối thiểu chịu trách nhiệm hình sự, và các biện pháp xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự mà không phải áp dụng thủ tục tố tụng (“xử lý chuyển hướng, thay thế”). Các quốc gia thành viên cũng cần có nhiều biện pháp xử lý khác nhau đối với người chưa thành niên nhằm đảm bảo các em được xử lý một cách phù hợp với sự phát triển ở độ tuổi này khi các em phạm tội.

Bên cạnh đó, Điều 37 của Công ước quy định người chưa thành niên phải được bảo vệ tránh khỏi bị tra tấn, phân biệt đối xử hoặc trừng phạt tồi tệ, vô nhân đạo cũng như những hành vi làm mất phẩm giá. Người chưa thành niên chỉ bị bắt, bị giam giữ và áp dụng hình phạt khi không thể áp dụng các biện pháp thay thế. Trong trường hợp bị giam giữ, các em phải được đối xử nhân đạo và việc giam giữ theo chế độ riêng phù hợp với sự phát triển của lứa tuổi về cả tâm và sinh lý

Điều 40 của Công ước có nêu ra một nguyên tắc chung định hướng hành động có liên quan tới người chưa thành niên phạm tội như sau: “Mọi trẻ bị cáo buộc, buộc tội hoặc bị coi là vi phạm luật hình sự đều có quyền được đối xử phù hợp với sự phát triển ý thức về nhân phẩm và phẩm chất của trẻ. Sự phát triển ý thức đó giúp tăng thêm ý thức tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản của người khác; giúp xem xét khía cạnh lứa tuổi của trẻ và mong muốn của chúng về sự tái hoà nhập cộng đồng”. Nguyên tắc chung này cần được coi là kim chỉ nam cho việc tiến hành xây dựng, áp dụng pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội. Quyền lợi cơ bản nhất của người chưa thành niên phải trở thành một yếu tố quan trọng trong các quyết định tố tụng đối với họ.

Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hợp Quốc về việc áp dụng pháp luật với người chưa thành niên năm 1985 (gọi tắt là Quy tắc Bắc Kinh) đề ra các tiêu chuẩn tối thiểu, toàn diện về việc áp dụng pháp luật với người chưa thành niên. Các quy tắc này hướng dẫn các quốc gia thành viên khi xây dựng các hệ thống tư pháp riêng cho người chưa thành niên theo nghĩa vụ được quy định tại Điều 40 của Công ước về quyền trẻ em. Nội dung của điều này là cơ sở để các quốc gia thành viên xây dựng và ban hành các luật, quy tắc, thể chế để áp dụng riêng đối với người chưa thành niên phạm tội, và bảo vệ các quyền cơ bản của họ.

Quy tắc Bắc Kinh một lần nữa nhấn mạnh việc xây dựng hệ thống các quy định áp dụng đối với người chưa thành niên cần chú trọng đến quyền, lợi ích của người chưa thành niên, đồng thời đảm bảo mọi quyết định xử lý người chưa thành niên phải phù hợp với hoàn cảnh và tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà các em đã thực hiện.

Hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về phòng ngừa phạm pháp ở người chưa thành niên năm 1990 (gọi tắt là Hướng dẫn Riát) đưa ra cách tiếp cận phòng ngừa tội phạm tích cực, toàn diện và đặt người chưa thành niên là trung tâm. Cách tiếp cận này hướng tới giải quyết các nguyên nhân xã hội căn bản dẫn đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên. Phòng ngừa không chỉ được coi là vấn đề giải quyết các tình trạng tiêu cực thông qua các cơ quan chức năng và các cơ chế kiểm soát xã hội, mà thay vào đó, Hướng dẫn này còn ủng hộ cách tiếp cận dựa trên việc tích cực thúc đẩy sự phát triển và sức khỏe của các em từ khi các em còn nhỏ. Chiến lược phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội tốt nhất là chiến lược phòng ngừa có nhiều biện pháp để thúc đẩy quyền của người chưa thành niên và tăng cường sự phát triển cộng đồng, nhằm giải quyết vấn đề đói nghèo và sự cách ly các em với xã hội. Hướng dẫn Riát khuyến nghị việc phòng ngừa phạm tội ở người chưa thành niên cần được chính thức hóa ở mọi cấp chính quyền. Hoạt động phòng ngừa cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, sự phối kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và các đoàn thể quần chúng, sự tham gia của cộng đồng thông qua một loạt các dịch vụ và chương trình, hợp tác liên ngành giữa các chủ thể trong toàn xã hội và sự tham gia của người chưa thành niên vào quá trình xây dựng tất cả các chính sách phòng ngừa tội phạm.

Quy tắc của Liên Hợp Quốc về việc bảo vệ người chưa thành niên bị tước quyền tự do năm 1991 (gọi tắt là Quy tắc 1991) đưa ra các nguyên tắc hướng dẫn về điều kiện và việc đối xử với người chưa thành niên bị tước quyền tự do một cách đầy đủ, toàn diện. Các quy tắc này được áp dụng với tất cả những người chưa thành niên bị đưa vào các cơ sở quản lý giáo dục tập trung (trại giam, trại cải tạo, trung tâm giáo dục, bảo vệ hoặc phục hồi) theo quyết định của bất kỳ cơ quan tư pháp, hành chính hoặc cơ quan công quyền nào. Trọng tâm của Quy tắc 1991 là nhằm đảm bảo việc tước quyền tự do không dẫn đến việc vi phạm hoặc tước các quyền khác mà những người dưới 18 tuổi được hưởng theo Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em. Trên cơ sở những văn bản pháp lý quốc tế nêu trên, có thể khái quát về các quyền cơ bản của người chưa thành niên phạm tội như sau:

Một là, quyền cơ bản của người chưa thành niên được luật pháp quốc tế quy định thông qua các nguyên tắc sau:

- Trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào, sự an toàn của người chưa thành niên phải được đặt lên hàng đầu;

 - Không bị phân biệt đối xử - tất cả các em đều được đối xử công bằng, không thiên vị, bất kể giới tính, độ tuổi, dân tộc, tôn giáo…;

- Người chưa thành niên phải được đối xử một cách lịch sự, tôn trọng phẩm giá và chuyên nghiệp;

- Trước khi xét xử, người chưa thành niên luôn luôn được suy đoán vô tội;        

- Người chưa thành niên được đối xử theo những quy định đã nêu trong hệ thống pháp luật của quốc gia.

Hai là, quyền cơ bản của người chưa thành niên phạm tội trong giai đoạn điều tra:

- Tất cả những tiếp xúc giữa cán bộ thực thi pháp luật và người chưa thành niên phải mang tính thân thiện, nhạy cảm, phải diễn ra trong một môi trường phù hợp, hỗ trợ và đáp ứng những nhu cầu đặc biệt của lứa tuổi;

- Trong quá trình giao tiếp với người chưa thành niên, phải sử dụng ngôn ngữ phù hợp và dễ hiểu với các em;

- Cấm các biện pháp điều tra tùy tiện, trong mọi trường hợp, quyền riêng tư của các em phải được bảo vệ;

- Những thông tin cá nhân và mang tính nhạy cảm liên quan đến người chưa thành niên phải được xử lý cẩn thận và được bảo đảm bí mật;

- Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cán bộ thực thi pháp luật cũng phải tôn trọng và bảo vệ phẩm giá của con người, nêu cao các nguyên tắc nhân quyền cho tất cả mọi người, trong đó có người chưa thành niên;

- Người chưa thành niên có quyền ghi lại một cách chi tiết, đầy đủ tất cả những lời khai khi cán bộ thực thi pháp luật lấy lời khai hoặc hỏi cung;

- Người chưa thành niên có quyền được bảo vệ khỏi vũ lực và các hình thức lạm dụng của các cơ quan công quyền trong quá trình điều tra;

- Trong bất kỳ trường hợp nào, cán bộ điều tra đều phải tôn trọng và tuân thủ pháp luật;

- Cần tránh những trì hoãn không cần thiết khi xử lý các vụ liên quan đến  người chưa thành niên phạm tội;

 - Việc giam giữ người chưa thành niên phạm tội cần phải cân nhắc kỹ lưỡng nếu mục đích chỉ là để phục vụ công việc của cán bộ điều tra;

- Các cán bộ thực thi pháp luật cần sử dụng quyền tự quyết trong tất cả các giai đoạn của quá trình tố tụng trong đó có giai đoạn điều tra;

- Người chưa thành niên có quyền trình bày quan điểm của mình và những quan điểm này phải được tôn trọng, xem xét một cách thận trọng;

- Người chưa thành niên có quyền mong muốn rằng các hoạt động điều tra sẽ được tiến hành theo đúng luật pháp và với lý do thích hợp.

Ba là, quyền cơ bản của người chưa thành niên khi bị bắt giữ hoặc bị giam giữ:

- Mọi người, trong đó có người chưa thành niên đều có quyền được tự do và được an toàn, trong đó có tự do đi lại;

- Người chưa thành niên có quyền không bị bắt giữ và bị giam giữ tùy tiện;

- Người chưa thành niên bị bắt giữ cần phải được thông báo vào thời điểm bị bắt và thông báo về lý do bắt giữ;

- Không người chưa thành niên nào có thể bị tước quyền tự do trừ những trường hợp phù hợp với những thủ tục đã quy định trong pháp luật của quốc gia;

- Khi bị giam giữ, người chưa thành niên phải được giam riêng với người đã thành niên;

- Những người chưa thành niên bị giam giữ phải được gặp mặt và có liên lạc với gia đình mình;

- Người chưa thành niên có quyền được thông tin kịp thời về tội danh mà các em bị cáo buộc;

- Giam giữ chỉ được sử dụng như là biện pháp cuối cùng, giam giữ trong thời gian chờ xét xử chỉ được coi là ngoại lệ chứ không được coi là nguyên tắc;

- Người chưa thành niên có quyền được thông báo kịp thời, có sự hiện diện và tham gia của cha mẹ (hoặc người lớn giám hộ) khi bị giam giữ hoặc bị bắt giữ, trong các lần lấy lời khai hoặc hỏi cung;

- Cung cấp tham vấn pháp lý một cách kịp thời cho tất cả những người bị giam giữ hoặc bị bắt giữ;

- Người chưa thành niên có quyền giữ im lặng và không bị buộc tội trong quá trình lấy lời khai và hỏi cung;

 - Người chưa thành niên có quyền được chăm sóc y tế kịp thời khi cần thiết, có bác sĩ nữ chăm sóc cho người chưa thành niên nữ;

- Khi bị giam giữ, người chưa thành niên phải được chăm sóc, bảo vệ và hỗ trợ cần thiết, tùy vào độ tuổi, giới tính và tính cách của các em;

- Khi bị giam giữ, quyền riêng tư của người chưa thành niên phải được tôn trọng và bảo mật;

- Việc sử dụng vũ lực hoặc các biện pháp giới hạn khác đối với người chưa thành niên chỉ là ngoại lệ, chỉ được sử dụng khi tất cả các biện pháp kiểm soát khác đã thất bại. Nếu có sử dụng thì chỉ trong khoảng thời gian ngắn nhất.

Bốn là, quyền của người chưa thành niên khi bị xét xử và tuyên án:

- Giam giữ chỉ là biện pháp cuối cùng và nếu có chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian ngắn nhất;

- Người chưa thành niên có quyền giữ im lặng và quyền được chuyển đến những dịch vụ hỗ trợ phù hợp;

- Người chưa thành niên có quyền được bảo vệ khỏi sự đối xử và trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, của các cơ quan chính quyền và các cơ quan khác;

- Người chưa thành niên có quyền mong muốn rằng quyền tự quyết sẽ được sử dụng khi kết án, trong đó có các biện pháp thay thế;

- Áp dụng xử lý theo hướng không giam giữ để tránh các thủ tục xét xử chính thức và chuyển sang các chương trình hoà nhập cộng đồng phù hợp.

Năm là, quyền của người chưa thành niên khi bị tước quyền tự do:

- Người chưa thành niên bị tước quyền tự do có quyền sử dụng những phương tiện và dịch vụ đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe và phẩm giá con người;

- Người chưa thành niên có quyền được cung cấp đầy đủ thực phẩm, nước uống sạch, chỗ ngủ sạch sẽ, quần áo phù hợp với thời tiết cũng như việc phòng bệnh và chữa bệnh;

- Người chưa thành niên được tiếp cận với các chương trình, hoạt động vui chơi giải trí có ý nghĩa cho việc phục hồi, tái hòa nhập và phát triển của họ;

- Người chưa thành niên có quyền hưởng sự giáo dục và được đào tạo nghề để chuẩn bị cho mình có việc làm trong tương lai;

 - Cán bộ ở các cơ sở quản lý giáo dục tập trung cần được đào tạo về việc đối xử với người chưa thành niên sao cho phù hợp. Nghiêm cấm việc sử dụng vũ lực hoặc các hình thức trừng phạt, truy bức, nhục hình; đồng thời có cơ chế bảo vệ người chưa thành niên tránh khỏi mọi hình thức lạm dụng hoặc bóc lột;

- Người chưa thành niên cần được hỗ trợ khi các em trở về với gia đình và xã hội, được ưu tiên đi học và tìm việc làm sau khi chấp hành xong biện pháp giáo dục. Nên áp dụng việc giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại các cơ sở quản lý giáo dục tập trung, hỗ trợ và giám sát người chưa thành niên ở cộng đồng sau khi chấp hành xong biện pháp này. Chính quyền các cấp phải cung cấp và đảm bảo các dịch vụ hỗ trợ cho người chưa thành niên khi các em trở về cộng đồng và giảm bớt các định kiến đối với các em. Đại diện của các cơ quan cung cấp các dịch vụ này cần được tiếp cận với người chưa thành niên khi các em bị giam giữ nhằm hỗ trợ các em khi trở về cộng đồng.

3. Việt Nam với việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền của người chưa thành niên phạm tội

Ở Việt Nam, bảo đảm quyền của người chưa thành niên phạm tội là bảo đảm cho những quy định của pháp luật về người được thực hiện trên thực tế, phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời bảo vệ quyền của người chưa thành niên phạm tội khi có sự xâm hại, sự vi phạm quyền của các em từ các cơ quan, các chủ thể thực hiện việc xem xét, xử lý hành vi phạm tội của người chưa thành niên. Pháp luật tuy là yếu tố quan trọng không thể thiếu, nhưng không phải là yếu tố duy nhất bảo đảm cho các em được hưởng thụ các quyền, cũng như bảo đảm cho các em không bị tước mất quyền của mình trong hoàn cảnh đối mặt với pháp luật và là đối tượng xem xét của pháp luật. Trên cơ sở các văn bản pháp luật quốc tế nêu trên, hệ thống tư pháp người chưa thành niên ở Việt Nam đã được quan tâm nghiên cứu và ngày càng hoàn thiện. Việc bảo đảm quyền của người chưa thành niên phạm tội phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và văn hóa hiện có của Việt Nam. Sự phù hợp này thể hiện trên cả hai phương diện đó là xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật.

Hiện nay, trong pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, hàng loạt các chế định pháp luật mang tính cá biệt nhằm bảo đảm quyền của người chưa thành niên phạm tội. Đó là các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người chưa thành niên; nghĩa vụ của các cơ quan, người tiến hành tố tụng,…đối với người chưa thành niên phạm tội. Toàn bộ những quy định đó thể hiện những tư tưởng, nguyên tắc của Nhà nước ta mang tính nhân đạo và hướng tới mục tiêu chung bảo đảm cho quyền của người chưa thành niên không bị tước bỏ một cách trái pháp luật.

 Những quy định này không chỉ nhằm tạo ra cơ sở pháp lý cần thiết, quan trọng cho các cơ quan, người tiến hành tố tụng tránh được sự lạm dụng, vi phạm pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội, đồng thời cũng tạo ra hình ảnh về sự nghiêm minh của pháp luật giúp cho người chưa thành niên tự chấn chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với pháp luật.

 Do đặc điểm của người chưa thành niên mà pháp luật nước ta cũng đã quy định nguyên tắc khi xử lý người chưa thành niên phạm tội nhằm bảo đảm “tính đặc biệt” của nhóm đối tượng này như sau: Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ  họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân, điều kiện gây ra tội phạm.

 Các quy định trong pháp luật nước ta đề cao việc giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh trở thành công dân có ích cho xã hội là mục đích chủ yếu. Mọi biện pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định trong pháp luật nước ta đảm bảo phù hợp với hoàn cảnh và tương xứng với tính chất và mức độ vi phạm của người chưa thành niên. Việc buộc người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình là nhằm mục đích để các em nhận thức sâu sắc rằng hành vi phạm tội của các em đã vi phạm các chuẩn mực và quy tắc của nhà nước, của xã hội. Tuy nhiên, biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự được xem xét không chỉ đơn thuần dựa vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra, mà còn tính đến hoàn cảnh riêng của các em, bởi vì mục đích của hình phạt và việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên không phải chỉ là để trừng phạt người vi phạm, mà còn nhằm hỗ trợ người vi phạm phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng. Việc xét xử người chưa thành niên chỉ đặt ra trong những trường hợp thật cần thiết, nếu có phải áp dụng hình phạt đối với các em thì cũng lấy mục đích giáo dục, cải tạo là chủ yếu, không để hình ảnh của pháp luật tồn tại trong tâm trí các em quá sợ hãi hoặc quá khắt khe, dễ gây ra sự bất mãn, lòng thù hận.

Quyền của người chưa thành niên chỉ có thể bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên cơ sở quy định của pháp luật. Tòa án là cơ quan duy nhất nhân danh Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra quyết định áp dụng hình phạt đối với người thực hiện hành vi phạm tội mà trong đó có người chưa thành niên. Sự phán quyết của Tòa án bao giờ cũng phải dựa trên cơ sở của pháp luật và chỉ tuân theo pháp luật. Điều này khẳng định, ở Việt Nam, ngoài Tòa án, không một cá nhân, một tổ chức hay một cơ quan nhà nước nào khác có quyền tước bỏ một hay một số quyền của người chưa thành niên. Khi quyền của người chưa thành niên phạm tội bị xâm phạm thì pháp luật đã quy định các trình tự, thủ tục khác nhau nhằm khôi phục lại các quyền đó. Vấn đề này đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng hình sự, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất việc quyền con người nói chung, quyền của người chưa thành niên nói riêng bị vi phạm.

Tất cả người chưa thành niên phạm tội đều có quyền được bảo vệ và đối xử bình đẳng, không bị phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào cho dù các em hoặc cha mẹ các em thuộc tôn giáo, quốc tịch, dân tộc hoặc nguồn gốc xã hội, tài sản, khuyết tật, dòng dõi, hay có chính kiến hoặc quan điểm khác nhau, hoặc các tiêu chí khác. Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự nước ta ghi nhận rõ các nguyên tắc, trong đó có nguyên tắc không phân biệt đối xử khi giải quyết vụ án. Đồng thời, cũng quy định các chế tài áp dụng riêng đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm phù hợp với đặc điểm tâm – sinh lý của lứa tuổi và bảo vệ khỏi sự vi phạm từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng. Người chưa thành niên thuộc nhóm đối tượng đặc biệt có các quyền cụ thể phải được tôn trọng ở mọi giai đoạn trong quá trình tố tụng. Do các em chưa trưởng thành, và dễ bị tổn thương nên pháp luật nước ta đã quy định hệ thống các quyền riêng phù hợp với lứa tuổi chưa trưởng thành của người chưa thành niên; đồng thời đặt ra các yêu cầu đối với người tham gia giải quyết vụ án có người chưa thành niên phạm tội đều phải tôn trọng và tuân thủ các quy định của pháp luật. Người chưa thành niên có quyền được bảo vệ ở mọi giai đoạn tố tụng nhằm đảm bảo cho các em được đối xử công bằng và các quyền của các em được tôn trọng đầy đủ.

Vì vậy, quyền của người chưa thành niên phạm tội là vấn đề nhạy cảm, luôn luôn có nguy cơ bị xâm hại, cho nên không chỉ pháp luật quốc gia mà pháp luật quốc tế bằng những quy định, khuyến nghị của mình tạo ra các điều kiện, trình tự khác nhau, một mặt buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tuân theo, mặt khác tạo cơ sở vững chắc cho chính người chưa thành niên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 

              Đoàn Thị Ngọc Hải - Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình

Danh mục tài liệu tham khảo

1. Xem: Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em;

2. Xem: Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1999;

3. Xem: Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003;

4. Xem: Cán bộ thực thi pháp luật trong giai đoạn điều tra ở Việt Nam là Điều tra viên;

5. Xem: Điều tra tùy tiện là việc điều tra không theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền được ghi nhận trong pháp luật của mỗi quốc gia;

6. Xem: Trì hoãn không cần thiết là việc làm không khẩn trương và kịp thời;

7. Xem: Việc thông báo phải kịp thời cho người giám hộ hoặc cơ quan tổ chức đang trực;

8. Xem: Một số bài viết trên intenet.