Không đăng ký, vẫn đảm bảo quyền lợi

25/05/2006
Quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được đảm bảo theo nguyên tắc đúng luật định và phù hợp với những cam kết mới nhất của Việt Nam trong tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho dù nhà đầu tư có quyết định đăng ký lại hay không.

Doanh nghiệp FDI: Đăng ký lại hay thôi?

Đó là thông điệp của Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định quy định về việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hợp đồng hợp tác kinh doanh đăng ký lại theo Luật Doanh nghiệpLuật Đầu tư.

Với tuyên bố này, e ngại lớn nhất về sự xáo trộn trong hoạt động, mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài luôn buộc phải đặt ra khi có bất cứ sự thay đổi nào về chính sách, đã thực sự được giải tỏa.

Ngay cả với những chính sách ưu đãi thuộc diện “hộp đỏ”, nghĩa là buộc phải bãi bỏ ngay khi Việt Nam gia nhập WTO, cũng đã có những phương án thay thế, sao cho quyền lợi của nhà đầu tư, được ghi trong giấy phép đầu tư cấp trước ngày 1/7/2006, không bị ảnh hưởng nhiều.

Thực ra, vấn đề lớn nhất được đặt ra ngay sau khi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp được thông qua chính là khung pháp lý điều chỉnh các doanh nghiệp lựa chọn quyền không đăng ký lại theo quy định của các luật này.

Lý do là, việc giữ nguyên hiệu lực của những giấy phép đầu tư đã cấp, điều lệ, hợp đồng đã ký trong trường hợp doanh nghiệp không đăng ký lại có thể sẽ có “vấn đề”, bởi cơ sở pháp lý của những văn bản này, là Luật Đầu tư nước ngoài, lại hết hiệu lực sau thời điểm 1/7/2006.

Chính vì vậy, rất nhiều ý kiến từ các nhà đầu tư nước ngoài đề nghị làm rõ nội dung này, thậm chí là cần phải có một phụ lục kèm theo nghị định này, quy định lại tất cả những nội dung liên quan đến Luật đầu tư nước ngoài để đảm bảo hiệu lực pháp lý cho các văn bản trên, cũng như để xử lý những phát sinh liên quan đến việc điều chỉnh giấy phép đầu tư, điều chỉnh điều lệ, hợp đồng của các doanh nghiệp không đăng ký lại.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thành viên Ban soạn thảo cho rằng, phụ lục đi kèm để nhắc lại những nội dung này là không cần thiết và không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

“Để xử lý các vấn đề này, Dự thảo Nghị định đã có hướng dẫn cụ thể về hiệu lực của giấy phép đầu tư đã cấp, hợp đồng và điều lệ doanh nghiệp đã ký, cũng như quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp khi quyết định giữ nguyên bộ máy tổ chức theo điều lệ, hoặc thay đổi theo quy định của Luật doanh nghiệp...”, ông Tuấn nói.

Như vậy, cũng như các doanh nghiệp sẽ thực hiện đăng ký lại, theo quy định của Dự thảo Nghị định này, các doanh nghiệp không đăng ký lại cũng được quyền giữ nguyên tên gọi, con dấu, tài khoản, mã số thuế... và các ưu đãi đầu tư mới theo quy định của pháp luật, bên cạnh những ưu đãi không vi phạm các quy định của WTO được ghi trong giấy phép đầu tư.

Tuy nhiên, với những thủ tục về đăng ký lại trong Dự thảo được quy định rất rõ, đơn giản hơn nhiều so với các thủ tục đăng ký mới, các chuyên gia Ban soạn thảo đều kỳ vọng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ lựa chọn hình thức đăng ký lại, để đảm bảo sự thống nhất trong cơ sở pháp lý, cũng như thuận lợi trong mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Đăng ký lại hay không là quyền lựa chọn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một vấn đề nổi lên là việc điều chỉnh giấy phép đầu tư với các doanh nghiệp này sẽ thực hiện như thế nào khi căn cứ pháp lý của văn bản này đã hết hiệu lực. Rõ ràng, đây là quyền lợi, là nhu cầu và cũng là những phát sinh trong quá trình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, những đề nghị giới hạn quyền này của các doanh nghiệp không đăng ký lại là không phù hợp với những cam kết của Chính phủ Việt Nam khi cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có quyền lựa chọn đăng ký lại hay không. Ngay cả với đề nghị Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định đối với từng trường hợp cụ thể cũng sẽ tạo nên những phức tạp không đáng có trong môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Liên quan đến nội dung này, Dự thảo Nghị định quy định: các doanh nghiệp không đăng ký lại có quyền điều chỉnh các nội dung của giấy phép đầu tư, trừ các nội dung liên quan đến lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh và thời hạn hoạt động như Luật doanh nghiệp đã quy định.

Thậm chí, theo một nguồn tin, rất có thể các doanh nghiệp còn được phép sáp nhập, hợp nhất, chia tách, chuyển đổi loại hình…, kể cả khi quyết định không đăng ký lại.

Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà nhà đầu tư đã cam kết chuyển giao không bồi hoàn tài sản đã đầu tư cho Chính phủ Việt Nam sau khi kết thúc thời hạn hoạt động, cũng có thể được chấp thuận quyền thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp, kế thừa và tiếp tục thực hiện dự án đầu tư liên quan đến tài sản đã cam kết chuyển giao không bồi hoàn khi đăng ký lại...

Điều kiện quan trọng nhất của đối tượng doanh nghiệp này sau khi đăng ký lại là không được thay đổi nội dung cam kết về chuyển giao không bồi hoàn với dự án đã được cấp Giấy phép đầu tư.

 

(Theo Đầu tư)