Tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quan hệ công chúng của Văn phòng Bộ để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp

25/01/2013

1. Thực tiễn và yêu cầu thực hiện công tác quan hệ công chúng của Văn phòng Bộ Tư pháp

Hoạt động quan hệ công chúng (PR) là hoạt động nhằm tăng cường khả năng giao tiếp, hiểu biết; thiết lập và duy trì mối quan hệ, sự thiện cảm và tín nhiệm giữa một tổ chức và công chúng (những đối tượng mà tổ chức hướng tới), qua đó, tạo nên điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho việc thực hiện tốt các mục tiêu của tổ chức. Công tác quan hệ công chúng, do đó đang được đặt ra như một nhu cầu, là biện pháp, cách thức cần thiết và quan trọng để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chính trị đối với các cơ quan hành chính nhà nước trong việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Đối với Bộ, ngành Tư pháp, công tác quan hệ công chúng càng có vai trò quan trọng bởi những lý do sau:

Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức thuộc ngành Tư pháp tại các Bộ, ngành và địa phương là các cơ quan nòng cốt của Chính phủ và chính quyền địa phương trong hoạt động xây dựng pháp luật, thể chế, chính sách; tổ chức, chỉ đạo thực thi và theo dõi, kiểm tra việc thực thi chính sách, pháp luật; thực hiện các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật. Công tác tư pháp bảo đảm việc thể chế hóa và đưa các quan điểm, chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, phát huy tính dân chủ xã hội, bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Bộ Tư pháp còn là cơ quan tham mưu, tư vấn quan trọng của Chính phủ trong việc giải quyết các vụ việc, vấn đề pháp lý có yếu tố nước ngoài liên quan đến Nhà nước Việt Nam. Trong hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp có nhiều lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích cơ bản của công dân, là cơ sở để thực hiện các quyền dân sự, kinh tế, chính trị khác (như quốc tịch, hộ tịch, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, phổ biến giáo dục pháp luật…); các lĩnh vực liên quan trực tiếp hoặc hỗ trợ quan trọng cho hoạt động tố tụng (như giám định tư pháp, luật sư, trợ giúp pháp lý, công chứng, trọng tài thương mại, hòa giải ở cơ sở…). Trước yêu cầu đẩy mạnh việc cải cách hành chính, cải cách tư pháp, mở rộng và phát huy dân chủ ở cơ sở; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hội nhập quốc tế, các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp đang được tăng cường, mở rộng; tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của Bộ, Ngành không ngừng được củng cố, kiện toàn và phát triển. Công tác tư pháp ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội và nâng cao vị thế đối ngoại của đất nước. Vai trò của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ngày càng được khẳng định, đề cao. Công tác mà Bộ, Ngành đang đảm nhiệm có nhiều nhiệm vụ là trọng trách, nhiều nhiệm vụ mới, nặng nề, khó khăn, phức tạp (như xây dựng thể chế, chính sách; theo dõi, kiểm tra thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, bồi thường nhà nước, lý lịch tư pháp, kiểm soát thủ tục hành chính...vv)  

Xuất phát từ đặc trưng chức năng, nhiệm vụ nêu trên, hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp có sự giao thoa giữa việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong việc tổ chức và thực hiện quyền lực của Nhà nước; phạm vi và đối tượng, nội dung quản lý của Bộ, Ngành rộng lớn, đa dạng, vừa có mặt rất cụ thể và cũng vừa có mặt chung, bao quát, trừu tượng, liên quan và tác động trực tiếp, quan trọng đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức trong xã hội. Công tác tư pháp luôn đòi hỏi sự chung sức và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các cấp, các ngành.

Những đặc điểm nêu trên là điểm mạnh, là ưu thế của Bộ, Ngành, nhưng đồng thời cũng là nguyên nhân khiến cho sự hiểu biết, nhận diện, nhận thức của công chúng về Bộ, Ngành Tư pháp là khó khăn, hạn chế, dẫn đến trở ngại cho việc tạo lập hình ảnh, mối quan hệ, sự gần gũi, tin cậy của công chúng đối với Bộ, Ngành.

Thực hiện “Đề án kiện toàn tổ chức và đổi mới hoạt động của Văn phòng Bộ Tư pháp giai đoạn 2009-2011” nhằm xây dựng, củng cố và nâng cao vai trò của Văn phòng Bộ để phục vụ đắc lực cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ, Ngành; xây dựng văn hóa làm việc, văn hóa phục vụ của Văn phòng theo phương châm: Chuyên nghiệp - Hiện đại - Thân thiện, năm 2009 Phòng Lễ tân - Quan hệ công chúng thuộc Văn phòng Bộ được thành lập. Được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo Văn phòng Bộ, thời gian qua, Phòng đã cố gắng, nỗ lực thực hiện ngày càng tốt hơn các nhiệm vụ được giao thuộc chức năng nhiệm vụ của mình, đó là: Về công tác lễ tân: Tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả các hoạt động lễ tân phục vụ công tác chuyên môn, đối nội, đối ngoại của cơ quan Bộ; Về công tác quan hệ công chúng: Phòng là đơn vị nòng cốt của Văn phòng về tổ chức, phối hợp tổ chức các sự kiện, hoạt động ở cấp Bộ, Ngành; làm đầu mối tham mưu thiết lập, duy trì và sử dụng hiệu quả các mối quan hệ phối hợp công tác giữa cơ quan Bộ với các cơ quan cấp trên, các Bộ, ban, ngành, địa phương và các cơ quan tổ chức khác; tổ chức thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin cho báo chí. Hoạt động của Phòng Lễ tân - quan hệ công chúng đã từng bước đi vào nề nếp, theo hướng chuyên nghiệp, thân thiện, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Văn phòng Bộ, Lãnh đạo Bộ. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có sự hạn chế về nhân lực của Phòng, công tác quan hệ công chúng của Văn phòng Bộ còn có một số mặt hạn chế, thụ động, chưa đáp ứng kịp thời và hiệu quả yêu cầu đảm bảo hỗ trợ tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ, Ngành, nhất là trong việc nâng cao hiểu biết, nhận thức của công chúng và xã hội về Bộ, Ngành; đảm bảo sự tương tác, theo dõi, nắm bắt ý kiến, thái độ, mong muốn của công chúng và xã hội; xây dựng hình ảnh, sự gần gũi, sự tín nhiệm của công chúng đối với Bộ, Ngành...vv.

Trước yêu cầu đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của Văn phòng Bộ để đáp ứng tốt yêu cầu công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của Bộ, Ngành trong thời gian tới; với định hướng công tác của Văn phòng Bộ giai đoạn 2011-2015 (đó là: Nâng tầm chiến lược chức năng, nhiệm vụ công tác văn phòng theo hướng toàn diện, bao quát công tác tư pháp; tăng cường công tác phối hợp theo hướng phản ứng nhanh nhạy với các sự kiện tư pháp), công tác quan hệ công chúng của Văn phòng Bộ đòi hỏi cần phải được chú trọng củng cố, nâng cao, khắc phục những mặt còn hạn chế để phát huy đầy đủ vai trò, tác dụng trong việc tạo nên điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ, Ngành.

2. Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác quan hệ công chúng trong thời gian tới:

Trước thực tiễn và yêu cầu như đã nêu trên, trong thời gian tới, đồng thời với việc tiếp tục đẩy mạnh thiết lập, duy trì và sử dụng hiệu quả các mối quan hệ  giao lưu, hỗ trợ, phối hợp công tác giữa cơ quan Bộ, Văn phòng Bộ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài Ngành, công tác quan hệ công chúng cần chú trọng thực hiện mục tiêu: Nâng cao sự hiểu biết, nhận thức đầy đủ và đúng đắn của các cơ quan, tổ chức, nhân dân và xã hội nói chung về Bộ, ngành Tư pháp, về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, về vai trò, tầm quan trọng của công tác tư pháp đối với việc phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường vị thế đối ngoại của đất nước; đảm bảo mối quan hệ tương tác, gần gũi, thân thiện giữa công chúng, xã hội đối với Bộ, Ngành, qua đó tạo sự đồng thuận, tin tưởng, ủng hộ, phối hợp của các cơ quan, tổ chức và nhân dân đối với việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp.

Để đạt được mục tiêu trên, Văn phòng Bộ cần chủ động thực hiện và phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Ngành tăng cường, đổi mới về nội dung, cách thức tuyên truyền, giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ, vai trò, vị trí, thẩm quyền, trách nhiệm, kết quả công tác của Bộ, Ngành Tư pháp và công tác họp báo, gặp gỡ, cung cấp thông tin cho báo chí. Thường xuyên theo dõi, lắng nghe, nắm bắt kịp thời, hiệu quả những ý kiến phản ánh, vướng mắc, mong muốn của công chúng, thông tin báo chí, dư luận xã hội đối với Bộ, Ngành, trên cơ sở đó có sự thông tin, phản hồi, biện pháp giải quyết thích hợp để đảm bảo mối quan hệ tương tác, gần gũi, thân thiện giữa công chúng, xã hội đối với Bộ, Ngành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác.

Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:

1. Văn phòng Bộ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Bộ xây dựng nội dung tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn, giải đáp về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước; về vị trí, vai trò của Bộ, Ngành Tư pháp trong bộ máy nhà nước nói riêng cũng như trong hoạt động của hệ thống chính trị nói chung; về vai trò, tác dụng, hiệu quả của công tác tư pháp đối với việc phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường vị thế đối ngoại của đất nước.

Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, thông tin về Bộ, ngành Tư pháp, về công tác tư pháp, pháp chế, thi hành án dân sự bằng nhiều hình thức thích hợp, sát thực và phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng của Bộ và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

2. Mở chuyên trang “Bộ Tư pháp với công chúng” trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ để tạo ra kênh thông tin kết nối, tương tác giữa Bộ, Ngành với các cơ quan, tổ chức, nhân dân, tạo điều kiện cho công chúng tham gia ý kiến, phản ánh, trao đổi thông tin với Bộ, Ngành, đồng thời định hướng, giải đáp, hướng dẫn, xử lý các thông tin liên quan đến Bộ, Ngành một cách thuận tiện, nhanh chóng.

3. Đổi mới nội dung, cách thức tổ chức các cuộc họp báo, gặp gỡ các cơ quan báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề thiết thực được báo chí, nhân dân, dư luận xã hội quan tâm về Bộ, Ngành. Nắm bắt, tổng hợp các vấn đề được các cơ quan báo chí quan tâm trước khi tiến hành họp báo, gặp mặt báo chí.

4. Thực hiện giám sát việc tuân thủ và thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin cho báo chí của các đơn vị thuộc Bộ để đảm bảo đúng theo Quy chế của Bộ về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được ban hành theo Quyết định số 10/2007/QĐ-BTP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

5. Tăng cường tính chủ động, tham mưu định hướng, xây dựng kế hoạch hàng năm về tổ chức sự kiện, hoạt động của Bộ, Ngành với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, bám sát điều kiện, yêu cầu, đòi hỏi tình hình thực tế trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác của Bộ, Ngành.

6. Không ngừng củng cố, tăng cường tính chuyên nghiệp, thân thiện trong công tác tổ chức và thực hiện nghi thức lễ tân phục vụ các sự kiện, hoạt động của Bộ, Ngành để tạo sự thiện cảm, xây dựng hình ảnh tốt đẹp của Bộ, Ngành đối với công chúng.

L.T.A