1. Nguồn gốc và triết lý của hệ thống đối tụng
Trên thế giới ngày nay tồn tại hai hệ thống tố tụng chính để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân tại cơ quan xét xử là hệ thống tố tụng thẩm vấn (inquisitorial system)- chủ yếu tồn tại trong hệ thống dân luật và hệ thống đối tụng (adversary system)- chủ yếu tồn tại trong hệ thống luật án lệ. Cụm từ “adversary system” được nhiều tài liệu nghiên cứu tại Việt Nam dịch là “hệ thống tranh tụng” hay “thủ tục tranh tụng”. Tuy nhiên bài viết này sẽ sử dụng thuật ngữ “hệ thống đối tụng” để phản ánh sâu sắc hơn và rõ nét hơn bản chất của hệ thống này nhìn từ góc độ triết lý tố tụng.
Truy tầm về cội nguồn của hệ thống đối tụng, các nhà nghiên cứu pháp lý cho rằng vào thời kỳ trung cổ, do thường xảy ra những tranh chấp đất đai, lãnh địa giữa các quý tộc, địa chủ. Tranh chấp liên quan đến đất đai, lãnh địa giữa hai quý tộc thường được giải quyết bởi một trận đấu kiếm chủ toạ bởi nhà vua. Cuộc đấu kiếm này được tổ chức trên cơ sở những luật lệ truyền thống và nguyên tắc đạo đức chặt chẽ. Mỗi hiệp sỹ sẽ đại diện cho phía một bên chủ đất có tranh chấp. Mục tiêu của cuộc đấu này là để hiệp sỹ này đánh ngã hiệp sỹ kia hoặc ngược lại. Quý tộc, địa chủ có hiệp sỹ thắng trận trong cuộc đấu kiếm sẽ được tuyên bố là chủ sở hữu của vùng đất, lãnh địa xảy ra tranh chấp. Những hiệp sỹ tham gia trận đấu được gọi là kẻ thù (adversaries) hay là những đối thủ (opponents). Nhưng có thể nói, hệ thống đối tụng có nguồn gốc từ nhu cầu giải quyết những tranh chấp đất đai, lãnh địa trong xã hội từ thời trung cổ.
Theo Martin P.Golding trong bài viết Về mối quan hệ giữa hệ thống đối tụng và công lý (On the adversary system and justice), hệ thống đối tụng được hình thành trên cơ sở chấp nhận một trong những khái niệm công lý mà Socrates phê phán trong cuốn thứ nhất của tác phẩm Nền Cộng hoà: Công lý là làm tốt cho bạn bè và làm hại kẻ thù (Justice is helping your friends and harming your enemies). Những cụm từ mang tính chất đối lập như “bạn bè” và “kẻ thù”, “giúp đỡ” và “làm hại” đã thể hiện tinh thần đối kháng, đối lập mạnh mẽ trên con đường tiếp cận công lý. Tuy nhiên Socrates cũng khẳng định công lý phải là một “nghệ thuật”. Tinh thần này đã trở thành nguyên tắc thống trị, xuyên suốt trong suốt quá trình xét xử của hệ thống đối tụng. Hệ thống xét xử này, như tên gọi của nó, được dựa trên cơ sở nguyên tắc hai bên tranh đấu để chiến thắng trong mỗi vụ việc, mỗi bên sẽ là đối thủ, là kẻ thù của phía bên kia.
Theo Stephan Lansman trong cuốn Hệ thống đối tụng - Mô tả và những quan điểm bảo vệ (The Adversary System: A Description and Defense) thì những thành tố cơ bản của hệ thống đối tụng đã xuất hiện từ những năm 1700, nhưng đến những năm 1800, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của của các học thuyết về quyền tự do cá nhân thì hệ thống đối tụng đã được hoàn thiện và phát triển. Điểm cơ bản của triết lý về hệ thống đối tụng là sự khẳng định một cách dứt khoát việc khu biệt chức năng tư vấn ra khỏi thẩm phán hoặc từ thẩm phán ra khỏi bồi thẩm đoàn. Các quyết định của thẩm phán phải khách quan, không bị ảnh hưởng hay bóp méo càng nhiều càng tốt. Thẩm phán phải hoạt động như một trọng tài vô tư, không thiên vị để khẳng định rằng những quy định về chứng cứ và thủ tục được nghiêm túc thực hiện và các bên được đối xử công bằng trong quá trình thu thập và xét xử.
Vai trò của hệ thống đối tụng là cung cấp thủ tục pháp lý, các cơ chế vận hành cần thiết để các bên trình bày vụ việc của mình một cách khách quan nhất, công bằng nhất có thể. Hệ thống đối tụng được thực hiện trong giải quyết các vụ việc dân sự và các vụ án hình sự. Trong vụ án hình sự, nhà nước cố gắng chứng minh bị cáo có tội và bị cáo phải chiến đấu, tranh luận để chứng minh rằng mình vô tội. Nếu bị cáo bị kết tội, cơ quan công tố là người chiến thắng, nếu bị cáo không bị kết tội, bị cáo là người chiến thắng. Tại các vụ việc dân sự, nguyên đơn cố gắng chứng minh bị đơn có lỗi và bị đơn phải cố gắng chứng minh mình không có lỗi. Các cuộc tranh luận pháp lý tại toà cũng được tổ chức bởi những quy định nghiêm ngặt về thủ tục và chứng cứ mà các bên phải nghiêm cẩn tuân theo.
Tự kiểm soát vụ việc là một ưu điểm nổi bật của hệ thống đối tụng. Các bên đương sự sẽ hài lòng với kết quả tranh tụng nếu họ có khả năng kiểm soát những hành vi, hoạt động của họ đối với vụ việc. Nó cho phép các bên được tranh luận, chủ động chuẩn bị cho vụ việc của mình, từ đó tạo điều kiện tối đa để các bên phản ánh đúng bản chất của vụ việc trong quá trình tranh tụng. Tự kiểm soát vụ việc có vai trò đặc biệt quan trọng trong các vụ án hình sự bởi vì một người bị truy tố bởi cơ quan công quyền nhưng lại không hoàn toàn phụ thuộc vào sự bảo vệ của nhà nước (cũng là cơ quan đang thực hiện chức năng truy tố). Còn trong vụ việc dân sự, các bên có thể giải quyết các khác biệt mà không cần có sự can thiệp quá sâu của nhà nước.
Tuy nhiên, yếu điểm chính của hệ thống đối tụng chính là hệ thống này có xu hướng tạo ra tình trạng đối đầu và thù địch giữa các bên hơn là giải quyết những sự khác biệt theo con đường hoà bình, thân thiện. Ngoài ra, các vụ việc có thể được các cá nhân đưa ra toà một cách tự do theo quyền quyết định của các bên nên có thể dẫn đến tình trạng quá tải tại các toà án do thiếu nhân sự và phương tiện phục vụ. Chi phí cho quá trình tố tụng cao và sự thiếu bình đẳng trong đại diện pháp lý cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của hệ thống đối tụng. Bên cạnh đó, do dựa chủ yếu vào chứng cứ, tranh luận được trình bày giữa hai bên nên trong một số trường hợp, sự thật của vụ việc có thể không được tìm thấy.
2. So sánh giữa hệ thống đối tụng và hệ thống tranh tụng thẩm vấn:
Trong hệ thống tranh tụng thẩm vấn truyền thống, nghề thẩm phán được chia thành hai nhánh, một nhánh gồm một số thẩm phán thực hiện hoạt động kiểm soát việc điều tra vụ việc, thu thập chứng cứ (cùng với cảnh sát) và một nhánh kiểm soát vụ việc trước và tại phiên toà. Trong suốt quá trình xét xử, thẩm phán có trách nhiệm thẩm tra và tìm ra sự thật bằng cách thẩm vấn các nhân chứng và kiểm tra các chứng cứ cần thiết. Sự khác biệt chính giữa hệ thống đối tụng và hệ thống tranh tụng thẩm vấn chính là vai trò của thẩm phán. Trong hệ thống đối tụng, thẩm phán giữ vai trò như một trọng tài độc lập để đảm bảo “trận đấu” được công bằng và các bên phải tuân thủ các luật lệ. Trong khi đó, thẩm phán trong hệ thống tranh tụng thẩm vấn có vai trò tích cực hơn.
Hệ thống tranh tụng thẩm vấn có các đặc điểm cơ bản sau:
- Thẩm phán kiểm soát quá trình điều tra,
- Đây là hệ thống được thiết kế để hướng tới yêu cầu tìm ra sự thật,
- Các đại diện pháp lý có vai trò thấp hơn do việc thẩm vấn và điều tra do thẩm phán thực hiện là chính,
- Chứng cứ được thu thập bởi thẩm phán điều tra và được giữ trong hồ sơ để phục vụ cho cả hai phía,
- Hệ thống này chủ yếu dựa vào chứng cứ viết,
- Chứng cứ về nhân cách và lý lịch nhân thân trong quá khứ được thẩm định bởi thẩm phán điều tra,
- Nhân chứng được kể về sự việc theo cách hiểu của riêng mình,
- Chuyên gia về chứng cứ thường được triệu tập bởi thẩm phán,
- Trong các vụ việc hình sự, chi phí tranh tụng được trang trải bằng ngân sách nhà nước.
Sự khác biệt của hệ thống đối tụng với hệ thống tranh tụng thẩm vấn được thể hiện rõ nét qua các đặc điểm chính sau đây:
Nội dung phân biệt |
Hệ thống đối tụng |
Hệ thống thẩm vấn |
Vai trò của Thẩm phán |
Thẩm phán dành quyền cho các bên:
* Trong vụ án hình sự, cảnh sát và công tố viên chịu trách nhiệm điều tra và thu thập chứng cứ. Bị can trong vụ án hình sự và bị đơn trong vụ việc dân sự phải tự điều tra vụ việc của mình.
* Thẩm phán chỉ tham gia khi vụ việc được đưa đến Toà án, tuy nhiên thẩm phán chỉ thực hiện việc hướng dẫn để đảm bảo vụ việc được giải quyết nhanh chóng và đúng quy định. Trong suốt quá trình tranh tụng, thẩm phán không dẫn dắt chứng cứ mà chỉ đặt ra câu hỏi và yêu cầu nhân chứng làm rõ những điểm được nêu ra bởi các bên. |
Thẩm phán giữ quyền chủ động, tích cực:
* Thẩm phán xác định các vấn đề của vụ việc và kiểm soát việc điều tra và thẩm tra các chứng cứ tại phiên toà. |
Vai trò của đại diện pháp lý |
Đại diện pháp lý đóng vai trò quan trọng nhất trong việc điều tra vụ việc cho khách hàng và đưa ra các chứng cứ đến toà để thẩm tra. |
Đại diện pháp lý là không cần thiết, các đại diện pháp lý chỉ giữ vai trò giúp thẩm phán tìm ra sự thật. Họ có thể đặt câu hỏi cho nhân chứng sau khi thẩm phán kết thúc kiểm tra và phải được sự đồng ý của thẩm phán. |
Thu thập chứng cứ |
Chứng cứ được thu thập bởi các bên. |
Chứng cứ được thu thập bởi thẩm phán, hồ sơ bao gồm tất cả các lời khai và chứng cứ đã thu thập. |
Chứng cứ |
Hệ thống này chủ yếu dựa vào chứng cứ miệng. Có những quy định chặt chẽ về chứng cứ và thủ tục thu thập chứng cứ. |
Hệ thống này chủ yếu dựa trên chứng cứ viết mặc dù nhân chứng phải thẩm vấn tại toà (Tình trạng án tại hồ sơ). Tuy nhiên, không có những quy định chặt chẽ về chứng cứ và thủ tục thu thập chứng cứ. |
Chứng cứ về nhân cách và lý lịch nhân thân trong quá khứ |
Chứng cứ về nhân cách và lý lịch nhân thân trong quá khứ thường không được chấp nhận. Về cơ bản, chứng cứ về nhân cách, nhân thân xấu không được chấp nhận trong các vụ án hình sự. Lý lịch nhân thân cũng không được chấp nhận trước toà nếu nó được sử dụng để chống lại bị cáo trừ một số vụ việc như những chứng cứ về thiên hướng của bị cáo trong các vụ án hiếp dâm. |
Chứng cứ về nhân cách, tính cách và lý lịch nhân thân trong quá khứ được chấp nhận để xem xét, làm căn cứ xử lý vụ việc. |
Nhân chứng |
Nhân chứng phải trả lời câu hỏi. Nhân chứng chỉ được phép trả lời câu hỏi và thường bị ngắt nếu họ cố gắng minh chứng cho một luận điểm. Điều này thường làm cho nhân chứng mất bình tĩnh, do đó, những thông tin quan trọng có thể không được đưa ra ánh sáng. |
Nhân chứng kể lại sự việc theo cách hiểu của mình mà không bị ngắt quãng bởi các câu hỏi. |
Tìm kiếm sự thật |
Hệ thống này được thiết kế giúp các bên tự kiểm soát vụ việc và cung cấp cho các bên cơ hội bình đẳng để thắng kiện. Sự thật có thể không được luôn luôn tìm thấy trong hệ thống này. |
Hệ thống này được thiết kế nhằm tìm kiếm sự thật. Thẩm phán phải điều tra vụ việc để tìm ra sự thật. Tuy nhiên, có một nhược điểm là do thẩm phán đã hiểu rõ những thông tin về nhân cách và lý lịch nhân thân của bị cáo nên những điều này có thể ảnh hưởng, làm sai lệch quan điểm của thẩm phán đối với bị cáo. |
Ths. Luật so sánh Nguyễn Xuân Tùng - Trưởng phòng Công tác cán bộ Vụ TCCB
* Bài viết được trích từ Tiểu luận tốt nghiệp môn “Tranh tụng và giải quyết xung đột trước thách thức của quốc gia và toàn cầu trong thế kỷ 21” (Litigation and Conflict Resolution: Meeting domestic and global challenges in the 21st century) của tác giả trong Chương trình đào tạo thạc sỹ luật so sánh tại Khoa Luật Đại học Melbourne Australia.