Theo quy định của pháp luật về Trợ giúp pháp lý thì Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý (sau đây gọi tắt là câu lạc bộ) là một hình thức hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) cộng đồng. Câu lạc bộ được lập ra để tạo điều kiện cho người được TGPL ở địa phương tham gia sinh hoạt, trao đổi vướng mắc pháp luật của họ với nhau nhằm tăng cường khả năng tự giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết vướng mắc thông qua tư vấn pháp luật, giúp đỡ kiến thức pháp luật để hỗ trợ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Tổ chức và hoạt động của câu lạc bộ thực hiện theo Điều lệ mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành. Câu lạc bộ chịu sự quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp xã (UBND) và do Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định thành lập, phê duyệt thành viên Ban chủ nhiệm và Điều lệ hoạt động. Hoạt động của câu lạc bộ được điều hành thông qua Ban chủ nhiệm và sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm TGPL nhà nước (hoặc Chi nhánh của Trung tâm) và Phòng Tư pháp.
Theo thống kê đến nay, trong toàn quốc đã có 63 Trung tâm Trợ giúp pháp lý, 161 Chi nhánh, 6.462 Câu lạc bộ TGPL ở cấp xã. Các Trung tâm được kiện toàn bộ máy lãnh đạo và thành lập các Phòng chuyên môn nghiệp vụ để bảo đảm tính chuyên môn hoá, tách hoạt động quản lý hành chính nhà nước với hoạt động trực tiếp thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý. Với con số 6.462 Câu lạc bộ TGPL ở cấp xã (Thống kê cuối năm 2011), tính trung bình mỗi tỉnh có 102 câu lạc bộ, tăng 8 lần so với trước khi có Luật TGPL. Để tổ chức và duy trì hoạt động, câu lạc bộ được hưởng chính sách hỗ trợ kinh phí từ các nguồn: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình 135 giai đoạn II, Dự án hợp tác quốc tế, Quỹ TGPL Việt Nam và nguồn kinh phí của địa phương.
Sau gần 05 năm hoạt động, các Câu lạc bộ TGPL trong cả nước đã tổ chức được 46.403 buổi sinh hoạt định kỳ (1tháng/lần), thu hút được 1.075.025 người đến sinh hoạt và qua sinh hoạt đã tư vấn, giải đáp pháp luật 102.012 vụ việc cho những người trong diện được TGPL và những người dân sinh sống tại cộng đồng. Qua kiểm tra, khảo sát của nhiều đoàn, nhiều đợt trên nhiều địa bàn, đặc biệt là qua tự đánh giá của các Trung tâm TGPL nhà nước thì chất lượng các câu lạc bộ được đánh giá như sau: 20/63 Trung tâm TGPL ghi nhận ở địa phương họ có 50% câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả; 19/63 Trung tâm TGPL ghi nhận chỉ 30% câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả.
Với số liệu trên thì ta thấy số lượng Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã “phủ sóng” được trên diện rộng, nhưng kết quả thu được ở những câu lạc bộ hoạt động hiệu quả cho thấy tác động tích cực của loại hình TGPL này đối với cộng đồng dân cư là không nhỏ, rất đáng khích lệ, thiết thực góp phần phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo, thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nếu suy nghĩ ở phạm vi rộng hơn, chúng ta sẽ thấy loại hình này đã tạo ra điều kiện thuận lợi nhất cho việc hỗ trợ được rất nhiều người nghèo thực hiện quyền được tiếp cận với pháp luật và công lý ở ngay tại địa bàn cơ sở, nếu hoạt động tốt thì hàng nghìn câu lạc bộ sẽ trở thành hàng nghìn điểm trực tiếp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, đồng thời cũng là hàng nghìn địa chỉ giúp tháo gỡ, giải tỏa những vướng mắc của người dân về pháp luật.
Một giá trị nữa cũng không nhỏ đó là, khi tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ TGPL ngay tại địa bàn thì cấp uỷ đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng ở cơ sở cũng có thêm cơ hội được lắng nghe những vướng mắc của người dân về pháp luật, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của dân, nghe dân nói để qua đó nói cho dân hiểu, mối quan hệ qua lại này sẽ rất hữu ích cho sự điều chỉnh, bổ sung công tác của cấp uỷ và chính quyền.
Nhân đây, cũng cần thông tin thêm, khi mới triển khai hình thức TGPL tại cộng đồng thì cũng có tâm lý băn khoăn trong một số cán bộ chính quyền, đoàn thể cấp xã với lý do,vì nếu câu lạc bộ không được tổ chức tốt thì người đến sinh hoạt có thể lợi dụng diễn đàn câu lạc bộ với dụng ý xấu, như vậy sẽ “lợi bất cập hại”. Qua thực tế, những băn khoăn này được giải tỏa khi câu lạc bộ hoạt động tốt. Sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL đã giúp nhân dân và cán bộ cơ sở hiểu rõ hơn, hiểu nhiều hơn các quy định của pháp luật thông qua việc vận dụng, áp dụng cụ thể vào từng vụ việc liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân và công tác quản lý của chính quyền cơ sở từ đó có thái độ, nhận thức đúng để lựa chọn hành vi ứng xử của mình phù hợp với pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật, như vậy thì sẽ được cấp ủy đảng và chính quyền tin tưởng, khuyến khích và người dân hưởng ứng, tự giác tham gia.
Những hạn chế, trở ngại cần vượt qua
Song hành với những kết quả tích cực nêu trên là những hạn chế, trở ngại đang thách thức tính bền vững, tính hiệu quả của mô hình này, trước hết là đối với 60% các câu lạc bộ thuộc loại hoạt động chưa hiệu quả. Sự quan ngại về tình hình này đã thể hiện ở nhiều người “ trong cuộc”, vì vậy, cần quan tâm và thẳng thắn nhìn nhận để có quyết tâm và giải pháp vượt qua, đây cũng là cơ sở để rút ra bài học kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo thời gian tới. Sau đây là những hạn chế, trở ngại đã được nhận diện và xem như thách thức cần phải vượt qua:
Về chất lượng các câu lạc bộ, theo tỷ lệ đánh giá thì vẫn còn khoảng 60% số câu lạc bộ hoạt động chưa hiệu quả. Đây là một trở ngại lớn, vì muốn nâng được chất lượng cho bằng các câu lạc bộ khác thì cần phải thực hiện nhiều giải pháp và cũng cần có thời gian. Chúng tôi cho rằng, việc khắc phục thực trạng này khó khăn hơn cả việc thành lập những câu lạc bộ mới, bởi vì muốn khôi phục lại tính hấp dẫn, thiết thực của câu lạc bộ để thu hút trở lại những người trước đây đã tham gia sinh hoạt không phải là chuyện đơn giản khi mà các “cựu” thành viên này đã không còn mặn mà hoặc xem câu lạc bộ là “điểm hẹn” hữu ích, hấp dẫn họ như thời gian trước, nói cách khác là niềm tin tưởng vào câu lạc bộ đã phần nào giảm sút.
Để có được một buổi sinh hoạt có chất lượng, thu hút được nhiều người, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật và được giải tỏa vướng mắc pháp luật của họ thì công việc chuẩn bị phải công phu về mọi mặt. Thực tế đã có nhiều buổi sinh hoạt thiếu hấp dẫn, không sôi động, thời gian sinh hoạt chủ yếu dành để phổ biến (đọc, nghe) văn bản pháp luật, người đến dự thụ động ngồi nghe, hoặc nếu có lựa chọn tình huống pháp luật đưa ra thảo luận, trao đổi thì rất chung chung, xa vời với đời sống thực tế ở địa bàn nên ít có tác dụng đáp ứng nhu cầu giải tỏa vướng mắc pháp luật cụ thể và thường nhật của người dân.
Việc cùng lúc thành lập nhiều câu lạc bộ (lại hầu hết ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn) trong khi chưa có sự chuẩn bị kỹ về các điều kiện bảo đảm cần thiết cũng là một thách thức lớn. Cách thức triển khai này ở một số nơi vẫn mang tính chất “phong trào” trong khi lực lượng cán bộ của Trung tâm TGPL và của Phòng Tư pháp còn quá thiếu, địa bàn quản lý rộng, phức tạp về địa lý, vì vậy không thể thường xuyên, kịp thời bám sát địa bàn nắm tình hình, trực tiếp hỗ trợ nghiệp vụ, kỹ năng cho Ban chủ nhiệm, nhất là trong thời gian đầu, trong khi đó thì nhiều thành viên Ban chủ nhiệm có rất ít thời gian chuẩn bị cho buổi sinh hoạt vì họ đều đang gánh vác, bận rộn nhiều công việc khác ở cơ sở.
Hàng tháng, câu lạc bộ chỉ sinh hoạt tại một địa điểm cố định (thường là ở hội trường UBND xã) cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới số lượng người đến sinh hoạt câu lạc bộ. Thực tế cho thấy, các buổi sinh hoạt nếu chỉ tổ chức tại hội trường UBND xã mà không chú ý di chuyển đến các khu dân cư trong địa bàn để sinh hoạt (cho gần dân hơn) thì sẽ rất ít người đến sinh hoạt do điều kiện nhà họ ở xa trụ sở của chính quyền, đi lại khó khăn (nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi cao). Đã có những câu lạc bộ trong một thời gian dài các buổi sinh hoạt chỉ tổ chức tại hội trường UBND xã với 08 người trong Ban chủ nhiệm và 06 người dân đến tham dự. Bên cạnh đó, vấn đề thời điểm, thời gian sinh hoạt không hợp lý cũng ảnh hưởng đến cơ hội được tham dự của người dân (nhất là vào những vụ mùa, sản xuất của nông dân).
Câu lạc bộ TGPL là một mô hình mới, có nhiều quy định đặc thù về tổ chức và hoạt động (ít thấy có câu lạc bộ nào được quy định cụ thể trong Luật, Nghị định, tổ chức và hoạt động được điều chỉnh bằng Điều lệ mẫu như Câu lạc bộ TGPL), vì thế nên trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức sinh hoạt rất cần có sự quan sát, phát hiện những mặt được, chưa được để kịp thời rút kinh nghiệm, phổ biến, giao lưu, học hỏi giữa các câu lạc bộ, tuy nhiên việc này dường như chưa được chú ý đúng mức, đây cũng là hạn chế dẫn đến sự xơ cứng, lối mòn, ít có sự vận dụng sáng tạo, cải tiến trong sinh hoạt câu lạc bộ.
Việc lồng ghép nội dung sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL với các nội dung khác trong cùng buổi sinh hoạt cũng là vấn đề cần có cách xử lý linh hoạt. Qua phản ánh từ nhiều địa phương, sở dĩ nhiều buổi sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL có ít người đến dự, thậm chí không tổ chức sinh hoạt độc lập được là do ở cấp xã có khoảng từ 07 đến 10 loại hình câu lạc bộ được thành lập theo các tổ chức đoàn thể tương ứng như: nông dân, phụ nữ thanh niên, cựu chiến binh và trong tháng thì tổ chức nào cũng sinh hoạt câu lạc bộ, với tình hình này người dân sẽ không thể có nhiều thời gian để “chia năm xẻ bảy” cho tất cả các buổi sinh hoạt, vì vậy ở nhiều nơi nội dung sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL đã được lồng ghép, kết hợp trong sinh hoạt với các câu lạc bộ khác nhưng việc lồng ghép cũng có lúc khiên cưỡng, nhiều khi không hiệu quả.
Sự trục trặc, thiếu thống nhất trong thực hiện cơ chế hỗ trợ kinh phí sinh hoạt và rườm rà về thủ tục hành chính, giấy tờ trong tổ chức sinh hoạt, báo cáo, thanh toán kinh phí hỗ trợ nếu không được cải tiến cũng là trở ngại cho việc duy trì mô hình này.
Về hỗ trợ kinh phí sinh hoạt câu lạc bộ, do cơ chế phối hợp về quản lý và cấp phát kinh phí hỗ trợ còn tách rời, chưa gắn kết, liên thông với cơ chế quản lý và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ (cụ thể là việc quản lý và cấp phát kinh phí hoạt động theo chương trình 135 giai đoạn 2) nên vẫn còn nhiều xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn chưa thành lập được câu lạc bộ theo các Chương trình giảm nghèo (1.189 xã nghèo = 54,7% và 533 xã đặc biệt khó khăn = 29%). Tình trạng này có thể làm hạn chế cơ hội của những người được thụ hưởng chính sách ưu đãi về TGPL tại cộng đồng (thông qua hình thức sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL).
Một số kiến nghị
1. Ưu tiên hàng đầu việc củng cố, hỗ trợ các câu lạc bộ hoạt động kém hiệu quả (số lượng khoảng 60%), trong thời gian này tạm ngừng thành lập các câu lạc bộ mới để tập trung sức lực nâng chất lượng câu lạc bộ. Chỉ khi nào chuẩn bị đủ các điều kiện bảo đảm cần thiết thì mới thành lập câu lạc bộ, tránh lối triển khai kiểu “phong trào” như thời gian vừa qua, đặc biệt là tránh để mất tính hấp dẫn, thiết thực của mô hình. Trong thực tế đã có địa phương thực hiện một giải pháp rất có hiệu quả để củng cố, hỗ trợ câu lạc bộ, tháo gỡ sự lúng túng ban đầu, hoặc thiếu kinh nghiệm của Ban chủ nhiệm bằng việc phân công các chuyên viên pháp lý có nhiều kinh nghiệm của Sở Tư pháp với tư cách là những phái viên theo dõi, hỗ trợ kỹ năng, “cầm tay hướng dẫn việc” điều hành của Ban chủ nhiệm.
2. Sớm tổ chức rút kinh nghiệm, tìm nguyên nhân tình trạng kém hiệu quả ở những câu lạc bộ nói trên, đồng thời nhân rộng bài học thành công từ những nơi hoạt động tốt để thông tin, hội thảo, giao lưu học hỏi lẫn nhau (nên làm trong phạm vi từng huyện để tránh đi lại xa, tiết kiệm kinh phí; có thể mời các Ban chủ nhiệm CLB trong huyện tham dự một buổi sinh hoạt tại một CLB hoạt động tốt để trực tiếp tham khảo, học hỏi kỹ năng điều hành buổi sinh hoạt). Chú trọng phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, năng lực và kỹ năng điều hành buổi sinh hoạt của Ban chủ nhiệm câu lạc bộ. Cơ cấu thành viên Ban chủ nhiệm không nhất thiết phải có đầy đủ đại diện của các đoàn thể quần chúng ở cơ sở, nên bổ sung vào Ban chủ nhiệm cả những người khác có kinh nghiệm, lòng nhiệt tình và năng khiếu tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ. Về lâu dài, muốn có sự phát triển bền vững, ít phụ thuộc vào yếu tố chi viện của Phòng Tư pháp hoặc Trung tâm TGPL thì phải chăm lo củng cố, tăng cường năng lực của Ban chủ nhiệm câu lạc bộ, khi sức mạnh tại chỗ đã không thể có thì nguồn lực hỗ trợ, chi viện trực tiếp của cấp trên cũng không thể là vô hạn, không thể làm thay vai trò của Ban chủ nhiệm và vai trò của chính quyền sở tại.
3. Trung tâm TGPL và Phòng Tư pháp cần phối hợp với UBND cấp xã khảo sát các vấn đề, những loại vụ việc người dân thường có vướng mắc pháp luật để biên tập thành những tình huống thường gặp trong đời sống pháp lý ở cộng đồng, trong “ngân hàng” tình huống này cần có đủ các dạng tình huống sát với các đặc điểm vùng, miền để sẵn sàng lấy ra thảo luận. Đây là cách hỗ trợ rất hiệu quả cho các Ban chủ nhiệm, khắc phục được tình trạng khan hiếm tình huống hoặc tình huống đưa ra trao đổi trong buổi sinh hoạt chẳng gắn gì với đời sống pháp luật tại địa bàn.
4. Điều chỉnh một số vấn đề về: lồng ghép, kết hợp nội dung sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL với các câu lạc bộ khác; thời điểm, thời gian sinh hoạt; địa điểm sinh hoạt tại các khu dân cư… để bảo đảm tính hợp lý và điều kiện thuận lợi cho nhiều người được sinh hoạt câu lạc bộ.
5. Từng buổi sinh hoạt câu lạc bộ cần có kế họach cụ thể, kinh nghiệm ở những nơi thu hút được nhiều người đến sinh hoạt là do Ban chủ nhiệm đã khảo sát, nắm được những vướng mắc của người dân, hiểu nhu cầu của người dân đang tập trung ở vấn đề gì (việc khảo sát, nắm trước tình hình thường có sự cộng tác của các trưởng thôn, bản, cụm dân cư tập hợp và phản ánh cho Tư pháp xã và Ban chủ nhiệm) để chuẩn bị được một “kịch bản”, chương trình hợp lý, hấp dẫn, trước khi tổ chức sinh hoạt làm cho người tham gia có cảm giác như được “gãi đúng chỗ ngứa”.
6. Điều chỉnh cơ chế hỗ trợ kinh phí sinh hoạt câu lạc bộ cho hợp lý, bảo đảm việc cấp phát kịp thời, khắc phục tình trạng nếu kinh phí cấp chậm thì câu lạc bộ nghỉ sinh hoạt.
7. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ đảng, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp xã, cấp huyện trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tạo điều kiện cho câu lạc bộ; gắn kết chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật (do Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL ở địa phương quản lý) với hoạt động câu lạc bộ. Về phương diện truyền thông pháp luật, hỗ trợ pháp lý thì hoạt động Câu lạc bộ TGPL tại cộng đồng là hoạt động có tính thiết thực và trực tiếp cả về bề rộng (cho nhiều người đến dự sinh hoạt) lẫn chiều sâu (hỗ trợ nhu cầu được giải tỏa vướng mắc pháp luật cho từng người cụ thể với những vụ việc, sự kiện cụ thể liên quan đến họ), vì vậy đã có Chủ tịch UBND tỉnh, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng phối hợp công tác PB,GDPL của tỉnh không ngần ngại khi quyết định dùng kinh phí của chương trình PB,GDPL hỗ trợ cho những nơi còn lại trong địa bàn tỉnh chưa thành lập Câu lạc bộ TGPL hoặc chưa có kinh phí hoạt động.
Tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý, chúng ta quan sát được tổng thể “bức tranh” về thực thi pháp luật trợ giúp pháp lý, trong đó có mảng sáng, mảng tối của hình thức TGPL cộng đồng. Chúng tôi hy vọng những thông tin trong bài viết này sẽ hữu ích, góp phần tăng cường công tác chỉ đạo hoạt động câu lạc bộ trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu thiếu sự quan tâm và cả quyết tâm hành động thì không thể nói đã thực thi tốt quy định đã được xác định trong các văn bản luật về Trợ giúp pháp lý./.