Ngày 20/6/2012, Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tại kỳ họp thứ 3 đã chính thức thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính (viết tắt Luật XLVPHC năm 2012), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014. So với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2007, 2008), Luật XLVPHC năm 2012 có rất nhiều quy định mới trong hình thức xử lý, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính,… mà theo đó, đáng chú ý nhất là quy định cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực như: An toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội. Cụ thể, việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 72 Luật XLVPHC năm 2012, như sau:
“1. Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.
2. Nội dung công bố công khai bao gồm cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.
3. Việc công bố công khai được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính.”
Tại Điều 8 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, mà theo đó, có quy định việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, như sau:
“1. Đối với các trường hợp vi phạm phải được công bố công khai theo quy định tại Khoản 1 Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người đã ra quyết định xử phạt gửi văn bản về việc công bố công khai và bản sao quyết định xử phạt vi phạm hành chính đến người phụ trách báo hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt.
2. Nội dung thông tin công bố công khai gồm: Họ, tên, địa chỉ nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm hành chính; hậu quả hoặc ảnh hưởng của hành vi vi phạm; hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và thời gian thực hiện.
3. Người phụ trách báo hoặc trang thông tin điện tử khi nhận được văn bản đề nghị công khai thông tin có trách nhiệm đăng đầy đủ các nội dung thông tin cần công khai.
4. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin công bố công khai; có trách nhiệm đính chính thông tin sai lệch trong vòng 01 ngày làm việc, kể từ thời điểm phát hiện hoặc nhận được yêu cầu đính chính. Chi phí cho việc đính chính do cơ quan, đơn vị của người đã ra quyết định xử phạt chi trả. Người phụ trách báo hoặc trang thông tin điện tử đăng thông tin phải thực hiện việc đăng tin đính chính trong thời hạn 01 ngày làm việc trên trang thông tin điện tử hoặc số báo tiếp theo, kể từ thời điểm nhận được yêu cầu.
Trong trường hợp trang thông tin điện tử hoặc báo đăng không chính xác các thông tin quy định tại Khoản 2 Điều này, thì phải đính chính đúng chuyên mục hoặc vị trí đã đăng thông tin sai lệch trong thời hạn 01 ngày làm việc trên trang thông tin điện tử hoặc số báo tiếp theo và phải chịu chi phí cho việc đính chính.
5. Trường hợp việc công bố công khai việc xử phạt không thể thực hiện đúng thời hạn vì những lý do bất khả kháng thì người có thẩm quyền công bố công khai phải báo cáo thủ trưởng cấp trên trực tiếp và công bố công khai việc xử phạt ngay sau khi sự kiện bất khả kháng đã được khắc phục.
6. Kinh phí thực hiện công bố công khai được lấy từ kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị nơi người đã ra quyết định thực hiện công bố công khai.”
Ngoài ra, để áp dụng thống nhất các quy định của Luật XLVPHC năm 2012 vào thực tiễn đời sống xã hội, trong từng lĩnh vực được đề cập tại Điều 72 của Luật này, văn bản quy phạm pháp luật dưới dạng nghị định, thông tư được ban hành, cụ thể như:
-Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
- Nghị định 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.
-Nghị định số 92/2011/NĐ-CP ngày 17/10/2011 của Chính phủ, về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế.
-Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
-Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
-Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng và kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
-Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
-Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ, quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
-Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
-Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
-Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Thông tư số 02/2014/TT-BXD ngày 12/02/2014 của Bộ Xây dựng, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 212/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng và kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
- Thông tư số 19/2014/TT-BKHCN ngày 01/7/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ, hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
-Thông tư 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính , quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế
…
Nhưng qua nghiên cứu thấy rằng, do tính chất đặc thù và sự phức tạp của từng lĩnh vực cụ thể, nên Luật XLVPHC năm 2012 không quy định riêng một điều luật để giải thích thế nào là “gây hậu quả lớn” hoặc “gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội” mà nội dung này sẽ được cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trên lĩnh vực đó có quy định cụ thể. Tuy nhiên, Luật XLVPHC năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013 cho đến nay đã gần 02 năm, nhưng vẫn còn nhiều bộ, ngành liên quan vẫn chưa ban hành Thông tư quy định chi tiết xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực mình phụ trách trong đó có nội dung thế nào, trường hợp vi phạm nào được coi là “gây hậu quả lớn” hoặc “gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội” để cùng với việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, còn phải thực hiện việc công bố, công khai vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm gây ra hậu quả lớn hoặc gây ra dư luận xấu cho xã hội, sự chậm trễ này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng ở cấp cơ sở.
Về lĩnh vực thuế, theo quy định tại khoản 6 Điều 9 Luật Quản lý thuế năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012): “Xử phạt vi phạm pháp luật về thuế theo thẩm quyền; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế” và theo quy định tại Điều 74 Luật Quản lý thuế năm 2006, cơ quan thuế được công khai các thông tin vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế trong các trường hợp mà người nộp thuế trốn thuế, gian lận thuế, chây ỳ không nộp tiền thuế đúng thời hạn; vi phạm pháp luật về thuế làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ nộp thuế của tổ chức, cá nhân khác; không thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật. Mặt khác, theo quy định tại Điều 47 Nghị định 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, mà theo đó, việc công khai thông tin vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế, như sau: “Cơ quan quản lý thuế được công khai thông tin vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế trong các trường hợp sau:
1. Trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, mua bán hóa đơn bất hợp pháp, làm mất hóa đơn, vi phạm pháp luật về thuế rồi bỏ trốn khỏi trụ sở kinh doanh, tiếp tay cho hành vi trốn thuế, không nộp tiền thuế đúng thời hạn sau khi cơ quan quản lý thuế đã áp dụng các biện pháp xử phạt, cưỡng chế thu nợ thuế.
2. Các hành vi vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ nộp thuế của tổ chức, cá nhân khác.
3. Không thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật, như: Từ chối không cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan quản lý thuế; không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra và các yêu cầu khác của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
4. Chống, ngăn cản công chức thuế, công chức hải quan thi hành công vụ.
5. Các thông tin khác được công khai theo quy định của pháp luật.”
Như vậy việc công khai thông tin vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế chỉ được thực hiện sau khi đã làm đúng quy trình việc quyết định xử phạt, cưỡng chế thu nợ. Việc thực hiện đúng quy trình ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, theo các quy định từ Điều 21 đến Điều 23 và từ Điều 25 đến Điều 28 của Thông tư 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính , quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, mà theo đó, từ khi phát hiện vi phạm thì cơ quan thuế phải buộc tổ chức, cá nhân chấm dứt hành vi vi phạm (bằng lời nói hoặc văn bản); lập biên bản vi phạm; cá nhân, tổ chức được quyền giải trình trong vòng năm ngày; người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt trong vòng bảy ngày. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 32 của Thông tư 166/2013/TT-BTC thì việc công bố, công khai thông tin vi phạm hành chính về thuế được thực hiện như sau:
“1. Cơ quan thuế công bố, công khai thông tin vi phạm hành chính về thuế của người nộp thuế trong các trường hợp sau:
a) Trốn thuế, gian lận thuế, tiếp tay cho hành vi trốn thuế.
b) Không thực hiện các yêu cầu của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật như: từ chối không cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan thuế; không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra và các yêu cầu khác của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về thuế có trách nhiệm công bố, công khai vi phạm hành chính về thuế trong trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Việc công bố công khai được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ hoặc cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính về thuế.
Trường hợp, người có thẩm quyền xử phạt là Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thì việc công bố, công khai thông tin vi phạm hành chính về thuế được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc báo của Bộ Tài chính hoặc trang thông tin điện tử hoặc tạp chí thuế của Tổng cục Thuế. Trường hợp, người có thẩm quyền xử phạt là Cục trưởng Cục Thuế, Chi cục trưởng Chi cục Thuế, Đội trưởng Đội Thuế thì việc công bố, công khai thông tin vi phạm hành chính về thuế được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc bản tin thuế của Cục Thuế hoặc trang thông tin điện tử hoặc báo cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính về thuế.
4. Nội dung công bố, công khai bao gồm: họ tên, địa chỉ nghề nghiệp của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm hành chính về thuế, lĩnh vực hoạt động, kinh doanh chính; hành vi vi phạm hành chính về thuế hoặc lý do công bố, công khai; hậu quả do vi phạm gây ra hoặc ảnh hưởng của hành vi vi phạm; hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và thời hạn thực hiện.
5. Về trách nhiệm đăng thông tin của người phụ trách báo hoặc trang thông tin điện tử; trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị về thông tin công bố, trình tự, thủ tục thực hiện công bố, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.”
Như vậy riêng lĩnh vực về thuế với nội dung các văn bản pháp luật hiện hành vừa nêu, để thực hiện việc công bố, công khai cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính pháp luật về thuế được coi là “gây hậu quả lớn” hoặc “gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội”, khi người nộp thuế có hành vi: i) Trốn thuế, gian lận thuế, tiếp tay cho hành vi trốn thuế. ii) Không thực hiện các yêu cầu của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật như: từ chối không cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan thuế; không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra và các yêu cầu khác của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật. Vấn đề đặt ra cần nghiên cứu thêm đối với cơ quan quản lý thuế, đó là, chỉ cần người nộp thuế có hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tiếp tay cho hành vi trốn nộp thuế thì được coi là “gây hậu quả lớn” mà không cần định lượng cụ thể cho mỗi trường hợp trốn thuế hoặc gian lận thuế hoặc tiếp tay cho hành vi trốn thuế hay phải cần có quy định cụ thể để tránh việc tùy tiện trong áp dụng. Nghĩa là, để bị coi là “gây hậu quả lớn” trong lĩnh vực thuế, như người nộp thuế có hành vi trốn thuế với số tiền là bao nhiêu hoặc tuy dưới định mức đó nhưng thuộc trường hợp vi phạm nhiều lần,… hoặc người nộp thuế có hành vi gian lận thuế hay tiếp tay cho hành vi trốn thuế thì số tiền gian lận thuế hoặc tiếp tay cho hành vi trốn thuế quy định cho mỗi trường hợp vi phạm đó là bao nhiêu; hoặc tuy dưới mức định đó nhưng thuộc trường hợp tái phạm,…Hay được coi là “gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội” khi và chỉ khi người nộp thuế có hành vi không thực hiện đầy đủ các yêu cầu của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật như: từ chối không cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan thuế; không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra và các yêu cầu khác của cơ quan quản lý thuế hay chỉ cần người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi được liệt kê trên là coi như đã gây ra dư luận xấu cho xã hội? Và tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm ra sao thì mới thỏa mãn điều kiện áp dụng tình tiết gây ra dư luận xấu cho xã hội, để thực hiện việc công bố, công khai vi phạm…Ranh giới phân biệt đâu là tình tiết gây hậu quả lớn với tình tiết gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội trong lĩnh vực thuế. Rất tiếc, những vấn đề này nội dung quy định tại Thông tư 166/2013/TT-BTC cũng không quy định rõ, từ đó dễ gây nhầm lẫn, tùy tiện trong quá trình áp dụng.
Một quan điểm khác về nhận thức quy định Điều 72 Luật XLVPHC năm 2012 cho rằng, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các Điều 38, Điều 39, Điều 40, Điều 41, Điều 42, Điều 43, Điều 44, Điều 45, Điều 46, Điều 47, Điều 50 Luật XLVPHC năm 2012 nhưng không có điều khoản nào quy định hình thức công bố, công khai danh tính của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính mà “gây hậu quả lớn” hoặc “gây ảnh hưởng xấu về dự luận xã hội”. Về các loại hình thức xử phạt vi phạt hành chính, Điều 21 Luật XLVPHC năm 2012, có quy định các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng, bao gồm:
“1. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính);
đ) Trục xuất.
2. Hình thức xử phạt quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính.
Hình thức xử phạt quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này có thể được quy định là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính.
3. Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính; có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 1 Điều này. Hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính”.
Về các biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng, Điều 28 Luật XLVPHC năm 2012, có quy định:
“1. Các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
b) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
c) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;
d) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện;
đ) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;
e) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;
g) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;
h) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;
i) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;
k) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định.
2. Nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Đối với mỗi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng độc lập trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 65 của Luật này.”
Với quy định tại Điều 21 và Điều 28 Luật XLVPHC năm 2012 như trên, có thể hiểu rằng, đối với mỗi vi phạm hành chính, chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, chỉ có thể áp dụng một hình thức xử phạt chính (cảnh cáo hoặc phạt tiền), tùy từng trường hợp cụ thể mà cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính, là: tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; trục xuất). Ngoài ra, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạt hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC năm 2012. Như vậy, vấn đề đặt ra việc cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai trên trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính về việc xử phạt đối với những trường hợp vi phạm mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội, thì hình thức công bố công khai đó thuộc loại hình thức xử phạt nào? Rõ ràng không là hình thức xử phạt chính, cũng không là hình thức xử phạt bổ sung, lại càng không thuộc các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm. Mặc dù Điều 72 Luật XLVPHC năm 2012 có quy định trách nhiệm công bố công khai, nhưng lại không có quy định dẫn chiếu đến điều luật nào của Luật XLVPHC hoặc quy phạm pháp luật cụ thể nào khác để làm căn cứ pháp lý khi áp dụng, hơn nữa, việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với doanh nghiệp bị xử phạt hành chính rõ ràng có ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu, uy tín và xa hơn là sự tồn vong của doanh nghiệp đó trên thương trường. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp có vi phạm hành chính sẽ dễ dàng chấp nhận hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm với mức cao nhất theo quy định của pháp luật còn hơn tuy chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức không phải là tối đa nhưng lại bị nêu tên tuổi của doanh nghiệp mình trên các mặt báo, cổng thông tin điện tử, …điều đó làm cho họ bị thiệt hại còn nặng nề hơn gấp nhiều lần so với số tiền phải nộp phạt, vì chính sự nêu tên đó họ sẽ dần mất hết đối tác, cổ phiếu doanh nghiệp đó sẽ bị rớt giá thê thảm và tất nhiên việc phá sản công ty, doanh nghiệp của họ vấn đề chỉ còn là thời gian mà thôi.
Hơn nữa, nếu so sánh quy định việc công bố, công khai đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính hiện nay giữa cơ quan thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành và cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Luật XLVPHC năm 2012 chưa thống nhất, cụ thể theo quy định tại Điều 39 Luật Thanh tra năm 2010 có quy định về việc công khai kết luận thanh tra, như sau:
“1. Kết luận thanh tra phải được công khai, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Hình thức công khai kết luận thanh tra bao gồm:
a) Công bố tại cuộc họp với thành phần bao gồm người ra quyết định thanh tra, Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc tổ chức họp báo;
b) Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
c) Đưa lên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp;
d) Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra;
đ) Cung cấp theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
…
4. Chính phủ quy định chi tiết việc công khai kết luận thanh tra theo các hình thức quy định tại khoản 2 Điều này.”
Điều 46 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra, có quy định về công khai kết luận thanh tra, như sau:
“1. Kết luận thanh tra phải được công khai, trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật nhà nước.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra kết luận thanh tra có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận thanh tra.
3. Việc công khai kết luận thanh tra theo những hình thức quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Thanh tra được thực hiện như sau:
a) Công bố tại cuộc họp với thành phần gồm người ra quyết định thanh tra hoặc người được ủy quyền, đại diện Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
b) Ngoài việc công khai kết luận thanh tra theo Điểm a Khoản 3 Điều này, người ra kết luận thanh tra lựa chọn ít nhất một trong các hình thức: thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; đưa lên Trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra. Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng gồm báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử. Thời gian thông báo trên báo nói, báo điện tử ít nhất là 02 lần; trên báo hình ít nhất 02 lần phát sóng; trên báo viết ít nhất 01 số phát hành.
Thông báo trên Trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp ít nhất là 05 ngày liên tục. Thời gian niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra ít nhất là 05 ngày.
Việc niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra do đối tượng thanh tra thực hiện. Thời gian niêm yết ít nhất là 15 ngày liên tục.
4. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm cung cấp kết luận thanh tra cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra.
Căn cứ vào phạm vi trách nhiệm thực hiện kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra cung cấp một phần hay toàn bộ kết luận thanh tra cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.”.
Theo quy định này, kết luận thanh tra được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng gồm báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử (có thể là báo của địa phương hoặc báo của trung ương quản lý). Thời gian thông báo trên báo nói, báo điện tử ít nhất là 02 lần; trên báo hình ít nhất 02 lần phát sóng; trên báo viết ít nhất 01 số phát hành. Thông báo trên Trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp ít nhất là 05 ngày liên tục. Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 của Nghị định 81/2013/NĐ-CP thì: “…báo hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm”. Rõ ràng giữa 02 quy định trên về cùng một vấn đề đã có sự không tương thích với nhau, dù biết rằng Luật XLVPHC năm 2012 được ban hành sau Luật Thanh tra, nên rất cần sự xem xét sửa đổi một số quy định của Luật Thanh tra để các quy định của hai văn bản này thật sự phù hợp với nhau.
Theo quan điểm của người viết, trong điều kiện nền kinh tế thị trường các doanh nghiệp phải cạnh tranh nhau quyết liệt để tồn tại, phát triển là điều tất yếu, do vậy, bên cạnh cùng với việc áp dụng quy định về các hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính mà Luật XLVPHC năm 2012 có quy định để xử lý đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, thì còn có thể công bố, công khai tên của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính mà “gây hậu quả lớn” hoặc “gây ảnh hưởng xấu dư luận xã hội” là điều cần thiết. Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu xây dựng cơ sở pháp lý thật vững chắc cho việc áp dụng hình thức công bố công khai và cũng cần quy định thật rõ ràng, minh bạch trong từng lĩnh vực cụ thể mà khoản 1 Điều 72 Luật XLVPHC năm 2012 quy định, càng chi tiết càng cụ thể bao nhiêu thì càng dễ dàng trong áp dụng bấy nhiêu, hiệu quả càng chính xác bấy nhiêu, sẽ tránh được tiêu cực và nhất là tránh được sự tùy tiện trong áp dụng.
Th.S Lê Văn Sua
Điều 9. Quyền hạn của cơ quan quản lý thuế
1. Yêu cầu người nộp thuế cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế, số hiệu, nội dung giao dịch của các tài khoản được mở tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và giải thích việc tính thuế, khai thuế, nộp thuế.
2. Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế và phối hợp với cơ quan quản lý thuế để thực hiện pháp luật về thuế.
3. Kiểm tra thuế, thanh tra thuế.
4. Ấn định thuế.
5. Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế.
6. Xử phạt vi phạm pháp luật về thuế theo thẩm quyền; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế.
7. Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm pháp luật về thuế theo quy định của pháp luật.
8. Ủy nhiệm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thu một số loại thuế vào ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ.
Điều 74. Công khai thông tin vi phạm pháp luật về thuế
Cơ quan quản lý thuế được công khai các thông tin vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế trên phương tiện thông tin đại chúng trong các trường hợp sau đây:
1. Trốn thuế, gian lận thuế, chây ỳ không nộp tiền thuế đúng thời hạn;
2. Vi phạm pháp luật về thuế làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ nộp thuế của tổ chức, cá nhân khác;
3. Không thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật.