Trách nhiệm dân sự được áp dụng đối với các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến quyền dân sự của các chủ thể khác, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho bên có quyền dân sự bị xâm phạm. Như vậy, trách nhiệm dân sự được áp dụng không chỉ trong trường hợp chủ thể có vi phạm dân sự mà kể cả trong trường hợp chủ thể có vi phạm khác, nếu hành vi này xâm hại đến quyền dân sự của những cá nhân, tổ chức trong xã hội. Chủ thể phải chịu trách nhiệm dân sự phải gánh chịu một hoặc một số hậu quả pháp lý như buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, buộc xin lỗi cải chính công khai, buộc bồi thường thiệt hại.
Là một quy định – trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm của những người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho người khác về tài sản, sức khỏe, tính mạng, các quyền nhân thân mà trước đó giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại không có giao kết hợp đồng hoặc có giao kết hợp đồng nhưng hành vi gây thiệt hại không thuộc hành vi vi phạm hợp đồng. Hành vi gây thiệt hại ngoài hợp đồng là hành vi trái pháp luật, hành vi này xâm phạm đến nhóm khách thể được pháp luật bảo vệ.
Là một loại trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi thỏa mãn các điều kiện do pháp luật quy định. Trên cơ sở quy định tại Điều 604 BLDS 2005 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi thỏa mãn những điều kiện:
- Có thiệt hại xảy ra (gồm các loại về tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, uy tín của cá nhân và của tổ chức bị xâm phạm);
- Có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại;
- Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại;
- Có lỗi của người gây thiệt hại.
Lỗi là một trong bốn điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Việc đánh giá hình thức, mức độ lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong trách nhiệm dân sự nói chung, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng khác với trách nhiệm hình sự.
Lỗi thể hiện thái độ tiêu cực của chủ thể đối với xã hội trong hành vi trái pháp luật của mình và hậu quả của hành vi đó. Chủ thể bị coi là có hành vi tiêu cực đối với xã hội khi họ có ý thức phủ định lợi ích xã hội, đi ngược với lợi ích xã hội. Dựa vào thái độ của chủ thể đối với hành vi và hậu quả của nó, lỗi được chia làm hai loại là lỗi cố ý và lỗi vô ý.
Trong BLDS, quy định về lỗi tại Điều 308 như sau:
Điều 308. Lỗi trong trách nhiệm dân sự
1. Người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
2. Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.
Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
Khoản 1 Điều 308 quy định lỗi do hành vi không thực hiện nghĩa vụ dân sự thì người có hành vi đó bị coi là có lỗi. Theo quy định tại khoản 2 Điều 308 thì nội dung khoản này có ý nghĩa viện dẫn trực tiếp trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Về mặc khách quan, quy định tại khoản 2 Điều 308 BLDS đã dự liệu trường hợp người gây thiệt hại nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện, cho dù người đó mong muốn hoặc không mong muốn nhưng đã có thái độ để mặc cho hậu quả thiệt hại xảy ra thì người đó phải chịu trách nhiệm dân sự về lỗi cố ý của mình.
Về mặt chủ quan, người gây thiệt hại khi thực hiện hành vi luôn nhằm mục đích gây thiệt hại cho người khác và được thể hiện dưới hai mức độ:
- Mong muốn có thiệt hại xảy ra;
- Không mong muốn có thiệt hại, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.
Mức độ thể hiện ý chí – hành vi của người cố ý gây thiệt hại trong trường hợp người đó nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện, thì phải chịu trách nhiệm dân sự do lỗi cố ý là nguyên nhân của thiệt hại. Theo nội dung tại khoản 2 Điều 308 BLDS cần thiết phải làm rõ những quan hệ và yếu tố có liên quan đến phạm vi lỗi của người gây thiệt hại. Một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn khoặc không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại đó xảy ra thì lỗi của người gây thiệt hại là cố ý. Những yếu tố liên quan đến hình thức lỗi cố ý gây thiệt hại được thể hiện ở những mức độ khác nhau, do biểu lộ ý chí của chủ thể đã là yếu tố quyết định lỗi.
Được coi là lỗi cố ý trực tiếp nếu chủ thể nhận thức rõ thiệt hại cho xã hội, thấy trước thiệt hại cho xã hội do hành vi của mình gây ra và mong muốn điều đó xảy ra. Nếu chủ thể nhận thức rõ thiệt hại do hành vi của mình gây ra, tuy không mong muốn nhưng có ý thức bỏ mặc cho điều đó xảy ra thì được coi là lỗi cố ý gián tiếp.
Yếu tố vô ý trong lỗi vô ý thể hiện ở chỗ chủ thể hoàn toàn không có chủ ý gây thiệt hại cho xã hội. Người có hành vi gây thiệt hại được xác định là có lối vô ý nếu họ không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại mặc dù họ phải biết hoặc có thể biết trước được thiệt hại sẽ xảy ra khi họ thực hiện hành vi đó…
Tuy nhiêm, khi xác định lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần chú ý:
- Nguyên tắc trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi người gây thiệt hại có lỗi, bất kỳ là lỗi vô ý hay cố ý;
- Việc xác định lỗi vô ý, cố ý trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có ý nghĩa trong một số trường hợp: Để giảm mức bồi thường và là điều kiện cần thiết để xác định trách nhiệm bồi thường.
Điều 605. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
…
2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
…
Điều 615. Bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra
…..
2. Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của họ mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Trong một số trường hợp nhất định, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh ngay cả khi người bị thiệt hại không có lỗi
Điều 623. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
…
3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
…
Điều 624. Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường
Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi.
Khi xác định và phân tích yếu tố lỗi trong trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, cần thiết phải đặt yếu tố đó trong mối liên hệ với những sự kiện pháp lí khác, mà rõ nét hơn cả là sự biến pháp lí tuyệt đối và sự biến pháp lí tương đối là những căn cứ làm phát sinh, thay đổi và chấm dứt quan hệ pháp luật dân sự.
Sự biến pháp lí tương đối là những sự kiện xảy ra do hành vi của con người tiến hành nhưng một sự kiện xảy ra do hành vi của con người nhưng không phụ thuộc vào hành vi của chủ thể tham gia và làm phát sinh hậu quả pháp lí đối với họ. Sự khởi phát của sự biến pháp lí tương đối do hành vi của con người tác động dưới hình thức lỗi vô ý, do vậy người có hành vi tạo ra sự kiện đó phải bồi thường thiệt hại theo nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại. Trong khoa học pháp lí, các nhà luật học đều thừa nhận rằng sự biến pháp lí tương đối là sự biến do con người tác động, còn sự thay đổi và chấm dứt của nó con người không thể kiểm soát được. Như vậy, hành vi tạo ra sự biến pháp lí tương đối là hành vi có lỗi và là hành vi trái pháp luật. Người gây thiệt hại đã không mong muốn, không để mặc cho thiệt hại xảy ra mà là do không kiểm soát được diễn biến của sự kiện do hành vi vô ý của mình tạo ra thì người có hành vi đó phải bồi thường.
Sự biến pháp lí tuyệt đối là những sự kiện xảy ra trong thiên nhiên hoàn toàn không phụ thuộc vào ý chí con người, như động đất, núi lửa, lũ lụt,... Sự biến pháp lí tuyệt đối không chứa đựng yếu tố lỗi dưới bất kì hình thức nào. Ở đây ý thức con người không thể kiểm soát được sự kiện đó. Sự biến pháp lí tuyệt đối có ý nghĩa pháp lí đặc thù, bởi vì sự kiện đó được đặt trong mối liên hệ về không gian và thời gian cụ thể, theo đó trách nhiệm dân sự không phát sinh đối với một hoặc hai bên chủ thể của quan hệ đó.
Như vậy, có thể nhận định rằng lỗi vô ý luôn tồn tại trong sự biến pháp lí tương đối, còn lỗi thuộc mọi trường hợp không thể tồn tại trong sự biến pháp lí tuyệt đối.
Lỗi trong các trường hợp cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng :
* Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra :
1. Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra (Điều 625 BLDS)
Theo qui định tại Điều 625 BLDS, yếu tố lỗi của chủ sở hữu súc vật không được coi là điều kiện bắt buộc trong việc xác định trách nhiệm của chủ sở hữu súc vật. Chủ sở hữu có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Yếu tố lỗi chỉ xác định trong các trường hợp :
Người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình, thì chủ sở hữu không phải bồi thường.
Chủ sở hữu súc vật cũng không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người thứ ba thì người thứ ba có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Nếu súc vật của chủ sở hữu bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường.
Yếu tố lỗi của chủ sở hữu súc vật chỉ được xem xét trong trường hợp nếu chủ sở hữu súc vật và người thứ ba cùng có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật và người thứ ba phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Yếu tố lỗi không phải là điều kiện bắt buộc đối với loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu súc vật. Tuy nhiên, trên thực tế chủ sở hữu có thể có lỗi dưới hình thức vô ý hoặc cố ý làm cho súc vật của mình gây thiệt hại cho người khác. Căn cứ vào hình thức lỗi cố ý hoặc vô ý của chủ sở hữu súc vật, để xác định yếu tố hình sự trong trường hợp chủ sở hữu súc vật có lỗi cố ý làm cho súc vật thuộc sở hữu của mình gây thiệt hại nghiêm trọng cho người khác. Nhưng trong trường hợp chủ sở hữu súc vật gây thiệt hại cho người khác thì chủ sở hữu súc vật chỉ có trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại về tài sản. Chỉ trong ba trường hợp : Thiệt hại hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại ; người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác và súc vật của chủ sở hữu bị người khác chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại.
2. Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (Điều 623 BLDS).
Theo qui định tại Điều 623 BLDS, nguồn nguy hiểm cao độ là những vật, thú dữ,...có tiềm ẩn những nguy cơ gây ra thiệt hại bất ngờ cho con người hoặc gây thiệt hại về tài sản mà không phải bao giờ con người cũng có thể lường được trước và có thể ngăn chặn. Nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại phải được hiểu là chính sự hoạt động tự thân (tự tại) của nó gây ra, không có sự tác động bởi hành vi có lỗi của con người. Máy bay đang bay bị rơi, xe vận tải đang lên dốc thì bị chết máy, mất phanh,...đã gây thiệt hại cho người khác về tài sản, sức khỏe, tính mạng,...
Nguồn nguy hiểm cao độ chỉ được qui định với những người xung quanh, người không có quan hệ lao động liên quan đến việc sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ như khán giả trong rạp xiếc, người tham gia giao thông đối với các phương tiện giao thông cơ giới khác đang hoạt động,...
Pháp luật qui định cho dù là chủ sở hữu hoặc người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hợp pháp phải bồi thường thiệt hại khi nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cho người khác kể cả khi họ không có lỗi. Nguyên tắc xác định người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra không áp dụng trong các trường hợp :
Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người gây thiệt hại.
Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có qui định khác.
Theo qui định tại khoản 3 Điều 623 BLDS, chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cho dù có lỗi hoặc không có lỗi đều có trách nhiệm bồi thường khi nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cho người khác. Tuy vậy nếu chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ hoặc người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không có lỗi khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho người khác, thì vẫn phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo trách nhiệm dân sự, nhưng người này không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, nếu chủ sở hữu hoặc người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ mà có lỗi vô ý hoặc cố ý để nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho người khác, thì ngoài trách nhiệm dân sự là bồi thường toàn bộ thiệt hại, họ có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại khoản 4 Điều 623 qui định về trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Theo qui định này, trách nhiệm của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ không phát sinh khi nguồn nguy hiểm cao độ của chủ sở hữu bị người khác chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại cho người thứ ba. Trường hợp này xảy ra trong đời sống xã hội khi nguồn nguy hiểm cao độ bị trộm, cướp hoặc dưới các hình thức khác thuộc hành vi chiếm đoạt trái pháp luật. Trong trườn hợp chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Ví dụ : Chủ sở hữu xe máy giao xe cho một người chưa đủ độ tuổi điều khiển.
3. Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối, nhà cửa gây ra. (Điều 626, 627 BLDS).
Theo qui định tại Điều 626 BLDS, chủ sở hữu cây cối phải có ý thức trong việc bảo đảm sự an toàn của cây cối (phát cành, nếu cây có nguy cơ đổ, gẫy thì phải chặt, đốn...). Nếu cây cối đổ, gãy gây thiệt hại thì mặc nhiên chủ sở hữu bị coi là có lỗi (vô ý). Tuy nhiên, nếu thiệt hại hoàn toàn do người bị thiệt hại (trèo lên cây và cây bị gãy, đốn trộm cây làm cây đổ vào người,...) thì chủ sở hữu cây cối không phải bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, nếu thiệt hại do cây cối đổ, gãy do sự kiện bất khả kháng (động đất, bão,...) thì chủ sở hữu cây cối không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra, lỗi của chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lí, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác trong việc để những tài sản này bị sụp đổ, hư hỏng, sụp lở gây thiệt hại cho người khác được suy đoán rằng họ đã không hành động, tức là không thực hiện hành vi nhất định nên tài sản gây thiệt hại. Các chủ thể đã không thực hiện nghĩa vụ tôn trong qui tắc xây dựng, không thực hiện nghĩa vụ bảo đảm an toàn đối với công trình xây dựng liền kề theo qui định tại Điêu 267, 268 BLDS.
*Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi trái pháp luật gây ra.
1. Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể (Điều 628 BLDS)
Hành vi xâm phạm thi thể là hành vi của cá nhân do lỗi cố ý hoặc vô ý mà xâm phạm đến thi thể của người khác. Hành vi xâm phạm thi thể được xác định theo mục đích thực hiện hoặc hậu quả do hành vi xâm phạm thi thể gây ra. Hành vi xâm phạm thi thể là hành vi của cá nhân hoặc nhiều cá nhân do cố ý xâm phạm đến tính toàn vẹn của cơ thể, đã dẫn đến hậu quả thi thể của cá nhân bị biến dạng, thiếu hụt các bộ phận tự nhiên của con người.
Người có hành vi xâm phạm thi thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nguyên tắc này được xác định theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, người có hành vi gây thiệt hại cho dù có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý đều phải bồi thường thiệt hại.
Hành vi lấy bộ phận cơ thể của cá nhân trái với ý chí của cá nhân khi còn sống là hành vi trái pháp luật, lỗi của người lấy xác hoặc bộ phận cơ thể của một người chết được xác đinh là lỗi cố ý. Trong trường hợp cá nhân xâm phạm đến thi thể của người khác có thể có lỗi vô ý. Lỗi vô ý xâm phạm đến thi thể của cá nhân có thể có trong trường hợp một cơ sở chữa bệnh đã xác định sai thời điểm cá nhân chết, nhưng thực chất cá nhân đó đã chết, cho nên vẫn tiến hành phẫu thuật với mục đích điều trị cho người đó. Đây cũng là hành vi xâm phạm đến thi thể của cá nhân, tuy ít được phát hiện do chính mục đích điều trị bệnh chi phối.
Trên thực tế, còn có trường hợp những người thân thích của người có thi thể như bố, mẹ, vợ, chồng, các con của người chết đã hiến thi thể của người chết cho cá nhân, cơ sở y tế nhằm mục đích chữa bệnh hoặc nghiên cứu khoa học trái với ý chí của người có thi thể khi còn sống. Hành vi của những người thân thích trong trường hợp này cũng là hành vi trái pháp luật, và là hành vi cố ý. Theo nguyên tắc của pháp luật hiện hành, bất kì hành vi nào xâm phạm đến thi thể của cá nhân ngoài ý chí của cá nhân đó khi còn sống thì cho dù hành vi đó là do cố ý hay vô ý cũng đều là hành vi trái pháp luật.
Thi thể của cá nhân có thể bị tác động dưới các biện pháp sinh học hoặc cơ học và hậu quả của tác động đó đã làm thay đổi, biến dạng thi thể do giải phẫu, bị lấy đi bộ phận cơ thể để nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm, phát hiện nguyên nhân gây bệnh,...theo một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi bộ phận cơ thể bị lấy, thi thể biến dạng do giải phẫu phục vụ những công việc nói trên thì cá nhân, cơ quan tiến hành các công việc theo một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không bị xem là hành vi trái pháp luật, xâm phạm thi thể. Các chủ thể thực hiện hành vi đó không phải chịu trách nhiệm dân sự.
2. Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả (Điều 629 BLDS).
Người xâm phạm mồ mả cho dù có lỗi cố ý hoặc vô ý đều phải chịu trách nhiệm dân sự (xét về hậu quả của hành vi xâm phạm mồ mả). Những thiệt hại về mồ mả cho dù xuất phát từ hành vi vô ý (đào nhầm mồ mả do xác định sai vị trí,...) hay cố ý, thì cũng đều gây ra những thiệt hại nhất định về tài sản và nhân thân hoặc gây tổn thất về tinh thần của những người thân thích của cá nhân có mồ mả đó. Hành vi xâm phạm mồ mả bao giờ cũng làm phát sinh thiệt hại hoặc về vật chất hoặc thiệt hại cả về tinh thần của người còn sống, người thân thích của cá nhân có mồ mả. Từ những nhận định trên, người xâm phạm mồ mả luôn phải chịu trách nhiệm dân sự trước những người thân thích cuả cá nhân có mồ mả bị xâm phạm. Hành vi xâm phạm mồ mả được xác định dưới hình thức lỗi vô ý hoặc cố ý, chỉ có ý nghĩa trong việc xác định có hay không hành vi phạm tội của người xâm phạm mồ mả mà thôi. Trách nhiệm dân sự không thay đổi trong mọi trường hợp khi có hành vi xâm phạm mồ mả của cá nhân. Người gây thiệt hại phải bồi thường những thiệt hại vật chất và tinh thần cho những người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm.
3. Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra (Điều 616 BLDS)
Nhiều người cùng gây thiệt hại được hiểu là một thiệt hại tối thiểu phải do hai người cùng gây ra. Khi nhiều người cùng gây thiệt hại, giữa họ có thể có quan hệ phụ thuộc như người này sai khiến người kia, người này chỉ định người kia thực hiện các hành vi nhất định hoặc cùng thỏa thuận, có tổ chức trong việc gây thiệt hại. Trong trường hợp ‘ nhiều người cùng gây thiệt hại’, dấu hiệu lỗi có các đặc trưng sau đây :
- Có nhiều người cùng thỏa thuận và cùng thống nhất ý chí thực hiện một hoặc nhiều hành vi gây thiệt hại cho người khác. Nhiều người cùng thống nhất về ý chí và hành vi gây thiệt hại cho người khác. Thực hiện hành vi gây thiệt hại trong trường hợp này, xét về khía cạnh của pháp luật hình sự thì họ là những người đồng phạm, do phạm tội có tổ chức, xét về mặt dân sự thì họ là những người gây thiệt hại vừa thống nhất với nhau về mặt hành vi, vừa thống nhất với nhau về mặt hậu quả. Hành vi gây thiệt hại của nhiều người có tổ chức là hành vi cố ý gây thiệt hại. Trong trường hợp này, thiệt hại được xác định là do nhiều người cùng gây ra. Nhiều người cùng gây thiệt hại không nên hiểu đơn thuần là họ cùng đồng loạt thực hiện hành vi như nhau trong việc gây thiệt hại, mà nên hiểu là họ có cùng chí hướng và cùng mục đích gây thiệt hại cho người khác, cho dù mỗi người trong số họ thực hiện các hành vi khác nhau nhưng cùng một mục đích gây ra thiệt hại.
- Nhiều người cùng gây thiệt hại không thuộc trường hợp cùng thống nhất với nhau về hành vi hoặc cùng thống nhất với nhau về cả hành vi và hậu quả, mà trong trường hợp nhiều người gây thiệt hại chỉ thống nhất với nhau về mặt hậu quả, họ có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại. Thống nhất về mặt hậu quả là trường hợp người gây thiệt hại đã thực hiện các hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có ý chí. Trường hợp này thường diễn ra khi người có hành vi chiếm đoạt trái pháp luật tài sản của người khác và người tiêu thụ tài sản do người phạm tội mà có. Theo qui định của pháp luật hình sự thì họ là đồng phạm và trách nhiệm dân sự của họ là liên đới bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, cũng tồn tại trong những trường hợp khác cho dù người thực hiện hành vi gây thiệt hại không có chủ đích, không cố ý nhưng do hành vi vô ý của họ đã dẫn đến thiệt hại về tài sản của người khác, thì trách nhiệm liên đới thuộc về những người có hành vi vô ý gây thiệt hại được xác định là cùng thống nhất với nhau về mặt hậu quả. Ví dụ : hai người do mâu thuẫn mà xô đẩy nhau, khiến cho một người thứ ba bị ngã đã gây thiệt hại về tài sản cho người khác, thì cả hai người có hành vi xô đẩy nhau phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhiều người cùng gây thiệt hại theo qui định tại Điều 616 là trách nhiệm dân sự liên đới. Phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người gây ra phải bồi thường không làm triệt tiêu trách nhiệm dân sự liên đới của nhiều người cùng gây thiệt hại. Bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu bên có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại theo nội dung của trách nhiệm liên đới. Quan hệ tài sản giữa bên gây thiệt hại gồm nhiều người và bên bị thiệt hại là trách nhiệm liên đới, còn phần bồi thường của mỗi người trong số nhiều người gây thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người là xét trong mối quan hệ giữa những người có trách nhiệm liên đới với nhau trong trường hợp một người có trách nhiệm liên đới đã bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại, để có cơ sở thực hiện theo phần trong nghĩa vụ hoàn lại. Nếu không xác định được mức độ lỗi thì những người có trách nhiệm phải bồi thường theo phần bằng nhau.
4. Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hỗn hợp lỗi (Điều 617 BLDS)
Theo qui định tại Điều 617 BLDS, trách nhiệm của người bị thiệt hại và người gây thiệt hại đều có lỗi đối với thiệt hại, thì trách nhiệm của cả hai bên là trách nhiệm hỗn hợp. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong trách nhiệm hỗn hợp là mỗi bên, bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại phải chịu trách nhiệm về tài sản tương ứng với mức độ lỗi của mình. Về mức độ lỗi, BLDS không có bất cứ một điều luật nào qui định, nhưng khi xét mức độ lỗi cần thiết phải tham khảo những qui định về mức độ lỗi trong Bộ luật Hình sự. Mức độ lỗi chỉ được đặt ra với hình thức lỗi vô ý mà gây thiệt hại, mức độ lỗi không thể tồn tại trong hành vi cố ý gây thiệt hại. Hành vi cố ý thể hiện rõ bản chất nguy hiểm của hành vi gây thiệt hại là mong muốn thiệt hại xảy ra và hành vi gây thiệt hại do lỗi cố ý luôn luôn nhằm mục đích gây thiệt hại cho người khác. Với những bản chất của lỗi cố ý do hành vi cố ý thực hiện, còn lỗi vô ý gây thiệt hại thì người có hành vi vô ý không mong muốn thiệt hại xảy ra, và pháp luật căn cứ vào yếu tố tâm lí của chủ thể gây thiệt hại để xác định lỗi vô ý gồm có vô ý vì cẩu thả, vô ý vì quá tự tin cho nên đã gây thiệt hại cho người khác.
Mức độ lỗi của mỗi bên trong việc gây thiệt hại là căn cứ để xác định trách nhiệm theo phần của hành vi gây thiệt hại. Trách nhiệm hỗn hợp không có điểm nào chung với trách nhiệm liên đới bởi nội dung thực hiện trách nhiệm liên đới và trách nhiệm hỗn hợp có đặc điểm rất khác nhau. Theo qui định tại Điều 617 BLDS, thì trường hợp một người do lỗi vô ý mà gây thiệt hại và người bị thiệt hại cũng có lỗi vô ý trong thiệt hại, thì người gây thiệt hại chỉ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình, và người bị thiệt hại chịu thiệt hại về tài sản do lỗi vô ý của mình gây ra. Tuy nhiên, theo qui định tại Điều 617 BLDS, cần thiết phải làm rõ những yếu tố khác biệt mang tính chất loai trừ trách nhiệm hỗn hợp.
Thứ nhất, người gây thiệt hại có lỗi vô ý và người bị thiệt hại cũng có lỗi vô ý đối với một hoặc nhiều thiệt hại xác định được là do lỗi vô ý của mỗi bên gây ra. Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại mang tính chất theo phần – phần bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại. Trong những trường hợp không có căn cứ để xác định mức độ lỗi của mỗi bên thì trách nhiệm hỗn hợp được chia đều, mỗi bên chịu trách nhiệm về tài sản theo phần bằng nhau.
Thứ hai, cũng theo qui định tại Điều 617 BLDS, trong trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường. Nếu người thiệt hại có lỗi cố ý, thì người gây thiệt hại không phải bồi thường. Nếu cả hai người cùng có lỗi vô ý, thì trách nhiệm hỗn hợp được áp dụng đối với cả hai bên, trong trường hợp cả hai người cùng có lỗi cố ý thì trách nhiệm bồi thường không phát sinh. Còn nếu người gây thiệt hại có lỗi cố ý, người bị thiệt hại có lỗi vô ý thì trách nhiệm thuộc về người có hành vi cố ý gây thiệt hại.
5. Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường (Điều 624 BLDS)
Trách nhiệm của người có hành vi gây ô nhiễm môi trường phát sinh trong cả trường hợp người đó có lỗi hoặc không có lỗi, đều phải bồi thường. Người gây ô nhiễm môi trường phải bồi thường thiệt hại theo trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng. Người đó còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự trong những trường hợp gây ô nhiễm về không khí, về nguồn nước, đất đai theo qui định tại các Điều 182, 183, 184 BLHS.
Xét về yếu tố lỗi của hành vi làm ô nhiễm môi trường pháp luật đã qui định cho dù người gây ô nhiễm môi trường có lỗi hoặc không có lỗi đều có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Như vậy, yếu tố lỗi không phải là yếu tố quyết định đến việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường. Trách nhiệm dân sự do hành vi gây ô nhiễm môi trường được xác định dựa trên mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây ô nhiễm môi trường và thiệt hại xảy ra, do thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường có nhiều đặc trưng, không giống như cách xác định thiệt hại như những hành vi thiệt hại khác ở nhiều yếu tố.
6. Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, tổ chức khác trực tiếp quản lí (Điều 621 BLDS)
Trách nhiệm của nhà trường được xác định đối với những thiệt hại do học sinh gây ra trong thời gian học ở trường như một nguyên tắc. Qui định này nhằm nâng cao trách nhiệm của nhà trường trong việc quản lí học sinh đang ở độ tuổi học trong trường trung học cơ sở trở xuống. Nhà trường có nghĩa vụ quản lí học sinh trong thời gian học tại trường theo thời khóa biểu học tập hoặc lao động, vui chơi, giải trí do nhà trường tổ chức và học sinh gây thiệt hại cho người khác, nhà trường phải bồi thường. Đây là trách nhiệm pháp lí do pháp luật qui định, không phụ thuộc vào việc nhà trường có lỗi hoặc không có lỗi trong việc quản lí học sinh.
Một người bị mất năng lực hành vi dân sự được hiểu là người đã có năng lực hành vi dân sự nhưng bị mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình và đã có kết luận của cơ quan chuyên môn, đang được điều trị tại một bệnh viện hoặc đang được một tổ chức có chuyên môn, nghiệp vụ trực tiếp quản lí người này và người này đã gây thiệt hại cho người khác thì bệnh viện, tổ chức đang có nghĩa vụ quản lí trực tiếp phải bồi thường thiệt hại. Qui định này của pháp luật được dựa trên các căn cứ chủ thể nào đang có nghĩa vụ trực tiếp quản lí người mất năng lực hành vi dân sự thì chủ thể đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người khác, thứ hai, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ thể quản lí người bị mất năng mực hành vi dân sự gây thiệt hại là một loại trách nhiệm pháp lí phụ thuộc vào yếu tố lỗi của chủ thể quản lí, mà căn cứ vào thời điểm người bị mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác có đang là người được chủ thể là bệnh viện, cơ quan quản lí người đó. Các điều kiện cần và đủ này là căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bệnh viện, tổ chức có nghĩa vụ trực tiếp quản lí người gây thiệt hại.
Nếu trường học, bệnh viện, tổ chức khác chứng minh được họ không có lỗi trong việc quản lí người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự ( người dưới 15 tuổi trong lúc ngoài giờ học tại trường, người bị mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại trong thời gian đang ở ngoài bệnh viện theo yêu cầu của gia đình,...) thì họ không có trách nhiệm bồi thường.
Người bị thiệt hại có lỗi cố ý mà dẫn đến việc gây thiệt hại của người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra thiệt hại do chính người có hành vi cố ý hoặc gây thiệt hại cho người thứ ba thì trường học, bệnh viện, tổ chức cho dù đang trực tiếp quản lí những người trực tiếp gây thiệt hại cũng không phải bồi thường. Trách nhiệm bồi thường thuộc về người có hành vi cố ý.
7. Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra (Điều 622 BLDS).
Người giao việc cho người học nghề thưc hiện các hành vi theo ý chí của mình, do vậy người giao việc trước hết phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, mà khồng cần điều kiện người giao việc có lỗi hay không có lỗi. Trách nhiệm của người giao việc là trách nhiệm pháp lí do pháp luật qui định. Hành vi giao việc trong trường hợp này cũng tương tự như sự ủy quyền, và người ủy quyền phải chịu trách nhiệm về hành vi ủy quyền của mình, khi người được ủy quyền gây thiệt hại cho người thứ ba. Người dạy nghề giao việc cho người học nghề, mà người học nghề có hành vi gây thiệt hại cho người thứ ba, thì người dạy nghề có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người thứ ba theo trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, là bồi thường toàn bộ và kịp thời. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về người dạy nghề vì đã giao công việc cho người học nghề, và người này có hành vi gây thiệt hại cho người khác. Việc thực hiện các công việc cụ thể do người dạy nghề giao cho nên người bị thiệt hại là chủ thể của quan hệ - một bên và chủ thể dạy nghề là bên thứ hai, mà không phải là chủ thể bồi thường cho bên bị thiệt hại vì người học nghề là người phụ thuộc vào người dạy nghề và thực hiện các hành vi do người dạy nghề chỉ định.
8. Lỗi trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức, do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra (Điều 619, 620 BLDS)
Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ công chức phải bồi thường cho người bị thiệt hại khi có các điều kiện:
- Cán bộ, công chức thuộc diện quản lý của cơ quan tổ chức có hành vi gây thiệt hại cho người khác;
- Thiệt hại do cán bộ công chức gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức giao cho.
Việc bồi thường thiệt hại của cơ quan, tổ chức trong trường hợp này theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bồi thường toàn bộ thiệt hại và bồi thường theo quyết định của tòa án. Vì người cán bộ, công chức đang thực hiện nhiệm vụ của tổ chức cơ quan mà gây thiệt hại, trách nhiệm thuộc về cơ quan, tổ chức đang quản lý người cán bộ, công chức đó. Nguyên tắc này hoàn toàn phù hợp với đời sống xã hội và đảm bảo quyền bình đẳng trong quan hệ pháp luật dân sự.
9. Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vượt quá yêu cầu phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết (Điều 613, 614 BLDS)
Hành vi gây thiệt hại do phòng vệ chính đáng không bị coi là hành vi trái pháp luật, từ đó pháp luật suy đoán rằng người phòng vệ chính đáng (người thực hiện hành vi chống trả) không có lỗi. Nếu hành vi chống trả được coi là phòng vệ chính đáng thì người gây thiệt hại không phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Để xác định một hành vi có phải là phòng vệ chính đáng hay không, cần phải xem xét các yếu tố như: hành vi của người khác là cơ sở để chống trả lại hành vi trái pháp luật; hành vi trái pháp luật đó phải đang gây thiệt hại cho đối tượng bị xâm hại; hành vi phòng vệ chính đáng phải gây thiệt hại cho chính người có hành vi xâm hại.
Tương tự, theo Điều 614 BLDS, người gây thiệt hại do yêu cầu của tình thế cấp thiết đã có sự sai lầm trong việc đánh giá mức độ gây thiệt hại của “nguy cơ đe dọa” nên họ đã gây thiệt hại vượt quá so với yêu cầu của tình thể cấp thiết. Lỗi của người gây thiệt hại được xác định là lỗi đối với phần vượt quá nên họ chỉ bồi thường thiệt hại đối với phần vượt quá mà thôi./.
Minh Nhất