1. Thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ
Theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật đất đai, để việc thỏa thuận tặng cho quyền sử dụng đất được pháp luật công nhận thì việc tặng cho phải đảm bảo cả về mặt hình thức và nội dung theo quy định của pháp luật về đất đai. Theo đó, nội dung của hợp đồng tặng cho hoặc biên bản cam kết tặng cho quyền sử dụng đất phải không trái với quy định của pháp luật, không trái với đạo đức của xã hội. Về hình thức, việc tặng cho quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng của Phòng Công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất (đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhận thực hiện việc tặng cho quyền sử dụng đất thì có thể lựa chọn hình thức công chứng tại Phòng Công chứng hoặc chứng thực tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất). Việc quy định chặt chẽ về hình thức và nội dung của văn bản cam kết tặng cho hoặc hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là một yêu cầu thực tế bởi quyền sử dụng đất thường có giá trị lớn, các tranh chấp trong lĩnh vực đất đai xảy ra thường xuyên và rất phức tạp. Ngoài ra, hợp đồng hoặc biên bản cam kết tặng cho quyền sử dụng đất nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện về hình thức và nội dung theo quy định như trên sẽ có giá trị pháp lý để làm căn cứ cho bên được tặng cho thực hiện đăng ký quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.
Trên thực tế việc tặng cho tài sản thường phát sinh hiệu lực ngay tại thời điểm bên được tặng cho nhận được tài sản. Tuy nhiên, đối với việc tặng cho quyền sử dụng đất thì thỏa thuận tặng cho sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất. Do đó, hợp đồng tặng cho hoặc biên bản cam kết tặng cho quyền sử dụng đất mặc dù đã được chứng thực hoặc công chứng thì vẫn chưa làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên đối với thửa đất đó, mà chỉ có giá trị pháp lý làm căn cứ cho bên được tặng cho tiến hành các bước tiếp theo tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để chuyển quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được tặng cho. Tuy nhiên, trên thực tế, không những người dân mà các cơ quan thuế thường xác định nhầm thời điểm làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc tặng cho quyền sử dụng đất cũng như các trường hợp tặng cho các loại tài sản thông thường khác. Ví dụ, trong biên bản họp gia đình ngày 01/01/2012, ông Nguyễn Văn A và vợ là Lê Thị N cùng đồng ý tặng cho cháu ruột là anh Nguyễn Văn B thửa đất thổ cư của tổ tiên để lại, do vợ chồng ông A không còn nhu cầu sử dụng. Thửa đất tặng cho có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên vợ chồng ông A và bà N. Biên bản họp gia đình có chữ ký đồng ý của ông A, bà N, anh B và đã được Ủy ban nhân dân xã nơi có đất xác nhận. Mặc dù anh B đã nhận đất và xây hàng rào bao quanh thửa đất để bảo vệ, nhưng chưa thực hiện đăng ký quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất do vợ chồng ông A làm thất lạc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vợ chồng ông A yêu cầu anh B thực hiện các nghĩa vụ tài chính với cơ quan thuế kể từ ngày 01/01/2012 (thời điểm anh B nhận đất), nhưng anh B không đồng ý với lý do anh không phải là người đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo quy định của pháp luật về đất đai thì việc tặng cho quyền sử dụng đất chỉ phát sinh hiệu lực khi bên được tặng cho thực hiện đăng ký quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cụ thể tại khoản 4 Điều 146 Nghị định số 181/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 về thi hành Luật Đất đai quy định:“Hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê, thuê lại quyền sử dụng đất; hợp đồng hoặc văn bản tặng cho quyền sử dụng đất; hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ liên quan đến quyền sử dụng đất được xác định theo thứ tự đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất”. Điều 467 Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng quy định: “1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu. 2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản”. Như vậy, theo quy định của Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự thì người được tặng cho quyền sử dụng đất chỉ thực hiện các nghĩa vụ về đất đai từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất, trong đó bao gồm nghĩa vụ đóng thuế, lệ phí. Đối chiếu những quy định này với ví dụ trên thì, việc thỏa thuận tặng cho quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông A và anh B chưa phát sinh hiệu lực do anh B chưa thực hiện đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Vì vậy, tại thời điểm tặng cho (ngày 01/01/2012) anh B chưa có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ thuế với nhà nước. Trên thực tế vợ chồng ông A vẫn là người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên việc thực hiện các nghĩa vụ thuế đối với nhà nước vẫn do vợ chồng ông B tiếp tục thực hiện.
2. Mâu thuẫn trong quy định của pháp luật
Theo quy định hiện hành, người được tặng cho quyền sử dụng đất sẽ phải nộp lệ phí trước bạ và thuế thu nhập cá nhân. Trong đó, đối với nghĩa vụ nộp lệ phí trước bạ thì Điều 3 Nghị định 45/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ về lệ phí trước bạ quy định: Cá nhân có tài sản thuộc đối tượng chịu lệ phí trước bạ phải nộp lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (trừ trường hợp không phải nộp hoặc miễn lệ phí trước bạ). Tuy nhiên, Điều 18 Luật Thuế thu nhập cá nhân xác định thời điểm thu nhập chịu thuế từ quà tặng là thời điểm tổ chức, cá nhân tặng cho đối tượng nộp thuế hoặc thời điểm đối tượng nộp thuế nhận được thu nhập. Quy định này được hiểu nếu việc tặng cho quyền sử dụng đất không thuộc trường hợp được miễn thuế quy định tại Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân thì người được tặng cho quyền sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân từ thời điểm bên tặng cho bàn giao đất hoặc bên được tặng cho nhận đất. Đối chiếu quy định về việc xác định thời điểm thu nhập chịu thuế của Luật Thuế thu nhập cá nhân với các quy định của Bộ luật Dân sự và Luật đất đai về thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất thì rõ ràng có sự mâu thuẫn trong việc xác định nghĩa vụ của người được tặng cho quyền sử dụng đất. Trở lại ví dụ nêu trên ta thấy, theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật đất đai thì kể từ ngày 01/01/2012 anh B chưa phải thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước cũng như chưa có quyền chuyển nhượng, thế chấp... liên quan đến thửa đất được tặng cho do việc tặng cho chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để phát sinh hiệu lực. Tuy nhiên, áp dụng quy định về thuế thu nhập cá nhân thì anh B phải có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân từ ngày 01/01/2012 vì trên thực tế anh đã nhận thửa đất do vợ chồng chú anh là ông A và bà N tặng cho theo biên bản họp gia đình.
Do vậy, để thống nhất với Bộ luật Dân sự và pháp luật đất đai trong việc xác định thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất để làm căn cứ xác định quyền và nghĩa vụ của các bên, cũng như để thống nhất về thời điểm xác định thu nhập chịu thuế trong việc tặng cho quyền sử dụng đất với các trường hợp chuyển nhượng bất động sản (bao gồm quyền sử dụng đất) quy định tại Điều 14 Luật thuế thu nhập cá nhân, thì Điều 18 Luật này nên bổ sung thêm quy định thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ tặng cho bất động sản (bao gồm cả tặng cho quyền sử dụng đất) là thời điểm hợp đồng tặng cho có hiệu lực theo quy định của pháp luật.
Trần Thị Túy