Tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương

05/11/2013
Theo Từ điển Tiếng Việt thì “khả thi” có nghĩa là có khả năng thực hiện được. Như vậy, văn bản QPPL có tính khả thi tức là nội dung quy định trong văn bản phải có khả năng thực hiện được trong điều kiện KT - XH hiện tại, có khả năng đi vào cuộc sống.

Trong thời gian qua, hoạt động xây dựng văn bản QPPL của chính quyền địa phương đã chú trọng đến tính khả thi của văn bản. Chất lượng văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp được thể hiện khá rõ qua khả năng thực hiện được văn bản trong thực tiễn. Văn bản QPPL của các cấp được quan tâm đầu tư ngay từ đầu để đảm bảo có khả năng giải quyết được các vấn đề phát sinh, đồng thời tiên liệu được những vấn đề sẽ phát sinh trong tương lai. Điều đó đã tăng "tuổi thọ" của văn bản QPPL. Bên cạnh đó, văn bản QPPL của chính quyền địa phương đã đáp ứng khá tốt nhu cầu quản lý của nhà nước và đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Việc ban hành văn bản QPPL của chính quyền địa phương đã có sự đầu tư ngay trong từng văn bản để đảm bảo sự hài hòa của các biện pháp, sự tương xứng, hợp lý của các quy định, các chế tài với yêu cầu giải quyết vấn đề, đồng thời chú trọng đến trình độ dân trí cũng như khả năng thực hiện của các đối tượng chịu tác động. Điều này đã làm cho văn bản QPPL ngày càng được người dân quan tâm, thực hiện nghiêm túc. Các địa phương cũng rất chú trọng đến các điều kiện đảm bảo thực hiện văn bản sau khi ban hành, đặc biệt là các nguồn lực đảm bảo thực hiện. Do đó, khả năng thực hiện các văn bản QPPL ngày càng được nâng lên theo thời gian.

Mặc dù đã có nhiều thành tích nhưng tính khả thi của văn bản QPPL của chính quyền địa phương còn tồn tại những hạn chế như: Tính dự báo không cao, hầu như chỉ mới giải quyết được vấn đề hiện tại mà chưa có khả năng giải quyết được vấn đề trong tương lai. Tính ổn định của nhiều văn bản còn hạn chế, có những văn bản mới thông qua đã phải sửa, gây khó khăn trong việc hiểu, giải thích, áp dụng một cách thống nhất và đầy đủ đặc biệt là trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản,... Bên cạnh đó, nhiều văn bản không còn phù hợp với thực tiễn nữa nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Có văn bản chỉ mang tính chủ trương, “khẩu hiệu” mà thiếu tính thực tiễn nên không có khả năng triển khai được trong thực tế. Cũng có những văn bản đưa ra nhiều chính sách, giải pháp rất tốt nhưng không có nguồn lực để thực hiện nên cũng không khả thi. Nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề được ban hành rất nhiều văn bản nhưng hầu như chỉ quy định về chính sách, chủ trương nhưng lại thiếu các biện pháp thực hiện hoặc một vấn đề nhưng được quy định rải rác tại nhiều văn bản do đó cũng gây khó khăn cho quá trình thực hiện.

Do đó, làm thế nào để ban hành một văn bản có tính khả thi đang là vấn đề đặt ra cho các cơ quan tham mưu của chính quyền địa phương. Theo tôi, để văn bản QPPL của địa phương có tính khả thi thì phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

Thứ nhất là, phải có tính dự báo và tính ổn định tương đối. Tính dự báo của văn bản thể hiện văn bản không chỉ có khả năng giải quyết được những vấn đề đang đặt ra cho xã hội mà còn có khả năng giải quyết được những vấn đề trong tương lai gần. Vì xã hội luôn biến động và phát triển, do đó nếu nội dung văn bản QPPL không có tính dự báo thì sẽ bị lạc hậu ngay sau khi ban hành và điều đó làm cho văn bản không có khả năng thực hiện được. Việc đảm bảo tính dự báo của văn bản sẽ đảm bảo văn bản tồn tại trong một khoảng thời gian dài và có nghĩa là văn bản có tính ổn định. Tính ổn định của văn bản sẽ đảm bảo sự ổn định trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội và điều đó tạo cho xã hội ổn định và phát triển. Tuy nhiên, sự ổn định của nội dung văn bản QPPL là tương đối, vì nếu tuyệt đối hóa tính ổn định của nội dung văn bản QPPL sẽ làm cho văn bản hoặc là có khung pháp lý quá rộng, quy định mang tính chung chung sẽ gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật, hoặc là làm cho văn bản cứng nhắc, lạc hậu quá xa so với điều kiện KT - XH nhưng vẫn không được sửa đổi và cả hai khuynh hướng đó đều làm hạn chế tính khả thi của văn bản.

Thứ hai là, phải đáp ứng kịp thời nhu cầu quản lý nhà nước của địa phương. Trong xã hội đầy biến động và các quan hệ xã hội ngày càng đa dạng, phong phú thì nhu cầu quản lý nhà nước của chính quyền địa phương cũng ngày càng đa dạng, phức tạp. Văn bản QPPL của chính quyền địa phương chỉ có thể thực hiện được khi nội dung của chúng phù hợp với thực tiễn nhu cầu quản lý và đáp ứng kịp thời nhu cầu này. Hiện nay, chính quyền địa phương được phân cấp thẩm quyền khá rộng trên tất cả các lĩnh vực nhằm phát huy tính chủ động sáng tạo trong quản lý, điều hành và quy mô, đặc thù của từng địa phương là khác nhau do đó để quản lý tốt thì phải có biện pháp phù hợp, mang tính đặc thù riêng của địa phương mình mới tạo được ưu thế cạnh tranh để thu hút đầu tư, thúc đẩy KT - XH phát triển. Vì vậy, đòi hỏi văn bản QPPL phải phù hợp và đáp ứng kịp thời nhu cầu này. Nếu văn bản không đáp ứng kịp thời nhu cầu quản lý nhà nước của địa phương thì lập tức sẽ bị lạc hậu và không phát huy được giá trị trong thực tiễn quản lý.

Thứ ba là, phải đảm bảo sự toàn diện của các biện pháp, sự tương xứng, hợp lý của các quy định, các chế tài trong văn bản so với yêu cầu giải quyết vấn đề. địa phương ban hành văn bản QPPL nhằm mục đích quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, không phải tất cả các lĩnh vực, các vấn đề phát sinh đều phải ban hành văn bản QPPL để quản lý, mà tùy theo thẩm quyền và tình hình thực tế địa phương xác định việc ban hành văn bản QPPL để giải quyết vấn đề cần quản lý. Để giải quyết tốt vấn đề này thì trong nội dung văn bản phải định hướng được mục tiêu cần giải quyết và các biện pháp để giải quyết phải toàn diện, tức là phải dự liệu gần như đầy đủ các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình thực hiện để đưa ra các biện pháp phù hợp và các biện pháp đó không gây tác động tiêu cực đến xã hội. Bên cạnh đó, các quy định, các chế tài phải tương xứng, hợp lý với yêu cầu giải quyết vấn đề. Yêu cầu giải quyết vấn đề ở mức độ nào thì đưa ra các quy định, các chế tài ở mức độ đó,chế tài phải tương xứng với tính chất, mức độ hành vi vi phạm, tránh lạm dụng các quy định, các chế tài làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Nhưng cũng tránh tình trạng đưa ra những quy định, chế tài không đáp ứng được yêu cầu giải quyết vấn đề, không giải quyết hết các mục tiêu đặt ra. Để giải quyết vấn đề quản lý thì nội dung văn bản cũng phải có cơ chế bảo đảm thực thi theo hướng xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trình tự, thủ tục thực hiện.

Thứ tư là, phải phù hợp với trình độ dân trí và khả năng thực hiện văn bản của đối tượng chịu tác động. Văn bản có tính khả thi cao khi các quy định của văn bản được các đối tượng chịu tác động đồng tình, tự giác thi hành và các biện pháp cưỡng chế có trong văn bản cũng được xem là phù hợp và vì lợi ích chung. Để có được điều này thì nội dung văn bản đó trước hết là phải phù hợp với trình độ dân trí, tức là người dân có thể hiểu được nội dung văn bản để có ý thức sẵn sàng chấp nhận. Bên cạnh đó, nội dung văn bản cũng phải đảm bảo các đối tượng chịu tác động có khả năng thực hiện được, nếu quy định văn bản ban hành không phù hợp sẽ không thể thực hiện được và dẫn đến tình trạng không chấp hành và có thể là phản đối.

Thứ năm là, phải phù hợp với điều kiện đảm bảo để thực hiện văn bản như: bộ máy, nhân lực, nguồn tài chính để thực hiện văn bản, trình độ quản lý. Để văn bản có khả năng thực hiện được sau khi được ban hành thì ngay trong văn bản phải quy định cụ thể bộ máy và nhân lực thực hiện văn bản: cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp, có cần thiết phải thành lập tổ chức bộ máy riêng hay giao cho các tổ chức hiện có thực hiện, nhân lực thực hiện văn bản, đồng thời phải xác định bộ máy, nhân lực để kiểm tra, giám sát việc thực hiện và xử lý hành vi vi phạm. Ngay trong nội dung văn bản cũng phải đưa ra được các biện pháp để giải quyết những thay đổi, những xáo trộn về tổ chức bộ máy, nhân sự thực hiện văn bản.

Văn bản cũng cần phải phù hợp với điều kiện kinh tế để thực hiện văn bản, nếu văn bản đưa ra những chính sách mà khả năng nguồn tài chính không thể đảm đương được hoặc chỉ đảm bảo được một phần thì cũng không thể triển khai thực hiện có hiệu quả được. Kinh phí để thực hiện văn bản bao gồm: chi phí tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; chi phí mà tổ chức, cá nhân, ngân sách nhà nước phải bỏ ra để thực hiện các chính sách, quy định trong văn bản; chi phí trang bị cơ sở vật chất và chi phí cho bộ máy tổ chức thực hiện văn bản, … Một vấn đề nữa là văn bản phải phù hợp với trình độ quản lý của cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện (gồm trình độ kiến thức, năng lực lãnh đạo và quản lý), nếu văn bản vượt quá tầm của cơ quan thực hiện thì việc thực hiện văn bản sẽ rất khó khăn.

Trên đây là một số tiêu chí nhằm đảm bảo xây dựng một văn bản QPPL có tính khả thi./.

                                 - Như Quỳnh – Sở Tư pháp Hà Tĩnh