Một trong những mục tiêu của dự án Luật Tiếp công dân theo Chính phủ là "xây dựng cơ chế hữu hiệu, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh một cách đầy đủ, công khai và minh bạch", tuy nhiên với dự thảo Luật được trình ra UBTVQH nhiều ý kiến cho rằng còn chưa rõ, chồng lấn.
Quan trọng là hướng dẫn dân đến đúng địa chỉ
Đồng tình về sự cần thiết phải ban hành Luật Tiếp cận công dân, tuy nhiên theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thì "nhiều ý kiến băn khoăn và cho rằng dự thảo Luật Tiếp công dân thực tế mới chỉ pháp điển hóa một phần các quy định hiện có về công tác tiếp công dân (chủ yếu là việc tiếp công dân tại các cơ quan hành chính nhà nước). Nhiều quy định trong dự thảo Luật chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới một cách toàn diện về tổ chức và hoạt động tiếp công dân... Với những quy định như vậy khó có thể khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác tổ chức tiếp công dân hiện nay".
Ngay từ phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng "chưa phù hợp, chưa bao quát hết các vấn đề cần quy định, chưa làm rõ được nội dung cơ bản của hoạt động tiếp công dân".
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đồng tình "phạm vi điều chỉnh của dự thảo cần bao quát tất cả", tuy nhiên theo bà Mai "nếu quy định như vậy thì phải chia thành từng nhóm các cơ quan theo chức năng nhiệm vụ". Cụ thể, nên chia ra hai nhóm, nhóm tiếp công dân đến khiếu nại tố cáo liên quan đến quyết định hành chính và hành vi hành chính, nhóm thứ hai là các khiếu nại tố cáo khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh "Cần làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh, phải khẳng định Luật Tiếp công dân là văn bản pháp lý cao nhất về tiếp công dân ở Việt Nam".
Dẫn ra nhiều vụ việc khiếu nại được gửi thẳng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, mà không theo bất cứ trình tự nào, gây tình trạng lộn xộn, phức tạp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện băn khoăn "mục đích của Luật không chỉ là lắng nghe, tiếp nhận phản ánh... mà quan trọng là phải hướng dẫn dân đến đúng địa chỉ".
Bên cạnh đó, cũng theo Ủy ban Pháp luật quy định như dự thảo là không toàn diện vì công tác tiếp công dân là công việc thường xuyên của hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Đồng thời, việc giao Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước... quy định riêng về việc tiếp công dân trong cơ quan, tổ chức mình thì sẽ tiếp tục tạo ra sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong công tác này.
Rõ hơn thẩm quyền của cả TW và địa phương
Để nâng cao hiệu quả của việc tiếp dân, theo Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền "Cần xác định rõ trách nhiệm cơ quan tổ chức cá nhân trong tiếp công dân, kể cả trách nhiệm của người dân trong việc kiến nghị, phản ánh". Ông Hiền cũng cho rằng, địa điểm tiếp dân cũng cần phải chỉ rõ để tránh tình trạng do không biết nên dân cứ đến cơ quan nhà nước không có thẩm quyền, gây áp lực cho các cơ quan này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ hơn địa vị pháp lý và thẩm quyền của cơ quan hành pháp; địa vị pháp lý và thẩm quyền của trụ sở tiếp công dân, của UBND, Chủ tịch UBND.
Riêng về tiếp công dân của Quốc hội, đây vừa là mối quan hệ của Quốc hội với cử tri đồng thời cũng là thực hiện chức năng giám sát thông qua tiếp nhận phản ánh của dân, Phó Chủ tịch gợi ý "Ta chuẩn bị có Luật Giám sát thì việc Quốc hội thực hiện chức năng giám sát tối cao như thế nào sẽ do luật định, tránh tình trạng "nhầm vai".
Liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân, Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp công dân trong dự thảo Luật này. Bên cạnh trách nhiệm của người đứng đầu cũng cần bổ sung quy định về những trường hợp được ủy quyền tiếp công dân và trách nhiệm của người được ủy quyền.
Để đảm bảo chất lượng dự luật trước khi trình ra Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu "phải đánh giá tác động của dự án Luật, xem sau khi có luật công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo sẽ có chuyển biến thế nào, kết quả cao hơn không, làm luật phải đạt mục tiêu đó"
Thu Hằng