Thứ nhất, về công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế:
Mặc dù theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 và khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch số 18/2011/TTLT-BTP-BNV của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ có quy định biên chế thuộc Sở Tư pháp thực hiện nhiệm vụ bồi thường nhà nước là biên chế công chức do UBND cấp tỉnh giao và biên chế thuộc Phòng Tư pháp thực hiện nhiệm vụ về bồi thường nhà nước là biên chế công chức do UBND cấp huyện giao.
Căn cứ theo quy định trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành văn bản số 3381/UBND/NC ngày 24/11/2011 chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ và UBND các huyện triển khai thực hiện việc bố trí biên chế công chức làm công tác bồi thường nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề tăng thêm biên chế để thực hiện nhiệm vụ này còn gặp khó khăn cho nên trên thực tế hiện nay chưa thực hiện được do chưa có biên chế. Hiện chỉ mới bố trí công chức kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ này ở Sở Tư pháp và các Phòng Tư pháp nên còn gặp khó khăn trong công tác quản nhà nước ở địa phương trong nhiệm vụ này.
Có thể nói vấn đề con người là yếu tố vô cùng quan trọng trong mọi công việc, thành công hay thất bại nằm ở phần lớn là yếu tố con người. Đặc biệt trong lĩnh vực bồi thường nhà nước là một lĩnh vực mới có nhiều yếu tố phức tạp và thực tiễn thực hiện việc này chưa có nhiều nên chưa có kinh nghiệm giải quyết.
Vì vậy đề xuất với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ quan tâm đến vấn đề tăng thêm chỉ tiêu biên chế để địa phương có cơ sở bố trí công chức chuyên trách làm nhiệm vụ này tham mưu cho UBND cùng cấp được tốt hơn.
Thứ hai, việc quy định về thời gian thương lượng
Việc quy định về thời gian thương lượng được quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước có quy định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tổ chức và chủ trì thương lượng với người bị thiệt hại về việc giải quyết bồi thường; trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn thương lượng có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 16/2010/NĐ-Cp ngày 03/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc thương lượng, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải hoàn thành dự thảo quyết định giải quyết bồi thường. Như vậy, theo các quy định trên thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường không được gia hạn thêm thời gian thương lượng với người yêu cầu bồi thường mà phải ban hành quyết định giải quyết việc bồi thường. Nếu người yêu cầu bồi thường không đồng ý với quyết định đó thì có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu giải quyết.
Việc quy định như vậy là quá cứng nhắc và chưa phù hợp với thực tiễn giải quyết việc bồi thường.
Thực tiễn vừa qua trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phát sinh vụ yêu cầu bồi thường của công dân Đỗ Hữu Trí yêu cầu UBND huyện Sơn Tịnh phải bồi thường hơn 46,5 tỷ đồng do xử phạt và cưỡng chế về đất đai trái quy định của pháp luật. Theo quy định của Luật TNBTCNN, UBND huyện Sơn Tịnh đã tổ chức thương lượng việc bồi thường với công dân Đỗ Hữu Trí. Đây là một vụ việc có tính chất phức tạp, công dân yêu cầu bồi thường cao nên việc tổ chức thương lượng gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình thương lượng cả hai bên chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề bồi thường. Đã hết thời hạn thương lượng theo quy định của pháp luật lẽ ra UBND huyện Sơn Tịnh phải ban hành quyết định giải quyết bồi thường cho công dân, nếu công dân không đồng ý thì khởi kiện ra Tòa. Tuy nhiên, xét thấy vấn đề này cần có thêm thời gian để thương lượng và tìm cách giải quyết vụ việc một cách dứt điểm, được sự đồng ý của công dân Đỗ Hữu Trí về việc gia hạn thời gian để tiến hành thương lượng tiếp, UBND huyện Sơn Tịnh đã gia hạn thêm thời gian thương lượng và việc thương lượng với công dân Đỗ Hữu Trí diễn ra bảy lần thương lượng.
Xét theo quy định của của pháp luật hiện hành về vấn đề này thì rõ ràng UBND huyện Sơn Tịnh không được phép gia hạn thời gian thương lượng mà phải ban hành quyết định giải quyết bồi thường khi hết thời hạn thương lượng theo quy định tại Điều 19 Luật TNBTCNN. Tuy nhiên, thực tiễn đã chứng minh việc gia hạn thời gian thương lượng khi được sự đồng ý thống nhất của hai bên là việc làm cần thiết và mang lại hiệu quả, góp phần giải quyết vụ việc một cách dứt điểm, tránh trường hợp công dân khiếu kiện kéo dài. Hiện nay, vụ việc thương lượng bồi thường với công dân Đỗ Hữu Trí đã giải quyết xong qua bảy lần thương lượng, từ việc công dân yêu cầu bồi thường khoảng 50 tỷ đồng, sau khi thương lượng đã thống nhất bồi thường 4 tỷ đồng.
Chính vì vậy, nên sửa đổi, bổ sung điều 19 Luật TNBTCNN, Điều 9 Nghị định 16/2010/NĐ-CP ngày 03/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước và Điều 15 Thông tư liên tịch số 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP ngày 26/11/2010 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ hướng dẫn trách nhiệm bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính. Theo đó, Nếu trường hợp hai bên thỏa thuận việc gia hạn thêm thời gian thương lượng thì thực hiện theo sự thỏa thuận đó.
Thứ ba: Về cơ sở áp giá bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật TNBTCNN thì thời điểm xác định giá trị thiệt hại do tài sản bị xâm phạm là tại thời điểm giải quyết bồi thường. Việc quy định xác định giá trị thiệt hại tại thời điểm giải quyết bồi thường theo ý chí chủ quan của nhà làm luật là bồi thường theo hướng có lợi cho người bị thiệt hại, vì thông thường mức giá tại thời điểm giải quyết bồi thường, thường cao hơn mức giá tại thời điểm mà có hành vi gây thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế không phải loại tài sản nào cũng có mức giá về sau cao hơn mức giá trước kia. Nếu như lấy mức giá tại thời điểm giải quyết bồi thường để áp dụng việc bồi thường thì vô hình chung đã gây thiệt hại cho người được bồi thường chứ không theo hướng có lợi cho người được bồi thường.
Cụ thể trường hợp thực tiễn là việc xác định giá bồi thường áp dụng cho cây cảnh trong trường hợp bồi thường cho công dân Đỗ Hữu Trí trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cho thấy giá trị cây cảnh tại thời điểm cưỡng chế trái pháp luật của cơ quan nhà nước gây thiệt hại cho công dân có mức giá cao hơn mức giá tại thời điểm giải quyết bồi thường. Khi giải quyết bồi thường cho công dân thì xác định mức giá tại thời điểm giải quyết bồi thường như vậy là công dân bị thiệt thòi.
Để khắc phục điều này xin kiến nghị sửa đổi lại khoản 1 Điều 45 Luật TNBTCNN theo hướng việc xác định giá trị thiệt hại do tài sản bị xâm phạm có thể xác định tại thời điểm có hành vi vi phạm gây ra hoặc tại thời điểm giải quyết bồi thường. Nếu mức giá tại thời điểm nào cao hơn, có lợi cho người bị thiệt hại thì áp dụng mức giá đó. Như vậy sẽ giải quyết vụ việc theo hướng có lợi cho người bị thiệt hại. Nếu như vẫn áp dụng quy định là xác định giá trị thiệt hại do tài sản bị xâm phạm tại thời điểm giải quyết bồi thường thì trong một số trường hợp nhất định sẽ gây thêm thiệt hại cho người yêu cầu bồi thường.
Thứ tư: Theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 16/2010/NĐ-CP thì Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong phạm vi địa phương trên tất cả các lĩnh vực bồi thường nhà nước thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật TNBTCNN chỉ quy định về việc Quyết định giải quyết bồi thường phải được gửi cho người bị thiệt hại, cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan có trách nhiệm bồi thường và người thi hành công vụ gây ra thiệt hại mà không quy định gửi cho Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp là cơ quan tham mưu giúp UBND cùng cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong công tác này. Chính vì vậy gây ra khó khăn cho công tác theo dõi, tổng hợp, tham mưu, báo cáo của Sở Tư pháp.
Cụ thể vừa qua UBND huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định giải quyết bồi thường cho công dân Đỗ Hữu Trí đã không gửi quyết định giải quyết bồi thường cho Sở Tư pháp, mặc dù Sở Tư pháp đã có ý kiến yêu cầu UBND huyện Sơn Tịnh khi ban hành Quyết định giải quyết bồi thường phải gửi cho Sở Tư pháp để theo dõi và báo cáo cấp có thẩm quyền nhưng UBND huyện Sơn Tịnh đã không thực hiện việc này do quy định tại Khoản 2 Điều 20 Luật TNBTCNN không có quy định phải gửi quyết định giải quyết bồi thường cho Sở Tư pháp.
Chính vì vậy, để khắc phục điều này giúp cho Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp là cơ quan tham mưu cho UBND cùng cấp thực hiện việc quản lý nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước ở địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, xin kiến nghị bổ sung Khoản 2 Điều 20 Luật TNBTCNN. Theo đó, ngoài những đối tượng gửi quyết định theo quy định hiện hành thì cần bổ sung thêm Quyết định giải quyết bồi thường phải được gửi cho Sở Tư pháp. Nếu cơ quan ra quyết định bồi thường là cấp xã, cấp huyện thì quyết định đó còn phải được gửi cho Phòng Tư pháp cấp huyện.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 25 và Điều 26 Nghị định 16/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước có quy định trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện định kỳ sáu tháng và hàng năm thống kê, tổng kết, đánh giá việc thực hiện bồi thường trong phạm vi do mình quản lý, gửi Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, do chưa có chế tài xử lý đối với việc này nên việc chấp hành quy định về công tác báo cáo này chưa được các cơ quan thực hiện, điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thống kê báo cáo của Sở Tư pháp cho UBND cấp tỉnh và Bộ Tư pháp.
Thứ năm là về vấn đề giải quyết khiếu nại
Vấn đề quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này cũng chưa được rõ, dễ gây hiểu nhầm.
Cụ thể theo quy định tại điểm e khoản 1 điều 1 Thông tư liên tịch số 18/2011 ngày 19/10/2011 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn nhiệm vụ quyền hạn, tổ chức và biên chế của Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh và Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện về bồi thường nhà nước có quy định Sở Tư pháp tham mưu giúp UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ về bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính tại địa phương có nhiệm vụ quyền hạn là giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước theo quy định của pháp luật.
Việc quy định như vậy là chưa cụ thể, rõ ràng, dễ gây hiểu nhầm trong điều luật này là Sở Tư pháp có nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Vì vậy, kiến nghị sửa đổi điều này bằng cách: ‘Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, tham mưu cho UBND cấp tỉnh giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Có thể nói lĩnh vực bồi thường nhà nước là lĩnh vực còn mới, thực tiễn vụ việc xảy ra chưa nhiều nên chưa có kinh nghiệm trong cách giải quyết, còn gặp khó khăn lúng túng trong quá trình giải quyết vụ việc thực tế tại địa phương. Hơn nữa, công chức theo dõi lĩnh vực này chỉ hoạt động ở chế độ kiêm nhiệm nên cũng chưa sâu sát vấn đề, việc tham mưu cho lãnh đạo giải quyết chưa đáp ứng yêu cầu.
Vì vậy, việc bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức pháp luật lẫn thực tiễn giải quyết vụ việc cho đội ngũ công chức làm công tác này là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Vấn đề này xin kiến nghị với Cục bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp khi tổ chức bồi dưỡng, tập huấn pháp luật về lĩnh vực bồi thường nhà nước bên cạnh truyền đạt phổ biến kiến thức pháp luật thì nên dành nhiều thời gian để đi sâu vào những lĩnh vực cụ thể đã xảy ra trong thực tiễn, cách xử lý vấn đề, kinh nghiệm giải quyết thực tiễn, giải thích những vướng mắc trong thực tế… để đội ngũ công chức làm công tác bồi thường tiếp thu, nắm bắt được vấn đề để tham mưu cho lãnh đạo địa phương trong công tác này được tốt hơn.
Bùi Đăng Vương – Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi