Nhân rộng mô hình “một cửa” tại Tòa án để tăng khả năng tiếp cận công lý cho người dân

02/04/2013
Một trong những thành quả nổi bật mà Dự án phát triển tư pháp và sự tham gia của cơ sở - Dự án JUDGE (do Chính phủ Canada tài trợ, Bộ Tư pháp và TANDTC thực hiện) đã đạt được là thành lập và triển khai Bộ phận hành chính tư pháp tại Tòa án theo mô hình “một cửa” ở TAND ba tỉnh Hưng Yên, Thừa Thiên – Huế và Vĩnh Long. Mô hình “một cửa” đã mang lại những thay đổi tích cực trong nội bộ mỗi Tòa án thực hiện thí điểm và ấn tượng hơn cả là tăng cường khả năng tiếp cận công lý cho nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Giảm nhiêu khê, tốn kém

Theo Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) và Nghị quyết số 02/2006/HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì thủ tục công tác hành chính tạm được khái quát như sau: Tòa án chỉ chấp nhận khi đơn khởi kiện được làm bằng văn bản và gồm có các nội dung được quy định tại Điều 164 BLTTDS. Tòa án phải có Sổ nhận đơn để ghi ngày tháng năm nhận đơn của đương sự làm căn cứ xác định ngày khởi kiện và thời hiệu khởi kiện.

Sau khi nhận đơn khởi kiện, Tòa án phải cấp Giấy nhận đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu Tòa án nhận đơn khởi kiện gửi qua đường bưu điện thì Tòa án gửi giấy báo nhận đơn khởi kiện để thông báo cho người khởi kiện biết. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn khởi kiện, Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện phải có một trong các quyết định (thụ lý, trả lại đơn kiện hay chuyển đơn kiện).

Tuy nhiên, trên thực tế TANDTC không có một quy định cụ thể nào về quy trình thủ tục hành chính tư pháp hay quy trình công tác hành chính của cơ quan Tòa án. BLTTDS có điều khoản quy định việc tiếp nhận đơn là do Tòa án nhưng xem xét để thụ lý vụ án lại là do thẩm phán, trong khi không có quy định cụ thể trách nhiệm của thẩm phán, thư ký Tòa và cán bộ Tòa án khác tham gia vào quá trình nhận đơn và xử lý đơn. Đấy là chưa kể những trường hợp người tiếp nhận cố tình không cấp “giấy hẹn”, “giấy nhận đơn khởi kiện” và không ghi nhận việc nộp đơn vào Sổ nhận đơn. Không những thế, việc phần lớn các Tòa phân công thẩm phán xem xét hồ sơ có đủ điều kiện thụ lý hay không đồng thời sẽ là thẩm phán giải quyết vụ kiện sau này theo kiểu “khép kín”, dường như tạo cơ hội cho tiêu cực nảy sinh trong hoạt động tư pháp.

Quy trình chưa rõ ràng như trên cũng đã gây nhiều tốn kém cho công tác hành chính tư pháp cho bản thân các Tòa án và người dân. Báo cáo đánh giá độc lập của Luật sư Nguyễn Hưng Quang (Giám đốc Công ty NHQuang và Cộng sự) cho biết, khái toán chi phí tuân thủ cho công tác hành chính tư pháp cho mỗi đơn khởi kiện được nộp tới Tòa của ngành Tòa án là hơn 486 nghìn đồng; của người dân hơn 295 nghìn đồng. Tính chung khái toán chi phí tuân thủ cho công tác hành chính tư pháp với 208.466 vụ việc dân sự năm 2011 của ngành Tòa án (như tiền điện, nước, giấy in, khấu hao trang thiết bị) lên tới trên 101 tỷ đồng; của người dân (không bao gồm chi phí luật sư, án phí…) thì xấp xỉ 62 tỷ đồng.

Tạo thuận lợi tối đa cho người dân

Nghị quyết 49/NQ-TW đã đề ra mục tiêu “thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 phù hợp với quá trình đổi mới công tác lập pháp và chương trình cải cách hành chính”. Triển khai mục tiêu này, TANDTC đã có nhiều hoạt động nghiên cứu, từng bước thực hiện đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án theo hướng công khai, đơn giản, thuận tiện để người dân dễ dàng thực hiện quyền khởi kiện của họ trước Tòa án, người dân khởi kiện ở một Tòa án, Tòa án có trách nhiệm xác định thẩm quyền giải quyết thuộc cơ quan nào để chuyển hồ sơ và thông báo cho người khởi kiện biết; công khai hoá thủ tục tiếp cận hồ sơ, cung cấp tài liệu, thông tin, trích lục bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật.

Tại các Tòa án địa phương, ở TAND TP.Hồ Chí Minh đã thực hiện mô hình “tổ hành chính tư pháp” từ năm 1997 và hoạt động có hiệu quả cho đến nay. TAND tỉnh Bình Dương thì chuẩn hóa toàn bộ các quy trình thụ lý, áp dụng phương pháp đánh giá ISO 9001:2000.

Rút kinh nghiệm của một số mô hình trên, Dự án JUDGE đã triển khai thí điểm cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại TAND tỉnh Vĩnh Long, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế và TAND tỉnh Hưng Yên với 3 tiêu chí rõ ràng là Tòa án phải dễ dàng tiếp cận và phục vụ nhân dân; Tòa án phải hoạt động có hiệu quả và hữu ích; chất lượng hoạt động của Tòa án được cải thiện. Theo đó, 8 chỉ tiêu công việc mà các Tòa tỉnh thí điểm cần phải đạt được để có thể cải cách được công tác hành chính tư pháp, bao gồm: cải tiến công tác tiếp nhận toàn bộ đơn khởi kiện; cải tiến công tác tiếp dân tại Tòa án; cải tiến công tác tiếp nhận thư và thư từ giao dịch của Tòa án; xây dựng hệ thống lưu trữ của Tòa án; Chánh án phân công án cho thẩm phán và theo dõi công việc của thẩm phán để đảm bảo các vụ án tuân thủ yêu cầu tố tụng, xác định trách nhiệm và chức năng rõ ràng; cung cấp bản án; cải tiến quy trình và phương thức công khai lịch làm việc tại Tòa án.

Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Long Lý Khánh Hồng cho biết, qua khảo sát về hiệu quả hoạt động cải cách hành chính tư pháp tại các Tòa án thí điểm, những thay đổi của việc cải cách thủ tục hành chính đã giúp chi phí tuân thủ của ngành Tòa án và mức chi phí tuân thủ cho người dân giảm đi phân nửa. Các mức giảm tương ứng tại TAND tỉnh Hưng Yên là 62% và 51%, ở TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế là 62% và 50%, tại TAND tỉnh Vĩnh Long là 63% và 50%. “Đây là hiệu quả thiết thực được đánh giá một cách khách quan” - ông Hồng chia sẻ và bày tỏ mong muốn Dự án tiếp tục duy trì, phát triển để người dân có cơ hội tiếp cận được những dịch vụ pháp lý tốt nhất tại các Tòa án thí điểm.

Phó Chánh án TANDTC Đặng Quang Phương nhận định, hoạt động thí điểm đem lại cho các Tòa án kiến thức, kinh nghiệm, cách thức tổ chức và tiến hành việc cải cách hành chính tư pháp tại Tòa án – vốn là một nhiệm vụ quan trọng hiện nay của ngành TAND, đồng thời góp phần làm cho hoạt động của Tòa án minh bạch và dễ tiếp cận hơn với người dân. Ông Phương cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình này, tiến tới nhân rộng tại các Tòa án trên toàn quốc.

Cẩm Vân

Nhìn lại quá trình gần 6 năm thực hiện Dự án JUDGE, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đánh giá, Dự án đã góp phần hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nâng cao năng lực trong lĩnh vực tư pháp nhằm tăng cường tính minh bạch, tính chịu trách nhiệm trong quản lý nhà nước. Đồng thời, Dự án đã có những đóng góp nhất định để hỗ trợ nâng cao năng lực của các cán bộ pháp luật trong việc bảo đảm thực thi các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, phát huy một cách hữu hiệu và và đảm bảo công bằng hơn cho mọi người dân, đặc biệt là người dân ở cấp cơ sở.

Về phía TANDTC, Phó Chánh án Đặng Quang Phương khẳng định, thành công của Dự án đã hỗ trợ tích cực cho ngành Tòa án Việt Nam trong công cuộc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo định hướng của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng lực cho ngành Tòa án. “Các hoạt động của Dự án trong những năm qua không chỉ mang lại những kết quả trước mắt, mà những kết quả này cùng những ý tưởng và tinh thần của Dự án sẽ có ảnh hưởng lâu dài, bền vững đến công cuộc cải cách và phát triển nền tư pháp tại Việt Nam”, ông Phương nhấn mạnh.