Một số ý kiến về thi hành án hành chính

20/01/2015
 

1. Bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính là sản phẩm của quá trình tố tụng hành chính tại Tòa án phải được tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành theo tinh thần nguyên tắc hiến định mà nhiều bản Hiến pháp ở nước ta đã quy định. Việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính (sau đây gọi chung là thi hành án hành chính) đã được thực hiện từ khi có Tòa án hành chính ở nước ta năm 1996 theo quy định tại Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính ngày 21/5/1996, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/1996 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 1998 và 2006). Khi đó, Điều 74 Pháp lệnh này quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước. Cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Toà án phải nghiêm chỉnh chấp hành. Thủ trưởng cơ quan nhà nước cấp trên trực tiếp có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thi hành án hành chính; trong trường hợp cần thiết có quyền buộc phải chấp hành quyết định của Toà án về vụ án hành chính. Người nào thiếu trách nhiệm trong việc thi hành án hành chính hoặc cố tình không chấp hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Các quyết định về phần tài sản, quyền tài sản trong các bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính được thi hành theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

Hiện nay, việc thi hành án hành chính được thực hiện theo quy định tại Chương XIV Luật Tố tụng hành chính năm 2010 gồm 8 điều (từ Điều 241 đến Điều 248) và Luật Thi hành án dân sự năm 2008.

2. Trong thời gian qua, việc thi hành án hành chính đã được những kết quả cơ bản quan trọng, như:

- Thứ nhất, cơ chế quản lý, thi hành án thi hành án hành chính ngày càng hoàn thiện

Luật Tố tụng hành chính đã khắc phục nhiều hạn chế của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, quy định cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính là Bộ Tư pháp. Cơ chế thi hành án hành chính đã có những thay đổi căn bản so với quy định trước đây, tạo sự chủ động cho các đương sự trong việc thi hành án hành chính nhưng khá chặt chẽ về thủ tục thi hành án hành chính.

Cơ chế thông tin phối hợp thi hành án hành chính đã được xác định đầy đủ, rõ ràng hơn: Điều 166, Điều 208 và Điều 231 Luật Tố tụng hành chính quy định khá cụ thể trách nhiệm của Tòa án phải cấp, gửi bản án đã có hiệu lực pháp luật cho đương sự, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan cấp trên trực tiếp của người bị kiện. Luật Tố tụng hành chính còn quy định Thẩm phán là Chủ tọa phiên tòa, phiên họp đã ra bản án, quyết định quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính có trách nhiệm giải thích những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định của Tòa án khi người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự có yêu cầu. Trong trường hợp họ không còn là Thẩm phán của Tòa án thì Chánh án Tòa án đó có trách nhiệm giải thích bản án, quyết định của Tòa án.

Cơ quan thi hành án dân sự khi nhận được đơn đề nghị đôn đốc của người được thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm đôn đốc người phải thi hành án thi hành án và thông báo bằng văn bản với cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án để chỉ đạo việc thi hành án và Viện kiểm sát cùng cấp để thực hiện việc kiểm sát thi hành án. Trách nhiệm của cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính “trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan thi hành án, cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án phải xem xét, chỉ đạo việc thi hành án theo quy định của pháp luật và thông báo cho cơ quan thi hành án biết” (khoản 3 Điều 245 Luật Tố tụng hành chính).

Luật Tố tụng hành chính cũng quy định trách nhiệm của người được thi hành án khi có đơn yêu cầu cơ quan thi hành án đôn đốc người phải thi hành án thi hành bản án, quyết định của Tòa hành chính thì người được thi hành án có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thi hành án dân sự bản sao bản án, quyết định của Tòa án và các tài liệu khác có liên quan để chứng minh đã có đơn đề nghị hợp lệ nhưng người phải thi hành án cố tình không thi hành án. Xác định cơ quan thi hành án dân sự ngoài trách nhiệm tổ chức thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa hành chính theo trình tự thủ tục quy định của Luật Thi hành án dân sự còn có trách nhiệm đôn đốc việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều 243 Luật Tố tụng hành chính khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án. Luật Tố tụng hành chính cũng quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đôn đốc thi hành bản án, quyết định của Tòa hành chính.

- Thứ hai, nhận thức về thi hành án hành chính có chuyển biến tích cực

Với việc Quốc hội ban hành Luật Tố tụng hành chính đã tạo ra sự chuyển biến khá đồng bộ đối với công tác thi hành án hành chính. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 25/5/2012 về việc triển khai công tác thi hành án hành chính giao trách nhiệm cụ thể của một số Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tình, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp liên quan đến việc triển khai công tác thi hành án hành chính, như trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân địa phương.v.v.

Bộ Tư pháp xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Tố tụng hành chính; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 25/5/2012 chỉ đạo các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện nhiệm vụ này; đã tổ chức 03 lớp bồi dưỡng, tập huấn về thi hành án hành chính cho hơn 830 đối tượng thuộc các cơ quan thi hành án dân sự địa phương (tại Thái Nguyên, Đăk Lăk và Hậu Giang). Một số địa phương đã ban hành Chỉ thị riêng về công tác thi hành án hành chính, đơn cử như Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 22/8/012 về việc triển khai công tác thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

- Thứ ba, bộ máy cơ quan thi hành án thực hiện nhiệm vụ đôn đốc về thi hành án hành chính ngày càng được củng cố và tăng cường cả về cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện hoạt động

Theo quy định hiện hành thì cơ quan thi hành án dân sự có nhiệm vụ thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án hành chính; đồng thời có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thi hành án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Trong số biên chế ở các cơ quan thi hành án dân sự hiện nay thì từ Cục Thi hành án dân sự đến các Chi cục Thi hành án dân sự đều có phân công công chức theo dõi, đốn đốc thi hành án hành chính (ở Cục Thi hành án dân sự có 02 công chức theo dõi công tác thi hành án hành chính; các Chi cục Thi hành án dân sự, mỗi đơn vị có 01 công chức theo dõi, đôn đốc thi hành án hành chính).

- Thứ tư, kết quả số việc thi hành án hành chính

Trong năm 2012 (năm đầu tiên triển khai thực hiện Luật Tố tụng hành chính), việc thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án hành chính thu được những kết quả quan trọng. Năm 2012, toàn ngành thi hành án dân sự thụ lý 944 việc có liên quan đến phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính. Trong số đó thì có 909 việc có điều kiện thi hành thì đã thi hành xong hoàn 886 việc, số còn lại đều đang thi hành dở dang. Về các việc đôn đốc thi hành án hành chính, năm 2012 số việc đôn đốc thi hành án hành chính do các cơ quan thi hành dân sự địa phương thụ lý, đôn đốc chưa nhiều, chỉ có 32 đơn đề nghị đôn đốc thi hành án hành chính từ năm 2012 chuyển sang năm 2013.

Năm 2013, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tổ chức 03 lớp tập huấn, bồi dưỡng triển khai các nhiệm vụ thi hành hành chính cho đội ngũ cán bộ làm công tác này; phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ tổ chức kiểm tra liên ngành để nắm tình hình triển khai công tác thi hành án hành chính tại 04 địa phương (Hà Nội, Nghệ An, Bình Định và Cà Mau), qua kiểm tra đã nắm bắt, phát hiện được những tồn tại, hạn chế và vướng mắc, bất cập, trên cơ sở đó, kịp thời chỉ đạo, kiến nghị việc hoàn thiện thể chế, hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật tố tụng hành chính. Kết quả đôn đốc thi hành án hành chính năm 2013, số việc phải đôn đốc là 378 việc (số việc năm trước chuyển sang là 32 việc, số việc thụ lý mới là 346 việc); đã có văn bản đôn đốc thi hành đối với 376 việc, chưa có văn bản đôn đốc 02 việc; số việc đã thi hành xong là 336 việc, số việc chưa thi hành xong là 40 việc, số văn bản thông báo kết quả thi hành án mà cơ quan thi hành án dân sự nhận được là 53 việc.

Năm 2014, nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong việc triển khai Luật tố tụng hành chính và Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rút kinh nghiệm về những tồn tại, hạn chế và thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ công tác này; chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự địa phương khắc phục những bất cập, hạn chế, thực hiện tốt nhiệm vụ đôn đốc thi hành án hành chính tại địa bàn theo đúng Luật tố tụng hành chính.

Năm 2014 (tính từ 01/10/2013 đến hết ngày 30/9/2014), số việc phải đôn đốc thi hành án hành chính là 452 việc (trong đó, số việc năm trước chuyển sang là 46 việc, số việc thụ lý mới là 406 việc), tăng 100 việc (28,4%) so với năm 2013; đã có văn bản đôn đốc đối với 449 việc, tăng 136 việc (43,45%) so với năm 2013 (388 việc thi hành xong, 61 việc chưa thi hành xong), số việc chưa có văn bản đôn đốc là 03 việc; số văn bản nhận được thông báo kết quả thi hành án đã nhận được là 27 văn bản. Kết quả về số liệu trên cho thấy, số lượng án hành chính năm sau tăng hơn năm trước và có xu hướng ngày càng gia tăng về số lương, cũng như tính chất phức tạp hơn.[1]

3. Trong thời gian qua, việc thi hành án hành chính đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên còn nhiều hạn chế, vướng mắc khó khăn:

- Một là, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, rải rác ở nhiều văn bản khác nhau

Quy định pháp luật về thi hành án hành chính rải rác, tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau, như: Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án dân sự.v.v. thế nhưng lại quá ít điều luật nên chưa quy định đầy đủ cách thức thực hiện, nhất là việc đôn đốc thi hành án hành chính.

Quy định tại Điều 243 và 245 về thụ tục và thời hạn thi hành án hành chính có đề cập đến trách nhiệm đôn đốc của cơ quan thi hành án dân sự đối với bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính nhưng cơ quan thi hành án địa phương cùng cấp với cấp Tòa án xét xử thì rất khó khăn trong việc đôn đốc thi hành khi mà cơ quan phải thi hành là Ủy ban nhân dân hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ? Khi đôn đốc thi hành án, nếu cơ quan phải thi hành án hành chính không tự nguyện thi hành việc đôn đốc thì việc cưỡng chế thi hành án sẽ tiến hành như thế nào? Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án hành chính không loại trừ đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức bị kiện, khi nào cơ quan thi hành án hành chính được quyền ra quyết định xử phạt? Khi nào phải có văn bản thông báo cho cơ quan cấp trên của cơ quan phải thi hành án ? v.v.

Mặt khác Điều 245 Luật tố tụng hành chính quy định khi người phải thi hành án không thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án biết để xem xét, chỉ đạo việc thi hành án và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật, nhưng nếu cơ quan cấp trên không chỉ đạo hoặc có chỉ đạo mà cơ quan cấp dưới vẫn không thi hành thì sẽ giải quyết như thế nào lại chưa được Luật tố tụng hành chính quy định. Trường hợp bên phải thi hành án là Ủy ban nhân cấp tỉnh không thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự thông báo cho cơ quan nào ? Cơ quan nào có thẩm quyền xử lý trong trường hợp này, phải chăng là Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ?

- Thứ hai, cơ chế thi hành án hành chính phân chia thành nhiều cách thức, một số cách thức thi hành mang tính hình thức, định tính

+ Tự thi hành án:

Trường hợp bản án, quyết định của Toà án về việc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri thì các bên đương sự phải tiếp tục thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bản án, quyết định của Toà án đã hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì quyết định hoặc phần quyết định bị hủy không còn hiệu lực. Các bên đương sự căn cứ vào quyền và nghĩa vụ đã được xác định trong bản án, quyết định của Toà án để thi hành.

Trường hợp bản án, quyết định của Toà án đã hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì quyết định kỷ luật buộc thôi việc bị hủy không còn hiệu lực; trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Toà án, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc phải thực hiện bản án, quyết định của Toà án.

Trường hợp bản án, quyết định của Toà án đã tuyên bố hành vi hành chính đã thực hiện là trái pháp luật thì người phải thi hành án phải đình chỉ thực hiện hành vi hành chính đó, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Toà án. Trường hợp bản án, quyết định của Toà án tuyên bố hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ là trái pháp luật thì người phải thi hành án phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Toà án.  

Trường hợp bản án, quyết định của Toà án buộc cơ quan lập danh sách cử tri sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri thì người phải thi hành án phải thực hiện ngay việc sửa đổi, bổ sung đó khi nhận được bản án, quyết định của Toà án. Trường hợp Toà án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thi hành ngay khi nhận được quyết định. Người phải thi hành án phải thông báo bằng văn bản về kết quả thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Toà án đã xét xử sơ thẩm vụ án đó.

+ Thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự:

Các quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Toà án được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Phần này chủ yếu là án phí, tuy nhiên có những vụ việc đằng sau việc thi hành khoản án phí trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính luôn liên quan đến quyền lợi lớn của đương sự, trong đó có thể là quyền sư dụng diện tích có giá trị lớn.

Vụ việc cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã thu hút sự chú ý của dư luận xã hội cũng như các cơ quan nhà nước, mà cơ quan thi hành án dân sự cần có những bài học kinh nghiệm nhất định. Căn cứ Bản án số 01/2010/HCST ngày 27/01/2010 của Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng, Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính số 02/2010/HCPT-QĐ ngày 22/4/2010 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng, căn cứ Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, ngày 19/5/2010 Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng ra Quyết định thi hành án số 151/QĐ-THA, số 152/QĐ-THA về xử lý số tiền 400.000 đồng do gia đình ông Đoàn Văn Vươn nộp tạm ứng án phí, gồm: chuyển 200.000 đồng nộp án phí hành chính sơ thẩm, 100.000 đồng án phí hành chính phúc thẩm và trả lại ông Đoàn Văn Vươn 100.000 đồng tiền tạm ứng án phí. Việc thi hành phần dân sự trong bản án hành chính đối với ông Đoàn Văn Vươn đã kết thúc theo đúng quy định của pháp luật. Do vậy, việc thi hành án bản án hành chính liên quan đến ông Đoàn Văn Vươn do Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tiên Lãng thực hiện phù hợp với quy định pháp luật về thi hành án dân sự.

Tuy nhiên, những sự việc phát sinh sau đó liên quan đến việc thi hành phần quyết định hành chính trong bản án hành chính của Tòa án đã bộc lộ tính chất phức tạp của vụ việc liên quan đến những vi phạm của cơ quan hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục thu hồi đất. Vì vậy, qua kinh nghiệm vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, cơ quan thi hành án dân sự lưu ý thực hiện hết trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật đối với các bản án, quyết định của Tòa án, nhất là đối với những vụ án phức tạp, dư luận không đồng tình. Theo đó, cơ quan thi hành án dân sự phải nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của Tòa án để phát hiện ra những điểm chưa rõ gây khó khăn cho việc thi hành án và yêu cầu bằng văn bản gửi Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích. Trường hợp phát hiện thấy những vấn đề chưa phù hợp, bất thường hoặc phát hiện bản án, quyết định có sai lầm và có căn cứ để xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án được thi hành, đặc biệt là những bản án, quyết định đã ban hành mà không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, của các cơ quan thông tấn báo chí thì phải kịp thời kiến nghị với người có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định đó trước khi tổ chức thi hành. Mặt khác, phải chú trọng thích đáng đến công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân, cơ quan, tổ chức; phát hiện, uốn nắn, khắc phục kịp thời những sai sót của cán bộ, công chức trong quá trình tác nghiệp và áp dụng thống nhất, có hiệu quả các quy định pháp luật về thi hành án dân sự.[2] Về phía Tòa án, cần xét xét thu thập đầy đủ chứng cứ, xem xét toàn diện các tình tiết khác quan của vụ việc.

+ Đôn đốc thi hành án hành chính: Áp dụng đối với phần quyết định không phải là tài sản trong bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính chưa đủ mạnh bởi chỉ manh tính chất đôn đốc nên không cưỡng chế thi hành được.

Trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp đất đai, các bản án tuyên bác đơn yêu cầu khởi kiện, giữ nguyên quyết định của Uỷ ban nhân dân, phần lớn đã thi hành xong quyết định của Uỷ ban nhân dân, nhưng cũng còn một số ít trường hợp chưa thi hành được do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nhất định. Một số bản án tuyên công nhận quyết định của Uỷ ban nhân dân là đúng, bác đơn khởi kiện của đương sự; trong khi quyết định hành chính của Uỷ ban nhân dân chỉ giải quyết phần tranh chấp quyền sử dụng đất, không đề cập đến tài sản hiện hữu trên đất, đặc biệt là nhà ở nên việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính rất khó khăn, tồn đọng kéo dài. Xét về thẩm quyền, Uỷ ban nhân dân chỉ ban hành quyết định giải quyết tranh chấp quyền sử đụng đất khi đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, Tòa án nhân dân chỉ xét xử về phần tài sản trên đất khi có tranh chấp; trong khi quyết định của Uỷ ban nhân dân ban hành bị khởi kiện hành chính, Tòa án hành chính chỉ xử công nhận hoặc không công nhận quyết định, không tuyên quyền và nghĩa vụ cụ thể thì việc thi hành án sẽ bị kéo dài, đưa đến vụ kiện khác tranh chấp về tài sản, thậm chí không thi hành được.[3]

- Thứ ba, ý thức chấp hành bản án, quyết định của Toà án hành chính

Ý thức chấp hành án và việc thực hiện pháp luật trong thi hành án hành chính của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân còn hạn chế. Không ít người, thậm chí không ít cơ quan chức năng của Nhà nước chưa nhìn nhận đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thi hành án hành chính nên có nơi, có lúc vẫn còn tình trạng các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân thiếu tôn trọng các bản án, quyết định của Toà án, chây ỳ không chấp hành án.

- Thứ tư, về đội cũ cán bộ làm công tác thi hành án hành chính

Đội ngũ Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án hành chính không những thiếu về số lượng mà còn yếu về năng lực chuyên môn nghiệp vụ đôn đốc thi hành án hành chính. Trong khi đó, hiện nay cơ quan thi hành án dân sự vẫn đang trong tình trạng quá tải công việc, nay được bổ sung thêm nhiệm vụ thi hành án hành chính nhưng cơ chế lại thiếu rõ ràng, nên cơ quan này vẫn chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ chính của mình là thi hành án dân sự và thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính mà không có sự đầu tư, quan tâm đúng mức tới việc đôn đốc thi hành án hành chính.

Về mặt tâm lý, nếu như các Thẩm phán “than phiền” vì phải xử án hành chính thì các Chấp hành viên thi hành án cũng rất ngại, “kêu trời” khi phải thi hành những vụ án hành chính. Bởi vì sự phụ thuộc của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự vào chính quyền địa phương, dẫn đến tình trạng bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có hiệu lực không được thi hành, nhất là trong trường hợp chính quyền địa phương không tự nguyện thi hành án. Hết thời hạn tự nguyện thi hành án, cơ quan thi hành án được quyền cưỡng chế, nhưng cưỡng chế đối với người đứng đầu chính quyền địa phương là Chủ tịch UBND thì Chấp hành viên rất ngại.

- Thứ năm, vấn đề tuyên án của Tòa án

Một số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính chỉ tuyên xử công nhận, hủy bỏ hoặc sửa một phần quyết định của cơ quan hành chính, không tuyên cụ thể quyền và nghĩa vụ về tài sản như quyết định hành chính đã ban hành. Thực tế việc thi hành bản án hành chính (trừ phần tài sản trong bản án quyết định về hành chính của Toà án) chưa giao cho cơ quan nào theo dõi, báo cáo hàng năm, mà thông thường thì cơ quan cấp trên của cơ quan ra quyết định hành chính theo dõi, giám sát việc thi hành án hành chính. Do đó, Tòa án các cấp ít chuyển bản án, quyết định của Toà án hành chính cho cơ quan thi hành án dân sự, do vậy, việc theo dõi, tổng hợp tình hình, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, đúc kết thực tiễn, đánh giá hiệu quả thi hành án, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn, bất cập.

3. Để tăng cường về nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính thì cần những giải pháp, biện pháp phù hợp.

- Về thể chế, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thi hành án hành chính. Do hệ thống quy định pháp luật về thi hành án hành chính còn tản mạn, thiếu cụ thể, không bảo đảm tính hệ thống, thống nhất làm cho hoạt động thi hành án hành chính gặp nhiều vướng mắc, hiệu quả thi hành án hành chính chưa cao. Vì vậy, về lâu dài cần ban hành Bộ luật thi hành án điều chỉnh các lĩnh vực thi hành án, trong đó có thi hành án hành chính. Trong khi chưa xây dựng Bộ luật thi hành án thì xây dựng Luật Thi hành án hành chính. Trước mắt, cần sửa đổi, bổ sung Luật tố tụng hành chính quy định chi tiết, cụ thể hơn về thi hành án hành chính.

- Về cơ chế thi hành án hành chính, đổi mới cơ chế thi hành án hành chính. Bỏ cơ chế đôn đốc hay nói đúng hơn là nâng tầm “đôn đốc thi hành án hành chính” thay thế vào đó là cơ chế chủ động thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Nghĩa là, sau khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành thì cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án, không cần có đơn yêu cầu đôn đốc thi hành án hành chính.

Trình tự, thủ tục thi hành án hành chính phải được cụ thể, do rõ, thể hiện quyền lực tư pháp nhiều hơn. Theo đó, quy định áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với cả cơ quan nhà nước, cán bộ công chức bị kiện trong trường hợp không chấp hành hoặc không chấp hành đúng bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, kể cả đối với nghĩa vụ không phải là tiền, tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.

- Về quyền hạn, nhiệm vụ của Tòa án trong thi hành án hành chính, tăng cường quyền hạn, nhiệm vụ của Tòa án trong thi hành án hành chính. Nên chăng trao quyền cho Tòa án ra quyết định thi hành án hành chính, Tòa án ra quyết định cưỡng chế thi hành án hành chính, tính đến thành lập Tòa Thi hành án, Thẩm phán thi hành án để đảm bảo việc thi hành án hành chính khách quan, hiệu quả hơn, thực hiện tốt hơn quyền tư pháp trong thi hành án hành chính.

Kinh nghiệm của một số nước, như: Tại Trung Quốc, cơ quan thi hành bản án hành chính là Tòa án. Tại Indonexia, Luật đặt ra chế tài đối với người ra quyết định hành chính không tuân thủ phán quyết của Tòa án hành chính gồm phạt tiền hoặc xử lý hành chính; nếu sau 90 ngày làm việc mà bản án của Tòa vẫn không được thi hành thì nguyên đơn có thể đề nghị Tòa ra lệnh buộc công chức thi hành bản án, nếu bản án tiếp tục không được thi hành thì công chức có thể bị phạt tiền và nêu tên trên phương tiện thông tin truyền thông[4].

- Về xét xử và thực hiện hoạt động thi hành án hành chính, Tòa án có thẩm quyền xét xử khi giải quyết vụ án hành chính cần tuyên án cụ thể, rõ ràng, đúng pháp luật. Các cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi hành án hành chính áp đụng đúng trình tự, thủ tục thi hành án do pháp luật quy định, hạn chế tối đa sai sót, vi phạm trong quá trình thi hành án hành chính.

- Về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác thi hành án hành chính, tăng cường và tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác thi hành án hành chính. Thi hành án hành chính là lĩnh vực phức tạp, đặc thù của thi hành án hành chính có bên phải thi hành án là cơ quan nhà nước, như: UBND hoặc cơ quan nhà nước khác, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước. Do đó, nếu có sự tham gia vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị thì hoạt động thi hành án hành chính đạt hiệu quả hơn.

 - Về kiểm tra, kiểm sát, giám sát công tác thi hành án hành chính, tăng cường và thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm sát, giám sát công tác thi hành án hành chính, trong đó đề cao vai trò giám sát của Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Có biện pháp xử lý phù hợp đối với những trường hợp cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong các cơ quan hành chính vì lợi ích cục bộ không thực hiện nghiêm bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Quy định hình thức cao hơn về xử phạt vi phạm hành chính trong công tác thi hành án hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự không loại trừ đối với người đại diện của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức bị kiện đối với các hành vi không chấp hành án theo bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.

- Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành án hành chính và xử lý vi phạm trong thi hành án hành chính, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Tố tụng hành chính về công tác thi hành án hành chính. Tăng cường công tác giáo dục, vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Cơ quan, cán bộ thi hành án cần phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác này để người phải thi hành thông suốt về tư tưởng, tự nguyện và hợp tác trong việc thi hành nghĩa vụ của mình đối với bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Bên cạnh đó, để người dân có thái độ hợp tác, các cơ quan hữu quan cũng cần đưa ra những biện pháp, phương án hỗ trợ cuộc sống bình thường cho người phải thi hành án sau khi thi hành án hành chính, như: tạo điều kiện về chỗ ở tạm thời sau khi bị thu hồi nhà, đất, bị cưỡng chế thi hành án hành chính.

Hà Minh Tuấn



[1]. Vụ Nghiệp vụ 2, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, Báo cáo số 202/BC-NV2 ngày 27/10/2014, tr2.

[2]. Bài học về công tác thi hành án dân sự sau vụ ông Đoàn Văn Vươn. http://moj.gov.vn/TongCucThiHanhAn/News/Lists/ThongTinChung/View_Detail.aspx?ItemID=123

[3]. Nguyễn Văn Vạn, Luận văn Thạc sỹ quản lý hành chính công, năm 2013

[4] Diễn đàn đối tác pháp luật năm 2012: “Tăng cường cải cách tư pháp và pháp luật Việt Nam”, tr 383 -384.