Trong thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo hai loại đơn (vụ việc) khiếu nại và tố cáo đã được nêu khái niệm cũng như quy định khá cụ thể về thời hạn, thời hiệu, và trình tự, thủ tục giải quyết theo luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan quản lý còn phân ra 02 loại đơn (vụ việc) khác đó là đơn (vụ việc) kiến nghị và phản ánh.
Đây là những loại đơn (vụ việc) phát sinh trong thực tiễn (thường chiếm tỷ lệ từ 10 đến 15%) mà cơ quan quản lý hành chính nhà nước không thể xếp cùng với hai loại đơn (vụ việc) khiếu nại hay tố cáo bởi chúng có những tính chất và đặc điểm riêng. Có thể nói đơn (vụ việc) kiến nghị, phản ánh là một kênh thông tin giúp nhà quản lý làm tốt hơn nhiệm vụ của mình đồng thời nó thể hiện quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý nhà nước về các lĩnh vực. Cho đến nay chưa có văn bản nào chính thức nêu ra khái niệm cũng như quy định về trình tự thủ tục và thời hạn, thời hiệu giải quyết các loại đơn (vụ việc) này. Vì vậy, chưa có sự thống nhất giữa các địa phương, mỗi nơi có thể phân loại và xử lý khác nhau, làm hạn chế nhất định đến chất lượng và kết quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung. Việc đưa ra khái niệm cơ bản và quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết 02 loại đơn nói trên trong văn bản pháp luật theo chúng tôi là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc phân định tính chất và đặc điểm giống nhau và khác nhau giữa hai loại đơn này để nêu ra một khái niệm cụ thể đang sự là vướng mắc nhất hiện nay đối với các nhà làm luật và các nhà quản lý. Trong bày viết này chúng tôi xin mạnh dạn nêu ra một số ý kiến trao đổi trong việc đưa ra khái niệm và đề xuất việc xử lý, giải quyết 2 loại đơn (vụ việc) nêu trên. Rất mong được sự quan tâm của bạn đọc.
I. KHÁI NIỆM
1. Về Kiến nghị: Là việc công dân hoặc tổ chức đề nghị với cá nhân, hoặc cơ quan quản lý hành chính nhà nước có thẩm quyền cần xử lý, điều chỉnh, sửa đổi hoặc có các giải pháp, biện pháp và hình thức quản lý, điều hành một lĩnh vực chuyên môn nào đó đã được triển khai thực hiện trong quá trình quản lý hành chính nhà nước; các giải pháp, biện pháp và hình thức quản lý đó mà chủ thể kiến nghị cho rằng sẽ không hiệu quả, không phù hợp, không khả thi, có thể gây hoặc đã gây hậu quả xấu đến hoạt động bình thường và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và tập thể. Như vậy, quyền và lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng xấu (có thể bị thiệt hại cụ thể về vật chất) ở đây không nhất thiết là của chính người hoặc tổ chức kiến nghị mà có thể ảnh hưởng đến lợi ích chung của nhiều người, của cộng đồng dân cư theo khu vực hoặc của nhiều cơ quan, tổ chức.
Như vậy, các giải pháp, biện pháp, và các hình thức quản lý điều hành một lĩnh vực chuyên môn nào đó gây hậu quả hoặc có thể gây hậu quả không tốt đến quyền, lợi ích hợp pháp và hoạt động bình thường của công dân, tổ chức, tập thể là do ý chí chủ quan của người và cơ quan có thẩm quyền ban hành, hoặc triển khai thực hiện nhằm đạt được mục đích quản lý. Các giải pháp, biện pháp và các hình thức điều hành bị kiến nghị đã được ban hành hoặc đã được triển khai trên thực tế.
Ví dụ: Những hậu quả xấu ở đây do chính người có thẩm quyền hoặc cơ quan thực thi nhiệm vụ gây ra như việc triển khai thực hiện các dự án thuỷ điện làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất, sinh hoạt và văn hoá của khu vực dân cư vùng hạ lưu; các biện pháp triển khai thực hiện các chương trình của Chính phủ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số còn có những mặt hạn chế…. Vụ việc được kiến nghị cũng có thể xuất phát từ việc ban hành các quy định không phù hợp, không khả thi của cơ quan quản lý, có thể gây ra những hậu quả không tốt trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, như quy định phương tiện xe máy mang biển số ngoại tỉnh không được vào thành phố…
2. Về phản ánh: Là việc công dân, tổ chức nêu lên và đề xuất với cá nhân, đơn vị có thẩm quyền xem xét, xử lý kịp thời những sự việc phát sinh làm ảnh hưởng xấu đến các hoạt động bình thường hoặc gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp trong các lĩnh vực của đời sống xã hội của cá nhân, tổ chức và tập thể.
Sự việc được phản ánh không nhất thiết do cơ quan hoặc người có thẩm quyền tạo nên mà có thể do nhiều đối tượng gây nên, trong đó có thể có cả con người, thiên nhiên và thậm chí cả động vật…
Ví dụ:
- Những vụ việc phát sinh có thể do con người gây nên, như quá trình thi công công trình giao thông, một đơn vị sau khi thi công xong tuyến đường đã bỏ lại nhiều vật liệu dư thừa trên vỉa hè, việc lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh, việc xả rác bừa bãi… làm cản trở giao thông, gây ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt, đi lại, kinh doanh buôn bán, cảnh quan và ô nhiễm môi trường của khu vực và các hộ dân khu dân cư; tình trạng một khu dân cư nào đó có hiện tượng tập trung các đối tượng xấu như hút chích xì ke, ma tuý.
- Có thể do thiên tai gây nên như: Lũ lụt cầu cống bị hỏng, gây ách tắc giao thông, mưa gió làm hỏng đường dây dẫn điện có thể gây nguy hiểm cho con người…
- Có thể do động vật gây nên, như thú dữ phá hoại hoa màu, nhà cửa, gieo rắc dịch bệnh…
3. Điểm khác nhau cơ bản giữa đơn kiến nghị và phản ánh:
- Đối với đơn kiến nghị, vụ việc phát sinh kiến nghị chủ yếu do con người, cơ quan có thẩm quyền tạo nên và thường đã được các cơ quan chức năng biết nhưng chưa có biện pháp khắc phục hoặc đã khắc phục nhưng chưa đến nơi, đến chốn.
- Đối với đơn phản ánh, hầu hết những vụ việc phát sinh do công dân, tổ chức phát hiện và phản ánh với cơ quan chức năng; và qua phản ánh của công dân, tổ chức thì cơ quan chức năng mới nắm bắt được. Vụ việc phát sinh phản ánh có thể do con người (chủ thể quản lý) hoặc do khách quan như thiên tai…gây ra.
II. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT
Do tính chất đặc thù của hai loại đơn kiến nghị và phản ánh nói trên, nên chúng ta không thể áp dụng trình tự, thủ tục giải quyết như đối với đơn khiếu nại, tố cáo.
Khi đã xác định được đơn (vụ việc) thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì cá nhân, cơ quan phải căn cứ nội dung và tính chất từng vụ việc để đưa ra các biện pháp giải quyết phù hợp, kịp thời, đúng pháp luật. Chúng ta nên phân ra 02 loại như sau:
1. Những nội dung vụ việc kiến nghị, phản ánh mang tính sự vụ, cấp thiết: Tập trung do khách quan gây nên như thiên tai, bão lụt làm cầu cống, đường sá bị hỏng, nhà cửa bị hư hại…. Những vụ việc này người và cơ quan có trách nhiệm chỉ cần cử cán bộ có chuyên môn kiểm tra cụ thể; nếu thấy đúng như sự việc kiến nghị, phản ánh thì có thể cho triển khai ngay các biện pháp như huy động phương tiện kỹ thuật, nhân công khắc phục mà không cần thiết phải thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra theo trình tự thủ tục
2. Những nội dung vụ việc cần có thời gian xác minh làm rõ: Đây là những vụ việc nếu chỉ kiểm tra, xác minh trong thời gian ngắn thì chưa thể xác định sự việc đúng hay sai, cần có thời gian xác minh, kiểm chứng, đánh giá mới đi đến kết luận cụ thể, chính xác, như kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi các biện pháp triển khai thực hiện một chương trình, một lĩnh vực chuyên môn nào đó; như phản ánh có hiện tượng buôn bán, hút chích ma tuý ở một khu dân cư nào đó. Những nội dung vụ việc nêu trên cơ quan quản lý hoặc cá nhân có trách nhiệm cần thành lập các tổ chuyên môn, có thể có sự phối hợp của nhiều bộ phận chuyên môn, kiểm tra, xác minh cụ thể để kết luận và đưa ra biện pháp giải quyết.
Theo chúng tôi, dù vụ việc kiến nghị hay phản ánh ở trong trường hợp nào thì việc xem xét xử lý, giải quyết cần thực hiện kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả. Các biện pháp đưa ra để xem xét, giải quyết không nhất thiết phải theo một trình tự thủ tục nhất định, cơ quan, người có thẩm quyền cần căn cứ tính chất, nội dung vụ việc để đưa ra các giải pháp, biện pháp giải quyết phù hợp.
Tô Văn Huyên, Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột