Một số vướng mắc của Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản qua thực tiễn thi hành

04/11/2014
 

1. Về quy định tại điểm b khoản 8 Điều 3 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP:

Khoản 7, Khoản 8 Điều 3 Nghị định Nghị định số 157/2013/NĐ-CP quy định: “7. Phương tiện bị người vi phạm hành chính chiếm đoạt trái phép là trường hợp phương tiện của chủ sở hữu hợp pháp bị người có hành vi vi phạm hành chính trộm cắp, cướp, cưỡng đoạt, lợi dụng chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản để công khai chiếm đoạt (công nhiên chiếm đoạt) hoặc các hành vi trái pháp luật khác tước đoạt quyền chiếm hữu, quản lý, sử dụng của chủ sở hữu hợp pháp phương tiện đó.

8. Phương tiện bị người vi phạm sử dụng trái phép thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Chủ sở hữu hợp pháp của phương tiện cho người khác thuê, mượn hoặc thuê người khác điều khiển phương tiện đó để sử dụng vào mục đích chính đáng, nhưng người được thuê, được mượn phương tiện hoặc người được thuê điều khiển phương tiện đó đã tự ý sử dụng phương tiện để vi phạm hành chính.

b) Chủ sở hữu hợp pháp đối với phương tiện của mình hoặc người quản lý hợp pháp đối với phương tiện thuê của chủ sở hữu hợp pháp giao cho người lao động của mình quản lý, điều khiển, sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh hợp pháp, nhưng người lao động đã tự ý sử dụng các phương tiện đó để vi phạm hành chính.

Việc cho thuê, cho mượn hoặc thuê người điều khiển phương tiện phải đuợc giao kết bằng văn bản giữa chủ sở hữu hợp pháp và người được thuê, được mượn theo quy định của pháp luật trước khi hành vi vi phạm xảy ra. Bản giao kết phải ghi rõ mục đích, nội dung sử dụng phương tiện cho thuê, cho mượn hoặc thuê người điều khiển. Đối với cá nhân cho thuê, cho mượn hoặc thuê người điều khiển phương tiện thì Bản giao kết phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã; trong thời hạn 48 giờ kể từ khi phương tiện bị tạm giữ, người có hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật phải xuất trình văn bản giao kết đó cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc”.

Như vậy, căn cứ nội dung quy định trên đây thì, trong thời hạn 48 giờ kể từ khi phương tiện bị tạm giữ mà người có hành vi vận chuyển lâm sản trái phép không xuất trình bản giao kết thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm không được phạt chủ sở hữu phương tiện. Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm chỉ phạt chủ sở hữu phương tiện khi đã hết thời hạn 48 giờ kể từ khi phương tiện bị tạm giữ mà đối tượng vi phạm không xuất trình văn bản giao kết cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc.

Trong trường hợp văn bản giao kết được xuất trình cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc trong thời hạn quy định nhưng văn bản này lại không có xác nhận của chính quyền địa phương thì về nguyên tắc theo quy định tại điểm b khoản 8 Điều 3 và khoản 15 Điều 22 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP, chủ sở hữu phương tiện vẫn bị xử phạt như quy định đối với người có hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật quy định tại Điều 22 Nghị định này.

Điều 22 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP quy định về vận chuyển lâm sản trái pháp luật: ‘Người có hành vi vận chuyển lâm sản (bao gồm từ thời điểm tập kết lâm sản để xếp lên phương tiện vận chuyển hoặc đã xếp lên phương tiện vận chuyển) không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng hồ sơ không phù hợp với lâm sản thực tế vận chuyển; gỗ không có dấu búa kiểm lâm theo quy định của pháp luật, bị xử phạt như sau:

15. Chủ sở hữu phương tiện bị xử phạt như quy định đối với người có hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật quy định tại Điều này (trừ trường hợp phương tiện đó bị chiếm đoạt hoặc bị sử dụng trái phép quy định tại Khoản 7, Khoản 8 Điều 3 Nghị định này)”.

Tuy nhiên, trên thực tế việc quy định các hợp đồng thuê xe hay các bản giao kết về việc thuê, mượn phương tiện vận chuyển thường phải có xác nhận của UBND cấp xã là chưa hợp lý, chưa thật sự phù hợp với tình hình thực tiễn. Các hợp đồng thuê xe hay các bản giao kết về việc thuê, mượn phương tiện vận chuyển là các giao dịch dân sự thông thường, không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định UBND cấp xã có trách nhiệm xác nhận các loại hợp đồng này. Do đó, trên thực tế, UBND cấp xã thường không xác nhận vào các hợp đồng thuê mượn phương tiện vận chuyển. Chính vì vậy, quy định tại điểm b khoản 8 Điều 3 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP cần được tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, để sửa đổi quy định này theo hướng phù hợp với thực tiễn hơn.

2. Về tịch thu tang vật, phương tiện VPHC:

Khoản 11 Điều 22 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP quy định “11. Hình thức xử phạt bổ sung

a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8, Khoản 9, Khoản 10 Điều này (trừ trường hợp gỗ có hồ sơ và nguồn gốc hợp pháp nhưng khối lượng gỗ thực tế vượt quá sai số cho phép theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

b) Tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8, Khoản 9, Khoản 10 Điều này (trừ trường hợp quy định tại Khoản 7, Khoản 8 Điều 3 Nghị định này), thuộc một trong các trường hợp sau:

….”.

Theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP thì phương tiện không bị tịch thu khi vận chuyển lâm sản thuộc trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 126 Luật XLVPHC quy định “… Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để VPHC thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước”.

Như vậy, trong trường hợp một người thuê xe ô tô (có hợp đồng thuê xe theo quy định) vận chuyển 2m3 gỗ thông thường, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, ngoài bị phạt tiền, tịch thu lâm sản thì vẫn phải nộp số tiền tương đương với trị giá của phương tiện VPHC. Tuy nhiên, trong mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC có thiếu sót tại chú giải mục 7,11  khi chưa quy định rõ hình thức xử phạt bổ sung là phạt tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện VPHC do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để VPHC. Cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu sửa đổi đối với mẫu này.   

3. Về quy định tại Điều 21, 22, 23 của Nghị định số 157/2013/NĐ-CP với quy định của Nghị định số 32/2006/NĐ-CP và Nghị định số 160/2013/NĐ-CP

Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định số 157/2013/NĐ-CP thì hành vi VPHC quy định tại các điều 21, 22, 23 của Nghị định này đối với động vật rừng nhóm IB trong trường hợp vượt quá mức XPVPHC sẽ bị xem xét xử lý hình sự. Quy định này không trái với quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủquy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/ 2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Bởi vì, trước hết, hành vi VPHC quy định tại Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP đối với động vật rừng nhóm IB thuộc Danh mục loài “nguy cấp quý hiếm” (quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP); còn việc truy cứu TNHS (theo quy định tại Điều 190 BLHS 2009) áp dụng đối với hành vi phạm tội liên quan đến động vật rừng nhóm IB thuộc Danh mục loại “nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” (quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP). Trường hợp một loài động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quy hiếm theo quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, đồng thời cũng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP thì áp dụng chế độ quản lý theo quy định tại khoản 3 Điều 19 của tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP (phải xác định đó là loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiền bảo vệ), theo đó hành vi sẽ bị truy cứu TNHS theo Điều 190 BLHS 2009.

Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết,  do cách quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định số 157/2013/NĐ-CP nên nội dung của các quy định này không rõ ràng, gây ra khó khăn cho người có thẩm quyền trong việc áp dụng pháp luật. Cụ thể, khoản 2 Điều 7 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP có quy định “Những hành vi vi phạm sau đây (trừ hành vi nuôi động vật rằng nhóm IB) được xem xét để truy cứu TNHS”, bao gồm các hành vi vi phạm gây hậu quả mà tang vật là động vật rừng nhóm IB vượt quá mức XPVPHC tối đa quy định  tại Điều 21, Điều 22, Điều 23 của Nghị định số 157/2013/NĐ-CP. Cách quy định này dẫn đến cách hiểu là có thể truy cứu TNHS đối với cả các hành vi vi phạm liên quan đến các động vật rừng nhóm IB vượt quá mức  XPVPHC quy định tại các điều nói trên, kể cả các loài đó chỉ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm. Và ngược lại, sẽ không truy cứu TNHS  các hành vi vi phạm liên quan đến các động vật rừng nhóm IB dưới mức XPVPHC quy định tại các điều nói trên, dù các động vật đó thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP và Điều 190 BLHS 2009.

Ngoài ra, quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định số 157/2013/NĐ-CP: được xem xét để truy cứu TNHS đối với “hành vi vi phạm gây hậu quả mà tang vật là động vật rừng nhóm IB vượt quá mức XPVPHC tối đa quy định tại các điều 21, 22 và 23” cũng không phù hợp với Điều 190 BLHS trong trường hợp tang vật vi phạm là động vật rừng nhóm IB thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Theo quy định tại Điều 190 BLHS 2009 thì chỉ cần có hành vi “săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt... thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ...” mà không cần có hậu quả xảy ra thì cũng có thể truy cứu TNHS. Như vậy, nội dung quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định số 157/2013/NĐ-CP là chưa rõ ràng nên chưa thực sự bảo đảm sự phù hợp với Điều 190 của BLHS  2009.

Chu Hoa – Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật