Cụ ông Trần Đình L, sinh năm 1920 và cụ bà Tăng Thị K, sinh năm 1922, có với nhau 03 người con là ông Trần Đình A, ông Trần Đình Q và bà Trần Thị Hồng S. Cụ L chết tháng 4/1982, cụ K chết tháng 12/2004 đều không để lại di chúc, sau khi hai cụ qua đời, ông A và vợ là bà H tiếp tục quản lý và sử dụng khối di sản của hai cụ để lại là ngôi nhà cấp 4 xây tường gạch, gỗ lim có diện tích 49 m2 được xây cất trên thửa đất có diện tích 394 m2, thể hiện trên bản đồ địa chính của địa phương thửa đất của hai cụ để lại nằm tại vị trí số 2, tờ bản đồ số 14, tọa lạc tại số 28, khu phố 4, đường N.T.T., phường M, thành phố B (chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở)
Ngày 04/8/2006, ông Trần Đình Q khởi kiện ông A yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ L và cụ K để lại; ngày 15/8/2006 ông A và bà H tự ý phá đi căn nhà cấp 4 nói trên. TAND thành phố B khi thụ lý đơn khởi kiện có căn cứ xác định: Đây là loại tranh chấp về quyền thừa kế di sản là tài sản gắn liền trên đất và quyền sử dụng đất do người chết để lại không có di chúc, các đương sự không tranh chấp về hàng thừa kế nhưng không có một trong các loại giấy tờ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 và tiểu mục 1.2, mục 1, phần II của Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (viết tắt Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP), hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình. Sau khi cụ L chết, cụ K tiếp tục quản lý, sử dụng ngôi nhà cấp 4 xây tường gạch, gỗ lim có diện tích 49 m2 được xây cất trên thửa đất có diện tích 394 m2 mà không tu bổ gì thêm. Quá trình thu thập tài liệu hồ sơ vụ án, UBND phường M, thành phố B có văn bản xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp và chưa kịp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ L và cụ K. Xoay quanh việc giải quyết nội dung tranh chấp này, có các quan điểm sau:
Quan điểm thứ nhất, ngôi nhà cấp 4 xây tường gạch, gỗ lim có diện tích 49 m2 được xây cất trên thửa đất có diện tích 394 m2 không phải là di sản vì không thuộc trường hợp theo hướng dẫn tại tiểu mục 1.1, tiểu mục 1.2 và tiểu mục 1.3, mục 1, phần II của Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP, mà theo đó, tiểu mục 1.1 có quy định: “Đối với đất do người chết để lại (không phân biệt có tài sản hay không có tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất) mà người đó đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 thì quyền sử dụng đất đó là di sản.”; tiểu mục 1.2 có hướng dẫn: “Đối với trường hợp đất do người chết để lại mà người đó có một trong các loại giấy quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, thì kể từ ngày 01/7/2004 quyền sử dụng đất đó cũng là di sản, không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế.”; tiểu mục 1.3 có ghi rõ: “Trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có một trong các loại giấy tờ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 và tiểu mục 1.2 mục 1 này nhưng có di sản là nhà ở, vật kiến trúc khác (như: nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, giếng nước, nhà để ô tô, nhà thờ, tường xây làm hàng rào gắn với nhà ở, các công trình xây dựng trên đất được giao để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh như nhà xưởng, kho tàng, hệ thống tưới, tiêu nước, chuồng trại chăn nuôi hay vật kiến trúc khác hoặc trên đất có các tài sản khác như cây lấy gỗ, cây lấy lá, cây ăn quả, cây công nghiệp hay các cây lâu năm khác) gắn liền với quyền sử dụng đất đó …”. Bởi do hiện tại ngôi nhà cấp 4 là tài sản gắn liền trên đất đã bị phá bỏ, không tồn tại trên thực tế, nên trường hợp này phải vận dụng quy định tại tiểu mục 1.4, mục 1, phần II, Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP để giải quyết, đó là: “Trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có một trong các loại giấy tờ quy định tại tiểu mục 1.1, tiểu mục 1.2 mục 1 này và cũng không có di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 này, nếu có tranh chấp thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban nhân dân theo quy định của pháp luật về đất đai.”. Do vậy, Tòa án căn cứ vào điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011): “Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 168 của Bộ luật này mà Tòa án đã thụ lý;” để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án do không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND. Lập luận của quan điểm này nhấn mạnh, khi thụ lý vụ án di sản là ngôi nhà cấp 4 vẫn tồn tại, trong quá trình Tòa án xem xét để giải quyết ngôi nhà đó mới bị phá bỏ, nên phải xác định trường hợp này là không có di sản tồn tại trên đất và căn cứ vào hướng dẫn tại tiểu mục 1.4, mục 1, phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP, Tòa án phải đình chỉ giải quyết vụ án do thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND theo quy định của pháp luật về đất đai.
Quan điểm thứ hai, thời hiệu khởi kiện đối với phần di sản thừa kế của cụ L vẫn còn, bởi căn cứ vào hướng dẫn tại tiểu mục 1.2, mục 1, phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP: “Đối với trường hợp đất do người chết để lại mà người đó có một trong các loại giấy quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, thì kể từ ngày 01/7/2004 quyền sử dụng đất đó cũng là di sản, không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế.”. Theo quan điểm này, thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất đối với trường hợp người để lại thừa kế chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai (LĐĐ) năm 1987, LĐĐ năm 1993, LĐĐ năm 2003 nhưng có một trong các giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 LĐĐ năm 2003 thì thời hiệu khởi kiện được bắt đầu lại từ ngày 01/7/2004, do vậy, thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế của các con cụ L vẫn còn và thời hiệu này phải đến hết ngày 01/7/2014.
Quan điểm thứ ba, trường hợp này không thuộc tiểu mục 1.4, mục 1, phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP, vì di sản do hai cụ để lại đều được các đồng thừa kế thừa nhận và tồn tại cho đến ngày 15/8/2006 mới bị phá bỏ. Theo tiểu mục 3.3, mục 3 phần I Thông tư liên tịch số 01/2002/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-TCĐC ngày 03/01/2002 của Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tổng cục Địa chính, hướng dẫn về thẩm quyền của Tòa án nhân dân về giải quyết các tranh chấp liên quan đền quyền sử dụng đất, có quy định: “Nếu tranh chấp về tài sản là nhà ở, vật kiến trúc khác (như nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, giếng nước, nhà để ô tô, nhà thờ, tường xây làm hàng rào gắn với nhà ở, các công trình xây dựng trên đất được giao để sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh như nhà xưởng, kho tàng, hệ thống tưới tiêu nước, chuồng trại chăn nuôi hay vật kiến trúc khác hoặc trên đất có các tài sản khác như cây lấy gỗ, cây lấy lá, cây ăn quả, cây công nghiệp hay các cây lâu năm khác) gắn liền với việc sử dụng đất đó, thì Toà án thụ lý giải quyết.”nên vụ án này thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND thành phố B. Hơn nữa, di sản là ngôi nhà ở cấp 4 được xây dựng trên diện tích đất như trên đã đề cập vẫn chưa được những người thuộc hàng thừa kế của hai cụ định đoạt, để khắc phục việc vợ chồng ông A tự phá bỏ ngôi nhà này, Tòa án cần tạo điều kiện cho các đương sự khai báo, xác minh, thẩm định và đề nghị cơ quan chuyên môn có thẩm quyền xác định giá trị tài sản đã bị hủy hoại, bị hư hỏng theo tinh thần Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 của Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ Tư pháp, hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của BLHS năm 1999 làm căn cứ để giải quyết.
Quan điểm thứ tư, cụ L chết 4/1982, cụ K chết 12/2004, cả hai đều không để lại di chúc, do vậy, thời hiệu khởi kiện thừa kế đối với phần di sản của cụ L để lại đã hết theo quy định tại Điều 645 BLDS năm 2005. Phần di sản ½ của cụ K trong khối tài sản chung của hai cụ được chia thừa kế theo pháp luật cho ba người con. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng, thực chất đây là vụ án chia thừa kế theo pháp luật thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, nên phải tuân theo quy định tại Điều 645 BLDS để giải quyết. Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP, mà theo đó, thời hiệu khởi kiện liên quan đến thừa kế được hướng dẫn tại mục 2 phần I, còn việc xác định quyền sử dụng đất là di sản được hướng dẫn tại mục 1 phần II và nội dung hướng dẫn này có tính hồi tố về thực hiện quyền sử dụng đất chứ không có nghĩa được bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện về thừa kế. Hơn nữa, theo quy định tại Điều 165 BLDS năm 2005, về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự chỉ thuộc ba trường hợp sau: a) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; b) Bên có nghĩa vụ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; c) Các bên đã tự hoà giải với nhau. Nên khi giải quyết vụ kiện này, Tòa án chỉ phân chia cho các đồng thừa kế phần di sản mà cụ K để lại trong khối di sản chung của hai cụ, riêng phần di sản của cụ L trong bản án cần giao quyền quản lý, sử dụng phần di sản đó cho người đang quản lý, sử dụng là vợ chồng ông A, đồng thời xác định quyền sở hữu đối với phần di sản đã hết thời hiệu theo Điều 247 BLDS.
Xoay quanh việc TAND thành phố B tiến hành phân chia phần di sản của cụ K để lại trong khối tài sản chung của hai cụ cho các đồng thừa kế, người viết không có ý kiến gì thêm. Riêng đối với các quan điểm khi bàn về việc giải quyết yêu cầu chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất mà thời hiệu khởi kiện đã hết, qua nghiên cứu người viết thấy rằng, trong trường hợp này có thể xem di sản của cụ L để lại là tài sản chung của các thừa kế, để từ đó tiến hành phân chia theo yêu cầu của các thừa kế trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành đối với tài sản chung, vì mấy lý do sau:
Một là, người viết đồng tình với nhận định của TAND thành phố B khi thụ lý và giải quyết đơn khởi kiện của ông Q, mà theo đó, thực chất đây là vụ án chia thừa kế theo pháp luật nên bản án, quyết định của Tòa án khi giải quyết nội dung đơn phải bảo đảm thỏa mãn yêu cầu chia di sản thừa kế, do cụ L chết 4/1982, cụ K chết 12/2004 nhưng đều không để lại di chúc. Đến ngày 04/8/2006 ông Q có đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế, tuy đã hết thời hạn là 10 năm theo quy định của pháp luật để các thừa kế yêu cầu chia di sản kể từ thời điểm mở thừa kế (4/1982) khi cụ L mất, nhưng không vì thế mà Tòa án không giải quyết yêu cầu chia di sản theo lập luận như quan điểm thứ nhất và quan điểm thứ tư, nếu dựa vào lý do đã hết thời hiệu khởi kiện để bác yêu cầu chia di sản của cụ L cho các đồng thừa kế, trong khi giữa các đồng thừa kế đều thừa nhận đó là di sản của cha ruột họ để lại nhưng chưa chia là không hợp lý hợp tình để đưa đến công bằng, thật sự gây khó cho người dân, giải quyết không triệt để yêu cầu của đương sự một khi họ cần đến sự can thiệp của pháp luật. Như vậy, vấn đề đặt ra sẽ xử lý như thế nào phần di sản của cụ L để lại, thẩm quyền giải quyết thuộc về cơ quan nào (TAND hay UBND)? Liệu việc tòa án không giải quyết với lý do đã hết thời hiệu khởi kiện, các nguyên đơn có thỏa mãn và không tiếp tục đi kiện nữa không? ...
Hai là, người viết cũng không đồng tình với quan điểm thứ hai cho rằng theo quy định tại tiểu mục 1.2 mục 1 phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP, thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ L để lại vẫn còn và được tính từ ngày 01/7/2004. Ngày 01/7/2004 là ngày LĐĐ năm 2003 có hiệu lực thi hành, nhưng vì sao HĐTP TANDTC lại có hướng dẫn như quy định tại tiểu mục 1.2 mục 1 phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP? Pháp luật về đất đai ở nước ta luôn có sự thay đổi cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội qua từng giai đoạn lịch sử, khi LĐĐ năm 1987 đang còn hiệu lực, vào thời điểm đó, tại điểm a phần I nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh thừa kế có quy định: “... đất đai thuộc sở hữu toàn dân, quyền sử dụng đất được giao không phải là quyền sở hữu về tài sản của công dân nên không thể trở thành di sản khi công dân chết...”, nhưng khi Luật Đất đai (LĐĐ) năm 1993 ra đời, thì Nhà nước đã cho phép cá nhân có quyền để lại tài sản là quyền sử dụng đất cho người thừa kế, rồi đến LĐĐ năm 2003 và hiện nay LĐĐ năm 2013 quyền để lại thừa kế là quyền sử dụng đất tiếp tục được pháp luật thừa nhận. Chính vì lẽ đó, để xác định quyền sử dụng đất là di sản, tại các tiểu mục 1.1 và 1.2, mục 1, phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP có hướng dẫn:
“1.1. Đối với đất do người chết để lại (không phân biệt có tài sản hay không có tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất) mà người đó đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 thì quyền sử dụng đất đó là di sản.
1.2. Đối với trường hợp đất do người chết để lại mà người đó có một trong các loại giấy quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, thì kể từ ngày 01/7/2004 quyền sử dụng đất đó cũng là di sản, không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế.”. Hơn nữa, tại điểm b, tiều mục 2.2, mục 2, phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP có quy định rõ:“Đối với trường hợp thừa kế mở từ ngày 1/7/1996 thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được thực hiện theo quy định tại Điều 648 của Bộ luật Dân sự”, nên cách hiểu thời hiệu thừa kế về quyền sử dụng đất trong vụ án này như quan điểm thứ hai rõ ràng là không đúng.
Ba là, ngày 04/8/2006, ông Trần Đình Q nộp đơn khởi kiện ông A đến TAND thành phố B để yêu cầu chia di sản thừa kế mà cụ L và cụ K để lại; ngày 15/8/2006 vợ chồng ông A tự ý phá bỏ đi căn nhà là di sản của bố mẹ để lại. Với những tình tiết này cho thấy, ngôi nhà cấp 4 là tài sản gắn liền trên đất, là di sản của cụ L và cụ K để lại được vợ chồng ông A quản lý, sử dụng cho đến khi phát sinh tranh chấp thừa kế (04/8/2006), nghĩa là vẫn tồn tại nguyên trạng như vốn có của nó từ khi cụ K mất cho đến khi vợ chồng ông A quyết định đập bỏ (15/8/2006) hay nói cách khác, tài sản là di sản mà hai cụ để lại như nguyên đơn trình bày là đúng với thực tế và theo đề nghị của nguyên đơn UBND phường M, thành phố B đã có văn bản xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, không có tranh chấp và chưa kịp cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Do vậy trường hợp này theo quan điểm của người viết, TAND thành phố B cần áp dụng hướng dẫn tại điểm a, tiểu mục 1.3, mục 1, phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP để giải quyết vụ án, vì:
i) Tuy trước khi qua đời hai cụ K và L để lại quyền sử dụng 394 m2 đất tọa lạc tại địa chỉ số 28, khu phố 4, đường N.T.T., phường M, thành phố B được thể hiện trên bản đồ địa chính vị trí số 2, tờ bản đồ số 14, nhưng lại không có những giấy tờ theo quy định tại tiểu mục 1.1 và tiểu mục 1.2, mục 1, phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP.
ii) Di sản thừa kế mà hai cụ để lại trong đó có ngôi nhà cấp 4 xây tường gạch, gỗ lim có diện tích 49 m2 được xây cất trên thửa đất trên.
iii) Ông Trần Đình Q thuộc hàng thừa kế thứ nhất của hai cụ có đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế.
iv) Theo đề nghị, UBND phường M, thành phố B có văn bản xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, không có tranh chấp và chưa kịp cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Như vậy, TAND thành phố B phải giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền trên đất và quyền sử dụng đất đó là phù hợp. Còn vấn đề để khắc phục việc vợ chồng ông A tự phá bỏ ngôi nhà là đối tượng phải giải quyết, người viết thấy rằng Tòa án cần tạo điều kiện cho các đương sự khai báo, thu thập thông tin, tiến hành xác minh, khuyến khích các bên tìm được tiếng nói chung, nếu cần thiết đề nghị cơ quan chuyên môn có thẩm quyền định giá trị tài sản ngôi nhà cấp 4 đó, theo quy định tại Điều 20 về định giá tài sản trong trường hợp tài sản bị thất lạc hoặc không còn, của Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự và Thông tư số 55/2006/TT-BTC ngày 22/6/2006 của Bộ Tài chính, hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự.
Đây là loại tranh chấp di sản thừa kế tài sản gắn liền trên đất và quyền sử dụng đất, tuy tại thời điểm giải quyết vì lý do nào đó mà tài sản trên đất không còn, từ đó, xác định thẩm quyền giải quyết thuộc về UBND tại địa phương nơi đương sự cư trú là không đúng với quy định của pháp luật, chưa quán triệt hết tinh thần hướng dẫn của Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP và như vậy sẽ làm ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn một khi bị đơn cố tình gây trở ngại cho việc giải quyết, thậm chí không bảo vệ được quyền lợi của nguyên đơn. Người viết cũng không đồng tình với quan điểm thứ ba, mà theo quan điểm này, căn cứ vào Thông tư liên tịch số 01/2002/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-TCĐC ngày 03/01/2002 của Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tổng cục Địa chính, hướng dẫn về thẩm quyền của Tòa án nhân dân về giải quyết các tranh chấp liên quan đền quyền sử dụng đất, để giải quyết mà hướng dẫn tại tiểu mục 3.3, mục 3 phần I của Thông tư liên tịch này so với hướng dẫn tại tiểu mục 1.3, mục 1, phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP gần như giống nhau về mặt nội dung và cùng đều là văn bản nằm trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Điều 2, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008). Vậy ưu tiên áp dụng văn bản nào? Theo quan điểm người viết, phải ưu tiên áp dụng văn bản ra đời sau. Điều này được thể hiện trong quyển Giáo trình kỹ năng tư vấn pháp luật – Bài “ Tư vấn đàm phán, ký kết hợp đồng” của tác giả TS Phan Chí Hiếu (2012) - NXB Công an nhân dân, tr 237 có ghi: “Nếu các văn bản cùng có giá trị pháp lý thì ưu tiên áp dụng văn bản ra đời sau”.
Bốn là, những người thừa kế theo pháp luật ở hàng thừa kế thứ nhất của cụ L được xác định là 04 người (gồm cụ K, ông A, ông Q và bà S). Cụ L chết không để lại di chúc, nên phát sinh quan hệ thừa kế theo pháp luật. Từ thời điểm mở thừa kế đã làm phát sinh quan hệ thừa kế theo pháp luật giữa cụ L và những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ, họ có các quyền và nghĩa vụ về tài sản do ông để lại. Theo quy định điểm a tiểu mục 2.4 mục 2 phần I Nghị quyết số 02, thì “... hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:
a.1….
a.3. Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung”.
Trong vụ án này, tháng 4/1982 cụ L chết, tháng 12/2004 cụ K chết, ngày 04/8/2006 ông Q có đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của bố mẹ mình để lại, như vậy từ thời điểm mở thừa kế chia di sản của cụ L để lại tính đến thời điểm phát sinh tranh chấp (04/8/2006) là khoảng 24 năm, trong khi đó hướng dẫn của Nghị quyết số 02 như vừa nêu trên quy định “sau khi kết thúc thời hạn mười năm”- Đây là thỏa mãn thứ nhất; trong suốt quãng thời gian đó (sau khi kết thúc thời hạn 10 năm) các đồng thừa kế gồm cụ K, ông A, ông Q và bà S không có tranh chấp về hàng thừa kế - Đây là thỏa mãn thứ hai; các đồng thừa kế đều thừa nhận đó là di sản của cụ L để lại chưa chia - Đây là thỏa mãn thứ ba. Từ 03 điều kiện đều thỏa mãn như vừa phân tích, theo quan điểm của người viết, trường hợp này đủ điều kiện để coi di sản mà cụ L để lại chuyển thành tài sản chung của các thừa kế, nên khi ông Q có đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thì Toà án không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết là phù hợp với hướng dẫn tại điểm a.3, tiểu mục 2.4, mục 2, phần I của Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP.
Năm là, nếu vận dụng Điều 247 BLDS, xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu, như quan điểm thứ tư rõ ràng là không ổn, bởi theo quy định tại điều luật này:“1. Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. 2. Người chiếm hữu tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước không có căn cứ pháp luật thì dù ngay tình, liên tục, công khai, dù thời gian chiếm hữu là bao lâu cũng không thể trở thành chủ sở hữu tài sản đó”. Kể từ thời điểm mở thừa kế sau khi cụ L chết cho đến trước khi ông Q có đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cha mẹ để lại, thời gian này kéo dài khoảng 24 năm, tuy vợ chồng ông A công khai sử dụng và những người thân trong gia đình không ai phản đối, nhưng để xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều 247 BLDS, thì: ... thời hạn mười năm đối với động sản ba mươi năm đối với bất động sản. Hơn nữa ngôi nhà cấp 4 gỗ lim, xây tường gạch xung quanh có diện tích 49m2, là công trình được xây cất trên diện tích đất 394 m2, nên không thể tách biệt giữa động sản với bất động sản, do vậy việc áp dụng Điều 247 BLDS như quan điểm này đề xuất là không khả thi, không phù hợp với thực tế.
Từ những phân tích trên, theo quan điểm của người viết trong trường hợp này phải xem di sản của ông A để lại là tài sản chung của các thừa kế, khi có tranh chấp yêu cầu Tòa án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết, có như vậy mới giải quyết triệt để yêu cầu khởi kiện, vì suy cho cùng mục đích cuối cùng của các nguyên đơn là chia tài sản của người chết để lại mà lẽ ra theo quy định của pháp luật họ được phải thừa hưởng và trong thực tế trong đời sống xã hội dân sự ở nước ta hiện nay đang tồn tại loại tranh chấp tương tự như thế là rất nhiều.
Trên đây là những quan điểm khác nhau về giải quyết tranh chấp thừa kế di sản là tài sản gắn liền trên đất và quyền sử dụng đất đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật về thừa kế. Rất mong nhận sự quan tâm trao đổi cùng Quí bạn đọc.
Th.S Lê Văn Sua
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:
a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính;
c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất;
d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
đ) Giấy tờ về thanh lý, hoá giá nhà ở gắn liền với đất ở theo quy định của pháp luật;
e) Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.
2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
5. Hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Toà án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có một trong các loại giấy tờ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 và tiểu mục 1.2 mục 1 này nhưng có di sản là nhà ở, vật kiến trúc khác (như: nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, giếng nước, nhà để ô tô, nhà thờ, tường xây làm hàng rào gắn với nhà ở, các công trình xây dựng trên đất được giao để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh như nhà xưởng, kho tàng, hệ thống tưới, tiêu nước, chuồng trại chăn nuôi hay vật kiến trúc khác hoặc trên đất có các tài sản khác như cây lấy gỗ, cây lấy lá, cây ăn quả, cây công nghiệp hay các cây lâu năm khác) gắn liền với quyền sử dụng đất đó mà có yêu cầu chia di sản thừa kế, thì cần phân biệt các trường hợp sau:
a. Trong trường hợp đương sự có văn bản của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng chưa kịp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì Toà án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất và quyền sử dụng đất đó.
Định giá tài sản trong trường hợp tài sản bị thất lạc hoặc không còn
1. Trong trường hợp tài sản cần định giá bị thất lạc hoặc không còn, thì việc định giá tài sản được thực hiện trên hồ sơ của tài sản, trên cơ sở các thông tin, tài liệu thu thập được về tài sản cần định giá.
2. Việc định giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều này phải tuân theo các trình tự, thủ tục định giá tài sản quy định tại Điều 11, 12, 13, 15, 16, 17, 18 và 19 của Nghị định này.