1. Sửa đổi Luật Thi hành án dân sự
Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2008 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009. Hơn 4 năm thực hiện đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc, bất cập nên vừa qua Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự. Trải qua năm (05) lần dự thảo, tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 vừa qua vẫn còn một số quan điểm khác nhau về việc giữ quy định về hai cơ chế ra quyết định thi hành án chủ động và theo đơn yêu cầu như hiện hành hay là bỏ quy định về việc đương sự phải làm đơn yêu cầu thi hành án?. Vấn đề này giữ quy định về hai cơ chế ra quyết định thi hành án chủ động và theo đơn yêu cầu thi hành án là phù hợp: nếu bỏ qui định đương sự phải làm đơn yêu cầu thi hành án, thì có nghĩa là các Cơ quan Thi hành án dân sự phải chủ động ra quyết định thi hành án đối với tất cả các khoản theo quyết định của Bản án, Quyết định của Tòa án. Việc ra quyết định thi hành án như nói trên tạo ra số lượng án tăng cao mà không phù hợp với thực tế, dẫn đến lượng án tồn đọng nhiều, kéo dài vì sẽ có nhiều trường hợp không thể thi hành được. Ví dụ: người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án, nhưng Cơ quan Thi hành án không trả đơn được hoặc trường hợp sau khi xét xử, người được thi hành án không yêu cầu thi hành án, vì cho rằng việc khởi kiện của họ không phải vì tiền mà vì danh dự, sau khi thắng kiện họ đã thỏa mãn và không yêu cầu thực hiện bất cứ quyền lợi gì và họ cũng không hợp tác với cơ quan thi hành án để giải quyết vụ việc…..Vể phía cơ quan Thi hành án dân sự thì phải theo dõi các quyết định, phần quyết định đã ban hành, tạo thêm gánh nặng không cần thiết cho cơ quan Thi hành án dân sự.
2. Sửa đổi Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án năm 2009
Nên bỏ quy định về tiền án phí hình sự
Thứ nhất, án phí hình sự là bất hợp lý, là không phù hợp, không mang lại hiệu quả thiết thực, vì xác định tội phạm là trách nhiệm của Nhà nước. Mặt khác, với 200.000 đồng đối với một bị cáo thì liệu số tiền trên có bù đắp được chi phí của Nhà nước đã bỏ ra cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hay không?. Thậm chí có nhiều trường hợp để thu được 200.000 đồng án phí cho Ngân sách nhà nước thì Nhà ước lại phải bỏ ra số tiền lớn hơn nhiều lần cho cán bộ thi hành án về chi phí đi lại công tác để giải quyết việc thi hành án.
Thứ hai, theo báo cáo của các Cơ quan Thi hành án dân sự, số việc tồn đọng hiện nay về khoản án phí hình sự thu cho ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ nhiều. Thực tế số tiền án phí hình sự là rất ít, cưỡng chế thi hành án lại không đáng. Vì vậy, các cơ quan thi hành án đành phải tuân thủ theo quy định, thụ lý rồi tiến hành xác minh một năm hai lần để rồi khi đủ thời gian quy định là đề nghị cơ quan có thẩm quyền xét miễn, giảm. Có trường hợp cán bộ thi hành án đã bỏ tiền túi nộp thay cho bị cáo để hoàn thành chỉ tiêu…
Thứ ba, bỏ án phí hình sự, tức là bỏ một khoản thu rất nhỏ có thể thu được cho Nhà nước nhưng lại giảm đáng kể lượng việc phải giải quyết, lượng việc tồn đọng kéo dài mà nếu như để giải quyết được số lượng công việc trên có thể Nhà nước phải bỏ ra số tiền lớn hơn số tiền thu được từ án phí hình sự.
3. Sửa đổi Bộ luật Hình sự
Nên quy định cụ thể đối với các trường hợp phạt tiền
Theo quy định tại Điều 30 Bộ luật hình sự quy định: “Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính và một số tội phạm khác và được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm các tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật hình sự quy định.
Tuy nhiên, trong thực tiễn nhiều trường hợp Tòa án áp dụng hình phạt tiền không khả thi, không mang lại hiệu quả gây lãnh phí về thời gian, tốn kém chi phí để thi hành bản án nhưng cuối cùng không thể thi hành được, gây ra lượng án tồn đọng kéo dài nhiều năm cao, gây áp lực cho các Cơ quan thi hành án dân sự. Chẳng hạn như: hình phạt tiền đối với tội phạm ma túy.…. nhiều trường hợp Tòa án đã tuyên phạt hình phạt bổ sung số tiền rất lớn và hình phạt chính là án tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình nhưng bị cáo không có tài sản để thi hành. Trường hợp này để thu được số tiền của người phải thi hành án hầu như là không thể vì bản thân họ thì đang phải chấp hành án tù, có trường hợp sau đó bị thi hành án tử hình, tài sản thì không có. Như vậy, để giải quyết xong được vụ việc này cơ quan Thi hành án dân sự duy nhất chỉ có cách, xác minh rồi chờ để xét miễn, giảm; theo quy định hiện hành của Luật Thi hành án dân sự thì điều kiện để xét miễn, giảm có thời gian ít nhất là 05 năm hoặc 10 năm tùy vào trường hợp. Nhưng đáng bàn là những vụ việc như thế này sẽ tồn đọng lại đó 5 năm hoặc 10 năm, nhưng rồi cuối cùng cũng phải xét miễn, giảm mà không thu được một kết quả nào; ngược lại trong thời gian đó cơ quan thi hành án phải tốn bao thời gian thống kê, theo dõi, chi phí xác minh, giấy mực….để làm thủ tục xét miễn giảm.
Từ những cơ sở trên, cần có quy định cụ thể về trường hợp nào thì áp dụng hình phạt tiền, trường hợp nào thì không áp dụng hình phạt tiền. Có thể, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với các tội phạm có hình phạt tiền thì cần phải làm rõ khả năng về tiền, tài sản của bị can, bị cáo để áp dụng hình phạt, vấn đề này liên quan nhiều đến quá trình điểu tra nên cần thiết phải sửa đổi cả Bộ Luật tố tụng hình sự.
4. Sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự
Thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra và Điều tra viên
Trong thực tiễn hầu hết các vụ án hình sự hiện nay, trong quá trình điều tra các Cơ quan Cảnh sát điều tra chỉ điều tra những vấn đề liên quan đến tội phạm để có căn cứ kết tội bị can, khi có đủ căn cứ để kết tội thì các cơ quan tố tụng sẽ buộc tội và áp dụng các hình phạt đối với bị cáo mà không quan tâm đến vấn đề hình phạt đó có thể thi hành được trên thực tế hay không?. Hiện nay, theo báo cáo thống kê hàng năm của các Cơ quan thi hành án dân sự thì số việc và số tiền về khoản tiền phạt tồn đọng kéo dài rất nhiều mà không thể thi hành được. Do sau khi xét xử các bị cáo chấp hành án phạt tù hoặc tử hình mà không có tài sản để thi hành án như tôi đã phân tích ở phần trên.
Vì vậy, ngay từ giai đoạn điều tra để khởi tố vụ án, đối với các vụ án có hình phạt tiền thì Cơ quan Cảnh sát điều tra, Điều tra viên có trách nhiệm làm rõ về tình hình tiền, tài sản của bị can để Tòa án khi xét xử căn cứ vào kết quả điều tra để quyết định có áp dụng hình phạt tiền hay không? Nếu trường hợp bị cáo không có tiền, tài sản, không có khả năng để thi hành hình phạt này thi không áp dụng. Nếu bị cáo có tiền, tài sản ở một mức độ nhất định thì cũng chỉ áp dụng hình phạt tiền trong phạm vi mà bị cáo có khả năng thi hành. Từ đó cần có các quy định trách nhiệm của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Điều tra viên về việc điều tra các thông tin về tiền tài sản của các bị can khi phạm các tội có hình phạt tiền trong Bố luật tố tụng hình sự để khi Tòa án xét xử những bản án có áp dụng hình tiền có hiệu lực thi hành trên thực tế.
Từ đó theo tôi nhận thấy, muốn giảm được lượng án tồn đọng kéo dài hàng năm, cần sửa đổi đồng bộ các Văn bản quy phạm pháp luật như trên./.
Nguyễn Đức Hiếu - Cục THADS tỉnh Hà Tĩnh