Hiện nay, tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng (NTD) đã và đang xảy ra phổ biến “…Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 127 Trung ương, năm 2013, đã phát hiện 32.026 vụ buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại trị giá trên 428 tỷ đồng… Chỉ riêng về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, năm 2013, cả nước có 753.546 cơ sở được thanh kiểm tra, trong đó đã có đến 149.022 cơ sở vi phạm, chuyển cơ quan điều tra xử lý 22.835 cơ sở, cảnh cáo 10.491 cơ sở, phạt tiền 22,723 tỷ đồng. Thêm nữa, thị trường hiện nay vẫn ngày đêm bị xâm hại bởi hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc…”[1].
1. Một số vụ việc xâm phạm quyền của người tiêu dùng, hậu quả để lại
Thời gian qua đã và đang có rất nhiều vụ việc vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng xẩy ra và hậu quả để lại là rất nghiêm trọng. Chúng ta có thể kể đến một số vụ như: Vụ “Vi khuẩn đường ruột trong bánh mì gây ngộ độc gần 200 người”[2]; vụ ngộ độc “Rượu nếp 29 Hà Nội[3]; “Nấm không rõ nguồn gốc tràn lan trong siêu thị” [4]; gần đây nhất là vụ “Phát hiện chất độc trong nữ trang Trung Quốc ở Sài Gòn”[5]… và hiện nay, dù đã được đưa vào danh sách là mặt hàng bình ổn giá, nhưng từ cuối năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 giá sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn tăng liên tục[6]… bất chấp bất khó khăn của người tiêu dùng và các quy định về quản lý giá sữa do Bộ Tài chính ban hành…[7].
Hậu quả để lại: Thực tế vẫn còn có rất nhiều vụ việc khác xâm phạm quyền lợi của NTD đã và đang xẩy ra hàng ngày… nhưng qua một số vụ việc nêu trên cho thấy hậu quả để lại cho NTD và xã hội là không nhỏ, đó là: Nhiều hàng hóa, sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… NTD bị mất tiền oan, quyền lợi, sức khỏe của NTD bị ảnh hưởng, bị xâm hại, thậm trí còn mất cả tính mạng (vụ Rượu nếp 29 Hà Nội)….; tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, “ăn theo thương hiệu”[8] giữa các doanh nghiệp xẩy ra; doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chân chính vẫn thường xuyên bị xâm phạm[9]... Trong khi đó các chế tài xử phạt những hành vi xâm phạm quyền lợi của NTD hầu như chưa phát huy được hết sức mạnh và chưa đầy đủ[10] (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực được gần 03 năm nhưng vẫn chưa được thực thi nghiêm); bên cạnh đó, một phần cũng do NTD đã chủ quan không tự bảo vệ được mình, khi quyền lợi bị xâm phạm cũng không mấy mặn mà với việc khiếu nại, khiếu kiện, không nắm rõ quyền, nghĩa vụ của mình đã được pháp luật ghi nhận và bảo vệ; khi bị xâm phạm cũng không biết kêu với ai? khiếu nại ở đâu?[11] một phần bởi các cơ quan chức năng, Hội bảo vệ NTD cũng chỉ tham gia với vai trò thương lượng khi có đơn khiếu kiện… tất cả dường như bế tắc…[12]. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, chủ quan của NTD, các chế tài xử phạt của pháp luật chưa đủ mạnh, còn thiếu; các cơ quan quản lý nhà nước và thực thi pháp luật còn xử lý chưa nghiêm, chưa dứt điểm, còn đẩy trách nhiệm cho nhau… nên rất nhiều doanh nghiệp làm ăn phi pháp không ngừng lợi dụng những kẽ hở và bất cập đó thực hiện những hành vi bất hợp pháp[13]… xâm hại quyền lợi NTD[14].
2. Người tiêu dùng cần hiểu luật để bảo vệ mình
Trước những vụ việc xâm phạm quyền lợi NTD trong những năm qua, pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD (bảo vệ NTD trong các giao dịch tiêu dùng truyền thống và “Bảo vệ NTD giao dịch tiêu dùng khi tham gia qua mạng điện tử[15]) đã và đang từng bước được hoàn thiện nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của NTD với nguyên tắc: “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội”[16] và chính sách của Nhà nước là: “Tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân chủ động tham gia vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”[17].
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật) năm 2010 và các Nghị định hướng dẫn thi hành ra đời là bước ngoặt lớn để xã hội hóa công tác bảo vệ NTD, là công cụ thực sự mạnh mẽ và cần thiết đối với việc bảo vệ quyền lợi của NTD, tạo tâm lý yên tâm khi trao đổi, mua bán trên thị trường... và bảo vệ các nhà sản xuất kinh doanh chân chính, góp phần vào sự phát triển lành mạnh của thị trường và định hướng phát triển kinh tế của đất nước. Tác giả xin trích dẫn một số quy định cơ bản của Luật mà NTD cần biết để bảo vệ mình, cụ thể:
2.1 Quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng
Quyền và nghĩa vụ của NTD đã được ghi nhận trong Luật, đồng thời đã được niêm yết tại nhiều văn phòng và các Hội bảo vệ người tiêu dùng các tỉnh, thành khác nhau (ngoài Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - VINASTAS, cả nước đã có 45 tỉnh thành có Hội bảo vệ người tiêu dùng)[18]. Theo quy định của Luật thì NTD có các quyền và nghĩa vụ sau:
Thứ nhất, về quyền của người tiêu dùng[19]:
1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
3. Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
Người tiêu dùng cần phải ghi nhớ 8 quyền của mình đã được Luật quy định để tự bảo vệ chính mình - bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp khác…
Ngoài ra, NTD còn được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu[20].
Thứ hai, về nghĩa vụ của ngươi tiêu dùng[21]:
1. Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
2. Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
2.2 Quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng[22]
1. Ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.
2. Niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ.
3. Cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa.
4. Cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hóa.
5. Cung cấp hướng dẫn sử dụng; điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có bảo hành.
6. Thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch.
Ngoài ra, tổ chức cá nhân, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ còn phải: Cung cấp bằng chứng giao dịch[23]; bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện[24]; thu hồi hàng hóa có khuyết tật[25]; bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra[26] và không được vi phạm “các hành vi bị cấm”[27] được quy định trong Luật, cụ thể:
1. … Lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về: a) Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp; b) Uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; c) Nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
2. … quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 02 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng.
3. … ép buộc người tiêu dùng thông qua việc thực hiện một trong các hành vi…: a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của người tiêu dùng; b) Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để ép buộc giao dịch.
4. … thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, đề nghị giao dịch trực tiếp với đối tượng là người không có năng lực hành vi dân sự hoặc người mất năng lực hành vi dân sự.
5. … yêu cầu người tiêu dùng thanh toán hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng.
6. Người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lợi dụng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
7. ... lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng.
8. ... không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.
3.3 Quy định về trách nhiệm của cơ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Luật Bảo vệ quyền lợi của NTD quy định: “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội.”[28], “Cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng[29]. Trên cơ sở đó, Luật cũng quy định: “ Tổ chức xã hội thành lập theo quy định của pháp luật và hoạt động theo điều lệ được tham gia hoạt động bảo vệ người tiêu dùng[30] và được Nhà nước: “Tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân chủ động tham gia vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”[31]. Theo đó:
Khi “…phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng thì người tiêu dùng, tổ chức xã hội có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện nơi thực hiện giao dịch giải quyết”[32], và “…cung cấp thông tin, bằng chứng có liên quan đến hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”[33].
3. Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng năm 2010 cần được hoàn thiện theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013
Qua vụ những việc nêu trên..., cho thấy Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 (Luật) và văn bản luật khác… vẫn chưa được thực thi nghiêm túc, các chế tài xử phạt của pháp luật chưa đủ mạnh, còn thiếu, dường như “...bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa trở thành trách nhiệm chung của cơ quan chức năng và toàn xã hội.”[34], thậm chí còn có quan điểm cho rằng: Nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi NTD là của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các cấp; chưa ý thức được rằng: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính là bảo vệ Nhân dân, bảo vệ con người, từ trẻ em cho đến người già, mọi tầng lớp trong xã hội, đồng thời góp phần bảo vệ các nhà sản xuất kinh doanh chân chính; chưa xem Hội là một tổ chức có nhiệm vụ tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là “cánh tay nối dài“ của cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý và bảo vệ quyền lợi NTD…
Lúc sinh thời Bác Hồ đã từng nói: “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”[35]. Nhà nước đã coi việc: “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội”[36], nhiệm vụ đó đã được ghi nhận và khẳng định hơn nữa tại Chương 2 - Hiến pháp năm 2013 về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Với việc đề cao quyền con người và trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân[37];… Lần đầu tiên hai chữ “Nhân dân” được viết hoa trong Hiến pháp cũng chính là nhằm khẳng định hơn nữa bản chất của “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”[38]. Theo đó: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân[39]; quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia; vì trật tự, an toàn xã hội; vì đạo đức xã hội và vì sức khỏe của cộng đồng [40]; “mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác”[41]; đó là: Quyền được sống, quyền được bảo vệ thân thể, tính mạng , sức khỏe,...[42]. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và của cộng đồng[43]. Khi phát hiện có những việc làm trái luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân… mọi người có quyền khiếu nại tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và có quyền được bồi thường về thiệt hại do hành vi trái luật gây ra … Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận giải quyết khiếu nại, tố cáo…[44].
Ngày 15/3 hàng năm đã được coi là ngày Quốc tế Quyền của người tiêu dùng (ra đời ngày 15/3/1960). Bên cạnh việc hiểu Luật để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng (Nhân dân) và các doanh nghiệp hoạt động chân chính luôn hi vọng, tin tưởng Nhà nước và các cơ quan thực thi pháp luật bằng quyền lực, trách nhiệm của mình và những quy của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và các luật hiện hành khác (Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Sở hữu trí tuệ…) sẽ tìm lại sự công bằng và bảo vệ cho họ không chỉ trong một ngày (15/3), mà trong suốt cả 365 ngày; đồng thời, Quốc hội sẽ căn cứ tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và các luật liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của NTD nói riêng (trong đó có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010), đặc biệt cần quan tâm: “Ưu tiên ban hành các luật về quyền con người, quyền công dân”[45]./.
Việt Tiến
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Hiến pháp năm 2013;
2. Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
3. Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
4. Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động sản xuất hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong đó có các quy định về xử lý hoạt động thương mại điện tử;
5. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Số chuyên đề về Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng - Tháng 1/2014;
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2000.
[1]Xem bài: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Vẫn “múa võ trong chum” –
http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1372&Style=1&ChiTiet=77839
[2]Xem bài: Vi khuẩn đường ruột trong bánh mì gây ngộ độc gần 200 người –
http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/vi-khuan-duong-ruot-trong-banh-mi-gay-ngo-doc-gan-200-nguoi-2803269.html
[3]Xem bài: Vụ ngộ độc “Rượu nếp 29 Hà Nội”: Nỗi ám ảnh về an toàn thực phẩm –
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/643609/vu-ngo-doc-ruou-nep-29-ha-noi-noi-am-anh-ve-an-toan-thuc-pham
[4]Xem bài: Nấm không rõ nguồn gốc tràn lan trong siêu thị và video chi tiết phóng sự do Đài THVN thực hiện về nội dung này –
http://vtv.vn/Thi-truong/Nam-khong-ro-nguon-goc-tran-lan-trong-sieu-thi/102317.vtv
[5]Phát hiện chất độc trong nữ trang Trung Quốc ở Sài Gòn –
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/phat-hien-chat-doc-trong-nu-trang-trung-quoc-o-sai-gon-2964008.html
[6]Xem bài: Giá sữa tăng liên tục – Người tiêu dùng mệt mỏi –
http://www.baoquangngai.vn/channel/2025/201403/gia-sua-lien-tuc-tang-nguoi-tieu-dung-moi-met-2298844/
[7]Xem bài: Không để doanh nghiệp sữa “qua mặt” cơ quan quản lý –
http://www.cand.com.vn/vi-VN/binhluan/2014/3/225418.cand
[8]Xem bài: “Ăn theo” thương hiệu –
http://dddn.com.vn/chuyenmuckhac/an-theo-thuong-hieu-20100112110238100.htm
[9]Thực tế hiện nay vẫn còn có doanh nghiệp đang “ăn theo thương hiệu” và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ Niềm Tin Việt - Nhà sản xuất tấm lợp kim loại cách âm, cách nhiệt, chống dột mang thương hiệu TONMAT (nhãn hiệu hàng hóa TONMAT đã được cơ quan nhà nước bảo hộ) và người tiêu dùng hàng ngày vẫn bị mua sản phẩm “nhái” TONMAT, nhưng vẫn lầm tưởng là sản phẩm của TONMAT...
[10]Chẳng hạn như: Thông tư 30 của Bộ Tài chính về việc quản lý giá sữa và các thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ dưới 6 tuổi có hiệu lực vào ngày 20-11-2013, …yêu cầu doanh nghiệp kê khai giá nhưng lại chưa thể kiểm soát được triệt để giá sữa nhập khẩu hay giá sữa thành phẩm sau sản xuất. Trong khi đó, Thông tư 104 của Bộ Tài chính có quy định sữa trong vòng 15 ngày liên tục không được tăng 20% so với giá hiện tại. Như vậy, các doanh nghiệp có thể lách luật bằng cách để sau 15 ngày mới tăng giá. Thậm chí, hơn 1 tháng có thể tăng giá đến 2 lần mà vẫn không sai luật.
[11]Thống kê mới nhất của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, chỉ có 2,2% người được hỏi có biết về Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
[12]Xem bài: Gian truân đi tìm “công lý” để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng bị xâm phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm - Nguồn: Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bến Tre –
http://congthuongbentre.gov.vn/home/gian-truan-di-tim-cong-ly-de-bao-ve-quyen-va-loi-ich-hop-phap-cua-nguoi-tieu-dung-bi-xam-pham-trong-linh-vuc-an-toan-ve-sinh-thuc-pham
[13]Tràn lan website bán hàng mỹ phẩm giả –
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/667867/tran-lan-website-ban-hang-my-pham-gia-
[14]Xem: Quyền lợi của người tiêu dùng vẫn bị xâm hại –
http://dantri.com.vn/kinh-doanh/quyen-loi-cua-nguoi-tieu-dung-van-bi-xam-hai-594517.htm
[15]Xem bài: “Bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia giao dịch qua mạng điện tử” của tác giả Vũ Hải Việt, đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật - Số chuyên đề - Tháng 1/2014
[16]Khoản 1 Điều 4 - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010
[17]Khoản 1 Điều 5 - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010
[18]Các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương –
http://bvntd.vca.gov.vn/introduction/localOrg.aspx
[19]Điều 8 - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010
[20]Khoản 1, Điều 6 - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010
[21]Điều 9 - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010
[22]Điều 12 - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010
[23]Điều 20 - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010
[24]Điều 21 - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010
[25]Điều 22 - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010
[26]Điều 23 - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010
[27]Điều 10 - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010
[28]Khoản 1, Điều 4 - Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng năm 2010
[29]Điều 26 - Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng năm 2010
[30]Điều 27, Điều 28, Điều 29 và Chương III – Trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng - Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng năm 2010
[31]Khoản 1, Điều 5 - Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng năm 2010
[32]Khoản 1, Điều 25 - Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng năm 2010
[33]Khoản 2, Điều 25 - Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng năm 2010
[34]Khoản 1, Điều 4 - Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng năm 2010
[35]Chiến thắng: “Sao cho được lòng dân?” - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000 t.4, tr.55
[36]Khoản 1 Điều 4 - Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng năm 2010
[37]Chương 2 - Hiến Pháp năm 2013
[38]Điều 2 - Hiến pháp năm 2013
[39]Điều 3 - Hiến pháp năm 2013
[40]Khoản 2, Điều 14 - Hiến pháp năm 2013
[41]Khoản 2, Điều 15 - Hiến pháp năm 2013
[42]Điều 19, Điều 20 - Hiến pháp năm 2013
[43]Khoản 2, Điều 38 - Hiến pháp năm 2013
[44]Điều 30 - Hiến pháp năm 2013