Đoàn cán bộ liên ngành của Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên dẫn đầu tham dự cuộc họp thường niên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế đã tham dự buổi Lễ Kỷ niệm nói trên.
Bài viết dưới đây xin cung cấp một số thông tin tổng quan về Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, những thành tựu mà tổ chức này đạt được trong 120 năm qua và cập nhật những vấn đề đang được thảo luận trong chương trình nghị sự của Hội nghị:
Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế là một thiết chế được hình thành từ năm 1893, theo sáng kiến của nhà luật học T.M.C. Asser (người đã được trao giải Nô-ben vì hoà bình năm 1911). Trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đã có 6 phiên họp của Hội nghị được tổ chức (vào các năm 1893, 1894, 1900, 1904, 1925 và 1928). Phiên họp thứ 7 của Hội nghị được tổ chức năm 1951 đã đánh dấu một kỷ nguyên mới, với sự ra đời của Quy chếcủa Hội nghị La Hay có hiệu lực ngày 15/7/1955, Hội nghị La Hay chính thức trở thành một tổ chức quốc tế liên Chính phủ. Kể từ năm 1956, Hội nghị định kỳ 4 năm một lần tổ chức phiên họp toàn thể. Phiên họp lần thứ 21 được tổ chức năm 2007.
Ngay từ khi thành lập, Hội nghị La Hay đã xác định tầm nhìn trong khuôn khổ hoạt động của mình bao gồm: hành động vì một thế giới trong đó các cá nhân, tổ chức mà cuộc sống và hoạt động của mình liên quan đến nhiều hệ thống pháp luật khác nhau được hưởng mức độ an toàn pháp lý cao; thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp một cách có trật tự và hiệu quả, quản trị tốt và pháp quyền, trong khi vẫn tôn trọng sự đa dạng của các truyền thống pháp luật.
Cùng với tầm nhìn trên, Hội nghị La Hay cũng đồng thời mang các sứ mệnh:
Thứ nhất, Hội nghị La Hay là một diễn đàn để các quốc gia thành viên xây dựng và thực hiện những quy tắc chung của tư pháp quốc tế nhằm điều phối mối quan hệ giữa các hệ thống tư pháp khác nhau trong bối cảnh quốc tế.
Thứ hai, thúc đẩy hợp tác tư pháp và hành chính trong lĩnh vực bảo vệ gia đình và trẻ em, thủ tục tố tụng dân sự và pháp luật thương mại.
Thứ ba, cung cấp dịch vụ pháp lý đạt tiêu chuẩn cao và trợ giúp kỹ thuật vì lợi ích của các quốc gia thành viên và các quốc gia ký kết các Công ước La Hay, cán bộ chính phủ, ngành tư pháp và những người hành nghề luật của những nước đó.
Thứ tư, cung cấp thông tin chất lượng cao và dễ tiếp cận cho các quốc gia thành viên và các quốc gia ký kết các Công ước La Hay, cán bộ chính phủ, ngành tư pháp, những người hành nghề luật và công chúng nói chung.
Để thực hiện các sứ mệnh của mình, Hội nghị La Hay được tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc được quy định trong Quy chế của Hội nghị La Hay có hiệu lực ngày 15/7/1955 và được sửa đổi ngày 01/01/2007. Hội nghị La Hay bao gồm các cơ quan chính sau:
- Các phiên họp toàn thể: Phiên họp toàn thể về nguyên tắc được họp 4 năm một lần để thảo luận và thông qua các dự thảo Công ước (đôi khi là các khuyến nghị) do các Ủy ban đặc biệt đề xuất và ra quyết định về các vấn đề được đưa vào chương trình nghị sự của Phiên họp. Đại diện tham gia Phiên họp toàn thể gồm phái đoàn của các nước thành viên, các quan sát viên.
- Ủy ban Tư pháp quốc tế thường trực của Chính phủ Hà Lan: Ủy ban này do Chính phủ Hà Lan thành lập vào năm 1897. Ủy ban này có nhiệm vụ tham vấn các thành viên về ngày của Phiên họp Ngoại giao và chủ trì các Phiên họp Ngoại giao. Hội đồng Thường vụ và chính sách nằm trong Ủy ban này có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các Công ước của Hội nghị La Hay.
- Ủy ban Thường vụ và chính sách: họp định kỳ hàng năm vào tháng 4. Ủy ban có trách nhiệm về các hoạt động của Hội nghị La Hay, rà soát và quyết định mọi đề xuất về chương trình nghị sự của Hội nghị La Hay do các thành viên, các tổ chức quốc tế hay Ban thường trực đưa ra. Ủy ban này bao gồm các chuyên gia giỏi về tư pháp quốc tế do các nước thành viên cử.
- Các Ủy ban Đặc biệt bao gồm các chuyên gia giỏi của các nước thành viên hoặc quan sát viên từ các quốc gia quan tâm khác và các tổ chức quốc tế có nhiệm vụ soạn thảo Công ước mới -Ủy ban các Đại diện ngoại giao: bao gồm đại diện ngoại giao của mỗi nước thành viên. Ủy ban này họp định kỳ hàng năm vào tháng 7 để thông qua Ngân sách thường kỳ và hàng năm của Hội nghị La Hay
- Ban Thường trực được tổ chức hết sức gọn nhẹ gồm có 01 Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký và 4 nhà ngoại giao và luật sư khác, có nhiệm vụ thực hiện các nghiên cứu theo yêu cầu của Phiên họp toàn thể, chuẩn bị tổ chức cho các phiên họp, làm thư ký cho các cuộc họp của Hội nghị và làm nhiệm vụ liên lạc với các Cơ quan đầu mối quốc gia.
Điểm lại 120 năm hoạt động, có thể thấy Hội nghị La Hay đã có những đóng góp rất đáng kể vào việc xây dựng và phát triển một hệ thống điều ước quốc tế về tư pháp quốc tế, mở rộng tầm ảnh hưởng không chỉ trong phạm vi Châu Âu mà sang tất cả các khu vực khác trên thế giới.
Hội nghị đã thành lập một văn phòng đại diện cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, văn phòng đại diện tại khu vực Châu Mỹ La Tinh và dự kiến một văn phòng đại diện tại khu vực Châu Phi cũng sớm được mở tại Cai-rô, Ai cập. Hiện nay, tổ chức này gồm 72 thành viên từ mọi châu lục. Một điều đáng chú ý là kể từ năm 2000, số lượng thành viên tham gia Hội nghị đã tăng lên gần gấp đôi. Chỉ tính riêng khu vực Châu Á, số lượng các quốc gia trở thành thành viên của Hội nghị đã lên tới 24 quốc gia. Một số nước ASEAN đã trở thành thành viên của Hội nghị như Phi-líp-pin, Ma-lai-xia hoặc đang có xu hướng gia nhập Hội nghị như In-đô-nê-xia. Việt Nam cũng đã hoàn tất mọi thủ tục trong nước để chính thức trở thành thành viên của Hội nghị (dự kiến Việt Nam sẽ nộp lưu chiểu văn kiện chấp nhận Quy chế Hội nghị vào ngày mai, 10/4/2013 tại Phiên họp của Hội đồng chính sách và các vấn đề chung).
Từ năm 1893 - 1904, Hội nghị đã thông qua 07 Công ước đa phương. Tuy nhiên, 7 Công ước này về sau đã được thay thế bằng những văn bản pháp lý hiện đại hơn.
Trong giai đoạn 1951-2008, Hội nghị đã thông qua 38 Công ước và 01 Quy chế. Trước năm 1960, các Công ước chỉ được soạn thảo bằng tiếng Pháp nhưng sau đó các Công ước đã được xây dựng bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh.
Các Công ước của Hội nghị tập trung chính vào giải quyết 3 nhóm lĩnh vực của tư pháp quốc tế là: 1) Bảo vệ trẻ em, hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài, các quan hệ về tài sản gia đình; 2) Hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tố tụng; và 3) Luật thương mại quốc tế và tài chính quốc tế.
Các Công ước của Hội nghị được nhiều nước tham gia nhiều nhất đến nay là: Công ước miễn hợp pháp hóa giấy tờ công (Apostille); Công ước Tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp; Công ước Thu thập chứng cứ ở nước ngoài; Công ước Tiếp cận công lý; Công ước về Bắt cóc trẻ em trên phạm vi quốc tế; Công ước Con nuôi quốc tế; Công ước Xung đột pháp luật liên quan tới việc định đoạt tài sản theo di chúc; Công ước Các nghĩa vụ cấp dưỡng; Công ước về Công nhận ly hôn.
Trong giai đoạn hiện nay, Hội nghị đang tập trung soạn thảo các quy định pháp lý quốc tế và tăng cường giám sát thực thi ở một số nhóm vấn đề chính như sau:
Lựa chọn luật trong các hợp đồng quốc tế: Một nhóm chuyên gia hàng đầu về tư pháp quốc tế của các nước đã được thành lập để xây dựng các nguyên tắc của La Hay cho việc lựa chọn luật trong hợp đồng quốc tế. Quy định này của La Hay nhằm đưa ra những nguyên tắc chung liên quan tới việc lựa chọn luật trong các hợp đồng thương mại quốc tế, khẳng định một nguyên tắc về quyền tự chủ của các bên tham gia với những ngoại lệ hạn chế. Những nguyên tắc chung này có thể được sử dụng như một hình mẫu cho các công cụ pháp lý quốc tế trong nước, khu vực, đa khu vực và toàn cầu. Theo kế hoạch, dự thảo cuối cùng và bản bình luận về các nguyên tắc này cũng sẽ được hoàn thành để trình lên Hội đồng các vấn đề chung và chính sách phê chuẩn vào năm 2014.
Thi hành Công ước bắt cóc trẻ em năm 1980 và Công ước bảo vệ trẻ em năm 1996: Để đánh giá thực tiễn thi hành hai công ước này, năm 2012 Hội đồng các vấn đề chung và chính sách đã thành lập nhóm chuyên gia và nhóm công tác. Nhóm chuyên gia tiến hành nghiên cứu về công nhận và cho thi hành ở nước ngoài các thỏa thuận của bố mẹ trong tranh chấp về nuôi con quốc tế. Nhiệm vụ này bao gồm việc xác định bản chất, mức độ của các vấn đề và vấn đề pháp lý trong lĩnh vực này bao gồm: thẩm quyền. đánh giá về lợi ích của việc ban hành công cụ pháp lý mới cũng như có nên xây dựng nghĩa vụ ràng buộc hay tùy nghi. Nhóm thứ hai là Nhóm công tác bao gồm các thẩm phán, cơ quan trung ương, các chuyên gia xây dựng hướng dẫn về thực tiễn giải thích và áp dụng Điều 13(1)b của Công ước bắt cóc trẻ em.
Công nhận và thi hành phán quyết của Tòa án nước ngoài: Một nhóm chuyên gia đã được thành lập để đưa ra đề xuất về việc các công cụ điều chỉnh trong lĩnh vực công nhận và cho thi hành phán quyết, nhiệm vụ của nhóm chuyên gia cũng bao gồm việc nghiên cứu tính khả thi của việc gắn kết các quy định về công nhận và cho thi hành phán quyết với vấn đề về thẩm quyền. Hội đồng cũng đã cân nhắc những kết luận và đề xuất của nhóm chuyên gia này và quyết định sẽ tiếp tục nghiên cứu.
Một số những chủ đề được quan tâm khác: Áp dụng một số kỹ thuật của tư pháp quốc tế tới các khía cạnh của di cư quốc tế; Các vấn đề của tư pháp quốc tế liên quan tới vị trí của trẻ em bao gồm các vấn đề phát sinh từ thỏa thuận đẻ thuê quốc tế; Công nhận và thi hành các lệnh bảo hộ dân sự nước ngoài; Vấn đề về tư pháp quốc quốc tế được đặt ra trong xã hội thông tin bao gồm thương mại điện tử, tư pháp điện tử và bảo vệ số liệu; Thẩm quyền và công nhận thi hành các quyết định liên quan tới thừa kế; Thẩm quyền, luật áp dụng, công nhận và cho thi hành phán quyết đối với các cặp vợ chồng chưa kết hôn
Để thúc đẩy hợp tác quốc tế và tăng cường sự phối hợp của các tổ chức quốc tế khác trong những vấn đề tương đồng, Hội nghị La Hay cũng thường xuyên duy trì quan hệ chặt chẽ với một số tổ chức quốc tế, bao gồm Liên hợp quốc, đặc biệt là Ủy ban về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) , UNICEF, Uỷ ban về quyền trẻ em (CRC) và Ủy viên cao về người tị nạn (UNHCR) - Hội đồng Châu Âu, Liên minh châu Âu, Tổ chức các nước châu Mỹ, Ban Thư ký Khối thịnh vượng chung, Tổ chức tư vấn pháp lý Á-Phi (AALCO), Viện quốc tế về thống nhất Luật tư (UNIDROIT). Một số tổ chức phi chính phủ, chẳng hạn như Tổ chức dịch vụ xã hội quốc tế, Hiệp hội quốc tế về Luật Gia Đình, Phòng Thương mại quốc tế, Hiệp hội Luật sư Quốc tế, Liên minh quốc tế của Công chứng viên Latin, và Liên minh quốc tế cảnh sát trưởng và cán bộ tư pháp, trong số những người khác cũng có quan hệ chặt chẽ với Ban thường trực và thường xuyên gửi quan sát viên tham dự các cuộc họp Hội nghị La Hay. Để xây dựng các Công ước mới, cũng như giám sát việc thực thi các Công ước hiện đang có hiệu lực, Ban thường trực cũng thường thu hút sự tham gia của các tổ chức chuyên môn về các cấn đề cụ thể .
Quá trình soạn thảo và thực thi các Công ước của Hội nghị đã thu hút được một đội ngũ các chuyên gia pháp luật hàng đầu về tư pháp quốc tế của nhiều quốc gia thuộc mọi châu lục từ các truyền thống pháp luật khác nhau tham gia. Chính vì vậy, rất nhiều Công ước của Hội nghị La Hay đang là công cụ pháp luật hữu hiệu điều chỉnh những vấn đề về dân sự và thương mại có yếu tố nước ngoài của nhiều hệ thống pháp luật khác nhau trên thế giới. Thông qua đó, Hội nghị đã trực tiếp góp phần xây dựng và thực hiện những quy tắc chung của tư pháp quốc tế nhằm điều phối mối quan hệ giữa các hệ thống tư pháp khác nhau, góp phần thúc đẩy hợp tác tư pháp và hành chính trong lĩnh vực bảo vệ gia đình và trẻ em, thủ tục tố tụng dân sự và pháp luật thương mại trong bối cảnh quốc tế.
Các thông tin về Phiên họp thường niên của Hội đồng Chính sách và các vấn đề chung của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế trong các ngày tới, từ 9-11/4 sẽ tiếp tục được cập nhật từ La Hay.
Vụ Hợp tác quốc tế gửi tin từ La Hay, Hà Lan