Bộ Tài chính vừa trình Quốc hội xem xét Dự thảo Luật Thuế thu nhập. Từ năm 1996 Chính phủ bắt đầu áp dụng thuế thu nhập cao. Giờ đây sau 10 năm thực hiện, Chính phủ tính đến một loại thuế mới, đại trà hơn - thuế thu nhập cá nhân, áp dụng cho bất kỳ công dân nào mỗi tháng thu nhập từ 1 triệu đồng trở lên.
Thuế mới quy định rõ ràng tỷ lệ phải nộp cho từng mức thu nhập: 5% cho thu nhập từ 0 đến 60 triệu đồng một năm; 10% cho thu nhập từ 60 tới 180 triệu đồng; 20% cho 180 - 540 triệu; 30% cho 540 - 1.620 triệu; 35% cho trên 1.620 triệu đồng năm. Thuế có tính tới gia cảnh người nộp để bảo đảm công bằng xã hội.
Một tháng thu nhập 1 triệu đồng phải nộp thuế thì có hợp lẽ, có cơ sở, có công bằng hay không ? Thiết nghĩ chắc phải có thì người ta mới tính đến, mới nghiên cứu và đưa nó ra. 1 triệu đồng là nhiều hay ít và nó có ý nghĩa như thế nào trong ngân sách gia đình ?
Theo quy định mới của Chính phủ trong giai đoạn 2006-2010 những ai thu nhập 1 tháng 200 nghìn đồng (ở vùng sâu, xa) hoặc 260 nghìn đồng (vùng ven đô thị lớn) trở lên được coi là không nghèo. Thu nhập 1 triệu cao hơn chuẩn nghèo khổ tới 4-5 lần thì nộp thuế là có cơ sở. Nếu đặt chuẩn là lương công chức Nhà nước thì 1 triệu cũng gấp tới 3 lần lương tối thiểu nên thuế cũng có cơ sở. Theo chuẩn của Liên hợp quốc những ai mỗi ngày kiếm được 1 USD, tức là 1 tháng 30 USD (khoảng 480 nghìn đồng) trở lên thì được coi là không nghèo khổ. Cứ vậy mà tính thì 1 triệu còn hơn gấp đôi quy định của Liên hợp quốc nên nộp thuế càng có cơ sở...
Cứ theo con số mà suy, mà tính thì mọi chuyện đều có lý, có cơ sở. Nhưng đó là về lý, lý thuyết. Còn cơ sở là cơ sở suy đoán. Và cái sự hợp là hợp với những người ngồi tính trên máy. Còn thực tế cuộc sống ra sao ?
Ai cũng biết “Thuế là nguồn thu chính của ngân sách Nhà nước”. Vì thế nên phải tận thu. Tận thu không có nghĩa là thu lấy được. Còn rất nhiều loại thuế, nguồn thu thuế chưa thu được như luật định. Tận thu là những chỗ đó chứ không phải không thu được chỗ này thì đặt ra thu chỗ khác cho đủ ngân sách.
Ai cũng biết “Nộp thuế là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi công dân”. Nghĩa vụ ai cũng hiểu và ai cũng phải thực hiện; những ai không thực hiện là phạm pháp và do vậy sẽ bị pháp luật trừng trị. Nhưng còn quyền lợi của người nộp thuế được thể hiện ở chỗ nào, được pháp luật bảo vệ ra sao thì ít người biết.
Ban đầu năm 1996, thuế thu nhập cao áp dụng cho những ai mỗi tháng thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên. Sau đó mức tối thiểu được tăng 3 triệu và hiện nay là từ 5 triệu. Nhiều người, nhiều cơ quan đã thực hiện nghĩa vụ này từ năm đó nhưng cho đến nay vẫn không ít người, không ít tập thể chưa từng một lần chấp hành luật này dù thu nhập của họ cao hơn mức tối thiểu rất nhiều. Rất tiếc là cơ quan thuế vụ chưa một lần công bố (hoặc chưa thể công bố vì không nắm được) trong số những người có thu nhập cao có bao nhiêu phần trăm đã thực hiện và bao nhiêu không thực hiện nghĩa vụ này. Theo như chúng tôi được biết hai con số đó là tương đồng, nghĩa là số thực hiện “nghĩa vụ” ngang bằng với số giữ vững “quyền lợi”. Như vậy mỗi tháng Chính phủ thất thu bao nhiêu ? Đó là chỗ hiện đang rất cần tận thu.
Trở lại Dự luật thuế thu nhập đang được thảo luận. Đã luật là phải công bằng, ai cũng phải thực hiện, không như kiểu thuế thu nhập cao hiện nay, nơi nào thật thà, nghiêm túc thì nộp đủ; nơi nào ranh ma, mánh khóe thì trốn được, và không bị luật pháp trừng trị...
Đầu tiên phải có định nghĩa rõ ràng “Thế nào là thu nhập ?”. Trước kia nó đơn thuần là lương; nay lương nói chung đã lùi về thứ yếu. Thậm chí thưởng cũng không quyết định thu nhập. Và thu nhập ở đây áp dụng đối với bất kỳ công dân nào thực tế mỗi tháng kiếm được từng ấy tiền hay chỉ nhằm vào những đối tượng làm công ăn lương giấy trắng mực đen chữ ký rành rành không thể trốn tránh ? Liệu thuế vụ có nắm được tương đối hiện tại có bao nhiêu lao động thu nhập từ một triệu trở lên ? Và tiếp đó, cụ thể Thế nào là thu nhập mỗi tháng 1 triệu, lấy căn cứ nào và làm sao tính được ? Những ai làm công cho Nhà nước, ký sổ đếm tiền chắc biết được. Nhưng cũng chỉ biết được những gì họ ký tại sổ cơ quan, còn những gì làm thêm, làm ngoài, không theo sổ sách nào thì kiểm tra cách nào ? Một công chức mỗi tháng chính thức ký sổ tại cơ quan tổng cộng không quá 4 triệu chắc chắn không phải nộp thuế thu nhâp cao. Nhưng anh ta làm thêm cho cơ quan khác theo hợp đồng; anh ta làm thêm ở nhà... nên thực tế mỗi tháng anh ta bỏ túi không dưới 10 triệu đồng. Số chênh lệch đó không tính được vì không sổ sách nên không bị đánh thuế. Mới chỉ có thu nhập cao đã lằng nhằng, rắc rối như vậy thì đại trà thu nhập sẽ tính sao ? Sẽ tính sao với một người hành nghề tự do như xe ôm; như tiểu chủ; như nghệ sĩ nay biểu diễn thêm chỗ này, mai chỗ khác... ?
Có lao động , có thu nhập phải nộp thuế là nghĩa vụ công dân nào cũng phải thực hiện. Khi người ta có sức, có điều kiện, có việc làm người ta nộp thuế, nhưng khi người ta thất nghiệp, hoặc do hoàn cảnh mà thiếu việc làm, sẽ giải quyết thế nào ? Chúng ta đã có Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chưa ? Đã đã có Quỹ Bảo trợ xã hội để trợ cấp cho những gia đình nghèo, đông con chưa ? Nếu chưa có mà đã thu thuế nghe chừng chưa thể nói là cơ sở xã hội của việc thu thuế thu nhập là vững chắc.
Thu thuế phải bảo đảm công bằng xã hội. Nhưng nếu ngành thuế nắm không vững, không rõ tình hình, hoàn cảnh thì sẽ dẫn tới bất công lớn: Chỉ những ai mọi thứ đều rõ ràng thì phải nộp thuế; còn ai không thì trốn được. Như vậy sẽ không tránh khỏi tình trạng “Thằng còng làm cho thằng ngay ăn”. Sự bất công đó chế độ ta không chấp nhận.
Dự luật thuế mới có tính đến gia cảnh của người nộp thuế. Điều đó đúng và cần thiết. Nhưng tính bằng cách nào ? Luật chỉ tính đến những gì luật quy định. Trong thực tế có những khoản chi hoàn toàn chẳng theo luật nào, thậm chí còn phạm luật nhưng không thể không chi. Ví dụ, chắc luật chỉ tính cho phụ huynh tiền học phí chính thức theo quy định của Nhà nước, mà số tiền đó chẳng đáng là bao so với những gì phụ huynh cần và phải đóng cho nhà trường - tiền học thêm; tiền vệ sinh trường lớp; tiền tổ chức thi thử; tiền xây dựng trường lớp; tiền bảo vệ... Những loại tiền đó đâu có trong bất kỳ văn bản chính thức nào ? Mà mỗi học sinh tiểu học mỗi tháng mất không dưới 500 nghìn; học sinh trung học phải tốn cả triệu. Tiền đó phụ huynh phải lấy, phải trả từ thu nhập cá nhân, nhưng có được tính đến để chiết trừ khi đóng thuế không ? Chắc là không !
Hiện tại mỗi công dân phải đóng góp không ít. Ngoài những tiền thu gom rác; tiền nước thải... còn phải đóng góp nghĩa vụ như tiền an ninh xã hội; tiền vào quỹ giúp đỡ người nghèo; tiền ủng hộ đồng bào bị thiên tai; tiền đóng vào quỹ các hội, đoàn thể. Rồi những khi Chính phủ huy động vốn cho những công trình lớn lại công trái, trái phiếu... Có thể nói sức dân trong lĩnh vực đóng góp đang được huy động tới mức tối đa, trong khi đó quyền lợi chưa được chú trọng là bao.
Thuế thu nhập cần có và cần thực hiện là điều tất nhiên. Vấn đề đặt ra là cơ sở thực tế, cơ sở xã hội của luật đã đủ vững chắc chưa, đã đủ thực tế chưa và khả năng thực hiện đến đâu ? Và cả thời điểm đã thuận lợi chưa ?
Theo báo chí đưa tin Bộ Tài chính đã quá hy vọng vào nguồn thu thuế từ việc bán ô tô cũ nhập. Con số theo tính toán chắc phải lớn lắm - giá một chiếc xe cũ nhập về, theo quy định, cao gấp 6-7 lần lúc mua ở nước ngoài. Hy vọng là thế nhưng do giá quá cao không ai dám nhập, không ai dám mua nên khả năng thất thu đã sờ sờ trước mắt nên ngay cả Bộ Tài chính cũng đã buộc phải tính phương án điều chỉnh để còn có thể thu được một số nào đó.
Thuế thu nhập mới theo như tính toán hiện tại của những nhà làm luật chắc sẽ không tránh khỏi tình trạng “Đếm cua trong lỗ” như các cụ nói, hay theo ngôn ngữ hiện đại là “Hơi giàu trí tưởng bở”. Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng nói rằng Bộ đưa ra dự thảo, còn quyết định thuộc về nhân dân, cụ thể là còn dựa vào sự góp ý của các đại biểu dân bầu. Đúng là như vậy. Nhưng mỗi dự luật đưa ra sẽ gây chấn động mạnh trong xã hội cho nên không thể cứ đưa ra rồi tùy dư luận quyết định.
Ý chí là cần nhưng nếu không tính đến thực tế sẽ thành duy ý chí.
(Theo Hà nội mới)