1. Đặt vấn đề
Để nâng cao chất lượng công tác tư pháp góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” xác định “…việc phán quyết của tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo …để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn pháp luật quy định”.
Tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đề ra yêu cầu: “Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, chất lượng tranh tụng tại tất cả phiên tòa xét xử, coi đây là hoạt động đột phá của các cơ quan tư pháp”.
Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng, vấn đề tranh tụng tại phiên tòa đã từng bước thể chế hóa vào các văn bản pháp luật tố tụng, được ngành Tòa án vận dụng vào công tác xét xử từ nhiều năm qua.
Với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan xét xử, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng và chủ trương, giải pháp của liên ngành tư pháp, ngành Tòa án nhân dân, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ trình bày nhận thức của chúng tôi về khái niệm, phạm vi, các giai đoạn, nội dung yêu cầu của “tranh tụng” và thực tiễn xét xử vụ án hình sự từ đó nêu lên một số giải pháp, kiến nghị góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng.
2. Nhận thức về tranh tụng
2.1. Tranh tụng là gì?
Đến nay, chúng ta chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể vấn đề “tranh tụng”. “Tranh tụng” là nguyên tắc hay một thủ tục trong tố tụng cũng chưa được xác định rõ ràng. Thuật ngữ “tranh tụng” chỉ mới được đề cập trong các văn bản của Đảng và trong các tài liệu hội thảo nên hiện còn nhiều cách hiểu, nhận thức về “tranh tụng”, ngay cả Bộ luật tố tụng hình sự cũng chỉ có quy định về tranh luận là một giai đoạn của xét xử mà chưa có quy định thế nào là “tranh tụng”?!. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi nhận tranh tụng là một nguyên tắc trong hoạt động tố tụng.
Theo chúng tôi, với định hướng mô hình tố tụng của chúng ta thì “tranh tụng” là một nguyên tắc và có thể hiểu tranh tụng trong tố tụng hình sự là tranh luận giữa các bên (bên buộc tội và bên gỡ tội) dựa trên những tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án, làm cơ sở cho việc ra phán quyết của Tòa án.
2.2. Phạm vi tranh tụng:
Bản chất và mục đích yêu cầu của tranh tụng là quá trình xác định sự thật khách quan về vụ án, bảo đảm các phán quyết là đúng đắn và chính xác. Phiên tòa xét xử là cuộc điều tra công khai, thực hiện bằng lời nói gồm có phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, phần xét hỏi, phần tranh luận, nghị án và tuyên án.
Theo chúng tôi, tranh tụng bắt đầu từ phần thủ tục phiên tòa và kết thúc sau khi tuyên án. Mặc dù phần thủ tục phiên tòa chưa thẩm tra về nội dung vụ án nhưng về các vấn đề như quyền cung cấp chứng cứ và yêu cầu triệu tập người làm chứng hoặc đồ vật, tài liệu ra xem xét … qua tranh tụng giữa các bên là cơ sở cho phán quyết sau này nên Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa trong điều hành phải bảo đảm cho họ thực hiện đạt kết quả tốt. Đến khi Hội đồng xét xử tuyên án đưa ra phán quyết về vụ án có hiệu lực pháp luật thì tranh tụng chấm dứt.
2.3. Các giai đoạn của tranh tụng:
Như đã nói, mục đích của tranh tụng là để xác định sự thật khách quan của vụ án. Để đạt được mục đích đề ra, tranh tụng cần được thực hiện trong cả quá trình và tùy chủ thể mà nội dung công việc, yêu cầu đặt ra khác nhau. Theo chúng tôi, tranh tụng gồm có các giai đoạn với nội dung cụ thể như sau:
* Chuẩn bị: Giai đoạn này có thể bắt đầu từ chuẩn bị xét xử, trong phần thủ tục phiên tòa và kết thúc khi chuyển sang phần thủ tục xét hỏi. Trong thời hạn nghiên cứu, thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa cần nghiên cứu kỹ hồ sơ, thấy vụ án đủ điều kiện thì xây dựng kế hoạch xét xử, trao đổi với kiểm sát viên về đề cương thẩm vấn, thành phần những người cần triệu tập tham gia phiên tòa và dự kiến các tình huống phát sinh.
Tại phần thủ tục, nếu một số vấn đề thực hiện có phát sinh trong giai đoạn này không đưa đến phải tranh tụng để có phán quyết cuối cùng về vụ án như đã đề cập ở phần trên thì việc chuẩn bị tranh tụng trong giai đoạn này được nhiều chủ thể tham gia và thực hiện khẩn trương nhất. Giai đoạn này là tiền đề cho các giai đoạn sau nên thực hiện tốt việc chuẩn bị thì chắc chắn chất lượng tranh tụng sẽ đạt mục đích, chất lượng cao.
* Xét hỏi: Là giai đoạn thực hiện kiểm tra công khai các chứng cứ làm cơ sở đưa ra ý kiến về các vấn đề từ đó đánh giá và phán quyết về vụ án. Trong giai đoạn này có nhiều chủ thể tham gia.
Trong đó, đối với hội đồng xét xử thì chủ tọa phiên tòa là người chủ trì, điều khiển việc xét hỏi để kiểm tra các chứng cứ đã thu thập. Trình tự xét hỏi được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự. Hội đồng xét xử đặt ra những câu hỏi để làm rõ những vấn đề chưa rõ hoặc có mâu thuẫn, không nên hỏi về toàn bộ nội dung vụ án mà cần xác định và nêu lên vấn đề để kiểm sát viên, người bào chữa hỏi làm sáng tỏ nội dung và các tình tiết của vụ án. Hội đồng xét xử chủ động hướng các bên đi vào trọng tâm vấn đề, tập trung lắng nghe làm cơ sơ thực hiện thủ tục tiếp theo.
Kết quả tranh tụng trong giai đoạn xét hỏi là cơ sở cho lập luận của các bên trong việc đề xuất hướng giải quyết vụ án trong phần tranh luận.
* Tranh luận: Là giai đoạn các bên trình bày luận điểm của mình về những vấn đề đã được thẩm tra làm rõ ở giai đoạn trước, trên cơ sở đối chiếu với những quy định của pháp luật đề đề xuất hướng xử lý phù hợp.
- Kiểm sát viên trình bày quan điểm luận tội, tranh luận đối đáp về những vấn đề mà bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác đưa ra, không được né tránh hoặc phát biểu “giữ nguyên quan điểm”.
- Bị cáo hoặc người bào chữa trình bày lời bào chữa, ý kiến phản bác đối với luận tội của kiểm sát viên, đối đáp các ý kiến của kiểm sát viên và chủ thể khác có liên quan.
- Hội đồng xét xử trong giai đoạn này lắng nghe trình bày và lập luận của các bên, hướng các bên đi vào trọng tâm vấn đề tranh luận, đối đáp với nhau theo trình tự tố tụng.
* Nghị án và tuyên án: Là giai đoạn hội đồng xét xử đánh giá và công bố kết quả tranh tụng. Hội đồng xét xử chỉ được căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã thẩm tra tại phiên tòa và chỉ những vấn đề đã được thẩm tra tại phiên tòa mới được dùng làm căn cứ để nhận định, đánh giá, kết luận và quyết định.
3. Thực tiễn thực hiện tranh tụng tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự
Thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và trên cơ sở quán triệt Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, các phiên tòa xét xử án hình sự đã được tổ chức theo tinh thần cải cách tư pháp, yêu cầu tranh tụng được chú trọng đã góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử và giải quyết các vụ án hình sự.
Thực tiễn thực hiện tranh tụng tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự những năm qua, chúng tôi nhận thấy một số nội dung như sau:
* Đối với hội đồng xét xử và chủ tọa phiên tòa:
- Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, đã bảo đảm quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ và yêu cầu triệu tập người làm chứng, đồ vật, tài liệu ra xem xét hoặc việc xác định tư cách tham gia tố tụng. Các tài liệu, chứng cứ được cung cấp, triệu tập thêm người làm chứng hoặc ý kiến khác nhau về xác định tư cách tham gia tố tụng của một người đều được Hội đồng xét xử công khai, thẩm tra để làm rõ từ đó có hướng xử lý đúng đắn.
- Trong xét hỏi đã thẩm tra đầy đủ các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ và công khai tài liệu tại phiên tòa, chú trọng vấn đề còn mâu thuẫn để hướng trọng tâm thẩm tra bảo đảm cho việc ban hành bản án, quyết định sau này.
Ví dụ: Vụ án Bùi N về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Trong vụ án có hai bị cáo khác bị truy tố về tội cản trở giao thông đường bộ. Khi xét hỏi, hội đồng xét xử đã tập trung thẩm tra xác định được hai bị cáo này là công nhân của đơn vị thi công công trình đường bộ được giao trách nhiệm quản lý bảo đảm an toàn trong thi công công trình, có dấu hiệu của tội phạm khác đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và Viện kiểm sát đã thống nhất thay đổi tội danh hai bị cáo này.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử xét hỏi làm rõ hầu như toàn bộ các tình tiết trong vụ án, có khi hỏi thừa về một vấn đề và cũng có vấn đề hỏi không thật đủ, ít thấy có sự chủ động nêu vấn đề, chuyển vấn đề cần làm rõ để kiểm sát viên và người bào chữa tham gia hỏi nên nhiều vụ kiểm sát viên không hỏi gì.
- Trong tranh luận: Hội đồng xét xử đã bảo đảm cho các bên được trình bày hết ý kiến, không hạn chế thời gian tranh luận, định hướng vấn đề để các bên tranh luận đi vào trọng tâm.
Ví dụ: Vụ án Hoàng Văn T và đồng bọn về tội cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng. Trong vụ án này có 02 kiểm sát viên, 16 bị cáo và 04 người bào chữa được xét xử trong hai ngày. Hội đồng xét xử đã bảo đảm cho các bên tranh luận và đối đáp về tất cả các ý kiến, lập luận được đưa ra, không hạn chế thời gian được kiểm sát viên và các luật sư hài lòng.
Tuy nhiên, tranh tụng trong phần tranh luận cũng có hạn chế là chủ tọa phiên tòa để cho các bên tranh luận rất nhiều lần về cùng một vấn đề, nhiều vấn đề đã được các bên đối đáp rất nhiều lần như chủ tọa phiên tòa không “cắt” những ý kiến này.
- Về bản án, quyết định: Hội đồng xét xử đã phân tích, nhận xét, lập luận về các tài liệu, chứng cứ và vấn đề đã được thẩm tra công khai, chấp nhận hay không chấp nhận vấn đề nào đều nhận định rõ trong bản án nên bản án có tính thuyết phục.
Tuy vậy, bản án, quyết định của Hội đồng xét xử trong nhiều trường hợp vẫn còn hạn chế, nhất là lập luận chấp nhận hoặc không chấp nhận quan điểm của người bào chữa, nhiều trường hợp đánh giá một cách chung chung.
Ví dụ vẫn còn bản án ghi: “chấp nhận một phần ý kiến của luật sư” mà không ghi rõ một phần ý kiến là ý kiến gì, như thế nào.
* Đối với kiểm sát viên:
- Trong xét hỏi: Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đã có chuẩn bị đề cương tham gia xét hỏi; một số vấn đề qua xét hỏi của kiểm sát viên đã làm rõ và có ý nghĩa xem xét giảm nhẹ cho bị cáo.
Ví dụ: Vụ án Đoạn T về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Khi kiểm sát viên hỏi đã làm rõ được bị cáo đã tích cực tác động gia đình bồi thường cho người bị hại nên bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự. Vụ án Lê Thanh T cũng tội danh trên, kiểm sát viên hỏi đã làm rõ bị cáo có bố là người có công với nước nên xem xét cho bị cáo theo khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên, kiểm sát viên chưa chủ động tham gia xét hỏi nhằm đưa ra các chứng cứ buộc tội mà chủ yếu phụ thuộc vào hội đồng xét xử, nhất là các vụ án mà bị cáo không khai nhận hành vi phạm tội nên chưa thể hiện rõ việc tranh tụng giữa kiểm sát viên với bị cáo.
Ví dụ: Vụ án Phạm H về tội cố ý gây thương tích. Tại phiên tòa, bị cáo không thừa nhận hành vi, cho rằng hành vi của bị cáo mang tính tự vệ nhưng kiểm sát viên đã không chủ động và tích cực tham gia tranh luận để làm rõ chứng cứ buộc tội.
- Trong tranh luận và đối đáp: Kiểm sát viên đã kiểm tra tính hợp pháp, có căn cứ của tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa khác với nội dung cáo trạng đã luận tội phù hợp với các chứng cứ, tài liệu được thẩm tra. Khi tranh luận, nhiều kiểm sát viên đã thể hiện tinh thần tranh tụng cao, chú ý lắng nghe những luận điểm mà bị cáo, người bào chữa đưa ra để đối đáp về từng vấn đề, việc chấp nhận hay không chấp nhận ý kiến nào đều trả lời rõ.
Ví dụ: Vụ án Hoàng T về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Theo cáo trạng thì người bị hại không nhường đường nên có một phần lỗi để xảy ra tai nạn nhưng kết quả xét hỏi đã làm rõ phần đường quá hẹp và không có lề đường nên người bị hại không thể tránh được. Tại phiên tòa, luận tội của kiểm sát viên xác định bị cáo có lỗi hoàn toàn là phù hợp với các tài liệu đã được thẩm tra, hội đồng xét xử chấp nhận ý kiến của kiểm sát viên.
* Đối với người bào chữa và người bảo vệ quyền lợi của đương sự:
- Trong xét hỏi: Người bào chữa, người bảo về quyền lợi đương sự chủ yếu là luật sư) đã phát huy trách nhiệm chủ động đề xuất Hội đồng xét xử được tham gia hỏi hoặc đề xuất vấn đề được hỏi nhằm làm rõ thêm tình tiết liên quan đến bị cáo hoặc đương sự đã nhận bào chữa hoặc bảo vệ; một số luật sư đã thể hiện sự sắc sảo trong cách nêu và đặt câu hỏi, nắm bắt diễn biến và các tình tiết vụ án đã giúp cho Hội đồng xét xử ra phán quyết đúng lý, hợp tình, có sức thuyết phục.
Tuy nhiên, cũng có không ít vụ án mà luật sư tham gia hỏi một cách hời hợt, không theo diễn biến tình tiết vụ án đã không nhận được sự đồng tình của những người tham gia tố tụng.
Ví dụ: Vụ án Nguyễn C và đồng phạm về tội trộm cắp tài sản. Trong vụ án này, khi tham gia hỏi, người bảo chữa cho bị cáo lập luận rằng việc người bị hại là các chủ sở hữu tài sản làm chuồng trâu cách xa nơi ở để các bị cáo lợi dụng lén lút dắt trộm trâu đem bán nên người bị hại có một phần lỗi. Lập luận này của luật sư đã bị người bị hại phản đối, kiểm sát viên bác bỏ và hội đồng xét xử cũng không chấp nhận.
- Trong tranh luận và đối đáp: Người bào chữa và người bảo vệ quyền lợi của đương sự đã chuẩn bị bản luận cứ. Trong phần này, nhiều luật sư tham gia bào chữa hoặc bảo vệ quyền lợi của đương sự đã tập trung phân tích các tình tiết, diễn biến vụ việc qua thẩm tra tại phiên tòa, lời buộc tội của kiểm sát viên; trên cơ sở đối chiếu quy định của pháp luật nhằm gỡ tội cho bị cáo hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Luật sư cũng là người tích cực nhất trong việc đối đáp các luận điểm mà kiểm sát viên đưa ra. Nhiều lập luận của luật sư đưa ra đã giúp làm sáng tỏ tình tiết của vụ án.
4. Một số giải pháp, kiến nghị nâng cao chất lượng tranh tụng
4.1. Hoàn thiện quy định pháp luật:
- Bộ luật tố tụng hình sự cần phải bổ sung tranh tụng thành một nguyên tắc để tất cả chủ thể phải ý thức và hướng mọi hoạt động theo nguyên tắc này.
- Xây dựng cơ chế thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự phù hợp, bảo đảm sự bình đẳng trong việc thu thập và cung cấp chứng cứ giữa bên buộc tội và bên gỡ tội. Quy định về phiên tòa cần xây dựng, sửa đổi theo hướng tranh tụng tại phiên tòa, tạo ra cơ chế thích hợp và hiệu quả cho quá trình tranh tụng.
- Xác định vấn đề và cơ chế xử lý vấn đề giới hạn của việc xét xử phù hợp để bảo đảm bản án, quyết định của Tòa án chỉ căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa.
- Thay đổi vai trò trong xét hỏi để các chủ thể khác chủ động tham gia xét hỏi theo hướng buộc tội là của đại diện Viện kiểm sát và việc xét hỏi theo hướng gỡ tội là của người bào chữa, tránh việc phụ thuộc vào hội đồng xét xử.
4.2. Vấn đề nhận thức và xây dựng đội ngũ cán bộ:
- Hội đồng xét xử và các chủ thể như kiểm sát viên phải thống nhất và luôn nhận thức “bản án chỉ căn cứ vào những chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa”, tất cả tài liệu trong hồ sơ và các vấn đề đều phải thẩm tra tại phiên tòa, trong khi xét hỏi phải “thoát ra khỏi hồ sơ” để đưa ra những bản án, quyết định có sức thuyết phục.
- Tăng về số lượng và nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức của đội ngũ thẩm phán, hội thẩm nhân dân; đồng thời, tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tranh tụng cho thẩm phán, đội ngũ kiểm sát viên, luật sư.
4.3. Xây dựng các cơ chế đảm bảo cho việc thực hiện tranh tụng:
- Cần xây dựng cơ chế về văn hóa pháp lý tại các phiên tòa, bảo đảm cho các phiên tòa được tiến hành thật sự dân chủ, khách quan, bình đẳng.
- Mở rộng phạm vi bào chữa để ngày càng có nhiều vụ án có sự tham gia của người bào chữa bởi thực tế thì chỉ các phiên tòa có sự tham gia của người bào chữa thì việc tranh tụng mới có chất lượng, thực chất tranh tụng.
- Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc tổ chức phiên tòa. Cần xây dựng các phòng xử án bảo đảm tính trang nghiêm, hiện đại, bố trí phù hợp vai trò tố tụng của các chủ thể; có đầy đủ các trang thiết bị như hệ thống âm thanh, ghi âm, hình ảnh, máy tính.
4.4. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục:
- Tuyên truyền về các đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, nhất là việc tổ chức phiên tòa xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp.
- Thực hiện việc đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật nói chung và pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự nói riêng.
Trần Văn Trường - TAND huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế