Thực trạng áp dụng quy định về thu thập, bảo quản vật chứng và giải pháp khắc phục

11/05/2015

Vật chứng là một trong các loại nguồn chứng cứ mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (sau đây được viết tắt là BLTTHS) ghi nhận bên cạnh các loại nguồn chứng cứ khác. Cho nên, chứng cứ mà vật chứng chứa đựng có vai trò quan trọng trong việc chứng minh các tình tiết của vụ án. Tuy nhiên, để đảm bảo cho việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ do vật chứng chứa đựng phục vụ giải quyết vụ án thì vật chứng phải được thu thập, bảo quản đúng trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định. Các quy định về thu thập, bảo quản vật chứng (sau đây được viết tắt là BQVC) trong BLTTHS đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng giúp cơ quan, người tiến hành tố tụng (sau đây được viết tắt là NTHTT) thực hiện các hoạt động thu thập, BQVC được thuận lợi, đảm bảo giá trị chứng minh của chứng cứ do vật chứng chứa đựng, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Tuy nhiên, từ khi BLTTHS có hiệu lực cho đến nay, việc vận dụng các quy định về thu thập, BQVC bộc lộ nhiều thiếu sót. Bên cạnh đó, các quy định của BLTTHS về thu thập, BQVC cũng tồn tại một số vướng mắc, bất cập làm ảnh hưởng đến cách hiểu và áp dụng trong thực tiễn.

Để có các nhìn khái quát về thực trạng áp dụng quy định về thu thập, BQVC trong thời gian qua, trong phạm vi bày viết này, tác giả lần lượt tìm hiểu quy định của BLTTHS về thu thập, BQVC; thực trạng áp dụng quy định của BLTTHS về thu thập, BQVC; qua đó, đề xuất một vài giải pháp khắc phục.

1. Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về thu thập, bảo quản vật chứng

Thu thập, BQVC có vai trò rất quan trọng trong quá trình chứng minh. Trong một số vụ án có vật chứng, việc vi phạm các quy định này của BLTTHS có thể dẫn đến việc vụ án bị trả hồ sơ điều tra bổ sung, bản án bị hủy. Chẳng hạn, theo khoản 1 Điều 250 BLTTHS, “Toà án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại khi nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được”. Trong đó, “việc điều tra không đầy đủ thông thường gắn liền với vi phạm thủ tục tố tụng như: xác định dấu vết, truy tìm vật chứng, BQVC, …[1]. Cho nên, việc tuân thủ các quy định của BLTTHS về thu thập, BQVC có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hoạt động xét xử các vụ án hình sự. Sau đây, chúng ta lần lượt tìm hiểu các nội dung:

1.1. Thu thập vật chứng

1.1.1. Khái niệm thu thập vật chứng

BLTTHS không nêu khái niệm thế nào là thu thập vật chứng (sau đây được viết tắt là TTVC). Tuy nhiên, theo Từ điển tiếng Việt, thu thập là “góp nhặt và tập hợp lại[2]. Trong giới nghiên cứu khoa học ở nước ta cũng không đưa ra khái niệm TTVC nhưng lại có nêu ra nhiều khái niệm thu thập chứng cứ[3]. Theo đó, thu thập chứng cứ bao gồm các hành vi phát hiện, lập biên bản ghi nhận, thu giữ và bảo quản chứng cứ. Ý kiến khác lại tách phần phát hiện, bảo quản ra khỏi hoạt động thu thập chứng cứ khi xác định “phát hiện chứng cứ là tìm những vật, hiện tượng, dấu vết, sự kiện, tài liệu… có thể chứng minh những tình tiết của vụ án” còn “thu thập chứng cứ là việc người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự để ghi nhận và thu giữ chứng cứ làm cho chúng có đầy đủ giá trị chứng minh và hiệu lực sử dụng[4]. Mặc dù việc trình bày các khái niệm là khác nhau nhưng nhìn chung các khái niệm này đều thống nhất ở chỗ hoạt động thu thập chứng cứ là hoạt động do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo trình tự thủ tục luật định để phát hiện, thu giữ, bảo quản các thông tin được xác định là chứng cứ.

Đối với vật chứng, do đề cao tầm quan trọng của hoạt động bảo quản mà BLTTHS quy định hoạt động BQVC không thuộc hoạt động TTVC và tách ra khỏi hoạt động TTVC thành hoạt động độc lập[5] nên khi xây dựng khái niệm TTVC chúng ta không cần đưa hoạt động BQVC vào hoạt động TTVC. Kết hợp các quan điểm về thu thập chứng cứ với khái niệm chứng cứ và nguồn chứng cứ, có thể đưa ra khái niệm TTVC như sau: TTVC là hoạt động do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nhằm phát hiện, ghi nhận, thu giữ vật chứng theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định.

Trong đó, phát hiện vật chứng là tìm ra đồ vật, tài liệu có chứa đựng thông tin được xác định là chứng cứ tại hiện trường nơi xảy ra tội phạm, nơi phát hiện tội phạm hay tại nơi được tiến hành hoạt động khám xét; ghi nhận vật chứng là việc lập biên bản, bằng hình thức ghi âm, chụp ảnh, vẽ sơ đồ để mô tả, ghi lại những thông tin mà vật chứng chứa đựng là các đặc điểm, dấu hiệu, dấu vết có liên quan đến diễn biến của vụ án hình sự; thu giữ vật chứng là tách vật chứng ra khỏi môi trường xung quanh nhằm mục đích bảo vệ giá trị chứng minh của nó nhằm phục vụ cho việc chứng minh và giải quyết vụ án.

1.1.2. Nguyên tắc thu thập vật chứng

Khi tiến hành TTVC, cơ quan, NTHTT cần phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại khoản 1 Điều 75 BLTTHS, đó là:

Thứ nhất, vật chứng phải được thu thập kịp thời, đầy đủ. Thu thập kịp thời được hiểu là hoạt động thu thập phải được tiến hành đúng lúc, nhanh chóng, không để chậm trể nhằm đảm bảo tính nguyên vẹn của vật chứng và đảm bảo cho vật chứng được thu thập giữ nguyên giá trị chứng minh cũng như giá trị sử dụng. Có nghĩa là khi có tội phạm xảy ra, hoạt động TTVC phải được tiến hành ngay lập tức cùng với các hoạt động thu thập chứng cứ khác. Tùy theo từng loại vật chứng khác nhau mà áp dụng các phương pháp thu thập phù hợp. Đây được xem là yêu cầu rất quan trọng của hoạt động TTVC vì nếu để chậm trễ thì có thể sẽ không thu thập được chứng cứ do vật chứng chứa đựng khi dấu vết của hiện trường bị mất, bị xáo trộn, bị xóa hoặc vật chứng có thể bị kẻ phạm tội tiêu hủy, tẩu tán. Thu thập đầy đủ là thu thập tất cả những vật chứng có liên quan đến việc làm rõ các tình tiết cần phải chứng minh trong vụ án, tức việc thu thập không để bỏ sót, mất mát vật chứng dù là vật nhỏ nhất, tầm thường nhất.

Tính chất kịp thời và đầy đủ trong hoạt động TTVC gắn chặt với nhau và bổ sung cho nhau đảm bảo cho hoạt động TTVC đáp ứng được mục đích mà nó cần đạt được. Nếu có tính kịp thời mà không có tính đầy đủ thì vật chứng thu thập được sẽ không thể hiện được tổng thể vụ việc đã xảy ra, gây khó khăn cho việc định hướng các hoạt động điều tra sau này cũng như các hoạt động truy tố, xét xử và làm cho chứng cứ được rút ra từ nguồn chứng cứ này không hoàn chỉnh. Ngược lại, nếu thu thập đầy đủ mà không kịp thời sẽ dễ dẫn đến việc không thu thập được những chứng cứ quan trọng do vật chứng chứa đựng vì chúng có thể bị mất mát, hư hỏng do các yếu tố khách quan cũng như yếu tố chủ quan. Việc kết hợp và đảm bảo tính kịp thời và đầy đủ sẽ đảm bảo cho vật chứng thu thập được luôn giữ được giá trị chứng minh toàn diện, tránh vật chứng có thể bị mất, bị xóa, bị xáo trộn hay vật chứng có thể bị tẩu tán, tiêu hủy…

Thứ hai, khi TTVC phải mô tả đúng thực trạng của chúng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Nguyên tắc này đòi hỏi trong quá trình thu thập, mọi vật chứng đều phải được mô tả đúng thực trạng tức đặc điểm của nó về tên, mác, mã số, ký hiệu, số lượng, trọng lượng, chất lượng, màu sắc, hình dáng, … vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án để có cơ sở giải quyết vụ án được chính xác. Chẳng hạn, khi thu giữ chiếc xe đạp là tài sản bị chiếm đoạt trong vụ án trộm cắp tài sản thì phải mô tả chi tiết thực trạng chiếc xe đó từ nhãn hiệu, màu sơn, đặc điểm riêng của từng bộ phận; nếu là tiền mặt thì phải ghi rõ số lượng các loại tiền, nếu là ngoại tệ thì phải ghi thêm là tiền nước nào và trong trường hợp cần thiết còn phải ghi cả số in trên đồng tiền. Việc mô tả đầy đủ còn có tác dụng đề phòng vật chứng có thể bị hư hỏng, đánh tráo hoặc đổi chác trong quá trình bảo quản dẫn đến việc giải quyết vụ án bị sai lệch.

Lập biên bản được xem là hình thức ghi nhận phổ biến được BLTTHS ghi nhận đối với việc thu thập chứng cứ nói chung và vật chứng nói riêng. Bằng hình thức lập biên bản có thể tiến hành ghi nhận được nhiều thông tin từ vật chứng. Đồng thời, cách này có thể cho phép lựa chọn những thông tin cần thiết để ghi nhận theo hướng điều tra đã được vạch ra. Ngôn ngữ viết là phương tiện được sử dụng của hình thức ghi nhận này. Do đó, người lập biên bản phải đảm bảo đúng chính tả, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, biên bản phải đảm bảo các nội dung như quy định tại khoản 1 Điều 95 BLTTHS như: “… ghi rõ địa điểm, ngày, giờ, tháng, năm tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động tố tụng, những người tiến hành, tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động tố tụng, những khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ”. Tùy theo từng hoạt động thu thập mà biên bản thể hiện thêm những nội dung liên quan đến nó. Chẳng hạn, khi TTVC do cơ quan, tổ chức, cá nhân, người bào chữa cung cấp thì ngoài việc lập biên bản như Điều 95 quy định còn phải kèm theo biên bản là lời khai của người giao nộp xác định vật đó được phát hiện ở đâu, khi nào, ai phát hiện, … hoặc nếu vật chứng được thu giữ trong hoạt động khám xét thì biên bản còn phải thể hiện các quy định của Điều 124, Điều 148 hay Điều Điều 154 BLTTHS khi khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.

Trong thực tiễn hoạt động giải quyết các vụ án hình sự, biên bản ghi nhận vật chứng trong một số trường hợp còn được sử dụng kết hợp biện pháp đồ họa kèm vào. Đồ họa được hiểu là biện pháp mô tả, sao chép vật chứng được thể hiện bằng cách vẽ, kẻ sơ đồ, biểu đồ. Khi vẽ sơ đồ, biểu đồ hoặc phác họa dấu vết trên sơ đồ cần phải làm rõ vị trí của dấu vết, vật chứng và sự tương quan giữa chúng với nhau, phải làm nổi bậc hình dáng, kích thước và những đặc điểm riêng đặc trưng của dấu vết, vật chứng. Sơ đồ hay biểu đồ phải được vẽ theo tỷ lệ nhất định, có kèm chú thích ngay trên bức vẽ và phải được đưa vào hồ sơ vụ án. Bên cạnh đó, đối với một số loại vật chứng có các đặc điểm về kích thước, cấu tạo, tính chất, tác dụng … mà không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh và có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Chụp ảnh, ghi hình là hình thức ghi nhận vật chứng một cách trực quan bằng hình ảnh có ưu điểm cho phép tài hiện lại đầy đủ, chi tiết và sống động những đặc điểm của đối tượng cần mô tả, sao chép. Tuy nhiên, khi thực hiện các hoạt động chụp ảnh, ghi hình cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo giá trị thông tin mà chúng ghi nhận. Chẳng hạn, đối với hoạt động chụp ảnh, chỉ được sử dụng phim đen trắng, ảnh chụp phải đánh số thứ tự và kèm theo tỷ lệ, có lời giải trình và biên bản kèm theo để đưa vào hồ sơ vụ án.

Thứ ba, việc TTVC phải đảm bảo các điều kiện của hoạt động thu thập chứng cứ. Đó là, việc TTVC phải đảm bảo đúng thời hạn. Có nghĩa, tất cả các hoạt động TTVC phải được tiến hành trong những thời hạn do luật định. Việc TTVC ngoài những thời hạn đó như TTVC trước khi khởi tố vụ án hay TTVC sau khi xét xử vụ án đều bị coi là không đúng thời hạn và bị coi là trái luật; việc TTVC phải được thực hiện trên cơ sở bảo đảm sự chính xác của nguồn chứng cứ, tức khi TTVC phải áp dụng các phương tiện kỹ thuật thích hợp để phát hiện, ghi nhận vật chứng; vật chứng phải được thu thập theo những trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định. Những vật chứng được thu thập bằng các biện pháp chưa được pháp luật tố tụng hình sự quy định thì không được xác định là vật chứng. Chẳng hạn những vật được thu thập bằng các biện pháp trinh sát, nghiệp vụ do công an phường, xã thu thập thì không được xem là vật chứng nếu nó không được bàn giao cho cơ quan tiến hành tố tụng đúng quy định tại Điều 65, Điều 74, Điều 78 và đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 64 BLTTHS; khi TTVC, các cơ quan, NTHTT có quyền tiến hành các biện pháp điều tra theo đúng chức năng, quyền hạn do pháp luật tố tụng hình sự quy định; việc TTVC phải tiến hành một cách khách quan, toàn diện. Những trường hợp TTVC một cách phiến diện, một chiều, định kiến có thể dẫn đến sai lầm trong việc giải quyết vụ án.

1.1.3. Các hoạt động thu thập vật chứng và chủ thể tiến hành

Bên cạnh quy định nguyên tắc phải tuân thủ khi TTVC, BLTTHS còn quy định các hoạt động tố tụng TTVC và chủ thể thực hiện. Theo quy định của BLTTHS, vật chứng được thu thập qua các hoạt động điều tra như: khám nghiệm hiện trường (Điều 150); thu giữ thu tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện (Điều 144); Tạm giữ đồ vật, tài liệu khi khám xét (Điều 145); Vật chứng do người tham gia tố tụng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp (khoản 2 Điều 65). Ngoài các hoạt động này, vật chứng không được thu thập từ hoạt động nào khác.

BLTTHS hiện hành không quy định rõ ai là người có thẩm quyền TTVC. Tuy nhiên, việc TTVC phải đảm bảo các quy định về thu thập chứng cứ cho nên có thể hiểu chủ thể có thẩm quyền thu thập chứng cứ cũng là chủ thể có thẩm quyền TTVC, đó là cơ quan tiến hành tố tụng gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án[6]. Cụ thể là những NTHTT được giao nhiệm vụ giải quyết vụ án là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử. Người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác không được tiến hành các hoạt động TTVC như cơ quan tiến hành tố tụng. Họ chỉ có thể tự thu thập tài liệu, đồ vật và giao nộp cho cơ quan tiến hành tố tụng theo khoản 2 Điều 65 BLTTHS nhưng không bắt buộc và không quy định trình tự, thủ tục cho họ TTVC. Quy định này xuất phát từ nguyên tắc xác định sự thật của vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện; những người tham gia tố tụng có quyền chứ không có nghĩa vụ chứng minh. Tùy theo địa vị của mỗi người mà những người tham gia tố tụng có quyền đưa ra các tài liệu, đồ vật bảo vệ quyền lợi cho mình. BLTTHS không quy định việc TTVC của người tham gia tố tụng có nghĩa họ có thể áp dụng mọi biện pháp để thu thập tài liệu, đồ vật và nếu tài liệu, đồ vật mà họ giao nộp đảm bảo các thuộc tính của chứng cứ, các đặc điểm của vật chứng thì cơ quan, NTHTT sử dụng các thông tin mà chúng chứa đựng để giải quyết vụ án. Do đó, cần hiểu không quy định cách thức TTVC của người tham gia tố tụng là tạo điều kiện thông thoáng cho họ trong việc TTVC chứ không phải không cho phép họ TTVC nên quyền TTVC của họ sẽ rộng hơn so với cơ quan tiến hành tố tụng.

1.1.4. Phương pháp thu thập vật chứng

Để tiến hành TTVC, cơ quan, NTHTT phải áp dụng các phương pháp nhất định. Bên cạnh phương pháp luận xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu là phương pháp luận duy vật biện chứng, đối với hoạt động TTVC thông thường, cơ quan, NTHTT còn sử dụng các phương pháp riêng đặc thù được xác định bởi tính chất của vật chứng. Đó là:

Phương pháp quan sát: Đây được xem là phương pháp chủ yếu để phát hiện và ghi nhận các dấu hiệu bề ngoài của đối tượng nhận thức. Quan sát là “xem xét để thấy, để biết rõ sự vật, hiện tượng nào đó[7]. Cho nên trong hoạt động TTVC, sử dụng phương pháp này để xem xét và ghi nhận một cách đầy đủ, chính xác nhằm mục đích xác định những đặc điểm của các vật chứng. Sự tác động của các vật chứng lên các giác quan của NTHTT sẽ đem lại những thông tin về nó. Do đó, có thể nói rằng các thông tin mà các vật chứng chứa đựng được thu nhận phần lớn dựa vào phương pháp này. Trong hoạt động TTVC, phương pháp này có thể do NTHTT trực tiếp quan sát các vật chứng để thu thập thông tin về nó, tức giữa chủ thể thu thập và vật chứng không có khâu trung gian như các hoạt động TTVC trong khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét, nhận các đồ vật được NTHTT và các tổ chức, cá nhân khác giao nộp. Đối với hoạt động khám nghiệm hiện trường, NTHTT cần phải quan sát một cách bao quát toàn bộ hiện trường và quan sát tỷ mỉ từng chi tiết đối với từng vật chứng để tìm ra các chứng cứ quan trọng của vụ án. Đối với hoạt động khám xét, cần quan sát thận trọng các đối tượng được khám xét để từ đó tìm ra các vật chứng chứa đựng các thông tin liên quan đến vụ án. Đối với các đồ vật do người tham gia tố tụng, các tổ chức, cá nhận khác giao nộp cần phải quan sát, kiểm tra từng đồ vật để xem chúng có chứa đựng giá trị chứng minh đối với vụ án hay không bởi lẽ không phải mọi đồ vật được giao nộp đều được xác định là vật chứng của vụ án. Tuy nhiên, ngoài quan sát trực tiếp, vật chứng cũng có thể được NTHTT quan sát gián tiếp qua khâu trung gian, đó là việc quan sát vật chứng qua lời khai của người tham gia tố tụng hay bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác về chúng. Việc quan sát bằng hình thức quan sát gián tiếp cần có sự kiểm tra lại những thông tin thu thập được từ vật chứng để xác định xem chúng có phải là chứng cứ của vụ án hay không.

Phương pháp khoa học – kỹ thuật: Phương pháp này được dùng để phát hiện và ghi nhận các vật chứng đặc thù mà mắt thường không thể phát hiện được; các dấu vết vật chất và trạng thái bên ngoài của hành vi phạm tội gắn liền với việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật như chụp ảnh, quay phim.

Phương pháp đo lường, miêu tả: Khi tiến hành hoạt động TTVC, có những trường hợp NTHTT phải xác định những đặc điểm về lượng của vật chứng như khi khám nghiệm hiện trường phải xác định kích thước của các vật chứng được phát hiện, khoảng cách giữa chúng, … Việc áp dụng phương pháp đo lường đòi hỏi phải xác định được đối tượng đo lường, đơn vị đo lường. Thông thường những vấn đề cần đo lường đối với vật chứng bao gồm: những thuộc tính, những yếu tố của vật chứng cần được biểu hiện bằng con số đại lượng như trọng lượng, nhiệt độ; khoảng cách giữa các đồ vật, giữa các điểm cần nghiên cứu; tốc độ chuyển động của các phương tiện giao thông, động vật… Trong khi đó, phương pháp miêu tả chỉ ra các dấu hiệu của đối tượng miêu tả. Trong hoạt động tố tụng, phương pháp này được sử dụng rất phổ biến. Chẳng hạn, đối với việc khám nghiệm hiện trường, phương pháp này được sử dụng để vẽ sơ đồ chung toàn bộ hiện trường, sơ đồ khu vực, sơ đồ chi tiết; sơ đồ chung, sơ đồ khu vực phải thể hiện chiều hướng, vị trí, trạng thái và mối tương quan giữa các dấu vết, vật chứng giữa dấu vết với các vật chứng ở hiện trường; sơ đồ chi tiết phải thể hiện hình thể, đặc điểm và kích thước của dấu vết, vật chứng.

1.2. Bảo quản vật chứng

1.2.1. Khái niệm bảo quản vật chứng

Theo từ điển Tiếng việt, bảo quản là “giữ gìn cho khỏi hư hỏng hoặc hao hụt[8]. Cho nên, BQVC được hiểu là việc cất giữ, bảo vệ đối với vật chứng đã được thu thập nhằm bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng, tránh cho vật chứng biến đổi về hình thức, nội dung nhằm phục vụ cho việc giải quyết vụ án hình sự.

Mục đích của việc BQVC là nhằm bảo đảm giá trị chứng minh của vật chứng đối với tội phạm và người phạm tội, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, tránh gây những lãng phí, thiệt hại không đáng có. Do quá trình giải quyết vụ án hình sự phải trải qua nhiều giai đoạn. Trong mỗi giai đoạn, vật chứng được các cơ quan, NTHTT khác nhau kiểm tra, đánh giá. Bên cạnh đó, thời gian giải quyết vụ án hình sự thường kéo dài có khi vài tháng và đối với những vụ án phải xét xử nhiều lần thì thời hạn có khi kéo dài vài năm. Do vậy, việc BQVC là yêu cầu cần thiết trong quá trình giải quyết vụ án.

1.2.2. Nguyên tắc bảo quản

Cũng như TTVC, việc BQVC cũng phải tuân thủ các nguyên tắc nhất định, đó là:

Thứ nhất, vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn, hư hỏng. Nguyên tắc này có thể hiểu, vật chứng phải được bảo quản hoàn toàn đầy đủ, không bị mất mát; không bị lẫn vào với nhau đến nỗi không còn phân biệt được nữa và chúng không bị hỏng đến nỗi không dùng được nữa. Việc quy định vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn, hư hỏng là do vật chứng là nguồn chứng cứ chứa đựng những thông tin phản ánh về những vấn đề phải chứng minh và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết nhanh chóng, chính xác vụ án hình sự nhưng vật chứng lại tồn tại dưới dạng vật thể, chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau, khách quan và chủ quan, cho nên vật chứng phải được bảo quản theo trình tự, thủ tục luật định để bảo đảm giá trị chứng minh cũng như giá trị sử dụng của vật chứng.

Thứ hai, đối với vật chứng cần được niêm phong thì phải niêm phong ngay sau khi thu thập. Việc niêm phong, mở niêm phong phải được tiến hành theo quy định của pháp luật và phải lập biên bản để đưa vào hồ sơ vụ án[9].

Theo Từ điển tiếng Việt, niêm phong có nghĩa là “đóng kín và ghi dấu hiệu để không cho phép tự tiện mở, đảm bảo hồ sơ, tài liệu, đồ vật được giữ nguyên, đầy đủ, bí mật[10]. Cho nên niêm phong vật chứng được hiểu là việc ghi lại dấu hiệu và giữ kín vật chứng để đảm bảo cho vật chứng được giữ nguyên, đầy đủ và bí mật. Trên thực tế, chưa có quy định nào về cách thức niêm phong, tuy nhiên, việc niêm phong có thể tiến hành theo cách thức sau: “Niêm phong phải làm cẩn thận và dễ dàng phát hiện dấu vết nếu phẩm chất niêm phong đã bị mở. Trên niêm phong phải ghi rõ số lượng, phẩm chất và các đặc điểm khác của các vật có trong niêm phong, có chữ ký của cán bộ thu giữ, của bị can hoặc thân nhân của họ và của đại diện Uỷ ban nhân dân xã, phường, niêm phong thứ gì và niêm phong như thế nào phải ghi vào biên bản thu giữ vật chứng[11]. Mặc dù không quy định cách thức niêm phong nhưng BLTTHS có quy định các trường hợp có thể tiến hành niêm phong là tạm giữ đồ vật khi khám xét và khám nghiệm hiện trường. Khi khám xét, Điều tra viên được tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án. Đối với đồ vật thuộc loại cấm tàng trữ, lưu hành thì phải thu giữ và chuyển ngay cho cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trong trường hợp cần thiết phải niêm phong thì tiến hành trước mặt chủ đồ vật hoặc đại diện gia đình, đại diện chính quyền và người chứng kiến (Điều 145 BLTTHS). Khi khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên tiến hành thu lượm và xem xét tại chỗ dấu vết của tội phạm, đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án; ghi rõ kết quả xem xét vào biên bản khám nghiệm hiện trường. Trong trường hợp không thể xem xét ngay được thì đồ vật và tài liệu thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra (khoản 3 Điều 150 BLTTHS). Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án cơ quan, NTHTT còn TTVC qua việc nhận chúng từ người tham gia tố tụng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. BLTTHS không quy định trường hợp này có thể niêm phong khi cần thiết hay không. Tuy nhiên, thu thập tài liệu, đồ vật trong trường hợp này cũng là một hoạt động TTCC. Cho nên, cơ quan, NTHTT vẫn có thể tiến hành niêm phong nếu thấy cần thiết.

1.2.3. Biện pháp bảo quản

Như nội dung khái niệm và các đặc điểm về vật chứng thể hiện, vật chứng rất phong phú, đa dạng về chủng loại, kích thước, hình dạng, màu sắc, tính chất… Chính vì vậy, cần phải có hình thức bảo quản phù hợp với từng loại vật chứng nhằm đảm bảo tính nguyên vẹn về giá trị, giá trị chứng minh của vật chứng. Nếu quy định hình thức BQVC không đầy đủ, phù hợp thì việc BQVC trong thực tiễn sẽ gặp khó khăn, lúng túng khi gặp những vật chứng có đặc điểm riêng biệt. Để bảo đảm thực hiện tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và những người có liên quan, bảo đảm việc bảo quản khai thác và sử dụng một cách thích hợp có hiệu quả tài sản là vật chứng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thất thoát, hư hỏng tài sản, cũng như các ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, gây lãng phí, thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân, theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, vật chứng được bảo quản bằng các biện pháp sau:

Thứ nhất, đối với  vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ phải được giám định ngay sau khi thu thập và phải chuyển ngay để bảo quản tại ngân hàng hoặc các cơ quan chuyên trách khác[12]. Trường hợp vật chứng, đồ vật của vụ án là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, động vật, thực vật do điều kiện khách quan mà cơ quan đang thụ lý vụ án không thể chuyển giao được ngay cho cơ quan chuyên trách để bảo quản thì phải tạm nhập vào kho vật chứng để bảo quản. Sau khi khắc phục được hoặc khi điều kiện khách quan cản trở không còn nữa thì Thủ trưởng đơn vị cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ pháp phải yêu cầu cơ quan đang thụ lý vụ án ra lệnh xuất và thực hiện ngay việc nhận, chuyển giao vật chứng, đồ vật nói trên sang cơ quan chuyên trách để bảo quản [13].

Việc giám định sẽ được tiến hành theo quy định tại các điều từ Điều 155 đến Điều 159 BLTTHS và các quy định chuyên môn về giám định. Khi giao vật chứng cho cơ quan giám định thì cơ quan tiến hành tố tụng đã thu giữ vật chứng phải mở niêm phong với sự có mặt của đại diện cơ quan giám định, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trong đó xác định niêm phong còn nguyên vẹn hay bị mất dấu. Biên bản mở niêm phong phải có chữ ký của đại diện cơ quan tiến hành tố tụng, đại diện cơ quan giám định và những người chứng kiến việc mở niêm phong.

Đối với vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý được giao cho Ngân hàng quản lý. Việc giao nhận loại vật chứng này để bảo quản từ cơ quan tiến hành tố tụng sang kho bạc nhà nước được quy định tại Thông tư số 80/1999/TT-BTC ngày 29/6/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý đối với các loại tài sản quý hiếm và chứng chỉ có giá do kho bạc nhà nước nhận gửi và bảo quản. Hình thức bảo quản loại tài sản này theo túi, gói niêm phong không qua kiểm định số lượng, trọng lượng, chất lượng sau khi chúng được thu giữ và đóng gói niêm phong theo đúng quy định. Đối với vật chứng là là đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ được giao cho các cơ quan chuyên môn tương ứng quản lý. Chẳng hạn, vật chứng là đồ cổ thì được giao cho Cơ quan văn hóa quản lý; vật chứng là chất nổ được giao cho cơ quan công an, quân sự quản lý; vật chứng là chất cháy, chất độc, chất phóng xạ được giao cho cơ quan chuyên môn tương ứng quản lý.

Thứ hai, đối với vật chứng không thể đưa về cơ quan tiến hành tố tụng để bảo quản thì cơ quan tiến hành tố tụng giao vật chứng đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đồ vật, tài sản hoặc người thân thích của họ hoặc chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có vật chứng bảo quản[14]. Đó là các loại vật chứng cồng kềnh, khó vận chuyển hay không thể vận chuyển, các bất động sản như: tàu thuyền, nhà cửa, kho tàng, các phương tiện sản xuất kinh doanh… Đây là quy định mới được bổ sung vào BLTTHS nhằm giải quyết vướng mắc thực tiễn là mặc dù luật không quy định nhưng cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải giao những loại vật chứng nêu trên cho các tổ chức, cá nhận bảo quản vì không thể mang những vật chứng này về kho vật chứng của cơ quan tiến hành tố tụng được. Chẳng hạn 01 chiếc tàu vận tải biển được người phạm tội dùng là phương tiện phạm tội (chở hàng buôn lậu), hoặc căn nhà được dùng để chứa gái mại dâm, … Quy định này cũng nhằm tránh những lãng phí, thiệt hại không đáng có đối với những loại vật chứng này vì những chủ thể bảo quản này biết rõ biết rõ đặc điểm của vật chứng được giao và có thể khai thác khả năng sinh lợi của chúng nên vật chứng sẽ được bảo quản tốt hơn. Trình tự, thủ tục giao nhận loại vật chứng này khi nó đang được chủ sở hữu sử dụng, khi bị thu giữ hoặc đã được chủ sở hữu thế chấp, cầm cố để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp, hay cá nhân, tổ chức khác để tiếp tục khai thác, sử dụng; trách nhiệm của người khai thác, sử dụng tài sản là vật chứng được thực hiện theo quy định tại mục 4, mục 5 phần I Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP ngày 24/10/1998.

Thứ ba, đối với vật chứng là hàng hoá mau hỏng như: rau, quả, thực phẩm tươi sống, hoá chất... hoặc khó bảo quản nếu không thuộc trường hợp phải trả lại quy định tại khoản 3 Điều 76 BLTTHS thì cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 76 BLTTHS trong phạm vi quyền hạn của mình quyết định bán theo quy định của pháp luật và chuyển tiền đến tài khoản tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền tại kho bạc nhà nước để quản lý[15]. Sở dĩ có quy định này là vì các loại vật chứng này rất khó bảo quản hoặc không thể bảo quản được lâu, thậm chí có loại chỉ để vài ba ngày là hoàn toàn mất giá trị, không còn sử dụng được. Trong điều kiện thực tế ở nước ta, các cơ quan tiến hành tố tụng không có đủ điều kiện, phương tiện để bảo quản tốt loại vật chứng này cho đến khi thi hành án. Bên cạnh đó, Thông tư số 06/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP còn quy định, khi bán tài sản và gửi tiền vào kho bạc phải thông báo cho cơ quan tài chính cùng cấp và chủ sở hữu tài sản (nếu biết). Ngoài ra, Thông tư còn đề cập đến vật chứng là tài sản thuộc loại có quy định thời hạn sử dụng ngắn, tài sản đã gần hết hạn sử dụng thì cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành bán như vật chứng khó bảo quản[16].

Thứ tư, ngoài các loại tài sản trên thì vật chứng khác được đưa về kho của cơ quan tiến hành tố tụng bảo quản. Cơ quan Công an có trách nhiệm BQVC trong giai đoạn điều tra, truy tố; cơ quan thi hành án có trách nhiệm BQVC trong giai đoạn xét xử và thi hành án[17]. Đối với vật chứng được đưa vào hồ sơ vụ án thì các cơ quan tiến hành tố tụng đều có trách nhiệm bảo quản.

Theo quy định tại Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ, ngoại trừ các loại vật chứng được quản lý bên trên, và vật chứng không thuộc trường hợp được đưa vào hồ sơ vụ án, các vật chứng khác được bảo quản tại kho vật chứng của cơ quan tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, do điều kiện khách quan mà vật chứng theo quy định phải giao cho cơ quan chuyên trách và vật chứng mau hỏng, không thể bảo quản lâu tại kho vật chứng mà chưa thể chuyển giao được ngay thì phải tạm nhập vào kho vật chứng để bảo quản; sau khi khắc phục điều kiện khách quan đó thì phải chuyển giao ngay. Các vật chứng này phải được bảo quản trong kho của các cơ quan chuyên môn tùy thuộc vào thẩm quyền theo lãnh thổ về hoạt động tiến hành tố tụng và tùy thuộc vào giai đoạn giải quyết vụ án mà chúng được bảo quản ở những kho khác nhau. Nếu vụ án đang ở giai đoạn điều tra, truy tố, có thể chúng được bảo quản ở kho của Công an cấp huyện, Công an cấp tỉnh, Bộ Công an nếu vụ án thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra thuộc Công an nhân dân cùng cấp; có thể là Quân khu và Bộ Quốc phòng nếu vụ án thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra thuộc Quân đội nhân dân cùng cấp. Còn nếu vụ án ở giai đoạn xét xử, thi hành án thì chúng có thể được bảo quản ở kho vật chứng của cơ quan thi hành án cấp huyện, Phòng thi hành án cấp tỉnh. Chế độ bảo quản kho vật chứng được thực hiện theo quy định tại Quy chế quản lý kho vật chứng. Đối với kho vật chứng trong Công an nhân dân, chúng còn được thực hiện theo quy định tại Thông tư  số 06/2003/TT-BCA (V19)[18].

Bên cạnh việc BQVC tại kho, cơ quan tiến hành tố tụng còn quản lý loại vật chứng khác là loại được đưa vào hồ sơ vụ án. BLTTHS không quy định rõ chúng là loại vật chứng nào. Tuy nhiên, dựa vào các văn bản hướng dẫn, chúng ta có thể xác định chúng bao gồm các loại: các loại tài liệu (như giấy tờ, tranh, ảnh...) có số lượng ít, đã xếp vào hồ sơ vụ án và đã được giao cho cán bộ thụ lý vụ án quản lý theo chế độ công tác hồ sơ; vật đã được giao cho cơ quan thụ lý vụ án quản lý trong thời gian sử dụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử[19]. Loại vật chứng này có thể có các đặc điểm: gọn, nhẹ kể cả các giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; có thể nhận dạng được chúng một cách dễ dàng không cần qua giám định; thường xuyên được xem xét trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Loại vật chứng này cần được thể hiện rõ các đặc điểm của chúng vào biên bản thu giữ, tạm giữ như: tên, mác, mã số, ký hiệu, số lượng, trọng lượng, chất lượng, màu sắc, hình dáng và chúng phải được đưa vào hồ sơ vụ án. Do đó, các cơ quan tiến hành tố tụng gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan thi hành án đều có trách nhiệm bảo quản loại vật chứng này khi hồ sơ của vụ án được chuyển đến từng cơ quan giải quyết theo thẩm quyền.

Qua các phân tích về biện pháp BQVC, thấy rằng, vật chứng được các đối tượng khác nhau bảo quản dựa vào đặc điểm, vai trò, giá trị của chúng. Tuy nhiên, dù cho vật chứng được ai bảo quản thì trách nhiệm BQVC về mặt TTHS thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng; các chủ thể khác thực hiện nhiệm vụ bảo quản chỉ là sự giúp đỡ về chuyên môn nhằm đảm bảo giá trị chứng minh và giá trị vật chất của vật chứng.

1.2.4. Chủ thể thực hiện việc bảo quản và trách nhiệm của chủ thể bảo quản

Nếu như việc TTVC chỉ giới hạn trong thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng và một số cơ quan được thực hiện một số hoạt động điều tra ban đầu thì hoạt động BQVC lại có chủ thể thực hiện rộng hơn từ cơ quan tiến hành tố tụng cho đến các cơ quan chuyên trách, kho bạc nhà nước, các cơ quan, tổ chức cá nhân khác tùy theo mỗi loại vật chứng. Cụ thể, Ngân hàng BQVC là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý; đối với vật chứng là hàng hóa mau hỏng, không giữ được lâu thì được tiến hành bán đấu giá và chuyển tiền đến tài khoản tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền tại kho bạc nhà nước để quản lý. Trong trường hợp này, cơ quan tiến hành tố tụng cũng như kho bạc Nhà nước không trực tiếp BQVC mà là bảo quản giá trị còn lại của nó thông qua hành vi tạm giữ số tiền tương ứng với giá trị của vật chứng tại thời điểm đưa vật chứng ra bán đấu giá; các cơ quan chuyên trách BQVC là đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ. Các cơ quan chuyên trách ở đây có thể được hiểu là các cơ quan có thẩm quyền bảo quản các loại tài sản này, có thể là Cơ quan văn hóa, cơ quan quân sự, công an, …; chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cũng có thể là chủ thể quản lý vật chứng khi họ là người đang quản lý vật chứng (có thể nhận cầm cố, thế chấp) nếu họ được cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục giao tài sản để quản lý khi thấy những tài sản đó có khả năng sinh lợi; cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc BQVC đối với các vật chứng không thuộc các loại trên. Cụ thể, Cơ quan điều tra BQVC trong giai đoạn điều tra, truy tố; cơ quan thi hành án BQVC trong giai đoạn xét xử, thi hành án.

Theo khoản 3 Điều 75, Điều 147 BLTTHS và khoản 2 Điều 13 Quyết định số 18/2002/QĐ-TTg ngày 18/02/2002, người có trách nhiệm BQVC mà để mất mát, hư hỏng, phá huỷ niêm phong, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại vật chứng của vụ án, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 310 của Bộ luật Hình sự; trong trường hợp thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, huỷ, làm hư hỏng vật chứng của vụ án nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 300 của Bộ luật Hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Việc quy định rõ ràng bằng cách liệt kê từng hành vi vi phạm như: "để mất mát, hư hỏng, phá huỷ niêm phong, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại" và "thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, huỷ, làm hư hỏng vật chứng của vụ án nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án" thì có thể bị kỹ luật, bị truy cứu theo từng điều luật tương ứng theo Điều 310 Bộ luật Hình sự về tội "Vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản" hoặc theo Điều 300 Bộ luật Hình sự về tội "Làm sai lệch hồ sơ vụ án" và phải bồi thường sẽ dễ dáng trong việc xử lý trách nhiệm của người vi phạm, tránh được việc quy định chung chung, khi có vi phạm xảy ra sẽ lúng túng, không biết xử lý ra sao.

2. Thực trạng áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về thu thập, bảo quản vật chứng

2.1. Đối với hoạt động thu thập vật chứng

Thực tiễn thời gian qua, các cơ quan, NTHTT đã vận dụng tốt các thành tựu khoa học kỹ thuật vào hoạt động TTVC nên đã phát hiện được các loại vật chứng khác nhau như các vật chứng chứa đựng các dấu vết mà tội phạm phản ánh, các vật chứng dạng bột và các loại vật chứng khác mà mắt thường không phát hiện được như lông, sợi, … Bên cạnh đó, việc kết hợp tốt giữa cơ quan, NTHTT với các nhà chuyên môn thuộc các tổ chức giám định đã xác định ra đúng bản chất của vật chứng thu thập được góp phần quan trọng vào việc giải quyết vụ án như giám định các chất bột là herôin, giám định dấu vân tay, giám định vết máu mà vật chứng chứa đựng, … Chẳng hạn, nhờ việc thu thập được vật chứng liên quan đến vụ án đã truy tìm ra được kẻ đã thực hiện hành vi phạm tội. Vụ án Lê Văn Trê giết hai cô gái ở cùng nhà trọ tại phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2008 chứng minh cho vai trò của vật chứng trong việc phá án. Nhờ thu thập được vật chứng của vụ án là bao tay, dây dù, con dao mà bị cáo dùng để cắt cổ hai nạn nhân ở cùng khu nhà trọ mà Công an Quận 12 đã bắt được hung thủ[20]. Thêm vào đó, trong thực tiễn hoạt động giải quyết các vụ án hình sự, có vụ án nhờ thu giữ đầy đủ các vật chứng kết hợp với các hoạt động điều tra liên quan như giám định, … mà Cơ quan điều tra đã truy tìm ra thủ phạm như vụ án "giết người” và “hiếp dâm” ở tỉnh Quảng Ninh vào năm 2002. Nhờ thu giữ được một số vật chứng quan trọng như: một điếu thuốc lá hút dở, một sợi lông màu đen dài 6cm kết hợp với thu giữ mẫu máu nạn nhân, mẫu tinh dịch trong âm đạo khi khám nghiệm tử thi, Cơ quan điều tra đã vạch ra hướng điều tra và có tình nghi Trịnh Văn Tý nên tiến hành lấy lời khai, lấy mẫu máu, lấy lông bộ phận sinh dục và khi giám định ADN. Kết quả, bị cáo cúi đầu nhận tội[21]. Ngoài ra, trong thực tiễn nhờ thu thập được đầy đủ các vật chứng tại hiện trường nên dù bị cáo không nhận tội nhưng vẫn có đầy đủ chứng cứ đấu tranh với bị cáo. Chẳng hạn, trong vụ án Lê Hoàng Dũng phạm tội “giết người”, “cướp tài sản” ở thành phố H vào năm 2005, nhờ thu giữ được con dao, cây xà beng gây án, đặc biệt là lấy được dấu vân tay trên cánh cửa kính tủ bích phê nhà ông Hà và tiến hành giám định xác định được dấu vân tay là của bị cáo, máu thu trên xà beng cùng nhóm máu với ông Hà nên bị cáo đã cúi đầu nhận tội đã dùng cây xà beng bằng sắt đánh mạnh vào đầu ông Hà nhiều nhát vào đầu ông Hà và dùng dao đâm nhiều nhát vào ngực ông Hà rồi dùng dao cắt cổ ông Hà cho đến khi ông Hà chết hẳn[22].

Tuy nhiên, quy định của BLTTHS về chủ thể có thẩm quyền TTVC còn thể hiện sự bất cập. Theo quy định pháp luật tố tụng hình sự, chủ thể được thực hiện TTVC là những cơ quan tiến hành tố tụng được giao nhiệm vụ giải quyết vụ án là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Tuy nhiên, đối chiếu quy định tại khoản 1 Điều 65 với Điều 111 BLTTHS thấy rằng, giới hạn chủ thể tiến hành hoạt động TTCC nói chung, vật chứng nói riêng là chưa đầy đủ. Bởi vì, ngoài  hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng còn một số cơ quan khác là Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Khi thực hiện nhiệm vụ, các cơ quan này phải tuân thủ các trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định và họ có quyền khởi tố vụ án, tiến hành những hoạt động điều tra ban đầu (đối với các cơ quan khác trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân) hay được khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với tội ít nghiêm trọng, khởi tố vụ án, tiến hành những hoạt động điều tra ban đầu đối với các tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng hay tội ít nghiêm trọng nhưng có những tình tiết phức tạp (đối với Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển). Hiển nhiên, các cơ quan này sẽ tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ nói chung, vật chứng nói riêng khi họ tiến hành các hoạt động điều tra. Do đó, cần bổ sung vào khoản 1 Điều 65 BLTTHS các chủ thu thập chứng cứ nói chung, vật chứng nói riêng là Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Bên cạnh đó, hoạt động TTVC trong thời gian qua cũng còn nhiều sai sót cần được khắc phục, sửa đổi kịp thời. Đó là:

Thứ nhất, không tuân thủ nguyên tắc kịp thời, đầy đủ khi thu thập vật chứng

Một trong những nguyên tắc cần phải quán triệt khi TTVC mà Điều 75 BLTTHS quy định là vật chứng phải được thu thâp kịp thời, đầy đủ. Trong thực tiễn, do không tuân tủ nguyên tắc này nên dẫn đến việc truy tố, xét xử oan sai. Vấn đề này được minh chứng qua vụ án Nguyễn Thị Lâm giết người ở Bình Thuận. Khi khám nghiệm hiện trường phát hiện một con dao quắm nhưng Cơ quan điều tra không thu giữ, trong khi vết thương trên mặt, đầu người bị hại rất phù hợp với con dao quắm. Mặt khác, theo lời khai của bị cáo con dao phay mà Cơ quan điều tra tìm được chỉ là những mảnh sắt vụn không rõ hình thù. Trong vụ án này, con dao quắm là vật chứng của vụ án nhưng không được thu thập[23]. Điều này thể hiện hoạt động điều tra không đảm bảo được tính khách quan của chứng cứ do vật chứng chứa đựng khi thực hiện việc chứng minh tội phạm. Sai lầm này dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là việc điều tra bị lệch hướng, đối tượng không phát hiện được dẫn đến việc truy tố, xét xử oan sai.

Thứ hai, vật chứng được thu thập không đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định

Việc TTVC phải theo đúng trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định, nếu vật chứng được thu thập không hợp pháp, không đúng trình tự, thủ tục của pháp luật thì sẽ không có giá trị chứng minh. Vụ án Nông Văn Quảng phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy” ở Sơn La vào năm 2004 là một điển hình cho sai phạm này. Quảng và Lê Trọng Thịnh bị công an bắt quả tang khi đang vận chuyển trái phép chất ma túy. Vật chứng thu được gồm 05 bánh heroin có tổng trọng lượng 1.748,9g đựng trong chiếc túi vải bạc màu xanh đang đeo trên người Thịnh, thu trong bao thuốc lá trên người Thịnh 0,15g heroin, thu trong người Quảng 01 gói heroin có trọng lượng 0,3g. Trước Cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Quảng đều không nhận tội, bị cáo Thịnh lúc đầu nhận tội, lúc sau chối tội vì cho rằng bị ép buộc. Hội đồng xét xử sơ thẩm đã xử phạt Thịnh, Quảng tù chung thân. Tuy nhiên, hồ sơ thể hiện, các bị cáo có lời khai không nhận có tàng trữ túi vải chứa heroin. Biên bản bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang ghi túi vải được thu giữ trên người Thịnh, trong khi đó, biên bản phạm pháp quả tang thể hiện trước khi ký Thịnh ghi 5 bánh heroin do các chiến sĩ công an khoác vào cổ Thịnh. Do đó, vấn đề mấu chốt là túi vải đựng 5 bánh heroin có phải được thu giữ khi Thịnh đang khoác hay do công an đeo vào người Thịnh chưa được làm rõ. Vụ án này có tính chất đặc biệt nghiêm trọng nhưng việc điều tra có nhiều sai sót, đặc biệt là vấn đề thu giữ vật chứng và các chứng cứ xác định về sự tồn tại của vật chứng có mâu thuẫn nhưng quá trình điều tra không được làm rõ làm cho bản án phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm[24].

Thứ ba, thu thập vật chứng không đầy đủ, bỏ sót những vật chứng quan trọng nhưng lại thu thập các tài liệu, đồ vật khác không phải là vật chứng.

Các sai sót này thường xảy ra khi Cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi không cẩn thận. Chẳng hạn, trong vụ án Trương Ngọc Minh bị giết chết tại thành phố Hồ Chí Minh. Khi điều tra vụ án, Cơ quan điều tra đã không thu giữ một số vật chứng quan trọng như chiếc thang tre được cho là bị dùng để thực hiện hành vi phạm tội nên không thể thực nghiệm hiện trường. Bên cạnh đó, khi tiến hành thu lượm các chất gây cháy làm ông Minh chết, Cơ quan điều tra có thu phía sau phòng bị can 01 lon loại 0,8 lít còn dính dầu và loại 01 lít còn dính xăng, thu bên phòng ông Minh một lon thiếc, dung tích 1 lít bị cháy ám khói. Nhưng bị can lại khai nhà bị can chỉ có 01 chiếc lon loại 01 lít đựng dầu mà công an đã thu giữ. Với cách thu lượm các dấu vết, đồ vật như thế này thì không xác định được chiếc lon loại 0,8 lít có hay không; chiếc lon loại 01 lít thực chất đựng dầu hay xăng. Cho nên, vụ án càng điều tra càng bế tắc do không xác định được chất gây cháy trong vụ án này là chất gì. Đây là những mâu thuẫn mà quá trình điều tra mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng không giải quyết được[25].

2.2. Đối với hoạt động bảo quản vật chứng

BQVC có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp duy trì tình trạng nguyên vẹn của vật chứng như khi thu thập được trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Công tác BQVC ở các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như ở các cơ quan chuyên trách sau khi thu thập được trong thời gian qua, nhìn chung, tuân thủ tốt quy định của pháp luật về nguyên tắc, biện pháp bảo quản… giúp vật chứng nguyên vẹn về giá trị cũng như đảm bảo giá trị chứng minh tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng khác nhau đánh giá chứng cứ do vật chứng chứa đựng trong suốt quá trình giải quyết vụ án...

Do hoạt động BQVC liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau nên đã có nhiều văn bản hướng dẫn các quy định này của BLTTHS của các cơ quan hữu quan. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng, một số quy định về BQVC trong BLTTHS và một vài văn bản hướng dẫn đã bộc lộ những bất cập cần phải sửa đổi cho phù hợp.

Trước tiên, đó là vướng mắc về trách nhiệm tiếp nhận và BQVC. Điểm đ khoản 2 Điều 75 BLTTHS quy định: “Đối với vật chứng đưa về cơ quan tiến hành tố tụng bảo quản thì cơ quan Công an có trách nhiệm BQVC trong giai đoạn điều tra, truy tố; cơ quan thi hành án có trách nhiệm BQVC trong giai đoạn xét xử và thi hành án”. Trong khi đó, điểm b mục 21.2 Thông tư số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS hướng dẫn như sau: “…khi ra quyết định truy tố, Viện kiểm sát ra quyết định chuyển vật chứng từ kho vật chứng của Cơ quan Công an hoặc từ kho của Cơ quan điều tra trong Quân đội sang kho vật chứng của cơ quan thi hành án, đồng thời thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án cùng cấp”. Nhưng tiểu mục 1 mục II Thông tư 06/2007/TT-BTP ngày 05/7/2007 của Bộ Tư pháp Hướng dẫn thực hiện một số thủ tục hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự lại quy định: “Cơ quan thi hành án chịu trách nhiệm tiếp nhận, BQVC, tài sản do cơ quan Công an hoặc Cơ quan điều tra chuyển giao kể từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại khoản 2 Điều 75 của BLTTHS”.

Trước quy định thiếu thống nhất giữa hai thông tư nói trên, dẫn tới việc chuyển giao vật chứng trong vụ án hình sự mỗi địa phương thực hiện theo một cách. Ở Hà Nội, cơ quan thi hành án vẫn tiếp nhận vật chứng theo quy định của Thông tư 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP. Còn tại tỉnh Khánh Hòa, kể từ khi có Thông tư 06/2007/TT-BTP, cơ quan thi hành án địa phương không nhận vật chứng do cơ quan Công an chuyển đến. Trong khi đó, tại Thái Nguyên, cơ quan thi hành án không nhận vật chứng trước khi Tòa án có quyết định xét xử; Tòa án thì không nhận hồ sơ vụ án đã có cáo trạng truy tố khi hồ sơ không có đủ biên bản giao nhận vật chứng giữa Cơ quan điều tra và cơ quan thi hành án[26]. Bên cạnh đó, trong giới nghiên cứu khoa học tố tụng hình sự cũng có nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm tiến hành giao nhận vật chứng giữa Cơ quan điều tra và cơ quan thi hành án. Có ý kiến cho rằng, theo Thông tư 06/2007/TT-BTP, Tòa án phải chuyển cho công an hoặc Cơ quan điều tra quyết định đưa vụ án ra xét xử để các cơ quan đó biết và thực hiện việc giao nhận vật chứng với Cơ quan điều tra theo quy định tại khoản 2 Điều 75 BLTTHS[27]. Ý kiến khác lại cho rằng, Viện kiểm sát cùng cấp phải ra quyết định chuyển vật chứng khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Đây là căn cứ về thời điểm để Viện kiểm sát ra quyết định chuyển vật chứng chứ không phải là thời điểm phát sinh trách nhiệm tiếp nhận vật chứng của cơ quan thi hành án. Cơ quan thi hành án chỉ cần căn cứ vào quyết định chuyển vật chứng của Viện kiểm sát và biên bản giao vật chứng của cơ quan Công an để tiếp nhận vật chứng[28].

Qua các quan điểm trên, đối chiếu với các quy định liên quan, thấy rằng, Thông tư 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP quy định cơ quan công an chuyển vật chứng cho cơ quan thi hành án khi hồ sơ đang còn ở Viện kiểm sát là không phù hợp với quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 75 BLTTHS vì ra quyết định chuyển vật chứng khi ra quyết định truy tố chứ không phải khi chuyển hồ sơ cho Tòa án; Thông tư 06/2007/TT-BTP hướng dẫn sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì cơ quan thi hành án mới tiếp nhận vật chứng là trái với quy định của pháp luật. Cách hiểu của Thông tư 06/2007/TT-BTP giống như cách hiểu được quy định ở Thông tư số 06/2003/TT-BCA (V19)[29] nhưng quy định này không phù hợp quy định pháp luật nên đã bị bãi bỏ khi Thông tư 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ra đời.

Sở dĩ có hướng dẫn như Thông tư 06/2007/TT-BTP và Thông tư 06/2003/TT-BCA là do có cách hiểu không thống nhất với quy định pháp luật về giai đoạn tố tụng. Trong khoa học luật tố tụng hình sự, có nhiều ý kiến khác nhau về giai đoạn tố tụng hình sự như: ý kiến của các tác giả Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam, khoa luật Đại học quốc gia Hà Nội; các tác giả Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam, Trường Đại học luật Hà Nội; quan điểm của GS.TS người Nga V.G. Đaev và ý kiến của T.S Trần Quang Tiệp. Các ý kiến này có những lập luận khác nhau về việc phân chia các giai đoạn trong tố tụng hình sự nhưng điều xác định trong các giai đoạn tố tụng hình sự không có giai đoạn chuẩn bị xét xử[30]. Do đó, có thể hiểu giai đoạn xét xử bắt đầu xác định từ khi Tòa án tiếp nhận, thụ lý hồ sơ vụ án hình sự do Viện kiểm sát chuyển đến. Do vậy, vật chứng của vụ án phải được cơ quan thi hành án tiếp nhận và bảo quản từ thời điểm này chứ không phải từ thời điểm có quyết định đưa vụ án ra xét xử vì chuẩn bị xét xử là một phần của giai đoạn xét xử.

Trước tình hình đó, để thống nhất áp dụng văn bản qui phạm pháp luật về XLVC trong vụ án hình sự, ngày 8/6/2009, một tổ chuyên viên của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị bàn việc. Hội nghị đã thống nhất đề nghị liên ngành sớm cho ý kiến thực hiện theo Thông tư số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP[31]. Tuy nhiên, Thông tư này lại không có sự tham gia của Bộ Tư pháp. Do đó, để có sự áp dụng thống nhất pháp luật về vấn đề này, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư  pháp cần ra Thông tư liên ngành chung cho việc áp dụng thống nhất quy định này.

Thứ hai, vướng mắc về thủ tục tiếp nhận vật chứng dưới hình thức gói niêm phong. Tại điểm b tiểu mục 1.4 mục 1 phần II Thông tư 06/2007/TT-BTP quy định: “Trong trường hợp vật chứng, tài sản được bàn giao dưới hình thức gói niêm phong, cơ quan thi hành án chỉ nhận khi có kết luận giám định rõ số lượng, chủng loại, chất lượng của từng loại vật chứng, tài sản trong gói niêm phong đó của cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan thi hành án chỉ nhận vật chứng, tài sản là ma túy dưới hình thức gói niêm phong khi có kết luận của Viện khoa học hình sự. Căn cứ vào quy định này, khi nhận vật chứng, tài sản dưới dạng gói niêm phong, cơ quan thi hành án yêu cầu bên giao kèm theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền và biên bản thu giữ ban đầu của Cơ quan điều tra nhưng các kết luận giám định và biên bản thu giữ ban đầu đều được Cơ quan điều tra chuyển theo hồ sơ của vụ án cho cơ quan có thẩm quyền nên không thể cung cấp. Để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ, cơ quan thi hành án viện dẫn Thông tư 06/2007/TT-BTP nhưng không được bên giao chấp nhận vì đó chỉ là Thông tư của Bộ Tư pháp chứ không phải Thông tư liên ngành. Vì vậy, đối với những loại vật chứng này hiện nay cũng đang còn vướng mắc trong thủ tục tiếp nhận. Bên cạnh đó, khi giao nhận vật chứng là ma túy dưới hình thức gói niêm phong phải có kết luận giám định của Viện khoa học hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải mọi vụ án liên quan đến ma túy đều phải được Viện khoa học hình sự giám định mà thông thường là Tổ chức Giám định Tội phạm – Kỹ thuật hình sự thuộc công an cấp tỉnh tiến hành giám định và trên thực tế cơ quan thi hành án một số địa phương cũng chấp nhận kết luận giám định của cơ quan này. Do đó, liên ngành các cơ quan Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cáo, Bộ Tư pháp cần có văn bản hướng dẫn thống nhất về vấn đề này. Trước mắt, cần sửa đổi quy định này theo hướng, Cơ quan điều tra khi giao vật chứng dưới hình thức gói niêm thì gửi kèm bản sao kết luận giám định của cơ quan chuyên môn.

Thứ ba, thủ tục BQVC là đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền, vàng, kim khí quý, đá quý, hàng mau hỏng, khó bảo quản cũng còn nhiều vướng mắc. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 75 BLTTHS, vật chứng là đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ được chuyển đến cơ quan chuyên trách. Tuy nhiên, do luật không quy định cụ thể nên không rõ đó là những cơ quan nào; thủ tục giao nhận loại vật chứng này để bảo quản ra sao nên vẫn còn nhiều lúng túng trong thực tiễn áp dụng. Bên cạnh đó, hiện nay giữa cơ quan tiến hành tố tụng và Ngân hàng chưa có quy chế hay hướng dẫn chung, chi tiết về thủ tục gửi, giữ tiền, vàng, kim khí quý, đá quý. Nên hiện nay, số tiền, vàng, kim khí quý, đá quý là vật chứng trong các vụ án hình sự thường được bảo quản tại kho vật chứng của cơ quan công an, cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, việc bảo quản này không đúng với quy định của BLTTHS. Đối với hàng mau hỏng, khó bảo quản, điểm d khoản 2 Điều 75 BLTTHS chỉ quy định “bán theo quy định của pháp luật” thì chưa rõ nghĩa. Điều này dẫn đến việc tùy nghi của các cơ quan tiến hành tố tụng vì họ có thể bán đấu giá theo quy định của pháp luật hoặc bán thông thường và điều này dễ gây thiệt hại đối với chủ sở hữu có tài sản được bán. Vì vậy, cần có hướng dẫn cụ thể về hình thức bán loại vật chứng này.

Thứ tư, việc xác định chủ thể BQVC là cơ quan tiến hành tố tụng có một vài bất cập. Điểm đ khoản 2 Điều 75 BLTTHS quy định: “Đối với vật chứng đưa về cơ quan tiến hành tố tụng bảo quản thì cơ quan Công an có trách nhiệm BQVC trong giai đoạn điều tra, truy tố; cơ quan thi hành án có trách nhiệm BQVC trong giai đoạn xét xử và thi hành án”. Theo quy định này, cơ quan thi hành án cũng là cơ quan tiến hành tố tụng bên cạnh các cơ quan khác là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Trong khi đó, khoản 1 Điều 33 BLTTHS quy định: “cơ quan tiến hành tố tụng gồm có: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án”. Cho nên chủ thể BQVC là cơ quan tiến hành tố tụng được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 75 BLTTHS là mâu thuẫn với quy định về cơ quan tiến hành tố tụng được quy định khoản 1 Điều 33 BLTTHS. Bên cạnh đó, việc quy định cơ quan Công an có trách nhiệm BQVC trong giai đoạn điều tra, truy tố cũng không rõ ràng. Bởi vì, theo Pháp lệnh về Tổ chức điều tra hình sự năm 2004, tại Điều 1 Chương 1 quy định Cơ quan điều tra bao gồm: Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và không phải cơ quan Công an nào cũng là Cơ quan điều tra. Do đó, cần sửa đổi quy định của điểm đ khoản 2 Điều 75 BLTTHS phù hợp với các quy định khác có liên quan đến cơ quan tiến hành tố tụng và Cơ quan điều tra.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các quy định của pháp luật về hoạt động BQVC vào thực tiễn cũng còn nhiều sai phạm đòi hỏi có sự chấn chỉnh kịp thời. Chẳng hạn, sau khi thu thập được, vật chứng của vụ án phải được bảo quản theo đúng quy định của pháp luật cụ thể chúng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn và hư hỏng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn trường hợp do thực hiện việc bảo quản không tốt nên vật chứng bị hư hỏng ảnh hưởng đến quyền hợp pháp của những người liên quan. Vụ án buôn lậu Hang Dơi là vi phạm điển hình cho trường hợp này. Trong quá trình điều tra, tang vật đã thu giữ là các xe ôtô và xe máy. Cơ quan công an trả lại 8 ôtô, 12 xe máy cho chủ phương tiện vì không liên quan vụ án. 16 xe còn lại là vật chứng, Cơ quan điều tra đã kịp ra quyết định tịch thu, bán đấu giá trước phiên toà sơ thẩm được hơn 880 triệu đồng. Còn lại 3 xe được chuyển kèm theo hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, do thời gian lưu giữ quá lâu vì chúng bị cơ quan công an tạm giữ từ tháng 10/2001 đến khi xét xử, khoảng cuối tháng 9/2005, mới chuyển giao và để ở ngoài trời nên chúng bị hư hỏng nặng[32]. Sai sót này đã gây thiệt hại lớn đến quyền lợi của những người là chủ sở hữu tài sản.

Không những thế, có vụ án do không tuân thủ nguyên tắc bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn và việc niêm phong, tháo niêm phong phải được tiến hành theo quy định của pháp luật nên đã gây khó khăn cho hoạt động truy tố, xét xử bị cáo như sai phạm trong vụ án Trần Văn Tâm phạm tội “Làm hàng giả”, “Trốn thuế”. Trong vụ án này toàn bộ số nữ trang bằng vàng tây bao gồm nhiều loại như: cà rá, vòng, lắc đeo tay, mặt dây chuyền được thu giữ làm vật chứng của vụ án được chuyển cho Công ty vàng  bạc đá quý nấu thành 15 cục theo yêu cầu miệng của công an tỉnh. Chính việc nấu các nữ trang thành cục đã làm thay đổi toàn bộ nguyên dạng vật chứng, làm lẫn lộn vật chứng. Vi phạm này dẫn đến không xác định được số hàng của bị cáo là bao nhiêu loại đúng chất lượng, bao nhiêu loại không đúng chất lượng để quy trách nhiệm đối với bị cáo. Ngoài ra, biên bản phạm pháp quả tang có ghi toàn bộ tang vật được để trong 14 túi nylon và có niêm phong có chữ ký của người chứng kiến. Tuy nhiên, hồ sơ lại không thể hiện khi số vàng được mang đi nấu, Cơ quan điều tra có làm thủ tục mở niêm phong lúc giám định và niêm phong lại sau khi giám định hay không. Chính vì các sai phạm này mà Hội đồng xét xử phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm để điều tra lại[33].

Trong thực tiễn có nơi, cơ quan tiến hành tố tụng còn làm mất cả vật chứng quan trọng của vụ án do vi phạm trong thủ tục BQVC như sai phạm trong vụ án Đặng Văn Bao bị xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” của Tòa án nhân dân huyện Kiến Thụy. Khoảng 18 giờ 02/01/2002, ông Đặng Văn Bao (em trai ông Bốn) thả lưới đánh cá trên đoạn mương mà ông Bốn đã ký hợp đồng với người được giao khai thác. Ông Hiếu, ông Bậc ra thu lưới. Ông Bao, ông Bốn ngăn lại nên xảy ra xô xát. Ông Bốn dùng gậy đánh ông Hiếu ngã xuống mương làm ông Hiếu bị thương. Ông Bậc lao vào đánh Bao ngã vào bờ rào. Bao vùng dậy dùng gậy vụt ông Bậc nhiều nhát. Bốn sau khi đánh Hiếu đã tiếp tục dùng gậy đánh Bậc làm Bậc bị ngất đưa đi cấp cứu. Ông Bậc được cơ quan chuyên môn giám định thương tật 12%. Tuy nhiên, theo Biên bản xác minh hiện trường ngày 02/01/2002 do Công an xã Tân Lập lập, vật chứng được thu giữ gồm: “Hai chiếc gậy tre (một chiếc dài khoảng 90cm, đường kính 3cm; một chiếc dài khoảng 1,1m, đường kính 3cm) cùng các vật chứng khác và được bàn giao cho Cơ quan điều tra nhưng khi truy tố, xét xử không có đủ các vật chứng này nên Hội đồng xét xử sơ thẩm chỉ tuyên xử phạt bị cáo Bao 12 tháng tù cải tạo không giam giữ, “tiêu hủy 01 gậy tre dóc” được xác định là vật chứng của vụ án. Chính những sai phạm trong việc BQVC nên khi người bị hại kháng cáo cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, cấp phúc thẩm không có đủ vật chứng xác định thương tích của người bị hại là do vật chứng nào và ai gây ra. Cho nên, cấp phúc thẩm đã tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm với nội dung chính là việc điều tra, thu thập và BQVC ở cấp sơ thẩm không đầy đủ.[34]

Ngoài ra, trong thực tiễn giải quyết của vụ án hình sự, còn xảy ra trường hợp do kho BQVC thiếu sự an toàn, không người trông coi nên có trường hợp đã làm mất mát vật chứng khi bảo quản. Vụ án trộm 11 kg ma túy từ kho vật chứng Phòng thi hành án dân sự, Sở tư pháp tỉnh Lai Châu năm 2007 là sai phạm điển hình. Vào khoảng 18 giờ 30 ngày 10/10/2007, Vũ Trọng Việt, cán bộ Phòng thi hành án tỉnh Lai Châu đã dùng búa đập khóa cửa rồi cùng với Nguyễn Hồng Quân (em bà con với bị cáo) mang thùng vật chứng có chứa đựng 8.139,2 gam thuốc phiện và 2.646,38 gam hêrôin là vật chứng thuộc các vụ án về nơi bị cáo ở cất dấu. Tuy nhiên, đến ngày 15/10/2007, Ban chuyên án Công an tỉnh Lai Châu đã khám phá thành công vụ án[35]. Qua vụ án này, thấy rằng nguyên nhân dẫn đến việc mất vật chứng ở kho bảo quản của cơ quan tiến hành tố tụng là do chưa đảm bảo sự an toàn, thiếu người bảo vệ, trong coi. Điều này, còn thể hiện ở nhiều nơi do kho BQVC còn sơ xài, chưa được bảo đảm sự an toàn cao. Để khắc phục sai phạm này, các kho vật chứng cần được xây dựng đúng quy chuẩn. Tuy nhiên, việc thực hiện dường như không đơn giản. Mặc dù, việc xây dựng kho vật chứng đang được Bộ Tư pháp quan tâm theo hướng trước hết 63 tỉnh, thành đều phải có kho, cấp huyện có 700 đầu mối nhưng sẽ xây dựng cơ quan thi hành án khu vực theo hệ thống của tòa án và theo Chỉ đạo của Thủ tướng đến 2015 phải xây xong các kho vật chứng nhưng với tình hình kinh phí nhỏ giọt như hiện nay (năm 2007 được khoảng 20 tỷ thì xây chưa được 10 cái kho) thì phải đến 2030 may ra mới khắc phục được tính trạng này[36].

Bên cạnh các sai sót về BQVC như bên trên, các sai sót trong việc BQVC còn xảy ra do một số cán bộ có trách nhiệm BQVC bị tha hóa, biến chất như trường hợp Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên thủ quỹ Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ, người được giao BQVC trong vụ án hình sự có trách nhiệm BQVC đã lấy một số nữ trang có giá trị là vật chứng theo biên bản tạm giữ đồ vật của cơ quan chuyên môn để sử dụng vào việc riêng. Vụ việc được Công an thành phố Cần Thơ khởi tố vụ án, khởi tố bị can vào cuối tháng 7/2006[37].

3. Một vài giải pháp khắc phục

3.1. Kiến nghị hoàn thiện quy định Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về thu thập, bảo quản vật chứng

Để khắc phục các vướng mắc trong hoạt động thu thập, BQVC, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các nội dung sau:

Thứ nhất, về chủ thể có nghĩa vụ TTVC, kiến nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 65 BLTTHS một số cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động điều tra ban đầu như: Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Cụ thể, khoản 1 Điều 65 BLTTHS được bổ sung như sau: “Để TTCC, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án và Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định tại Điều 111 BLTTHS có quyền triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan đến vụ án, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án”.

Thứ hai, về trách nhiệm tiếp nhận và BQVC, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm b mục 21.2 Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP như sau: “Trường hợp vật chứng được bảo quản tại kho của Cơ quan Công an hoặc tại kho của Cơ quan điều tra trong Quân đội thì khi hồ sơ được chuyển cho Tòa án thụ lý theo thẩm quyền, Viện kiểm sát ra quyết định chuyển vật chứng từ kho vật chứng của Cơ quan Công an hoặc từ kho của Cơ quan điều tra trong Quân đội sang kho vật chứng của cơ quan thi hành án, đồng thời thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án cùng cấp” và tiểu mục 1, mục II của Thông tư 06/2007/TT-BTP như sau: “Cơ quan thi hành án chịu trách nhiệm tiếp nhận, BQVC, tài sản do cơ quan Công an hoặc Cơ quan điều tra chuyển giao kể từ khi hồ sơ vụ án được viện kiểm sát chuyển cho Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 75 của BLTTHS”. Sau đó, các cơ quan liên quan ở trung ương như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thống nhất về vấn đề này.

Thứ ba, về thủ tục tiếp nhận vật chứng dưới hình thức gói niêm phong, điểm b, tiểu mục 1.4, mục 1 phần II của Thông tư 06/2007/TT-BTP cần sửa đổi, bổ sung như sau: “Trong trường hợp vật chứng, tài sản được bàn giao dưới hình thức gói niêm phong, cơ quan thi hành án chỉ nhận khi có bản sao kết luận giám định rõ số lượng, chủng loại, chất lượng của từng loại vật chứng, tài sản trong gói niêm phong đó của cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan thi hành án chỉ nhận vật chứng, tài sản là ma túy dưới hình thức gói niêm phong khi có kết luận giám định của cơ quan chuyên môn”.

Thứ tư, đối với thủ tục BQVC là đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, cần bổ sung vào điều luật các cơ quan chuyên trách có thẩm quyền bảo quản các loại vật chứng là đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần ban hành quy chế bảo quản các loại vật chứng này với các cơ quan chuyên trách để việc áp dụng quy định này được thống nhất. Đối với vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, cơ quan tiến hành tố tụng cũng cần ban hành quy chế bảo quản loại vật chứng này với Ngân hàng để tránh việc bảo quản tùy tiện.

Thứ năm, đối với quy định BQVC là hàng hóa mau hỏng, khó bảo quản, cần bổ sung vào điểm d khoản 2 Điều 75 BLTTHS nội dung như sau: “Đối với vật chứng là hàng hoá mau hỏng hoặc khó bảo quản nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 76 của Bộ luật này thì cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này trong phạm vi quyền hạn của mình quyết định bán đấu giá theo quy định của pháp luật và chuyển tiền đến tài khoản tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định bán đấu giá tại kho bạc nhà nước để quản lý”.

Ngoài ra, để có sự phân biệt rõ giữa quy định về hoạt động thu thập và BQVC cũng như tạo cơ sở pháp lý cho việc giao trả đồ vật, tài liệu không phải là vật chứng của vụ án, kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 75 BLTTHS như sau:

“Vật chứng cần được thu thập kịp thời, đầy đủ, được mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trong trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh và có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án.

Đối với tài sản không phải là vật chứng, thì cơ quan tiến hành tố tụng không được thu giữ, tạm giữ; nếu đã thu giữ, tạm giữ thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án phải trả lại ngay cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp các tài sản đó. Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm thi hành án đối với các hình phạt tiền, tịch thu tài sản, bồi thường thiệt hại, thì cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền huỷ bỏ quyết định thu giữ, tạm giữ và ra quyết định kê biên đối với tài sản đó”.

Thứ sáu, để quy định về chủ thể BQVC không mâu thuẫn với quy định khác của BLTTHS và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004, điểm đ khoản 2 Điều 75 BLTTHS cần được sửa đổi, bổ sung như sau: “Đối với vật chứng đưa về cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án bảo quản thì Cơ quan điều tra có trách nhiệm BQVC trong giai đoạn điều tra, truy tố; Cơ quan thi hành án có trách nhiệm BQVC trong giai đoạn xét xử và thi hành án”.

3.2. Một số giải pháp khắc phục hạn chế, thiếu sót

Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về thu thập, BQVC, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu thập, BQVC, đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ của những NTHTT. Theo đó, cần chú trọng rèn luyện năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho NTHTT bên cạnh các kiến thức pháp luật về thu thập, BQVC một cách thường xuyên và có chủ đích nhằm khắc phục các sai sót như TTVC một cách tràn lan kể cả những tài liệu, đồ vật không phải là vật chứng; bỏ sót những vật chứng quan trọng liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, trách nhiệm bồi thường, … dẫn đến việc giải quyết vụ án không có tính thuyết phục, bỏ lọt tội phạm, gây oan sai cho người vô tội. Bên cạnh đó, đội ngũ NTHTT không chỉ trao dồi về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực mình hoạt động mà còn phải biết rõ các quy định về lĩnh vực khác có liên quan đến vụ án mình giải quyết để tránh sai sót không đáng có.

Thứ hai, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải thường xuyên giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm cho NTHTT trong các hoạt động của họ liên quan đến hoạt động thu thập, bảo quản vật chứng, góp phần vào việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, đúng pháp luật. Đồng thời, bản thân NTHTT phải thường xuyên đúc rút kinh nghiệm qua các hoạt động thực tiễn như qua các vụ án thực tiễn, qua kinh nghiệm của đồng nghiệp đi trước để tự phát hiện, khắc phục các hạn chế, thiếu sót gặp phải.

Thứ ba, cần có chính sách đãi ngộ tương xứng với công việc mà các NTHTT thực hiện. Theo đó, cần cải thiện tiền lương và các chính sách đãi ngộ khác đối với NTHTT  để họ chuyên tâm cho công việc của mình.

Thứ tư, cần tăng cường công tác kiểm sát của Viện kiểm sát đối với việc tuân thủ pháp luật trong các hoạt động TTVC của Cơ quan điều tra như hoạt động khám nhiệm hiện trường, các hoạt động khám xét, … để tránh việc bỏ sót vật chứng hay thu thập tràn lan những tài liệu, đồ vật không liên quan đến vụ án; kiểm sát hoạt động BQVC để tránh làm hư hỏng, mất mát vật chứng quan trọng trong vụ án dẫn đến không truy cứu được người thực hiện hành vi phạm tội hoặc xử phạt bị cáo nhưng không mang tính thuyết phục cao.

Thứ năm, cần phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng thuộc công an nhân dân, quân đội nhân dân không phải là cơ quan tiến hành tố tụng như: Công an xã, phường thị trấn, các lực lượng công an làm nhiệm vụ phòng chống tội phạm thuộc công an các cấp; các lực lượng được thực hiện một số hoạt động điều tra ban đầu như: Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, … với các cơ quan tiến hành tố tụng để thực hiện hoạt động TTVC đúng quy định tránh các sai sót về trình tự, thủ tục TTVC làm cho vật chứng thu thập được không có giá trị chứng minh các tình tiết của vụ án.

Bên cạnh đó, do các cán bộ trong các cơ quan, bộ phận này không cần các tiêu chuẩn như NTHTT nhưng họ lại tiến hành các hoạt động liên quan đến việc giải quyết vụ án trong đó có hoạt động thu giữ tài liệu, đồ vật và có thể được sử dụng làm vật chứng của vụ án. Do đó, cần phải thường xuyên mở các lớp tập huấn dài hạn và ngắn hạn để nâng cao kiến thức pháp luật cho họ, trong đó có việc TTCC nói chung, vật chứng nói riêng để góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm đạt hiệu quả.

Thứ sáu, cần trang bị các phương tiện kỹ thuật quan trọng phục vụ cho hoạt động thu thập, BQVC. Do vật chứng là những vật chứng tồn tại trong môi trường dưới nhiều hình thức khác nhau, nên khi thực hiện hoạt TTVC, cơ quan, NTHTT cần có những phương tiện kỹ thuật thích hợp để dễ dàng phát hiện, ghi nhận và thu giữ chúng tránh việc bỏ sót đến nỗi không thể khắc phục được. Sau khi thu thập được, vật chứng phải được bảo quản trong thời gian dài suốt quá trình tố tụng và được nhiều cơ quan, NTHTT khác nhau kiểm tra, đánh giá cho nên nó cần được bảo quản cẩn thận giữ được giá trị chứng minh và giá trị vật chất. Để làm được điều đó, kho BQVC phải được xây dựng phù hợp với nhu cầu bảo quản, đảm bảo các thông số kỹ thuật nhất định. Bên cạnh đó, vật chứng được nhiều cơ quan, nhiều đầu mối khác nhau bảo quản nên tất cả các nơi bảo quản phải đáp ứng các yêu cầu bảo đảm cho vật chứng được nguyên vẹn.

Đối với vật chứng giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác bảo quản, trước khi giao cho các chủ thể này tiếp tục bảo quản phải kiểm tra kỹ lưỡng các điều kiện bảo quản, nơi bảo quản cho phù hợp với vật chứng được giao. Bên cạnh đó, phải có cán bộ thường xuyên theo dõi việc bảo quản của các chủ thể không phải là cơ quan chuyên môn để tránh vật chứng bị hư hỏng, mất giá trị chứng minh, giá trị vật chất một cách đáng tiết.

Thứ bảy, vật chứng chủ yếu được thu thập trong các hoạt động điều tra nhất định đó là các hoạt động khám nghiệm hiện trường và các hoạt động khám xét mà BLTTHS quy định. Cho nên khi thực hiện các hoạt động điều tra có TTVC cần phải đảm bảo tính hợp pháp của các hoạt động này tức khi thực hiện phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục do luật định. Bên cạnh đó, khi thực hiện từng hoạt động cụ thể phải được thể hiện rõ ràng vào biên bản và lưu vào hồ sơ, điều này sẽ giúp cho hoạt động đánh giá chứng cứ từ vật chứng sau này được dễ dàng.

Nhìn chung, trong thời gian qua các CQ, NTHTT đã tuân thủ nghiêm các quy định của BLTTHS và các văn bản hương dẫn về thu thập, BQVC góp phần nhanh chóng phát hiện tội phạm, tìm ra người thực hiện hành vi phạm tội; đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Chẳng hạn, thu thập kịp thời, đầy đủ, không bỏ sót các vật chứng quan trọng giúp nhanh chóng phát hiện tội phạm, vạch ra các phương hướng điều tra, nhanh chóng giải quyết vụ án; bảo quản tốt vật chứng đảm bảo giá trị sử dụng và giá trị chứng minh vật chứng trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, bên cạnh các mặt đạt được, thực tiễn cũng đã chứng minh các quy định của pháp luật về thu thập, BQVC còn một số bất cập; một số văn bản hướng dẫn BLTTHS còn mâu thuẫn, chồng chéo cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với hoạt động đấu tranh, phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Ngoài ra, hoạt động thu thập, BQVC còn thể hiện nhiều sai sót làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án, làm cho bản án bị hủy để điều tra, xét xử lại, không mang tính thuyết phục; xử phạt bị cáo không đúng với tính chất hành vi phạm tội của bị cáo, gây oan sai cho người vô tội, bỏ lọt tội phạm…. Vì vậy, việc đề ra các kiến nghị, giải pháp là cần thiết, giúp khắc phục những thiếu sót, chồng chéo trong các quy định của pháp luật; giúp hoạt động của các cơ quan, NTHTT cũng như sự phối hợp giữa các chủ thể liên quan như giữa cơ quan, NTHTT với cơ quan giám định, công an xã, phường, kho bạc, ngân hàng, các cơ quan chuyên môn được đạt hiệu quả cao hơn.

ThS. Thái Chí Bình

                     Tòa án nhân dân thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang



[1] Xem: Đinh Văn Quế (2005), “Những trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm theo BLTTHS 2003”, PLHS: Thực tiễn xét xử và án lệ, Nxb. Lao Động-Xã hội, Hà Nội, tr.208.

[2] Xem: Viện ngôn ngữ học (2005), Từ điển Tiếng việt, Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học, Đà Nẵng, tr.958.

[3] Xem: Hoàng Thị Minh Sơn (2008), “Hoàn thiện các quy định về thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ trong TTHS”, Luật học, số 7, tr.65; Trần Quang Tiệp (2009), Chế định chứng cứ trong Luật TTHS Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.121; Đỗ Văn Đương (2006), Chứng cứ và chứng minh trong VAHS, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr.81; Trường Đại học luật Hà Nội (2006), Giáo trình luật TTHS Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr.174.

[4] Xem: Nguyễn Văn Cừ (2005), Chứng cứ trong luật TTHS Việt Nam, Nxb. Tư pháp, tr. 167-168, 170.

[5] Xem: Điều 75 BLTTHS 2003.

[6] Xem: Khoản 1 Điều 65 BLTTHS năm 2003.

[7] Xem: Viện ngôn ngữ học (2005), Từ điển Tiếng việt, Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học, Đà Nẵng, tr.800.

[8] Xem: Viện ngôn ngữ học (2005), Từ điển Tiếng việt, Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học, Đà Nẵng, tr.39.

[9] Xem: Điểm a khoản 2 Điều 75 BLTTHS 2003.

[10] Xem: Viện ngôn ngữ học (2005), Từ điển Tiếng việt, Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học, Đà Nẵng, tr.730.

[11] Xem: Đoạn 3 khoản mục A phần I Thông tư số 03.TT.LB ngày 23/4/1984.

[12] Xem: Điểm b khoản 2 Điều 75 BLTTHS 2003.

[13] Xem: Điểm b mục 3 Thông tư  số 06/2003/TT-BCA (V19) ngày 12/3/2003 của Bô Công an hướng dẫn thưc hiện một số điều của Quy chế quản lý kho vật chứng.

[14] Xem: Điểm c khoản 2 Điều 75 BLTTHS 2003.

[15] Xem: Điểm d khoản 2 Điều 75 BLTTHS 2003.

[16] Xem:  Quy định tại mục 6, mục 7 phần I Thông tư số 06/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP.

[17] Xem: Điểm d khoản 2 Điều 75 BLTTHS 2003.

[18] Xem: Quy định tại mục 3 phần I Thông tư số 06/1998/TTLT – TANDTC – VKSNDTC – BCA – BTC – BTP.

[19] Xem: Điểm b, điểm c khoản 1 Điều 8 Quy chế quản lý kho vật chứng.

[20] Xem: Ngọc Thọ - Hung thủ sát hại hai cô gái ở nhà trọ sa lưới, http://www.tin247.com/hung_thu_sat_hai_hai_co_gai_o_nha_tro_sa_luoi-6-54984.html, cập nhật 13/8/2008.

[21] Xem: Dương Thanh Biểu (2007), Tranh luận tại phiên tòa thẩm, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr.83-84.

[22] Xem: Dương Thanh Biểu (2007), Tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr.86-87.

[23] Xem: Dương Thanh Biểu (2007), Tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr.189.

[24] Xem: Dương Thanh Biểu (2008), Tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr.112-113.

[25] Xem: Dương Thanh Biểu (2007), Tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr.84-85; Dương Thanh Biểu (2008), Tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr.282.

[26] Xem: “XLVC mỗi nơi một kiểu”, nguồn: http://www.cand.com.vn/vi-VN/phapluat/2009/6/114656.cand, cập nhật: 12/06/2009.

[27] Xem: Dương Thị Thu Hà (2008), “Vướng mắc về trách nhiệm ra quyết định chuyển vật chứng”, TAND, kỳ I tháng 11 (số 21), tr.24, 27.

[28] Xem: Cù Hoàng Hanh, “Một số vướng mắc về tiếp nhận, bảo quản và XLVC, tài sản trong thi hành án dân sự”, nguồn: http://www.judaca.edu.vn/daotao/Upload/Content/CHV/Mot%20so%20van%20de%20ve%20tiep% 20can %20xu%20ly%20vat%20chung.doc, cập nhật 01/3/2010.

[29] Xem: Điểm a mục 3 Thông tư 06/2003/TT-BCA (V19)

[30] Xem: Trần Quang Tiệp (2004), “Quá trình chứng minh theo quy định của BLTTHS 2003”, Nhà nước và pháp luật, số 7, tr.46-52.

[31] Xem: “XLVC mỗi nơi một kiểu”, nguồn: http://www.cand.com.vn/vi-VN/phapluat/2009/6/114656.cand, cập nhật: 12/06/2009.

[32] Xem: “Thiếu trách nhiệm khi bảo quản tang vật vụ án Hang Dơi”, nguồn: http://vietbao.vn/An-ninh-Phap-luat/Thieu-trach-nhiem-khi-bao-quan-tang-vat-vu-an-Hang-Doi/10928544/218/ cập nhận: 03/10/ 2005.

[33] Xem: Dương Thanh Biểu (2008), Tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr.115-116.

[34] Xem: Nguyễn Thị Mai (2005), “Tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm hay chỉ hủy phần XLVC của bàn án sơ thẩm?”, TAND, tháng 1 (số 1), tr.36-39.

[35] Xem: “Trộm 11 kg ma túy từ kho vật chứng của CQTHA”, nguồn: http://vietbao.vn/An-ninh-Phap-luat/Trom-11kg-ma-tuy-tu-kho-vat-chung-co-quan-thi-hanh-an/75167429/218/, cập nhật: 15/10/2007.

[36] Xem: Ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Hà Hùng Cương trong bài “Xây kho vật chứng ở các tỉnh thành”, nguồn: http://www.vnmedia.vn/newsdetail.asp? NewsId=147408 & CatId=22, cập nhật: 15/12/2009.

[37] Xem: “Một thủ quỹ Tòa liên tục trộm tang vật vụ án” nguồn: http://vietbao.vn/An-ninh-Phap-luat/Mot-thu-quy-toa-lien-tuc-trom-tang-vat-vu-an/30135417/218/, cập nhật 15/8/ 2006.