Vấn đề áp dụng biện pháp tạm giam – Một số vướng mắc bất cập và đề xuất giải pháp

23/01/2015
Trong hệ thống các biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất và có tầm quan trọng đặc biệt. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn này tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) trong việc giải quyết các vụ án, ngăn chặn bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội. Tuy nhiên, thời gian qua việc áp dụng biện pháp này còn nhiều vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ.

I. Khái quát chung về biện pháp tạm giam

1. Khái niệm tạm giam

Căn cứ Điều 88 BLTTHS 2003 có thể đưa ra khái niệm về biện pháp ngăn chặn tạm giam như sau: “Tạm giam là biện pháp ngăn chặn do Cơ quan điều tra (CQĐT), Viện Kiểm sát (VKS) hoặc Tòa án áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể bỏ trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội và người phạm tội quả tang bị bắt trong trường hợp khẩn cấp nhằm mục đích ngăn chặn bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội”.

2. Ý nghĩa của biện pháp tạm giam

Với vai trò là một biện pháp ngăn chặn, tạm giam có ý nghĩa rất lớn trong việc đấu tranh và phòng chống các loại tội phạm cũng như bảo đảm các quyền tự do dân chủ của công dân, cụ thể:

Một là, tạm giam góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, củng cố tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, thể hiện sự kiên quyết của nhà nước trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm. Với việc áp dụng biện pháp tạm giam sẽ đảm bảo cho trật tự xã hội được ổn định, pháp luật được giữ vững, chế độ xã hội chủ nghĩa được bảo vệ, các quyền cũng như lợi ích hợp pháp của công dân được tôn trọng.

Hai là, tạm giam tạo cơ sở pháp lý vững chắc nhằm đảm bảo sự tôn trọng các quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận. Đảm bảo không một công dân nào bị tạm giam trái pháp luật, khi áp dụng biện pháp tạm giam không đúng pháp luật quy định, công dân có quyền khiếu nại đến các chủ thể có thẩm quyền.

Ba là, tạm giam là biện pháp hữu hiệu bảo đảm cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đạt hiệu quả cao nhất. Bởi đây là biện pháp bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của CQTHTT, đảm bảo sự chính xác, khách quan của hoạt động tố tụng, ngăn ngừa các đối tượng tiếp tụp phạm tội hoặc tìm cách xóa dấu vết phạm tội, chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án. Ngoài ra, tạm giam còn đảm bảo cho việc thi hành đúng pháp luật và hiệu lực của bản án đã được tuyên.

Cuối cùng, tạm giam thể hiện tính ưu việt của nhà nước ta. Đó là biện pháp bảo đảm cho mọi công dân được sống trong xã hội mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ được tôn trọng và bảo vệ, tránh được sự tấn công, xâm hại từ phía các đối tượng nhất định, bảo đảm cho mọi công dân yên tâm sinh sống, học tập, làm việc tham gia vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đạt hiệu quả cao nhất.

II. Quy định của pháp luật về biện pháp tạm giam

1. Đối tượng bị tạm giam

Khoản 1 Điều 88 BLTTHS 2003 quy định: “Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây:

a) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng;

b) Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.”

Theo quy định trên thì đối tượng có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam chỉ có thể là bị can, bị cáo. Bị can là “người đã bị khởi tố về hình sự” (Khoản 1 Điều 49 BLTTHS 2003), tức là những người có quyết định khởi tố bị can về một tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS. Còn bị cáo là “người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử” (Khoản 1 Điều 50 BLTTHS 2003). Tuy nhiên, không phải tất cả bị can, bị cáo đều bị áp dụng biện pháp tạm giam, mà chỉ áp dụng đối với họ trong hai trường hợp sau:

- Thứ nhất, bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm (Khoản 3 Điều 8 BLHS). Nếu bị can, bị cáo thuộc những trường hợp này, người có thẩm quyền ra lệnh tạm giam có thể tạm giam ngay mà không cần có thêm căn cứ nào khác.

- Thứ hai, bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt từ trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể bỏ trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Theo quy định của BLTTHS, tạm giam chỉ áp dụng đối với những bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù trên hai năm. Đối với bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt từ hai năm trở xuống hoặc hình phạt khác không phải là hình phạt tù thì không áp dụng biện pháp tạm giam. Nếu xét thấy cần thiết, thì CQTHTT có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn khác như cấm đi khỏi nơi cư trú, bão lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Trong trường hợp bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định tù trên hai năm, để tạm giam họ cần có thêm điều kiện thứ hai đó là, căn cứ cho rằng họ có thể bỏ trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Để có thể xác định được thế nào là căn cứ cho rằng bị can, bị cáo có thể bỏ trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục phạm tội, thì thường căn cứ vào nhân thân bị can, bị cáo, thái độ của họ sau khi phạm tội hoặc những vi phạm nghĩa vụ của bị can, bị cáo khi được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác ít nghiêm khắc.

Thể hiện tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa Khoản 2 Điều 88 BLTTHS 2003 quy định những trường hợp không được áp dụng biện pháp tạm giam, gồm:

+ Bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi,

+ Người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng.

Tuy nhiên, những đối tượng này có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam trong những trường hợp đặc biệt đó là:

+ Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã;

+ Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử;

+ Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

Với quy định này, BLTTHS đã thể hiện khá rõ nét nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền con người, bảo vệ quyền trẻ em. Với điều kiện sinh hoạt trong các trại tạm giam thì không thể đảm bảo những nhu cầu thiết yếu của phụ nữ mang thai, nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi người già yếu và người bị bệnh nặng. Hơn nữa trong những trường hợp này thì bị can, bị cáo đã có nơi cư trú rõ ràng, nếu họ không thuộc các trường hợp đặc biệt kể trên, các CQTHTT có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn khác để đảm bảo sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của CQTHTT.

2. Căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam

BLTTHS 2003 không trực tiếp quy định các căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam mà chỉ quy định các căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn nói chung. Điều 79 BLTTHS 2003 quy định các căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn bao gồm:

- Để kịp thời ngăn chặn tội phạm.

- Khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử.

- Khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ tiếp tục phạm tội.

- Để đảm bảo thi hành án.

Trong số các căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn kể trên, căn cứ “để kịp thời ngăn chặn tội phạm” chỉ áp dụng cho các trường hợp bắt người phạm tội quả tang theo khoản 1 Điều 82 hoặc bắt người trong trường hợp khẩn cấp theo điểm a khoản 1 Điều 81 BLTTHS nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội, không để tội phạm xảy ra hay không để người phạm tội kết thúc hành vi phạm tội của mình, gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Căn cứ này không thể là căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam vì đối tượng áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam là bị can, bị cáo, hành vi phạm tội của họ là hành vi đã được thực hiện trong quá khứ. Căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam bao gồm:

*Căn cứ thứ nhất: Khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Hành vi gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thể hiện qua việc sau khi thực hiện hành vi phạm tội, người thực hiện tội phạm có thể bỏ trốn, tiêu hủy, làm giả hoặc thay đổi chứng cứ, xóa các dấu vết của vụ án, bàn bạc nhau trốn tránh pháp luật, mua chuộc, dụ dỗ, cưỡng ép, khống chế người làm chứng, người bị hại… gây khó khăn phức tạp cho việc xác định, làm rõ sự thật khách quan vụ án. Trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử có thể áp dụng căn cứ này để tạm giam.

*Căn cứ thứ hai: Khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ tiếp tục phạm tội.

Căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ tiếp tục phạm tội có thể được thể hiện qua các yếu tố phản ánh về nhân thân của các bị can, bị cáo: bị can, bị cáo là những phần tử xấu, tái phạm, tái phạm nguy hiểm, là những tội phạm có tính chất chuyên nghiệp, côn đồ, hung hãn coi thường pháp luật; bị can, bị cáo có hành vi đe dọa trả thù người làm chứng, người bị hại và sự đe dọa đó có khả năng trở thành hiện thực.

*Căn cứ thứ ba: Để đảm bảo thi hành án.

Khi cần đảm bảo thi hành án, tùy theo tính chất cụ thể của từng vụ án, tùy theo nhân thân của người bị kết án, Tòa án có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn thích hợp trong đó Tòa án có thể sử dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với bị cáo để đảm bảo cho việc thi hành án, còn nếu có đủ cơ sở cho rằng bị cáo sẽ không bỏ trốn, không gây cản trở khó khăn cho việc thi hành án thì không cần áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam mà chỉ cần áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác ít nghiêm khắc hơn.

3. Thẩm quyền ra lệnh tạm giam.

Khoản 3 Điều 88 BLTTHS 2003 quy định: “Những người có thẩm quyền ra lệnh bắt được quy định tại Điều 80 của Bộ luật này có quyền ra lệnh tạm giam. Lệnh tạm giam của những người này được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cung cấp phê chuẩn trước khi thi hành”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 80 BLTTHS 2003, những người sau đây có quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam:

- Viện trưởng, Phó viện trưởng VKSND và VKSQS các cấp;

- Chánh án, Phó chánh án TAND và TAQS các cấp;

- Thẩm phán giữ chức vụ Chánh tòa, Phó Chánh tòa phúc thẩm TANDTC; Hội đồng xét xử;

- Thủ trưởng, Phó thủ trưởng CQĐT các cấp. Trong trường hợp này, lệnh tạm giam phải được VKS cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

Như vậy, thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giam được quy định cho nhiều cơ quan với nhiều chủ thể khác nhau tùy thuộc vào các giai đoạn tố tụng. VKS với chức năng là cơ quan kiểm sát các hoạt động tư pháp sẽ kiểm tra, giám sát hoạt động này, đặc biệt với lệnh tạm giam của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng CQĐT các cấp phải được VKS cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

4. Thủ tục tạm giam

Với tính chất là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất, hạn chế tự do của người bị áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định, vì vậy việc áp dụng biện pháp tạm giam cần phải tuân theo một trình tự, thủ tục rất chặt chẽ.

Theo quy định của BLTTHS 2003 thì việc tạm giam bị can, bị cáo phải có lệnh tạm giam. Lệnh này phải do những người có thẩm quyền kí. Lệnh tạm giam phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị tạm giam; lí do tạm giam, thời hạn tạm giam và giao cho người bị tạm giam một bản. Theo quy định tại khoản 3 Điều 88 BLTTHS lệnh tạm giam của CQĐT phải được Viện trưởng VKS cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

Tạm giam không chỉ hạn chế quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do và danh dự của công dân mà còn ảnh hưởng đến cả nhân thân của họ. Chính vì vậy, sau khi ra lệnh tạm giam cơ quan đã ra lệnh tạm giam cần phải thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam và cho cơ quan chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giam cư trú, làm việc biết. Bên cạnh đó, khi tiến hành tạm giam một người cần phải đảm bảo các thủ tục liên quan khác như: thực hiện việc chăm nom người thân thích, bảo quản tài sản của người bị tạm giam (Điều 90 BLTTHS 2003).

5. Thời hạn tạm giam

Trong BLTTHS 2003 thời hạn tạm giam không được quy định tập trung ở một điều luật mà được quy định theo từng giai đoạn của quá trình tố tụng. Cụ thể:

- Tạm giam để điều tra.

Điều 120 BLTTHS 2003 quy định thời hạn tạm giam để điều tra không quá 2 tháng đối với tội ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng đối với tội nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, CQĐT phải có văn bản đề nghị VKS gia hạn tạm giam.

Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau: Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 1 tháng. Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá 2 tháng và lần thứ hai không quá 1 tháng. Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá 3 tháng, lần thứ hai không quá 2 tháng. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá 4 tháng. Như vậy, đối với tội phạm ít nghiêm trọng thời hạn tạm giam để điều tra tối đa có thể là 3 tháng, đối với tội phạm nghiêm trọng tối đa có thể là 6 tháng, đối với tội phạm rất nghiêm trọng tối đa có thể là 9 tháng, còn đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng tối đa có thể lên đến 16 tháng. Riêng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trong trường hợp thời hạn gia hạn tạm giam lần thứ hai quy định tại điểm 3 khoản 3 Điều 120 đã hết và vụ án có nhiều tình tiết phức tạp mà không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng VKSNDTC có thể gia hạn tạm giam lần thứ ba.

Trường hợp cần thiết đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng VKSNDTC có quyền gia hạn thêm một lần nữa không quá 4 tháng (Khoản 5 Điều 120). So sánh thời hạn tạm giam để điều tra (quy định tại Điều 120) với thời hạn điều tra (quy định tại Điều 119) thì thời hạn tạm giam để điều tra bằng với thời hạn điều tra còn thời hạn gia hạn tam giam để điều tra đối với các tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng ngắn hơn thời hạn gia hạn để điều tra. Với quy định này nhà làm luật nhằm mục đích hạn chế việc lạm dụng gia hạn tạm giam, đồng thời còn có ý nghĩa trong việc đảm bảo CQĐT cần phải đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án, nếu không thời hạn tạm giam với bị can sẽ hết mặc dù thời hạn điều tra vẫn còn.

- Tạm giam để truy tố.

Khoản 2 Điều 166 BLTTHS 2003 quy định: “Thời hạn tạm giam không được quá thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều này”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 166: Trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và kết luận điều tra, VKS phải ra một trong các quyết định sau: quyết định truy tố bị can ra trước Tòa bằng bản cáo trạng; quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án. Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng VKS có thể gia hạn tạm giam nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng; không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng; không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Như vậy, thời hạn tạm giam để truy tố đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng tối đa có thể lên đến 30 ngày, đối với tội phạm rất nghiêm trọng tối đa có thể lên đến 45 ngày, còn đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thời hạn tạm giam để truy tố tối đa có thể lên đến 60 ngày.

- Tạm giam để xét xử sơ thẩm.

Điều 177 BLTTHS 2003 quy định: “Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 của Bộ luật này”. Theo quy định tại Điều 176, thời hạn chuẩn bị xét xử là 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 2 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 3 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án. Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì thời hạn tạm giam để mở phiên tòa là từ 15 đến 30 ngày. Ngoài ra, đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần thiết thì Tòa án có thể ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa.

Như vậy, thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử tối đa (kể cả gia hạn) là 75 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 90 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 120 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì thời hạn này có thể lên đến 150 ngày.

- Tạm giam để xét xử phúc thẩm.

Điều 243 BLTTHS quy định: sau khi nhận hồ sơ vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án quân sự cấp quân khu, Chánh tòa, Phó Chánh tòa phúc thẩm TANDTC quyết định. Thời hạn tạm giam không được quá thời hạn xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 242 Bộ luật này.

Theo quy định tại Điều 242 BLTTHS 2003, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án quân sự cấp quân khu phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 16 ngày; tòa phúc thẩm TANDTC, tòa án quân sự trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.

- Tạm giam để đảm bảo thi hành án.

Ngay sau khi xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm, Hội đồng xét xử (HĐXX) có thể quyết định việc tạm giam bị cáo để đảm bảo việc thi hành án. Đối với giai đoạn xét xử sơ thẩm, Điều 288 BLTTHS quy định: Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà bị phạt tù nhưng đến ngày kết thúc phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết thì HĐXX ra quyết định tạm giam bị cáo để đảm bảo cho việc thi hành án. Trong trường hợp bị cáo không bị tạm giam thì HĐXX có thể ra quyết định bắt tạm giam ngay bị cáo nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục phạm tội. Thời hạn tạm giam bị cáo là 45 ngày, kể từ ngày tuyên án.

Tại phiên tòa phúc thẩm, theo quy định tại Điều 243 BLTTHS 2003, nếu bị cáo đang bị tạm giam, bị xử phạt tù mà đến ngày kết thúc phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết thì HĐXX ra quyết định tạm giam bị cáo để đảm bảo việc thi hành án, thời hạn tạm giam là 45 ngày, kể từ ngày tuyên án.

6. Một số quy định chung khác về tạm giam

a. Về chế độ tạm giam

Tạm giam là biện pháp ngăn chặn được áp dụng để đảm bảo cho hoạt động của các CQTHTT và không để cho người phạm tội có điều kiện thực hiện tội phạm. BPNC này không phải là hình phạt đối với người phạm tội, do đó “chế độ tạm giữ, tạm giam khác với chế độ đối với người đang chấp hành hình phạt tù” (Điều 89 BLTTHS).

b. Về chế độ thăm nom người thân và bảo quản tài sản của người bị tạm giam

Theo Điều 90 BLTTHS quy định chế độ thăm nom người thân và bảo quản tài sản của người bị tạm giam là một điểm tiến bộ, thể hiện chính sách nhân đạo của nhà nước ta tạo điều kiện cho người bị tạm giam yên tâm, tháo gỡ được những vướng mắc về tư tưởng trong một phạm vi nhất định, để họ có thể được thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình trong thời gian bị tạm giam. Nội dung quy định này như sau:

“1. Khi người bị tạm giữ, tạm giam có con chưa thành niên dưới 14 tuổi hoặc có người thân thích là người tàn tật, già yếu mà không có người chăm sóc, thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam giao những người đó cho người thân thích chăm nom. Trong trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam không có người thân thích thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam giao những người đó cho chính quyền sở tại chăm nom.

2. Trong trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam có nhà hoặc tài sản khác mà không có người trông nom, bảo quản thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam phải áp dụng những biện pháp trông nom, bảo quản thích đáng”.

c. Việc khấu trừ thời hạn tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù

Theo Điều 33 BLHS năm 1999, thời hạn tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ mỗi ngày tạm giam bằng một ngày tù. Quy định này không chỉ áp dụng đối với người bị tạm giam liên tục cho đến khi xét xử mà còn áp dụng đối với cả những người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác sau một thời gian bị tạm giam. Những hình phạt khác không phải là hình phạt tù có thời hạn như cảnh cáo, phạt tiền hoặc tử hình thì không áp dụng quy định này mặc dù trước đó họ có bị tạm giam. Riêng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc cải tạo ở đơn vị kỉ luật của quân đội và hình phạt tù chung thân thì thời hạn tạm giam sẽ được tính vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.

d. Về quyền của người bị tạm giam

Theo quy định của BLTTHS 2003 đối tượng có thể áp dụng biện pháp tạm giam là bị can, bị cáo, người đã bị kết án phạt tù hoặc tử hình bỏ trốn bị bắt để tạm giam. Khi bị tạm giam bị can, bị cáo có đầy đủ quyền của bị can, bị cáo được quy định tại Điều 49, Điều 50 BLTTHS và khi họ là người bị kết án đang chờ thi hành hình phạt tù họ có các quyền được quy định tại Điều 260 BLTTHS 2003.

III. Thực trạng tình hình tạm giam, những bất cập, tồn tại, nguyên nhân và giải pháp

1. Thực trạng

Có thể nói việc áp dụng biện pháp tạm giam trong TTHS đã góp phần mang lại hiệu quả rất lớn trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm ở nước ta trong thời gian qua. Hàng loạt vụ án đã được khám phá nhanh chóng, kịp thời đáp ứng nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, các quyền và lợi ích của nhân dân được tôn trọng và bảo vệ. Biện pháp tạm giam là biện pháp ngăn chặn tác động trực tiếp đến quyền nhân thân của công dân nên khi áp dụng biện pháp này các cơ quan có thẩm quyền luôn chú trọng tuân thủ những quy định của pháp luật nhằm bảo vệ một cách tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo. Thực tiễn cho thấy đại đa số các trường hợp tạm giam là có căn cứ, đúng pháp luật, tình trạng tạm giam quá thời hạn đã từng bước được khắc phục. Những trường hợp không cần thiết phải tạm giam các CQTHTT đã mạnh dạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác như: cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.

2. Những tồn tại, bất cập

Ở mỗi giai đoạn tố tụng hình sự tạm giam được các CQTHTT áp dụng nhằm mục đích đảm bảo cho việc hoàn thành chức năng nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên trên thực tế, việc áp dụng biện pháp tạm giam trong các giai đoạn tố tụng đôi khi còn gặp những khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục. Cụ thể là:

* Vướng mắc trong căn cứ tạm giam đối với bị can, bị cáo chưa thành niên quy định tại khoản 2 Điều 303 BLTTHS 2003

Khoản 2 Điều 303 BLTTHS 2003 quy định: “Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định tại các Điều 80, 81, 82, 86, 88 và Điều 120 của Bộ luật này, nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng”. Như vậy, trường hợp người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý thì không thể áp dụng biện pháp tạm giam đối với họ vì bất cứ lí do gì.

Trên thực tế, số người vị thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ngày càng gia tăng, các đối tượng này chủ yếu phạm những tội ít nghiêm trọng; nhiều trường hợp bị can, bị cáo từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng được tại ngoại đã bỏ trốn nhiều lần và bị bắt theo lệnh truy nã, khi CQĐT, Tòa án trao đổi để áp dụng biện pháp tạm giam đối với họ thì VKS không biết xử lí như thế nào, vì theo quy định tại khoản 2 Điều 303 BLTTHS thì không có căn cứ để áp dụng biện pháp tạm giam.

* Vướng mắc trong quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giam

Khoản 3 Điều 88 BLTTHS 2003 quy định: “Những người có thẩm quyền ra lệnh bắt được quy định tại Điều 80 của Bộ luật này có quyền ra lệnh tạm giam. Lệnh tạm giam của những người được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này phải được VKS cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành”. Đối chiếu qua quy định tại khoản 1 Điều 80 cho thấy ở giai đoạn điều tra Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT các cấp có quyền ra lệnh tạm giam, tuy nhiên lệnh tạm giam đó phải được VKS phê chuẩn trước khi thi hành. Ngoài ra, trong quá trình điều tra, việc quyết định, hủy bỏ, thay thế biện pháp tạm giam; quyết định việc gia hạn tạm giam cũng đều thuộc thẩm quyền của VKS, CQĐT chỉ có quyền đề nghị.

Như vậy, việc quy định cho CQĐT thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giam ở giai đoạn điều tra chỉ mang tính hình thức, còn trên thực tế việc áp dụng, thay thế, hủy bỏ biện pháp tạm giam do VKS quyết định.

* Về trách nhiệm của người đề xuất, người ra lệnh và người phê chuẩn lệnh tạm giam

Có thể hiểu rằng, quan hệ giữa Thủ trưởng CQĐT và Điều tra viên là quan hệ chỉ huy phục tùng. Sau khi khởi tố vụ án, Thủ trưởng CQĐT có thể trực tiếp tiến hành điều tra hoặc quyết định phân công cho Điều tra viên điều tra vụ án. Khi được phân công điều tra, Điều tra viên có quyền tiến hành các biện pháp điều tra do BLTTHS quy định, còn việc áp dụng biện pháp tạm giam điều tra viên chỉ có quyền đề xuất. Thủ trưởng CQĐT kí lệnh tạm giam và VKS phê chuẩn. Trong trường hợp việc tạm giam là trái pháp luật thì ai là người phải chịu trách nhiệm: Điều tra viên, Thủ trưởng CQĐT? Nếu việc tạm giam sau đó lại được VKS phê chuẩn thì người phê chuẩn đó có phải chịu trách nhiệm không?

Trên thực tế, lệnh tạm giam cần phải có sự phê chuẩn của VKS thường được phê chuẩn cùng ngày ra lệnh, nhưng vẫn có những trường hợp phê chuẩn sau ngày bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Theo quy định tại khoản 3 Điều 88 BLTTHS, trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được lệnh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn, hồ sơ và tài liệu liên quan đến việc tạm giam, VKS phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn. Với vụ án đơn giản, tài liệu không nhiều thì VKS có thể xem xét phê chuẩn ngay trong ngày. Song trên thực tế không ít vụ việc phức tạp, nhiều tài liệu hồ sơ, đòi hỏi VKS phải có thời gian nghiên cứu để xem xét có phê chuẩn hay không. Ngoài ra, không loại trừ VKS vì lí do nào đó chậm trễ trong việc phê chuẩn dẫn đến bị can trốn, tiêu hủy chứng cứ, gây khó khăn cho công tác điều tra. Trong trường hợp đó VKS có phải chịu trách nhiệm về việc chậm trễ phê chuẩn hay không? Nếu có thì đó là trách nhiệm gì?

* Những vi phạm pháp luật trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam

- Tình trạng tạm giam quá thời hạn.

Theo quy định của BLTTHS, thời hạn tạm giam được xác định cụ thể ở từng giai đoạn tố tụng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn khá nhiều trường hợp tạm giam quá hạn, nhất là ở giai đoạn điều tra đối với một số vụ án có nhiều tình tiết phức tạp và có nhiều bị can. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người bị tạm giam, gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân vào cơ quan có thẩm quyền trong việc áp dụng biện pháp tạm giam.

- Những vi phạm về chế độ tạm giam.

Do điều kiện trại giam nhiều nơi đang còn chật hẹp, tình hình tội phạm gia tăng, thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm về diện tích tối thiểu cho người bị tạm giam; công tác quản lí trại giam còn chưa tốt nên vẫn còn xảy ra tình trạng đánh nhau và bỏ trốn khỏi trại giam.

3. Nguyên nhân

- Nguyên nhân khách quan

Thứ nhất, về công tác xây dựng pháp luật: BLTTHS 2003 ra đời đánh dấu bước phát triển mới về kĩ thuật lập pháp nói chung đồng thời dần hoàn thiện các quy định về chế định tạm giam nói riêng. Tuy nhiên, việc áp dụng BPNC này trên thực tế hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc mà nguyên nhân chủ yếu là do các quy định của pháp luật tố tụng về biện pháp ngăn chặn tạm giam còn có những hạn chế nhất định. Cụ thể như khái niệm biện pháp ngăn chặn tạm giam hiện nay vẫn chưa được đề cập đến trong BLTTHS 2003 dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề này. Vấn đề đối tượng áp dụng biện pháp tạm giam luật vẫn chưa dự liệu hết. Hiện nay, BLTTHS chỉ quy định đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giam là bị can, bị cáo (Điều 88 BLTTHS) nhưng thực tế những đối tượng không phải là bị can, bị cáo nhưng vẫn phải áp dụng biện pháp tạm giam đó là những đối tượng bị tuyên án phạt tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình đã hết thời hạn tạm giam và chưa được thi hành ngay thì phải tạm giam để chờ thi hành án (Điều 288, Điều 243 BLTTHS). Vì thế, khi xây dựng khái niệm biện pháp ngăn chặn tạm giam trong tố tụng hình sự cần thiết phải ghi nhận nhóm đối tượng này. Việc bắt giam bị cáo ngay tại phiên tòa sau khi tuyên án hiện nay chưa có quy định cụ thể là phải có lệnh tạm giam mà chỉ nêu chung chung trong phần quyết định của bản án dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định này trên thực tế.

Thứ hai, những điều kiện cần thiết đảm bảo cho công tác tạm giam chưa được chú trọng đúng mức, điều kiện cơ sở vật chất tại các trại giam còn thiếu thốn, xuống cấp trầm trọng, kinh phí để sửa chữa xây dựng còn rất hạn hẹp nên vấn đề nâng cao chất lượng sống và sinh hoạt cho người bị tạm giam còn gặp rất nhiều khó khăn.

- Nguyên nhân chủ quan

Thứ nhất, các CQTHTT, người THTT chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc quy định cũng như áp dụng biện pháp tạm giam dẫn đến áp dụng biện pháp này một cách thiếu căn cứ, trái pháp luật. Năng lực của người tiến hành tố tụng còn có những hạn chế nhất định cần khắc phục, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ chưa cao, nặng về trấn áp.

Thứ hai, công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực tạm giam ở nhiều địa phương chưa được kiểm tra thường xuyên, đều khắp nên chưa phát hiện và kịp thời có những biện pháp khắc phục những biểu hiện vi phạm. Sự phối hợp giữa các CQTHTT cũng như với những người có trách nhiệm trong công tác quản lí người bị tạm giam chưa chặt chẽ, linh hoạt. Cá biệt có nơi còn xảy ra tình trạng đùn đẩy hồ sơ giữa các CQTHTT. Một bộ phận cán bộ trực tiếp làm công tác quản lí, theo dõi người bị tạm giam còn thiếu trách nhiệm, lơ là trong công tác để xảy ra nhiều trường hợp người bị tạm giam bỏ trốn hoặc bị chết do đánh nhau…

4. Giải pháp

Việc quy định và áp dụng biện pháp tạm giam trong thời gian qua cho thấy biện pháp ngăn chặn này đã mang lại những kết quả khả quan, góp phần to lớn trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm song cũng đã bộc lộ những yếu kém, vướng mắc, bất cập cần được khắc phục. Qua việc phân tích các quy định của pháp luật hiện này về biện pháp tạm giam, từ những vướng mắc, bấp cập và những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, bất cập đó, xin đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định của chế định tạm giam, góp phần nâng cao hiệu quả của biện pháp này trong thời gian tới, đó là:

Thứ nhất: Trong BLTTHS hiện hành chưa có quy định về khái niệm biện pháp ngăn chặn tạm giam. Tại Điều 88 BLTTHS 2003 mới chỉ nêu ra được đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giam. Chính vì vậy, cần quy định rõ ràng, cụ thể biện pháp ngăn chặn tạm giam tại Điều 88 BLTTHS.

Thứ hai: cần quy định cụ thể các căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam đối với người chưa thành niên. Về nguyên tắc, người phạm tội đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 BLHS thì đều có thể áp dụng biện pháp tạm giam.

Thứ ba: việc bắt giam bị cáo ngay tại phiên tòa cần có quy định theo hướng là phải có lệnh tạm giam vì nếu chỉ tuyên trong phần quyết định của bản án thì không thể tiếp tục tạm giam bị cáo, do bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, chưa được đem ra thi hành, trừ trường hợp bản án đem ra thi hành ngay theo quy định tại Khoản 2 Điều 255 BLTTHS.

Thứ tư: về vấn đề phê chuẩn lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam thì BLTTHS  nên quy định các mức thời gian phê chuẩn lệnh của VKS theo từng loại vụ án đơn giản hay phức tạp, kể từ khi nhận được công văn đề nghị phê chuẩn và tài liệu của vụ án.

Thứ năm: trách nhiệm của người đề xuất, người ra lệnh và người phê chuẩn cần phải có quy định rõ ràng. Nếu tạm giam trái pháp luật thì Điều tra viên phải chịu trách nhiệm (người đề xuất), Thủ trưởng CQĐT phải chịu trách nhiệm của người ra lệnh, còn tạm giam sau đó lại được VKS phê chuẩn thì người đã đề xuất phê chuẩn phải chịu trách nhiệm của người đề xuất, người đã phê chuẩn phải chịu trách nhiệm của người đã phê chuẩn.

Bên cạnh hoàn thiện các quy định của pháp luật thì cần nâng cao trách nhiệm của những người có thẩm quyền trong quá trình áp dụng biện pháp tạm giam bằng cách quy định rõ và đầy đủ trách nhiệm của họ cũng như những chế tài mà họ có thể bị áp dụng nếu họ có những hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

Tăng cường hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng sống cho người bị tạm giam. Có như vậy, việc quản lý giám sát người bị tạm giam mới được chặt chẽ và điều kiện sinh hoạt của bị can, bị cáo mới được cải thiện.

                                              Minh Nhất