Vấn đề xác định thiệt hại mà doanh nghiệp được bồi thường theo quy định của pháp luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành

05/06/2013
Hiện nay, có một số thông tin đã cho rằng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quên không bồi thường cho doanh nghiệp[1], vì vậy đặt ra yêu cầu cần phải chỉ rõ cho doanh nghiệp thấy quyền yêu cầu bồi thường của pháp luật hiện nay.

Đối tượng được bồi thường

Theo quy định của pháp luật thì trong một số trường hợp tổ chức không phải là chủ thể tác động của các văn bản đó, ví dụ như một tội trong Bộ luật hình sự. Điều đó đặt ra yêu cầu xem xét doanh nghiệp có phải là đối tượng được bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành hay không.

Cần khẳng định doanh nghiệp là chủ thể được bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN). Điều 2 Luật TNBTCNN quy định: Cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần (sau đây gọi chung là người bị thiệt hại) trong các trường hợp quy định tại Luật này thì được Nhà nước bồi thường”. Như vậy, tổ chức là một chủ thể sẽ được bồi thường khi bị thiệt hại theo Luật TNBTCNN.

Theo luật doanh nghiệp 2005 quy định tại khoản 1 Điều 4 thì “Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh”. Trên cơ sở quy định của pháp luật đã chỉ rõ không chỉ doanh nghiệp mà các tổ chức bị thiệt hại trong các trường hợp theo quy định của Luật TNBTCNN sẽ được bồi thường.

Tuy nhiên, doanh nghiệp có những thiệt hại rất đặc thù mà việc xác định thiệt hại cho doanh nghiệp là một trong những vấn đề cần nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng.

Quyền yêu cầu bồi thường là quyền của doanh nghiệp, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi doanh nghiệp yêu cầu bồi thường và chứng minh được đầy đủ các điều kiện để doanh nghiệp được bồi thường. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không yêu cầu bồi thường thì mặc dù có đủ các điều kiện được bồi thường thì Nhà nước cũng không tiến hành chủ động bồi thường cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc quan trọng đầu tiên đối với doanh nghiệp là phải yêu cầu bồi thường, trên cơ sở đơn yêu cầu bồi thường và các tài liệu, chứng cứ chứng minh được quyền của mình, doanh nghiệp sẽ được Nhà nước bồi thường

 Thiệt hại được bồi thường

Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được xác định là một dạng của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, việc xác định thiệt hại được bồi thường chỉ được áp dụng các quy định của Luật TNBTCNN và văn bản hướng dẫn thi hành mà không áp dụng dẫn chiếu các quy định của pháp luật khác. Trong trường hợp văn bản hướng dẫn thi hành Luật TNBTCNN có dẫn chiếu áp dụng pháp luật có liên quan trong việc xác định thiệt hại thì cần phải quy định rõ ngay trong văn bản đó.

Thiệt hại được bồi thường là những thiệt hại thực tế mà doanh nghiệp bị thiệt hại phải gánh chịu và được quy định trong Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể bao gồm:

- Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm;

- Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

- Thiệt hại do tổn thất về tinh thần;

- Thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết;

- Thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khoẻ

- Quy định về trả lại tài sản trong trường hợp tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu;

- Quy định về khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.

Thiệt hại của doanh nghiệp

Theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì tổ chức cũng là một đối tượng chịu sự điều chỉnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp không phải là một đối tượng đặc thù mà thực tế nó lại có rất nhiều các thiệt hại đặc thù.

Thiệt hại thực tế

Thiệt hại được bồi thường theo Luật TNBTCNN là những thiệt thực tế do hành vi của người thi hành công vụ gây ra (Điều 6 Luật TNBTCNN). Theo đó, người bị thiệt hại cần phải chứng minh được những thiệt hại đối với mình là thiệt hại thực tế đã xảy ra (Điều 9 Luật TNBTCNN). Như vậy, Nhà nước chỉ bồi thường cho người bị thiệt hại hay cụ thể hơn ở trong bài viết này là doanh nghiệp khi thiệt hại đó là thiệt hại thực tế và đã xảy ra. Trong thực tế có nhiều trường hợp thiệt hại thực tế rất dễ chứng minh nhưng cũng có trường hợp thiệt hại thực tế khó có thể chứng minh.

Một ví dụ là doanh nghiệp A mua một lượng hạt cà phê tại tháng 1 để xuất khẩu, tuy nhiên do người thi hành công vụ thực hiện một số hành vi trái pháp luật khiến cho hợp đồng mua cà phê không được thực hiện, sau đó doanh nghiệp A cho rằng tại thời điểm tháng 7 doanh nghiệp có thể bán được với giá gấp đôi, như vậy đã mang đến thiệt hại cho doanh nghiệp thì rất khó thuyết phục cơ quan có thẩm quyền rằng đó là thu nhập thực tế của doanh nghiệp. Trong trường hợp này doanh nghiệp cần phải có hợp đồng bán hạt cà phê cho bên thứ 3 với giá chênh lệnh hơn so với giá mua. Như vậy, sau khi trừ toàn bộ chi phí thì phần lợi nhuận thu được từ sự chênh lệch mới có thể thuyết phục được cơ quan có thẩm quyền trong bồi thường thiệt hại.

Thiệt hại được bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và văn bản hướng dẫn thi hành

Một doanh nghiệp thuộc các trường hợp được bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN thì sẽ được bồi thường khi chứng minh được thiệt hại của mình thuộc các thiệt hại được bồi thường, có thể xem xét các phần thiệt hại cụ thể như sau:

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (Điều 45 Luật TNBTCNN)

- Thiệt hại do tài sản bị phát mại, bị mất

Khoản 1 Điều 45 Luật TNBTCNN quy định: “Trường hợp tài sản đã bị phát mại, bị mất thì thiệt hại được xác định căn cứ vào giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật và mức độ hao mòn của tài sản đã bị phát mại, bị mất trên thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường”. Như vậy, theo quy định này thì giá trị được bồi thường nếu tài sản đã bị phát mại, thậm chí bị mất sẽ căn cứ vào giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật và mức độ hao mòn của tài sản đó trên thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Ví dụ: một doanh nghiệp được bồi thường thiệt hại xác định mới mua một chiếc xe ô tô hiệu Toyota, sau đó bị phát mại thì khi doanh nghiệp được bồi thường sẽ căn cứ vào giá bán trên thị trường của chiếc xe Toyota tương tự.

- Thiệt hại do tài sản bị hư hỏng

Khoản 2 Điều 45 Luật TNBTCNN quy định về các thiệt hại được bồi thường khi tài sản bị hư hỏng. Theo đó, doanh nghiệp có thể yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường các chi phí có liên quan theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường để sửa chữa, khôi phục lại tài sản. Hơn nữa, trong trường hợp tài sản không thể sửa chữa, khô phục thì thiệt hại được tính như thiệt hại đối với tài sản bị phát mại, bị mất.

- Thiệt hại do không sử dụng, khai thác tài sản

Một trong những quy định rất công bằng và đề cao lợi ích của người bị thiệt hại là quy định về thiệt hại do không sử dụng, khai thác tài sản. Khoản 3 Điều 45 Luật TNBTCNN quy định về thiệt hại được bồi thường trong trường hợp không sử dụng, khai thác tài sản và coi đó là thu nhập thực tế bị mất. Một doanh nghiệp hoàn toàn có thể yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường tiến hành bồi thường cho mình đối với những tài sản trên thị trường có cho thuê. Thiệt hại được tính là thu nhập thực tế bị mất được xác định phù hợp với mức giá thuê của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, tính năng, tác dụng và chất lượng tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Ví dụ: Một doanh nghiệp bị niêm phong nhà kho nên không có nhà kho để sử dụng. Sau khi xác định rõ trường hợp này thuộc trường hợp bồi thường thiệt hại theo Luật TNBTCNN thì doanh nghiệp hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường bồi thường cho mình khoản tiền bằng khoản tiền thuê nhà kho tương tự.

Hơn nữa, đối với những tài sản trên thị trường không có cho thuê, thu nhập thực tế bị mất được xác định trên cơ sở thu nhập do tài sản bị thiệt hại mang lại trong điều kiện bình thường trước thời điểm thiệt hại xảy ra.

Với trường hợp tài sản bị kê biên được giao cho người bị thiệt hại hoặc người khác quản lý thì chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại về tài sản được xác định là những thiệt hại được bồi thường.

- Thiệt hại đối với các khoản tiền

Vốn là một vấn đề sống còn của doanh nghiệp, để đảm bảo cá nhân cũng như doanh nghiệp được bồi thường không chỉ đối với khoản tiền của họ thì khoản 4 Điều 45 Luật TNBTCNN có quy định: “Các khoản tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bị tịch thu, thi hành án, khoản tiền đã đặt để bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền được hoàn trả cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân của họ; trường hợp khoản tiền đó là khoản vay có lãi thì phải hoàn trả cả khoản lãi hợp pháp; trường hợp khoản tiền đó không phải là khoản vay có lãi thì phải hoàn trả cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân của họ cả khoản lãi theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm giải quyết bồi thường”. Như vậy, ngoài các khoản tiền mà doanh nghiệp được trả lại khoản tiền đã bị buộc phải nộp, tịch thu, thi hành án, đã đặt để bảo đảm tại cơ quan thì doanh nghiệp còn có thể yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường cho mình các khoản lãi phù hợp theo yêu cầu của Luật TNBTCNN và pháp luật có liên quan.

Thời gian tính lãi đối với các khoản tiền quy định tại khoản 4 Điều 45 của Luật TNBTCNN được tính từ ngày tiền được nộp vào ngân sách nhà nước; bị tịch thu; thi hành án; được đặt để bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền đến ngày ban hành quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc bản án, quyết định của Toà án.

Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút

 Khoản 1 Điều 46 Luật TNBTCNN quy định: “Cá nhân, tổ chức có thu nhập mà xác định được thì được bồi thường theo thu nhập thực tế bị mất

Doanh nghiệp bị thiệt hại do thu nhập bị mất thì có thể yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Ví dụ, trong lĩnh vực quản lý hành chính thì Khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 19/2010/BTP-BTC-TTCP quy định về Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của tổ chức: “Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của tổ chức quy định tại Điều 46 của Luật được xác định trên cơ sở thu nhập trung bình của 2 năm liền kề trước thời điểm xảy ra thiệt hại. Thu nhập của tổ chức được xác định theo báo cáo tài chính hợp pháp của tổ chức; trường hợp không có báo cáo tài chính, tổ chức có thể chứng minh thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút bằng các tài liệu, chứng cứ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp tổ chức được thành lập chưa đủ hai năm tính đến thời điểm xảy ra thiệt hại thì thu nhập thực tế của tổ chức được xác định trên cơ sở thu nhập bình quân trong thời gian hoạt động thực tế của tổ chức đó.

Vấn đề nằm ở chỗ, để chứng minh được thiệt hại đối với thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút thì doanh nghiệp cần phải có các báo cáo tài chính hợp pháp hoặc chứng cứ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật có liên quan. trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ đủ để chứng minh thiệt hại của mình thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, một thực trạng hiện nay là các báo cáo tài chính của doanh nghiệp có độ chính xác không cao, chính vì vậy, trong trường hợp yêu cầu bồi thường sẽ khó có căn cứ đúng, xác thực để yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

Thiệt hại khi tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu

Khoản 7 Điều 26 Luật TNBTCNN quy định về việc bồi thường thiệt hại đối với tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu, theo đó, tổ chức, cá nhân có tài sản bị thiệt hại do việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu, xử lý có liên quan đến các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 26 Luật TNBTCNN thì được bồi thường.

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bị thiệt hại thì Điều 50 Luật TNBTCNN quy định: “Tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu phải được trả lại ngay khi quyết định thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu bị hủy bỏ”. Như vậy, khi các quyết định thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu bị hủy bỏ thì các tài sản này sẽ được trả lại ngay cho doanh nghiệp.

Khôi phục danh dự

Uy tín, thương hiệu là một nội dung khá đặc thù và hiện đang được quan tâm bởi nhiều doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành thì chỉ trong trường hợp người bị thiệt hại được bồi thường theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 26 Luật TNBTCNN. Theo đó, khi người bị thiệt hại được khôi phục danh dự bằng cách: “Trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú, đại diện của cơ quan nơi người bị thiệt hại làm việc, đại diện của một tổ chức chính trị - xã hội mà người bị thiệt hại là thành viên; đăng trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp theo yêu cầu của người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ”.

Căn cứ vào quy định hiện hành của Điều 26, Điều 51 Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện hành thì việc khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại mà ở đây là doanh nghiệp vẫn chưa được đề cập đến. Hơn nữa, việc khôi phục danh dự mới chỉ được áp dụng trong hoạt động tố tụng hình sự mà chưa có quy định về việc khôi phục danh dự trong các lĩnh vực còn lại.

Thực tế cho thấy đã có những trường hợp do sai sót của cơ quan có thẩm quyền dẫn đến doanh nghiệp bị ảnh hướng đến uy tín gây thiệt hại không chỉ về mặt uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp mà còn thiệt hại trực tiếp đến việc kinh doanh của doanh nghiệp thậm chí có thể dẫn đến phá sản.

Trong trường hợp người bị thiệt hại trong tố tụng hình sự liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp được khôi phục danh dự lại có liên quan đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp thì thông qua khôi phục danh dự cho người đó đã có thể phần nào khôi phục lại uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp là một vấn đề khá phức tạp ở chỗ đó là giá trị vô hình của doanh nghiệp, việc xác định thiệt hại và thiệt hại được bồi thường là vô cùng khó khăn. Chính vì vậy, việc xác định thiệt hại và bồi thường là rất khó, cần phải có quy định của pháp luật cụ thể hơn nữa về vấn đề này.

Như vậy, các thiệt hại mà doanh nghiệp được bồi thường là rất nhiều và rất đa dạng, việc quan trọng đối với doanh nghiệp khi bị thiệt hại là phải chứng minh được mình bị thiệt hại để có cơ sở yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường

Xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án

Có thể nói, doanh nghiệp bị thiệt hại chủ yếu trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án mà ít bị thiệt hại trong tố tụng hình sự. Để xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong các lĩnh vực này thì doanh nghiệp cần phải:

- Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại các điều 13, 28, 38 và 39 của Luật TNBTCNN và văn bản xác định người có liên quan thuộc các trường hợp bồi thường trong tố tụng hình sự;

- Chứng minh được có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại.

Trong các lĩnh vực này đều có các hướng dẫn cụ thể bởi các Thông tư liên tịch của các ngành có liên quan. Ví dụ, trong quản lý hành chính thì trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính chỉ phát sinh khi có đủ các điều kiện:

a) Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật;

b) Hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại Điều 13 của Luật TNBTCNN;

c) Có thiệt hại thực tế xảy ra;

d) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.

Hơn nữa, văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ cũng được hướng dẫn cụ thể bao gồm: Quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của pháp luật; Kết luận nội dung tố cáo của cơ quan hoặc người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; Bản án, quyết định của Tòa án về việc giải quyết vụ án dân sự đã có hiệu lực pháp luật tuyên hủy quyết định hành chính; Bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật xác định người thi hành công vụ có hành vi phạm tội trong khi thi hành công vụ mà tại Bản án, quyết định hình sự đó chưa xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội của người thi hành công vụ gây ra trong khi thi hành công vụ.

Xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự

Hiện nay, trong tố tụng hình sự thì Nhà nước ta mới quy định liên quan tới cá nhân mà không có trách nhiệm hình sự của tổ chức. Do đó, doanh nghiệp bị thiệt hại trực tiếp chủ yếu trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án. Đối với lĩnh vực tố tụng hình sự thì việc thiệt hại của doanh nghiệp thông thường là liên quan đến người thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mà không phải là do doanh nghiệp trực tiếp có liên quan. Trong hoạt động tố tụng hình sự thì doanh nghiệp không phải là chủ thể trực tiếp được bồi thường, tuy nhiên đối với các tài sản thuộc về doanh nghiệp thì thiệt hại được bồi thường cũng chỉ phát sinh khi có các điều kiện:

a) Có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc các trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 của Luật TNBTCNN;

b) Có thiệt hại thực tế do người tiến hành tố tụng hình sự gây ra đối với người bị thiệt hại.

Một đặc thù đối với trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự là không nhất thiết phải có hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, mà chỉ cần cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, xác định người bị thiệt hại thuộc các trường hợp được bồi thường theo quy định của Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Khi doanh nghiệp đã có các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định thuộc phạm vi bồi thường thì doanh nghiệp có thể chứng minh thiệt hại thực tế do người tiến hành tố tụng hình sự gây ra đối với mình để yêu cầu bồi thường.

Nhà nước không bồi thường

Nhà nước không bồi thường thiệt hại trong mọi trường hợp mà vẫn có những trường hợp loại trừ trách nhiệm của nhà nước đối với người bị thiệt hại mặc dù đầy đủ các điều kiện được bồi thường. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm của Nhà nước là:

 Do lỗi của người bị thiệt hại; Người bị thiệt hại che dấu chứng cứ, tài liệu hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật trong quá trình giải quyết vụ việc; Do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết.

Riêng trong tố tụng hình sự, thì mặc dù có đủ các điều kiện được bồi thường nhưng người bị thiệt hại hoặc doanh nghiệp có liên quan sẽ không được bồi thường khi thuộc các trường hợp: người được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; cố ý khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng khác sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm; người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án hoặc Toà án quyết định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, đã bị tạm giữ, bị tạm giam, đã chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội nhưng không thuộc các trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 26 của Luật TNBTCNN. người bị khởi tố, truy tố trong vụ án hình sự được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nhưng vụ án đã được đình chỉ do người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố, trừ trường hợp hành vi vi phạm pháp luật của họ chưa cấu thành tội phạm; người bị khởi tố, truy tố, xét xử là đúng với các văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm khởi tố, truy tố, xét xử nhưng tại thời điểm ra bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà theo các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực sau ngày khởi tố, truy tố, xét xử đó họ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Xác định thiệt hại được bồi thường cho doanh nghiệp đối với từng trường hợp cụ thể là một vấn đề khó, phức tạp. Hơn nữa, chứng minh được các thiệt hại đó với cơ quan có trách nhiệm bồi thường còn khó hơn. Mặc dù vậy, Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc cho doanh nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Ths. Trần Minh Trọng


[1] Tham khảo tại: http://phapluatxahoi.vn/201110290838542p1001c1049/ky-cuoi-luat-quen-boi-thuong-cho-doanh-nghiep-bi-thiet-oan.htm