Tòa án nhân dân thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang
Tái phạm, tái phạm nguy hiểm được Bộ luật Hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây viết tắt là Bộ luật Hình sự) quy định ở nhiều khía cạnh khác nhau. Chúng có thể là tình tiết định tội thể hiện dưới dạng “đã bị kết án về tội … chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”; tình tiết định khung thể hiện tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn của hành vi phạm tội hoặc là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, với vi trí quan trọng của tình tiết này trong việc xem xét trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt đối với người phạm tội, Bộ luật Hình sự đã dành Điều 49 quy định khái niệm về tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Đồng thời, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản hướng dẫn áp dụng 02 tình tiết này. Nhìn chung, quy định của Bộ luật Hình sự và văn bản hướng dẫn về tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm đã góp phần quan trọng vào việc định tội danh, áp dụng tình tiết định khung hình phạt và quyết định hình phạt đúng với tội phạm đã gây ra trên thực tế. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật hình sự về 02 tình tiết này đã phát sinh vướng mắc, bất cập nên còn tồn tại cách hiểu, áp dụng chưa thống nhất trong một vài tình tiết nhất định. Để góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm, trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày quy định của pháp luật hình sự về tái phạm, tái phạm nguy hiểm; một số khó khăn, vướng mắc qua thực tiễn áp dụng quy định 02 tình tiết này và kiến nghị hoàn thiện.
1. Quy định của pháp luật hình sự về tái phạm, tái phạm nguy hiểm
1.1. Về tái phạm
Theo khoản 1 Điều 49 Bộ luật Hình sự, “Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.”
Với quy định trên, việc xem xét người phạm tội có tái phạm hay không phải đảm bảo các dấu hiệu sau:
Thứ nhất, trước khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội đó đã bị kết án
Theo khoản 1 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 1985, tái phạm là “đã bị phạt tù về tội…”. Trong khi đó, khoản 1 Điều 49 Bộ luật Hình sự quy định “tái phạm là trường hợp đã bị kết án…” Quy định về tái phạm của Bộ luật Hình sự có sự thay đổi so với quy định về tái phạm của Bộ luật Hình sự năm 1985 và khắc phục được bất cập trong quy định của Bộ luật Hình sự năm 1985. Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1985, khi một người bị áp dụng hình phạt tử hình, bị kết án tù cho hưởng án treo,… mà họ lại phạm tội thì viêc xác định họ có tái phạm hay không gặp khó khăn.
Với quy định tại khoản 1 Điều 49 Bộ luật Hình sự thì tội phạm mà người phạm tội bị kết án trước đó bất kể tội nào, không phụ thuộc vào loại tội, dấu hiệu lỗi. Đó có thể là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng; lỗi của người phạm tội có thể là cố ý, có thể là vô ý.
Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn nên chưa có cách hiểu thống nhất thế nào là “đã bị kết án”. Có quan điểm cho rằng, đã bị kết án là đã có bản án kết tội của Tòa án mà không phụ thuộc vào việc bản án đó đã có hiệu lực pháp luật hay chưa. Quan điểm khác lại cho rằng, đã bị kết án là đã có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Bên cạnh đó, kết quả của việc bị kết án là gì cũng chưa có cách hiểu thống nhất. Quan điểm thứ nhất cho rằng, kết quả của việc bị kết án là việc người phạm tội bị tuyên phạm tội và bị quyết định hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định. Quan điểm thứ hai cho rằng, kết quả của việc bị kết án là người phạm tội bị Tòa án tuyên án, không phân biệt họ bị áp dụng hình phạt gì, kể cả trường hợp họ được miễn hình phạt.
Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng, hiện nay chưa có giải thích thế nào là “kết án” nên gây ra sự thiếu thống nhất. Theo khoản 1 Điều 49 Bộ luật Hình sự, thuật ngữ “đã bị kết án” gắn liền với thuật ngữ “chưa được xóa án tích”. Trong khi đó, việc xóa án tích gắn với việc thi hành án. Cho nên, chỉ khi bản án có hiệu lực pháp luật thì việc xóa án tích mới đặt ra. Đồng thời, theo các Điều 64, 65 và 66 Bộ luật Hình sự, việc xóa án tích gắn với việc đã bị tuyên phạt theo các hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định và miễn hình phạt. Tuy nhiên, miễn hình phạt đương nhiên được xóa án tích cho nên, miễn hình phạt không nằm trong phạm vi xem xét tái phạm. Bên cạnh đó, theo Từ điển tiếng Việt, kết án là việc Tòa án định tội và tuyên bố hình phạt. Vì vậy, có thể hiểu “đã bị kết án” là đã bị Tòa án tuyên bố phạm tội và áp dụng hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định, bất kể đó là hình phạt gì, không bao hàm trường hợp được miễn hình phạt và thời điểm được tính tái phạm khi bản án có hiệu lực pháp luật, tức là, một người phạm tội mới sau khi lần phạm tội trước bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật. Việc “đã bị kết án” chỉ được loại trừ đối với trường hợp được Tòa án tuyên không phạm tội, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự hoặc trường hợp họ bị tuyên phạm tội nhưng không áp dụng hình phạt mà áp dụng biện pháp tư pháp do Bộ luật Hình sự quy định gồm: bắt buộc chữa bệnh (Điều 43); giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng (Điều 70).
Bên cạnh đó, khi xem xét dấu hiệu đã bị kết án còn phải lưu ý độ tuổi của người phạm tội trong lần bị kết án trước đó. Theo khoản 6 Điều 69 Bộ luật Hình sự, “Án đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm”. Cho nên, trường hợp, án đã tuyên trước đó đối với người phạm tội khi họ chưa đủ 16 tuổi thì không xem xét để xác định người phạm tội có tái phạm hay không.
Thứ hai, người bị kết án và bản án đã kết án đối với họ chưa được xóa án tích
Việc xem xét một người bị kết án đã được xóa án tích hay chưa cần dựa vào quy định về xóa án tích do Bộ luật Hình sự quy định tại các điều từ Điều 63 đến 67 Bộ luật Hình sự và Mục 11 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 01/2000). Theo đó, việc xác định một người đã bị Tòa án xử phạt có được xóa án tích hay chưa phải xem xét họ đã chấp hành xong nội dung bản án liên quan đến họ hay chưa bao gồm: hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án (như án phí, bồi thường thiệt hại…) chứ không chỉ dựa vào hình phạt chính đã tuyên đối với họ.
Thứ ba, người phạm tội lại phạm tội mới do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý
Dấu hiệu này đòi hỏi tội sau mà người phạm tội thực hiện phải là tội do cố ý (không phân biệt tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, tội đặt biệt nghiêm trọng) hoặc tội do vô ý nhưng chỉ đối với tội rất nghiêm trọng, tội đặt biệt nghiêm trọng. Nếu tội sau mà người phạm tội thực hiện thuộc tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng do vô ý thì người phạm tội không bị tái phạm.
Bên cạnh đó, do khoản 1 Điều 49 Bộ luật Hình sự quy định tội sau là tội mới nên khi xác định tái phạm cũng cần lưu ý người phạm tội sau chỉ được xem là tái phạm khi hành vi phạm tội sau được xét xử sau. Trong trường hợp tội sau được xét xử trước và tội trước được xét xử sau thì lần xét xử sau không được xem là phạm tội mới. Khi đó, cho dù tội xét xử sau đáp ứng điều kiện là “phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý” thì người phạm tội vẫn không bị xác định là tái phạm.
Ngoài ra, người phạm tội chỉ bị xem là tái phạm khi hành vi phạm tội sau của họ đáp ứng các dấu hiệu cấu thành tội phạm độc lập (có thể cùng loại với tội đã bị kết án trước đó hoặc khác loại với tội đã bị kết án trước đó). Nếu hành vi phạm tội sau không đủ yếu tố cấu thành tội phạm độc lập thì về nguyên tắc, hành vi đó của người phạm tội không phải là tội phạm nên tái phạm không đặt ra, trừ trường hợp chúng là tình tiết định tội trong các loại tội phạm có cấu thành theo cấu trúc “đã bị kết án chưa được xóa án tích về tội … mà lại phạm tội”.
Thứ tư, do tình tiết tái phạm vừa được quy định là tình tiết định tội, vừa là tình tiết định khung hình phạt, vừa là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Cho nên, khi áp dụng cần tuân thủ nguyên tắc được quy định tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật Hình sự. Đó là, những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
1.2. Về tái phạm nguy hiểm
Theo các điểm a, b khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự thì tái phạm nguy hiểm được quy định như sau:
“a) Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý.”
Đây được xem là dạng đặc biệt của tái phạm nên các dấu hiệu của tái phạm vẫn được xem xét khi xác định tái phạm nguy hiểm và những dấu hiệu riêng chỉ có đối với trường hợp tái phạm nguy hiệm.
* Đối với trường hợp được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự:
Việc xác định một người có “tái phạm nguy hiểm” phải đảm bảo các dấu hiệu sau:
Thứ nhất, trước khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội đó đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý. Việc xác định dấu hiệu người phạm tội “đã bị kết án” cũng được xác định như trường hợp tái phạm. Tuy nhiên, tội phạm trước mà người phạm tội bị kết án chỉ giới hạn ở tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.
Thứ hai, người bị kết án và bản án đã kết án đối với họ chưa được xóa án tích. Dấu hiệu này được xác định như trường hợp tái phạm.
Thứ ba, người phạm tội lại phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý. Tội này được thực hiện sau và được xét xử sau. Đồng thời, lần phạm tội này đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm độc lập do Bộ luật Hình sự quy định.
* Đối với trường hợp được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự:
Việc xác định một người có “tái phạm nguy hiểm” trong trường hợp này phải đảm bảo các dấu hiệu sau:
Thứ nhất, người phạm tội đã tái phạm. Có nghĩa rằng, trước lần bị đưa xét xử này, người phạm tội đã 02 lần bị kết án về tội phạm độc lập do Bộ luật Hình sự quy định. Đồng thời, trong lần bị kết án thứ hai trước đó, người phạm tội đã bị áp dụng tình tiết tái phạm.
Trong thực tiễn, căn cứ được áp dụng để xác định dấu hiệu “đã tái phạm” là dựa vào quy định của Bộ luật Hình sự hay dựa vào bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật vẫn chưa có sự thống nhất. Quan điểm thứ nhất cho rằng, dấu hiệu tái phạm phải được xác định bằng quyết định hoặc bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi bản án đó chưa được xóa án tích, mà người này lại phạm tội mới thì mới coi là tái phạm nguy hiểm.
Quan điểm thứ hai cho rằng, tái phạm là một chế định luật, tức là, luật đã quy định về vấn đề này. Khi người phạm tội đáp ứng quy định của Bộ luật Hình sự về các dấu hiệu để xác định tái phạm thì người phạm tội phải chịu tình tiết này, bất kể bản án, quyết định kết án người phạm tội ở lần thứ 2 trước đó có kết luận người phạm tội tái phạm hay không. Bởi vì, theo khoản 1 Điều 49 Bộ luật Hình sự thì tái phạm là “trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý”. Điều luật không đòi hỏi phải có bản án, quyết định của Tòa án xác định.
Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng, mặc dù khoản 1 Điều 49 Bộ luật Hình sự quy định về tình tiết tái phạm không nêu dấu hiệu phải được Tòa án xác định bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, việc xác định tình tiết tái phạm không thể tiến hành một cách độc lập mà chúng phải gắn liền với việc xem xét trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Trong khi đó, theo Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, việc tuyên một người có tội thuộc thẩm quyền của Tòa án, việc quyết định hình phạt cũng chỉ do Tòa án tiến hành. Đồng thời, khoản 1 Điều 49 Bộ luật Hình sự chỉ nêu lên dấu hiệu để xác định tái phạm chứ không quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền xác định người phạm tội tái phạm. Cho nên, khi kết án người phạm tội ở lần thứ hai mà Tòa án không xác định người phạm tội tái phạm thì về nguyên tắc khi xét xử tội mới, Tòa án không được áp dụng tái phạm nguy hiểm trong trường hợp này.
Việc hiểu theo cách này sẽ dẫn đến bản án, quyết định của Tòa án kết án người phạm tội ở lần thứ hai phải được xem xét theo trình tự giám đốc thẩm. Khi lần phạm tội thứ 2 được xét xử lại và bản án của Tòa án xác định người phạm tội bị tái phạm đã có hiệu lực pháp luật thì việc xem xét trách nhiệm hình sự của người phạm tội đối với lần phạm tội mới mới chính xác, đảm bảo ý nghĩa của hình phạt và tính công bằng trong việc xử lý trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, người bị kết án và bản án đã kết án đối với họ chưa được xóa án tích. Dấu hiệu này được xác định như trường hợp tái phạm và trường hợp thứ nhất của tái phạm nguy hiểm.
Thứ ba, người phạm tội phạm lại phạm tội do cố ý. Theo đó, tội mới mà người phạm tội phạm phải là bất kỳ tội phạm cụ thể nào, có thể là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Dấu hiệu này chỉ đòi hỏi tội đó là tội do cố ý, không bao hàm tội phạm do vô ý. Đồng thời, tội này do người phạm tội thực hiện sau và được xử sau và lần phạm tội mới này đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm độc lập do Bộ luật Hình sự quy định.
Ngoài việc tuân thủ các dấu hiệu trong từng trường hợp được phân tích bên trên, khi xem xét áp dụng tình tiết tái phạm nguy hiểm đối với người phạm tội, người tiến hành tố tụng cần tuân thủ nguyên tắc được quy định tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật Hình sự. Đó là, những tình tiết “tái phạm nguy hiểm” đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Như vậy, với quy định của Bộ luật Hình sự, các phân tích bên trên, tái phạm, tái phạm nguy hiểm thể hiện tính chất nguy hiểm cho xã hội do hành vi phạm tội gây ra cao hơn so với trường hợp phạm tội không có tình tiết này. Tính nguy hiểm này xuất phát từ dấu hiện nhân thân của người phạm tội. Khi phạm tội mà thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm là thể hiện tính xem thường pháp luật của người phạm tội; thể hiện họ là đối tượng khó cải tạo, giáo dục. Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 3 Bộ luật Hình sự, một trong những nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội là nghiêm trị đối với trường hợp “tái phạm nguy hiểm”. Vì vậy, khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội có tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm thì Tòa án phải quyết định hình phạt ở mức cao để đảm bảo tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung và đảm bảo mục đích của hình phạt.
2. Một số khó khăn, vướng mắc qua thực tiễn áp dụng quy định tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm
Thứ nhất, đối với quy định của Bộ luật Hình sự về tái phạm, tái phạm nguy hiểm
Một là, đối với việc dùng thuật ngữ “tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý” tại điểm a khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự
Điểm a khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự quy định, “Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.”
Trong khi đó, theo khoản 3 Điều 8 Bộ luật Hình sự, “tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”. Đồng thời, nghiên cứu quy định về các tội tại Phần tội phạm cụ thể trong Bộ luật Hình sự, chúng tôi thấy rằng, các tội rất nghiêm trọng có tội được quy định với lỗi cố ý, có tội được quy định với lỗi vô ý nhưng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng thì chỉ có tội được quy định với lỗi cố ý mà không tội được quy định với lỗi vô ý.
Vì vậy, việc dùng thuật ngữ “tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý” là chưa phù hợp với các quy định khác của Bộ luật Hình sự.
Hai là, đối với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự
Điểm b khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự quy định “Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý” là tái phạm nguy hiểm. Như vậy, trong trường hợp người phạm tội thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý vẫn không được xác định là tái phạm nguy hiểm.
Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng, căn cứ vào quy định về phân chia tội phạm tại Điều 8 Bộ luật Hình sự, tội rất nghiêm trọng dù là cố ý hay vô ý thì mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi cũng cao hơn rất nhiều so với tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng do cố ý. Đối với loại tội rất nghiêm trọng do vô ý, nhà làm luật đã có sự cân nhắc khi quy định trách nhiệm hình sự. Cho nên, sẽ là thiếu sót khi xác định người phạm tội đã tái phạm mà lại phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng do cố ý là tái phạm nguy hiểm nhưng người phạm tội đã tái phạm mà lại phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý (tính chất nguy hiểm cho xã hội cao hơn, hình phạt áp dụng nặng hơn) nhưng lại không xem là tái phạm nguy hiểm.
Để khắc phục bất cập này, kiến nghị bổ sung vào điểm b khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự nội dung “tội rất nghiêm trọng do lỗi vô ý”.
Ba là, về phạm vi áp dụng của tình tiết “tái phạm” và tình tiết “tái phạm nguy hiểm”
Khoản 1 Điều 49 Bộ luật Hình sự quy định “Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.” Do quy định này không loại trừ nên dẫn đến cách hiểu trong các trường hợp tái phạm có trường hợp tội cũ là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý và tội mới là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.
Trong khi đó, điểm a khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự quy định tái phạm nguy hiểm là “Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý”.
Như vậy, sẽ có sự trùng lắp giữa quy định tại khoản 1 Điều 49 Bộ luật Hình sự về tái phạm với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự về tái phạm nguy hiểm khi tội cũ là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý và tội mới là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.
Bên cạnh đó, như phân tích bên trên, tội đặc biệt nghiêm trọng không có trường hợp phạm tội do vô ý nên cần bỏ trường hợp này.
Để khắc phục hạn chế này, cần bổ sung vào khoản 1 Điều 49 Bộ luật Hình sự loại trừ trường hợp tái phạm nguy hiểm được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự.
Thứ hai, đối với quy định về thời điểm để xác định xóa án tích
Việc xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm gắn liền với việc áp dụng quy định về xóa án tích. Quy định về xóa án tích được quy định tại các Điều từ Điều 63 đến Điều 67 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, quy định về thời điểm để xóa án tích cũng chưa có quy định thống nhất. Theo khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự thì “Thời hạn để xoá án tích quy định tại Điều 64 và Điều 65 của Bộ luật này căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên”. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 64 Bộ luật Hình sự lại quy định “Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau đây:…” Quy định này đã dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau về thời điểm để xác định xóa án tích. Do đó, để có sự hiểu thống nhất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự cho phù hợp.
Thứ ba, về việc xác định xóa án tích đối với trường hợp người phạm tội chấp hành nhiều bản án trước thời điểm phạm tội mới
Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, có nhiều vụ án, trước khi phạm tội mới (gọi là lần thứ ba), người phạm tội còn phải chấp hành nhiều bản án. Trong đó, việc xem xét trách nhiệm hình sự của người phạm tội trong bản án trước đó (gọi là lần thứ hai) có sử dụng tiền án của bán án đầu (gọi là lần thứ nhất). Trong trường hợp bản án lần thứ hai được chấp hành xong trước bản án lần thứ nhất thì người bị kết án có được xem là đã xóa án tích đối với bản án thứ hai hay không vẫ chưa có sự hiểu, áp dụng thống nhất. Vướng mắc này được thể hiện qua ví dụ sau:
Tháng 02/1995, Nguyễn Văn A bị xử phạt 05 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Năm 2000, A chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa chấp hành xong khoản tiền bồi thường 15 triệu đồng.
Tháng 6/2002, A trộm cắp tài sản trị giá 13,4 triệu đồng nên bị xử phạt 3 năm tù với tình tiết “tái phạm”. Tháng 7/2005, A chấp hành xong bản án nhưng vẫn chưa chấp hành khoản bồi thường 15 triệu đồng của bản án năm 1995.
Tháng 8/2012, A lại trộm cắp tài sản trị giá 6,5 triệu đồng. Trong quá trình giải quyết vụ án, có 02 quan điểm khác nhau về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, hành vi của A là “tái phạm” với lập luận, A đã chấp hành xong bản án năm 2002 nên đã được xóa án tích đối với bản án này. A chưa chấp hành xong khoản tiền bồi thường của bản án năm 1995 nên A phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm” theo điểm g khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự.
Quan điểm thứ hai cho rằng, do A chưa chấp hành xong khoản bồi thường của bản án năm 1995 nên A chưa được xóa án tích của bản án năm 2002. Vì vậy, hành vi phạm tội của A là “tái phạm nguy hiểm” nên A phải chịu trách nhiệm hình sự với tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 138 Bộ luật Hình sự.
Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng, theo quy định tại khoản 3 Điều 67 Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại điểm c Mục 11 Nghị quyết số 01/2000 thì việc chấp hành xong bản án được hiểu là họ phải chấp hành xong mọi quyết định trong bản án đó. Việc bản án viện dẫn những nội dung (kể cả phần quyết định) của các bản án khác để lập luận mà không thể hiện trong phần quyết định của bản án thì việc người bị kết án có chấp hành xong những nội dung được viện dẫn hay không không có ý nghĩa trong việc xem xét người bị kết án có chấp hành xong bản án hay chưa. Trong khi đó, tình tiết A chưa chấp hành xong khoản bồi thường của bản án năm 1995 được nhận định trong bản án 2002 để xác định hành vi phạm tội năm 2002 của A là tái phạm và lượng hình với A (bởi vì, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là một trong những căn cứ quyết định hình phạt được quy định tại Điều 45 Bộ luật Hình sự) mà không phải là một phần trong quyết định của bản án năm 2002.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 67 Bộ luật Hình sự quy định: “Nếu chưa được xoá án tích mà phạm tội mới, thì thời hạn để xoá án tích cũ tính từ ngày chấp hành xong bản án mới.” Quy định này có thể hiểu, việc chấp hành từng bản án (bản án cũ và bản án mới) là độc lập nhau. Trong trường hợp, chưa được xóa án tích mà phạm tội mới thì việc tính thời hạn để xóa án tích của người bị kết án đối với bản án cũ từ thời điểm chấp hành xong bản án mới. Không có trường hợp ngược lại là thời hạn xóa án tích của bản án sau được tính từ thời điểm người phạm tội chấp hành xong cả 02 bản án. Quy định này nhằm nghiêm trị đối với người phạm tội mà không ăn năn, hối cải, tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng, việc xóa án tích cho A đối với bản án năm 2002 không phụ thuộc vào việc A đã chấp hành xong bản án năm 1995 hay chưa. Cho nên, hành vi phạm tội của A thuộc trường hợp “tái phạm” được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự mà không thuộc trường hợp “tái phạm nguy hiểm” nên không thể áp dụng tình tiết định khung cấu thành tăng nặng được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 138 Bộ luật Hình sự đối với A.
Tuy nhiên, để có sự áp dụng thống nhất cần có hướng dẫn cụ chính thức từ liên ngành tư pháp trung ương.
Thứ tư, đối với việc áp dụng tình tiết tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung của 02 tội độc lập
Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự đã phát sinh vướng mắc, khi người phạm tội thực hiện 02 hành vi phạm tội độc lập mà mỗi tội đều quy định tình tiết định khung là tái phạm nguy hiểm và trước đó họ đã tái phạm thì người phạm tội có bị áp dụng tình tiết tái phạm nguy hiểm đối với cả 02 tội hay không vẫn chưa có sự áp dụng thống nhất. Chúng tôi xin nêu vướng mắc này qua vụ án cụ thể như sau:
Khoảng 14 giờ 20 phút ngày 28/7/2014, H.V.Th điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 67Z1 – 7908 đến khu vực tổ 29, khóm 8, phường C.P.A, thành phố C, tỉnh A thấy bà Ng.T.H đang mua lúa, trên vai bà H có đeo túi xách đựng tiền màu trắng xám nên nảy sinh ý định cướp giật. Th dựng xe trên đường (nổ máy sẵn) rồi đi bộ đến gần bà H giả vờ hỏi giá lúa. Khi thấy bà H để túi xách tiền bên hông, Th liền dùng tay phải giật túi xách chạy đến lên xe mô tô định bỏ chạy nhưng xe bị tắt máy. Th bỏ xe lại và cầm túi xách chạy xuống đồng ruộng, lấy tiền giấu vào người, ném bỏ túi xách. Cùng lúc này, do bà H truy hô nên Th bị người dân xung quanh đuổi theo bắt giữ, giao cho Công an phường C.P.A xử lý. Qua kiểm tra, trong túi xách của bà H có 145.120.000 đồng.
Quá trình điều tra còn xác định được, trước đó, khoảng 12 giờ ngày 18/7/2014, Th đến nhà bà V.T.P chơi thì thấy chị V.T.T đang sử dụng máy tính xách tay hiệu Samsung model: NP-RV413 – A01VN nên nảy sinh ý định lấy trộm máy tính đem cầm lấy tiền sử dụng ma túy. Th đưa cho chị T 20.000 đồng nhờ đi mua nước uống. Khi chị T đi, Th liền lấy máy tính đem đến bán cho ông H.V.B với giá 1.000.000 đồng. Số tiền có được Th dùng tiêu xài cá nhân và mua ma tuý sử dụng. Sau đó, chị T đến Công an phường C.P.B trình báo. Theo kết quả định giá của cơ quan chuyên môn, máy vi tính xách tay mà Th chiếm đoạt của chị T có giá 2.500.000 đồng.
Lý lịch của Th thể hiện Th đã 02 lần bị Tòa án kết án nhưng chưa được xóa án tích gồm: Ngày 24/01/2006, Th bị Tòa án nhân dân tỉnh A xử phạt 04 năm tù về tội “Cướp giật tài sản” và tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Đến ngày 12/3/2009, Th chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương.
Ngày 24/6/2010, Th bị Tòa án nhân dân thị xã C (nay là thành phố C) xử phạt 04 năm tù về tội “Cướp giật tài sản”. Ngày 14/02/2014, Th chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương.
Th bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội “Cướp giật tài sản” theo quy định tại các điểm c (tái phạm nguy hiểm), g khoản 2 Điều 136 và tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại điểm c (tái phạm nguy hiểm) khoản 2 Điều 138 Bộ luật Hình sự. Xung quanh việc áp dụng tình tiết tái phạm nguy hiểm đối với Th đối với cả 02 tội đã có sự không thống nhất, cụ thể như sau:
Quan điểm thứ nhất, thống nhất với việc áp dụng tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm” đối với cả 02 tội. Bởi vì, tình tiết “tái phạm nguy hiểm” đều là tinh tiết định khung của cả 02 tội nên không vi phạm quy định về áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm nguy hiểm” được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự. Hơn nữa, tại mục 13 Phần I Công văn số 16/1999/KHXX ngày 01/02/1999 của Tòa án nhân dân tối cao về một số vấn đề về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính và tố tụng (sau đây được viết tắt là Công văn số 16), “Đối với bị cáo là tái phạm nguy hiểm, cùng một lúc phạm hai tội, thì phải áp dụng tình tiết “tái phạm nguy hiểm” đối với cả hai tội (nếu điều luật quy định “tái phạm nguy hiểm” là tình tiết định khung hình phạt, thì áp dụng là tình tiết định khung hình phạt, nếu điều luật không quy định “tái phạm nguy hiểm” là tình tiết định khung hình phạt, thì áp dụng là tình tiết tăng nặng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 39 Bộ luật hình sự).” Cho nên, cần áp dụng tình tiết “tái phạm nguy hiểm” đối với 02 tội mà Th đã phạm.
Quan điểm thứ hai cho rằng, Th phạm 02 tội, trong đó, tội “Trộm cắp tài sản” được thực hiện trước nên Th chỉ phải chịu tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm” đối với tội “Trộm cắp tài sản”. Do 02 tiền án đã được sử dụng làm tình tiết định khung của tội “Trộm cắp tài sản” nên Th không phải chịu thêm tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm” đối với tội “Cướp giật tài sản”.
Theo chúng tôi, mục 13 Phần I Công văn số 16 chỉ hướng dẫn áp dụng tình tiết “tái phạm nguy hiểm” cho cả 02 tội khi người phạm tội “cùng một lúc phạm hai tội”, có nghĩa rằng, cơ quan, người tiến hành tố tụng không thể xác định tội nào thực hiện trước, tôi nào thực hiện sau chứ không phải cả hai tội được đưa ra xét xử cùng lúc. Cho nên, trong trường hợp nếu xác định được tội nào trước, tội nào sau thì cơ quan, người tiến hành tố tụng chỉ được áp dụng tình tiết “tái phạm nguy hiểm” đối với 01 tội, theo chúng tôi nên áp dụng đối với tội thực hiện trước. Vì vậy, trong vụ án trên, chúng tôi thống nhất với quan điểm thứ hai. Tuy nhiên, để có sự áp dụng thống nhất, cần có hướng dẫn cụ thể của liên ngành tư pháp trung ương về trường hợp này.
Thứ năm, về việc sử dụng tiền án làm tình tiết định tội, định khung hình phạt của 02 tội độc lập
Trong thực tiễn, khi người phạm tội có 02 tiền án, đã tái phạm lại phạm 02 tội khác nhau. Trong đó, một tội có sử dụng tiền án làm tình tiết định tội và một tội có quy định tình tiết tái phạm nguy hiểm thì cơ quan, người tiến hành tố tụng có được áp dụng các tiền án làm tình tiết đinh tội, định khung của 02 tội khác nhau hay không vẫn chưa có sự áp dụng thống nhất. Chúng tôi xin nêu những quan điểm khác nhau qua ví dụ như sau:
Khoảng 03 giờ 30 phút ngày 05/12/2014, Th.M.T điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 53R6 – 4697 trên đường Ng.V.Th, nhìn thấy bà B.Th.T.N đang ngồi trên xe lôi đạp do ông Tr.V.V điều khiển hướng từ chợ C đến phường N.S, bên trái bà N có 01 giỏ xách tay màu nâu (bên trong có 5.540.000 đồng; chiếc giỏ không còn giá trị sử dụng) nên T nảy sinh ý định giật túi xách của bà N. T điều khiển xe mô tô chạy phía sau xe ông V. Khi đến khu vực khóm C.Th.1, phường C.P.B, thành phố C, tỉnh A, T áp sát bên trái xe lôi, dùng tay giật túi xách rồi tăng ga tẩu thoát. Sau khi chiếm đoạt, T đã tiêu xài hết số tiền này.
Qua điều tra, xác định trước đó, vào khoảng 02 giờ ngày 21/11/2014, T điều khiển xe đạp đến khu vực tổ 01, khóm C.L.5, phường C.P.B, thành phố C tìm tài sản lấy trộm. Khi đến nơi, T phát hiện cửa ra vào tầng 01 nhà bà H.Th.N không khóa. T trèo lên mái nhà dân cạnh bên rồi chuyền sang tầng 2, đột nhập vào nhà bà N lấy trộm 01 điện thoại di động. Sau đó, T bán 02 tài sản này được 500.000 đồng rồi tiêu xài cá nhân hết số tiền này. Theo kết quả định giá của cơ quan chuyên môn, 01 điện thoại di động mà T chiếm đoạt có giá 1.600.000 đồng.
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với T đã tồn tại 02 quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, hành vi của T đã phạm tội “Cướp giật tài sản” theo quy định tại các điểm c, d khoản 2 Điều 136 và tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự. Bởi vì, tài sản mà T lén lút chiếm đoạt có giá trị dưới 2.000.000 đồng nên 02 tiền án mà T phạm trước đó được sử dụng làm tình tiết định tội. Cho nên, hành vi lén lút chiếm đoạt 01 điện thoại di động của T đã đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự. Đối với hành vi chiếm đoạt tiền của bà N, tài sản mà T chiếm đoạt là 5.540.000 đồng. Do trước đó T có 02 tiền án nên T phải chịu chịu tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm” được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 136 Bộ luật Hình sự. Việc sử dụng 02 tiền án làm tình tiết định tội và tình tiết định khung của 02 tội khác nhau là không trái quy định tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật Hình sự.
Quan điểm thứ hai cho rằng, hành vi của T đã phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 138 và tội “Cướp giật tài sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 136 và tội Bộ luật Hình sự. Bởi vì, 02 tiền án của T đã được sử dụng làm dấu hiệu “đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” để xem xét trách nhiệm hình sự T về tội “Trộm cắp tài sản”. Cho nên, không thể 01 lần nữa sử dụng 02 tiền án này làm tính tiết định khung hình phạt “tái phạm nguy hiểm” đối với tội “Cướp giật tài sản” vì như vậy sẽ gây bất lợi cho người phạm tội.
Theo quan điểm của chúng tôi, hiện nay, chưa có hướng dẫn chính thức về vấn đề này. Tuy nhiên, theo các điểm a, b tiểu mục 7.3 mục 7 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự (sau đây được viết tắt là Nghị quyết số 01/2006) thì
“a) Trường hợp các tiền án của bị cáo đã được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm “đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” thì các tiền án đó không được tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm đối với bị cáo.
b) Trường hợp các tiền án của bị cáo không được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm “đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” vì hành vi phạm tội của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các tiền án của bị cáo phải tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm.”
Đồng thời, trong trường hợp 02 tội này được giải quyết độc lập thì T không thể bị áp dụng 02 tiền án này 02 lần. Vì vậy, theo hướng có lợi cho người phạm tội và nguyên tắc 01 tình tiết không thể áp dụng 02 lần thì việc xử lý T theo quan điểm thứ hai là phù hợp.
Thứ sáu, đã tái phạm nguy hiểm chưa được xóa án tính mà tiếp tục phạm tội do cố ý thì có thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm hay không
Hiện nay, trường hợp này nảy sinh nhiều qua thực tiễn đấu tranh, phòng chống tội phạm nhưng chưa có sự áp dụng thống nhất. Quan điểm thứ nhất cho rằng, tái phạm nguy hiểm được quy định tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự. Trong 02 trường hợp mà khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự quy định không có trường hợp đã tái phạm nguy hiểm chưa được xóa án tích mà tiếp tục phạm tội do cố ý là tái phạm nguy hiểm. Cho nên, theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, trong trường hợp này, không nên áp dụng tình tiết tái phạm nguy hiểm đối với người phạm tội.
Quan điểm thứ hai cho rằng, điểm b khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự quy định “Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý” là tái phạm nguy hiểm. Một người đã tái phạm nguy hiểm chưa được xóa án tích mà tiếp tục phạm tội do cố ý thì tính nguy hiểm cho xã hội do hành vi của họ gây ra còn cao hơn. Cho nên, cần áp dụng tình tiết tái phạm nguy hiểm đối với người phạm tội trong trường hợp này.
Theo chúng tôi, tái phạm nguy hiểm là dạng đặc biệt của tái phạm, thể hiện tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn trường hợp tái phạm với các căn cứ do Bộ luật Hình sự quy định. Trong 02 trường hợp được xác định là tái phạm nguy hiểm được quy định tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự thì điểm b quy định “Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý”. Mặc dù, quy định này chỉ đề cập đến tái phạm mà không đề cập đến tái phạm nguy hiểm nhưng tái phạm nguy hiểm là một dạng của tái phạm. Cho nên, cần phải xác định đã tái phạm nguy hiểm chưa được xóa án tính mà tiếp tục phạm tội do cố ý cũng thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm.
Tuy nhiên, để có sự áp dụng thống nhất cần có hướng dẫn chính thức từ liên ngành tư pháp trung ương.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện
Để khắc phục các vướng mắc, bất cập bên trên, chúng tôi kiến nghị một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần sửa đổi, bổ sung nội dung của Điều 49 Bộ luật Hình sự để đảm bảo logic, ngữ nghĩa, tránh những cách hiểu khác nhau. Theo đó, Điều 49 Bộ luật Hình sự cần có nội dung như sau:
“Điều 49. Tái phạm, tái phạm nguy hiểm
1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý, trừ trường hợp được quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng do cố ý, tội đặc biệt nghiêm trọng, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý, tội đặc biệt nghiêm trọng;
b) Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do cố ý hoặc tội rất nghiêm trọng do vô ý.
Người đã tái phạm nguy hiểm mà lại phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do cố ý hoặc tội rất nghiêm trọng do vô ý vẫn thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm.”
Thứ hai, để có sự hiểu thống nhất về thời điểm xóa án tích, kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự với nội dung như sau:
“1. Thời hạn để xoá án tích quy định tại Điều 64 và Điều 65 của Bộ luật này căn cứ vào thời điểm chấp hành xong bản án”.
Thứ ba, đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 67 Bộ luật Hình sự nội dung quy định về việc xóa án tích đối với 02 bản án có liên quan với nhau như sau:
“2. Nếu chưa được xoá án tích mà phạm tội mới, thì thời hạn để xoá án tích cũ tính từ ngày chấp hành xong bản án mới.
Trong trường hợp bản án cũ và bản án mới có liên quan với nhau thì việc xác định thời hạn chấp hành bản án mới không phụ thuộc vào việc bản án cũ có được chấp hành xong hay chưa.”
Thứ tư, kiến nghị Liên ngành Tư pháp trung ương hướng dẫn để có sự áp dụng thống nhất các trường hợp sau:
Một là, việc xem xét áp dụng tình tiết tái phạm nguy hiểm đối với nhiều tội thực hiện cùng lúc và không cùng lúc như sau:
“Trong trường hợp người phạm tội thực hiện cùng lúc nhiều tội và khi thực hiện các tội này họ thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm thì phải áp dụng tình tiết “tái phạm nguy hiểm” đối với tất cả các tội đó (nếu điều luật quy định “tái phạm nguy hiểm” là tình tiết định khung hình phạt, thì áp dụng là tình tiết định khung hình phạt, nếu điều luật không quy định “tái phạm nguy hiểm” là tình tiết định khung hình phạt, thì áp dụng là tình tiết tăng nặng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự).
Trong trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều tội không cùng lúc (có tội thực hiện trước, tội thực hiện sau) nhưng các tội đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự cùng lúc và khi thực hiện các tội này người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm thì chì được áp dụng tình tiết “tái phạm nguy hiểm” đối với tội được thực hiện sớm nhất trong số các tội đó.”
Hai là, về việc sử dụng tiền án làm tình tiết định tội, định khung hình phạt của nhiều tội độc lập, kiến nghị hướng dẫn như sau:
“Đối với trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều tội cùng lúc hoặc thực hiện nhiều tội không cùng lúc nhưng bị truy cứu trách nhiệm hình sự cùng lúc thì tiền án đã được sử dụng làm tình tiết định tội của tội này thì không được sử dụng làm tình tiết định khung hình phạt hoặc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội khác và ngược lại.”
Tóm lại, người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm là thể hiện sự xem thường pháp luật. Cho nên, cần phải xử lý nghiêm hành vi phạm tội của họ. Bên cạnh mặt tích cực, quy định của pháp luật hình sự về tái phạm, tái phạm nguy hiểm còn chứa đựng những vướng mắc, bất cập làm ảnh hưởng đến công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm; quyền và lợi ích hợp pháp của người phạm tội. Với những vấn đề được nêu trong bài viết, tác giả hy vọng góp phần làm rõ quy định của pháp luật hình sự, những vướng mắc, bất cập liên quan đến 02 tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm và khắc phục những bất cập, vướng mắc gặp phải trong thực tiễn áp dụng 02 tình tiết này.