Nhiều hậu họa khi đời tư bị xâm phạm
BMĐT được coi là quyền cơ bản của con người nhưng hiện nay, vấn đề này chưa được quan tâm thích đáng. Trong lúc đó, việc xâm phạm BMĐT thường để lại những hậu quả đáng buồn. Điển hình hơn cả là vụ L – sinh viên một trường trung cấp Y tại SL đã tự tử sau thời điểm những hình ảnh nhạy cảm riêng tư với bạn trai bị người cùng xóm trọ bí mật quay trộm và phát tán trên mạng. Tuy được phát hiện kịp thời và được cứu sống song trước những búa rìu dư luận, L không đủ can đảm quay lại giảng đường và phải xin bảo lưu kết quả học tập.
Nhưng có lẽ, các thông tin đời tư của những người có vị trí xã hội, nổi tiếng hoặc giàu có mới thực sự là chủ đề được dư luận quan tâm. Không ít người bị điêu đứng vì trở thành “đề tài” của một số tờ báo chạy theo xu hướng 3S (sốc - sex- sến). Cách đây vài năm, diễn viên LV viết tự truyện, trong đó kể lại mối tình “vụng trộm” của mình với nghệ sĩ X. Mặc dù không nói rõ tên của nghệ sĩ trên nhưng khi đọc truyện thì người trong giới nghệ thuật có thể biết được đó là ai. Vì vậy, một người thân của ông X đã lên báo phản hồi rất dữ dội. Tương tự, ca sĩ T tâm sự với một tờ báo rằng mình từng “vượt rào” với ca sĩ H vào năm cô ca sĩ này 17 tuổi. Ca sĩ H bức xúc lên tiếng phản đối tờ báo này đăng thông tin đời tư làm ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc hiện tại của cô. Cuộc sống của biên tập viên Đan Lê 4 năm trước đây cũng bị đảo lộn, thậm chí rơi vào bế tắc khi một tờ báo đưa tin lập lờ tên tuổi, hình ảnh của cô với một clip sex…
Một số người đã sử dụng pháp luật để bảo vệ bản thân như ca sĩ Thái Thùy Linh từng khiếu nại một tạp chí vì đã đưa đời tư của cô lên báo mà không xin phép. Hay vụ ca sĩ Hồ Ngọc Hà khiếu nại một tờ báo bởi đã thông tin sai sự thật và xâm phạm bí mật đời tư. Còn Đan Lê, sau nhiều tháng theo đuổi vụ kiện, đã buộc được tờ báo nọ cải chính, xin lỗi, bồi thường thiệt hại vật chất cũng như tinh thần. Thậm chí, từ nhiều năm trước ông Trần Tiến Đức (ngụ tại phường 10, quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh) đã được TAND hai cấp xử thắng kiện 3 đồng bị đơn là nhà báo Thủy Cúc, Báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ về hành vi xâm phạm đời tư của ông; buộc 3 đồng bị đơn phải đăng lời cải chính trên Báo Tuổi Trẻ 1 kỳ/1 bị đơn, liên đới bồi thường cho ông Đức 1,75 triệu đồng tiền tổn thất về tinh thần… Song, đa số những trường hợp bị công khai thông tin về BMĐT ít khi lên tiếng vì không muốn nói qua lại và bới thêm, hoặc có thể do chưa biết mình có quyền được pháp luật bảo vệ BMĐT và pháp luật bảo vệ quyền BMĐT đến đâu.
Sớm hoàn thiện pháp luật về quyền BMĐT
Do chưa có giải thích rõ thế nào là BMĐT nên khái niệm này có nhiều cách hiểu khác nhau. Chẳng hạn, LS Hoàng Văn Trợ (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) nêu quan điểm, những thông tin về đời tư phải hợp pháp mới được pháp luật bảo vệ. “Một người chung sống như vợ chồng với một người khác đang có vợ có chồng thì không thể được pháp luật bảo vệ vì tuy là BMĐT nhưng không hợp pháp nên sẽ không được pháp luật bảo vệ” – ông Trợ dẫn chứng. Rất nhiều nhà báo cũng cho rằng, hiện nay “lỗ hổng” pháp luật về BMĐT khiến cho ranh giới xâm phạm đời tư và thông tin phục vụ số đông đại chúng là hết sức mong manh.
Thực tế xét xử ở nước ta thì cho thấy, số lượng vụ việc xâm phạm BMĐT của cá nhân là không ít, tuy nhiên số vụ được giải quyết lại rất hạn chế. Phần vì ngay trong câu “BMĐT” đã bộc lộ, đã là chuyện “bí mật” nên rất ít người muốn ra Tòa giải quyết vì họ cho rằng như thế chỉ càng làm “to chuyện”, làm cho “bí mật” của họ lan rộng hơn, phần vì có rất nhiều thứ được họ coi là bí mật của mình song lại không thấy luật quy định.
Vì vậy, hoàn thiện pháp luật về quyền BMĐT nói riêng, quyền nhân thân nói chung là một trong những trọng tâm cần được chú ý trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự. Một ý kiến đề nghị, trong sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005 tới đây cần đưa ra một khái niệm cụ thể về BMĐT bởi đây là cơ sở để Tòa án xác định một thông tin cụ thể có được coi là BMĐT hay không. Còn trước mắt, Hội đồng thẩm phán TANDTC cần ban hành nghị quyết hướng dẫn quy định của Bộ luật Dân sự về quyền BMĐT, từ đó tiến tới việc Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự về quyền BMĐT.
Nhiều chuyên gia đồng tình với việc có những chế tài xử lý thật nghiêm khắc những thông tin đời tư quá đà, thậm chí thất thiệt. Bên cạnh đó, phải quy định rõ thông tin đời tư nào của công dân không phải là thông tin bí mật. “Ví như các cơ quan nhà nước, các cơ quan dân cử buộc phải công khai tài sản mà báo chí có thể tiếp cận được thì đương nhiên được quyền đưa tin. Hay các thông tin các cá nhân chủ động cung cấp thì không thể gọi là xâm phạm BMĐT” – nhà báo Mạnh Quân kiến nghị.
Cẩm Vân
“Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.
(Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2005) |