Sự ra đời và tồn tại của hai Luật đã đáp ứng yêu cầu xây dựng pháp luật trong giai đoạn chuyển đổi cơ chế, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành ở trung ương và địa phương về ý nghĩa, vai trò của công tác xây dựng pháp luật, coi đầu tư cho xây dựng pháp luật là đầu tư cho phát triển vì chất lượng của văn bản pháp luật có ảnh hưởng quyết định đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế, của từng doanh nghiệp và là điều kiện tiên quyết để phát huy có hiệu quả lợi thế quốc gia, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người dân. Cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân cũng ngày càng nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của pháp luật đối với sự phát triển chung của đất nước và của mỗi thành viên trong xã hội, do đó ngày càng quan tâm và đòi hỏi cao hơn đối với hoạt động xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta có thể nhận thấy, hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn còn quá phức tạp, cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn, gây khó khăn cho việc áp dụng và làm tăng gánh nặng chi phí tuân thủ. Một trong những nguyên nhân làm cho hệ thống pháp luật cồng kềnh là do hai Luật hiện hành giao cho nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản với quá nhiều hình thức văn bản. Theo quy định của hai Luật hiện hành thì có 22 chủ thể được ban hành văn bản quy phạm pháp luật với 29 loại văn bản khác nhau, gắn với từng chủ thể, cụ thể như sau:
- 22 chủ thể được ban hành văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: (1) Quốc hội; (2) Ủy ban thường vụ Quốc hội; (3) Chủ tịch nước; (4) Chính phủ; (5) Thủ tướng Chính phủ; (6) Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; (7) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; (8) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; (9) Bộ trưởng; (10) Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; (11) Tổng kiểm toán nhà nước; (12) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; (13) Hội đồng nhân dân cấp huyện; (14) Hội đồng nhân dân cấp xã; (15) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; (16) Ủy ban nhân dân cấp huyện; (17) Ủy ban nhân dân cấp xã; (18) Ủy ban thường vụ Quốc hội và tổ chức chính trị - xã hội; (19) Chính phủ và tổ chức chính trị - xã hội; (20) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; (21) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; (22) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
- 29 loại văn bản bao gồm: Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thông tư của Bộ trưởng, thông tư của Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, quyết định của Tổng kiểm toán nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chỉ thị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, chỉ thị của Ủy ban nhân dân cấp huyện, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã, chỉ thị của Ủy ban nhân dân cấp xã, nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với tổ chức chính trị - xã hội, nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với tổ chức chính trị - xã hội, thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
29 loại văn bản này được thể hiện dưới 11 hình thức: Hiến pháp, luật, nghị quyết, pháp lệnh, lệnh, quyết định, nghị định, thông tư, chỉ thị, nghị quyết liên tịch, thông tư liên tịch. Đặc biệt, trong số 22 chủ thể này, có những chủ thể được ban hành nhiều loại văn bản khác nhau, chẳng hạn như Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban nhân dân.
Với bối cảnh hiện nay, khi nước ta đang bước sang năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI với ba đột phá chiến lược và chủ trương lớn là chuyển từ xây dựng thể chế sang hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật thì việc đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là hết sức cần thiết và dần trở thành nhu cầu tất yếu, khách quan. Đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật sẽ góp phần làm cho hệ thống pháp luật đơn giản, dễ tiếp cận, dễ tuân thủ và chi phí tuân thủ thấp. Đây là nhiệm vụ cần thiết đặt ra cho các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xây dựng, ban hành dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Năm 2008, khi sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được đơn giản hóa một bước, đó là bỏ hình thức nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
Hiện nay, khi xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới trên cơ sở hợp nhất Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004, vấn đề đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được đặt ra, đòi hỏi phải nghiên cứu, giải quyết một cách toàn diện hơn để Luật mới thực sự đáp ứng được đòi hỏi của thực tế. Theo đó, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới cần đơn giản hóa mạnh mẽ hơn cả về hình thức và thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc đơn giản hóa, vấn đề đầu tiên mà Luật mới cần giải quyết là làm rõ khái niệm quy phạm pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật. Khái niệm quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật kết hợp với quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể được quy định trong Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy sẽ làm căn cứ để xác định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các chủ thể. Theo đó, nội hàm của khái niệm quy phạm pháp luật có thể được xác định bởi một số yếu tố cụ thể như: là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với mọi đối tượng hoặc một nhóm đối tượng trong phạm vi cả nước hoặc địa giới hành chính nhất định, do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đặt ra hoặc thừa nhận và được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Còn văn bản quy phạm pháp luật là văn bản chứa quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, Luật mới cần quy định cụ thể để loại trừ các văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật, chẳng hạn như văn bản ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản không chứa quy phạm pháp luật, văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng chỉ áp dụng trong nội bộ một cơ quan, ngành, văn bản hành chính.
Từ khái niệm quy phạm pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật, có thể nghiên cứu để đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong Luật mới theo hướng đơn giản hóa cả về hình thức và thẩm quyền ban hành.
Về hình thức văn bản quy phạm pháp luật, Luật mới cần giảm tối đa các hình thức văn bản quy phạm pháp luật để mỗi chủ thể chỉ ban hành một hình thức văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, có thể nghiên cứu để bỏ hình thức nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh của Chủ tịch nước, chỉ thị của Ủy ban nhân dân. Đối với các hình thức văn bản này, các chủ thể vẫn ban hành theo quy trình thông thường và các văn bản này vẫn có hiệu lực thi hành, nhưng không chứa quy phạm pháp luật. Đồng thời, có thể xem xét để bỏ tất cả các hình thức văn bản liên tịch giữa các cơ quan, tổ chức. Lý do là Hiến pháp 2013 không quy định về hình thức văn bản liên tịch giữa các cơ quan, tổ chức. Việc quy định hình thức văn bản quy phạm pháp luật liên tịch là chưa phù hợp với nguyên tắc trong Hiến pháp (Điều 2) về phân công rành mạch nhiệm vụ giữa các cơ quan nhà nước.
Việc Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và một số bộ đã từng phối hợp ban hành một số thông tư liên tịch là cần thiết do trước đây pháp luật về tố tụng như Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự … chưa đầy đủ. Tuy nhiên, để cụ thể hóa yêu cầu của Hiến pháp về bảo vệ và bảo đảm nghiêm quyền con người, quyền công dân trong các hoạt động tố tụng “theo trình tự luật định” và “trong thời hạn luật định” (Điều 32 Hiến pháp) phù hợp với các nguyên tắc hiến định về thực hiện quyền tư pháp thì cần chấm dứt việc ban hành các thông tư liên tịch đồng thời tập trung hoàn thiện các luật về tố tụng như Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính …Việc hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử sẽ được ban hành bằng hình thức Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Việc tiếp tục duy trì hình thức thông tư liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ cũng không còn phù hợp vì sẽ làm giảm thẩm quyền, cũng như trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực được phân công của từng Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là một ‘tư lệnh ngành” (Điều 99 Hiến pháp). Thay vào đó, căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ sẽ ban hành thông tư và kiểm tra việc thi hành các thông tư đó trong phạm vi cả nước theo đúng tinh thần của Hiến pháp (Điều 100). Đối với những vấn đề phát sinh liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ, nếu có, thì Chính phủ ban hành nghị định để điều chỉnh.
Luật mới cũng không nên tiếp tục quy định hình thức nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội. Điều này là phù hợp với quy định của Hiến pháp về chức năng của các tổ chức chính trị- xã hội là đại điện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, của các thành viên, hội viên, thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Vì vậy, dự thảo Luật tập trung vào hoàn thiện các quy định về sự tham gia, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đối với hoạt động xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật mới cần xem xét, bỏ quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước. Điều này là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc hiến định về phân công thực hiện quyền lực nhà nước (Tòa án nhân dân - cơ quan xét xử, Viện kiểm sát nhân dân - cơ quan thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và Kiểm toán nhà nước đều là các cơ quan áp dụng pháp luật, không phải là cơ quan hoạch định chính sách). Các chủ thể này, khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có thể ban hành văn bản điều hành có chứa quy phạm pháp luật nhưng chỉ để áp dụng trong nội bộ ngành mình, do vậy, theo khái niệm quy phạm pháp luật như đã nêu ở trên, đó không phải là văn bản quy phạm pháp luật.
Dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang trong quá trình soạn thảo, dự kiến sẽ trình Chính phủ cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề tháng 7/2014 về công tác xây dựng pháp luật. Tại Kỳ họp thứ 8 tới đây, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật này. Việc ban hành Luật này được đánh giá là sẽ tạo một khuôn khổ pháp lý chung, thống nhất với nhiều đột phá về xây dựng và hoàn thiện pháp luật, gắn kết với tổ chức thi hành pháp luật nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng.