Trước khi kết hôn, công chúa nhạc Pop Britney Spears đã ký với chồng chưa cưới Kevin Federline một hợp đồng hôn nhân mà trong đó ghi rõ nếu hai người chia tay thì Kevin không được đồng nào từ khối tài sản 65 triệu USD mà Britney đã kiếm được trước khi kết hôn. Một thời gian sau, hai người “đường ai nấy đi” và theo đúng hợp đồng, Kevin không lấy được đồng nào từ khối tài sản khổng lồ của vợ.
Khi ông trùm Playboy Hugh Hefner 86 tuổi, sở hữu khối tài sản lên tới 43 triệu USD, kết hôn với người mẫu Crystal Harris 26 tuổi, dư luận dấy lên nghi ngờ Crystal là người “đào mỏ’. Lập tức, Crystal đã chứng minh tình yêu của mình với người chồng lớn tuổi bằng cách tiết lộ bản hợp đồng hôn nhân giữa hai người mà trong đó ghi rõ cô không được chia bất kì tài sản nào khi chồng qua đời.
Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay, pháp luật của hầu hết các nước trên thế giới đều quy định về các chế độ tài sản khác nhau (chế độ hôn sản pháp định và chế độ hôn sản ước định). Ngay cả các nước mà trước đây theo hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa chỉ duy trì một chế độ hôn sản pháp định nay đã thừa nhận chế độ hôn sản theo thỏa thuận. Chẳng hạn, Luật Gia đình Australia, Luật Gia đình Liên bang Nga, Bộ luật Dân sự Nhật Bản, Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp, Bộ luật Dân sự và thương mại Thái Lan, Bộ luật Dân sự Campuchia... đều ghi nhận nguyên tắc vợ chồng có quyền thỏa thuận xác lập chế độ tài sản trong hôn nhân, thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn.
Pháp luật Việt Nam hiện hành chỉ thừa nhận một chế độ tài sản của vợ chồng duy nhất áp dụng chung cho tất cả các cặp vợ chồng (chế độ hôn sản pháp định). Theo ông Dương Đăng Huệ: “Đây là sự bất hợp lý rất lớn của Luật hiện hành. Quy định như vậy, một mặt, không phù hợp với nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự về quyền tự định đoạt của cá nhân về tài sản của mình, mặt khác, không đáp ứng được những nhu cầu của các cặp vợ chồng có tình trạng tài sản khác nhau”.
Ông Dương Đăng Huệ dẫn chứng nhiều trường hợp một trong hai bên vợ hoặc chồng có con riêng, có công ty riêng hoặc một trong hai bên đứng tên tài sản, bất động sản cho người khác, trong khi tỷ lệ ly hôn ngày càng có xu hướng gia tăng, nhiều vợ chồng thấy cần thiết phải có thỏa thuận về chế độ tài sản trong thời kỳ hôn nhân, nói rõ đâu là tài sản chung, đâu là tài sản riêng.
Còn ông Tưởng Duy Lượng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, thực tế giải quyết các vụ ly hôn cho thấy phụ nữ gặp rất nhiều thiệt thòi khi phân chia tài sản. Nhiều vợ chồng đưa tài sản riêng vào sử dụng chung nhưng không có thỏa thuận bằng văn bản nên khi phân chia khó xác định đâu là tài sản riêng của vợ hoặc của chồng. Nhiều người vợ ở nhà làm nội trợ, nuôi con, chồng đi làm, phần của chồng là tài sản phát sinh sau khi chia, trong khi phần của vợ đã dùng hết cho việc gia đình nên người vợ rất thiệt thòi.
Để tháo gỡ bất cập này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình bổ sung chế định hôn sản ước định, nói nôm na là vợ chồng có quyền thỏa thuận về tài sản trước khi kết hôn. Trong trường hợp vợ chồng không có thỏa thuận thì vẫn áp dụng chế độ hôn sản pháp định bình thường. Có 2 phương án cho thỏa thuận này. Phương án 1: Thỏa thuận phải được lập thành văn bản có công chứng và được cơ quan có thẩm quyền về đăng ký kết hôn ghi chú vào Sổ bộ hộ tịch và Giấy chứng nhận kết hôn hoặc sổ hộ tịch cá nhân. Phương án 2: Thỏa thuận phải được lập thành văn bản có chữ ký của hai bên (không phải công chứng) và được cơ quan có thẩm quyền về đăng ký kết hôn ghi chú vào Sổ bộ hộ tịch và Giấy chứng nhận kết hôn hoặc sổ hộ tịch cá nhân.
Vấn đề đặt ra là với quan niệm và truyền thống hôn nhân gia đình ở Việt Nam, việc người vợ hay người chồng đề nghị người còn lại lập văn bản thỏa thuận về tài sản trước khi kết hôn có khiến người kia suy nghĩ, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình?
Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình cho biết, tuy có băn khoăn về vấn đề này nhưng hầu hết ý kiến chuyên gia đều cho rằng, việc lập hôn ước trước hôn nhân là cách ứng xử công bằng và tiến bộ. Đó là cơ sở để bảo vệ tài sản riêng của từng cá nhân. Việc lập hôn ước có thể củng cố vững chắc quan hệ vợ chồng, bởi nếu hiểu rõ ràng ý kiến của nhau về tiền bạc, tài sản sẽ giúp cuộc hôn nhân lâu bền hơn. Bên cạnh đó, việc thỏa thuận tài sản trước khi kết hôn còn bảo đảm cho một cam kết hôn nhân thực sự chứ không vì hôn nhân vụ lợi. Nó làm giảm tranh chấp khi ly hôn.
Hồng Thúy