Lúng túng xác định VBQPPL
Theo kết quả giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về ban hành VBQPPL của HĐND, UBND của Đoàn giám sát, Ủy ban thường vụ Quốc hội còn nhiều điểm vênh nhau giữa văn bản hướng dẫn và Luật. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL thì: “Văn bản QPPL chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ hoặc bãi bỏ bằng một văn bản QPPL của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành, huỷ bỏ, bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Tuy nhiên, Nghị định 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật lại liệt kê Nghị quyết hủy bỏ, bãi bỏ văn bản QPPL của HĐND, UBND không phải là văn bản QPPL.
Cũng theo Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND thì: HĐND ban hành văn bản QPPL trong trường hợp quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…ở địa phương. Tuy nhiên, Nghị định 91 lại liệt kê quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của đơn vị hành chính địa phương không phải là văn bản QPPL.
Theo phản ánh của một số địa phương xuất phát từ việc quy định của cơ quan trung ương còn khác nhau nên có địa phương coi văn bản quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là văn bản QPPL và xây dựng theo trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2004, có địa phương không coi đây là văn bản QPPL và ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục thông thường. Chính việc chưa xác định rõ VB nào là VBQPPL nên quy trình xây dựng, ban hành VB ở mỗi địa phương là khác nhau.
Đoàn giám sát cũng cho biết: đa số các địa phương phản ánh với những tiêu chí quy định như trong Luật và trong Nghị định 91 thì chưa đủ căn cứ để phân biệt được văn bản cá biệt và văn bản QPPL.
Những quy định không thống nhất giữa Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2004 và các văn bản hướng dẫn đã làm ảnh hưởng đến chất lượng văn bản và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền địa phương.
Ai có quyền ký văn bản?
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND thì: “Chủ tịch HĐND ký chứng thực Nghị quyết”. Tuy nhiên Nghị định 91 lại quy định: “Trong trường hợp Chủ tịch HĐND vắng mặt thì Phó Chủ tịch HĐND có thể ký thay Chủ tịch”. Quy định này cũng không phù hợp với Điều 50 của Luật Tổ chức HĐND và UBND: “Trong trường hợp Chủ tịch HĐND vắng mặt thì Chủ tọa phiên họp ký chứng thực Nghị quyết và các biên bản phiên họp của HĐND”.
Bên cạnh đó, cũng theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND thì: “Chủ tịch UBND thay mặt UBND ký ban hành Quyết định, Chỉ thị” nhưng theo Nghị định 91, trường hợp Chủ tịch UBND vắng mặt thì Phó Chủ tịch UBND có thể ký thay Chủ tịch.
Qua thực tế nêu trên, Đoàn Giám sát đề nghị Chính phủ khẩn trương tổng kết việc thi hành Luật ban hành văn bản QPPL năm 2004. Trong khi chờ đợi, trước mắt đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành để khắc phục những điểm không phù hợp, thiếu thống nhất với Luật nêu trên.
Thu Hằng
Điều 10 của Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND quy định: “Văn bản QPPL của HĐND, UBND phải được thường xuyên rà soát và định kỳ hệ thống hóa” mà không quy định cụ thể định kỳ là bao nhiêu. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 91 lại quy định “Văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp tỉnh được hệ thống hóa định kỳ 5 (năm) năm theo chuyên đề, lĩnh vực”. Đoàn giám sát cho rằng, việc quy định thời hạn định kỳ hệ thống hóa văn bản là không phù hợp với thực tế, không kịp thời cập nhật văn bản QPPL của địa phương. |