Thi hành án dân sự: Thiết chế đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN vì Nhân dân

05/06/2015
 

Với mục tiêu xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta từ nay đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đảng và Nhà nước ta đã ngày càng nhận thức một cách sâu sắc và đầy đủ về yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ luận thuyết cốt lõi của C.Mác về “biến nhà nước từ cơ quan đứng trên xã hội thành cơ quan hoàn toàn phục tùng xã hội” và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một nền dân chủ XHCN chân chính, thực sự, “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, kế thừa đường lối, chính sách của Đảng đã được đề ra trước đây, dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng ta đã tiếp tục khẳng định quyết tâm đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, một mô hình Nhà nước hoạt động trên cơ sở pháp luật với một nền pháp chế dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm sự phát triển tối đa và toàn diện của con người.

Tiếp nối những thành tựu nổi bật về phát huy dân chủ XHCN, bảo vệ quyền con người, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đã đạt được sau 30 năm Đổi mới,  Mục XIV dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng đã tiếp tục xác định “xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”. Trong Nhà nước pháp quyền XHCN đó, yêu cầu quản lý xã hội theo pháp luật; tôn trọng, thượng tôn pháp luật, công lý, lẽ phải, lẽ công bằng; tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển của mỗi người là một yêu cầu quan trọng, thiết yếu. Đặc biệt, Nhà nước pháp quyền XHCN phải giữ vai trò góp phần kiến tạo, tạo dựng một không gian chính trị - pháp lý nhằm đảm bảo và phát huy các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền được sống trong một xã hội trật tự, ổn định, dựa trên nền tảng những giá trị cơ bản của công lý, lẽ phải, lẽ công bằng.         

Thi hành án dân sự là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, duy trì ổn định, trật tự kỷ cương xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế đất nước. Đây là một trong những giai đoạn, hoạt động đặc trưng nhất mà Nhà nước XHCN khi thực hiện “thiên chức pháp quyền” của mình, đó là yêu cầu thượng tôn pháp luật đối với toàn xã hội, yêu cầu đảm bảo cụ thể hóa, hiện thực hóa những giá trị lớn lao của công lý, lẽ phải, lẽ công bằng, từ đó góp phần quan trọng vào việc bồi đắp ý chí, quyết tâm, giữ vững niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo “mạnh mẽ và sáng suốt” của Đảng, Chính phủ.

Trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN vì Nhân dân và yêu cầu thượng tôn pháp luật, Điều 32 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: Pháp luật bảo hộ mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế. Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định: Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tiếp theo, Điều 106 Hiến pháp năm 2013 khẳng định Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực thi hành phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành.

Để đảm bảo những yêu cầu nói trên, ngày 14 tháng 11 năm 2008, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Thi hành án dân sự; ngày 25 tháng 11 năm 2014 Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Đồng thời với việc luật hóa nhiệm vụ thi hành án dân sự, ngày 14 tháng 11 năm 2008, tại Nghị quyết số 24/2008/QH12, Quốc hội đã phê duyệt chủ trương triển khai thực hiện xã hội hóa một số công việc có liên quan đến thi hành án dân sự và giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên) tại một số địa phương. Việc thí điểm được thực hiện từ ngày Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành đến ngày 01 tháng 7 năm 2012. Ngày 23 tháng 11 năm 2012, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại với phạm vi rộng hơn, qua đó đã tiếp tục khẳng định vị trí, tầm quan trọng của công tác thi hành án dân sự trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đồng thời tạo sự bảo đảm vững chắc cho việc bảo đảm quyền được thực thi công lý đang ngày càng bức xúc trong Nhân dân.

Từ góc nhìn của Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự, một thiết chế đặc trưng của việc bảo đảm thực thi pháp luật, thực thi công lý, Chi bộ Văn phòng Tổng cục ủng hộ mạnh mẽ quyết tâm chính trị về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, các phương hướng nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN được trình bày tại dự thảo Báo cáo chính trị. Tuy nhiên, dự thảo Báo cáo cũng cần làm sâu sắc hơn một số nội dung sau:

Thứ nhất, tại mục XIV dự thảo Báo cáo chính trị về hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cần thể hiện một cách sâu sắc và lan tỏa hơn tinh thần thượng tôn pháp luật trong một xã hội dựa trên nền tảng pháp quyền. Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN đòi hỏi phải xây dựng được vị trí tối thượng thực sự của pháp luật trong đời sống xã hội, phải tạo thói quen và nếp sống tôn trọng pháp luật trong cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục Nhân dân tuân thủ pháp luật, Nhà nước phải có những cơ chế, thiết chế mạnh mẽ và hiệu quả để đảm bảo pháp luật được thực thi, công lý, công bằng, lẽ phải được bảo vệ. Đây chính là “đạo lý”, “lý lẽ” cho sự hình thành của Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự trong lịch sử Nhà nước cách mạng nhân dân và sẽ là động lực cho sự phát triển, vươn lên của toàn Hệ thống trong thời gian tới.

Thứ hai, dự thảo Báo cáo cần tiếp tục làm sâu sắc hơn yêu cầu “tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân” theo hướng khẳng định rõ hơn công lý là một giá trị thiêng liêng và là một giá trị phổ quát của toàn xã hội, do đó, phải được tôn trọng và bảo vệ, Nhà nước phải tìm ra và ban hành được những cơ chế hữu hiệu, trong đó có cả cơ chế xã hội hóa, huy động toàn xã hội cùng tham gia, để có thể bảo vệ công lý ở một mức độ tốt nhất. Đây chính là cơ sở để chế định thừa phát lại trong công tác thi hành án dân sự được triển khai một cách nghiêm túc, triệt để, toàn diện, đầy đủ.

Thứ ba, trong thời gian qua, Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự đã tích cực tham gia cùng Chính phủ tập trung xử lý vấn đề nợ xấu, góp phần thực hiện có hiệu quả các nghị quyết về phát triển kinh tế- xã hội hàng năm của Quốc hội và Chính phủ. Mục IV dự thảo Báo cáo về hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã xác định Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đề nghị dự thảo Báo cáo có sự cân nhắc, ghi nhận rõ nét hơn sự đóng góp của các công cụ, thiết chế pháp lý vào việc thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế nước ta trong thời gian tới./.

Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Bí thư Chi bộ Văn phòng Tổng cục