Sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình, một số vấn đề cần giải quyết

15/05/2013
Trải qua quá trình thực hiện, hiện nay nhà nước đang có chủ trương sửa đổi bổ sung luật Hôn nhân và gia đình cho phù hợp với thực tiễn và theo hướng hội nhập quốc tế. Theo đó nhiều ý kiến cho rằng nên đưa các quy định của pháp luật các nước có nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam vào ứng dụng trong việc lập pháp ở Việt Nam.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng dân tộc Việt Nam và các dân tộc khác trên thế giới đều cần học hỏi lẫn nhau, chứ không phải chỉ có dân tộc Việt Nam cần phải đi học hỏi các dân tộc khác. Nếu suy nghĩ rằng trí tuệ Việt Nam mặt nào cũng thua kém trí tuệ các nước kinh tế phát triển hơn, thì với suy nghĩ ấy trước các cuộc xâm lược của những thế lực hùng mạnh nhất thế giới trong quá khứ, hẳn nước Việt Nam nhỏ bé nghèo nàn đã không còn đến ngày nay. Như vậy trong quá trình hội nhập hiện nay, Việt Nam cần tự tin học hỏi có chọn lọc không để tự đánh mất những cái hay, cái đẹp của mình mà thay vào đó những cái không bằng những cái ưu điểm đã có của mình, người Việt Nam hoàn toàn có đủ tự tin vào trí tuệ của mình trong mọi quyết sách, trong đó có công việc xây dựng pháp luật.

Trong vấn đề xây dựng pháp luật hôn nhân và gia đình hiện nay, với những đặc điểm riêng của Việt Nam thì cần giải quyết một số vấn đề quan trọng sau đây:

1 - Các con mang họ cả bố và mẹ để đảm bảo bình đẳng giới dẫn đến cân bằng giới tính

Hiện nay xã hội Việt Nam đang có chiều hướng mất cân bằng giới tính ngày càng trầm trọng, ở nhiều nơi tỉ lệ bé trai/bé gái là 120/100, dẫn đến năm 2050 sẽ có khoảng 4 triệu đàn ông Việt Nam không có vợ, kéo theo nhiều hệ lụy xâm hại đến phụ nữ do khan hiếm phụ nữ như ở Ấn Độ thời gian qua. Đây là tình trạng mất cân bằng giới tính ở mức rất báo động.

Nguyên nhân ai cũng biết là do tư tưởng thích sinh con trai hơn con gái của người Việt Nam, cộng thêm có sự hỗ trợ đắc lực của các tài liệu hướng dẫn sinh con theo ý muốn, các phương tiện chuẩn đoán sớm giới tính thai nhi mà không có cách nào ngăn chặn được.

Nhưng vì sao người dân lại thích sinh con trai hơn con gái?  Hẳn là sinh con trai thì có được nhiều lợi ích hơn sinh con gái, cho nên khi người ta bỏ công sức ra để nuôi con thì chọn sinh con nào đem lại nhiều lợi ích hơn.

Vậy lợi ích của việc sinh con trai hơn lợi ích của việc sinh con gái đó là gì ? Đi sâu tìm hiểu thì có kết quả như sau:

Người Việt ta có tập tục cho con cái mang họ cha chứ không mang họ mẹ. Cho nên sinh con trai thì dòng họ được nối dõi, còn sinh con gái thì khi sinh con mang họ cha, dòng họ của mẹ đến đây chấm dứt , không có người nối dõi. Mà người Việt Nam lại rất coi trọng việc nối dõi dòng họ, nên phải sinh con trai thì dòng họ mới được duy trì, trong khi sinh con gái là ‘sinh con hộ người ta”, dòng họ bị chấm dứt. Hẳn nhiên là không có ông bố nào muốn dòng họ của mình bị chấm dứt vì sinh con gái. Như vậy sinh con gái rõ ràng là chịu thiệt thòi hơn sinh con trai rất nhiều. Cho nên tất yếu dẫn đến việc mọi nhà đều thích sinh con trai hơn con gái.

Khách quan mà nói, trên cơ sở di truyền học thì có 23 nhiễm sắc thể có trong tế bào trứng của người mẹ và 23 nhiễm sắc thể có trong tinh trùng của người cha kết hợp với nhau để sinh ra người con. 46 nhiễm sắc thể này có trong mỗi tế bào của cơ thể chúng ta, 23 lấy từ mẹ và 23 lấy từ bố, cho nên người con nào cũng có gen di truyền của cả cha và mẹ, tức là dù trai hay gái cũng đều nối dõi cả cha và mẹ.

Như vậy có nghĩa là người con phải mang dòng họ của cả cha và mẹ mới phản ánh đúng bản chất của việc di truyền. Thế nhưng trên thực tế thì con sinh ra đều chỉ mang họ cha, đã không phản ánh đúng bản chất của việc di truyền mà còn gây nên bất bình đẳng giới trọng nam khinh nữ, dẫn đến tất yếu mọi nhà đều thích sinh con trai mà không thích sinh con gái vì không muốn chịu thiệt thòi.

Đây chính là nguyên nhân dẫn đến “căn bệnh” mất cân bằng giới tính đang ngày càng nghiêm trọng. Và khi đã phát hiện ra nguyên nhân “gây bệnh” thì rõ ràng đã đến lúc nhà nước phải có chính sách can thiệp “ chữa trị’’ tận gốc “căn bệnh” dòng họ này. Đó là việc phải ghi nhận “phụ nữ khi sinh con có quyền cho con mang họ mẹ” vào trong luật để đảm bảo khi sinh 2 con mang họ cả cha lẫn mẹ, làm cho người dân thấy sinh con nào thì dòng họ cũng vẫn được nối dõi, chấm dứt được “bệnh” khát con trai. Nếu không, tương lai sẽ là 150 nam/100 nữ, rồi 200 nam/100 nữ,.. cứ như vậy sẽ dẫn đến hậu quả lớn thế nào thì ai cũng có thể hình dung ra.

2 - Hôn nhân đồng tính là không phù hợp:

Người đồng tính hiện nay chiếm khoảng 3% dân số, họ bị kì thị phân biệt đối xử ép phải kết hôn dị tính mà họ không muốn, trong khi họ có tính dục đồng giới , khiến cho họ cảm thấy bị o ép không được sống thoải mái với con người thật của họ.

Từ đó người đồng tính có nguyện vọng cần được bảo vệ chống kì thị phân biệt đối xử, được sống thật với giới tính của mình để cảm thấy thoải mái không bị o ép, được lập gia đình sinh con với người đồng tính khác mà mình thương yêu, mà tiêu biểu là 1 số đám cưới của người đồng tính tổ chức công khai gần đây.

Để giải quyết được vấn đề trên đã dẫn đến việc tranh cãi có nên công nhận hôn nhân đồng giới hay không ?

Vậy để xác định được nên chấp nhận hay không chấp nhận hôn nhân đồng giới, thì cần đặt ra các vấn đề cần được giải đáp như sau:

Trước hết là, hôn nhân để làm gì ?

Xét về thực chất thì nó là một hình thức để nhà nước xác nhận hai người là vợ chồng đồng thời là cha mẹ cho đứa trẻ được sinh ra. Vì mục đích của hình thức hôn nhân là để tạo nên một gia đình, mà gia đình có chức năng là “cái nôi nuôi dưỡng con người” như trong lời nói đầu của luật hôn nhân và gia đình Việt Nam đã dẫn. Đây là chức năng quan trọng nhất của gia đình, và là mục đích của việc thành lập gia đình. Ai cũng biết loài người muốn tồn tại thì con người phải được sinh ra, con người ta sinh ra thì đã cần phải có gia đình để nuôi dưỡng khôn lớn đến trưởng thành. Vậy ai chịu trách nhiệm nuôi dưỡng ? Chính là cha mẹ đã sinh ra con người đó phải chịu trách nhiệm nuôi dưỡng. Muốn người cha người mẹ này phải chịu trách nhiệm nuôi dưỡng con người sinh ra đó thì nhà nước phải quy định hình thức kết hôn của cha mẹ của con người đó. Mục đích là để xác định ai là cha mẹ của con người đó, nhằm buộc hai người là cha là mẹ đó phải có trách nhiệm nuôi dưỡng con người họ đã sinh ra. Như vậy ai cũng thấy mục đích của hình thức hôn nhân là nhằm để đảm bảo cho đứa trẻ được sinh ra bởi cha mẹ của nó thì được cha mẹ nó phải có trách nhiệm nuôi dưỡng nó từ khi nó lọt lòng đến khi trưởng thành.

Vậy nhà nước có cần quy định cặp tình nhân  đồng giới phải kết hôn ?

Cặp tình nhân đồng giới không thể sinh con với nhau được, thì chẳng có đứa trẻ nào được họ tạo ra để phải xác định họ là cha mẹ để họ phải có trách nhiệm nuôi dưỡng cả. Như vậy rõ ràng không cần phải quy định hai người đồng tính sống với nhau như vọ chồng thì phải đăng kí kết hôn.

Vậy người đồng tính có cần đến hôn nhân đồng giới để giúp cho họ mưu cầu hạnh phúc?

Người đồng tính chẳng cần đến là vợ chồng cũng có thể có con nuôi, có tài sản chung do 2 bên thỏa thuận, có thừa kế do 2 bên di chúc cho nhau. Có hay không có hôn nhân đồng giới thì người đồng tính vẫn tìm đến nhau mà sống với nhau như vợ chồng, nhà nước và xã hội không ngăn cản được việc này. Cặp vợ chồng đồng giới không thể sinh con với nhau được, nên nếu họ muốn sinh con thì vẫn phải tìm kiếm đứa con ngoài hôn nhân đồng giới bằng cách nhờ kết hợp với người thứ 3 khác giới ngoài vợ chồng để sinh con không phải con đẻ của cả 2 vợ chồng đồng giới, nên không có con đẻ chung để gắn kết nhau mà phải có hôn nhân. Xin con nuôi thì không phải là con đẻ của 2 vợ chồng đồng tính, đứa trẻ lớn lên vẫn đi tìm bố mẹ đẻ của nó. Như vậy công nhận hôn nhân đồng giới thực chất không giúp được gì cho việc mưu cầu hạnh phúc của người đồng tính, mà chỉ để thỏa mãn tư tưởng được coi là vợ chồng như người dị tính. Trong khi vấn đề đặt ra ở đây là bảo vệ người đồng tính không bị kì thị.

Hôn nhân đồng giới có làm cho người đồng tính không bị  kì thị ?

Dù có hôn nhân hay không thì xã hội những người dị tính vẫn coi họ là khác thường, bởi bản chất của việc coi là khác thường đó là do người đồng tính có biểu hiện, tính dục trái với người dị tính, chứ không phải là do họ có hôn nhân hay không. Có hôn nhân hay không thì họ vẫn là người đồng tính chứ không thể trở thành dị tính như những người dị tính khác được, vì thế mà người dị tính vẫn thấy họ khác thường. Ngược lại, khi nhà nước công nhận hôn nhân đồng giới thì người đồng tính sẽ công khai những biểu hiện, tính dục đồng tính của họ trong khi xã hội dị tính lại thấy như vậy là kì dị, lại làm cho xã hội biết mà kì thị hơn trước kia không biết họ là đồng tính.

Vậy làm thế nào để người đồng tính không bị kì thị ?

Khi xã hội dị tính nhận thức đúng đắn rằng đồng tính là do bẩm sinh, bản thân người đồng tính không có lỗi, họ là những người không may (vì tính dục đồng tính sẽ làm cho họ không thể có con với nhau) nên cần được thông cảm, thì họ không bị kì thị. Nhưng tất nhiên phải bằng việc tuyên truyền trong xã hội hiểu đúng và có xử sự đúng với người đồng tính.

Đồng tính có là hiện tượng bình thường không ?

Ai cũng biết dị tính là hiện tượng bình thường, vì tính dục của người dị tính (thích quan hệ tình dục với người khác giới) phù hợp với cơ quan sinh dục của người dị tính (nam nữ quan hệ tình dục với nhau). Nhưng ở người đồng tính thì tính dục của người đồng tính (thích quan hệ tình dục với người cùng giới) lại không phù hợp với cơ quan sinh dục của người đồng tính (khi nam quan hệ tình dục với nam, nữ quan hệ tình dục với nữ). Như vậy đồng tính là hiện tượng không bình thường, trái với quy luật của tạo hóa vì cấu tạo sinh dục nam và sinh dục nữ là phù hợp với nhau nhưng không phù hợp với sinh dục đồng giới (vì thế quan hệ đồng tính mới không dẫn đến được kết quả có hậu là sinh con duy trì nòi giống cho loài người).

Vậy có nên coi hiện tượng không bình thường là hiện tượng bình thường ?

Khi coi đồng tính là hiện tượng bình thường như dị tính thì tất yếu dẫn đến việc những người dị tính sẽ tiếp thu những biểu hiện của đồng tính vào trong phẩm chất giới tính của mình. Ví dụ: Ở bên người đồng tính thì 1 người nam dị tính đang từ phong cách nam tính lại tiếp thu phong cách nữ tính (yểu điệu, đánh phấn tô son, để tóc dài,..)của người đồng tính, vì phong cách đồng tính đã được coi là bình thường như phong cách dị tính, điều này dễ xảy ra nhất ở giới trẻ vốn thích tiếp thu cái mới, cái lạ. Hẳn nhiên chẳng bố mẹ nào muốn con mình a dua bắt chước phong cách đồng tính (vì khi đó nó đã được coi là bình thường). Với nữ dị tính cũng vậy. Như vậy không nên coi đồng tính là hiện tượng giới tính bình thường, vì nó được tác động làm ảnh hưởng đến phẩm chất giới tính của những người dị tính xung quanh.

Trẻ em được nuôi dạy bởi bố mẹ đồng tính thì có bị ảnh hưởng không ?

Cần lưu ý trẻ em chịu ảnh hưởng rất lớn từ bố mẹ là người nuôi dạy. Nếu phải noi theo bố “như đàn bà’’ và mẹ “như đàn ông” thì chắc chắn tính cách của đứa trẻ ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.

Đồng tính là hiện tượng nên mong muốn không ?

Tất nhiên xã hội loài người không thể mong muốn và hướng tới hình mẫu nam giới nhưng lại phong cách phụ nữ (ví dụ: yểu điệu, mặc váy, tô son, để tóc dài...), thích quan hệ tình dục với nam giới khác, hay mong muốn hình mẫu nữ giới nhưng lại phong cách đàn ông (ví dụ: đội mũ phớt, tóc đầu đinh,…), thích quan hệ tình dục với nữ giới khác, và những cặp đồng tính với nhau đều không thể sinh sản duy trì nòi giống được. Như vậy rõ ràng đồng tính là hiện tượng không nên mong muốn, không phù hợp với xu hướng văn minh của xã hội.

Vậy nhà nước nên hay không nên tạo điều kiện cho hiện tượng không mong muốn ?

Nếu đã là hiện tượng không ai mong muốn thì thông thường nhà nước không tạo điều kiện. Vì đồng tính là hiện tượng không ai mong muốn cho nên lẽ ra hiện tượng đó phải được tìm cách khắc phục hạn chế dần chứ không phải là tạo điều kiện cho hiện tượng không ai mong muốn đó tiếp tục phát triển.

Nhà nước ta quy định về biểu quyết thông qua một đạo luật như thế nào ?

Khi thông qua 1 đạo luật thì theo nguyên tắc chỉ cần có tỉ lệ 51/49 % tổng số đại biểu của nhân dân cả nước nhất trí là 1 đạo luật được thông qua. Như vậy 1 đạo luật vẫn được thông qua khi còn có tới 49/51 % tổng số đại biểu của nhân dân cả nước không nhất trí. Có nghĩa là qua số đại biểu thì 49 % dân số cả nước phải theo ý chí của 51% dân số cả nước ( chỉ cần hơn kém nhau có 2 người ).

Như vậy trong khi tỉ lệ người đồng tính ở Việt Nam là chỉ khoảng 3 % tổng dân số, thì theo nguyên tắc thiểu số phải theo đa số trên, không lẽ nào khoảng 97 % số dân dị tính cả nước phải theo ý chí của khoảng 3 % số dân đồng tính ?

Không công nhận hôn nhân đồng giới có phải là bất bình đẳng, phân biệt đối xử không ?

Cần lưu ý bình đẳng giới tính ở đây không thể là phải coi giới nam cũng như giới nữ (nam cũng có quyền “chửa đẻ ” như nữ), phải coi đồng tính cũng như dị tính (đồng tính cũng có quyền kết hôn sinh con với nhau như dị tính). Do đó không thể bình đẳng là cứ giới này có quyền gì thì giới kia có quyền đó, mà phải theo nguyên tắc quyền có được đi đôi với nghĩa vụ thực hiện được (cơ thể sinh học đáp ứng được). Nhà nước không thể giúp cho nam cũng có quyền “chửa đẻ ” như nữ, đồng tính cũng có quyền kết hôn sinh con với nhau như dị tính, vì đó là làm trái quy luật của tự nhiên. Việc không công nhận hôn nhân đồng giới không phải là để phân biệt đối xử với giới đồng tính, mà là để phản ánh đúng về giới đồng tính là không thực hiện được các chức năng của hôn nhân như dị tính nên không được công nhận. Xin nhắc lại luật Hôn nhân và gia đình hiện hành còn cấm kết hôn 1 số trường hợp khác nữa, tất nhiên cũng không thể coi đó là bất bình đẳng, phân biệt đối xử.

Tổng kết lại những khía cạnh trên, thì nhận thấy:

Nhà nước không có quyền cấm những người đồng tính chung sống với nhau như vợ chồng vì họ có hướng tính dục đồng giới bẩm sinh. Nhưng những người đồng tính cũng không có quyền đòi hỏi nhà nước phải cho họ đăng kí kết hôn, công nhận họ là vợ chồng, vì họ không có được bản chất của một cặp vợ chồng, đó là khác giới tính (vợ - giới tính nữ và chồng - giới tính nam) để thực hiện được sinh con với nhau. Việc 2 người đồng tính sống với nhau để yêu thương nhau, quan hệ tình dục với nhau mà không sinh con được với nhau thì không phản ánh được họ là một cặp vợ chồng mà chỉ phản ánh được họ là một cặp tình nhân. Việc chấp nhận hôn nhân đồng giới không đáp ứng được bản chất của hôn nhân là để đảm bảo quyền được nuôi dưỡng cho đứa trẻ mà một cặp vợ chồng sinh ra, do họ không sinh con được với nhau. Ngược lại, công nhận hôn nhân đồng giới dẫn đến hệ lụy là đồng tính được coi là tính dục bình thường, sẽ cổ súy cho lối sống đồng tính phát triển ảnh hưởng tới phẩm chất giới tính của xã hội dị tính, nhất là ở giới trẻ thích cái mới cái lạ, và bố mẹ đồng tính sẽ ảnh hưởng đến tính cách của đứa trẻ được nuôi dạy. Như vậy để đạt mục đích giúp cho người đồng tính không bị kì thị thì không thể bằng cách công nhận hôn nhân đồng giới mà bằng cách tuyên truyền trong xã hội tạo sự cảm thông với người không may bị đồng tính, tạo môi trường sống thân thiện cho họ bằng những hội người đồng cảm.

Vì vậy đề nghị quy định về hôn nhân là hình thức nam nữ kết hôn với nhau qua việc đăng kí kết hôn. Nhà nước không công nhận những người cùng giới tính sống chung như vợ chồng là hôn nhân.

3 - Quy định bắt buộc nam nữ khi đăng kí kết hôn phải có giấy xác nhận sức khỏe, giới tính:

Thực tế có nhiều trường hợp nam nữ che giấu tình trạng bệnh tật, giới tính của mình để lừa dối đối tượng mình kết hôn, dẫn đến hệ lụy sau khi về chung sống với nhau thì người kết hôn mới phát hiện ra bị lừa dối, phải chịu hậu quả có khi rất nặng nề mà lẽ ra họ không đáng phải chịu. Trong khi họ có quyền được biết công khai về tình trạng sức khỏe bệnh tật, giới tính của người kết hôn với mình.

Vì vậy cần có quy định về điều kiện nam nữ khi đăng kí kết hôn phải có giấy xác nhận của bênh viện chuyên môn xác nhận tình trạng sức khỏe bệnh tật, giới tính. Bệnh viện đã xác nhận phải chịu trách nhiệm về việc xác nhận của mình.

4 - Phụ nữ có thai có quyền truy trách nhiệm cha cho thai nhi khi mang thai ngoài hôn nhân :

Hiện nay tình trạng nam nữ thanh niên có quan hệ tình dục trước hôn nhân là khá phổ biến, và thường dẫn đến hệ lụy người phụ nữ có thai. Nếu phá thai thì gây hại đến sức khỏe của người phụ nữ, nếu để sinh đẻ thì thường không buộc được trách nhiệm cấp dưỡng của người nam giới đã quan hệ tình dục gây hậu quả có thai cho người phụ nữ, vì sau khi gây hậu quả có thai cho người phụ nữ thì người nam giới thường chối bỏ trách nhiệm, bỏ rơi người phụ nữ có thai.

Theo khoa học thì trẻ con có thể xét nghiệm từ khi chưa sinh ra, như vậy không có giới hạn nào về tuổi khi xét nghiệm huyết thống. Để xét nghiệm huyết thống trước khi sinh có thể dùng nước ối có chứa các tế bào của thai nhi khi thai mới 3 tháng. Xét nghiệm huyết thống có thể tiến hành với nhiều loại tế bào như mẫu máu, tế bào máu, mẫu mô, móng tay, Chân tóc, cuống rốn v.v…Các xét nghiệm sẽ có cùng độ chính xác như nhau, vì tất cả các tế bào trong cùng một cơ thể đều có cùng một loại ADN.

Vậy để đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ trong trường hợp này, cần có quy định sửa đổi bổ sung là :

“Phụ nữ khi mang thai  ngoài hôn nhân có quyền truy nhận cha cho thai nhi theo kết quả khoa học”

Đồng thời quy định thêm về chế tài bắt buộc người đã bị truy nhận làm cha phải chịu trách nhiệm cấp dưỡng phụ nữ có thai.

5 – Ghi nhận công lao sinh con cho xã hội của người phụ nữ:

Phụ nữ có thiên chức sinh con duy trì nòi giống cho xã hội loài người. Mà duy trì nòi giống luôn là nhiệm vụ quan trọng nhất của loài người. Trong quá trình mang thai và sinh đẻ để thực hiện nhiệm vụ đó thì phụ nữ dễ có nguy cơ tai biến về sản khoa, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người phụ nữ. Nhưng vì chỉ có phụ nữ mới sinh đẻ được cho nên họ phải bất chấp nguy cơ đó, đánh đổi cả sức khoẻ, tính mạng của mình mà thực hiện thiên chức sinh con của mình đối với xã hội loài người. Do đó xét về thực chất thì phụ nữ có công lao lớn trong việc duy trì nòi giống loài người. Vì vậy để đảm bảo công bằng cho người phụ nữ cũng như phản ánh đúng vai trò của họ sẽ tạo nên nhận thức đúng đắn của xã hội về giới tính nữ, nhằm thực hiện được mục tiêu bình đẳng giới dẫn đến cân bằng giới tính, cần có quy định như sau: “Nhà nước và xã hội ghi nhận công lao của phụ nữ trong việc sinh con duy trì nòi giống cho xã hội.”

6 - Phụ nữ khi sinh con có quyền hưởng tài sản chung với chồng về thừa kế:

Hiện nay khá phổ biến việc 2 vợ chồng vẫn chung sống và đã có con nhưng bố mẹ chồng khi chết chỉ di chúc cho chồng (đáng kể là bất động sản), nên được coi là tài sản riêng của người chồng mà không phải của người vợ. Đến khi 2 vợ chồng phải li hôn thì người chồng có quyền trục xuất người vợ ra khỏi nhà 2 vợ chồng đang sinh sống (do nhà của bố mẹ chồng di chúc riêng cho chồng), lại thêm lí do người chồng có nhà riêng nên được quyền nuôi con (còn người vợ không có). Như vậy người vợ phải ra đi tay trắng không nhà cửa, không con cái. Và đây cũng chính là lí do khiến nhiều người vợ phải chịu cảnh bạo hành gia đình, chịu chấp nhận chung chồng (chồng bồ bịch có vợ bé, con riêng) mà không dám phản kháng hoặc nhờ chính quyền can thiệp, vì người vợ yếu thế.

Trong khi về thực chất, khi người vợ sinh con thì con là con chung của vợ chồng, nhưng chỉ có người vợ mới có công “mang nặng đẻ đau” chịu nhiều nguy cơ tai biến sản khoa nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng để sinh được con cho cả 2 vợ chồng (mặc dù sức khoẻ của phụ nữ chỉ bằng 1/2 – 1/3 sức khoẻ nam giới). Như vậy khách quan mà nói, khi sinh con thì người vợ có công rất lớn với đứa con và với cả người chồng (“mang nặng đẻ đau” sinh con thay cho chồng). Công lao đó nhiều khi đã phải đánh đổi bằng cả sức khỏe, tính mạng của người vợ. Như vậy khi về nhà chồng thì về nghĩa vụ người vợ phải thực hiện nhiều hơn (sinh con thay cho chồng) nhưng người vợ lại không được hưởng quyền lợi như người chồng, là rất bất công.

Vậy để đảm bảo đối xử công bằng với người phụ nữ, đề nghị có quy định sửa đổi bổ sung như sau: “Khi người vợ sinh con của hai vợ chồng thì bất động sản của người chồng là bất động sản chung của vợ chồng”.

7 - Quy định chế tài buộc người đang có vợ hoặc chồng mà ngoại tình thì phải chịu trách nhiệm bồi thường về hành vi ngoại tình:

Thực tế việc nam (nữ) đang có vợ (chồng) nhưng vẫn ngoại tình đang ngày càng phổ biến. Có một nguyên nhân hiện nay là người ngoại tình không bị buộc chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị ngoại tình, trong khi người ta thường xác định vợ chồng phải có nghĩa vụ chung thủy với nhau. Khiến người bị vợ (chồng) mình ngoại tình thấy phẫn uất về tinh thần (đau đớn vì bị phản bội), thiệt hại về vật chất (chăm lo cho người bạn đời mình lại đi ngoại tình với người khác). Do không thể dựa vào pháp luật để đòi lại công bằng cho nên dẫn đến hệ quả người ta tự tìm cách giải quyết là ghen tuông trả thù nhau có khi rất nghiêm trọng (giết người, huỷ hoại nhan sắc…), gia đình tan vỡ. Trong khi hôn nhân và gia đình là đối tượng được nhà nước bảo vệ.

Như vậy khi đã xác định 2 bên (vợ - chồng) phải có nghĩa vụ (chung thủy) với nhau, thì theo nguyên tắc khi bên nào không thực hiện nghĩa vụ đó với bên kia thì phải chịu trách nhiệm bồi thường cho hành vi không thực hiện nghĩa vụ của mình gây ra cho bên kia. Vì vậy để nghĩa vụ phải được đảm bảo thực thi, bảo vệ được hôn nhân và gia đình trước nguy cơ trên, cần có quy định như sau: “Vợ chồng phải có nghĩa vụ chung thủy với nhau. Nghiêm cấm người đang có vợ có chồng mà ngoại tình. Vợ, chồng người ngoại tình có quyền khởi kiện buộc người ngoại tình là vợ, chồng mình phải chịu bồi thường tổn thất về tinh thần, vật chất cho mình theo quy định của pháp luật.

8 - Pháp luật cần nhìn nhận, đánh giá đúng bản chất của việc “mang thai hộ”:

“Mang thai hộ” theo đúng nghĩa của nó thì là hình thức chửa đẻ hộ thai nhi cho người đáng lẽ ra phải làm nhiệm vụ này. Xét về thực chất thì người phụ nữ chỉ được gọi là mẹ khi sinh ra người con theo đúng quy luật của tự nhiên: cá thể con do cá thể mẹ đẻ ra. Như vậy trách nhiệm mang nặng đẻ đau là trách nhiệm tất yếu của 1 người mẹ với 1 người con, cũng vì thế mà công ơn của người mẹ đối với người con là rất lớn, vì thực hiện trách nhiệm đó với người con mà người mẹ phải đánh đổi cả sức khỏe, tính mạng của mình.

Ai cũng biết tế bào trứng của người phụ nữ đều đặn được thải ra theo chu kì kinh nguyệt, mà không cần phải có sự gắng sức nào. Trong khi để sinh đẻ ra 1 người con, người phụ nữ phải gắng sức mang nặng đẻ đau, đối mặt với nhiều nguy cơ tai biến về sản khoa nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

Như vậy xét về công lao thì giữa 1 người đánh đổi cả tính mạng sức khỏe để mang nặng đẻ đau và 1 người chỉ góp 1 tế bào trứng thường xuyên được thải ra để cùng sinh ra 1 người con ấy, thì rõ ràng công lao của người sinh đẻ lớn hơn rất nhiều công lao của người góp 1 tế bào trứng.

Thế nhưng xét về mặt di truyền, thì do người con mang ghen di truyền của người góp tế bào trứng nên lại là con ruột của người đó, còn người chịu trách nhiệm sinh đẻ lại không phải là mẹ ruột, nhưng lại vẫn là mẹ đẻ theo đúng nghĩa mẹ đẻ ra con. Cần lưu ý không thể coi đây là mẹ nuôi vì rõ ràng người “mang thai hộ” đã phải mang nặng đẻ đau sinh đẻ như 1 người mẹ ruột đẻ ra con.

Như vậy trong trường hợp này mẹ ruột không đồng thời là mẹ đẻ.

Khách quan mà nói, thì mặc dù người con mang ghen di truyền của người góp tế bào trứng, là con ruột của người đó, nhưng công lao sinh thành ra người con hầu như chỉ thuộc về người “mang thai hộ’’ đã đánh đổi cả sức khỏe, tính mạng để mang thai sinh đẻ ra người con, trong khi người góp tế bào trứng rất dễ dàng không phải có sự gắng sức nào. Như vậy nếu đánh giá người góp tế bào trứng là mẹ đẻ, còn người mang nặng đẻ đau chỉ là “người mang thai hộ” là hoàn toàn không thỏa đáng, coi nhẹ công lao sinh đẻ của người mẹ. Rõ ràng “người mang thai hộ” đâu chỉ có “mang thai” mà còn “sinh đẻ” nữa.

Vậy ai là người xứng đáng là mẹ của người con đó ? Xét công lao, thì rõ ràng người có công mang nặng đẻ đau bất chấp nguy hiểm sức khỏe tính mạng phải xứng đáng hơn người chỉ góp 1 tế bào trứng 1 cách nhẹ nhàng.

Thế nhưng vì người con mang ghen di truyền của người góp tế bào trứng , nên vẫn phải coi người  góp tế bào trứng là mẹ ruột của người con.

Trong khi theo pháp luật Việt Nam hiện hành mẹ ruột đồng thời là mẹ đẻ, nhưng thực ra trong trường hợp này mẹ ruột lại không phải là mẹ đẻ (mẹ đẻ ra con), vì vậy thực ra mẹ ruột không thỏa đáng là mẹ đẻ. Nhưng nếu coi người mang thai hộ là mẹ đẻ (tức mẹ ruột) thì cũng không thỏa đáng.

Do vậy nếu công nhận việc mang thai hộ thì cần có quy định về mẹ ruột, mẹ đẻ trong bộ luật dân sự để cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của 2 nguời mẹ này

Xét về quyền con người, thì việc mang thai hộ là do các bên tự nguyện thỏa thuận giúp nhau, nhà nước không ngăn cản được việc các bên thoả thuận ngầm với nhau để mang thai hộ. Lưu ý ở đây chỉ quy định về việc mang thai hộ (mang ý nghĩa giúp đỡ nhân đạo), chứ không phải là đẻ thuê (mang ý nghĩa mua bán vô nhân đạo).

Như vậy nhà nước cần nhìn nhận đúng đắn bản chất, vai trò của các bên để đảm bảo công bằng về quyền lợi của các bên.

Theo đó thì cần quy định: người mang thai hộ là mẹ đẻ, còn người góp tế bào trứng là mẹ ruột, quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về quan hệ giữa mẹ và con hoặc do 2 bên tự thỏa thuận. Việc mang thai hộ chỉ được tiến hành bằng phương pháp khoa học ở các bệnh viện có chuyên môn được giao, chỉ áp dụng đối với đối tượng là cặp vợ chồng bị khuyết tật về sinh sản, nghiêm cấm áp dụng không đúng đối tượng, nghiêm cấm tiến hành ngoài bệnh viện có chuyên môn được giao.

9 - Tuổi kết hôn phù hợp với thể chất của nam và nữ, áp dụng chung cho toàn quốc:

Hiện nay nhiều nơi dân tộc thiểu số có tập tục nam nữ  lấy nhau trong độ tuổi vị thành niên, thậm chí là trẻ em. Xét về mặt khoa học, thì thực chất nam nữ (dù ở dân tộc nào cũng vậy) chỉ đủ khả năng kết hôn sinh con khi đã trưởng thành, nếu kết hôn sinh con trước tuổi trưởng thành thì sẽ  gây ảnh hưởng, có khi nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của nữ và sức khỏe trẻ em được sinh ra do mẹ chưa trưởng thành về thể chất. Mà quy định của pháp luật trong luật hôn nhân và gia đình là có chú trọng đến việc bảo vệ sức khỏe của bà mẹ và trẻ em. Như vậy pháp luật về hôn nhân và gia đình không thể chạy theo ý muốn của thiểu số những người kém hiểu biết, mà phải dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học sự phát triển sinh lí của giới tính nam và nữ. Vì vậy cần phải giữ quy định về độ tuổi kết hôn là 18 tuổi như cũ đối với nữ giới, trong mọi trường hợp người dân thiểu số tảo hôn đều là vi phạm, nhưng khi xử lí có xét đến trường hợp kém hiểu biết mà giảm nhẹ hình phạt, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thiểu số hiểu được rằng tảo hôn là gây hại cho sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, giảm chất lượng nòi giống, để dần dần chấm dứt được nạn tảo hôn vốn là mối đe dọa đến sức khỏe của bà mẹ và trẻ em.

 Phạm Mạnh Hà - Trường đại học Luật Hà Nội