Công chứng: thói quen ổn định trong phần lớn dân cư
Khi được hỏi về giá trị của công chứng đối với các giao dịch về quyền sử dụng đất, các luật sư, các công chứng viên đều cho rằng, hoạt động công chứng trong những năm qua đã góp phần đưa các giao dịch có liên quan đến bất động sản đi vào trật tự. Việc xác lập hợp đồng, giao dịch có công chứng, chứng thực đã trở thành thói quen ổn định trong phần lớn dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuẩn hoá hồ sơ đăng ký sang tên quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận, phòng ngừa rủi ro và hạn chế tranh chấp. Qua việc công chứng hợp đồng, giao dịch, kiến thức pháp luật về đất đai, nhà ở và ý thức tuân thủ pháp luật khi giao kết hợp đồng của người dân được nâng lên một cách rõ rệt, điều đó rất có lợi cho công tác quản lý và cho chính các bên tham gia giao dịch.
Các ý kiến cũng cho rằng, công chứng từ trước đến nay đang đóng vai trò là thiết chế quản lý các hợp đồng, giao dịch, đặc biệt là các hợp đồng, giao dịch có liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, cho ra đời và chứng nhận tính xác thực và hợp pháp của những văn bản có giá trị thi hành, không chỉ đối với các bên giao kết, mà còn đối với các bên có liên quan khác. Qua đó, Nhà nước có thể kiểm tra, giám sát, điều tiết một cách khách quan, công minh và hiệu quả những hợp đồng, giao dịch này.
Trong điều kiện hiện nay, ý thức chấp hành pháp luật của đa số người dân còn thấp, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, còn nhiều bất cập, chồng chéo, hiệu lực chưa cao, khả năng "hậu kiểm” của các cơ quan chức năng còn cần phải tiếp tục kiện toàn thì những hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất không thể buông cho các bên tự ý quyết định mà cần được quản lý hết sức chặt chẽ.
Bỏ công chứng: rủi ro chờ trước mặt
Rất ngạc nhiên với phương án để người dân tự quyết có công chứng hay không công chứng các giao dịch về quyền sử dụng đất, bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đặt câu hỏi không biết tại sao Ban soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lại đề xuất quy định này trong khi không có một báo cáo đánh giá tác động xem quy định hiện hành có ưu, nhược điểm gì, vì sao phải thay đổi. “Phải có đánh giá tác động cụ thể rồi mới bàn đến việc có bỏ hay không bỏ quy định bắt buộc phải công chứng các giao dịch về quyền sử dụng đất” – bà Đỗ Hoàng Yến đề nghị.
Cùng quan điểm cho rằng việc công chứng các giao dịch về quyền sử dụng đất là cần thiết để đảm bảo an toàn pháp lý cho việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, ông Trần Công Trục, Trưởng VPCC Đông Đô nhận định: "Các giao dịch về nhà đất có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế nên nếu lược bỏ đi bất kỳ một thủ tục, trình tự, điều kiện nào hiện có thì chỉ có thể làm cho tình trạng tranh chấp về đất đai, nhà ở vốn đã rất phức tạp càng thêm phức tạp hơn, gây nguy hại to lớn đến an sinh xã hội và sự phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế”.
Về ý tưởng bỏ công chứng để giảm bớt chi phí cho người dân, ông Tuấn Đạo Thanh, Trưởng phòng Công chứng số 1 Hà Nội cho rằng đó là một ý tưởng thiếu thực tế bởi văn bản công chứng có giá trị pháp lý không cần phải chứng minh. Vì vậy nếu các giao dịch đã qua công chứng thì khi có tranh chấp đưa ra Tòa giải quyết, Tòa án cũng không cần phải làm hàng loạt các thao tác như trưng cầu xem chữ ký đó có phải của người đó không, có đủ năng lực hành vi dân sự không, có lừa đảo không. Ông Tuấn Đạo Thanh khẳng định: “Nếu tranh chấp mà chỉ có giấy viết tay thì Tòa án sẽ mất rất nhiều thời gian để tiến hành xác minh, khi ấy, chi phí bỏ ra giải quyết tranh chấp còn lớn hơn nhiều so với chi phí phòng ngừa (lập văn bản công chứng)”.
Rõ ràng, trong điều kiện của nước ta hiện nay, công chứng là một thiết chế quan trọng giúp nhà nước quản lý thị trường bất động sản theo hướng minh bạch hơn, ổn định hơn. Người dân cũng yên tâm hơn khi có công chứng “gác cửa” về mặt pháp lý. Bởi vậy, không quá khó để lựa chọn phương án cho vấn đề này khi Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội thứ 5 tới.
Lan Phương