Về vấn đề nhập hoặc tách vụ án hình sự để điều tra được quy định tại Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự như sau:
Điều 117. Nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra
1. Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra trong cùng một vụ án những trường hợp bị can phạm nhiều tội, nhiều bị can cùng tham gia một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm quy định tại Điều 313 và Điều 314 của Bộ luật hình sự.
2. Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong những trường hợp thật cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.
3. Quyết định nhập hoặc tách vụ án hình sự phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định.
Với các quy định đó, chủ thể tiến hành nhập và tách vụ án hình sự để điều tra chính là Cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra có thể nhập vụ án hình sự để điều tra trong 3 trường hợp: 1. Bị can phạm nhiều tội; 2. Nhiều bị can cùng tham gia một tội phạm; 3. Cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm quy định tại Điều 313 và Điều 314 của Bộ luật hình sự.
Để tách vụ án hình sự để điều tra, Cơ quan điều tra cần đảm bảo đồng thời các điều kiện sau: 1. Không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm; 2. Việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.
Có thể thấy quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về việc tách vụ án hình sự để điều tra mang tính tùy nghi, mang tính định tính, dẫn đến các Cơ quan tiến hành tố tụng có thể hiểu việc nhập vụ án hình sự là hoạt động tố tụng tùy nghi, có thể nhập hoặc không nhập. Vấn đề tách vụ án hình sự cũng được quy định bằng những thuật ngữ chung chung như “thật cần thiết”, “không ảnh hưởng”…gây hiểu nhầm và không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. Ngoài ra, quyết định nhập hoặc tách vụ án hình sự phải được gửi cho Viện kiểm sát, nhưng để làm gì, phê chuẩn hay kiểm sát việc nhập, tách vụ án hình sự thì Bộ luật Tố tụng hình sự cũng chưa quy định rõ ràng.
Những quy định chưa đầy đủ và rõ ràng đó của Bộ luật Tố tụng hình sự cùng với việc chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn về vấn đề này đã dẫn đến tình trạng không thống nhất và gặp nhiều khó khăn trong thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về nhập hoặc tách vụ án hình sự để điều tra.
II. Một số vướng mặc trong thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về nhập hoặc tách vụ án hình sự để điều tra:
1. Về vấn đề nhập vụ án hình sự để điều tra, thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự có một số vấn đề sau:
Thứ nhất, trường hợp một bị can thực hiện nhiều tội phạm nhưng ở những địa bàn khác nhau do các Cơ quan điều tra khác nhau có thẩm quyền điều tra.
Đây là trường hợp một bị can thực hiện một loại tội phạm nhưng phạm tội nhiều lần và ở những địa bàn khác nhau. Cơ quan điều tra phát hiện tội phạm đầu tiên tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành tố tụng đối với vụ án đó. Tuy nhiên, các Cơ quan điều tra khác khi phát hiện tội phạm (sau) cũng tiến hành các hoạt động tố tụng tương tự. Mặc dù nhận được yêu cầu nhập vụ án hình sự để điều tra nhưng có trường hợp các Cơ quan điều tra phát hiện tội phạm (sau) cố tình không nhập vụ án mà độc lập khởi tố, điều tra vụ án đó. Cũng có trường hợp Cơ quan điều tra phát hiện tội phạm (sau) chậm trễ trong việc phối hợp để nhập vụ án hình sự, dẫn đến việc hết thời hạn điều tra và Cơ quan điều tra phát hiện tội phạm (trước) phải hoàn thiện hồ sơ, chuyển cho Viện kiểm sát để đề nghị truy tố mà không thể đợi để nhập vụ án.
Vụ án xảy tại Thành phố Hồ Chí Minh: Năm 2000, Lê Thành Trung lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại quận 7 (TP.HCM) rồi bỏ trốn nên bị Công an quận 7 truy nã. Trung trốn sang quận 3, lại lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản rồi bỏ trốn nên cũng bị Công an quận 3 truy nã. Trung trốn tiếp về Duyên Hải (Trà Vinh) rồi bị bắt vì chiếm đoạt một chiếc xe máy. Sau đó, Trung được di lý về Công an quận 7.
Các cơ quan tố tụng quận 7 đã nhiều lần thông báo cho quận 3 phối hợp nhập vụ án để giải quyết chung nhưng không được hồi đáp. Vì thế, TAND quận 7 đã đưa Trung ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phạt Trung hai năm tù. Năm 2003, vừa chấp hành án xong trở về, Trung lại bị Công an quận 3 bắt theo lệnh truy nã để điều tra về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Sau đó, Trung tiếp tục bị TAND quận 3 phạt án tù.
Một vụ án khác, khoảng 2 giờ ngày 23-11-2010, tại đường Phạm Thế Hiển, quận 8 (TP.HCM), Nguyễn Văn Minh, Phan Văn Tùng, Đinh Thanh Vũ và Trần Văn Hồi đã chặn xe máy của một phụ nữ bắt đưa tiền. Khi nạn nhân từ chối, Tùng rút dao đâm thủng yên xe thị uy, Minh và Vũ cũng rút dao kề cổ nạn nhân, làm nạn nhân sợ hãi phải vét sạch túi được 1,3 triệu đồng nộp cho chúng.
Bị Công an quận 8 bắt, bốn gã này khai nhận chỉ trong vòng 2 tiếng trước, chúng đã thực hiện liên tiếp hai vụ cướp tại một quận giáp ranh là quận 7. Cụ thể, khoảng 0 giờ ngày 23-11, chúng đã dùng dao khống chế cướp điện thoại di động của một người đàn ông. 1 tiếng sau, chúng lại dùng dao khống chế cướp 400.000 đồng của một cặp vợ chồng.
Công an quận 8 đã gửi công văn yêu cầu Công an quận 7 phối hợp điều tra. Tuy nhiên, Công an quận 7 đã không phối hợp ngay mà độc lập khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Đầu năm 2011, khi hồ sơ vụ án được chuyển sang VKSND quận 7, cơ quan này mới làm công văn chuyển hồ sơ cho Công an quận 8 để phối hợp giải quyết. Về phần mình, do trước đó phải chờ đợi quá lâu nên cơ quan điều tra Công an quận 8 đã ra quyết định từ chối nhập vụ án, tự giải quyết riêng.
Có thể khái quát các trường hợp trên như sau: A gây 2 vụ án ở 2 huyện khác nhau là B và C thuộc tỉnh H. Ở mỗi huyện này, A gây ra 1 vụ “trộm cắp tài sản”. Cơ quan điều tra huyện B khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với A về tội “trộm cắp tài sản” xảy ra ở địa phương mình. Cơ quan điều tra huyện C cũng tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với A về tội nêu trên (đối với hành vi phạm tội ở huyện C). Mặc dù được yêu cầu phối hợp nhập vụ án để điều tra, nhưng Cơ quan điều tra huyện C do nhiều lí do (chủ quan và khách quan) đã không (hoặc chậm trễ) phối hợp để nhập vụ án hình sự. Dẫn đến hết thời hạn điều tra nên Cơ quan điều tra huyện B kết thúc điều tra, đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị can A. Sau đó, huyện C tiến hành truy tố, xét xử độc lập đối với A.
Với trường hợp trên, có quan điểm cho rằng, căn cứ Điều 117 BLTTHS thì các vụ án trên phải được nhập lại để cơ quan tư pháp huyện B tiến hành điều tra, truy tố, xét xử toàn bộ các hành vi của A ở cả hai huyện. Khi đó, bị cáo A chỉ bị tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” mà không phải bị xử lý bằng 2 lần, 2 bản án sẽ không phải chịu hình phạt nặng. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự.
Cũng có ý kiến cho rằng Điều 117 BLTTHS cũng không có quy định bắt buộc phải nhập vụ án của hai địa phương khác nhau để tiến hành điều tra. Trong vụ án này, các bị can thực hiện các hành vi phạm tội độc lập ở những địa phương khác nhau, nên có thể xử lý độc lập. Việc không nhập vụ án nêu trên là không trái pháp luật.
Theo chúng tôi, việc Cơ quan điều tra không tiến hành nhập vụ án trên để điều tra là trái pháp luật. Bởi lẽ, Điều 117, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ đây là trường hợp bị can phạm nhiều tội, có thể nhập vụ án hình sự để điều tra mà không phụ thuộc vào địa bàn thực hiện tội phạm. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự. Khi nhập vụ án hình sự để điều tra, bị cáo A chỉ bị tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” mà không phải bị xử lý bằng 2 lần, 2 bản án sẽ không phải chịu hình phạt nặng. Việc quy định bắt buộc phải nhập vụ án trong trường hợp này cũng góp phần hạn chế tiêu cực trong tố tụng hình sự, tránh oan, sai trong tố tụng hình sự. Trao đổi với nhiều điều tra viên ở địa phương, có nhiều trường hợp các Cơ quan điều tra còn cố tình không nhập vụ án để điều tra nhằm tăng hình phạt đối với bị can, bị cáo (phạm tội chuyên nghiệp, lưu manh, côn đồ…). Điều này vi phạm các nguyên tắc tố tụng hình sự.
Xảy ra tình trạng có nhiều quan điểm khác nhau về việc nhập vụ án trong trường hợp này là do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định chưa chặt chẽ về trường hợp nhập vụ án nếu bị can thực hiện tội phạm ở nhiều địa bàn khác nhau. Cần phải bổ sung các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trường hợp này theo hướng quy định rõ Cơ quan điều tra nào có quyền yêu cầu Cơ quan điều tra khác nhập vụ án, thời hạn nhập vụ án, trách nhiệm đối với trường hợp chậm trễ trong việc nhập vụ án.
Thứ hai, trường hợp những bị can khác nhau phạm các tội khác nhau nhưng liên quan chặt chẽ với nhau cả về thời gian và không gian hoặc trường hợp một người vừa là bị can, vừa là người bị hại.
Trong thực tiễn tố tụng hình sự, có nhiều trường hợp các bị can khác nhau phạm các tội khác nhau nhưng các tội này lại liên quan chặt chẽ với nhau. Chẳng hạn bị can A thực hiện hành vi “cướp tài sản” để lấy tài sản đem bán cho B. A bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “cướp tài sản” được quy định tại khoản 1, Điều 133 – Bộ luật Hình sự. Cơ quan điều tra cũng khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với B về tội “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo quy định tại khoản 1 Điều 250 Bộ luật Hình sự.
Trong một trường hợp khác, tháng 5-2010, Phạm Văn Trường gặp Trương Hồng Hào ở một quán cà phê tại huyện Châu Thành (Hậu Giang). Vốn xích mích từ trước, Trường dùng ly thủy tinh đập vào đầu Hào khiến Hào bị thương tật 14%. Hào cầm một cục gạch ống ném trúng trán Trường gây thương tật 31%. Sau đó, Hào yêu cầu Công an huyện Châu Thành khởi tố Trường. Thấy vậy, Trường cũng yêu cầu công an huyện khởi tố Hào.
Mới đây, Công an huyện Châu Thành đã ra quyết định khởi tố Trường về hành vi cố ý gây thương tích. Đối với Hào, dù xác định có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích nhưng cơ quan điều tra lại lúng túng, không biết nên nhập hành vi ném gạch của Hào vào chung một vụ án với Trường để xử lý hay tách ra thành một vụ án độc lập khác.
Trong những trường hợp này, có quan điểm cho rằng: Cơ quan điều tra phải nhập vụ án hình sự để điều tra và việc nhập vụ án nêu trên là đúng pháp luật và trường hợp trên không thể xử lý độc lập. Bởi lẽ, tính liên quan ở các hành vi của các vụ án nêu trên là chặt chẽ, khăng khít nhau cả về mặt thời gian và không gian. Nếu giải quyết độc lập hai vụ án sẽ gây khó khăn, phức tạp trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử.
Ý kiến thứ hai cho rằng: Quyết định nhập vụ án nêu trên của cơ quan điều tra là trái pháp luật. Bởi vì, theo quy định tại khoản 1 Điều 117 BLTTHS thì chỉ được nhập vụ án khi cùng một vụ án những trường hợp bị can phạm nhiều tội, nhiều bị can cùng tham gia một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm quy định tại Điều 313 và Điều 314 của BLHS. Trong trường hợp thứ hai, từng bị can A, B không phạm nhiều tội; B bị khởi tố về tội “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” là độc lập với tội mà cơ quan điều tra đã khởi tố trước đó với A. Trường hợp B phạm vào tội độc lập thì chỉ nhập vụ án khi B phạm tội “che giấu tội phạm” hoặc “không tố giác tội phạm” quy định tại Điều 313, 314 BLHS.
Theo chúng tôi, trong trường hợp này nếu đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự thì rõ ràng việc nhập vụ án hình sự để điều tra là trái pháp luật. Vì rõ ràng theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự thì đây là những trường hợp “không thể” nhập vụ án hình sự để điều tra.
Trong trường hợp này có thể các vụ án có liên quan với nhau nhưng đây vẫn là những vụ án hoàn toàn độc lập cả về người phạm tội và tội phạm. Tính liên quan ở đây cũng chỉ được xác định một cách tương đối, không có căn cứ cụ thể thể xác định mức độ liên quan của những vụ án độc lập này.
Mặc dù việc tách vụ án hình sự có thể gây một số khó khăn cho hoạt động tố tụng như tốn kém công sức, lực lượng tố tụng, điều tra viên không thuận lợi trong hoạt động hỏi cung, lấy lời khai…nhưng việc không nhập vụ án là phù hợp với các quy định của pháp luật. Ngoài ra, việc không nhập vụ án trong giai đoạn điều tra cũng đảm bảo cho các Cơ quan tiến hành tố tụng khác hoạt động được thuận lợi. Rõ ràng Tòa án phải xử trường hợp trên thành 2 vụ án riêng lẻ. Không thể trong cùng một phiên tòa mà một người vừa là bị cáo, vừa là người bị hại.
2. Về vấn đề tách vụ án hình sự để điều tra, khoản 2 Điều 117 BLTTHS quy định: Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong những trường hợp thật cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án. Cũng tương tự như trường hợp nhập vụ án được nêu ở phần trên, trong thực tiễn áp dụng pháp luật vẫn còn có những tranh cãi về điều khoản này.
Trong một vụ án hình sự, 3 bị can A, B và C là đối tượng không có nghề nghiệp ổn định và nơi cư trú rõ ràng cùng thực hiện hành vi phạm tội trộm cắp tài sản. Cơ quan điều tra đã khởi tố cả ba đối tượng trên về cùng tội danh trên, trong đó A, B bị tạm giam còn C thì bỏ trốn (đã có lệnh truy nã). Khi hết thời hạn tạm giam đối với A và B (bao gồm cả thời hạn đã gia hạn), thì thời hạn điều tra vẫn còn nhưng không xác định được C đang ở đâu. Do không thể áp dụng biện pháp ngăn chặn khác đối với A và B, Cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra đề nghị truy tố A và B.
Có quan điểm cho rằng vụ án này cần tách vụ án đối với bị can C, để sau khi thời hạn điều tra đã hết mà vẫn không bắt được C thì cơ quan điều tra căn cứ Khoản 1 Điều 160 BLTTHS để ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với C.
Quan điểm thứ hai cho rằng, không thể tách hành vi của C ra thành 1 vụ án riêng. Bởi vì tách như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, vì thực tế A, B và C cùng thực hiện một hành vi phạm tội với vai trò đồng phạm tổ chức hoặc thực hành. Theo quan điểm này thì Cơ quan điều tra có thể ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với C ngay khi kết luận điều tra với A, B vì thời hạn điều tra (không tính thời hạn gia hạn) đối với C đã hết.
Theo chúng tôi, đây là trường hợp Cơ quan điều tra không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm (vì C đang trốn), và việc tách C ra để xử lý riêng cũng không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật vụ án. Do vậy, đối chiếu với quy định tại Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự, vụ án trên cần được tách ra để đảm bảo việc truy tố đối với A và B khi hết thời hạn tạm giam đối với A và B. Đồng thời, sau khi hết thời hạn điều tra vụ án mà vẫn không xác định được C đang ở đâu thì Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ vụ án theo quy định tại Điều 160 BLTTHS.
III. Hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng hình sự về nhập và tách vụ án hình sự để điều tra:
Từ những quy định chưa rõ ràng và thống nhất của Bộ luật Tố tụng hình sự về nhập, tách vụ án hình sự để điều tra cũng như từ những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng các quy định này, chúng tôi đề xuất một số vấn đề nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về nhập và tách vụ án hình sự để điều tra như sau:
Một là, tránh dùng những thuật ngữ chung chung trong quy định của điều luật quy định về nhập và tách vụ án hình sự để điều tra vì sẽ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau hoặc hiểu tùy nghi. Khoản 1 Điều 117 quy định: “Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra trong cùng một vụ án…”. Quy định này dẫn đến việc tư duy cho rằng việc nhập vụ án để điều tra là quyền, chứ không phải là nghĩa vụ của Cơ quan điều tra, và rằng đây là một quy phạm tùy nghi, Cơ quan điều tra nếu xét thấy thuận lợi cho hoạt động điều tra thì có thể nhập vụ án, không nhập cũng không sao (mặc dù thuộc các trường hợp mà khoản 1 Điều 117 quy định). Điều này dẫn đến việc áp dụng không thống nhất, mà nhiều trường hợp việc nhập hay không nhập vụ án ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 117 quy định: “Được tách vụ án trong những trường hợp thật cần thiết… và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.”. Thế nào là “trường hợp thật cần thiết” và “không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án” hoàn toàn thuộc nhận định cảm tính của từng Cơ quan tố tụng khi mà hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn. Điều này cũng dẫn đến cách áp dụng khác nhau của các Cơ quan tiến hành tố tụng.
Hai là, Bộ luật Tố tụng hình sự cần quy định rõ ràng hơn theo phương pháp liệt kê, loại trừ từng trường hợp cần tách hoặc nhập vụ án. Và cũng quy định rõ ràng là chỉ được nhập hoặc tách vụ án hình sự để điều tra trong những trường hợp đó mà thôi, tránh trường hợp các Cơ quan điều tra nhập và tách vụ án trong những trường hợp mà Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định như hiện nay.
Ba là, Bộ luật Tố tụng hình sự cần quy định rõ chủ thể tiến hành nhập, tách vụ án hình sự để điều tra trong trường hợp bị can thực hiện tội phạm ở nhiều địa bàn khác nhau theo hướng Cơ quan điều tra phát hiện tội phạm đầu tiên là Cơ quan điều tra có quyền yêu cầu các Cơ quan điều tra khác tiến hành nhập vụ án hình sự để điều tra. Việc nhập vụ án hình sự giữa các Cơ quan điều tra khác nhau phải thông qua Viện kiểm sát. Liên quan đến quy định này cần quy định rõ thời hạn nhập vụ án hình sự từ khi có yêu cầu, trình tự, thủ tục nhập vụ án hình sự…
Bốn là, quy định rõ về thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam để điều tra trong trường hợp nhập và tách vụ án hình sự để không gây bất lợi cho bị can trong quá trình điều tra vụ án hình sự.
Năm là, trong thời gian chờ Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi cần phải có một thông tư liên tịch giữa ba ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án hướng dẫn cụ thể về việc tách, nhập vụ án để áp dụng thống nhất.
Theo chúng tôi, Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự nên được sửa đổi như sau:
“Điều 117. Nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra
1. Cơ quan điều tra nhập để tiến hành điều tra trong cùng một vụ án những trường hợp bị can phạm nhiều tội, nhiều bị can cùng tham gia một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm quy định tại Điều 313 và Điều 314 của Bộ luật hình sự.
2. Cơ quan điều tra tách vụ án trong trường hợp không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm hoặc các bị can trong vụ án và việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.
3. Cơ quan điều tra đầu tiên tiến hành tố tụng đối với vụ án đó theo thẩm quyền có quyền yêu cầu các Cơ quan điều tra cùng cấp nhập vụ án để điều tra. Trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu nhập vụ án, Cơ quan điều tra nhận được yêu cầu phải tiến hành nhập vụ án.
4. Quyết định nhập hoặc tách vụ án hình sự phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định để kiểm sát việc nhập hoặc tách vụ án hình sự.”./.
Hoàng Duy Hiệp
Hoàng Duy Hiệp