Đình chỉ tố tụng dân sự ở Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm – Một số kiến nghị hoàn thiện

16/03/2015
 

Thực tế cho thấy quy định về đình chỉ là những quy định có vị trí quan trọng trong việc giải quyết vụ án dân sự. Bởi lẽ đình chỉ được xem như một phương thức xử lý đặc biệt của Toà án trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Tuy nhiên, việc áp dụng những quy định về đình chỉ trong quá trình giải quyết vụ án dân sự trong thời qua còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ.                                   

I. Vấn đề đình chỉ tố tụng dân sự ở Toà án cấp sơ thẩm

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 (BLTTDS) hiện nay thì vấn đề đình chỉ tố tụng dân sự ở Toà án cấp sơ thẩm gồm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và đình chỉ xét xử yêu cầu của đương sự.

1. Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là việc toà án quyết định ngừng việc giải quyết vụ án dân sự khi có những căn cứ do pháp luật quy định. Theo đó, sau khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thì các hoạt động tố tụng giải quyết vụ án dân sự được ngừng lại.

Điều 192 BLTTDS quy định về các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án dân sự:

- Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế.

- Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản mà không có cá nhân, cơ quan, tổ chức nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó.

- Người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Toà án chấp nhận, hoặc người khởi kiện không có quyền khởi kiện.

- Cơ quan, tổ chức rút văn bản khởi kiện trong trường hợp không có nguyên đơn hoặc nguyên đơn yêu cầu không tiếp tục giải quyết vụ án.

- Các đương sự đã tự thoả thuận và không yêu cầu Toà án tiếp tục giải quyết vụ án.

- Nguyên đơn đã được yêu cầu triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt.

- Đã có quyết định của Toà án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó.

- Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.

Trong đó trường hợp “Người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Toà án chấp nhận, hoặc người khởi kiện không có quyền khởi kiện” và trường hợp “Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định” đã được cụ thể hoá và hướng dẫn thi hành tại mục II.10 Nghị quyết số 02//2006/NQ-HĐTP ngày 12/05/2006 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm của Bộ luật tố tụng dân sự”.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 192 BLTTDS quy định: “Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, xoá tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự nếu vụ án thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện quy định tại Điều 168 Bộ luật này”. Như vậy, quy định này đã viện dẫn các căn cứ đình chỉ được quy định tại Điều 168 BLTTDS về những trường hợp trả lại đơn khởi kiện. Nói cách khác, trước khi Toà án cấp sơ thẩm thụ lý vụ án mà phát hiện những căn cứ quy định tại Điều 168 BLTTDS thì Toà án phải trả lại đơn khởi kiện, tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó mà Toà án đã thụ lý rồi mới phát hiện những căn cứ đó thì phải đình chỉ giải quyết vụ án.

Tìm hiểu các quy định của pháp luật thì không có một quy định cụ thể nào về thời điểm áp dụng đình chỉ giải quyết vụ án. Song, khoản 1 Điều 192 BLTTDS có ghi rõ: “Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp...”; Khoản 2 Điều 210 BLTTDS quy định về thủ tục ra bản án và quyết định của Toà án tại phiên toà cũng có ghi: “Quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch, chuyển vụ án, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ án, hoãn phiên toà phải được thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và phải được lập thành văn bản”. Từ đó cho thấy đình chỉ giải quyết vụ án dân sự được Toà án cấp sơ thẩm áp dụng từ sau khi Toà án thụ lý giải quyết vụ án đến trước khi ra bản án, quyết định sơ thẩm. Hiểu khác đi, Toà án cấp sơ thẩm có thể đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong giai đoạn chuẩn bị xét xử hoặc tại phiên toà sơ thẩm.

Về hình thức của đình chỉ giải quyết vụ án là Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự với nội dung và mẫu văn bản được quy định tại Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP.

Khoản 1 Điều 194 BLTTDS quy định: “Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án dân sự có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đó”. Vậy về thẩm quyền thì thẩm quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thuộc về thẩm phán được phân công giải quyết vụ án dân sự đó. Tuy nhiên, Điều luật này không quy định rõ thẩm phán có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong giai đoạn nào của quá trình tố tụng. Mà theo quy định tại khoản 2 Điều 210 BLTTDS đã trình bày ở trên thì các quyết định tại phiên toà sơ thẩm, trong đó có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự phải được thảo luận, thông qua tại phòng nghị án. Vậy, thẩm quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thuộc về thẩm phán được phân công giải quyết vụ án dân sự đó, còn tại phiên toà sơ thẩm quyền này thuộc về Hội đồng xét xử.

Về hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đã được quy định cụ thể tại Điều 193 BLTTDS và Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP. Theo đó, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự chưa có hiệu lực pháp luật ngay mà có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Nếu không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn kháng cáo kháng nghị theo quy định của pháp luật, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có hiệu lực pháp luật và làm ngừng lại hoạt động tố tụng giải quyết vụ án dân sự. Cùng với đó, đối tượng xét xử của Toà án trong vụ án dân sự là yêu cầu của các đương sự không được Toà án giải quyết và Toà án xoá tên vụ án dân sự trong sổ thụ lý.

2. Đình chỉ xét xử yêu cầu của đương sự

Khoản 2 Điều 218 BLTTDS quy định về xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu ghi rõ: “Trong trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút”. Vậy, nếu trong vụ án dân sự có nhiều đương sự đưa ra yêu cầu và trong đó chỉ có một hoặc một số rút yêu cầu, số còn lại vẫn giữ nguyên yêu cầu của họ thì Toà án cấp sơ thẩm chỉ đình chỉ xét xử phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu của đương sự đã rút. Ví dụ: Nếu trong vụ án dân sự có một nguyên đơn đưa ra nhiều yêu cầu mà sau đó họ rút một phần yêu cầu thì Toà án chỉ đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu mà nguyên đơn đã rút.

II. Vấn đề đình chỉ tố tụng dân sự ở Toà án cấp phúc thẩm

Không giống như đình chỉ tố tụng dân sự ở Toà án cấp sơ thẩm, vấn đề đình chỉ tố tụng dân sự ở Toà án cấp phúc thẩm gồm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự; đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo, kháng nghị.

1. Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

Về căn cứ đình chỉ. Điều 278 BLTTDS quy định: “Hội đồng xét xử phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án nếu trong quá trình giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm, vụ án thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 192 của Bộ luật này”. Quy định này cho thấy, khác với đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong Toà án cấp sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự ở Toà án cấp phúc thẩm ngoài việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và chấm dứt hoạt động tố tụng còn phải huỷ bản án, quyết định sơ thẩm. Bởi lẽ những căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án ở đây cũng chính là những căn cứ được quy định tại Điều 192 BLTTDS nhưng đã xuất hiện và tồn tại khi Toà án sơ thẩm giải quyết vụ án. Nói cách khác, căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án tại Toà án cấp phúc thẩm tồn tại cũng có nghĩa là bản án, quyết định sơ thẩm không có cơ sở. Ví dụ: Một vụ tranh chấp dân sự đã hết thời hiệu khởi kiện, đáng lẽ Toà án cấp sơ thẩm phải trả lại đơn khởi kiện hoặc phải đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nhưng vì lý do nào đó lại đưa vụ án ra xét xử, thì Toà án cấp phúc thẩm sẽ đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và huỷ bản án sơ thẩm.

Thêm vào đó, khoản 1 Điều 269 BLTTDS về việc nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên toà quy định: “Trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi bị đơn ... Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án”. Đây là trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện tại thủ tục phúc thẩm. Theo đó, khi đương sự có kháng cáo hoặc Viện kiểm sát có kháng nghị, nhưng trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm nguyên đơn rút đơn khởi kiện và bị đơn đồng ý thì Toà án cấp phúc thẩm ra quyết định huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Thời điểm áp dụng đình chỉ giải quyết vụ án dân sự ở Toà án cấp phúc thẩm khác với Toà án cấp sơ thẩm. Căn cứ vào Điều 278 và khoản 1 Điều 269 BLTTDS như vừa trình bày ở trên thì đình chỉ giải quyết vụ án dân sự ở Toà án cấp phúc thẩm chỉ được áp dụng trong phiên toà phúc thẩm chứ không được áp dụng cả trong giai đoạn chuẩn bị xét xử như ở Toà án cấp sơ thẩm. Và như vậy, thẩm quyền đình chỉ giải quyết vụ án dân sự ở Toà án cấp phúc thẩm chỉ thuộc về Hội đồng xét xử phúc thẩm.

Về hình thức. Cũng theo quy định tại Điều 278 và khoản 1 Điều 269 BLTTDS, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự hoặc bản án phúc thẩm. Trong những trường hợp theo quy định tại Điều 278 thì Hội đồng xét xử ra bản án phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm nguyên đơn rút đơn khởi kiện và bị đơn đồng ý thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Nội dung và mẫu quyết định đình chỉ hoặc bản án phúc thẩm được quy định tại Điều 279 BLTTDS và cụ thể hoá trong Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP ngày 04/08/2006 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Toà án cấp phúc thẩm” của BLTTDS.

2. Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự

Đình chỉ xét xử phúc thẩm khác với đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, bởi lẽ tuy nó làm chấm dứt hoạt động xét xử phúc thẩm nhưng những quyền và nghĩa vụ của các đương sự theo phán quyết trong bản án, quyết định sơ thẩm phải được tôn trọng và thi hành.

Để thấy rõ hơn vấn đề này có thể phân tích các quy định của pháp luật tại Điều 260, 278 BLTTDS. Dễ thấy 2 trong số các căn cứ để Toà án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét sử phúc thẩm vụ án hay ra bản án hoặc quyết định huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án đều là căn cứ quy định tại Điều 192 BLTTDS: “Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế”; “Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản mà không có cá nhân, cơ quan, tổ chức nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan tổ chức đó”. Tuy nhiên, khi so sánh để áp dụng sẽ thấy các căn cứ được quy định tại Điều 278 là các căn cứ đã xuất hiện trước hoặc trong khi giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm, còn các căn cứ quy định tại Điều 260 thì xuất hiện và tồn tại trong quá trình Toà án cấp phúc thẩm giải quyết vụ án. Cũng chính vì vậy mà bản án, quyết định sơ thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật vì thời điểm Toà án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định sơ thẩm là hoàn toàn có căn cứ, cơ sở.

Ngoài Điều 260 BLTTDS thì mục I.10 Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP cũng quy định: “Trước khi mở phiên toà việc ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm do Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà thực hiện, còn tại phiên toà do Hội đồng xét xử thực hiện”. Theo đó:

- Thời điểm đình chỉ xét xử phúc thẩm có thể trước phiên toà là giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm hoặc tại phiên toà phúc thẩm.

- Thẩm quyền ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm do thẩm phán được phân công phụ trách vụ án thực hiện nếu trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, còn nếu tại phiên toà phúc thẩm thì thẩm quyền này thuộc về Hội đồng xét xử phúc thẩm.

Bên cạnh đó, hình thức và nội dung quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự đã được quy định cụ thể theo mẫu trong Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP.

3. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo, kháng nghị

Theo quy đinh tại khoản 2 Điều 256 BLTTDS thì trước khi bắt đầu phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm, người kháng cáo có quyền rút kháng cáo, Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền rút kháng nghị. Và trong trường hợp này, Toà án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với những phần của vụ án mà người kháng cáo đã rút kháng cáo hoặc Viện kiểm sát đã rút kháng nghị. Quy định này cũng đã được cụ thể hoá tại mục I.10 Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP. Theo đó, Toà án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với những phần của vụ án mà người kháng cáo đã rút kháng cáo hoặc Viện kiểm sát đã rút kháng nghị trong các trường hợp đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại a.1, a.2 tiểu mục 10.2 mục I.10 Nghị quyết sô 05/2006/NQ-HĐTP. Vậy việc đình chỉ xét xử phần yêu cầu kháng cáo, kháng nghị ở Toà án cấp phúc thẩm không làm chấm dứt tố tụng mà Toà án vẫn tiến hành giải quyết vụ án đối với những phần còn lại theo thủ tục chung.

Bên cạnh đó mục I.10 cũng đã quy định rõ rằng trong trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị và vụ án không còn kháng cáo, kháng nghị thì phải đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự. Đây là điểm cần lưu ý khi áp dụng các quy định này của pháp luật tố tụng dân sự.

III. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Pháp luật về vấn đề đỉnh chỉ tố dụng dân sự ở Toà án cấp sơ thẩm, Toà án cấp phúc thẩm có thể nhận thấy một số tồn tại, bất cập sau:

Thứ nhất: Như phần đình chỉ xét xử yêu cầu của đương sự đề cập ở trên (vấn đề đình chỉ tố tụng dân sự ở Toà án cấp sơ thẩm) thì theo quy định tại khoản 2 Điều 218 BLTTDS: Toà án cấp sơ thẩm đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu của đương sự trong trường hợp đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình.

Song song với đó, mục II.10 Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS. Theo đó, trong các trường hợp: Người khởi kiện rút đơn khởi kiện, bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình; Người khởi kiện rút đơn khởi kiện, bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình; Người khởi kiện rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố của mình, thì Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của các đương sự đã rút và tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

Câu hỏi đặt ra là các trường hợp quy định tại mục II.10 Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP có thuộc các trường hợp quy định tại Điều 218 BLTTDS hay không? Mặt khác, những trường hợp quy định tại mục II.10 Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP thì “Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với...”, vậy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án ở đây được thể hiện dưới hình thức nào? Có phải bằng Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo mẫu quy định tại Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP, bởi mẫu văn bản tố tụng này (mẫu 11a, 11b Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP) được áp dụng khi Toà án cấp sơ thẩm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và chấm dứt tố tụng. Ngoài ra, trong các trường hợp khác quy định tại Điều 218 BLTTDS như vụ án có một nguyên đơn đưa ra nhiều yêu cầu mà sau đó họ rút một phần yêu cầu, thì hình thức của quyết định đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của đương sự trong các trường hợp cụ thể ra sao?

Từ đó cho thấy cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn bổ sung và hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự về những vướng mắc trên.

Thứ hai: Như đã đề cập về đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án. Nhưng vấn đề này chỉ được quy định tại Điều 260 mà không có quy định nào hướng dẫn cụ thể nên rất khó áp dụng. Ví dụ:

- Khoản 2 Điều 260 chỉ quy định thời điểm phát sinh hiệu lực pháp luật của bản án, quyết định sơ thẩm đối với trường hợp Toà án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án khi người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị, vậy còn những trường hợp đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự còn lại thì sao?

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 260 thì 2 trong số những căn cứ đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án là hai căn cứ thuộc Điều 192 BLTTDS. Và như đã phân tích ở trên, đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dựa trên các căn cứ này thì bản án, quyết định sơ thẩm vẫn sẽ có hiệu lực pháp luật bởi thời điểm Toà án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định sơ thẩm chưa xuất hiện các căn cứ này nên bản án, quyết định sơ thẩm là hoàn toàn có căn cứ, cơ sở. Nhưng đây chỉ là nhận định rút ra chủ yếu nhờ suy luận mà không có một cơ sở pháp lý vững chắc nào. Và nếu đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dẫn tới hậu quả là bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật trong trường hợp áp dụng các căn cứ trên thì thời điểm có hiệu lực sẽ là khi nào?

Bởi những lý do trên, pháp luật tố tụng dân sự cần quy định cụ thể và rõ ràng hơn về đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự.

Tóm lại, các quy định của pháp luật về vấn đề đình chỉ tố tụng dân sự tại Toà án cấp sơ thẩm, phúc thẩm là khá toàn diện. Tuy vậy nhưng các quy định vẫn còn những điểm chưa thống nhất, chưa hợp lý và còn dàn trải khiến việc áp dụng pháp luật cũng như tìm hiểu, nắm bắt các quy định của pháp luật gặp nhiều khó khăn. Do đó cần có những quy định bổ sung nhằm khắc phục và hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự về vấn đề này.

                                                                                        Minh Nhất